Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

NHIỀU THOÁNG TÂY HỒ


        Có lẽ toàn dân thành phố Hà Nội mang theo kỷ niệm Tây Hồ, con đường, sóng nước, ngọn gió, ánh chiều, tình yêu, cãi cọ, biệt ly, đợi chờ, đền chùa, mua bán, ăn nhậu, hít thở,... và binh đao, áo cơm... Hồ Tây, biết nhiều về sử càng tốt, tôi chỉ biết kỷ niệm riêng mình. Ai cũng có kỷ niệm và một lần nhắc lại, thư từ cho nhau, sách vở, nhạc họa, các loại hình nghệ thuật... xướng lên vô hạn. Từ phương xa, Trịnh Công Sơn nhìn thấy chim sâm cầm rẽ ánh chiều,... ông viết " Mùa Thu Hà Nội" mà chưa một lần tới  thăm.

       Kỷ niệm một thoáng dễ quên, chợt nhớ. Tôi có lỗi với Hồ Tây bởi nhiều thoáng mà chỉ đi qua mới nhớ. Nay tạ lỗi đuợc không ?

        1.  Năm nay tôi đến Phủ Tây Hồ, bị lạc bởi mấy người bạn cùng đi không nói là đi tiếp. Và có thể tôi xuống thuyền, tìm trên bờ không thấy, họ bỏ đi.

            Lễ Phủ như các lễ nơi khói hương, thấy đồ lễ là sắp theo người bán chỉ dẫn. Dân xã (nay Phường Quảng An) tự cân đối thu chi đã tu sửa đẹp lối vào, một con đường rộng ven hồ, ki- ốt chạy dài, bãi xe rộng rãi, chỉ có phủ là hơi nhỏ?

            Nơi khói hương đi nhẹ, nói khẽ nhưng vẫn người chen lách tránh nhau. Cõ lẽ đây là chỗ người gần người như thuở xem phim ngoài trời ở bãi Mai Ðộng. Tượng theo ngôi thứ, sống có trật tự thì cúng bái cũng xắp hàng. Các vị ngoài thấp, trong cao. Ngoài gần lộc, trong ở cao nhìn xuống!  Mắt người, mặt người cúng vái trang nghiêm, họ nói gì, ít ai nghe rõ. Thỉnh thoảng có ai đó nói to hơn sau lại nhỏ tiếng. Tôi nghe có lời "xin-cho-cầu-mong-tiền-tài- tai qua-phúc hậu-ngôi- thứ-con-vợ- chồng- lộc, tránh-được-..." Nhìn chung là ngôn ngữ “Ðòi sướng”.

            Ðúng ra mỗi nơi có bài cúng  riêng, như  đền Bà chúa Kho thì rõ hơn chuyện vay trả, tiền phân minh. Nói “trái sợ vái lại ngay” Tôi cho rằng không cần bài, miễn nói điều thiện phúc cho mình và người thân.

            Có một Ban Mẫu theo bề ngang thì có giữa và tả hữu. Người đông kín. Tôi không bị che khuất, đứng ngoài ngước lên mà khấn. Nơi này hơi thiêng. Ðiều tôi mong mấy năm trước gần như hiện thực. Nhìn mẹ, con có niềm tin.

            Bài "muốn" của tôi đại ý: Khai rõ tên khai sinh, tên người thân, không rõ thì gọi đúng bậc trong nhà và cầu nguyện bình an hạnh phúc.Tôi không quên cầu trời, đất, phủ và các vị ngự nơi đây bình an, hạnh phúc muôn đời.

            Tôi muốn cầu mong cho một người mà tôi quý mến, song không  rõ ý người ta thì  chớ có đùa, kẻo làm phúc phải tội. Nhưng khi công đức tôi ghi một tên khác, tôi luôn thế ở nhiều nơi, khiến người ghi cười theo. Tôi sợ tấm lòng nhỏ bé phải tội đích danh. Lộc phát ra 2 bánh khảo hồng tươi hiệu bản quán “Quảng An”- một hộp diêm đỏ lửa  Thống Nhất. Quý quá, bánh thom đất mẹ, lửa hồng chống lạnh quanh nam. Tôi chỉ giữ ngọn  lửa.

            2. Lầu Cậu, có nhiều bé gái xinh cầu tình, lầu cô xem ra ít con trai đàn ông cầu gái, (có lẽ xấu hổ) chứ thực ra cũng muốn. Trong lời cầu nguyện, các cô gái nói đại ý: yêu- không bỏ- cấm đứa khác-thành tài-với con- với em,... Tôi nghe thoáng như vậy.Tốt, niềm tin đặt nơi cậu là đuợc chứ đặt chỗ khác là sướng ngoài chồng, thêm người tình, chắc cậu làm ngơ.…

            3. Lò hóa vàng đỏ rực, thiêu đốt tiền âm phủ kiểu này thì dân hàng mã, dân Quảng An, người bán hàng vui. Nên thiêu hàng mã để kích cầu- điều này khác chuyện cấm pháo. Rượu nhạt quá, tôi cũng nhấp một chút sau khi gửi về thiên cổ.

            4.  Cây đa, rễ si rủ bóng xuống hồ, tôi xuống một cầu dẫn chênh vênh, đi ra ngoài, cắm hương vào ống trên cọc tre. Ðứng đó nhìn ra hồ phẳng lặng cầu những hồn còn chìm bóng nước sâu, cố mà bay lên, hay yên ổn ngàn sâu.

            Nơi bờ nước Phủ Tây Hồ một đêm vắng, tôi đưa bạn cũ thời lính, từ Sài Gòn ra chơi. Mùa mưa nước mênh mang, bạn kể lại những ngày viễn dương hỏng tàu, lạc vào đảo phía nam Philippine, đón thổ dân lên thuyền- bạn buôn gạo đi biển, Magienlang thám hiểm buôn hạt tiêu lấy lãi trang trải... Hai đứa cứ thắp nhang ngoài phủ nhìn ngắm hồ, nhớ, nhắc lại kỷ niệm sông nước, biển cả, núi non.

5. Có chiếc thuyền một lái đò đi qua, họ không mời, tôi gọi cho đi chơi quanh. Một mình tôi họ cũng đi, đi đến lúc nào cũng được. Tôi gọi một cô gái vừa đốt hóa vàng xuống đi cho vui anh đò. Cô ta thích lắm, thế là anh trai phải theo, còn một vài bạn trên bờ nhìn theo- Cô bé trẻ xinh nói với lên- "sợ thì đừng tiếc".

            Dân thuyền này dùng chân chèo thuyền, như vậy họ ngả người, tay tự do-suớng, uống rượu, đọc sách, ngâm thơ ngắm trăng, nắm cái gì cũng chắc. Ðôi tay dẻo hơn chân, thực ra con người ta thoát chết, hay tìm đến chỗ sướng theo đúng ý nghĩa cơ học là bằng chân, sau đó mới bằng cái khác “mồm ăn chân chạy” của trẻ là thế. Họ  cuốn  dây cao su vào hai tay chèo, rẻo chân lái.

            Những đêm chơi thuyền như thế sướng lắm, ngắm trăng trên Hồ Tây chắc sướng nhất Kinh thành về phương diện nghệ thuật và môi trường. Tôi đã viết câu thơ mà chưa tặng bạn quê Quảng An cùng thời quân ngũ, cùng sống trong những năm uống rượu ở “rừng Sói” :

Ngửa mặt ngắm trăng thuyền trôi lênh đênh
Bẻ một cành sen nhớ về bến cũ-
Sóng tay mẹ, vỗ về giấc ngủ.
  nàng tiên bay đến tự tình”
          

Không thấy tiên thì trăng là tiên. Con gái mơ gì, tôi chưa biết ai để hỏi, mơ trai trên thuyền hay trên bờ?  Vì thế, tôi không hề thích thuyền kiểu đồ chơi hay xe nước bơi quanh, hoặc du thuyền lớn ca hát nhậu nhẹt, khác gì trên bờ. Tôi đã từ chối nhiều lần thứ thuyền, tàu đó...

6. Hồ Tây mênh mang, tặng vật của tạo hóa cho hành tinh, cho Hà Nội, cho những cuộc tình đáng sống, đáng chết. Lạnh của đông chưa tàn, xuân háo hức làm mặt nước phẳng, sương, mây mờ huyền ảo. Cô gái nhỏ ngồi bên tôi tin cậy hơn vì có thể nghĩ đến đoạn đắm thuyền. Mặt Hồ xuân, mặt gái xuân tươi tắn. Được lắm.

Tôi đã nhiều lần quanh hồ Tây, nhiều kỷ niệm nhỏ nhoi như tắm ở chỗ lầu Bát Giác trường Chu Văn An (trường đẹp nhất Việt Nam), ngứa người mấy hôm để nhớ. Lớn một chút ngồi với người tình bé nhỏ như cô gái đang ngồi bên. Tôi mang theo và cùng em ăn nhiều quà, kẹo ngọt mà tình không ở lại, tình ra đi tự nhiên như khi nó đến, như nước Tây Hồ lắng lọc bao số phận,...nhưng hơi ấm vẫn còn đâu đây gợi về mùa đông lạnh giá bên góc phố có cây bàng khẳng khiu. Em còn hơi ấm đó không?         

Rồi những lần lang thang mép nước Hồ Tây, lên quán cá ông Già, ra bờ nước ngồi ăn tối với cô bạn từ xứ tuyết trở về sau 10 năm phiêu bạt, cô cho tôi coi chỗ sườn bụng bị một tên trốn tù chung thân chạy sang làm trấn, lột “Em gan, nó chích dao thật, túa máu đành mất trắng” Tôi nói: "phí đời con gái mới đáng tiếc, chứ mất ít tiền lại đi kiếm tiếp", cô ta cười giễu tôi (chắc coi là đồ ngu-thằng ngốc)... Ðã ở bên bờ nước sau bụi cây mà anh bạn quen ngồi chỗ khác vẫn nhìn thấy, chào- uống- tôi nói dối là em gái, anh ta cười thuộc bài. Em đòi tôi gỡ cá, ừ thì gỡ, xé ra bỏ vô miệng em khó gì! Em kêu “anh ăn hết của em”. Tôi uống nhiều bia mà không say, hồ lặng, nóng hè, không say tình em!

            Cũng hồ này, tôi “vệ sỹ” cho bạn trai với cuộc tình thứ 10 của anh ta lần đầu ra mắt, họ sống rai với tình đến quá 10 năm sung sướng không nguôi. Tôi bị sếp mắng tội “hùa”.    

Kỷ niệm bên Tây Hồ, cũng là nhớ về Hà Nội, nhớ Kinh thành 1000 vang bóng, nhớ người xưa, nhớ cô gái đa tình bán sách, chiếu gon, bán hàng hoa tươi khiến các chàng khóa mếu máo khi bị các công thần cao niên hốt mất người đẹp, nhớ cuộc khẩu chiến của thi nhân, xem lại phù điêu ông thiếu tá Giôn Mác-Kên bị bêu khi còn sống-ấn tượng cùng tượng đồng đen lớn nhất Việt Nam- đền Quan Thánh, chùa Trấn Vũ. Mỗi lần vào sờ ngón chân cái tuợng đồng đen thấy dễ chịu. Tượng lớn  thiêng, Nguyễn Hữu Chỉnh không dám phá tượng để lấy đồng đúc tiền trong thời kỳ hắn hiếp chế vua Lê, lộng hành ở Bắc hà.     

7.Tôi xe đạp quanh hồ vào mùa hè, lên mãi Lạc Long quân, qua liên hiệp thịt chó Nhật Tân,.. ước 12 km. Người lái đò dân giã Quảng An từ mấy đời kể: đường mép nước bình quân 16 km. Nước sâu 3 mét; cá cua, ốc… nhiều lắm, câu trộm ăn thoải mái, câu người coi cá  bên công ty thủy sản thì có cá bán, được mấy đâu. Hồ cũng như ruộng, kiếm ăn hàng ngày mà thành kỷ niệm, gắn bó truyền đời.

            Tôi bảo hồ hẹp. Anh đò bảo không phải, mà hồ rộng hơn. Trước kia hồ có nhiều gò bãi xa, nhiều bán đảo, roi đất, nhiều kênh lạch, và rừng, lúc bé đi câu, kéo lưới, lặn xuống gỡ lưới gặp gốc gỗ lim to. Có lẽ Vũ Như Tô lấy gỗ đó xây Cửu trùng đài, làm các cầu rồng dẫn ra thuyền rồng để vua và mỹ nhân hóng mát, tắm tiên! Chuyện ông Mộc đánh người giả hổ cứu vua Lý có truyền thuyết trong dân. Tôi nói về dự án cải tạo hồ đến vài  tỷ USD mà năm trước tôi và một số người nghiên cứu về hệ thống đường thủy, cảng ở Việt Nam nêu ra, chẳng ăn nhập với quan tâm của anh đò. Anh bảo: Hồ Tây vẫn sạch.

            Kinh nhất đoạn anh ta kể, bãi nghĩa địa là rẻo đất bên Bưởi bị sóng đánh chìm. Hồ rộng nhờ sóng, tình say cũng vì sóng tình, chứ ruợu- thơ - tiền được là bao? Anh ta bảo sau một đêm cả nghĩa địa chìm xuống. Sau đó nhiều năm, anh ta và dân chài lưới xuống mò lấy ván về đùng, sục vào cốt bắt rất nhiều cá, lươn, trê ốc...

            Cô gái ngồi bên run người nhưng vẫn hỏi có ma không ? Anh đò nói: có ma và mỗi người tưởng tượng ra một con ma.Tôi muốn đi nữa, xong cô gái và anh trai cô đòi lên bờ. Có người đòi qua bên Thụy Khuê bằng đò chở 1 người, 2 người thì anh đò khác không chịu đi. Nếu họ đi, tôi theo sang rồi về chỉ có 1,4 km.

            Chuyện Tây Hồ, tôi nghĩ rằng có nhiều kỷ niệm đẹp trong dân Kinh thành và khách thập phương. Kể lại cho nhau thì có, viết ra thường là người buồn phiền điều gì đó? Lộc bất tận hưởng, tôi nhờ người gửi chiếc bánh khảo Phủ Tây Hồ- Quảng An, sáng nay đã tới nơi. Hy vọng lòng thơm thảo của dân Quảng An- Phủ Tây Hồ sẽ làm người đó an khang- hạnh phúc.

            Phủ Tây Hồ mồng Bảy  tháng Giêng năm 2004

            CHÙA HƯƠNG CÓ MÂY TÍM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét