Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

CHÙA BÁT THÁP


            Ai cũng lấy cái chung làm của riêng mình, thuận nhất là lấy chùa. Đã nhiều năm tôi đến chùa Bát  Tháp. Chùa gần, chùa nhà nên đến trước, hễ có dịp thì đi các chùa trên đất nước ta- Hạnh phúc như những cuộc hành quân xa không mỏi.

            Đầu năm nay tới đến chùa Bát  Tháp, gặp luôn hai cô tiểu chặn cửa không cho vào, do tôi đến hơi muộn lại gặp rắc rối. Mấy anh công an, dân phòng đang tra xét mấy thanh niên choai. Hỏi ra mới biết nhà chùa bị các chú vào khoắng tiền lễ chùa. Đành về. Mấy hôm sau chùa đóng cửa. Nay mồng Một vào chùa thắp hương. Với tôi, nhiều kỷ niệm nơi chùa BT, chứng kiến những lần tu sửa, những lần bị lấn chiếm, những bức tường xây đi, xây lại chống tái lấn chiếm của bọn người làm bãi đổ cát, đổ rác. Nay chùa khang trang hơn nhiều, cổng kín, tường cao, có xích sắt vỉa hè. Một không gian dễ chịu, sân gạch đỏ sạch, nền nhà gạch men tím cỡ to, đi chân tất thoải mái. Hoa bưởi đầu mùa thơm, trời Xuân mát như mùa Thu.

            Tôi đặt lễ, cài hoa sau đó thắp hương ngoài sân, thắp hương bia các liệt sỹ của phường . Đi vòng ra sân sau thắp hương tiếp các vị sư tổ, bà chúa Sơn trang, lậy tạ lầu cô, lầu cậu ngoài sân. Ở một ban thờ thấy một gã béo tròn, lăn như củ khoai tây khấn vái rất to từ chiếu này qua chiếu khác. Lúc 9 giờ không đông khách, tôi có dịp tha thẩn vãn cảnh chùa, ngắm cây mai từ năm ngoái (vẫn màu vàng không phai, buộc tôi phải đặt tay vào cánh hoa!) đến bên gốc bưởi hít mùi hương đầu mùa. Cành bưởi cằn, ít lá nhất lại là cành nhiều hoa nhất, chùm nụ như những giọt bạch hương muốn rơi, muốn khóc thương trong đêm. Người ta bảo, cây cằn sớm khai hoa là nguyên lý bảo toàn nòi giống, nguyên tắc sống hết mình không vì bất kỳ lý do nào? Lại nghĩ đến những bà mẹ rõ nhỏ mà sinh nhiều con là thế.

            Ngôi chùa Bát  Tháp với tám tháp cốt của các sư cụ trụ trì, cống hiến cuộc đời, sự nghiệp cho cõi Phật, các tháp nhiều cỡ, đồng dạng. Đây là ngôi chùa có nhiều tháp hơn cả. Tôi đến tháp, nhìn thấy những năm xây và rất sợ Tháp xây năm tôi sinh. Có cảm giác năm đó sư già yên nghỉ để tôi ra đời? Mùa Thu, nhìn qua song cửa thấy hàng cau nhà chùa chơi vơi, tán cao vút, thân thẳng đứng, lay nhẹ trong gió cảm nhận một khí phách, sức rẻo rai, kiêu ngạo với đời, gần gũi với trời xanh.  Chùa bị lấn hai bên cổng, hai sườn thành ra nở hậu. Nhiều người kháo nhau chùa Bát Tháp thiêng lắm, cúng bái cẩn thận được đủ đường, nhất là đường gia thất, tình duyên, làm ăn, lập nghiệp, an bài, trấn tâm, giữ chồng con ngoan. Riêng tôi thấy thoải mái, nhẹ nhàng phần hồn mỗi lần vào Chùa.

            Lúc đi học, tôi hay vào đó đọc sách, cũng thích rủ bạn gái vào nhưng lại sợ thiếu nghiêm túc trước cửa thiền, đành lặng lẽ lủi dưới tán cây nghe tiếng chim và ngửi mùi hoa. Thời đó thưa vắng lắm, nhìn sang bên làng Vạn  Phúc, Kim Mã còn ruộng lúa, bờ tre, nón lá, áo thâm thấp thoáng. Một lần tôi vào chùa học bài, thì có một cô gái chiếm chỗ, cô ta đọc sách; tôi chọn chỗ khác, lúc sau sau cô gái đó biến mất.

            Thế rồi tuổi thơ, tuổi trẻ qua, cuộc đời đưa tôi qua nhiều đình chùa, am miếu; nhớ mái nhà, tượng chùa nhưng không nhớ hết tên chùa, có những chùa trong hang núi, chùa cô đơn trên cánh đồng, chùa trên đồi cây rừng, quanh chùa lắm sim tím, ổi thơm; chùa bị bom đạn tàn phá để lại dấu tích của tội ác chiến tranh.

            Có một ngôi chùa có tên người trên xà gỗ lim, được bạn giới thiệu đó là một chàng trai bản xứ mới18 tuổi tự lấy đục sắt khắc tên mình, đến năm sau thì (chào đời lần cuối). Sau này vào các chùa như chùa Thiên Mụ (Huế) có cụ Rùa đá được du khách thập phương lấy vật cứng khắc tên đè lên tên, chữ ký xí phần để hậu thế chiêm ngưỡng, tôi lại thấy cái ham muốn "vong danh" đầy đời!

            Một màu hương khói đâu cũng có bên nhưng viên gạch mái ngói rêu mốc của thời gian, trên những lư hương cổ kính,lan trong cây cổ thụ, cây nhãn. Tôi là kẻ hay la cà các sân chùa cảm nhận cái gì đó hơn là tìm hiểu lịch sử, cũng trò chuyện với nhà sư. Tháng Ba, mùa hoa nhãn rụng đầy sân chùa, thơm, thích lắm.

            Là người lính, có lần ôm súng ngủ chùa trên những nẻo đường hành quân, đêm đêm vẫn sợ bà sãi, ông sư dậy thắp đèn soi cái gì ấy, và có anh đã đặt (bẫy) cho giấc ngủ yên, bởi anh có kinh nghiệm xương máu ở các chùa trên đất nước xa lạ, mà sư trọc cầm súng! Ấn tượng đáng kể là mùa Xuân những năm 80 trước kia ở phía bắc chân cầu Kỳ Lừa. Chúng tôi xuống chốt chơi phố Tết có rẽ vào ngôi Chùa thấp trong lùm cây thấp, dây leo bám tường, và được ngồi với sư cụ trụ trì.            Ông sư to lớn nhưng có lẽ lùn không phải do áo thụng. Ông mời nước thuốc, anh em chúng tôi kính cẩn, lễ độ đón đáp theo lễ chùa, lễ phép với người cao tuổi.  Tôi nhớ sư cụ có gương mặt hồng hào, đầu rất to mà không tròn, má hơi sệ, lông mày rậm tua ra nhiều hướng, có sợi bạc, đen, xanh, tím, vàng. Tôi rất chú ý sư khi ông nói chuyện với bạn... Sau này xem phim Trung Quốc, Đài Loan thấy hình ảnh các sư cụ... tôi thấy không đạt, diễn viên đóng sao đạt, mà phải chính sư vào vai, nhưng chuyện sư làm diễn viên có được không?

            Lần khác chơi trên đường làng quê gặp mưa tôi cùng cậu em lao xe vào chùa trú mưa. Cậu em không thích cũng phải chịu. Chùa này tên gọi chùa Kem (ngọt và lạnh). Chùa mở cửa (làm phúc), không gặp ai, tôi bỏ xe chạy vào bếp có ổ rơm, nhìn mưa, đợi mưa hoài không ngớt. Mưa Thu lạnh, tôi kéo rơm vào người, bảo cậu em" Anh ngủ chút, em thức nhé" Tôi ngủ thật, chẳng mơ thấy gì! Lúc sau hết mưa, cậu em gọi tôi dậy lấy xe về. Vẫn không gặp ai ở Chùa Kem. Sau, vô tình coi sử thấy nói chùa này cưu mang những nghĩa quân lâm nạn, những vị tướng ngang ngạnh nhất trong những ngày cuối của mấy cuộc khởi nghĩa nông dân.

            Trở về với Bát Tháp  nơi chùa nhà  toạ lạc trên đường ông Đội Cấn, trên lối rẽ vào làng Đại  Yên, làng Ngọc vào chợ lá duy nhất ở Hà Nội, ai mua lá thuốc Nam từ mớ rau má đến lá cho con gái gội đầu, các bà làm thuốc phép đều có. Chợ trong làng chỉ dài hơn 20 m mà đủ thứ lá. Dân chúng bảo chợ ngày càng bé nhỏ do thuốc tây ngập phố, do phố làng nhỏ vì nhà xây mỗi người lấn ra đường làng ta. Tôi được mẹ sai đi mua lá nhiều lần, mùi lá hương nhu, bó mùi (ngò) lên hoa tím thơm lắm .

            Lần này ấn tượng lớn nhất với tôi là nhà (Bia ký hậu) bên phía Tây chùa, mấy năm nay được tu sửa bởi những gia đình gởi hồn người thân nơi đây. (Ông Địa) chính giữa được bao bằng đường nét khung hoa văn sơn son thếp vàng, bên phải hai (bà đá tôi gọi thế) một bà chìa tay, trên đó người ta đặt tiền lẻ. Nhiều chùa có tượng chìa tay búp măng, đâu phải xin tiền mà cứ đặt vào đó toàn giấy 200 hôm nay. Tôi rất bực các hành vi đó. Nhà bia ký lạnh vắng, đèn ít von đỏ. Hai bên (ông địa) là những hàng bia đá xanh mài khắc tên các hồn người rất gần hôm nay, sống quanh tôi những năm tháng qua. Bia cùng cỡ  (khoảng giấy A4) - đúng là công bằng để dễ sếp hàng- loại bia này đặt mua trên phố, gần phố Lò Sũ, hay gần phố Cầu Gỗ cách Hồ Hoàn Kiếm không xa, thì chỉ hết ấm trà là xong. Tôi ngắm hết lượt những gương mặt (ảnh) đủ lứa tuổi: Họ tên, thời gian thường ghi năm sinh, mất, hoặc một trong hai đầu cầu thời gian của đời người- tôi nghĩ nên một hướng thời gian để hồn còn sống về quá khứ hay tương lai- (có người bảo tôi ngang, không phải!). Hình ảnh nhiều màu, phai theo thời gian, theo độ ẩm trong lớp kính mê- ca, bị ô xy hoá. Cũng có ảnh truyền thần trên đá, đầy khát vọng sống mãi với thời gian.

            Ôi nhiều lứa tuổi, ra đi vào những năm qua, gần nhất là cuối 2003. Tội không? ai mất cũng thương lắm, mất như thế nào cũng đau lắm. Trên bia ảnh có ghi nhiều văn bằng (cử nhân, kiến trúc sư, cao hơn không thấy, thấp hơn không ghi) cấp bậc, ảnh quân hàm, quân hiệu, kiểu chân dung,... Tôi lại sợ những người cùng năm sinh với tôi mà không được sống,... đau nhất là những em bé quá chỉ trên dưới mươi tuổi ở đây, các em có làm cho hồn lớn vui không?

            Hồn chờ hồn. Đó là những cặp chung tình hạnh phúc. Một bên bia ký ghi tên cụ ông hay cụ bà đã đi, bên kia còn hình quả trứng để lồng ảnh đợi gọi nhau về chín suối. Tôi vô tình nhìn thấy dòng tên cụ bà dưới cụ ông, chữ được dán băng keo đen- Cụ bà vẫn sống mà ai đã khắc tên đợi chờ.. . có lẽ lúc cần, muốn nhanh là họ tháo ra, chạy qua phố khắc đá (hoặc tự khắc) hút điều thuốc để tay thợ đá cà  số ngày tháng năm sinh, mất là xong. Tôi thấy ang ác thế nào ! xong nghĩ đời tuần tự tất yếu, vả lại họ dán băng keo đen mà tôi cố nhìn thì phải cảm nhận buồn!      Rõ ràng có tiếng gọi hồn với hồn, người mất với người còn, người đã lên trời với người gần đất xa trời.

            Hỡi ôi, cuộc đời trở về thế ư! Hỡi các âm hồn nơi đây nói gì đi, im lặng thế, nhắc tôi cái gì đi chứ, tôi mê man chút xíu rồi thắp tiếp hương. Có mấy người vào nhận người quen trên một giá gỗ mỏng mảnh đủ cỡ ảnh cài vào, rồi họ ra ngay vì ...sợ tôi lờ đờ như bóng ma, hay sợ mật độ các âm hồn. Có nhất thiết phải (ký hậu) không hay là ta (ký tắt) một lần cho xong rồi tang bồng thiên cổ, tha phương khắp chùa chiền đất nước vui chơi,.... Có dịp vào tôi lại thăm thắp thêm nén nhang.

            Thưa các hồn, khi sống tôi không biết nhưng khi chết tôi chiêm ngưỡng có sao không? Tôi không dám đòi hỏi gì, cầu cho các vị siêu thoát cực lạc, an toạ nơi đây- và tôi vẫn thấy nơi đây khát vọng cuộc sống trên gương ảnh, trong con mắt em thơ, trong mắt mẹ, mắt em, mắt đồng đội, người đồng niên,.. dù ảnh cứ mờ dần, mờ tan,...

            Ấn tượng sống vẫn còn ở chùa là một cô tiểu trẻ, có thể ít hơn tôi đến năm tuổi- Cô vào chùa không rõ lý do, tôi không bao giờ tò mò, nhưng vài năm trước tôi đã đụng cô một cách ngẫu nhiên.Chùa gần, nhiều lần tôi đi một mình, thường nghĩ đi là đi, quên, hay sợ một mình không đi là có lỗi với ý nghĩ. Cô tiểu , nay sư cô  biết tôi qua ánh mắt rọi vào tôi, khiến tôi quay chỗ khác cô ta lại càng dọn dẹp quanh đó nhìn tôi lần nữa như muốn dụ tôi đi tu cùng cô chăng? hay cô nhận thấy cái vía tôi khác thường? Một lần tôi đến muộn (khoảng 9 giờ tối) chùa vắng. Tôi đặt đĩa lễ bàn thờ lớn đang chắp tay khấn vái thì cô tiểu lướt qua mặt tôi, cô khom người nhấc luôn đĩa hương hoa của tôi đi. Tôi dừng lại: "- ấy ấy để tôi lễ xong"- Cặp mắt to sáng, hơi xếch nhìn tôi vài giây : "- nhà chùa phải dọn sớm kẻo trộm lấy!" cô ta đặt lại đĩa, đặt lại tiền nhìn xéo tôi một nhát rồi bỏ đi. Cô tiểu trẻ, dẻo người, cô cố ý bắt tôi nhìn theo.

            Lần sau, tôi gặp chị tiểu đó đang nói nhiều nhiều với khách xin lộc. Tôi ngồi ghế sắp hàng chờ. Cô nhìn thấy tôi rất nhanh, mà tôi cứ ngồi không sợ. Đến lượt, tôi run run lấy tiền chẵn hỏi " Thưa cô, cho tôi đổi lấy tiền lẻ lộc của chùa ?" - " chùa chỉ phát lộc chứ không đổi, anh công đức gửi vào hòm kia !" tôi đã gửi rồi lại quay ra gửi nữa, quay vào thì cô đã sắp lộc cho tôi như mọi người. Lần này mắt cô nhìn tôi bớt xếch hơn. Tôi cảm ơn, về vội.

            Năm nay lại có thêm nhiều cô bé tiểu chùa xinh xắn ở đâu mới về, tôi thoáng nhìn thấy cô tiểu mắt to của tôi đâu đó trong chùa, cô cao hơn, đẹp hơn thì phải? Không biết cô còn nhớ tôi không? Tốt hơn là khác đi.

 

            MỘT NGÀY XA KINH THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét