Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

MỘT VÀI “NGÓ Ý” QUA ĐỌC TRUYỆN “CÔ GÁI GÁC RỪNG”


Từ “Dế mèn phiêu lưu ký”, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, đến giờ mới thấy cuốn truyện ngụ ngôn, tác giả Việt Nam xuất hiện. Tôi mua về đọc. Với nội dung trên 30 tựa đề, đọc một vài trang bất kì, thấy sức cuốn hút xa xăm, nhạt nhòa, hơi khó đọc bởi lối văn phi cấu trúc truyền thống. Nội dung ẩn chứa tâm tư tác giả, thông qua bầy muông thú, cỏ cây sông nước, với những cuộc sống hàng ngày ở những cánh rừng rậm nhiệt đới, không mô tả sâu sắc tập tính sinh học, không điển hình hóa nhân vật. Có một nhân vật ẩn hiện ở năm 2204! Song suốt gần 200 trang sách thấy lẩn quất đâu đây một bóng “ma” bám theo, như là làm chứng nội tâm và hành động!

Có điều lạ rằng, tác giả bắt người đọc phải nghiền ngẫm xem muông thú và người “diễn” thế nào, ngụ ý gì? Tựu trung, là đọc và ngẫm mới thấy thâm ý ngụ ngôn của nhân vật, mỗi câu hàm nhiều ý, nếu đọc thoảng qua thì truyện nhạt nhòa, thiếu sức cuốn hút như những áng văn mà người đời lâu nay truyền tụng là bất hủ. Song thực chất đây là một kỳ công chẳng những của tác giả mà của cả người biên tập của Nhà xuất bản Công an Nhân dân, về một lối viết mới, tự nhiên, theo lối kể, rời rạc như một trẻ mẫu giáo nói chuyện với người lớn, có phần ngô nghê, song sự cuốn hút là tính ngây thơ trong trắng, rất thật, không hằn gianh giới thiện ác của tự nhiên (quan hệ gấu và sói, cô bác sĩ Mom với dã nhân có cách nhìn mới - chúng đều là sinh vật có chủ quyền ở rừng). Chất giọng thỏ thẻ ấy, dù bận cũng thu xếp công việc lắng tai nghe chúng kể, vì tình yêu mến, thương cảm nồng nàn, đôn hậu của người nghe. Tôi nghĩ, người đọc, nhất là em nhỏ không nhớ nhiều, nhưng sẽ thích một số chuyện trong các tựa đề có vẻ như phân đoạn kiểu phim trường?

Văn ngày nay không phải cố gò nắn từng chữ, để đọc lên thấy du dương. Cái hay bây giờ phải được giản dị, trong sáng, tự nhiên, và mới mẻ. Tính mới là đây. Qua cuốn sách này ta thấy người viết không phải vì tiền (in có vài trăm cuốn), mà vì muốn gửi tới bạn đọc thông điệp qua lối viết mới, kích thích sự động não trong nụ cười khi đọc.

Đọc và ngẫm thấy sự hóm hỉnh và khoáng đạt trong mỗi câu chữ, rồi bật cười. Hành văn không nặng nề, không phơi bày, nhưng khiến người đọc để tâm, tận ý bảo vệ môi trường sống chung, và toát lên cuộc sống của con người rất cần đa dạng sinh học và ngược lại. Thiên nhiên muôn thuở vẫn là thiên nhiên. Con người cải tạo dã thú, hay dã thú bắt người phải hiểu quy luật của sự tiến hóa…!

Càng về sau, tác giả đã khéo léo diễn tả những tình tứ, những cảm xúc mạnh mẽ bằng cách viết câu dài xen lẫn câu ngắn. Ý ẩn trong câu, là linh hồn của mỗi tựa đề, và lời là thể xác, song thể xác gần như không có nhân vật chính thì có thể coi là lập dị ư? Cái chính mà tác giả thể hiện trong cuốn truyện là khi tả cảnh thì câu dài để vẽ nên những nét mơ hồ huyền ảo, khiến người đọc nghe như âm vang giọng trầm hùng. “Đêm, nghe thấy tiếng hạt nảy mầm tí tách, băng tan răng rắc, suối chảy xa vọng về dạo khúc nhạc báo hiệu mùa xuân” (trang 17). Đọc lên thấy âm vang tượng hình, tượng thanh kiểu “Đã nghe rét mướt hồn trong gió”. “Họ đi trên bãi cát…, dấu chân Mom chưa có vết tăng cân,…” (83). Và : “Nỗi đau không được thưởng thức cái đẹp, cái tình ở thiên nhiên trong đồng loại có lẽ là sự trừng phạt lớn nhất mà động vật cao cấp dành cho nhau.’’ (87) thì quả là “kinh dị”... vẫn phảng phất đâu đây!

Không bao lâu nữa, dân số trên trái đất này sẽ vượt 9 tỷ, và Liên Hợp Quốc đã dự đoán rằng chúng ta sẽ phải đối phó với tình trạng thiếu nước, thiếu lương thực, thực phẩm và năng lượng, tất cả đểu trở nên trầm trọng do biến đổi khí hậu, nhưng chúng ta phải chống lại sự sụp đổ có hệ thống của sinh vật, như là kết quả của việc đánh bắt quá mức và ô nhiễm, tàn phá rừng (tựa đề “mưa rừng nhiệt đới” và “cháy rừng” rất khá về sự quan sát và tưởng tượng của tác giả). Điều này tự nó sẽ đẩy nhanh biến đổi khí hậu, và khiến nhiều hệ sinh thái sụp đổ. Những con thú nhỏ xinh hôm nay chỉ còn là tranh vẽ và cổ tích, thì đau quá!

Đọc truyện ngụ ngôn này không thể không suy nghĩ rằng, tất cả đều do con người gây ra. Ngay từ bây giờ làm sao không để gậy ông lại đập lưng ông! Thiên nhiên đang giằng co với chúng ta, con dã nhân trong truyện là một thành công của hai tác giả nói về tiến hóa có thể “lùi” nếu như chúng ta tàn phá thiên nhiên, lãng quên văn hóa đọc, văn hóa truyền thống,...

Điểm lạ, truyện dài do hai tác giả (Mai Nguyên – Hồng Nga) thực hiện, một già, một trẻ, quan hệ cha con, không rõ ai viết phần nào, nhưng có lẽ, họ vừa là tác giả, vừa là độc giả của nhau từ những trang đầu. Tôi có kiểm tra bằng cách mời cháu nhỏ trên dưới 10 tuổi đọc, các cháu cười khi đọc. Các cháu lớn thì chỉ thích một vài tựa đề trong truyện như “thực tặc”, đến thực khách mà cũng thành “giặc”, “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”; dòng nhật kí của cô bác sĩ  Mom bị dã nhân bắt nhốt hang Thủy Thần cũng hay bởi nó cho thấy con người cần có kỹ năng mềm vượt qua nguy hiểm, cô đơn, cải biến và hội nhập với thiên nhiên... Có lẽ đây cũng là một thành công của tác phẩm, mang lại tiếng cười dễ thương của tuổi thơ và ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường,...

Bộc lộ một khuyết điểm lớn của hai tác giả rằng họ là đồng hương hay con cháu trực hệ của cố nhà văn hiện thực Ngô Tất Tố: Có lẽ là, sói chực, tác giả viết sói trực (23); nấp bóng, viết là lấp bóng (97); say sưa, viết là say xưa (98); ma trơi, viết là ma chơi (104); xanh chồi, tác giả viết xanh trồi; dửng dưng, viết rửng rưng,... Hy vong sách sẽ được tái bản và  những lần tái bản sẽ không có những lỗi chính tả đáng tiếc. 

Trong bầu trời văn chương Việt sẽ có nhiều tác phẩm với lối viết mới tương tự như tác phẩm “Cô gái gác rừng”.

Nguyễn Dược (VietNamnet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét