Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

NHỮNG MÙA LỤT LŨ ĐỜI TÔI (ký ức)



          Trận lụt thứ nhất

          Tháng Bảy năm ấy tôi tám tuổi, chập chờn, hồi hộp hai năm thì năm ấy lụt thật. Những người dân công chào thua khúc đê vỡ đã chạy về làng báo "đê vỡ, vỡ đê". Loa truyền thanh vang lên từng chặp loan tin dữ, hướng dẫn bà con nhanh chóng lên chỗ cao, nên đồi. Tôi không lo sợ- trẻ con mà, tôi chạy ra đồng thấy đồng lúa xanh vô tư trong nắng gió, tiếng réo xa xa của "quân thủy tinh" cùng với lời la hét của người lớn đã làm tôi sợ. Lại chạy về leo cây nhìn ra thấy đồng xanh vô tư, vẫn không thấy gì. Mẹ tôi la hét các anh em thu đồ, tháo cánh cửa, xếp gạch kê đồ. Nhà nông, cái quý nhất là thóc, tôi giúp mẹ được vài việc. Những lu tương vơi, lọ mắm, âu mỡ, vại cua muối, lấy thừng, quang quẩy buộc túm treo lên cây mít, lu vò lọ khác lấy nước giếng đổ vô, buộc hay chặn gạch lên, xếp vào góc vườn.

          Nước đi không nhanh, làng tôi cách đê vỡ gần 5 km, những cánh đồng trũng đã làm chậm bước tiến của "đoàn quân thủy quái". Đến chiều nước vào làng, nước theo  rãnh vô ao, luồn lách không gì bằng nước, gió chẳng là gì!

          Hơi lạnh của nước hòa với tiết cuối hạ đòi thu rất lạnh. Tôi bước xuống nước trong sân thấy lạnh, nước  có màu vàng nhạt, anh em tôi đánh dấu thấy nó lên rất nhanh, cứ thế người lùi lùi trước sức nước.

          Anh em chúng tôi ăn bát cơm với thịt gà, mẹ cho thịt mấy con để ăn dần. Sau này tôi thấy mẹ tôi rất bình tĩnh, bố tôi vắng nhà, ông đi chỉ đạo chống lụt ở đâu đó với lãnh đạo tỉnh. Mẹ không cho anh em chúng tôi lên núi cao, đi là chết vì nước hung dữ cuốn trôi. Những trạm quan sát tuyệt vọng khi thấy mấy người đàn bà gánh bên thúng gạo, bên thằng bé trôi vào dòng nước, nhiều cái chết do nước cuốn, đắm đò, đổ nhà,…

          Mẹ bắt ngủ ngoài trời vì sợ đổ nhà, may đêm ấy không mưa. Đến sáng, tôi thấy nước bên giường kê cao ngang chạc cây, phải kê gần cây nếu nước lên thì trèo lên cây mít, chị tôi giữ đứa em gái, nó cứ đòi xuống nước tắm.  Hai anh em trai tôi biết bơi, sẵn sàng theo lệnh mẹ nhưng mẹ chẳng sai bảo gì. Nước đã tràn vào giường, đứa em bé đập nước nghịch, nhìn cây mít thấy kiến bò và côn trùng bám đầy, rắn cuốn, anh em tôi lấy que gậy xua, bọn rắn quăng xuống bơi chỗ khác, không quên giương mắt hận nhìn người đuổi nó.

          Giữa lúc ấy, tôi thấy tiếng bộ đội gọi nhau "nhà này có người, lại đây". Một, rồi hai, bốn, năm chú bộ đội bơi đến bàn cách đưa cả nhà tôi lên núi.

          Những người lính trẻ mình trần đầy ấn tượng với tuổi thơ tôi, các anh 18 -20 đang huấn luyện chuẩn bị đi chiến đấu, gặp lụt thì đi cứu dân, nghe các anh nói đã đi được vài chuyến, mỗi chuyến dài hơn 2 km. Mỗi người lính có cái phao bằng áo mưa mà bốn người bốn góc chụp xuống nước ,rồi túm chặt thành phao, những chiếc ni- lông quân dụng rất tốt. Các anh lặn xuống nước lấy dao găm cắt thân chuối, chặt tay tre kết bè, mẹ tôi bảo lấy cái giường chụp lên bè chuối.

          Thế là mẹ và năm con ngồi bè "du lịch" qua ngọn cây, mẹ bảo các anh hái nhiều nhãn mà ăn, có người lính đã rét run. Bốn anh bộ đội đã đẩy bè ra đồng nước mênh mang, thuyền bè nhộn nhịp. Một anh ngậm nước phun phì phì đùa với đứa em gái còn đang bú, chị cả của tôi năm ấy 14 tuổi.

          Tôi ngắm gương mặt người lính trẻ ngâm mình dưới nước đẩy bè chuối rất vất vả, sẵn có chùm nhãn, tôi bóc vỏ thả vào miệng anh liên tục đến chán thì thôi. Đến gần chân núi xảy ra sự cố: Có chiếc thuyền bơi loại lá tre, trên đó một ông già đội nón mê đánh vật với chú lợn khá to, chú lợn ngang bướng định "tự vẫn", nó cựa đứt thừng văng xuống nước sâu lắm. Thuyền lật, ông già cũng chơi với với con lợn. Tôi biết ông già không thể chết đuối mà tiếc con lợn to béo đang sặc nước. Thế là các anh bộ đội bỏ bè chuối sang cứu người, cứu lợn, đâu vào đó. Anh chị em tôi trố mắt như xem xiếc trên phim.

          Nhà tôi lên bờ, chỉ biết cám ơn các anh, mẹ tôi đưa nhãn cho các anh, các anh nói với nhau phải đi chuyến nữa vì vẫn còn dân. Sau đó mẹ tôi thuê thuyền về lấy thóc gạo ướt lên phơi để sống những ngày đói khổ, đợi 10 tháng nữa mới có lúa mà ăn.

          Trong chiến dịch cứu dân chạy lụt đã có những người lính hy sinh, đó là những người lính không biết bơi mà phao bị xẹp, người lính quá mệt mỏi phải cảm lạnh.

          Hôm nay em viết dòng này cảm ơn các anh lần nữa, không biết quê, không biết tên các anh, chỉ biết rằng các anh là bộ đội, là con em nhân dân. Sau đó, có thể nhiều anh đi chiến trường những năm chống Mỹ gian khổ, cầu mong bốn anh đẩy mảng cứu gia đình nhà em còn sống bình an trở về.

          Trận lụt thứ hai


          Sau 3 năm, Thủy tề lại thăm hỏi làng quê tôi, làng quê ở vùng phân lũ, nếu nước to sẽ có phương án phá đê cho nước vào 9 xã quê tôi để cứu nhiều lần nhân với 9 xã 10 phường khác. Những người dân biết phận, tự cứu mình. Nghe nói, thời Tây đê vỡ không đắp, nước tự do ra vào hàng năm, năm nước to là năm Đinh Sửu (1937). Mùa nước là mùa cá tôm, mùa của bọn trộm cướp hoành hành, cướp đi cả thuyền lớn. Họ bà nội tôi có một bác làm tướng cướp, trộm từ thành phố về quê. Ở thành phố, ông ta và đồ đệ trèo cây vào cửa sổ nhà giàu, cứ túi áo túi quần mà lục lọi lấy tiền rồi tụt xuống, nhiều người biết nhưng chống chỉ có chết, báo phu-lít, vẫn chậm chân. Ở quê thì ông ta nhằm nhà giàu, nhà nghèo thời ấy có gì ngoài vài con "gà rù" và con "lợn gạo", có những tên cướp chết vì bẫy khá bi thảm như bị răng bừa rơi vào cổ, chết vì đạn, vì dao,… chúng được tướng cướp chôn cất bảo vệ đến xanh cỏ mộ mới báo cho gia đình kèm theo "tiền tuất".
          Bà tôi bảo ông cướp:
          - Mày trộm cắp đâu chứ đừng vào nhà cô.
          Ông trộm nói:
          - Cô có lấy thì cháu lấy thêm về.
          Và ông đã gửi bu gà, bà tôi đuổi người đuổi gà ngay tức khắc. Sau này ông ta có tham gia kháng chiến để thoát tội. Thường thì ông cướp ở nơi khác và liên kết với bọn thảo khấu chia vùng cướp để khỏi nhúng tay trực tiếp vào bà con. Cách mạng đã xử công khai những tên cướp của giết người bằng cách đóng nhét tướng cướp vô rọ lợn, thả sông trong sự chứng kiến công khai của lương dân.

          Đấy là chuyện bố tôi kể. Lúc nhỏ tôi theo mẹ đến thăm nhà ông tướng cướp ĐT ở phố, ông ngồi trong phòng riêng, mẹ tôi chào một câu, tôi nhác thấy một ông già to khỏe, râu trắng, mắt nhìn vào quá khứ xa xăm.

          Lần này nước to hơn trước, nước đi nhanh lắm, những cây rơm trôi, những mái nhà tranh trôi, ván, gỗ, vại lu,… trôi, vịt không chết nhưng cũng trôi theo dòng nước.

          Các anh chị, em lên núi từ hôm trước, tôi và mẹ tôi ở nhà coi đồ với hy vọng vận chuyển đường thuyền sẽ nhanh hơn. Điều không ngờ là mức nước quá lớn, ngập cả cửa nhà tôi vốn được dân làng xếp là nơi cao nhất trong xã, nhiều đời lũ lụt nhận ra đâu thấp, đâu cao. Đêm đó, đêm tuổi thơ đầu tiên tôi không ngủ vì lo sợ, vì thương mẹ.

          Nước lên dần, nghe xa xa tiếng nhà đổ, tiếng người loan báo cho nhau, tiếng gọi trên nước vang vọng, chẳng ai đến thăm mẹ con tôi. Sau này mẹ tôi nổi tiếng "chống lụt tại nhà".

          Tối, mẹ con ăn chuối và thịt gà. Tôi nhìn ra mặt nước mênh mang, lạnh bởi nước, lạnh bởi ánh trăng sắp đến Rằm tháng Bảy. Nước mênh mông, trăng sáng vằng vặc trên đồng nước lụt quê hương. Tôi soi đèn dầu, (đèn pin để giành) xem mức nước, soi đèn để chiến đấu chống lại rắn, tôi luôn để ý để sẵn lấy đồ làm vũ khí, đó là gậy và dao găm.

          Nước lên to quá ngập nửa mái nhà dưới rồi, tiếng nhà đổ "ùm, ào" tiếng người trong xóm thở dài tiếc của. Sợ nhà đổ mẹ tôi bảo: "phải phá bớt tường gạch đất, nếu nó xụp, không đổ nhà thì sẽ đổ giàn giáo mẹ con mình đang ngồi, rất nguy hiểm". Tôi hiểu khó mà đổ nhà vì có 6 trụ gạch cho 2 gian nhà tranh tường đất, nhưng tường đất đổ vào trong thì đúng như mẹ nói. Ngay đó, mẹ soi đèn tôi hất nước nên tường đất cay (gạch đất) cậy từng viên cho đến thấp bằng mép nước mới thôi. Sau này mẹ tôi nói: "nhà cần con trai là thế" . Năm đó tôi non 11 tuổi".

          Qua một đêm không ngủ dù gần sáng mẹ ôm tôi vào lòng. Sáng ra tôi thấy một chiếc thuyền rất lớn bơi ngang nóc nhà hỏi có chở đồ, mẹ tôi bảo có ít đồ, sau đó mẹ gọi thuyền quen, tôi lại giúp mẹ gom đồ, thóc ướt, đồ dùng lên thuyền. Tôi nhớ còn có chiếc đồng hồ đặt ở nhà thấp, nước ngập cửa, tôi lặn xuống chui vào và dùng ni-lon cuốn vào rồi đem ra. Đó là chiếc đồng hồ TQ có tên lửa chạy vòng trên nền xanh có những vì sao lấp lánh, kỷ vật ấy tôi bảo bố mẹ tôi giữ  lại như chiến lợi phẩm của nhà. Bố tôi về thăm nhà mùa lụt năm ấy, ông  bơi giỏi lắm, ông bơi xuống nhà bà nội và tìm được bốn tấm ván hậu sự bà tôi, sau lụt đóng làm hòm đựng thóc, 19 năm sau  6 tấm  ra đi.

          Tháng 10 nước rút, trước đó nước rút ra đẩy vào theo mực nước sông. Những ngày nước rút tôi lại về trông nhà, những kỷ niệm bơi bè chuối ngang dọc trên mùa lụt quê hương đầy ấn tượng. Cây rơm lớn nơi tụ đàn vịt ngan của mọi nhà, chúng bơi đi kiếm ăn ban ngày, tối về đậu nóc cây rơm, người đến gần chúng bơi ào trốn rất nhanh, chúng đã dần theo tiếng gọi hoang dã của vịt trời, sau này bọn người lớn bẫy bắt thịt sạch, rồi cãi nhau "vịt nhà tao, ngan nhà tao". Bọn gà nếu không thịt tế thần nước sớm thì được mang lên núi chăm sóc làm giống.

          Tôi bơi chống bè đi chơi trong xóm, mò mẫm hái cây trái, vớt đồ vớ vẩn như cái chạn bát, bu gà, nước ra có người đến nhận lại trả. Câu cá thì vô tư, đến bữa thả câu là bắt được cá rô hạt mít, hạt xoài. Nước cạn dần nhưng nhiều đêm tôi ngủ trên giường cách mặt nước gang tay.

          Cảnh nước rút, phù sa đọng đầy lối, cây rữa ra nhất là cây xương rồng cùng với xác gà, chuột, động thực vật một màu "tang tóc môi sinh". Mọi người đẩy hết cái bẩn xuống ao. Một lần bơi thuyền vào dòng nước rút gặp xoáy sợ quá nhưng không sao. Bọn trẻ chúng tôi mặc áo ba lỗ túm háng bằng kim băng hay dây buộc mà chơi qua mùa nước. Nước ra đồng, chúng tôi theo nó xuống ruộng mò rất nhiều cua. Đi học, đói vàng mắt, nhận viện trợ ngô, mỳ chia nhau cầm cự qua mùa đông sang xuân cấy lúa đến hè mới có gạo ăn. Mẹ tôi đắp đổi cơm sắn, khoai ngô cho qua ngày đói. Một lần chúng tôi đi học về thấy đám chia bột mỳ, tôi chứng kiến ông già xúc thẳng một bát về nhà cho qua cơn đói, không ai cản ông. Đó là ông già Việt Kiều Thái Lan về nước. Mấy đứa trẻ chúng tôi nhá nhuốt những hạt ngô sống ở đống ngô đang chia cho dân làng. Lần đầu tôi thấm vị ngọt bùi của hạt ngô viện trợ từ một nước nào đó, hạt ngô hình răng ngựa. Sau này mẹ tôi kể "ngày ấy mẹ đã khóc thầm thấy các con đói khổ".

          Trâu đói chết dần, chết gần hết thì người bạn của trâu ra sao? con trâu là bạn nhà nông, con trâu là đầu cơ nghiệp, những con trâu sắp chết, phải chết trong thời thơ ấu, trong những năm tháng đời chinh chiến đã ấn vào trí nhớ của tôi.

          Những mùa mưa, lũ lụt mười mấy năm sau vẫn không tha số phận tôi và "con trai hay con gái vua thủy tề" đã một lần sờ nghịch vào chân tôi, nhưng nó đã buông tha, bắt tôi phải sống và viết.

          Mùa lũ lụt thứ ba


          Bảy năm sau nữa tôi trong đội hình huấn luyện tân binh chuẩn bị đi biên giới Tây Nam và phía Bắc. Năm đó chúng tôi đóng quân ở huyện Lạc thủy (Hà Sơn Bình) thuộc vùng thượng nguồn sông Hoàng Long. Trời đang vào tiết thu, lúa sớm đã bắt đầu ngậm sữa nhưng vẫn còn xanh thẫm trong thung lũng, sáng sương mờ uốn lượn từ khe núi luồn ra thung lũng hòa với hơi nước bốc lên từ suối nước trong, đặc tả tranh thủy mạc.

          Những ngày đi tập, giải lao ngồi bên suối chỉ mong may mắn gặp con gái Mường vén váy lội qua suối nhưng toàn bà già con nít. Thằng Q nhà ở phố Lò Đúc đã trốn tập đi rình về kể chuyện,…

          Chúng tôi ở nhà dân ven đồi, chân núi. Trời mưa sùi sụt từng cơn, từng cơn, quần áo lính ẩm ướt, bếp anh nuôi hết củi đành phải chia mì mang về nhà dân, củi bếp dân cũng ướt đành phải chẻ nhỏ, vót xơ ra để luộc nắm mỳ ăn qua ngày. Mỳ rất nhiều mọt cũng phải ăn, buổi sáng tôi thấy "Hợp cóc" chui vào buồng nhà dân, ăn như chuột, hỏi ra mới biết nó vào chỗ tối để lừa mắt, lừa miệng, dễ nuốt.

          Nhớ mùa hận tình, Thủy quái  ra đòn đánh Sơn tinh. Mưa suốt ngày đêm, lính được dân cảnh báo lũ về phải ở yên trong nhà. Đêm ấy mưa rất to, anh Nguyễn Đông A chính trị viên đại đội sang nhà, gọi tôi đi cùng anh xuống trung đội 1 ở xa nhất, gần đập Bai để nắm tình hình và làm nhiệm vụ của người lính. Anh A lính chống Mỹ, tái ngũ. Tôi lấy gậy, mặc áo dài quần cộc, hai anh em ra đồng thì một màu trắng xóa mênh mông biển nước. Lúc này tôi mới thấy thung lũng rất rộng. Lũ đã về. Theo con đường đất, chúng tôi đi được một đoạn thì thấy nước đã phá tan một đoạn đường chừng ba mét. Tôi đưa gậy xuống thấy nó trôi mạnh, cắm xuống thấy không sâu ngập đầu, anh A bấm đèn pin "đom đóm đực" tôi nhìn thấy cọc (có lẽ chỗ này năm xưa đã vỡ, dân đóng cọc đắp lại) . Cứ thế tôi bước đại xuống và sang bên kia tóm ngay cọc tre, rồi đưa gậy kéo anh A sang. Sau này anh A khen tôi can đảm. Nghĩ mình đã qua sông nước, phận người lính, hơn nữa tôi cũng lượng được sức nước. Tuy nhiên bất trắc ai lường.

          Hai anh em đến nhà dân gần nhất, nước đã vào nền nhà ngập ống chân, ông già bảo ở dưới đồng còn gia đình anh Lạng. Anh A đi các nhà dân khác, mấy chú lính chúng tôi vừa lội vừa bơi xuống nhà anh Lạng. Cảnh tượng gần như 10 năm trước ở nhà tôi. Anh Lạng là thương binh, chân anh đau cứng, nằm thẳng trên giường, nước đã gần đến chiếu, vợ con đã kịp chạy đâu đó.  Mấy anh em hò nhau hỏi xem anh cần mang đồ gì lên núi, chẳng có gì. Tôi lội trong nhà, thấy đàn ngan trắng bơi tung tăng trong ánh đèn dầu treo trên cột, tôi tóm một con thử dìm nó xuống nước một lúc rồi buông tay, nó vọt lên rất ngộ. Chúng tôi khênh cả giường, đưa anh đưa anh lên núi. Cũng may là nhà anh rất gần chân núi. Hôm sau, thằng Q Lò Đúc nói: "lúc mày nghịch ngan tao đã nghĩ tóm một con cho vào trong áo để thịt ăn cho đã, nhưng lại không dám".

          Nước lũ rồi lụt cả tuần mới vơi. Thăng Trung béo ở trung đội 3 cứu được rất nhiều gà, lợn cho dân, đơn vị định đề nghị khen thưởng thì có lệnh di chuyển sáp nhập với đại đội khác. Trong mùa lũ bất hạnh đó, có chú lính trên đường về "thăm nhà trái phép" đã mất mạng, rồi dân chúng loan tin nơi này, chỗ kia chết ai. Thời ấy thông tin kém, không điện thoại dây, núi bao phủ, ở đâu biết đó.

          Sau đó, chúng tôi tiếng tục đi cắt vớt lúa ở Gia Hưng, Gia Viễn, tôi được nấu cơm cho tiểu đội, nào ngờ chưa hết tuần thì một thằng cắt vào tay, lại phải đi thay. Nước rút, tôm, tép nhiều lắm, ốc nhồi ốc bươu đầy chợ, những ngày ăn mỳ luộc (lính gọi nắm mỳ mỏng là "bẻng") với sắn đồi, với tôm xào khế cho đến ngày đi chiến trường.

          Trước ngày đi chiến đấu, mấy đứa chúng tôi đi chơi trong vùng lũ, đến cầu đất chênh vênh trên nhánh sông Hoàng Long ngắm dòng nước đã cạn bên vách đá, tạm biệt. Sau đó, không biết thế nào đi vào xóm nhà dân, vào một nhà toàn bộ đội nữ ở đơn vị khác. Trong ký ức tôi bây giờ là một nhà chật cứng toàn những gương mặt các em 18-19 trắng tròn nổi lên bộ quân phục mới nhưng vải nhàu, họ ngơ ngác nhìn chúng tôi chào, họ ngồi họp trung đội, chúng tôi chào rồi đi, chẳng chuyện gì.

          Sau này thằng Thư nói: vị bùi của sắn năm ấy tuyệt vời (Thư bây giờ là sếp to ở TCHC, trước làm giám đốc doanh nghiệp có vài ngàn công nhân, ở TP. Hồ Chí Minh). Tôi thì nhớ mẹo thuật làm ốc nấu chuối của thằng Chiến dân Từ Liêm,  rất ngon. (Chiến cũng là phó giám đốc công ty ở Hà Nội, nó có vài ngàn mét vuông quanh sân Mỹ Đình, năm 1999 Chiến chỉ cho tôi mua sào đất ven làng Phú Đô, tôi không kịp mua vì chê đất làm bún, cống rãnh bẩn, nay đất lên giá 30 lần, nó bảo: " trời không cho mày rồi". Tôi nghĩ trời không cho cái này thì cho cái khác). Hai năm sau trận lụt đầu nguồn sông Hoàng Long, trời đã tặng tôi mạng sống khi vượt sông Giang biên giới mùa lũ.

          Mùa lũ thứ tư

          Sông biên giới mùa khô đến tháng Năm nước trong veo hiền hòa như bóng áo chàm xanh, có đoạn cong như eo cô gái đẹp thế mà mùa lũ nước đỏ ngầu cuộn chảy cuốn cây trôi băng băng, những chỗ có đá giữa lòng sông, nước nhảy chồm chồm như con thú dữ bị xích. Tôi đã uống, tắm giặt, lấy nước tưới, bắt cá, hái quả roi, nô đùa với nước, nằm trên doi cát ven sông, ngủ trong tiếng nước réo và… suýt bỏ mạng.

          Đi bầu cử cấp nào đó năm 1980, theo số đông, cả tiểu đoàn chúng tôi bên thung lũng nhỏ phải vượt sông. Lúc đi, đơn vị khuyến cáo phải vòng sâu xa theo sườn núi mom sông đến chiếc cầu sắt còn mấy thanh gỗ. Lúc về đã là trưa, nước có vẻ cạn, có rất ít chú lính lười đi vòng nên gan dạ liều lĩnh  tìm chỗ sông rộng nhất nhưng không chảy xiết để bơi qua. Tôi đủ khôn ngoan nhìn các chiến sỹ cởi trần, cuộn áo lên đầu, cho quần giầy dép vào mũ, bơi một tay sang sông. Vị trí xuất phát rất quan trọng để nước trôi chéo sang bên kia. Một tốp đã sang sông.

          Tôi làm y chang, bơi gần đến bờ thấy nước cứ đẩy trôi không vào được bờ, nghĩ bỏ mũ, vứt đồ thì lên bờ ở trần rất xấu hổ, cố bơi nhưng sức đuối, nước chảy xiết lắm, thấy đá va chạm dưới chân. Tôi dồn hết sức, hai tay đập nước, đành chịu ướt đồ, và đã mắc chân vào đá xước máu, nghỉ lấy sức rồi bơi, lội vào bờ, vắt tái áo quần mặc về đến lán trại cũng khô. Sợ ứơt và xấu hổ chắc mất mạng vì ngay phía dưới một đoạn ngắn, nước chảy xiết. Những người lính vô tư nhưng rất cẩn thận để khỏi phải chết trôi cả lũ. Nhiều đứa bỏ không đi bỏ phiếu!

          Chính đoạn sông trước lán trại, năm đó đã cuốn trôi anh Thống lính 75. Hôm đó Thống uống rượu đâu đó, về lán ngẫm nghĩ thế nào bơi sang sông làm "vệ sinh", anh em can ngăn. Thống nói: "con vịt sông Đáy không bao giờ chết đuối" . Anh qua sông và nước cuốn trôi, anh em nhìn thấy mà chịu thua. Đại đội cử những thằng khỏe bơi sang sông không sao vì "chó dại có mùa, lũ đi từng cơn". Anh em đi hai triền sông tìm đến chiều thì thấy Thống mắc vào gốc cây đầy rễ chùm cách lán không xa. Nhiều người bảo may, không thì trôi về bên kia biên giới mất xác.

     Đắp chiếu, thắp hương cho anh qua đêm, sáng sau quân pháp trung đoàn xuống làm biên bản. Tôi và năm chiến sỹ chép biên bản bên tử thi. Nhìn thấy anh cứ to dần trong lớp chăn, chiếu. Chiều, đưa Thống lên núi ngay sau lán trại. Những người lính đồng hương với anh đập đầu xuống đất khóc lóc, gào thét rồi lặng lẽ về. Chiều muộn ăn cơm với Ban chỉ huy đại đội, cơm có thịt hộp, mâm chõng tre đặt ngay gần chỗ Thống trương phồng trong đêm qua và sáng nay, tôi gượng mấy miếng mướp luộc rồi chuồn sớm về lán tiểu đội mình.

          Mãi sau này tôi gặp một anh sỹ quan ở Sư đoàn, anh nói: lính tử thương vì những tai nạn đâu đâu gọi là "quân số tiêu hao tự nhiên". Không ai lường, những lần xe đổ, đạn tự nổ, súng cướp cò, lính bắn nhau, dây cháy chậm ngắn quá, chọc vào kíp mìn, đá lăn, đánh mìn đá bay, ốm đau, say sắn, ong đốt, rắn cắn, chó dại khợp, leo cây té ngã, đói lả, uống rượu đánh nhau, bắn nhầm, ngã xuống vực, phải bỏng do nấu cơm, luộc sắn trong két đại liên Mỹ (loại này có zoăng chặt, ngâm nước 30 năm viên đạn trong két vẫn sáng bóng)… cũng phần nhiều do sơ ý như  tham gia giao thông hiện nay. Đôi khi bảo đó là số trời, ừ là số đấy. Trời bảo, ai nghe người ấy được.

Làng Văn hoá Việt (tiếp theo và hết tiểu thuyết Chuyện tình bên thành cổ)











Chúng tôi thuê chuyên gia tin học thể hiện ý tưởng bằng đồ hoạ rất ấn tượng, không ngờ ý tưởng đó đã được các nhà thầu quan tâm, cái Mùi đòi thành lập Ban quản lý cộng đồng dự án MHS 4000 để tiêu số tiền của dự án. Cảnh gây ấn tượng nhất với nhiều chuyên gia là cảnh mô phỏng cách điệu về đời sống nhân dân có phụ đề “Làng Dậu xưa và nay”. Kỹ sư tin học đã mô tả làng quê có nhiều nóc nhà lá, nhà ngói máng, ngói hài, ngói âm dương ấm áp tình người. Những đứa trẻ ở trần chạy từ nhà này qua nhà kia, chui qua dậu cúc tần, mồng tơi cùng ăn, cùng học, cùng vui chơi, tắm rửa sạch ở một máng nước lấy từ bể nước mưa đã được lọc qua các mái nhà lá thơm, ngói gốm, tán thân hàng cau. Chúng nó mạnh khoẻ, thích ở trần. Những người đàn bà làm vườn, nuôi gia súc, gia cầm, dệt vải thưa, nấu ăn và khi khách đến thì “bấm” tiếp sẽ  được họ thể hiện đặc trưng của nếp sống xưa và nay, các tục lệ đàn bà hiện ra, hấp dẫn nhất là trích đoạn cảnh đàn bà cãi chửi nhau do ghen tuông nhan sắc hay ghen vợ ghen chồng. Những người đàn ông đang làm đồ giả cổ, khách đến (bấm tiếp) thì họ thể hiện nhiều tích tân-cổ, văn hoá ẩm thực và cờ bạc, đánh vật, tích đi chiến trận chia tay người thân, người tình đầy xúc động. Văn hoá làng quê được tái hiện ở những khoảng khắc đời người như sinh- lão -bệnh -tử. May mắn nhất là ai đó được xem niềm vui của mọi người và động tác của bà mụ khi đứa bé chào đời, bà mụ lấy dao bổ cau hơ lên ngọn đèn cồn cắt rốn ngọt xớt, người ta cho nhau và đồ quý vào chiếc bình gốm mạ vàng trong ngoài, có đai và quai làm bằng vật liệu quý hiếm đem chôn xuống đất để đứa bé lớn lên bình an, hạnh phúc bởi nó biết hướng về cội nguồn văn hoá Việt Nam.

CHIẾN LƯỢC CHIẾM ĐẤT