Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Quân đội nhân dân Việt Nam với những cuộc viễn chinh hào sảng


Hôm nay 72 năm thành lập Quân đội NDVN.
Dẫu thế nào thì tôi luôn tự hào về đội quân mình đóng lính những năm chiến tranh.
Cuộc chiến hoành tráng về thời gian và chiến trận trong nước và ở nước ngoài.
Viễn chinh tức là quân đội đi chiến đấu ngoài biên giới, một vấn đề rất phức tạp về luật pháp quốc tế, gian khổ vì xa hậu phương, thi vị bí tráng đỉnh rồi. Chiến đấu trên đất lạ chẳng có gì lạ với quân đội đế quốc, quân đội đánh thuê, quân đội các cường quốc không phân biệt thể chế chính trị. Và chúng ta không ngoại lệ.
Mấy ông VNCH cờ vàng nói rằng Bắc xâm Nam cho vui, chứ tháng 8/45 QĐVN đã có mặt trên toàn lãnh thổ bảo vệ chánh quyền VNDCCH mà ông Cụ tuyên ở Badinh square. Năm 46, Quân Anh giải giáp Nhật, ông Pháp gây hấn thì quân đội ông Cụ lên ga Hàng Cỏ vào bắn đòm chứ mấy ông Namky quốc của Bảo đại và thổ phỉ Bình Xuyên, Hòa Hảo,… chờ thời theo giặc. Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977) đệ của tư lệnh Nguyễn Bình ở chiến khu Nam bộ cao hứng vung đao mà rằng “Từ độ mang gươm đi mở cõi / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long ” nghe xa xôi hoài vọng.
Tiễu phỉ, chiến Tưởng bên Trung quốc
Năm 1949, cùng với quân giải phóng Trung quốc, Quân đội Việt Nam vượt biên giới giúp Mao truy quyét bọn tàn quân Tưởng, quy mô cao nhất là Trung đoàn hướng Quảng Đông và trên toàn tuyến.
Quân Tưởng sắp thua chúng làm phỉ trên đất Việt Nam khá tàn bạo, thực ra từ năm 1941 chúng đã mò sang giúp Việt Minh đánh Nhật nhưng hôi của kinh vật, vào Miền Bắc chúng quậy phá đánh chén rất ác liệt, đến 26/3/46 chúng ký Hiệp định Trùng Khánh với Pháp coi như đổi chiến lợi phẩm Bắc Việt lấy lại phần tô nhượng cho Pháp, Chúng rất bố láo.
Người lính già mà Kiểm gặp từng kể, khi ông sang đánh Tưởng ở vùng Bát vạn thập sơn hùng vĩ, quân Tưởng đòm mấy phát rồi chạy biến, quân ta tiến sâu vào các vùng theo thỏa thuận. Dân thiểu số Tàu (Hồi) kinh lắm, lính ta phải ngủ vườn đồi rừng vì vào nhà dân là chúng thịt, mà giết dân chúng không được. Bọn tộc thiểu số này chiến lại các loại quân từ Tưởng, Mao, đến quân cụ mình. Âm thầm chiến, bỏ mạng rồi trở về…đến nay ít người nhắc đến cuộc viễn chinh thông biên giới năm 49-50. Lão cụ CCB gật gù nhớ, khen những người lính áo trấn thủ, mũ nan, giầy rách bướp vượt qua các vùng núi non chiến, đuổi quân Tưởng về hướng quân Mao phục kích tiêu diệt.
Tây Tiến khúc bi tráng miền Tây
Cao bồi miền Tây Mỹ chăn bò, đào vàng, săn bắt và cướp bóc chạ là gì so với các ông lính (trong Tây Tiến của Quang Dũng) đi từ Hà Nội, Tây Bắc, Quân Khu IV sang Trung và Bắc Lào phục địch ở các nương rẫy núi đồi tím ngát hoa anh túc (thuốc phiện), vượn hổ đầy rừng cướp đồ của lính ta, tao nhã và thi vị nào bằng. Có người linh Kiểm gặp, từng bị thương lăn từ núi đồi núi cao xuống càng đau đớn hơn kém gì quân Ngụy của Đặng Ngải vượt núi Âm bình đánh vào Thành Đô của nhà Thục.
Bài Thơ Tây tiến thành sử thi bi tráng nhất của cuộc viễn chinh đầu tiên của Quân đội VN. Nhờ đó mà CM ông Lào nay trỗi dậy, quan trọng là xiết lại vòng vây ngoại biên của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trước đó chiến dịch biên giới Việt Lào, Phông sa lỳ “rải rác biên cương mồ viễn xứ”. Năm Kiểm đòm ở Lạng Sơn, hai bên biên giới mộ mới đất còn hằn vết cuốc xẻng, bi thương quá.
Các tướng Pháp bị Mit-tơ-răng chửi khi ông đến thăm chiến trận xưa. Tại cửa hầm Đờ cát, TT Pháp chửi bằng tiếng Việt “Đù mẹ chúng nó bố trí thế ngày thua là phải”. Người Goloa từng cõng cừu lên sườn Anpơ nuôi thả và đóng bánh bơ pho mát lăn xuống núi từ thế kỳ 13 sao người Việt lại không biết cõng gạo, tháo đại bác khênh lên núi?
Cuộc Viễn chinh dằng dặc phía Tây,Tây Nam
Năm 1969- 1970, chiến tranh mở rộng Đông Dương nhằm tiêu diệt quân đội Việt Nam và chính quyền Bắc Việt (cách nói của đối phương). Chưa có thời kỳ nào mà quân đội VN chinh chiến bát ngát từ trong ra ngoài trên toàn bán đảo Đông Dương. Với mật danh mặt trân B-C-K, B chia ra nhiều loại.
Mặt trận C (Lào) lính ta đi trong rừng đại ngàn cùng voi rừng vòi dài như thân chuối Tây rình cướp đồ quật lính. Trời Xiêng Khoảng, hồn quân Nam trú ngụ/Cánh đồng Chum, xương máu Việt vun vùi! Lính ta chiến với linh Coong le, Vàng Pao, Mỹ và lính Thái Lan, VNCH còn gì hảo sảng bi tráng suốt hai mươi năm trời. Một Trung tá TC2 nằm vùng ở Bắc Lào và Viêng Chăn từ 1962 đầy kỷ niệm với các trận chiến búa sua, nhiều lúc chiến đối phương mà sau đó mới biết chúng thuộc quân Coong le, Thái hay Vàng Pao và quân ông Thiệu…Trời Xiêng Khoảng trong xanh, tàu bay Mỹ Thái Lào Thiệu rợp trời, chúng lùng sục nhả bom đạn vào từng gốc cây, nhìn rõ mặt từng ông lính quân đội Việt Nam. Một người lính trở về kể, bạn anh nằm ngữa ở cánh đồng Chum, giương súng bắn đòm đòm lên máy bay thì bị chúng đòm lại, bi tráng quá. Thầy giáo Tính (CVA) rời bục giảng đi lính 66 kể, 8 năm mặc áo người Lào, lính Pathet trở về chẳng giấy tờ gì, được truy lĩnh phụ cấp rồi xin việc chật vật, chầy trật, ông từng viết truyền đơn tiếng Lào và phiên dịch cho các cán bộ Lào bí mật từ Trung quốc về và ông biết rõ mật danh của mặt trận Xiêm (X) mà những cố vấn lạ đã đến, Mặt trận M (Miến) đã dự định nhưng không liên lạc được với lực lượng CS Miến?. Những tiểu đoàn hỗn hợp Việt Lào, lính rách rưới, đói khát ngụ trong những cánh rừng Thượng Lào như tắc-răng, thật là phi thường hơn hẳn các nhóm quân Nhật thất trận ngụ trên đảo Lu-rông Philipine!
Người lính Bắc 15 năm hành quân đường Tây Trường Sơn qua đất Lào, lượn vào đất Việt, đến biên giới Tây Nam trên đất Campuchia chiến với quân Mỹ, quân VNCH lấn chặn. Rồi đánh nhau với quân Lonlon, quân Thái Lan trợ chiến quân Mỹ. Chúng rất nhát, nhưng có vài ổ đề kháng toàn đầu trọc áo cà sa chiến dữ dội…Nhiều anh em sống với dân Miên, dân Hoa kiều bên Cam trong những cánh rừng cao su, đi gặt lúa, mua lại xăng của lính VNCH đi càn bán chui cho dân, chạy xe honda 67 tao nhã dưới tán đồn điền cao su. Khi tiến về giải phóng Sài gòn thì Khơ me đỏ ào tới để rồi cuộc chiến tràng kỳ suốt 10 năm (79-89) trên đất bạn. Những bức thư gửi ra Bắc, có người viết "con đang ăn lương khô ở ven sân bay Pochentong".

Tháng 10 năm 1978, những đồng đội của Kiểm chia tay nhau đi theo tiếng gọi của Mẹ Âu Cơ, cha Lạc Long Quân đưa con xuôi Nam ngược Bắc.
Gió heo may về Hà Nội năm 78, là lúc đồng đội vượt sông Mê Kông chiến Polpot, người lĩnh viễn chinh (ta gọi là tình nguyện quốc tế) không khỏi ngơ ngác trong làn khói súng mờ tan hiện lên ngôi chùa Cam, đền Ăng co với những tượng 4 mặt kiểu Bayon, vũ nữ múa Apsara mà bao thế hệ sờ vào bầu vú, đùi đá bóng lên. Một vài ông lính lần mò tìm vàng, vàng chẳng thấy đâu gặp những giếng nước hồ đầy xác, ù té chạy, la hét lên.
Mưa phùn Tết năm 79, hướng về phía Bắc, tinh mơ đoàn xe nhà binh qua Thành phố Hà Nội quê hương, những lá thư bay xuống ven hồ công viên Thống Nhất thi vị, tráng ca như những năm tháng đoàn quân ta tiến vào Miền Nam.
Cuộc chiến sử thi này còn ngâm đọng trong các thế hệ viễn chinh. 10 năm không mờ nhạt. Các ổ đề kháng của Polpot chúng nã hỏa lực khủng, chúng bắt và hành thích binh lính ta và chúng phải trả giá cho những cuộc tập kích không thành,…Ác liệt và dai dẳng, đã có sỹ quan binh lính ta quá bộ sang Thailand để đi Gianadai biệt tích. Chiến hào, doanh trại lính mình có cả những cụm phanh xe đạp, mảnh vải để may quần nếu còn sống sẽ mang về quê hương. Một trung đoàn quá bộ sang chợ Thái nhặt luôn quần áo dân sự mặc vào toàn đồ Âu, hút thuốc Samit, để tóc dài,… gọi là Trung đoàn Canada. Hãy tha thứ, cuộc viễn chinh nào cũng thế mà thôi.

 “Những trận chiến trào dâng như ngọn thác
Bụi mịt mờ khói tỏa những miền xa,…
Máu tình nguyên xanh cánh rừng Đăng rếch,…
Trường Sơn ơi! Ta yên nghỉ đại ngàn”

Lịch sử chiến tranh đa phần ác liệt ở “PHÍA TÂY”, Việt Nam không khác. Tây Tiến chiến Pháp, Tây Bắc và Tây Nam chiến trên chiến trường Vạn tượng và Thốt nốt. Những chiến sỹ tình nguyện đã ngã xuống thành đất ngoài Tổ quốc, bồi đắp cỏ cây trên nước Lào, Campuchia. Nấm mồ viễn xứ 20 năm sau dưới bụi tre rừng bạt ngàn, nắm đất ôm chiếc đồng hồ của người mất ghi lại thời gian.
Viễn chinh không có gì lạ với quân đội NDVN. Khả năng tác chiến và phối hợp khá tốt. Có những đơn vị độc lập, kiên cường trụ chiến bảo toàn quân số. Các cố vấn quân sự của ta kém gì hàng cố vấn ngoại từ Mỹ, Nga, Tàu từng đến Việt Nam.
Cuộc chiến đã bào mòn sức lực của mấy thế hệ. Không thể khác, chẳng thể nào vặn ngược thời gian về quá khứ để sửa dại học khôn!
Cuộc viễn chinh của quân đội nước ngoài đến Việt Nam mới là khủng, chí ít đến gần 10 quốc gia cho quân đi chiến và hàng chục dân tộc có lê dương.
-----
(*) Hào sảng đơn giản là sự cho đi mà không tính toán. Hào sảng là không tham lam, không ích kỷ, không cá nhân chủ nghĩa."
-Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào tại cao nguyên Boloven, huyện Paksong, tỉnh Champasak - Nam Lào là một trong 4 tượng đài được xây dựng trên đất nước Lào nhằm tri ân các anh hùng liệt sỹ Việt Nam – Lào đã hy sinh trong những năm tháng đấu tranh giải phóng của hai dân tộc.
-Đài tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Campuchia - Việt Nam tại tỉnh Stung Treng thuộc vùng đông bắc Campuchia được khánh thành. Đài này và nhiều tượng đài quân tình nguyện Việt Nam được xây dựng khắp Campuchia là những biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước và lòng tri ân các chiến sĩ Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng.-Đài tưởng niệm liệt sỹ Thập Vạn Đại Sơn tại Thủy Khẩu (Trung Quốc)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét