Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

CÔ GÁI GÁC RỪNG (truyện dài)





Tiến tới Tết Trung Thu các bạn đến 4 Đinh Lễ, Hà Nội, mua sách " CÔ GÁI GÁC RỪNG" tặng các cháu, món quà nhân văn sáng tạo cao nhất các thời đại!

ĐT cô bán hàng: 04 3938 7997


Mục lục

Lời giới thiệu

        Cuộc đời mỗi chúng ta mang nhiều mơ ước, khát vọng sống yêu, gìn giữ vun đắp những giá trị tình cảm với thiên nhiên, với truyền thống văn hóa cộng đồng, với cuộc đời bên ta. Có bao điều mãi mãi của riêng vẫn được cất giấu như những gì quý giá nhất, những nỗi buồn day dứt, những nụ cười tươi trên ánh mắt làn môi. Nhớ, sống cho mình, cho nhau, cứ thế dài theo năm tháng và chuyển hóa thành giá trị nhân văn nối tiếp bao thế hệ.
Ấn tượng mạnh nhất đó là ước mơ hành động tuổi trẻ, tình yêu vô tư trong sáng. Khoa phân tâm học lưu ý những ký ức tuổi thơ ảnh hưởng suốt đời con người. Mỗi người là một huyền thoại, một tiểu thuyết tình cảm, một áng thơ, một bài ca, một diễn viên trong kịch bản sân khấu, một bức họa... Chúng ta sống trong hiện thực, nhưng hiện thực đầy mộng mơ và lãng mạn, hiện thực của mỗi thời đại dấu ấn lên mỗi người.
Những góc cạnh của mỗi thân phận cho cách nhìn khác nhau, cách tư duy tình cảm phong phú nhưng đồng cảm với từng nhóm cộng đồng.
Tập truyện “Cô gái gác rừng”, gồm nhiều tập có lẽ là một kỷ niệm cá nhân của tác giả được thăng hoa, hòa đồng với từng nhóm cộng đồng.
Bắt đầu từ cuộc mưu sinh của gia đình gấu ở cánh rừng nhiệt đới phía Đông như nhiều câu chuyện lấy chú gấu làm hình tượng cho cuộc sống. Mưu sinh và cạnh tranh, con người ứng xử với thiên nhiên thế nào cho hài hòa, tránh lỗi lầm bản năng, tránh tội ác hủy hoại. Cánh rừng Đông bí ẩn giữa các nhóm mưu sinh, sinh tồn. Việc một “thực tặc” - kẻ say mê món ăn sinh vật rừng biến thành “dã nhân” là một giả tưởng cảnh báo tội lỗi gián tiếp của nhóm người tàn phá sự sống quanh ta. Những con thú rừng Đông trước những trận cháy rừng, mưa rừng, phá rừng, nước dâng quá mức, đấu tranh trong loài, đàn gia súc chăn nuôi cạnh tranh đồng cỏ và phản ứng của chúng.
Khi xuất hiện con người vào rừng Đông, trong truyện là cô bác sỹ Mom  chăm sóc bảo vệ rừng, đã nhận được sự đồng thuận, và cả sự chống đối của những thế lực cạnh tranh. Chỉ con người với tấm lòng nhân ái, thông minh mới cứu được bầy thú qua lửa thiêu, đói khát, bệnh tật. Con “dã nhân” đã bắt bác sỹ Mom cũng để mưu tìm phục sinh lại kiếp người. Những dòng nhật ký từ ngày cô bác sỹ xinh đẹp bị bắt nhốt trong hang Thủy Thần muốn nói nên lòng nhân hậu, vị tha, sắc đẹp, trí thông minh của con người đã cải hóa những thói hung dữ, tàn ác tồn tại đối lập với xu thế phát triển bền vững.
Những trang viết về bầy thú, cô bác sỹ Mom phiêu lưu mạo hiểm là cách thể hiện đặc biệt tình yêu cuộc sống gợi lại những suy nghĩ tình cảm của bạn đọc về trách nhiệm cá nhân với cuộc đời, với thiên nhiên quanh ta. Tình yêu thiên nhiên, chăm sóc những con thú là chỉ báo về tình cảm, tình yêu của con người.
Lòng nhân ái, lãng mạn đi suốt trong mạch văn tác giả. Lấp ló yếu tố tâm linh ở nhân vật người “Thành phố Bảo Phải Nghe” sống cùng hiện tại nhưng thời gian lại ở phía sau chúng ta 200 năm. Giả tưởng này mơ mộng một tương lai, trân trọng truyền thống, trách nhiệm ngay ở hành động hiện tại. Cái tôi trữ tình thầm kín là đặc trưng của truyện, có gì đó thầm thì, nhỏ nhẹ tâm tình với người đọc. Truyện ít nhân vật, nhân vật không rõ tên riêng nhưng trải trên không gian, thời gian rộng dài càng làm tăng tính mông lung, mỉm cười, suy ngẫm.
Sự xuất hiện yếu tố của thời đại tin học, internet toàn cầu cho thấy giao diện tình cảm đa chiều mà tác giả đã đặt mình vào chính câu chuyện và thoại với nhân vật, đó là nickname - biệt danh HDN - người viết truyện.
Tác giả không chuyên nghiệp, lần đầu thể hiện không tránh khỏi những khiếm khuyết, bù lại là một mạch viết ẩn hiện một trái tim, tâm hồn đã một thời kìm nén, nay bập bùng trên dòng viết vun đắp ngọn lửa yêu thương. Mong bạn đọc sẽ lượng thứ và đóng góp động viên cùng với tác giả trong tập truyện đầy dấu ấn ngộ nghĩnh tuổi thơ.


NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN

    Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

    Mùa thu



     
    Lúa chín vàng trong thung
    Núi không lùn được nữa
    Trời xanh như muôn thuở
    Thu trở về em ơi

    Anh muốn làm mây trôi
    Khắp khung trời cao rộng
    Ru em êm giấc mộng
    Thiên thần thắm nụ hôn

    Trời thu xanh cao hơn
    Trăng vàng lên rực rỡ
    Trăng tròn như muốn vỡ
    Rắc lộc vàng muôn nơi

    Mùa thu về em ơi
    Hoa cúc vàng hương bay
    Men tình lên cơn  say
    Tiếng ca chiều chim hót
    Nắng rớt vàng mật ngọt
    Yêu em yêu mùa thu

    Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

    "Lá đơn đặc biệt" 2 ngày sau khi TQ xâm lược VN năm 1979

    Trong câu chuyện với chúng tôi, cựu binh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là giảng viên trường ĐH Phương Đông), tác giả bài thơ Bình độ 400 nổi tiếng còn cung cấp một lá đơn xin chiến đấu được chép lại mà ông cất giữ như một kỷ vật hết sức thiêng liêng.
    Theo lời ông Hùng kể, chập tối ngày 22 tháng 2 năm 1979, những người lính Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn An Lão, Sư đoàn Sao Vàng, mặt trận Lạng Sơn, đang chiến đấu lấy lại đồi Thâm Mô (gần thị xã Đồng Đăng) thì "tóm" được một thanh niên nhỏ nhắn, da đen, nhanh nhẹn tên Thành, mang theo lá đơn xin chiến đấu.

    "Anh Thành cho biết đã bắt tàu từ Hà Nội lên và đưa cho chỉ huy đơn vị một lá đơn xin cầm súng chiến đấu "Kính gửi các thủ trưởng đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam". Trong đơn, anh Thành bày tỏ không thể ngồi yên học hành khi đồng bào và đồng chí của anh đang đổ máu trên tuyến đầu Tổ quốc bảo vệ từng tấc đất thân yêu. Và anh khẩn thiết đề nghị các thủ trưởng hãy cho anh sống, chiến đấu tại nơi đây... Sau khi xem xét đơn các thủ trưởng đã đồng ý với lá đơn đề nghị của anh.
    Mọi chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu như không có sự việc chỉ sau vài tiếng đồng hồ nộp đơn từ đêm hôm đó đến sáng hôm sau, anh Thành đã không còn nữa. Những người đồng đội đã xác nhận, anh ấy đã chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh tại mặt trận...", ông Hùng bùi ngùi kể lại

    Lá đơn xin chiến đấu chỉ một đêm của liệt sỹ Thành cách đây 35 năm
    Lá đơn xin chiến đấu chỉ một đêm của liệt sỹ Thành cách đây 35 năm

    Năm 1980 nhận hồ sơ, khi lập danh sách đề nghị tiểu đoàn chuyển trung đoàn công nhận liệt sỹ Phạm Quang Thành, đơn vị đã xác định được quê quán của anh ở xóm 2, thôn Mỹ Bổng, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình..

