Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Mô hình Hợp tác xã nông nghiệp làm dịch vụ cho nông dân

         Mô hình Hợp tác xã nông nghiệp làm dịch vụ cho nông dân

Xem  Phương pháp chia lãi cho xã viên
http://cogaigacrung.blogspot.co.id/2016/12/phuong-phap-chia-lai-cho-xa-vien-hop.html
Mô hình hợp tác xã chợ
http://cogaigacrung.blogspot.co.id/2014/10/xay-dung-va-phat-trien-cho-o-viet-nam.html

Vấn đề tam nông (nông nghiệp, nông thôn và nông dân) là mối quan tâm của toàn xã hội. Các nghiên cứu đưa ra những cảnh báo:
(1) Số đông nông dân chịu nhiều thua thiệt trong tiến trình đô thị hoá, công nghiệp hoá, bị mất đất, mất việc làm, tiền bồi thường thấp không kèm theo các ưu đãi về đào tạo, học tập của con em; có 20% dân số có thu nhập cao nhất hưởng đến 40% phúc lợi an sinh xã hội; các khu công nghiệp, dịch vụ thu hút chưa đến 10% lao động địa phương (huyện)…
(2) Chi phí sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng, các khoản đóng góp của nông dân không giảm; mức hỗ trợ của nhà nước về giống, thú y, thuỷ lợi phí, trợ giá cước, xây dựng hạ tầng…có những tác dụng trên một số lượng thấp so với nhu cầu thực tế sản xuất và đời sống;
(3) Giá lương thực tăng có lợi cho sản xuất lúa gạo; đa số nông dân sản xuất lúa gạo ý thức được việc dự trữ lương thực cho tiêu dùng đã ngăn chặn ảnh hưởng khủng hoảng lương thực nhưng giá lương thực biến động tăng rồi giảm, việc phá bỏ diện tích cây công nghiệp, mặt nước thuỷ sản sang trồng lúa cần cân nhắc!
(4) Vai trò của HTX nông nghiệp chưa rõ ràng, thời gian qua HTX bảo đảm các dịch vụ làm đất đạt 3,3% nhu cầu thực tế; bảo vệ thực vật : 2,2%; Thú y: 9.2%; Phối giống gia súc, gia cầm: 0,7%; Bán sản phẩm nông nghiệp: 1,3 %; Cung cấp thông tin thị trường: 2,6%. Đa số là các hộ nông dân tự cung, tự cấp các khâu sản xuất-tiêu thụ, bị thị trường chèn ép giá cả, bị bên mua nợ tiền bán nông sản (Ví dụ như Công ty Thủy sản Bình An, hiện nay  nợ nông dân 300 tỷ đồng tiền bán cá); Bán sản phẩm chất lượng kém,...Điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy năng lực vốn, lao động, doanh thu của các HTX nông nghiệp rất thấp, thấp hơn một hộ kinh doanh có quy mô trên trung bình ở nông thôn, do vậy hoạt động kinh tế của HTX có tính chất hình thức.

Khoán 10 đã được 20 năm, những kết quả đạt được rất lớn (nổi trội là cân đối lương thực chính khu vực nông thôn, đưa Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn nhất) nhưng cũng bộc lộ nhược điểm về quy mô, ruộng nhiều thửa manh mún, sản xuất theo phong trào, thiếu các hợp đồng chuyên canh đủ số lượng và chất lượng xuất khẩu, thiếu biện pháp bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm tác động xấu của thị trường.

Các trang trại tích tụ đất bằng cách mua, thuê, mượn quyền sử dụng đất của nông dân (hiện nay hơn 11 vạn chủ hộ trang trại chiếm 10% diện tích đất nông lâm nghiệp), cùng với đô thị hoá và ô nhiễm môi trường, bệnh dịch trong nông nghiệp khiến nhiều hộ nông dân hầu như không còn tư liệu sản xuất tối thiểu, không có vốn góp vào HTX, trang trại, vào chính các công ty lấy đất nông nghiệp. Có số liệu cho thấy, đất nông nghiệp xã vùng ngoại ô thành phố lớn, mỗi năm mất đến gần 50% diện tích chuyển sang đất phi nông nghiệp!

Thực tế đó đòi hỏi các HTX nông nghiệp phát triển theo mô hình mới, tham gia thị trường giành lợi ích từ thị trường để hỗ trợ kinh tế hộ xã viên, bảo vệ nâng đỡ người nghèo đã và đang yếu thế trong xã hội trước hết là bảo vệ quyền sử dụng đất là tài sản quan trọng, cuối cùng của nông dân. Các HTX nông nghiệp làm dịch vụ cho nông dân theo các nội dung sau:

Xã viên được được hưởng lợi trực tiếp từ mua bán với HTX. Với vai trò làm dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất  nông nghiệp, HTX bảo đảm số lượng, chất lượng, giá cả dịch vụ tốt nhất, có sức cạnh tranh với thị trường. Thực tế có một số HTX đã giảm giá vật tư, dịch vụ, tăng giá mua sản phẩm  của nông dân so với thị trường từ 7-10%; tỷ lệ này có thể tăng thêm khi HTX nông nghiệp được miễn, giảm toàn bộ thuế phát sinh từ các dịch vụ mua bán với xã viên nông dân, HTX chủ động giảm lợi nhuận tập trung. Thực chất là chuyển lợi nhuận của HTX vào xã viên, từ đó nông dân tự nguyện tham gia HTX. Đây là biện pháp kinh tế quan trọng nhất cần áp dụng, cần tham khảo kinh nghiệm của HTX nông nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ nơi có tỷ lệ từ 80-100% nông dân là xã viên. Tóm lại, HTX khi trao đổi với xã viên thì bán rẻ, mua đắt hơn giá thị trường; khi trao đổi với thị trường thì mua rẻ do mua tập trung số lớn, bán được giá do bán chung không để thị trường ép giá từng xã viên. Lợi ích kinh tế của xã viên–nông dân đặt lên đầu trong hoạt động của HTX nông nghiệp.

Định hướng lợi nhuận của HTX nông nghiệp : Lợi nhuận tập trung của HTX (=)Lợi nhuận từ phục vụ xã viên (+) Lợi nhuận kinh doanh trên thị trường; Lợi nhuận từ phục vụ xã viên nhỏ hoặc không có lợi nhuận đối với một số mặt hàng thiết yếu; Lợi nhuận kinh doanh trên thị trường như các doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận. HTX lấy lợi nhuận trên thị trường để hỗ trợ xã viên. Xã viên làm nên HTX, là đối tượng phục vụ của HTX, HTX phục vụ trực tiếp xã viên qua mua bán, hỗ trợ kỹ thuật, giáo dục cộng đồng.

Với cách để xã viên được hưởng lợi trực tiếp từ mua bán với HTX thì số lượng xã viên ngày càng tăng, thị phần ổn định, lợi nhuận đơn vị sản phẩm, dịch vụ nhỏ nhưng tổng lợi nhuận định kỳ lớn. Quản trị kinh doanh trong cơ chế thị trường gọi việc duy trì ổn định khách hàng và tăng số lượng tiêu thụ của mỗi khách hàng là chiến lược khách hàng, nhiều khi gọi là khách hàng thân thiện, khách hàng ruột, khách quen.


Hỗ trợ xã viên, giảm lợi nhuận tập trung không phải là bao cấp bởi sự hỗ trợ này do HTX thực hiện, không phải ngân sách trực tiếp của nhà nước; sức mạnh của các nền kinh tế hiện đại đã chuyển từ bao cấp, trợ giá của nhà nước sang cơ chế tổ chức kinh doanh tự nâng đỡ trong nội bộ tổ chức kinh doanh.

Nhiệm vụ đặt ra đối với HTX nông nghiệp là xây dựng các phương án tổ chức mua bán theo nguyên tắc mua rẻ của thị trường, giảm chi phí giao dịch, giảm lãi trên đơn vị sản phẩm do HTX kinh doanh để bán rẻ cho xã viên. Sử dụng lợi thế xã viên là người tiêu thụ ổn định để đàm phán với các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên thị trường, giành lợi ích cho xã viên. Có thể đấu thầu để chọn nhà cung cấp tốt nhất. Mặt khác, HTX tổ chức các đại lý bán lẻ tư liệu sản xuất, hàng hoá tiêu dùng, đến các cụm dân cư theo hướng văn minh thương mại.

Trong lịch sử phong trào HTX, “cung tiêu” cung ứng hàng hoá, dịch vụ (mạnh nhất là tín dụng) và tiêu thụ sản phẩm cho xã viên (mạnh nhất là nông sản và hàng thủ công) là nội dung nguyên thủy đến nay vẫn là tâm điểm của HTX, tạo ra sức mạnh cạnh tranh với thị trường, nâng vị thế xã viên - nông dân là người sản xuất tạo ra của cải cho xã hội, là người tiêu dùng thực hiện lợi nhuận cho các nhà sản xuất kinh doanh. Nếu người tiêu dùng không đứng trong tổ chức HTX sẽ không đồng ý chí, tiếng nói tạo sức mạnh “thực hiện quyền của những thượng đế- quyền của người mua, người bán, quyền thoả thuận”. Chỉ có HTX với tư cách là một tổ chức kinh tế-xã hội mới giải quyết lợi ích trực tiếp cho xã viên; các hiệp hội không phải là pháp nhân kinh doanh chỉ có thể gián tiếp lên tiếng, kêu gọi bảo vệ nông dân thông qua tiếp nhận, chuyển đơn thư khiếu kiện, giấy tờ, diễn đàn,…

Những lợi ích kinh tế là chất kết dính gắn bó, liên kết bền vững về mặt xã hội mà ta gọi là kinh tế hợp tác. Không còn hợp tác nếu hợp tác không có lợi. Hợp tác về kinh tế làm cơ sở phát triển cộng đồng mà mô hình HTX mới dân chủ hoá đời sống kinh tế trong cơ chế thị trường.

Hợp tác xã phát triển cộng đồng: Xã viên HTX là cá nhân, hộ gia đình (một người đại diện cho cả nhà), pháp nhân (một người đại diện cho nhiều người) tạo thành các “nhóm đồng sở thích” bươn trải trong dòng chảy của kinh tế thị trường, bảo tồn các kết cấu lợi ích tất yếu, tránh những mặt trái của kinh tế thị trường, phát triển cộng đồng song hành về kinh tế và xã hội. Khía cạnh xã hội đòi hỏi sự chia sẻ lợi ích theo nguyên tắc mọi người vì một số ít người, một số ít người cùng mọi người thuận tòng theo HTX lúc khó khăn cũng như lúc thuận lợi với tinh thần “HTX là nhà, xã viên là chủ” hoặc “mình vì mọi người, mọi người vì một người”.

Khía cạnh kinh tế là tạo ra những lợi ích mà xã viên làm nhiều, góp nhiều, mua bán nhiều với HTX thì được hưởng nhiều lợi ích từ HTX. Một pháp nhân sản xuất kinh doanh mặt hàng tiêu dùng có một lực lượng xã viên tiêu dùng ổn định, hoặc cung cấp ổn định nguyên liệu, bán thành phẩm đầu vào; một cá nhân có chỗ dựa là HTX về kinh tế -xã hội trong lúc khó khăn, và ổn định việc làm, thu nhập; một hộ gia đình kinh doanh được cung ứng đầu vào, tiêu thụ đầu ra với chi phí sản xuất cạnh tranh; quỹ của HTX hỗ trợ xã viên sản xuất, kinh doanh, tăng phúc lợi, chia sẻ rủi ro,…là những nội dung của phát triển cộng đồng, nâng cao thực tế giá trị tinh thần HTX, không phải là những giá trị của ý tưởng ảo vọng, khẩu hiệu cải lương, hành động nửa vời của những nhà xã hội không tưởng, các kinh tế gia của nền kinh tế chỉ huy duy ý chí đã để lại bài học thất bại.
HTX là một cộng đồng có tổ chức, chứng minh khả năng tiếp nhận và sử dụng hiệu quả nhất các nguồn vốn, nguồn lực của nhà nước, các tổ chức quốc tế mang đến thông qua các chương trình, dự án phát triển cộng đồng. Gần đây người ta đã nhầm lẫn khi lựa chọn cộng đồng với tên gọi số đông hoặc giao cho tổ chức mà người đứng đầu có quyền lực hơn để triển khai dự án, đã biến hóa về giá trị và hiện vật để lại những hậu quả. Cần áp dụng quy chế: các dự án cộng đồng có thể đấu thầu chủ đầu tư, tham gia đấu thầu là đoàn thể, HTX hay doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô tương tương đương và tương tích với tính chất dự án.
      
Một số dự báo: Các HTX  kinh doanh ngành nghề mới ở nông thôn sẽ tăng về số lượng như HTX dịch vụ môi trường, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, quản lý  kinh doanh chợ, dịch vụ trường học, nhà ở, thương mại-dịch vụ,…Các HTX nông nghiệp có xu hướng bổ sung ngành nghề kinh doanh, liên kết thành lập liên hiệp HTX, thành lập công ty TNHH một thành viên chuyên kinh doanh một sản phẩm, dịch vụ. HTX nông nghiệp chiếm đến 50% số lượng các HTX trong cả nước cần được bổ sung ngành nghề mới theo hướng làm các dịch vụ cộng đồng, chính quyền địa phương, đoàn thể mạnh dạn giao khối lượng công việc, dự án cho HTX tham gia vì HTX là tổ chức kinh doanh và xã hội có khả năng thu hút các đối tượng xã hội, duy tu bảo vệ, phát huy thành quả các chương trình dự án quốc gia. Mặt khác cần nghiên cứu thành lập liên hiệp (liên đoàn) HTX nông nghiệp, trang trại toàn quốc theo mô hình của Nhật Bản, Hàn Quốc./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét