Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

THEO


            Trước yêu cầu của con gái sếp cần khối lượng tư liệu "khô", tư liệu "ướt" về Thăng Long xưa, Hà Nội nay để viết luận văn cao học tận xứ sương mù, tôi thấy kiến thức sách vở, vỉa hè của mình nhỏ nhoi quá. Tôi tự hỏi: tại sao em phải xa xứ để viết luận văn về nước mình? Tự trả lời, không rõ. Tôi viết thư hỏi em được biết là trường Ôc-phớt nào đó rất tự hào có học trò của họ viết về luận văn về Thăng Long-Hà Nội, thầy được hướng dẫn phương pháp mới, kinh điển và hiện đại thể hiện luận văn khoa học, họ được trao đổi, thảo luận qua các báo cáo của nghiên cứu sinh,… họ thích như thế và em cũng muốn nói với họ về đất nước chúng ta tại giảng đường xứ sở sương mù.

            Sau này tôi nghe chuyện sếp với giáo sư sử học cỡ lớn nói ở bàn trà về việc nhờ sếp tôi sắp đặt kế hoạch, dự án hỗ trợ nhà trường của giáo sư. Dự án đã thoả thuận với bên nước bạn ở Tây Âu về việc nghiên cứu, cung cấp tài liệu chuyên đề các loại dụng cụ nuôi trồng đánh bắt thuỷ sản ở Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, cách chế tạo và sử dụng, hiệu quả và tính kinh tế xã hội, tình cảm của dân với đồ lưới, đó, giỏ, dậm, thuyền, te, vợt, chài, hom, lờ, chũm, khăm,… và thuốc rễ cây cho cá say cũng như tình trạng dùng chất nổ, hóa chất, đèn cực sáng để bắt cá!… Tôi tự nghĩ, họ "quái" thật, vài trăm ngàn đô la mà đòi cả lịch sử nghề đánh bắt, nuôi cá mú của ta, nhưng cũng hay, vì hợp tác nghiên cứu thì ta lại thấy ta. Sao em và bố em không bảo trường "ốc, ếch" ấy hợp tác làm dự án nghiên cứu Thăng Long -Hà Nội rồi sau làm luận án, té theo luôn?  Em trả lời đã có đề nghị đó nhưng quy mô nghiên cứu, đào đắp quá lớn, cần những thông tin đầy đủ mới có thể làm được. Em lại giỡn tôi "chỉ có anh mơ bóng dáng Kinh thành, áo dài tha thướt, mắt mũi môi xinh, kiểu ăn quà của con gái Hà Nội đã đủ một dự án rồi".

            Con gái sếp ngày càng vui vẻ, láu lỉnh châm chọc tôi từ nơi xa tít.

            Có lẽ cô nhớ Hà Nội, nhớ quà hàng rong, nhớ hoa, nhớ bạn, nhớ nhà! Không biết nhớ có nhớ tôi? Tôi thì luôn muốn làm làm tròn bổn phận và lời hứa với những người, những việc tôi yêu thích, và tôi làm cũng vì trong thời buổi này những người biết việc luôn trả công chu đáo, không nhậu thì cũng vui chơi có thưởng, cho tôi đóng góp tiền cơm cho mẹ và bia bọt hè phố đã hơn!

            Lợi ích tam, tứ, nhuận tôi quá biết qua các chuyện trong sở. Nhiều chuyên gia thuộc bài đã chạy sô trên các diễn đàn đến 4 lượt trong ngày, tham gia dự án với tư cách thành viên, thư ký, bình luận, phản biện,...một bài hát nhiều nơi, một thiết kế mẫu bán thoải mái cho các trường học, trụ sở, trạm xá, chợ, đường dân sinh tiêu tiền nhà nước, phết phẩy đôi bên. Tốt thôi, một nghề thì sống, đống nghề vẫn đói.

            Tôi thấy em cao siêu quá, tôi thì la cà mạng nét, bập bõm ngữ nghĩa, ôm vô lăng, bia bọt, tá lả, nhặt bóng ten nít, bóng đá la hét, bơi lội mùa hè, rượu chè quán ba nghe nhạc tạp,… chẳng đâu vào đâu thì sao nên người. Học tại chức cũng không khá, thày đọc trò ghi, trả bài thi tìm cách "bao công hay đi chùa thầy" lấy hơn 7 điểm.

            Tôi cố gắng chọn sách, đọc viết linh tinh cho em, em viết thư "cảm ơn anh có bóng dáng Kinh thành ám ảnh, yêu thương, vuốt ve, nâng đỡ thể hiện hay quá". Tôi đem việc khó đó nói với bố em:

- M nhờ em làm mấy việc, em đã cố gắng nhưng không đáp ứng, mong bác tìm nhà Hà Nội học, các chuyên gia giúp M.

- Từ nay anh cấm em gọi anh là sếp hay bác xưng, cháu

Tôi lạnh người vì lần đầu bị mắng. Tôi buồn mấy hôm vì ông xưng anh, gọi em với tôi khách xáo quá. Thôi thì cứ cậu tớ, mày tao còn hơn chứ anh anh em em đúng đạo xưng hô ở sở nhưng với tôi còn M con gái sếp biết tính sao, em sẽ quay ra gọi tôi bằng chú thì lú lẫn, mất tình. Ông đã không còn thân mật với tôi nữa, có gì sai sót đây. Phận lính, phận cấp dưới, phận xế, "cu ly" hầu, ông muốn gì thôi theo miễn có việc làm là tốt.

            Tôi đã nhầm, ông không hề giận tôi. Sau nhiều lần, nhiều chuyện tôi xưng hô anh em thay bác cháu, tôi thấy ông vui vẻ ra mặt. Hoá ra ông muốn gọi thế để trẻ trung.

            Hôm nay trăng sáng, Kinh thành mơ mộng mùa thu, ông gọi tôi đến thăm một nhà Hà Nội học ở trên phố cổ, ông N. Tôi bảo ông đi xe hai bánh ngắm phố. Mùa Thu, khí tiết trời lên sắc màu hoa cúc vàng, hoa loa kèn trắng, hoa nào cũng đẹp như cuộc đua. Trời xanh, cây vẫn xanh, dịu mát, phố khoe ánh đèn hiệu, quán, người khoe áo xe, các cô gái sướng nhất là khoe váy với chân, từ xa đến gần nhìn đều thích. Hương cốm từ quán cà phê bay trên phố, hương hoa sữa mùa thu có lẽ làm "anh sếp" tôi dễ chịu để sau đó tôi chuyển sang chạy xe ôm vài tối trong tháng cho ông. Khổ thân tôi lẽ ra hầu con sếp những tối như thế sướng hơn hầu sếp. Nhưng tôi đã thấy và được cái mà sếp dẫn đi tìm.

            Chúng tôi vào nhà ông N, tầng trên của biệt thự chia nhiều hộ, cầu thang gỗ rộng, cửa sổ cao như cửa ra vào để đón khí trời, ban công ông để chậu cúc vàng đúng mùa và một gốc hoa quỳnh tao nhã đón trăng. Ông bảo nằm, ngồi bên hoa ngắm trăng soi hoa, ngắm hoa tắm ánh trăng, rồi ngủ lơ mơ, sướng lắm ! Tôi ngạc nhiên thấy tính mộng mơ của tuổi già.

            Sếp tôi và ông N quen nhau nên mọi đề nghị đều được chấp nhận và tôi là người sẽ đến gặp nghe ông N chuyện về Thăng Long  xưa- Hà Nội nay. Tôi cho rằng sếp tôi có uy quyền duyệt dự án hơn là bạn quen thân, không biết có đúng không?. Họ quen nhau đã lâu mà tôi nay mới hay.

            Đời xế đi xe thì biết nhiều khách, bạn của chủ chứ mấy khi được thân mật, gần gụi làm gì nếu họ không yêu cầu ngoài cái vô lăng chắc chắc và đồ đoàn lên xuống. Đội xe của  tôi có một anh chạy cho sếp nhỡ nhất, nên người ở chỗ xin sỏ việc làm cho con em, chạy hớt mầu dự án vui chơi tới bến về chuyện tít. Anh ta cười tôi, xong lại bảo" mày định bỏ chúng tao hả, còn trẻ cố mà chạy"

            Mấy hôm sau nữa trong tháng trăng đó chúng tôi ngồi chuyện về Thăng Long- Hà Nội, nhiều hôm mời thêm mấy thầy giáo, cô giáo đại học gì đó đên nghe cho cao hứng chủ khách. Sách vở của ông N khá đầy trên các giá, tủ bàn hơi lộn xộn. Tôi hiểu là ông thường dùng, khác hẳn với sách khóa chắc tủ kính và phủ bụi thời gian trên giá.

            Tôi mang máy ghi âm và sổ ghi chép cho chắc. Chẳng biết vì sao và ông N rút tâm huyết, trí nhớ về Hà Nội -Thăng Long cho một thằng "ăn trộm" bất đắc dĩ vì sợ sếp. Tôi lắng nghe, hỏi đôi chỗ, hỏi một ông nói đến hơn ba.

            Tính cách người Tràng An ngày càng rõ nét trong cách diễn đạt của ông- Tôi nghe toát lên tính tình hiền hòa, tay chân khéo léo tạo đồ dùng, đồ ăn, nhà ở, chùa chiền,… lễ phép gia giáo, dạy cháu con ngoan xinh và giao lưu.  Tinh thần dũng cảm, mưu trí trong chiến tranh, cầu mong hòa bình với "chi phí xương máu nhỏ nhất" là điển hình của Thăng Long xưa và nay, nên Hà Nội là thành phố Hòa bình, thành phố an toàn nhất trong nhiều thập kỷ qua. Người Kinh thành ước mơ khát vọng lớn lắm nhưng binh đao, loạn, nước nghèo nên các công trình kiến trúc nhiều khi chỉ là ý tưởng, xây dựng dang dở, hoặc phải thu lại quy mô.

            Tôi rất chú ý và thích chuyện nói về nếp ăn ở, đồ ăn, quán xá, trường học, thầy trò của Kinh thành mà nay còn hay mờ phai? Đó là nội dung mà M và tôi đều thích. Tôi cố gợi hỏi, bởi vì thế hệ tôi và sau này sống công nghiệp  sẽ không còn thấy và có cũng đã cách tân vị thật của  kinh đô phố phường xưa . Thay lấn "dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo" là xe chạy xăng đến bịt mặt, là những đồ tân kỳ, thời thượng thập phượng nhập về. Song Hà Nội nay, Thăng Long xưa có truyền thống giao lưu và đồng thuận với các nền văn hóa dân tộc khác trên thế giới tưởng như không thể thuận được với nơi nào trên thế giới

            Những cuộn băng đó tôi sao lại, làm rõ nét hơn, gửi con sếp một, tôi một bộ. M thúc tôi gửi sớm. Có người trong cơ quan đi công tác, tôi bảo sếp ép họ mang 5 cân bánh cốm, 2 cân chè thứ thiệt mua trên Hàng Điếu để em mời bạn xứ sương mù thưởng thức cho biết chút hương vị, tình cảm hạt lúa, búp chè Việt Nam, thứ mà người dân Kinh thành khá sành điệu từ truyền thống đến nay.

            Hình như Thăng Long xa xưa là đồng lúa đẹp nhất, rộng nhất, ấm no nhất của con cháu vua Hùng trôi xuôi lập ấp, miếu ở bên sông màu nước đỏ, nay được núi rừng đồng ruộng bao quanh, e ấp tình quê hương, nét thôn trang qua các đồ nông sản được lựa chọn đưa về thành phố mỗi sớm bình minh trên sông Hồng, qua các cửa ô.

            M có nói với tôi: "em rất muốn được đi một chuyến đò, hay tầu thủy ngược xuôi sông Hồng rồi ra biển" tôi bảo: "em mộng mơ quá, anh dân chài lưới sống ven sông mà chỉ đi từng đoạn, em thích thì về mà xuôi sông bao la ăn ốc luộc sàn tàu, sao lại thích ăn học ăn ốc-phớt ăng lê ?"

 

            GỌI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét