Thứ Tư, 19 tháng 6, 2019

TRUNG THỰC MẤT CHỨC


Năm xưa rồi, một viên quan huyện Dục phạm tội tham nhũng, nó ăn tất, không chia cho ai, quan trên xuống thanh tra nó không hối lộ. Các quan đại thần hặc lỗi. Vua xử tội giảo (thắt cổ), sau hạ xuống rượu độc.
Vua đập chiện huyện Dục xuống bàn hỏi:
“Quan nào xung phong lãnh nhiệm tri huyện Dục?”
Bọn quan im thin thít, nín miệng,…Vua đập phát nữa hỏi:
“Các ông ăn lộc triều đình, bỏ giang sơn à?”.
Một viên quan tuổi vừa qua bánh tẻ bước ra khấu đầu xin nhận ấn chỉ huyện lệnh Dục. Vua bước tới trìu mến đỡ dậy, ban ấn, phẩy tay phát lộc là một gói nặng (cục vàng) với ý rằng “đây là tiền dưỡng liêm, cứ tiêu dùng cá nhân đừng hà lạm của công”.
Quan tên Thực nhậm chức tri huyện Dục, ông làm đúng luật lá của Vua, đúng bài bản học ở trường, sách thánh hiền dạy cho dân đỡ cơ cực, giang san an toàn.
Năm sau về Triều họp, bọn đại quan tấu tội Thực không hoàn thành nhiệm vụ với nhiều lỗi như để thiên tai xảy ra, không khai thác hết tiềm năng thế mạnh, thận trọng giao thương với lân bang mất cơ hội, GDP bình quân huyện Dục thấp hơn bình quân cả nước,…và tấu cách chức Thực.
Thực cay lắm, ông khấu đầu, gửi Vua cục vàng dưỡng liêm, chỉ xin vua cho làm nhiệm nữa để tỏ tấm lòng trung quân ái quốc vì dân. Trong lòng Thực hiểu vì sao mình bị dìm hàng.
Năm sau, Thực làm ngược lại năm trước. Bọn đại quan và nhãi dịch trên Triều tuần du huyện Dục, Thực cho chúng thỏa mãn. Năm trước, Thực chỉ đãi cơm ngon ở nhà hàng bình dân, nghe nhạc nhã văn nghệ quần chúng, lúc về Thực biếu kẹo Cu-dơ và cả cá khô, cam quít nữa, thì năm nay Thực mở tiệc tiếp quan, hầu non phục dịch, hát hò ở phòng mát cả thoát y vũ nữa, lúc về Thực chuyển quà thành phong bao bự cho các chức quan, tiền đó ông cấu từ Thuế nộp lên, từ tài trợ của Ngân sách rót xuống làm đường- trường- chợ -trạm, từ phí thu bừa của bọn buôn lậu khi mở cửa giao thương hai nước; ông bắt bọn nhà giầu, chủ thầu nhận công trình phải lại quả để biếu quan.
Năm hết Tết đến, Thực về Triều họp tổng kết trong hân hoan mùa xuân mới trên khắp cố đô, các quan trong Triều tấu vua khen Thực là quan giỏi và có ý tiến cử Thực lên làm tri phủ; có viên quan đề nghị Vua cho Thực đi tu nghiệp học viện Chính trị quốc gia làm tiễn sỹ xây dựng chính quyền để chuẩn văn bằng vào quy hoạch cấp quan chiến lược!
Thực khóc, khấu đầu ba nhát trán xưng bằng 3 quả ổi mà rằng như trên.
Thực nói “Năm nay thần xin gửi lại ấn chỉ, tiền dưỡng liêm, từ quan”.
Vua sợ quá, nhìn đám đại thần, đến đỡ Thực dậy, gọi thái y đến chườm vết xưng, vỗ về “Ngươi vẫn làm tri huyện, làm như năm đầu, Trẫm thực tình quan liêu, bọn đại quan điêu toa, Trẫm sẽ xử lý”.
Nhưng Thực vẫn một lòng rũ áo, tháo mũ ra đi đâu đó không ai biết, Vua cho người tìm và đưa lại cục vàng dưỡng liêm nhưng không thấy.
Kết luận: Ông quan Thực hiểu rằng thể chế này làm quan: TRUNG THỰC MẤT CHỨC.
Quan Hải phó quận 1 TP Cụ đọc mà học.

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

Trường Ca Hồ Chí Minh

Tr ường Ca Hồ Chí Minh
 LONG POEM ON THE Hochiminh

Tác giả: Nguyễn Mạnh Hùng

       Khuyến cáo: Bạn đọc có quyền suy tưởng, liên hệ các nhân vật, sự kiện thời gian với cách hiểu chính sử hoặc các tài liệu đã biết, đàm thoại, suy tư theo cách hiểu của mình. Trường ca khác với biên niên sử và các thể loại nghiên cứu, văn chương khác. Thần tượng mang huyền thoại. Thần tượng khác tượng đài. Các chú giải tóm tắt từ các nguồn tư liệu công khai.

---------------------------------------
  

  Mở đầu: QUÊ HƯƠNG, GIA TỘC

 

1.            Bỉnh Khiêm[1] từ nhiệm về thiền,

2.            Đêm đêm thắp lửa nỗi niềm non sông.

3.            Gió thổi từ phía Bể Đông,

4.            Mang theo tiếng sấm bão giông mỗi mùa.

5.            Nước Nam loạn lạc thắng thua,

6.            Mục đồng có cửa làm vua ngai vàng.

7.            Cơm sống thì phải đem rang,

8.            Lê triều nhịn Mạc[2], Nguyễn Hoàng[3] xuôi Nam...

9.            Bạch Vân thấp thỏm nén nhang,

10.                 Gieo đồng xu kẽm hương tàn không ra?

11.                 Một người khách ở nơi xa,

12.                 Tặng con xúc xắc lưỡng hoa văn hồng.

13.                 Chữ Vạn[4], dấu Thập bên hông,

14.                 Bốn mặt trắng muốt như bông rộ mùa.

15.                 Khách rằng: Trạng thắp hương hoa,

16.                 Mặt trắng nổi chữ là ra sấm truyền.

17.                 Khách đi để lại nỗi niềm,

18.                 Mây bông bảng lảng tiếng chim gọi bầy.

19.                 Tiểu đồng theo Trạng nhiều ngày,

20.                 Tự dưng ca hát chân tay nhịp nhàng.

21.                 Trăng thanh gió thổi dịu dàng,

22.                 Trạng gieo xúc xắc chữ vàng nổi nhanh:

23.                 "Nam Đàn bò đái thất thanh,

24.                 Núi bằng nứt kẽ thánh Thành đầu thai"[5]

25.                 Tiểu đồng đái trái am khai,

26.                 Trạng biên thành sấm truyền dài bách niên.

27.                 Phượng hoàng tìm đất thánh hiền,

28.                 Trung Đô [6] là đất Cao Biền[7] không ưng?

29.                 Gió Lào thổi rát cặp mông,

30.                 Nữ nhi vất vả chiều chồng nuôi con.

31.                 Gió Lào thổi bong tróc sơn,

32.                 Thếp vàng rơi rụng chỉ còn cốt xương!

33.                 Người dân xứ ấy yêu thương,

34.                 Xa quê gắn kết thành phường Nghệ An.

35.                 Xứ nhiều ngày nắng chang chang,

36.                 Mặt trời mài miết màu vàng Phật sa !

37.                 Người dân sống khá thật thà,

38.                 Nồi khoai luộc với hông trà xanh thơm.

39.                 Rất nhiều món ăn thay cơm,

40.                 Cá kho trừ bữa qua cơn đói mềm.

41.                 Xứ này mặn ngọt hay thêm,

42.                 Xương cứng, não trạng gần thềm thánh nhân.

43.                 Người xưa cho đến người gần,

44.                 Theo đường khoa bảng là phần ưu tiên.

45.                 Nhiều người ba họ tá điền,

46.                 Chăm đường đèn sách đỗ liền mấy khoa.

47.                 Trần thị một người đàn bà,

48.                 Thiên ý cho biết ai là liền ông.

49.                 Kẻ sĩ lúc vắng khi đông,

50.                 Phàm phu tục tử bà không lạ gì.

51.                 Núi cao nước chảy rầm rì,

52.                 Tiếng bò đái xối sau thì thất thanh.

53.                 Nghe như gió thổi đồi tranh,

54.                 Đụn sơn phân thuỷ cỏ xanh me[8] vàng.

55.                 Ngũ hổ chữ nghĩa Nam Đàn [9],

56.                 Một người hiểu được sấm tràn đến đây.

57.                 Trần thị giang đôi bàn tay,

58.                 Sinh ra bố thánh trong ngày bão giông.

59.                 Gian truân ghép gả thuận tòng,

60.                 Bao nhiêu trang sử thuộc lòng đúng sai?

61.                 Từ xưa các bậc thiên tài,

62.                 Dấu huyền phủ xuống là bài học hay.

63.                 Trắng đen bởi ánh dương này,

64.                 Tạo hoá như thể con quay, con cù.

65.                 Trần thị đi vào mịt mù,

66.                 Người con sinh thánh gặp dù lão gia.

67.                 Họ Hoàng gốc ở nơi xa,

68.                 Nghe sấm "Phủ Khoái" đi ra khỏi làng.

69.                 Được thầy dậy chữ nên ngoan,

70.                 Con thầy xinh đẹp, phượng loan hạp tình.

71.                 Quyết đường khoa bảng thân vinh,

72.                 Nam Đàn đồn đoán Sấm Trình Sào Nam ?

73.                 Súng dài chiến trận Vũ Quang [10],

74.                 Cần Vương[11] chiếu mỏng, cờ tàn bi ai.

75.                 Khoá Sắc[12] đêm ngày luyện tài,

76.                 Vợ sinh ra Thánh năm khoai được mùa.

77.                 Thầy Đường [13] tuổi đã già nua,

78.                 Lấy ngay lá số tử vi cháu mình.

79.                 Các thầy giải chữ "Đại tinh":

80.                 Ngôi sao to lớn hiện hình phương Nam.

81.                 Cung thê không có chữ "phàm",

82.                 Gia đình lưu lạc khi làm đế vương.

83.                 Cung sinh khúc khuỷu con đường,

84.                 Phục binh thấp thoáng chúng thường tháo lui.

85.                 Sĩ phu xứ Nghệ ngậm ngùi,

86.                 Đất vương tái xuất chiến vùi lấp nhau.

87.                 Tiếng trống Xô viết[14] về sau,

88.                 Người ta hơn kiểu người Tàu nội tranh!

89.                 Mái nhà quê ngoại lợp gianh,

90.                 Vườn chè xen bụi tre xanh bốn mùa.

91.                 Vườn khoai lang giống tiến vua,

92.                 Đôi khi làm lễ cúng chùa mời sư.

93.                 Tuổi thơ câu cá đánh cù,

94.                 Leo rú hóng gió, hái cờ cỏ lau.

95.                 Bữa cơm chủ yếu là rau,

96.                 Cần lao thuở đó nhuốm mầu tịnh chay.

97.                 Một hôm Sào Nam xem tay,

98.                 Bấm thêm quẻ dịch Đông Tây phán rằng:

99.                 Cháu nên xuất ngoại theo đằng,

100.             Đông du đất nước Thiên hoàng[15] đảo xa.

101.             Đế xưa cá tính khoe ra,

102.             Đế nay kín tiếng sau là phát tâm.

103.             Thượng thư họ Cao có tầm[16],

104.             Giúp thầy giáo xóm ngấm ngầm nhưng hay.

105.             Sách hiếm bổn cũ trao tay,

106.             Khoá Sắc chăm chỉ bừa cày kinh thư.

107.             Bố vợ rút ruột nhả tơ,

108.             Những mong con rể trúng mùa khoa thi.

109.             Năm đầu khoá Sắc ra đi,

110.             Trình non đành phải trở về trắng tay.

111.             Kỳ sau học vị đổi thay,

112.             Thêm chức Phó bảng[17]đỗ ngay một chầu.

113.             Kim Liên sen rộ sắc mầu,

114.             Vinh quy nhận mảnh đất đầu làng ban[18],

115.             Mái nhà trên ruộng khoai lang,

116.             Lộc dân tặng các ông quan về triều.

 

117.             Mẹ từng thúng mủng nồi niêu,[19]

118.             Dắt con vượt núi qua đèo về Kinh.

119.             Huế nhiều mơ mộng linh tinh,

120.             Ngọ môn vàng vọt bóng hình sông Hương.

121.             Kiếp nghèo ai cũng đáng thương,

122.             Đời sau xúc động ấu vương đói nghèo.

123.             Đom đóm thả vỏ trứng treo,

124.             Lá đa đun bếp xèo xèo lửa quăn.

125.             I tờ học lấy chữ nhân,

126.             Sôi kinh học phép minh quân nước nhà.

127.             Quan Sắc hiện tánh hào hoa,

128.             Rượu trưa trà với quan nha trong Triều.

129.             Lương quan như gió đuổi diều,

130.             Vợ tần tảo chợ sớm chiều Đông Ba.

131.             Lên được chức tước đại nha,

132.             Chắc chắn sung sướng hơn là mụn quan?

133.             Học phí không miễn hoàn toàn

134.             Thầy Tây lương bổng hơn đoàn thầy Ta.

135.             Con quan khác con dân xa,

136.             Phu đò xe chỉ kiếp nhà cần lao!

137.             Cậu Thành sung sướng biết bao,

138.             Ăn mặc no đủ bước vào trường Tây[20].

139.             Học ba thứ tiếng mỗi ngày,

140.             Pháp-Trung-Việt từ các thầy giỏi giang.

141.             Ngoại khoá sinh hoạt dịu dàng,

142.             Ngược xuôi sông nước đến làng nhiều cau[21].

143.             Đẹp giai học giỏi gái yêu,

144.             Tình đầu chớm nở búp đầu bông sen!

145.             Vận đời lúc đỏ khi đen,

146.             Kim Kiều[22] bén gót ngõ quen lối về.

147.             Tang gia ập đến các thê,

 

148.             Mẹ nàng Út sớm cận kề cõi tiên[23].

149.             Mẹ chàng chưa đến tứ niên,

150.             Ốm đau cô quạnh hết tiền là đi.

151.             Cảnh nhà đôi lứa biệt ly,

152.             Xuôi Nam Út chả nói gì với Ba.

153.             Quan Sắc trở lại ngôi nhà,

154.             Vợ không còn nữa khóc oà thảm thương.

155.             Vua bổ tri huyện thôn hương,

156.             Dân nghèo sinh tặc toàn phường trộm kê!

157.             Tri huyện hay đuổi trộm về,

158.             Thăng đường xử án chán chê trộm gà.

159.             Trình thấp khoác áo quan nha,

160.             Trình cao tiền ít hai là phận chung!

161.             Thượng thư họ Cao chỉ dùng,

162.             Quan nha tài đức đã từng có công.

163.             Phó bảng không biết lấy lòng,[24]

164.             Dưới trên nên đã vào vòng khi quân.

165.             Đường nha đứt áo mũ quần,

166.             Trăm hèo bổ hạ xuống phần cần lao.

167.             Bài học cay đắng thuở nào,

168.             Theo Ba hun hút đi vào đường đua.

169.             Nhẫn lòng không phải chịu thua,

170.             Một lùi hai tiến ngai vua vững vàng.

171.             Đạo dân hay phép làm quan,

172.             Nhẫn là tàn bạo được quàn cất đi.

173.             Bung ra đúng lúc, đúng thì,

174.             Nhẫn thành sấm sét chẳng gì bình yên.

175.             Nén tình kiểu tu dòng Tên[25],

176.             Mục sư Man tuýt[26]  trình lên mọi người.

177.             Tiết dục là cách xả hơi,

178.             Đa dâm nhục dục là toi tức thì.

179.             Ba học nhiều bài khắc ghi,

180.             Chân dài, đao búa chi chi mềm lòng!

181.             Trí sĩ tánh đó nhiều ông,

182.             Thượng thư Diệm[27]đã toàn tòng nguyên trinh.

183.             Gối chăn đơn chiếc một mình,

184.             Quả nhân cô quạnh toan rình binh đao.

185.             Chia xa thành Huế hôm nao,

186.             Hoàng thành trầm mặc rêu bao xanh mờ.

187.             Nhẩm ngày nào đó trở về,

188.             Thắp nhang mộ mẹ xén vê cỏ già.

189.             Chuông Chùa gióng tiếng ngân xa,

190.             Mái chèo khua nước vân hoa đôi bờ.

191.             Nguyễn Hoàng mở cõi năm xưa,

192.             Phương Nam hành tiến đến bờ Hà Tiên.

193.             Bao đời chúa Sãi, chúa Hiền,...

194.             Trăm năm gươm phạt lấy miền đất xa.

195.             Trời Nam dày đức ông cha,

196.             Máu xương tranh bá, thắng là chính danh.

197.             Theo hãng kinh doanh Liên Thành[28],

198.             Chàng làm giáo học Dục Thanh[29] một thời.

199.             Giáo hoá vào ngả phân đôi,

200.             Tây Tầu, mới cũ chơi vơi học đường.

201.             Số thầy Thành được trò thương,

202.             Đẹp giai tài đức tấm gương soi trò.

203.             Biển xanh nước mặn thấm bờ,

204.             Trò yêu lắm chuyện bất ngờ ngộ ghê!

205.             Sóng xô bờ cát sóng vê,

206.             Nã phá luân[30] muốn Ăng lê cúi đầu!

207.             Nhìn xa, con mắt thẳm sâu,

208.             Thoảng như mắt sói ngửa đầu hóng trăng!

 

209.             Trò yêu tay nắm tay giăng,

210.             Tình thương trong sáng thấu chăng lòng thầy?

211.             Lên thuyền nước mắm chia tay,

212.             Bờ xa cát trắng hẹn ngày đón nhau!

213.             Thánh nhân đã bước lên tàu,

214.             Cát vùi vướng bận, sóng nhàu ưu tư.

215.             Là người ai cũng bước đi,

216.             Đích xa gần đã chắc gì giống nhau?

217.             Giữa trời cao vút hàng cau,

218.             Ngọn cao, ngọn thấp trước sau nên tình.

219.             Đời thường vun vén cho mình,

220.             Đế vương toan tính dân tình đi theo!

 

221.             Bến Rồng[31], xóm chợ dân nghèo,

222.             Đón Ba tá túc cho theo phu tàu.

223.             Sài Côn miền đất đẹp giàu,

224.             Cá tôm quẫy đạp đục ngầu kinh mương.

225.             Sài Gòn hội tụ bốn phương,

226.             Ba Tầu[32] chủ vựa, Pháp thường đặt mua.

227.             Dân mình chăm chỉ vẫn thua,

228.             Nước trong gạo trắng bán như giá bèo.

229.             Pháp cho thuộc địa đi theo,

230.             Dân chủ tư sản báo treo sạp sàn[33].

231.             Tự do mua bán thả dàn,

232.             Nhất là bán dạo tiếng khàn thâu đêm.

233.             Ba tìm thấy Út vui thêm,

234.             Tình này xứ Huế êm đềm không phai.

235.             Xưa nay gái sắc giai tài,

236.             Như kèo bám cột, như bài thơ hay.

237.             Cha Út phẫn chí tửu cay,

238.             Cai đoàn phu cảng tiền dày làm chi?

239.             Tiếng đờn réo rắt mỗi khi,

240.             Tàu chưa về bến phu thì đói cơm!

241.             Gặp con Phó bảng vui hơn,

242.             Rượu đưa tay đẩy nỗi buồn biệt ly.

243.             Quan trường trong sạch được gì?

244.             Vào luồn, ra cúi bước đi lưng còng.

245.             Từ quan, lấy tên Tư Đờn[34],

246.             Biệt ly xứ Huế đưa con xuôi tàu.

247.             Chủ cửu hào phóng vẫn giầu,

248.             Chủ hàng, nhà bến chia mầu rất ngon.

249.             Thói thường gả chồng cho con,

250.             Sống đời no đủ, sống mòn kiếp nô.

251.             Cậu Thành yêu Út vô bờ,

252.             Sấm truyền vận Đế, đành chờ kiếp sau.

253.             Chàng xin một suất đi tàu,

254.             Văn Ba[35] tên gọi buổi đầu xuất dương.

255.             Còi tàu giục giã lên đường,

256.             Từ đây phác hoạ đế vương hiện hình.

 

 

          Phần I : BẾN NHÀ RỒNG



[1] Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), hiệu là Bạch Vân am cư sĩ. Ông đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) làm quan triều Mạc, ông được phong tước “Trình Tuyền hầu” rồi thăng tới “Trình Quốc công” mà dân gian quen gọi ông là Trạng Trình.

[2] Nhà Hậu Lê do Lê Lợi lập ra. Nó được phân biệt với nhà Tiền Lê (980-1009) do Lê Hoàn lập ra cuối thế kỷ X. Nhà Hậu Lê gồm 2 giai đoạn:  Nhà Lê sơ (1428 - 1527), do Lê Lợi lập ra, chấm dứt thời Bắc thuộc lần 4. Nhà Lê trung hưng (1533-1789), tức nhà Hậu Lê được lập lại năm 1533, tạo ra cục diện Nam Bắc triều với nhà Mạc (1533–1593).Nhà Hậu Lê không có thực quyền bởi Chúa Trịnh (1545 – 1787) là một vương tộc phong kiến kiểm soát quyền lực lãnh thổ Đàng Ngoài.

[3] Nguyễn Hoàng (1525 - 1613) hay Nguyễn Thái Tổ, Chúa Tiên, là vị chúa Nguyễn đầu tiên ở lãnh thổ Đàng Trong, người đặt nền móng cho vương triều Nguyễn (1802 - 1945).

[4] Chữ Vạn là một hình dạng hình học có nhiều kiểu dáng trên nền chữ thập + và là một biểu tượng tôn giáo cổ xưa trong các nền văn hóa của Á-Âu. Nó được sử dụng như một biểu tượng của thần linh và tâm linh trong các tôn giáo Ấn Độ. Trong thế giới phương Tây, nó là biểu tượng của điềm lành và may mắn cho đến những năm 1930, khi nó trở thành một đặc trưng của biểu tượng Đức quốc xã   như là một biểu tượng của bản sắc chủng tộc Aryan (Chủng tộc thượng đẳng).

[5]. Lời “Sấm ký” của Trạng Trình “Đụn Sơn phân giải/Bò Đái thất thanh/Thủy đáo Lam thành/Nam Đàn sinh thánh”. Dịch nghĩa: “Khi núi Đụn phân đôi, khe Bò Đái tiếng khác, sông Lam khoét vào chân núi Lam Thành, đất Nam Đàn sẽ sinh bậc thánh nhân”. Học giả Đào Duy Anh (1904 -1988) hỏi ông Phan Bội Châu câu ấy vận vào cụ Phan, Cụ Phan trả lời không phải tôi mà là Nguyễn Tất Thành,…

[6] Phượng Hoàng Trung Đô kinh thành do vua Quang Trung (1752-1792) xây dựng bên dòng sông Lam  núi Dũng Quyết; nay thuộc thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Tại đây vua Quang Trung đã tập trung 10 vạn quân trước khi tiến ra Bắc để giành lại thành Thăng Long lúc bấy giờ đang bị quân Thanh xâm chiếm. Ngôi thành này dự định được xây dựng để thay thế kinh đô Phú Xuân.

[7] Cao Biền (821- 887) là một tướng lĩnh triều Đường, Trung Quốc, một nhân vật chính trị, người đầu tiên trở thành Tiết độ sứ của trong lịch sử Việt Nam thời nhà Đường đô hộ. Truyền thuyết dân gian ở Việt Nam kể rằng khi sang Giao Châu, Cao Biền thấy long mạch ở đây rất vượng, nên muốn phá đi, thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy đi khắp nơi để xem địa thế và phá những nơi có hình thế sông núi đẹp, và chặn những đất có long mạch bằng cách đào những giếng khơi rất sâu, hoặc giả tảng lập đàn cúng tế để lừa thần bản địa đến rồi dùng kiếm báu chém đầu, xong đào hào, chôn kim khí để triệt long mạch…

[8] Me, tiếng Nghệ An là con bê.

[9] Nam Đàn tứ hổ: Trong một lần hát ví, một cô gái ghẹo một câu: “Nam Đàn tứ hổ là ai?/ Nói cho em biết để mai em chào”. Chàng trai Phan Văn San (tên gọi lúc trẻ của cụ Phan Bội Châu) ứng tác đáp ngay: “Nam Đàn tứ hổ là đây/ San, Long, Lương, Quý, một bầy bốn anh”. Bốn anh này là: Phan Văn San (làng Đan Nhiệm, có tài mẫn tiệp ); Nguyễn Đình Song (Xuân Hồ, học hành thâm thúy); Trần Văn Lương (Kim Liên, trí nhớ tuyệt vời); Vương Thúc Quý (Kim Liên, sắc sảo thông minh). Tất cả đều hoạt động trong phong trào Duy Tân, nổi bật là Phan Bội Châu. Dân gian kể “Ngũ hổ” chỉ thêm ông Hồ Sĩ Tạo (quê huyện Thanh Chương đẹp trai giỏi phú), dạy học ở Nam Đàn, nhiều nghiên cứu chỉ ra ông là ông nội anh Ba.

[10] Ngọn núi nơi nghĩa quân khởi nghĩa Hương Khê (1885 -1896) do Phan Đình Phùng (1847-1895), lãnh đạo, nay thuộc huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.

[11] Phong trào Cần Vương nổ ra vào cuối thế kỷ 19 do đại thần nhà Nguyễn là Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi đề xướng chống cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Phong trào Cần Vương thực chất đã trở thành một hệ thống các cuộc khởi nghĩa vũ trang trên khắp cả nước, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, kéo dài từ 1885 cho đến 1896.

[12] Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929) là cha đẻ anh Ba- Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh là Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ cử nhân từng làm quan hành tẩu bộ Hộ, sau thi đậu Phó bảng năm Tân Sửu (1901), năm đó ngày 22 tháng 12 năm Canh Tý (10 tháng 2 năm 1901) bà Hoàng Thị Loan mẹ ruột Hồ Chí Minh, ốm mất ở Huế khi ông Sắc đang đi coi ở Thanh Hóa.

[13] Cụ Hoàng Xuân Đường ở làng Hoàng Trù (cha đẻ bà Hoàng Thị Loan) là đời thứ 19 của họ Hoàng. Gia phả ông tổ là Hoàng Nghĩa Kiều (1540-1587) là đời thứ 6 của dòng họ Hoàng làng Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, Ông là quan võ của nhà Lê. Năm Đinh Tỵ (1557), quan Thái phó Hồng Quốc Công Hoàng Thế Kiều vâng lệnh vua đem quân vào Nghệ An dẹp quân nhà Mạc.

[14] Xô Viết Nghệ-Tĩnh là tên gọi chỉ phong trào đấu tranh của lực lượng công nhân và nông dân ở Nghệ An và Hà Tĩnh trong năm 1930-1931 chống lại đế quốc Pháp tại Việt Nam. Tên gọi Xô viết Nghệ Tĩnh xuất phát từ sự hình thành các "xã bộ nông" mà những người cộng sản gọi là "Xô viết".

[15] Thiên hoàng còn gọi là Ngự môn hay Đế  tước hiệu của người được tôn là Hoàng đế ở Nhật Bản. Phan Bội Châu- Sào Nam muốn anh Ba qua đó du học.

[16] Cao Xuân Dục (1843-1923) là một quan đại thần của triều đình nhà Nguyễn, Việt Nam, từng làm tổng đốc, thượng thư  Đông các đại học sĩ, tổng tài Quốc sử quán. Ông có cảm tình với Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

[17] Học vị này có từ năm 1829- 1919. Vua Minh Mạng quy định đỗ đại khoa chia thành hạng Chính bảng (hạng trên: gồm Cập đệ, Hoàng giáp, Tiến sĩ) và Phó bảng (hạng dưới).

 [18] Là ngôi nhà lá 5 gian được dân làng Sen quê nội Hồ Chí Minh dựng lên từ quỹ công của dân làng để mừng ông Nguyễn Sinh Sắc khi ông đỗ phó bảng khoa thi Hội năm 1901. Cụ Nguyễn Sinh Sắc dành hai gian để đặt bàn thờ bà Hoàng Thị Loan và để tiếp khách. Khi về thăm quê, Bác cười nói “Đây là nhà của Cụ Phó bảng chứ có phải nhà Bác Hồ đâu”.

[19] Vào năm 1898, nhờ sự vận động của ông Hồ Sĩ Tạo với các quan lại đồng liêu quen biết ở triều đình Huế, Nguyễn Sinh Sắc được nhận vào học Quốc Tử Giám. Nguyễn Sinh Sắc, đổi tên là Nguyễn Sinh Huy, đem vợ và hai con trai vào Huế và đi học Quốc Tử Giám.

[20]Hồ Chí Minh có tên là Nguyễn Sinh Côn và được nhận vào Quốc Học Huế vào ngày 7 - 8 -1908. Trường Quốc Học (tên chính thức hiện nay: Trường Trung học Phổ thông Chuyên Quốc Học) là một ngôi trường nổi tiếng ở cố đô Huế, thành lập vào ngày 23 tháng 10 năm 1896.

[21] Thôn Vỹ Dạ nay là một phường thuộc thành phố Huếtỉnh Thừa Thiên Huế. Nguyên thủy địa danh này là Vi Dã có nghĩa là "cánh đồng lau sậy" nhưng vì biến âm đọc trại lâu ngày mà thành Vĩ Dạ. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, thì vào thế kỷ 18 thời các chúa Nguyễn là đất thuộc các làng xã Vỹ Dã Thượng, Vỹ Dã Hạ,... tổng Vỹ Dã, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa.

[22] Nhân vật trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du  kể lại cuộc đời, những thử thách và đau khổ của Thúy Kiều, một phụ nữ trẻ xinh đẹp và tài năng, phải hy sinh thân mình, lỡ mối duyên với Kim Trọng để cứu gia đình.

[23] Lê Thị Huệ (189? - 1981), gọi thân mật là Út Vân, Út Huệ: (Trong thời gian đó, trò chuyện với Huệ, chị em hiểu nhau, và O mới biết Huệ là người thương của cậu Thành. Hai người đã có một tuổi thơ gắn bó từ hồi ở Huế. Cha Huệ (Lê Quang Hưng) làm bên bộ Công. Huệ mất mẹ. Thành cũng mồ côi mẹ. Cha O thì không tục huyền. Cha Huệ sau tục huyền với một người phụ nữ Huế, bà ta đanh đá, cảnh nhà không vui. (lời bà Nguyễn Thị Thanh chị ruột Nguyễn Tất Thành)

[24] Ngày 19 tháng 5 năm 1910, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc làm tri huyện Bình Khê (nay là xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). bị đưa về kinh xét xử vì các tội: Để tù chính trị phạm vượt ngục; Hà khắc với hào lý; Bênh vực dân đen; Không thu đủ thuế,…bị Triều đình phạt đánh 100 trượng. May nhờ có các ông Thượng thư Hồ Đắc Trung, ông Cao Xuân Dục (1842-1923) và Đào Tấn cùng dập đầu xin vua tha chết nhưng bị hạ bốn cấp quan và sa thải.

[25] Dòng Tên (còn gọi là Dòng Chúa Giêsu) của Giáo hội Công giáo do ông  Inhaxiô người xứ Basque Tây Ban Nha, cùng một số bạn hữu sáng lập và được Giáo hoàng Phaolô III phê chuẩn năm 1540.

[26] Thomas Robert Malthus (1766 - 1834) là một nhà nhân khẩu học, nhà kinh tế học người Anh. Thuyết dân số của ông với quy luật tăng dân số 1% thì sau mỗi 70 năm, dân số sẽ tăng gấp đôi. Nếu với tỉ lệ 2% thì dân số tăng gấp đôi sau mỗi 35 năm và các biện pháp ổn định dân số.

[27] Ngô Đình Diệm (19011963) làm quan thượng thư nhà Nguyễn thời vua Bảo Đại, sau đó làm Thủ tướng cuối cùng của Quốc gia Việt Nam, rồi trở thành Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa, ông không lấy vợ.

[28] Một tổ chức kinh doanh do các sĩ phu yêu nước ở Bình Thuận sáng lập vào năm 1906 để hưởng ứng phong trào Duy Tân. Tên Liên Thành được lựa chọn với ngụ ý bảo tồn truyền thống, có ý nghĩa là thành hoa sen, nguyên là tên cũ của tỉnh Bình Thuận.

[29] Dục Thanh Học hiệu (Giáo Dục Thanh Thiếu Niên) là một ngôi trường do các sĩ phu yêu nước ở Phan Thiết, Bình Thuận sáng lập vào năm 1907. Đây cũng là ngôi trường mà Nguyễn Tất Thành  đã dừng chân dạy học một thời gian trước khi vào Sài Gòn trong chuyến xuất ngoại.

[30] Napoleon Bonaparte (1769  1821) nhà lãnh đạo quân sự,  Hoàng đế Pháp với đế hiệu là Napoleon I từ năm 1804 đến năm 1814 và trở lại ngôi vua vào năm 1815 trong 100 ngày trị vị.

[31] Bến Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn, trụ sở của hãng vận tải Messageries Maritimes từ năm 1864 -1955; ngày 5- 6 - 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã xuống con tàu Amiral Latouche Tréville làm phụ bếp để có điều kiện sang châu Âu, mở đầu hành trình cách mạng của mình.

[32] Chỉ người Hoa sang Việt Nam định cư. Có nhiều cách lý giải cách gọi nhưng không thuyết phục.

[33] Khai sinh sớm nhất trong làng báo Quốc ngữ Việt Nam được cho là Gia Định báo. Tờ báo tổng hợp này có khuôn khổ 25 x 32 cm, ra hàng tuần tại Sài Gòn và tồn tại suốt 44 năm sau khi phát hành số đầu vào ngày 15 tháng 4 năm 1865.

[34] Cha Út Huệ, gọi theo cách Nam Bộ.

[35] Tên tự xưng Nguyễn Tất Thành, nhân vật chính trong Trường ca. Ngày 5-6-1911 Nguyễn Tất Thành dời Việt Nam làm việc trên một chiếc Tàu Pháp Amiral Latouche Tréville. Trong sổ lương của tàu có tên Văn Ba.