    Trong di vật còn lại được gửi về lên cấp trên bao gồm một số ảnh tập thể sinh viên, thư của người bạn gái, bản chính đơn xin chiến đấu...


    Cũng theo ông Hùng cho biết, liệt sỹ Thành từng tham gia chiến đấu và là thương binh chống Mỹ nhưng vẫn quyết tâm, tự nguyện xung phong lên chiến đấu, anh dũng ngã xuống ở mặt trận biên giới phía Bắc.

    Ông Hùng tâm sự: "Anh Thành nộp đơn xong rồi cầm súng chiến đấu luôn cùng đơn vị và hy sinh ngay trong đêm ác liệt đó nên nhiều anh em vẫn còn chưa biết rõ mặt mà chỉ biết qua những tấm ảnh trong di vật còn lại.

    Hơn 35 năm rồi nhưng chúng tôi vẫn không thể nào quên về anh, một trường hợp rất đặc biệt, đi hàng trăm km lên nộp đơn, chiến đấu và hy sinh chỉ vài giờ sau đó. Tuy nhiên, chỉ có điều canh cánh đến giờ là không biết biết gia đình đã tìm và đưa anh về với quê hương chưa. Thực sự, chiến tranh quá ác liệt và nếu không có nó, có lẽ, anh Thành đã có thể sống và cống hiến cho đất nước nhiều hơn..."


                                    Nội dung lá đơn của Phạm Quang Thành:
    Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
    Độc lập -Tự do - Hạnh phúc
    ĐƠN XIN CHIẾN ĐẤU
    Kính gửi các thủ trưởng trong đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam
    Tên tôi là: Phạm Quang Thành, là học sinh năm thứ nhất khoa toán trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi xin trình bày một việc sau đây:
    Sau khi nghe sự kiện 4 giờ sáng ngày 17-2-1979 bọn phản động Trung quốc đã xâm phạm lãnh thổ nước ta, lòng tôi như lửa đốt. Tôi không thể ngồi yên học hành khi đồng bào và đồng chí của tôi đang đổ máu trên tuyến đầu Tổ quốc bảo vệ từng tấc đất thân yêu. Tôi đã làm đơn xin đi chiến đấu, nhưng vì tôi là một người lính đã trở về trường học tập nên việc xin nhập ngũ là rất khó. Chính vì vậy tôi đã đi từ Hà Nội lên đây và sẽ xin vào công tác ở bất cứ đơn vị cầm súng đánh giặc. Tôi biết đó là một khuyết điểm của mình, nhưng đánh xong giặc tôi sẽ xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân với khuyết điểm của mình. Là một đoàn viên thanh niên cộng sản mang tên Bác Hồ vĩ đại. Tôi càng tự hào bao nhiêu thì tôi càng hiểu trách nhiệm của mình bấy nhiêu. Trong khi tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang vang vọng trong lòng. Vậy, tôi khẩn thiết đề nghị các thủ trưởng hãy cho tôi sống và chiến đấu tại nơi đây. Tôi xin hứa sẽ hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ gì cấp trên giao phó. Được như vậy tôi chân thành cảm ơn

    Hà Nội ngày 19/2/1979
    Người làm đơn
    (ký tên)
    Phạm Quang Thành
     ----------------

    Bổ sung bài viết
    Mặt sau lá đơn
    “Hy sinh anh dũng ngày 22-2-1979 tại đồi Thâm Mô, phía nam Đồng Đăng”*
      * Là chữ của anh Nguyễn Đình Loan, chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn An Lão, Sư đoàn Sao Vàng, người bắt tướng Nguyễn Vĩnh Nghi ở Phan Rang năm 1975). Quê anh Loan ở Lục Nam, Bắc Giang.
     --------------
    Người chép lại đơn lần 2
    Ngày 26.9.1981
    Ký tên**
    Đơn vị HT 1a. 6220 L.Sơn.

    Chiến tranh biên giới 1979:Ký ức đau đớn về những quan tài rỏ máu