Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Phúc tại mẫu



Thuộc diện cốt cán, ông nội tôi là nông dân liệt sỹ chống Pháp (CTV trung đội du kích), bố tôi qua thời chiến, được phong chức, được giao chỉ đạo CCRĐ ở huyện LN-SĐ, tỉnh BG vùng sâu xa, thưa dân nhưng nhiều thổ phỉ.



Trước khi đi, bố tôi về nhà, bà nội tôi bảo “mày làm gì cũng phải để đức cho con cháu”. Bà tôi biết rõ phong trào đấu tố sục sôi “long trời lở đất” nhiều hậu quả. Bà tôi không biết chữ, không đi chùa.

Bố tôi sau này kể: Trên giao 5-10% địa chủ, quốc dân đảng, thổ phỉ, và cả trộm cướp phải đấu, bắt tù. Dựa vào cơ sở, lại xa chỉ đạo ép của trên (do họ tập trung ở vùng xuôi), bố tôi hỏi kỹ anh em trong đội, gặp đối tượng,… và thống nhất ra báo cáo các thành phần có tên với kết luận:

1.Số hộ có nhiều đất, trâu bò, nhà khung gỗ mái tranh, dụng cụ canh tác là dân nghèo dưới xuôi bồng bế nhau đi khai hoang; đất, cây rừng còn đầy. Trâu chăn thả cả đàn trong rừng, nuôi mấy đơn vị tham gia chiến đấu ở đệ tứ chiến khu của tướng Nguyễn Bình. Không phải địa chủ, không có cường hào, dân thuê mượn trâu bò dụng cụ, đổi công theo thỏa thuận.

2.Số người tụ họp là nhu cầu sinh hoạt toàn đánh cờ bài, nhậu nhẹt, ma chay, cưới xin, lễ hội, buôn chuyến lãi khao nhau. Không phải quốc dân đảng. Số thoát ly địa phương chưa xác định là theo Việt Minh hay quốc dân đảng, thổ phỉ hay làm ăn xa, vì họ không về.

3. Người tụ bạ trong rừng núi hang hốc, đó là những nhóm đi làm nương, có “trộm cắp” của chính nhà mình con gà, vịt lên nương làm thịt. Không phải quốc dân đảng, không phải thổ phỉ, trộm cướp giết người.

Tổng kết 0%.

Bố tôi về báo cáo thì bị trên phê bình không hoàn thành nhiệm vụ, cả huyện mà không tìm ra thành phần,… trong khi đó các nơi đạt tỷ lệ cao. Một vị tên Đ đi đấu tố vu oan được biểu dương, trên thăng ngay chức Phó TB TCTU. Vị này đấu không chừa ai, có đối tượng phải nhảy cầu tự vẫn, cấp trên của Đ đang học ở TQ bị đưa về tống Hỏa Lò, ông PMN sau làm Phó VPTTg. Ông phải đập đầu, cấu tay lấy máu viết tường nhà tù để trên quan tâm minh oan.

Tôi hỏi bố nghe bà hay nghe ai? Bố tôi bảo, nghe bà và nghe dân sở tại, bố không sợ bị trên phạt (mặc dù họ bắt kiểm điểm thì bố giải trình như báo cáo đã gửi, và yêu cầu đoàn khác lên kiểm tra). Sau này bố tôi về SĐ, LN, nhiều người dân, cán bộ cốt cán rất thích vì họ thoát chết.

Tại quê tôi, dân chúng còn lưu truyền vụ đấu mẹ đại địa chủ, con là địa chủ đi bộ đội bị đấu nhẹ hơn. Khi các đội về hỏi bố tôi về các con cháu địa chủ đang tại ngũ, bố tôi bảo, lúc bé họ bình thường, lớn lên không đánh đập ai, CMT8 theo ngay VM chiến đấu dũng cảm. Nhưng bà cụ 80 mươi thì quá khổ, chiều đông giá buốt bị phạt đi đào mương, uất ức, bà đã lầm lũi đi trong chiều sương trẫm mình xuống dòng sông Thương. Một thiếu tá con bà đã đi lùi chắp tay lạy cổng làng thề không bao giờ trở lại. Thiếu tá phải chuyển ngành vì trên sợ lâu dài sẽ theo địch trả thù.

Bà nội tôi có người anh trai cùng cha khác mẹ là đại địa chủ, nhưng vì có con đi bộ đội Việt Minh mà chỉ bị đấu, tù đến chết, bị tước đoạt sạch, đến mức hàng cháu ngày nay vẫn mang mối hận thù và một người nói với bố tôi “cả làng chỉ có bà trẻ (tức bà nội tôi ) thương anh em chúng cháu”. Số phận suýt giáng xuống bà nội tôi-vợ liệt sỹ nhưng là em gái đại địa chủ.

Con dâu là cốt cán định đồng thuận với Đội đưa mẹ chồng ra đấu, bà tôi bảo trước “tao 19 tuổi lấy chồng nhà nghèo, được ăn gì của nhà địa chủ”.Thực ra thì bố tôi bảo có được ăn mấy mớ lạc đầu mùa, lũ lụt thì bác địa chủ đến hỏi có gì phải chạy lụt. Có gì đâu…

Nhưng ông bà trẻ bên ngoại nhà tôi nói đúng sự thật, không đấu tố, cảm ơn địa chủ bị Đội mắng và cho đất hoang. Số trung thực không nhiều.

Di họa cuộc CCRĐ còn rất lớn, mối thâm thù âm ỉ đâu đây, người bị oan sai vẫn không được lời xin lỗi, bồi hoàn; họ trả oán bằng cách không hợp tác giúp đỡ, không cho trẻ cưới nhau,…không thăm hỏi nhau vì trong họ hàng đã đấu tố nhau man rợ, nắm tóc, nắm râu nhau, đày nhau đến chết. Và đáng sợ nhất là số đã vượt sang bên kia giới tuyến chiến đấu trả thù, thậm chí đến năm 1975, có viên sĩ quan VNCH vẫn còn giữ đoạn dây thừng treo cổ bố.

Con người từ hoang dã đến văn minh là chặng dài dài của lịch sử, nhưng đến với văn hóa nhẽ còn rất xa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét