Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

CHÙA HƯƠNG CÓ MÂY TÍM


            Lần đầu tôi đi chùa Hương vào cuối thế kỷ trước khi cuối Hội (tháng 3 DL). Đang ngủ, bạn đập cửa gọi, vội vơ đồ chạy ra xe U-oát (kiểu xe nhà binh LX). Ăn sáng, mua đồ trên đường.

            Chùa Hương năm ấy cuối mùa, khô ráo, khác nay. Con đường, bến bãi nhỏ, thưa người, vẻ hoang dã hơn vì nó gần  thời nhà thơ NHP. Vì thế mà chúng tôi đi nhiều chùa, có chùa qua ngách đá, phải lách người. Người hành khất thạo chữ  nhẫn, đến cuối hội còn đông lắm.

            Dư thời gian quay lại. Háo hức hỏi dân về phía rừng mơ, tôi tha thẩn theo người đi hội thấy mơ lẫn cây rừng, đi sâu hơn một chút chẳng thấy cô hái mơ chỉ thấy những chú bé hái củi và bà già đào bới nghệ đen, gừng già ở vườn rừng.

            Lần đó ấn tượng với tôi là những người bán con sâu đá thu tròn như viên ngọc phủ đất, rồi nó ruỗi ra nhiều chân nhỏ li ti. Tôi hỏi để làm gì ?- người bán cười bảo để chơi, làm gì thì tuỳ. Tôi mua một hộp, vào rừng mơ thả ra vì chẳng biết làm gì. Lần này không nhìn thấy?

            Một chú ý của chuyến đấy là trận "thuỷ chiến" của nhà đò tranh khách. Khi thuyền vừa ra bến Yến, thấy tiếng la hét, trên bờ có người cầm mái chèo đuổi theo thuyền khách, đưới có thuyền sải nhanh, thế là mái chèo thơ mộng vung lên nước bắn tung toé. Sau đó, bên yếu chịu nhượng bộ gì đó để đi tiếp. Một thời gian sau, người đi hội kể có trận ngang với "Xích Bích" mỗi bên 10 người, dìm nhau xuống nước.

            Lần này, gặp mưa từ lúc vào đền Trình cho đến chiều tối. Đoàn đi trang bị tốt, xe đẹp rộng, nhà xe-nhà gửi xe- nhà đò nhà hàng hai bến là một hệ thống dịch vụ trọn gói- thế là tốt. Vừa dừng xe tiếng rao đổi tiền lẻ, người mời tới tấp.

            Chúng tôi được đi thuyền gỗ, bến toàn thuyền bằng sắt, khi chưa có khách "thuyền chị cõng thuyền em" khỏi chật bến. Mấy hôm trước, thuyền sắt đã cứa chân người lái đò gỗ chở chúng tôi hôm nay.

            Nghi lễ vào đền Trình khai xin nhà Phật, gưỉ công đức ghi danh . Tôi lên trước giữ đò, đỡ đồ, người lên sau. Các chị, em sắp mâm lễ chung, tôi gửi vào chai rượu. Người vào đông đặc, tôi chắp tay xin phước lành cho người tôi thân yêu, sau đó lấy hai tờ công đức ghi tên nick trên diễn đàn mà tôi mến, người thư ký không hiểu tên gì, cho tôi tự ghi. Tôi sẽ gửi đến người đó như một món quà dễ mang.

            Tôi ra ngoài đứng nhìn bến, quay lại nhìn chùa, coi nghe người đi hội. Đền Trình có rất nhiều thầy đồ già, trẻ bán sớ chữ nho in sẵn, ghi tiếp tên người mua, mua cho ai cũng được.

            Tôi thấy một "đồ trẻ" quát cô bé: " Mày đi hội nói cho đúng tên tuổi người yêu, yêu gì mà không biết tên" Cô bé ấp úng. Lạ nhất là một thầy đồ già khoảng 70  tuổi đặt quả quýt đỏ trên lá trầu xanh lạy bà già, bà lúi húi không thấy . Tôi vờ lại gần nghe thấy: " chỗ này con biếu lạy cụ, còn 10 nghìn sớ bà phải trả T ". Bà cụ moi mãi trong túi bé xíu đầy trầu cau lấy ra  5 nghìn đồng trong ánh mắt sắc dưới hàng lông mi dày có sợi trắng của thầy bán sớ.

            Có một người nói với hai người già, sau đó rút tiền gửi thầy đồ và ấn lại hai tờ năm nghìn vào túi trầu. Khi đó, bà cụ ngước lên, cảm ơn. Tôi nghe thấy tiếng "tâm đức" nói ra từ gương mặt tươi hơn của bà cụ khoảng gần 80. Người ấy đi ra bến.

            Tôi cứ vẩn vơ một mình trên bến đền Trình đợi đoàn ra. Bất ngờ có người ấn vào tay nắm xôi "ăn rồi đi, mơ tưởng tiếp trên đường". Đó là cô gái mới cưới chồng đi với một cô chưa chồng trong đoàn.

            Lúc uống rượu trên thuyền, ngắm cảnh sương mờ, núi đá nghiêng về Phật, nhà nhỏ bên vách đá, hoa súng tím nở một bến nhà dân,... tôi lại nghĩ chuyện hai người già lạy nhau vừa rồi: Đúng là "con chữ lạy con bạc"

            Khoảng tiếng sau vào Bến Đục, để lên chùa. Năm nay bến, đường trật tự, hết hành khất dọc đường, nhà hàng nhiều quá, những chú thỏ quay trần treo đu đưa, không có gà; tiếng nhạc, loa gọi khách, âm thanh đuổi nhau. Đường cũ nhỏ, suối to. Nay nhà hàng  lấn suối, suối nhỏ, bến dài ra, đất mượn đi bập bệnh dưới chân cứ sợ thụt. Tôi đã từng rơi vào bãi lầy ngày trước nên rõ cảm giác này, trẻ em tưởng chạy trên đệm ga.

            Trời mưa, đường trơn, người đông, tôi vào dòng người đi hội, cố mà đi khỏi ngã. Màu tím của hoa súng, một ánh mắt nào trong đêm phương xa đã thách đố lời hứa của tôi. Khỏi lo, nhưng không thể ngã, tự đếm bước chân mình và nghĩ vu vơ.

            Chùa Thiên Trù ngay bến, là bãi đỗ, là bếp, là khách sạn, nhà hàng ngập khoảng đất rộng. ở một bếp bánh rán, tôi thây con khỉ lớn ôm con khỉ nhỏ tránh rét, chúng nó bị xích để bán, mắt nó len lét nhìn người qua, con nhỏ lại chúi đầu vào cổ con lớn.

            Khoảng 4 km lên động chính "Hương Sơn- Nước Nam đệ nhất động" -Phật yên tĩnh và yên vui với đoàn người tín hiếu đổ về. Dòng người xuôi ngược chèn, tránh nhau từng đoạn, người lên háo hức, người xuống đi mau, thỉnh thoảng hỏi nhau có tắc đường không ?. Lúc thì nói tắc, lúc họ nói không, dụ dỗ nhau về.

            Trời mưa, lạnh, áo mưa xanh tím, hồng trùm lên người đi hội, những bàn tay nắm nhau từng cặp, tình yêu dẫn nhau đi, tình yêu đi trên đường gập ghềnh cũng là thử thách?. Đường hẹp, những kiểu dung dăng, dung dẻ lại nép vào nhau, tránh người đi nhanh.

            Tôi một bóng đi chậm, luôn muốn nhìn vào chỗ trống, nhìn núi mờ sương, cố tìm lại thung lũng của tôi, tìm ngọn khói xanh lơ mà tôi từng thấy trên những nẻo đường xa, đã đi qua tháng năm cuộc đời phiêu bạt chiến chinh, làm ăn nhiều hơn đi đường công danh, tình ái.

            Tháng ba gạo mới ra hoa. Một khoảng trời hiện ra những cành đại thấp hơn cành cây gạo, trơ những nét khẳng khiu, nhìn kỹ trong sương thấy chúng đầy nụ búp, đợi nắng lên, trổ bông. Thung lũng đã gặt hết lúa ngô, phơi đất màu, không thấy ngọn khói. Tôi hơi buồn, có lẽ mưa che khuất?

            Đến một dốc nhỏ người cứng lại, những con người không khác "con dê" qua cầu, một số người leo vách đá nhỏ vượt qua, có gã trai bế cháu nhỏ như khỉ leo núi, đứa bé không hề sợ.  Đi hội có dịch vụ cõng trẻ em, cõng đồ, tôi được mời nhưng hỏi lại:  có cõng người lớn không? Hai người đàn bà lườm nguýt lộ ra hai cặp mắt vớt vát tuổi trẻ trung.

            Tôi cũng vượt qua, có đứa đi sau la: "nhanh lên" Tôi không quay lại, nói : " muốn sống mới khó, chết dễ thôi" . Năm trước đã có vài người chết, bị thương do đá lở, trượt chân. Tiếng "a di đà" lại ô ra từ mấy người, lẩm bẩm trong mấy bà.

            Quay lại thấy cô gái ghếch chân lên tảng đá, tay với cành cây vừa giục tôi “nhanh lên”. Tôi đưa tay, cô đồng ý để tôi kéo lên. Cô này cao, xinh đấy, và tôi phải đưa cô đi tiếp đoạn vòng trên núi.

            Leo lên phải xuống, gặp một bãi đất trống, quân nhà hàng không cho xuống sợ loạn quán nước, tôi bảo một thanh niên cầm gậy: "anh xuống uống nước mía đá nhà em". Thế là được ngồi vào giường chiếu trải sạch. Cô gái được tôi kéo đã quẩn đâu không biết. Nhìn ra dòng người vẫn chen lấn xuống, lên trong tiếng còi tuyệt vọng của mấy anh cảnh sát trẻ măng.

            Tôi nghĩ người đông đặc thế này, thì ngủ ngồi tiếng rưỡi rồi đi tiếp cũng kịp giờ về (tôi quen ngủ vạ vật trên đường hành quân). Nhưng không được, cái màu tím trong đêm qua đã thách tôi, Phật gọi tôi, mà ngủ thì quên mất. Uống nước mãi, người bán la phải uống nữa hoặc đi để họ bán hàng mà ngoài kia "dòng ròi bọ" (nói như một khách) vẫn lúc nhúc không tiến mấy bước. Tôi gặp một ánh mắt đàn bà nhìn tôi trong đám hỗn độn hàng bán, cờ bạc, ăn uống.

            Tôi nhìn lại, cô ta cười, còn trẻ hả? Một lúc tôi thấy cô ta kéo tờ giấy gấp chữ L úp xuống, nổi lên hai chữ "Bói Tay". Đang đợi, tôi hỏi xem tay. Cô bói sướng quá. Tôi nói nhanh: "Xem hai tay, xem đủ năm ngón, xem cả lòng, mu bàn tay được không?" Cô bói : Con trai xem tay trái, xem lòng bàn tay chứ ai xem mu bàn tay. Tuỳ tâm quý khách. Tôi bảo: "Xem kiểu 5 nghìn nhé, nói nhỏ thôi, kẻo người ta nghe " -" ừ anh ngồi gần lại đây". Mấy cô ngồi bên cứ nhìn tôi, là lạ:

            Bài bói tự nhiên, quá thuộc, đại ý: Bố người này có người em trai mất lâu rồi, rất hợp tính anh, phù hộ cho anh (tôi cười: đúng); người này khoẻ, không đau ốm gì nhưng 49 tuổi phải đề phòng, nhà nở hậu (đúng là nhà tôi là khẩu súng ngắn K54, cửa vào là chỗ nạp đạn, có sân sau): hậu vận tốt, tiền tiêu thoải mái không hết, tình tiền hào hoa, nhưng chuyện lâu với người thân thì nói ngang,... Đúng là kiểu bói "số người không giầu thì nghèo, cuối ngày 30 tết về nhà thì cửa nhà mình mở ra". Cũng được, họ nói tốt. Sau đó, là một bài đọc vận hạn 12 tháng năm 2004 thì có vẻ lung tung. Hỏi học lớp mấy thì chịu, chỉ nói là học giỏi sẽ đỗ cao, lấy được nghề của thiên hạ!

            Kinh nhất là đường vợ con, tôi bảo nói vừa nghe thôi: Cô phán: anh 4 con, gái đầu, cuối, hai trai giữa. Hỏi-mấy vợ:- Trả lời : Một vợ nhưng nhiều người tình, đã có người tình tâm đầu ý hợp rồi. Tôi hỏi: mức độ quan hệ- Trả lời: Bạn làm ăn và sinh con. Tôi cười to hơn khiến mấy người chú ý- cô bói cũng cười: đúng phải thưởng cho em, 

            Tôi thưởng gấp đôi, cô ta bảo, sáng mở hàng mà gặp anh có tốt hơn không? Tôi hỏi câu cuối, xin khuyến mại: Theo cô, tôi đi hay về ?- Cô bói: Anh cứ ở đây, đợi chút rồi đi, và nắm tay tôi giữ lại.

            Tôi dứt, đứng dậy đi tiếp và lại leo lên vách đá sắc như cưa cùn, ngồi trên vách đá đợi, chịu mưa, xem dòng người nhúc nhích hai chiều như dàn nhạc giao hưởng không chỉ huy. Chen lấn phải cọ sát bấu bíu, thấy một cô gái trẻ  trong dàn nhạc thỉnh thoảng lại ngửa mặt lên trời cười, thích quá.

            Đường thông, thì ra cảnh sát hãm dòng xuống, mở đường cho dòng lên, tôi vịn cây xuống rất nhanh đi vội về Động Phật trong ít phút. Trước đó đã nản chí nhưng nhớ  hôm qua nói :"Về với nơi từ bi, đi vào hang hốc Phật", hứa thắp hương cho anh chị (Nguyễn Nhược Pháp và  tóc đuôi gà 15) thì không thể nói bước lùi.

            Đáng cho chữ "Nhẫn" treo bên hàng lưu niệm thấm vào người. Đến động chính, gặp Phật tổ của ta, một không gian, không khí, ánh sáng, khô ráo dễ chịu, không phải chen lấn.

            Đoạn đường đá dốc, trơn, hẹp, chen lấn là ý Phật cho người gần nhau, kiên nhẫn, nhân ái, để xem ai bực chửi đổng, chửi thầm. Một chút lòng người trước cửa thiền là thế. Không thể mở rộng hơn, không thể cáp treo, không thể thuyền máy,... dân bản địa ăn gì, chơi gì kiểu hội tàu nhanh ? (nghe nói có năm  thu phí Hội bằng 50 % thu ngân sách của huyện ).

            Nghi lễ vái lạy cầu khấn ở các ban thờ xong, tôi đi và ngắm kỹ hang động . Mưa xuân chưa ướt, hang khô sạch. Giữa hang là hòn oản lớn nhũ đá đẩy lên, thì ra cái ăn được vẫn lớn hơn tất cả, tạo hoá thế ư? nhất thực, còn lại là phía sau phải không? Trên ngọn oản có dấu chấm chéo màu đỏ đánh dấu, sao lại đỏ như các loại xôi oản, màu khác có được không? Tôi liều nghĩ mây trắng nhuộm màu tím đêm của M nói hôm trước mà trôi vào, vờn va vào oản tạo dấu tím có sao, đẹp chứ. Tím là tình, đẹp "trên đồ ăn" có làm sao?

            Đến cột tài lộc thấy vẩy nhũ đá bóng trơn do tay khách chà sát tiền lên, tôi đặt tiền và đặt hai bàn tay hy vọng kiếm ăn được. Đến ban mẫu thấy  quả đào tôi hỏi giống cái gì?, người coi bảo là cái gì cũng được. Ra chỗ hứng nước sữa trên trần hang rơi xuống, đợi mãi một giọt óng ánh rơi trong ánh sáng, tiếng reo, nhảy. Tôi ngước lên chìa tay hy vọng. Chợt một giọt rơi đúng má. Xong, hay là anh Nguyễn Nhược Pháp bảo cô bé 15 của anh năm xưa khóc nhỏ nước mắt vào tôi? Không duyên tình, mến nhau là được.

            Tôi mua chút đồ lưu niệm chuyện với cô bán hàng rồi quay về, đến Thiên Trù mua bánh củ mài trong như bánh kẹo mè xửng, rai ngọt, to bằng chiếc khăn tay không thêu mà ngày xưa trong quân ngũ ai đó đã gửi vào ba lô tôi trước cuộc hành quân,...và không thể còn thời gian vào rừng mơ. (Bánh kẹo đó làm bằng bột lọc từ củ mài và các loại củ-chắc không có củ chuối- trộn với đường các loại tinh lọc, đốt trên lửa xanh tím thành kẹo kết cấu bền vững, thử thách răng. Cắt ra, phải bằng dao cau, lẹm vào tay là hết ngon)

            Nhìn ai cũng như đi trận, đi gặt lúa mùa mưa. Người tiếc không tới nơi, người hỷ hả thấy vượt qua "Tây Trúc", và có người ngủ luôn bến Đục đợi vợ về. Hai cô gái trong đoàn cũng không tới nơi, không chịu va chạm thì khó đạt được ước muốn, mà đã đến mức "hạnh phúc là đấu tranh" đâu!

            Lại nhớ lần nào đó, một người theo phái lịch sử phê: Nhiều người đi chùa chưa biết gì gốc tích chùa, lịch sử chùa. Tôi rất bực câu này. Lê dân không cần biết sâu như các vị, việc nhà sử là tuyên truyền muôn dân bằng cách nào đó không chỉ có sách, chữ, hội thảo ít người.

            Đối với người dân chỉ cần truyền thống hành hương về nơi tín ngưỡng yêu thích, hợp pháp, cần "a di đà phật". Họ đến cửa thiền với lòng thiện tâm, dày thêm đời sống lương thiện là quá tốt rồi. Họ hiểu chữ Thiện và sống Thiện phong phú lắm, lặng lẽ, khó mà hiểu.

            Thanh niên, ai đó nữa đến đây với tình yêu, tình cũ, mới, thêm nếm, mà nắm tay nhau, nép vào nhau, tựa vào nhau trên đò, kéo tay lên bến, xuống thuyền, nắm cơm, mớm cháo cho nhau lấy màu tím thuỷ chung là tốt rồi. Đừng hỏi, trách ngờ tình yêu, hãy vun đắp, động viên, cười như chàng trai, cô gái bông đùa, hãy nói, niệm tiếng A di đà!  cho êm. Dọc đường xuống núi:

Tiếng rao mời đổi tiền chẵn lẻ

Tiếng mời chào, giường chiếu  trải ra

Tiếng chân người, bàn tay cô gái trẻ

Tôi biết theo tiếng nào, thưa tím biếc phương xa?

 

            CHÙA BÁT THÁP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét