Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

MỘT NGÀY XA KINH THÀNH


            Chỉ còn ít buổi nữa là chia tay mùa hè. Lớp học tại chức "đa chủng tộc" tổ chức đi dã ngonhững, hô "nơi đâu nói sau". Hẹn sáng cuối tuần đến lớp rồi đi. Tôi đang làm mấy việc, nghe tít tít hẹn đến Ngã ba Xuân Mai. Bỏ việc, đi chơi cho sướng với lời hẹn hò, hô hét hôm qua.

            Theo dòng nhắn tôi đến Xuân Mai theo đường Láng Hòa Lạc. Một ngày xa Kinh Thành, đi về phía Tây. Thành phố lùi sau xe, làng quê ẩn hiện, làng quê nhuộm màu đô thị, lúa đang trổ đòng trên những cánh đồng đang bị lấn chiếm bởi các nhà máy mà người ta bảo đó là cụm công nghiệp hướng về Thành phố công nghệ cao Hòa Lạc.

            Trên đường Láng về Hoà Lạc, tôi thấy những con ốc nhồi bò từ rổ xuống đường cao tốc, quả ổi to bằng quả dưa lê đứng bên đường, người bán đã vào nhà. Quán ăn san sát, biển hiệu"gà ri- đồ rừng" các cô cậu đoán xe vẫy khách.

            Ý tưởng thành phố công nghệ cao Hòa Lạc, thành phố của chất xám dưới cây xanh đã hiện lên trên nhiều trang giấy, màn hình, đường nét, chữ nghĩa,  trên cuộc họp của JiCa và các đoàn công tác đi từ Hà Nội đến -Tokyo. Thành phố được thiết kế cho tối đa 1 triệu dân "thượng hạng", một mặt trăng lung linh tỏa sáng xuống Kinh thành, một thành phố được rút kinh nghiệm các sai lầm của đô thị trên thế giới. Vị trí về phía Tây Kinh thành chuẩn mực với phong thủy thiên đô (ông Tổng giám đốc  FPTs đã một lần nói với như thế)

            Người Kinh thành ủng hộ, bỏ tiền mua đất làm nhà vườn tạo vệ tinh cho TP công nghệ cao đã ầm ào một dạo. Dấu vết "loa thành" là những bức tường thấp, lửng, xây gạch đá ong, gạch loại trên nền những lâu đài tương lai của ước mơ nhà nghỉ cuối tuần và hy vọng sang nhượng kiếm lời.

            Đúng là tư duy đổi mới đi trước thời đại của các "Woac Men" không cần biết đến Luật Đất đai. Dân chúng cứ bán đất, ông xã đập dấu ký tên xác nhận chuyển nhượng đất nông lâm nghiệp để thâm canh cây trồng. Không xây được nhà thì thuê người trồng cây ăn trái, cây ngắn ngày, đến ngày nghỉ cuối tuần lên ngắm, "đổi gió" như người ngắm tiền mà không tiêu đến lúc trộm lấy mất thì khóc, người ta bảo ông ngắm thì cứ tin rằng trong lọ còn  tiền!

            Xây nhà nghỉ cao tầng không xong phải có phép, muốn làm phải có dự án du lịch sinh thái thì các chủ đất ngán. Các chất xám, tiền tươi đầu cơ đất đai tùy tiện đành để đó chờ thời. Hiện tượng này có ở nhiều nơi. Tuy nhiên, nhiều tay đầu cơ trúng đậm vì may, vì biết lới lỏng quy tắc quản lý và quy hoạch đất đai. Ví dụ có tay chiếm cả đoạn bờ biển, sông, làm dự án cho thuê lại đất sướng ơi… là khôn. Mấy ông xí nghiệp "con lợn" ở KCN An Khánh thuộc bài đó nhưng "lợn béo" có người đến "mua" cho trại giam giống.

            Nhịp sống vui tươi, tôi chạy dài về đỉnh chữ T cuối đường Láng-Hòa Lạc rồi rẽ trái đi Xuân Mai (13 km) lại gặp một chữ T ở thị trấn với đống rác cũ mới đã  "lên non" giữa ngã ba. Tôi vào bưu điện gọi người sáng gọi tôi thì được biết đoàn 21 người đã vào Suối Ngọc Ao Bà

            Tôi" mua đường", hỏi một cô gái bên quán nhỏ lối đến gần nhất, cô ta bảo "anh đừng đến đấy, chán lắm". Đi có người gàn là không thích. Cô ta nhờ  xe ôm về phía đó. Đành chấp nhận. 

            Số phận tôi trên đường hay phải làm nghĩa cử. Năm xưa cũng vậy, thấy một tay xế ôm chữa xe trên đường vẫy, khách là mẹ ôm con sốt ruột đi bệnh viện. Tôi hỏi tay xế, tôi có thể giúp được không? hắn đồng ý, mẹ con cô ấy đến bệnh viện cảm ơn tôi. Tôi không thích tìm việc làm phúc, từ chối làm thành viên các hội quyên góp "Bầu mướp, lá lành" nhưng đã thấy thì làm. Một lần khác có tay cửu đi bộ đường đê gọi, tôi cho đi nhờ và bảo " Em có mang dao không ?" hắn vén bụng thanh minh lòng trong trắng. Và nhiều lần tôi cho các em sinh viên về trường và "đòi" thanh toán bằng quà ở quê, các em đồng ý, tôi từ chối, chào… những gương mặt sau xe không nhớ.

            Có lần tôi mang khối tiền lớn đi trả nợ và may mắn gặp tay công an về thăm vợ ngày 20-11 vẫy xe, tôi cho đi làm vệ sỹ, may tay đó không phải N.T.D ở cầu Long Biên. Cô gái đã dẫn tôi đi tắt vào làng cô, loanh quanh đồi thấp, gập ghềnh vết xe. Cô bảo tôi vô nhà uống nước, tôi cảm ơn, xin cô chỉ đường. Băng qua đồng, đi tiếp đường nhựa, biển chỉ 1 km đến khu di tích Suối Ngọc Ao Bà. Bãi xe vắng, cuối tuần mà ít khách, đúng là chán cho kinh doanh.

            Phong cảnh nơi đây hao hao những nơi tôi đã đi qua trong những năm tháng kiếm ăn, vui chơi và đường chinh chiến trên miền biên giới: dưới là suối chảy, đá tảng, mấy con khỉ đá, cóc đá, dãy ghế bàn gạch men, các túp lều "hạnh phúc" đã mốc rêu thời gian rải trên sườn đồi. Rừng cây keo lá tràm xanh tươi là ấn tượng tốt nhất với tôi, bởi đất cằn đã được phủ xanh.

            Vào quán nhỏ bên cầu sang núi cao lấy bia uống đi tiếp. Cô bán hàng thích quá khen "anh là nhà báo" nhìn bộ dạng thấy mình mắt kính trắng chống bụi, cặp học sinh đen mềm rộng chiều ngang, sơ mi cộc thì em nhầm rồi. Ở đời nhìn áo quần, khổ người đoán nghề cũng phải, tôi nhiều lần được gọi là nhà giáo học ở tây về, lần đầu được gọi nhà báo, điềm tốt cho tôi.

            Được gọi là "cao bồi" đồng cỏ do mặc quần áo hộp thứ thiệt vì: Một lần đưa đoàn cơ quan đi du lịch "thổ phỉ", qua xứ của quân "Vàng Pao"ngày xưa, vượt sông Mê Kông, sang Udonthani thì không được cầm lái vì họ chạy xe tay lái nghịch, tôi được cô bán hàng chọn đồ ở siêu thị Marko, thành phố có sân bay Cò rạt-bên Thailand. Đến sở bị một tay lớn tuổi nhắc nhở, tôi bảo: "Cơ quan mình sắp thành lập trại chăn nuôi em chuẩn bị làm giám đốc bọn mục đồng". Và gần đây, cô bạn gái trong sở nhắn qua điện thoại "anh đừng mặc thế, anh như thế không phải là anh của em, anh mặc như hôm đi cỗ cưới em ấy" Nghe mà xúc động, đành giã từ áo trận trong sở. Vẫn muốn được gọi là "dân anh chị" mà không được vì cái mặt chưa có chữ "Tàn”

            Tôi lặng lẽ trong rừng trưa như anh "du kích qua rừng vắng" mà không nghe thấy tiếng chim, chỉ thấy gió lao xao, nhìn cây đầy củi khô. Những túp lều cỏ đến phải phá dỡ thôi, làm gì có khách cuối tuần. Đi ngược lên thác theo hướng 21 người bạn đã lên. Tôi không có cảm giác phải theo kịp đoàn, đâu còn trẻ con, có gì vui, trước sau cũng gặp ở đây. Leo lên nữa gặp bãi đất trống có quán nước chỉ có cặp trai gái lớn đang nhậu và tay chủ quán cằm nhọn, râu đen trắng, gương mặt ba người tối trên đất sáng giữa rừng trưa. Chủ quán mời uống rồi đi tiếp, lại hỏi "Cô ấy đâu mà đi một mình" tôi bảo: "Cô ấy ở dưới chân núi mờ xa đang hái mơ, tôi đi công vụ không thể theo được".Tôi hứa lúc xuống sẽ uống.

            Hơi ớn cảnh một mình nơi rừng vắng, nhưng "con mồi" là tôi không dễ bắt. Một lần uống rượu  ở sân bay, lúc nửa đêm về qua ngõ nghiện hút, mưa xuân nhẹ bay, thấy 6 chú xì ke đích thị giang tay xin đểu. Tôi nhìn thẳng, hạ số xe, rú ga sẵng sàng lao té thằng nào trước mũi xe. Cả hai rõ mặt, 6 chú dạt sang bên đường. Đời lính chiến đi gài mìn, ta giặc nhìn nhau bên suối cả hai bên lảng, ai muốn nổ súng làm gì, ai muốn chết trong tao ngộ chiến bên khe suối thơ mộng của rừng thu phương Bắc. Những người lính bên kia chắc chung ấn tượng như tôi.

            Những kỷ niệm lại hiện về những khu rừng vắng, suối trong như tiếng hát xa, mộng mơ ngồi trên đá giữa dòng suối nhìn cá bơi, ngắm ánh chiều, nhớ tuổi thơ đã vội vã bỏ ta đi, nhớ bạn học, nhớ mẹ, muốn nhớ em mà không có.

            Tôi leo lên thác ven suối ngàn một đoạn thì gặp chú trai trẻ cởi trần đứng dậy mặc áo, hai cô gái trẻ ngóc đầu nhìn tôi. Ôi! gặp gái trai nằm rừng là "xúi quẩy", quay về luôn. Năm lính tráng vô rừng lấy củi cũng đôi lần như thế (bạn gái lính đến thăm) tôi đều về không chịu lấy củi, tay tiểu đội trưởng mắng tôi nói thật như thế, tôi tín ngưỡng kiểu như vậy. Sau này được biết một chú lính ở tiểu đội bên đã được người tình đến thăm thắm tình yêu sơn thủy trước mấy ngày anh ta đi biên giới Tây Nam và… không bao giờ trở về . Hồi đó, có người bảo là gái làng chơi quen cạ đến. Nói cẩn thận! chỉ biết là họ đã chia tay như thế. Sau này có đứa đọc chuyện của ông Gô, bà Góc gì đó nhắc lại với ý: " những cô gái điếm hằng đêm đã cưu mang ông già, em bé bơ vơ trên phố tuyết " Ôi! văn học tổng kết kinh điển quá. Tôi vẫn thích Pháp lệnh Phòng chống mại dâm.

            Về với tay chủ quán uống nước và chuyện với cặp trai gái thì rõ gã đàn ông tướng mạo giang hồ với be rượu và người đàn bà rắn giỏi có dấu ấn đồng quê. Câu chuyện với tay này ấn tượng nhất với tôi ở rừng hè Suối Ngọc Ao Bà. Đang chuyện, thấy một chú trai người quen của chủ quán đến thông báo vừa đổ một nhà sàn du lịch đang dựng, tay chủ nhà được ôm đi viện, chủ quán nói : "Không đi ô tô là toi, thôi! coi như chết rồi".

            Lúc sau một tốp trai, đúng là đang học làm "lục lâm thảo khấu"  kéo đến, một đứa rút ra thanh đao trắng ánh kim, dài trên 60 cm, bản rộng 3 ngón tay, chuôi rất chắc, chúng đưa tay nhau xem dao làm tôi lạnh cả người. Tôi cam đoan dao này không thể bày bán tự do vì nó là hung khí cho khủng bố. Hình như họ tập khủng bố mới khoe dao giữa rừng cho khách lương thiện chỉ là một mình tôi, và ra mắt tay anh chị đang tạm gác kiếm.

            Gã be rượu nhìn tôi rất nhanh, hắn uống và nói:

Năm em đi trại Hà Giang, vợ theo chăm nuôi, chúng em xin "trốn" lên rừng trại làm nhà chỉ bằng con dao, chốt mộng phải chắc, không là đứt.

Dựng nhà phải có cột néo chống, chốt mộng cái- tôi nói.

Đổ nhà thì vỡ hết mộng mạng coi như làm củi- chủ quán thêm vào.

Dồn lại làm nhà nhỏ hơn- tôi góp chuyện.

            Câu chuyện chuyển sang đất cát vùng Hà Tây đang sốt chỗ này, nguội lạnh chỗ kia. Qua chuyện của gã be rượu tôi biết anh đã từng xế lô lên tới đội phó  lừng danh từ Kim Mã, bến Nứa, Kim Liên, bến phía Nam với các nhân vật "vang tiếng một thời" như  C .trắng, B. bô, T.mù. Gã trai vanh vách chứng minh người thật, việc thật. Hồi ở quê, hắn bị bắt đi trại vì đã chém rách nửa bụng ai đó, tám năm tu luyện còn 4 thì về tái nghề xế.

- Chính con B. bô nó dạy em buôn đất, em đã chiếm đất xóm bụi phía Nam, bán lại ngay và mua đất trên Hồ Thác được 50 mét để đó.  Sau khi ăn "hơi non", giang hồ mâu thuẫn, sắp lộ thì  em dạt về quê buôn đất phục vụ bà con Kinh thành Thăng Long đang săn nhà vườn nghỉ ngơi cuối tuần. Mua 1 bán hơn 1, 2, 3. Gặp khách là quất . Em chỉ giữ đất thổ cư, mua bán nhà đất là "bố" lấy giấy thổ trạch, hàng xóm, chủ nhà ký là xong, có tiền chơi tiếp thận trọng hơn.

- Mấy bác HN mua đất không làm nhà được đâu, hôm vừa rồi ủi nhà 4 tầng xây trái phép. Đã báo trước vẫn xây, báo dỡ bỏ cứ ỳ thì phải phá, mà chủ nhà giàu lắm anh ạ, họ không thèm lấy đồ trong nhà- Cô gái 30 tuổi nói với tôi.

- Dân sở tại như bác (chỉ chủ quán) làm nhà cấp 4, lều cỏ ở nghìn năm chẳng ai nói, nhưng dân lạ đến xây nhà không dễ đâu- Gã be rượu gương mặt có chữ Tàn nói theo.

- Người ta có tiền, cứ để mua bán cho vui, sai đâu sửa đó, dân trên này có thu nhập, việc làm mất gì! Họ nên làm dự án nhà nghỉ cuối tuần và giao cho công ty du lịch khai thác, quản lý, họ cho thuê kinh doanh tài sản. Nhưng dân mình không quen, ai cũng muốn ăn dầy, cứ sợ người ta làm xuống cấp nhà- Tôi nói

- Thế ở Hà Nội anh ở đâu ?- Gã rượu đã để ý, hỏi tôi.

- Tôi ở trong Chùa Bát Tháp.

Hắn lại thao thao chuyện  dự án "Sơn Tình Thăng Long" với những vụ làm ăn không sòng phẳng. Thằng Cờ đã phản lại con các ông ấy nên phải "chết" nhưng tài sản ở núi  Halmahaya  của nó lớn lắm, vẫn hái ra tiền trong sự quản lý của bản án.

- Tôi biết Cờ, biết rất rõ, biết từ lúc nó mới bị bắt và biết nó ở toà sơ, phúc thẩm. Đó là vụ án kinh tế như vô số vụ, đúng ra giám sát, chỉ bảo nó từ đầu thì dự án xong. Nếu Cờ không làm được thì chuyển cho chủ đầu tư khác có sao, vay thì phải trả, nợ phải đòi phải truy, còn việc khác xử lý theo pháp luật có lợi cho bị can…

- Anh nói đúng- Vợ chồng tay giang hồ "ghếch kiếm" ngạc nhiên. Chồng đưa ra bắt tay tôi, khẳng định:

- Em là anh em với Cờ, anh trai nó thông minh lắm, em gái, cái T và P cũng khá lắm, chúng nó vẫn đang làm ăn được, mỗi đứa một xe con xịn… Anh biết cho, em chỉ nói chuyện với ai biết sự thực, ai nói vớ vẩn em chỉ nghe.

- Cờ mới được 4/20 năm ở trại, nó mạnh khoẻ béo trắng, tiêu đồ ở căng tin thoải mái, cuối tuần mẹ lên thăm chở cả ô tô đồ tắc tế. Nó vứt đồ nếu như mẹ không mang tiền thanh toán căng tin nó đãi bạn. Tiền của nó ngoài khu đất ven hồ lên giá hơn mất giá đồng tiền.

- Chưa là gì!  Thằng Cờ làm thế không được, tôi nghĩ nó bực đời, la mắng mẹ là cùng đường về trẻ thơ. Anh chị biết không, hiện nay nhiều "vua tù" án tham nhũng tiêu mỗi tuần 2-3 triệu, họ ăn gì hết đâu, mà tiêu cho mọi người quen thân ở trại để củng cố "uy tiền"

- Chắc họ  giấu được nhiều tiền của lắm anh nhỉ?- Cô vợ hỏi tôi.

- Chắc thế, cũng có thể bạn làm ăn chỉ còn biết sám hối bằng việc đó. Trong mỗi vụ sẽ có người nặng tội gánh đỡ, trong mỗi nhà có người bất hạnh (tàn tật, bà cô, đau khổ,  hy sinh trong chiến tranh) gánh đỡ thì phải chăm nuôi họ chu đáo, tôi cứ nghiệm điều đó và tôi đã không chết trận trong năm dài chinh chiến vì trong gia đình tôi có người còn khổ hơn tôi đấy chị ạ.

Cô gái, gã trai cười muốn tiếp chuyện thân với tôi. Gã trai lấy căn cước của vợ cho tôi xem:

- Nhà em ở bên Đoài, họ hàng anh Vu Nga,  anh biết chứ, anh ấy lên nhanh lắm, chúng em vẫn đến thăm mà chưa nhờ vả gì.

      Chúng tôi nói chuyện về anh Vu Nga, tôi biết rõ đến mức ăn uống ở tiệm với anh và các con anh. Chào hỏi thân mật cả nhà anh. Đời xế cho tôi những hiểu biết khó chối từ. Tôi kính trọng anh Vu Nga sống giản dị, trong sáng, cố gắng phấn đấu, các con anh ngoan, thông minh và có một thằng rất đẹp trai chưa vợ sau khi yêu hụt cô gái con một người tự dưng quen tôi.

            Tôi nói tiếp:

 - Thằng Cờ cố mà cải tạo, gia đình phải có người đứng ra dàn sếp nợ, bắt các bên ký vào, dùng kiểm toán và hội nghị nợ cứ theo đó mà làm, sai phải chịu trách nhiệm khắc phục để Cờ nó được ân xá về mà làm ăn, lấy vợ  sinh con, nó sinh năm 62 hả.

  - Anh nói phải nhưng đời người tham lắm anh ạ, ai cũng muốn cho mình, "bỏ mặc bạn gặp gấu", Cờ nó sinh năm năm mấy sắp 50 rồi? chưa vợ.

            Tôi muốn dứt chuyện này và nói giọng sếp hay kết luận hội nghị:

       - Anh, Cờ hay ai đó làm ăn, công danh, tình ái, học hành, cờ bạc có thời vận, vận may đến phải nhanh, cố mà đoạt, vận rủi phải hỏi chuyên gia để biết điểm dừng (gã be rượu sướng- đúng em phải chuồn khỏi Kinh thành, về đây làm ăn khá). Trong làm ăn có âm dương, cương nhu. Chồng là dương-cương phải có vợ âm-nhu chỉ dẫn, áp sát, kìm kéo những lúc nguy hiểm vì họ là những người chửa đẻ, biết trẻ từ trong bụng nên rất nhạy cảm lúc thuận hay hiểm nguy (gã chồng nói xen: như vợ em đây- rồi ôm vai vợ cười tan chữ Tàn). Nếu chưa có vợ, nên tìm những người khách quan vô tư tin cậy để họ cho lời khuyên. Tôi biết nhiều tay làm ăn bậc sếp, buôn lậu, dân anh chị vẫn đến nhà chùa  Bát Tháp  mong lời sư tĩnh tâm khuyên bảo. Hai ba thằng đều cứng, luôn dạy khôn, làm liều thì toi đặc. Tôi về.

            Sau khi chào, tôi đi với đoàn xuống núi, họ tíu tít hỏi tôi đến đây lúc nào. Đoàn đi dạo suối, sau cùng leo lên nhà sàn nhậu, lại chuyện đùa- lại zô-zô bia rượu dưới mái sàn mát mẻ, suối reo và người vui. Rủ nhau đi hát, chán lại đi chơi với nhau theo cặp, nhóm, tôi chuyện với một anh bạn về lịch sử, nhân tình, thế thái, chữ nghĩa vớ vẩn, thấy bạn khá hiểu Ta-Tầu, cách đối đáp rất hay. Cậu ta đang thao thao, thì hô nhau về.

            Tôi về Kinh thành sương khói của tôi, về với mái chùa Bát Tháp nơi đời tôi nương bóng, về bằng con xe đời 81 giọt lệ đã khô. Nó (xe) đã đưa tôi phiêu bạt nhiều nơi. Tôi về mang theo cái đầu rất nhức vì chuyện và rượu, về trong sắc màu nhàn nhạt hoa hoè, hoa lý ở đời, số phận thằng Cờ ở trại, hành động sắp tới của đám người đã, đang  tiến về "lục lâm, thảo khấu" …chập chờn ẩn hiện.

            Lúc nào đó rảnh, nghe tít, tít, sếp vắng nhà, nhờ bạn tay lái, xin phép tay đội trưởng tôi lại đi chơi cho đáng lời dạy của bố M "em phải tự bù đắp những ngày sống rừng biên giới". Tôi sẽ gửi sớm cho em chuyến đi này, để em biết rằng những tháng năm nay ở Kinh thành người ta vui chơi, sống như thế đấy. Nơi xa, em có nhớ về? Có thể cuối khoá học, anh du lịch dọc sông Hồng, từ bình minh đến chiều tím lại về Bến Mơ quê hương. Tôi cũng gủi tiếp cho M những ngày vừa học vừa làm, chạy xe ôm là chính.

 

            XE ÔM ÐOẠN TRUỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét