Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

SỰ


             Một tối, sếp hẹn tôi đưa đi "vi hành" một điểm cà phê "trung dân". Sếp thích kiểu mới, chứ sếp thiếu gì bạn già, nhỡ, các vệ tinh "xin xỏ đủ đường" bao ăn chơi thập phương, cao lương mỹ vị, đặc sản, đặc ân tình, có em hầu non tơ phục vụ. Chúng tôi đã từng đưa đón sếp và khách vào ra ở các chốn vui chơi trên các tỉnh thành phố trong nước, chúng tôi ngồi, quầy bar, nghỉ xe hay lê la quán cóc bên đường uống trà tan đá, chờ sếp đã thành thói quen phục vụ riêng người có thẩm quyền. Những người dưới quyền thì tuỳ chức vụ, tính tình hay cách cư xử mà cánh lái xe có đối sách tương ứng, chứ ông nào cũng ra mặt "kễnh" tạt ngang, tạt ngửa, thăm hỏi mua xắm tuỳ hứng thì xế là cái gì?. Trong cánh lái xe hay rỉ tai tính mỗi sếp để nếu đổi tay lái phải biết ý cho vui lòng sếp vào, vừa lòng sếp ra. Vợ sếp có lần mắng tôi:

-Anh em nhà chú mà đi công tác xa thành phố là tôi lo lắm!

-Chị cứ gọi vào máy điện thoại di động là biết.

-Ơ ! chú này chưa dùng máy di động à.

            Tôi ngớ người, bởi tôi dùng máy bộ đàm trong xe, người đâu xe đó, bố M ra xe là gặp tôi, hơn nữa xe của sếp luôn có chỗ đậu tốt nhất.

-Em chưa thấy cấp thiết nên chưa sử dụng.

            Vợ sếp cười nhẹ, nhìn tôi hơi xa lạ. Tôi biết nhiều xế đang chạy xe mà đưa tay rút máy nghe, gọi những chuyện rất vớ vẩn làm cho nhiều sếp không hài lòng, thế thì dùng làm gì cho ngứa người. Ở đời có vô số thứ tân kỳ, ngôi thứ, cám dụ hay lắm nhưng không cần thiết cho mọi người.

            Tôi đưa sếp ra quán cà phê bên hồ Tây, leo lên sân thượng dưới tán cây đa già, loại quán trên bình dân tức là cà phê "Trung dân" để ông nhìn thấy phong cảnh trong ánh đèn đêm lung linh trên sóng nước Tây Hồ, hóng gió mùa thu, nghe nhạc tuổi trẻ, lẫn mình trong đời sống bình dị của Kinh thành.

            Chủ quán quen mặt tôi nhưng không gọi rõ tên tôi, chị mời tôi vị trí đẹp nhất ở phía ngoài sân thượng, gần chậu hoa cúc vàng rực của mùa thu, tôi cũng biết ít nhiều sở thích của ông.  Cà phê nóng thơm, hoa cúc thơm tươi, nhân viên nhà hàng lịch sự, nhạc nhẹ nhàng đúng kiểu "Thu quyến rũ". Thày trò mời nhau uống, ông nhìn tôi gần gũi.

- Chúng mình nối tiếp thế hệ cầm súng đi suốt cuộc chiến tranh. Năm 1966 mình đang dạy học rồi đi, 9 năm sau trở về được đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, về dạy học, nghiên cứu khoa học rồi về đây, chậm 9 năm sự học nhưng được sự đời, vẫn may mắn hơn nhiều đồng đội còn hay mất. H đi sau, đi đến cuối cuộc chiến tranh biên giới, chúng mình là người lính.

            Hồi bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, trên đường hành quân mình hỏi một người lính trẻ- tiểu đội trưởng:"sau chiến tranh về làm gì?"- "thưa thủ trưởng em về đi cày ạ" Cậu lính trẻ cười tươi, mấy hôm sau có tin cậu ta hy sinh, được biết cậu ấy lại chính là sinh viên trường mình. Một lần dọc đường hành quân thấy lính ăn uống khổ quá, lúc về sở chỉ huy mình bỏ bữa, và bây giờ cũng ái ngại cho bạn bè cùng trang lứa mà đời sống còn khổ, bệnh tật, con thất học, học mà chưa có việc làm, con mang bệnh "chất độc da cam", chẳng thể giúp hết được, mà chính sách đãi ngộ của ta chưa tới độ đền đáp khá hơn cho những mất mát hy sinh lớn lao.

- Anh uống đi nào- Tôi thấy đây là lần đầu ông tâm sự riêng tư về quá khứ, tình cảm, mối quan tâm của ông về những vấn đề sau chiến tranh. Tôi muốn lảng chuyện thì ngay lúc đó có cô gái kiểu "ăn theo nhà hàng" đến bên cười mời, nói nhỏ đủ nghe.

- Hai anh uống rồi đi tiếp nhé, các anh vui vẻ qua đêm an toàn.

Tôi lắc đầu không nói để tỏ thái độ từ chối. Sếp cũng im lặng nhìn ra khoảng không hồ Tây có ánh đèn nhà thuyền sáng, nhấp nháy.

- Em thích cứ đi?- Sếp hỏi nhẹ nhàng mà rất khó chịu.

- Không- Tôi dứt khoát để cắt dò hỏi của sếp. Ông cũng hay tán chuyện lúc vui.

- H nên học và đổi nghề, ở đời mình có năng lực gì đó thì cố mà học và làm, thời gian sống và làm việc của mỗi người đều có hạn. Cũng như vui chơi ấy mà. Em cần được bù đắp những tháng năm tuổi trẻ sống trong rừng biên giới nước bạn!

- Em cũng muốn học để viết "suôn", đọc thơ thấy hay, học để yêu đẹp hơn, và trời cho đến đâu nhận đến đấy.

Tôi hỏi M có hay thư về, ông nói rằng M bận học, không có gì mới, M đánh giá cao những tài liệu và quà tôi gửi sang. Ông không nói gì thêm, tôi linh cảm có chuyện gì đó nhưng không hỏi. Tôi mời ông đi dạo ven hồ. Chúng tôi đi một lượt trên đường Thanh niên, lối mà một lần tôi đã dẫn con sếp đi chơi. Hồ Tây mênh mang, ánh đèn bờ tạo đường viền tiến đến nghệ thuật tùy hứng đường cong, chúng tôi ngồi ven hồ nhìn xa xăm bóng nước mang theo nghĩ suy khác nhau của lứa tuổi, ngôi thứ, rồi về.

Hôm sau tôi kể chuyện này với một xế thân, hắn bảo tôi "mày không khá, không biết chiều sếp vi hành, mày ngu quá, sếp hỏi mày thích? tức là sếp cũng thích các em, có thể đến các quán ka-ra-ôm-eo lành mạnh có thưởng. Lần sau cố mà hiểu và tận hưởng em ạ!". Tôi không hiểu sếp muốn gì hơn. Bao người thân mà đôi khi không hiểu hết nhu cầu, sở thích của nhau nếu không hỏi, nói rõ cho nhau thì quan hệ thuộc cấp của tôi cũng nên đến thế. Để rồi lần sau xem!

***

Vì yêu Kinh thành, quý mến những nơi gắn bó, lại được bố M dẫn dắt, ban lộc, tôi đã  viết những trang thực về cuộc sống Kinh thành gửi M để gợi thêm tình cảm của em trong luận văn. Bố M nói: “sinh viên, nghiên cứu sinh đầy ắp kho tư liệu mà chắp vô thì làm đầy thêm sổ sách đóng tập đến vô hồn trong thư  viện. Khoa học nào cũng cần lãng mạn kể cả khoa học chính trị. Đó chính là trái tim đập “phập phồng” trên trang viết, là ý chí- nhiệt tình sôi nổi- và không bao giờ thiếu tình yêu”.

            Nghĩ thương phận mình không học cao hơn, đành viết gửi cho M như viết cho chính mình: Tôi viết về Tây Hồ, về Chùa Bát Tháp, đi Chùa Hương, về điểm du lịch Suối Ngọc Ao ở Hà Tây, là nơi có nhiều kỷ niệm, ấn tuợng tốt không chỉ riêng tôi mà nhiều lớp người  Kinh Thành xưa và nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét