Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

TUYÊN BỐ CHUNG VIỆT NAM – TRUNG QUỐC (1999-NAY)



TUYÊN BỐ CHUNG VIỆT NAM – TRUNG QUỐC (1999-NAY)
Mục lục:

Việt Nam - Trung Quốc ra Tuyên bố chung 2011

 ---------------

Nội dung của Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ (2004)

Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1999)

QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI TUYẾN BIÊN GIỚI VIỆT - TRUNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
Nguồn: Web theo Luật pháp Việt Nam 



                                           Khởi công xây dựng Cung hữu nghị Việt - Trung



Hôm nay (15/10), tại Hà Nội, Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung về chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường.
Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2013
1. Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường đã thăm chính thức nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 10 năm 2013.
Trong thời gian chuyến thăm, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Trong không khí chân thành, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã đi sâu trao đổi ý kiến và đạt nhận thức chung rộng rãi về việc làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung trong tình hình mới, cũng như tình hình quốc tế, khu vực hiện nay và các vấn đề cùng quan tâm.
2. Hai bên đã nhìn lại và đánh giá cao sự  phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, khẳng định sẽ tuân theo những nhận thức chung quan trọng mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc theo phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Hai bên nhất trí cho rằng, trong tình hình kinh tế, chính trị quốc tế diễn biến phức tạp hiện nay, việc hai bên tăng cường trao đổi chiến lược, làm sâu sắc thêm hợp tác thực chất, xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại, tăng cường điều phối và phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài phù hợp lợi ích căn bản của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như thế giới.
3. Hai bên đánh giá cao vai trò quan trọng không thể thay thế của tiếp xúc cấp cao giữa hai nước, nhất trí tiếp tục duy trì tiếp xúc và thăm viếng cấp cao, xuất phát từ tầm cao chiến lược nắm vững phương hướng phát triển quan hệ hai nước trong thời kỳ mới.
Đồng thời, thúc đẩy trao đổi cấp cao qua nhiều hình thức như gặp gỡ bên lề các diễn đàn đa phương, sử dụng tốt đường dây nóng giữa Lãnh đạo cấp cao để đi sâu trao đổi các vấn đề trọng đại trong quan hệ song phương cũng như các vấn đề cùng quan tâm.
4. Hai bên nhất trí tiếp tục sử dụng tốt cơ chế của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, thúc đẩy tổng thể hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực; thực hiện tốt  “Chương trình hành động triển khai Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc”; sử dụng tốt các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa các ngành Ngoại giao, Quốc phòng, Kinh tế, Thương mại, Công an, An ninh, Báo chí hai nước và giữa Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Tuyên giáo của hai Đảng; tổ chức tốt Phiên họp Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc, Hội nghị hợp tác phòng chống tội phạm, Phiên họp Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại, Hội thảo lý luận giữa hai Đảng; làm tốt các công tác như Tham vấn Ngoại giao thường niên, Tham vấn An ninh-Quốc phòng, đào tạo mở rộng cho cán bộ Đảng và Nhà nước; sử dụng hiệu quả đường dây điện thoại trực tiếp giữa Bộ Quốc phòng, tăng cường định hướng đúng đắn báo chí và dư luận... góp phần quan trọng cho việc tăng cường sự tin cậy giữa hai bên, duy trì phát triển ổn định quan hệ hai nước. 
5. Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là  láng giềng và đối tác quan trọng của nhau, đều đang ở trong thời kỳ then chốt của công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, xuất phát từ nhu cầu và lợi ích chung của hai nước, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện với trọng tâm là các lĩnh vực dưới đây:
a. Về hợp tác trên bộ:
(i) Hai bên nhất trí nhanh chóng thực hiện “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung giai đoạn 2012-2016” và Danh mục các dự án hợp tác trọng điểm; thành lập Nhóm công tác hợp tác về cơ sở hạ tầng giữa hai nước để quy hoạch và chỉ đạo thực hiện các dự án cụ thể; sớm đạt nhất trí về phương án thực hiện và huy động vốn đối với dự án đường bộ cao tốc Lạng Sơn-Hà Nội nhằm sớm khởi công xây dựng.
Hai bên sẽ tích cực thúc đẩy dự án đường bộ cao tốc Móng Cái-Hạ Long, phía Trung Quốc ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực của Trung Quốc tham gia dự án này theo nguyên tắc thị trường, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ về huy động vốn trong khả năng. Các bộ, ngành hữu quan hai nước đẩy nhanh công tác, sớm khởi động nghiên cứu khả thi dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.
Hai bên nhất trí thực hiện tốt “Bản ghi nhớ về việc xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới”, tích cực nghiên cứu đàm phán ký kết “Hiệp định thương mại biên giới Việt-Trung” (sửa đổi) nhằm phát huy vai trò tích cực thúc đẩy hợp tác và phồn vinh ở khu vực biên giới hai nước.
(ii) Hai bên đồng ý tăng cường điều phối chính sách kinh tế thương mại, thực hiện tốt “Bản ghi nhớ hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản” và “Hiệp định về việc mở Cơ quan xúc tiến Thương mại nước này tại nước kia”, để thúc đẩy cân bằng thương mại song phương trên cơ sở bảo đảm thương mại tăng trưởng ổn định, phấn đấu hoàn thành trước thời hạn mục tiêu đến năm 2015 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 60 tỷ USD.
Phía Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng nhập khẩu hàng hóa có tính cạnh tranh của Việt Nam, ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam đầu tư kinh doanh, đồng thời sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc mở rộng thị trường.
Phía Việt Nam sẽ tạo thuận lợi, hỗ trợ sớm hoàn thành Khu công nghiệp Long Giang và Khu công nghiệp An Dương. Hai bên sẽ đẩy nhanh thi công, thúc đẩy sớm hoàn thành dự án Cung Hữu nghị Việt-Trung.
(iii) Hai bên nhất trí làm sâu sắc thêm giao lưu hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, y tế…
(iv) Hai bên nhất trí tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền giữa hai nước, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch công tác hằng năm; tiến hành Hội nghị lần thứ nhất Ủy ban hợp tác quản lý cửa khẩu giữa hai nước, thúc đẩy công tác mở cửa, nâng cấp một số cặp cửa khẩu biên giới trên bộ, sớm chính thức mở cặp cửa khẩu quốc gia Hoành Mô-Động Trung; thúc đẩy đàm phán về “Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc” sớm đạt được tiến triển thực chất, sớm khởi động vòng đàm phán mới và đạt nhất trí về “Hiệp định tàu thuyền tự do đi lại tại khu vực cửa sông Bắc Luân”, sớm hoàn thành xây dựng các cầu qua biên giới như cầu đường bộ Bắc Luân 2, cầu đường bộ 2 Tà Lùng-Thủy Khẩu, tạo nền tảng cho sự ổn định và phát triển của khu vực biên giới hai nước.
Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các địa phương, nhất là giữa các tỉnh, khu tự trị biên giới hai nước; phát huy vai trò của cơ chế hợp tác liên quan giữa  địa phương hai nước.
b. Về hợp tác tiền tệ:
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính, tích cực tạo điều kiện và khuyến khích các tổ chức tài chính hai bên hỗ trợ dịch vụ tài chính cho các dự  án hợp tác song phương về thương mại và đầu tư. Trên cơ sở Hiệp định thanh toán bằng đồng bản tệ song phương trong thương mại biên giới ký giữa ngân hàng Trung ương hai nước năm 2003, tiếp tục nghiên cứu việc mở rộng phạm vi thanh toán bằng đồng bản tệ, thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư hai bên.
Hai bên quyết định thành lập Nhóm công tác về hợp tác tiền tệ giữa hai nước, để nâng cao khả năng phòng ngừa rủi ro tài chính tiền tệ của hai bên, duy trì ổn định và phát triển kinh tế hai nước và khu vực. Tăng cường điều phối và phối hợp đa phương, cùng nhau thúc đẩy hợp tác tài chính tiền tệ khu vực Đông Á.
c. Về hợp tác trên biển:
Hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn  đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”, sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển. Theo tinh thần đó, hai bên đồng ý thành lập Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ Đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc.
Hai bên nhất trí tăng cường chỉ đạo đối với các cơ chế đàm phán và tham vấn hiện có, gia tăng cường độ làm việc của Nhóm công tác vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và Nhóm công tác cấp chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Trên nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này và trong năm nay khởi động khảo sát chung ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ để thực hiện nhiệm vụ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ. Nhanh chóng thực hiện các Dự án hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển như hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng vịnh Bắc Bộ; nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang…, tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và kết nối giao thông trên biển.
Hai bên nhất trí kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, sử dụng tốt  đường dây nóng quản lý, kiểm soát tranh chấp trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển giữa Bộ Nông nghiệp hai nước, xử lý kịp thời, thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, đồng thời tiếp tục tích cực trao đổi và tìm kiếm các biện pháp có hiệu quả để kiểm soát tranh chấp, duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Đông.
6. Hai bên nhất trí tổ chức tốt các hoạt động như Liên hoan Thanh niên Việt-Trung lần thứ hai; Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt-Trung; Liên hoan nhân dân Việt-Trung… nhằm bồi dưỡng ngày càng nhiều thế hệ tiếp nối sự nghiệp hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc. Hai bên nhất trí thành lập Viện Khổng Tử tại Việt Nam và đẩy nhanh việc thành lập Trung tâm văn hóa của nước này ở nước kia, thiết thực tăng cường tuyên truyền về quan hệ hữu nghị Việt-Trung, làm sâu sắc sự hiểu biết và hữu nghị giữa người dân hai nước.
7. Phía Việt Nam khẳng định kiên trì  thực hiện chính sách một nước Trung Quốc, ủng hộ  quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan phát triển hòa bình và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ “Đài Loan độc lập” dưới mọi hình thức. Việt Nam không phát triển bất cứ quan hệ chính thức nào với Đài Loan. Phía Trung Quốc hoan nghênh lập trường trên của Việt Nam.
8. Hai bên nhất trí tăng cường điều phối và phối hợp tại các diễn đàn đa phương như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 với Trung-Nhật-Hàn, Hội nghị Cấp cao Đông Á… cùng nhau nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Hai bên đánh giá cao những thành tựu to lớn đạt được trong phát triển quan hệ ASEAN-Trung Quốc, nhất trí lấy dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc làm cơ hội tăng cường hơn nữa tin cậy chiến lược. Phía Việt Nam hoan nghênh đề xuất của Trung Quốc về việc ký kết “Điều ước hợp tác láng giềng hữu nghị giữa các nước ASEAN và Trung Quốc”, nâng cấp Khu mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc, thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á. Việc ASEAN và Trung Quốc triển khai hợp tác rộng rãi có vai trò hết sức quan trọng đối với thúc đẩy hòa bình, ổn định, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau tại khu vực Đông Nam Á.
Hai bên nhất trí thực hiện  đầy đủ, hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, theo tinh thần và nguyên tắc của “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở đồng thuận, nỗ lực hướng tới thông qua “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC).
9. Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký “Hiệp định về việc mở Cơ quan Xúc tiến thương mại nước này tại nước kia”, “Bản ghi nhớ về xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới”, “Bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm công tác hỗn hợp hỗ trợ các dự án do doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam”, “Hiệp định về việc xây dựng cầu đường bộ 2 Tà Lùng-Thủy Khẩu” và Nghị định thư kèm theo, “Dự án hợp tác nghiên cứu quản lý môi trường biển và hải đảo vùng vịnh Bắc Bộ”, “Dự án nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang”, “Thỏa thuận về việc thành lập Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội” và một số văn kiện hợp tác kinh tế. 
10. Hai bên bày tỏ hài lòng về  kết quả chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nhất trí cho rằng chuyến thăm lần này có ý nghĩa quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển và hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực.

Việt Nam - Trung Quốc ra Tuyên bố chung 2011

Hôm nay 15/10, tại thủ đô Bắc Kinh, Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung về chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

1. Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 10 năm 2011.
Trong thời gian chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Ðào; lần lượt hội kiến với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Ðại hội Ðại biểu Nhân dân Toàn quốc Ngô Bang Quốc; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thủ tướng Quốc vụ viện Ôn Gia Bảo; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Giả Khánh Lâm. Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện Lý Khắc Cường cũng đã tham gia các hoạt động liên quan.
Trong bầu không khí chân thành, hữu nghị, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; đi sâu trao đổi ý kiến về việc tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai Đảng, hai nước trong tình hình mới, cũng như về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, đạt được nhận thức chung rộng rãi. Ngoài Bắc Kinh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm tỉnh Quảng Đông.
Hai bên nhất trí cho rằng, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công tốt đẹp, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển ổn định, lành mạnh và đi vào chiều sâu, đồng thời có ảnh hưởng tích cực thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
2. Hai bên vui mừng trước những thành tựu mang tính lịch sử mà nhân dân hai nước, dưới sự lãnh đạo của hai Đảng Cộng sản, đã đạt được trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, trong đổi mới của Việt Nam và cải cách mở cửa của Trung Quốc.
Phía Việt Nam nhiệt liệt chúc mừng 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và sự mở đầu thuận lợi trong thực hiện Quy hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc; tin tưởng vững chắc Đảng Cộng sản Trung Quốc nhất định sẽ đoàn kết chặt chẽ và dẫn dắt nhân dân Trung Quốc thực hiện thắng lợi mục tiêu vĩ đại xây dựng toàn diện xã hội khá giả và đẩy nhanh hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.
Phía Trung Quốc chúc mừng thành công của Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam và tin tưởng vững chắc rằng, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thực hiện thắng lợi những mục tiêu và nhiệm vụ mà Đại hội XI đã đề ra, xây dựng Việt Nam thành nước xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
3. Hai bên đã nhìn lại và tổng kết những thành tựu to lớn đã giành được trong quá trình phát triển quan hệ hai nước 61 năm qua kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt là 20 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, và nhất trí cho rằng, quan hệ hai nước đã phát triển nhanh và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Hai bên nhấn mạnh tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau, tin cậy lẫn nhau, hợp tác với nhau là kinh nghiệm quan trọng cho quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh; khẳng định tình hữu nghị đời đời Việt-Trung là tài sản quý báu chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần được không ngừng củng cố, phát triển, truyền mãi cho các thế hệ mai sau.
Hai bên khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục kiên trì phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt,” từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn toàn cục, sẽ tăng cường giao lưu hữu nghị giữa hai nước, mở rộng hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, trân trọng, giữ gìn, phát triển tốt quan hệ hai Đảng, hai nước Việt-Trung, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển một cách ổn định, lành mạnh, lâu dài.
Hai bên nhất trí cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến sâu sắc, phức tạp, việc hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc tăng cường hơn nữa sự tin cậy chiến lược, hợp tác chặt chẽ toàn diện, xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại hay mới nảy sinh giữa hai nước, là phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho sự nghiệp chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
4. Hai bên nhất trí áp dụng các biện pháp hữu hiệu, thiết thực để mở rộng toàn diện và đi sâu hợp tác hữu nghị trên các lĩnh vực giữa hai nước:
Một là, duy trì truyền thống tốt đẹp các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao thông qua các hình thức linh hoạt, đa dạng như thăm song phương, trao đổi qua đường dây nóng, gặp gỡ tại các diễn đàn đa phương, cử đặc phái viên…, kịp thời trao đổi ý kiến về tình hình quốc tế, khu vực và các vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương, tăng cường trao đổi chiến lược, nắm chắc phương hướng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển lâu dài, lành mạnh, ổn định. Trong thời gian chuyến thăm, hai bên chính thức khai thông đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Hai là, phát huy đầy đủ vai trò quan trọng của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc trong việc đi sâu hợp tác thực chất, thúc đẩy quan hệ song phương, tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo và quy hoạch chính sách đối với hợp tác trong các lĩnh vực, thúc đẩy tổng thể sự hợp tác, phối hợp xử lý vấn đề phát sinh, thúc đẩy hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực đạt thành quả phong phú hơn nữa, không ngừng làm phong phú nội hàm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện hai nước.
Ba là, thắt chặt giao lưu hợp tác giữa hai Đảng, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2011-2015.”
Tổ chức tốt Hội thảo lý luận giữa hai Đảng, tăng cường trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, quản lý đất nước; mở rộng và đi sâu hợp tác đào tạo cán bộ Đảng, chính quyền; tổ chức các cuộc gặp gỡ cấp Trưởng Ban theo cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai Ban Đối ngoại và hai Ban Tuyên truyền hai Đảng vào thời điểm thích hợp.
Bốn là, đi sâu hợp tác giữa hai quân đội, tăng cường tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao quân đội hai nước; tiếp tục tổ chức tốt Đối thoại Chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng; thúc đẩy thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng hai nước; tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ và giao lưu sĩ quan trẻ; triển khai thí điểm tuần tra chung biên giới đất liền vào thời điểm thích hợp; tiếp tục tổ chức tuần tra chung giữa hải quân hai nước trong Vịnh Bắc Bộ; tăng cường hợp tác trong các mặt như tàu hải quân hai nước thăm nhau.
Năm là, đi sâu hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thi hành pháp luật và an ninh; tổ chức tốt Hội nghị cấp Bộ trưởng Hợp tác phòng chống tội phạm lần thứ 3 giữa hai Bộ Công an hai nước; thúc đẩy triển khai các hoạt động chung chống xuất nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới; tăng cường phối hợp có hiệu quả trong các lĩnh vực phòng chống tội phạm kiểu mới như tấn công tội phạm lừa đảo viễn thông.
Tăng cường giao lưu và hợp tác giữa các cơ quan như tòa án, viện kiểm sát, công an, hành chính tư pháp; cùng phòng ngừa và tấn công các hoạt động vi phạm pháp luật, tội phạm xuyên biên giới; tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong việc giữ gìn ổn định trong nước của mình.
Sáu là, tăng cường và mở rộng hợp tác thiết thực giữa hai nước theo các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, chú trọng hiệu quả thực tế, bổ sung thế mạnh lẫn nhau, bằng nhiều hình thức đa dạng, cùng nhau phát triển:
- Phát huy đầy đủ vai trò của Ủy ban hợp tác kinh tế-thương mại, Ủy ban liên hợp hợp tác khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ hai nước trong việc chỉ đạo, điều phối tổng thể, đôn đốc thực hiện hợp tác thiết thực giữa hai nước trong các lĩnh vực liên quan. Thực hiện tốt “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Trung Quốc” vừa được ký kết trong chuyến thăm này.
- Tích cực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, nông lâm nghiệp, giao thông, điện lực, công nghệ thông tin, khoáng sản, năng lượng, du lịch..., tăng cường trao đổi về thúc đẩy cân bằng thương mại song phương, khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của hai nước mở rộng hợp tác lâu dài cùng có lợi, xây dựng khu hợp tác kinh tế biên giới và hợp tác “hai hành lang, một vành đai”...
- Tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, văn hóa, y tế, thể thao, báo chí… Tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, quản lý nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt “Thỏa thuận trao đổi giáo dục 2011-2015,” mở rộng số lượng lưu học sinh cử sang nhau.
- Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động giao lưu nhân dân, như Diễn đàn Nhân dân Việt-Trung, Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt-Trung, đẩy mạnh tuyên truyền tình hữu nghị Việt-Trung, tăng cường định hướng dư luận và quản lý báo chí, thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, giữ gìn đại cục quan hệ hữu nghị hai nước, làm cho tình hữu nghị Việt-Trung được kế thừa và phát huy rạng rỡ.
- Mở rộng hơn nữa sự giao lưu, hợp tác giữa các địa phương hai nước, nhất là các tỉnh giáp biển, giáp biên giới của hai nước như Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu của Việt Nam với Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam, Hải Nam của Trung Quốc.
- Tiếp tục thực hiện tốt các văn kiện có liên quan đến biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, “Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ” và “Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ;” tích cực tìm tòi mô hình mới trong kiểm tra liên hợp khu vực đánh cá chung ở Vịnh Bắc Bộ; thúc đẩy thiết lập đường dây nóng liên lạc giữa cơ quan ngư nghiệp hai nước.
- Đẩy nhanh tiến trình đàm phán, sớm ký kết “Hiệp định tàu thuyền qua lại tự do khu vực cửa sông Bắc Luân” và “Hiệp định hợp tác khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc,” cùng nhau duy trì ổn định và phát triển ở khu vực biên giới.
Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký “Kế hoạch hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc (2011-2015),” “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế-thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 2012-2016,” “Thỏa thuận trao đổi giáo dục 2011-2015 giữa Bộ Giáo dục-Đào tạo nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo dục nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” “Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc về sửa đổi Hiệp định vận tải ôtô giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc,” “Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc về thực hiện Hiệp định vận tải ôtô giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc,” “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
5. Hai bên đã trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển; nhấn mạnh ý chí và quyết tâm chính trị thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị để giải quyết tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định tại Biển Đông; cho rằng điều này phù hợp với lợi ích căn bản của hai nước và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực.
Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, từ tầm cao chính trị và chiến lược, kịp thời chỉ đạo xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển.
Hai bên đánh giá tích cực việc hai nước ký kết “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển;” cho rằng việc ký kết Thỏa thuận này có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng đối với việc xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, sẽ cùng nỗ lực thực hiện nghiêm chỉnh Thỏa thuận này.
Căn cứ vào nhận thức chung đã có giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và “Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển,” hai bên đẩy mạnh đàm phán vấn đề trên biển, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, đồng thời tích cực trao đổi tìm kiếm giải pháp có tính quá độ, tạm thời, không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển.
Hai bên thúc đẩy vững chắc đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển ở khu vực này. Hai bên tích cực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, thăm dò khai thác dầu khí, phòng chống thiên tai…
Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
6. Phía Việt Nam khẳng định thực hiện nhất quán chính sách một nước Trung Quốc, ủng hộ quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan phát triển hòa bình và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ “Đài Loan độc lập” dưới mọi hình thức.
Việt Nam không phát triển bất cứ quan hệ chính thức nào với Đài Loan. Phía Trung Quốc bày tỏ hoan nghênh lập trường trên của phía Việt Nam.
7. Hai bên khẳng định tiếp tục mở rộng giao lưu và hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao hai nước, tổ chức tốt trao đổi chính trị giữa Bộ Ngoại giao hai nước, tăng cường trao đổi và hợp tác tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng…, cùng giữ gìn và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và phồn vinh của khu vực và thế giới.
8. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc về sự đón tiếp trọng thị, nhiệt tình và hữu nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào sớm sang thăm lại Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào bày tỏ cảm ơn về lời mời.


Ký tại Bắc Kinh, ngày 18 tháng 11 năm 2009

Chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị cấp cao ASEM 7 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, đẩy mạnh quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt - Trung không ngừng phát triển lên một tầm cao mới vì lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Ngày 25/10/2008, hai bên đã ra Tuyên bố chung. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bản Tuyên bố chung này.
Bắc Kinh, ngày 25/10/2008
1. Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thăm hữu nghị, chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị cấp cao ASEM 7 từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 10 năm 2008. Trong thời gian thăm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Ôn Gia Bảo và lần lượt hội kiến với các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Ngô Bang Quốc. Ngoài Bắc Kinh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm tỉnh Hải Nam.
Trong không khí chân thành, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, lãnh đạo hai nước đã trao đổi ý kiến về quan hệ song phương, các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, đạt được nhận thức chung quan trọng về việc làm phong phú nội hàm mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc. Hai bên nhất trí cho rằng, chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt - Trung không ngừng phát triển lên một tầm cao mới vì lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
2. Phía Việt Nam đánh giá cao thành tựu rực rỡ mà nhân dân Trung Quốc anh em đạt được sau 30 năm cải cách mở cửa; nhấn mạnh những thành công của Trung Quốc trong việc tổ chức Olympic và Paralympic Bắc Kinh, phóng tàu vũ trụ có người lái “Thần Châu 7” và tổ chức Hội nghị cấp cao ASEM 7 góp phần nâng cao thêm một bước vị thế và uy tín quốc tế của Trung Quốc; bày tỏ tin tưởng chắc chắn nhân dân Trung Quốc sẽ đạt được thành tựu mới to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện.
Phía Trung Quốc đánh giá cao thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam giành được trong công cuộc đổi mới mở cửa, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cải thiện đời sống nhân dân; chúc mừng những thành công của Việt Nam trong hội nhập quốc tế và đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; bày tỏ tin tưởng nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
 3. Hai bên hài lòng nhận thấy, quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác Việt - Trung có bước phát triển quan trọng, sự tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa hai bên không ngừng được tăng cường, hợp tác kinh tế thương mại đạt thành quả to lớn, hợp tác giao lưu giữa các bộ ngành và các địa phương ngày một mở rộng, các vấn đề tồn tại từng bước được giải quyết ổn thỏa. Hai bên nhất trí cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị quốc tế đang diễn biến phức tạp hiện nay, việc tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung phù hợp lợi ích căn bản của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như thế giới.
4. Hai bên đạt được nhận thức chung quan trọng về những biện pháp triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc. Hai bên nhất trí duy trì tiếp xúc mật thiết giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước dưới các hình thức linh hoạt và đa dạng như các chuyến thăm song phương, trao đổi qua đường dây nóng, gặp gỡ tại các diễn đàn đa phương, kịp thời trao đổi ý kiến về những vấn đề quan trọng trong quan hệ hai nước; phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung trong việc quy hoạch tổng thể và đẩy mạnh toàn diện hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực; hoàn thiện cơ chế hợp tác giữa các bộ ngành, thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác giữa các ngành Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, An ninh …; mở rộng hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch …; tăng cường giao lưu hữu nghị giữa thanh thiếu niên, đoàn thể quần chúng, các tổ chức dân gian hai nước; làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục về ý nghĩa quan trọng và nội hàm cụ thể của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, để tình hữu nghị của nhân dân hai nước mãi mãi lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hai bên thỏa thuận sẽ cùng nhau phối hợp tổ chức các hoạt động với hình thức đa dạng long trọng kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.
5. Hai bên nhất trí làm sâu sắc hơn nữa hợp tác kinh tế mậu dịch, phấn đấu nâng kim ngạch mậu dịch hai bên đạt 25 tỷ USD vào năm 2010. Hai bên giao Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung: (i) đẩy mạnh thực hiện “Quy hoạch 5 năm phát triển hợp tác kinh tế mậu dịch Việt - Trung” mà hai bên đang thảo luận để ký kết; (ii) Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước đầu tư tại nước kia; (iii) Sớm thành lập tổ công tác hợp tác kinh tế thương mại để thông báo tình hình cho nhau và trao đổi ý kiến về các công việc cụ thể trong hợp tác kinh tế thương mại, tìm các biện pháp giải quyết những vấn đề tồn tại; (iv) Tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp quản lý chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại…v.v, đảm bảo các hoạt động mậu dịch biên giới phát triển lành mạnh.
 Chính phủ hai nước tăng cường chỉ đạo và hỗ trợ về chính sách, thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước thực hiện và chấp hành những thỏa thuận hợp tác và hợp đồng kinh tế đã ký kết theo quy tắc thị trường để tăng cường lòng tin trong hợp tác song phương; tiếp tục trao đổi thỏa thuận về các dự án hợp tác lớn, khuyến khích các doanh nghiệp lớn của hai nước mở rộng hợp tác lâu dài, cùng có lợi trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, điện lực, xây dựng nhà ở, tư vấn thiết kế, công nghiệp hóa chất, công nghiệp phụ trợ, đóng tàu…v.v. Hai bên nhất trí, tiếp tục thực hiện Bản ghi nhớ về triển khai hợp tác “Hai hành lang một vành đai”, nghiên cứu nghiêm túc ý tưởng về khu kinh tế, thương mại, du lịch xuyên biên giới, thắt chặt mối quan hệ giữa các tỉnh biên giới hai nước.
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa chuyên gia kinh tế hai nước, đề xuất các kiến nghị về chính sách ứng phó với những biến động của tình hình kinh tế quốc tế.
6. Hai bên bày tỏ hài lòng đối với việc cơ bản hoàn thành công tác phân giới trên bộ, đồng ý tiếp tục cùng phối hợp chặt chẽ, tích cực giải quyết vấn đề còn lại, đảm bảo thực hiện mục tiêu kết thúc công việc phân giới cắm mốc toàn tuyến biên giới trên bộ đúng thời hạn trong năm nay; sớm ký kết Nghị định thư phân giới cắm mốc và Hiệp định quy chế quản lý biên giới mới nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác, hữu nghị lâu dài giữa hai nước. Hai bên đồng ý tổ chức lễ mừng công hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc tại cặp cửa khẩu mà hai bên nhất trí.
Hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt “Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ” và “Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ”, làm tốt công tác kiểm tra liên hợp và điều tra liên hợp nguồn lợi thủy sản trong vùng đánh cá chung và việc tuần tra chung giữa hải quân hai nước ở Vịnh Bắc Bộ; thúc đẩy hợp tác thăm dò, khai thác cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định Vịnh Bắc Bộ đạt được những tiến triển thực chất. Hai bên tiếp tục thúc đẩy một cách vững chắc đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển, sớm khởi động khảo sát chung ở khu vực này.
Hai bên đã trao đổi ý kiến một cách thẳng thắn và hữu nghị về việc gìn giữ hòa bình ổn định ở Biển Đông; khẳng định tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và tinh thần “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, duy trì cơ chế đàm phán vấn đề trên biển, căn cứ nguyên tắc và chế độ pháp lý được xác định bởi luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu và bàn bạc về hợp tác cùng phát triển để tìm ra mô hình và khu vực thích hợp. Trong quá trình đó, hai bên cùng nỗ lực gìn giữ tình hình ổn định ở Biển Đông, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp. Hai bên đồng ý, với nguyên tắc dễ trước khó sau, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học hải dương, bảo vệ môi trường, dự báo khí tượng thủy văn, thăm dò khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ trên biển, tàu hải quân đi thăm lẫn nhau, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin trực tiếp giữa quân đội hai nước.
7. Phía Việt Nam một lần nữa khẳng định việc kiên định thực hiện chính sách một Trung Quốc, ủng hộ sự nghiệp thống nhất của Trung Quốc, kiên quyết phản đối hoạt động “Đài Loan độc lập” dưới bất kỳ hình thức nào. Việt Nam không phát triển bất cứ quan hệ chính thức nào với Đài Loan. Phía Trung Quốc bày tỏ hoan nghênh lập trường trên của Việt Nam.
8. Hai bên trao đổi và đạt nhận thức chung về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, bày tỏ sự hài lòng về sự phối hợp chặt chẽ trong các công việc quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, WTO, APEC, ASEM, ASEAN+1, ASEAN+3, đồng ý tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đa phương, góp phần thúc đẩy xây dựng một thế giới hòa bình lâu dài và cùng phát triển phồn vinh.
9. Trong thời gian thăm, hai bên đã ký 8 hiệp định và thỏa thuận, trong đó có Hiệp định về thiết lập đường dây nóng; Hiệp định về kiểm dịch y tế biên giới; Hiệp định khung về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng; Thỏa thuận về xây dựng khu kinh tế - thương mại Trung Quốc tại thành phố Hải Phòng; Thỏa thuận về hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty dầu khí  hải dương quốc gia Trung Quốc và một số thỏa thuận hợp đồng kinh tế khác.
10. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ cảm ơn chân thành Tthủ tướng Ôn Gia Bảo, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc về sự đón tiếp trọng thị, nhiệt tình và hữu nghị, mời Thủ tướng Ôn Gia Bảo thăm lại Việt Nam, Thủ tướng Ôn Gia Bảo bày tỏ sự cảm ơn.


Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2006

1. Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào đã sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 15 đến 17 tháng 11 năm 2006.
Trong thời gian thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã hội đàm với Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Hai bên thông báo cho nhau tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; trao đổi ý kiến sâu rộng về quan hệ giữa hai Đảng, hai nước cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm và đã đạt được nhận thức chung rộng rãi. Hai bên nhất trí cho rằng, chuyến thăm lần này đã thành công tốt đẹp, chắc chắn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục phát triển.

2. Hai bên bày tỏ vui mừng trước những thành tựu có tính chất lịch sử mà hai Đảng, hai nước đã giành được trong quá trình tìm tòi con đường phát triển xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình của mỗi nước. Việt Nam đánh giá cao những thành tựu vĩ đại mà Trung Quốc đã giành được trong sự nghiệp cải cách, mở cửa và xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc nhất định sẽ thực hiện được mục tiêu hùng vĩ xây dựng toàn diện xã hội khá giả và đẩy nhanh hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa.
Trung Quốc đánh giá cao những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử mà Việt Nam đã giành được trong công cuộc đổi mới 20 năm qua, ủng hộ các phương châm và chính sách do Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra và tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ do Đại hội X của Đảng xác định, xây dựng Việt Nam thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

3. Hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước không ngừng được củng cố và phát triển, nhất trí cho rằng Trung Quốc và Việt Nam có lợi ích chiến lược chung trên nhiều vấn đề quan trọng. Trong bối cảnh tình hình quốc tế đang có những diễn biến sâu sắc, việc tiếp tục tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phù hợp với lợi ích căn bản của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho hoà bình và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Hai bên thoả thuận sẽ tăng cường các cuộc chuyến thăm cấp cao, đi sâu trao đổi kinh nghiệm về lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước cũng như xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát huy đầy đủ vai trò của cơ chế hợp tác giữa các ngành ngoại giao, quốc phòng, công an, an ninh…, mở rộng hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật, văn hoá giáo dục…, triển khai mạnh mẽ giao lưu hữu nghị giữa thanh thiếu niên hai nước, làm cho tình hữu nghị Việt Nam- Trung Quốc được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hai bên cùng nhau nỗ lực phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và mãi mãi là "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

4. Hai bên đánh giá tích cực việc hai nước đã chính thức thành lập và tiến hành phiên họp đầu tiên của Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt- Trung. Hai bên nhất trí cho rằng, sự kiện này có lợi cho việc tăng cường chỉ đạo vĩ mô, quy hoạch tổng thể và thúc đẩy toàn diện sự hợp tác trong tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam và Trung Quốc, điều phối giải quyết các vấn đề có thể nảy sinh trong quá trình hợp tác. Uỷ ban này sẽ phát huy tác dụng quan trọng góp phần bảo đảm quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước phát triển lâu dài, ổn định, lành mạnh và bền vững.

5. Hai bên hài lòng về tiến triển đã đạt được trong lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước. Hai bên đồng ý trên tinh thần "bổ sung ưu thế cho nhau, cùng có lợi và cùng thắng", mở rộng hơn nữa quy mô, nâng cao chất lượng và trình độ hợp tác kinh tế thương mại. Tích cực phát triển điểm tăng trưởng mới về thương mại, duy trì đà tăng trưởng nhanh chóng kim ngạch mậu dịch song phương, thực hiện mục tiêu mới là nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỷ USD vào năm 2010.
Từng bước cải thiện cơ cấu mậu dịch, cố gắng thực hiện phát triển cân bằng và tăng trưởng bền vững thương mại hai chiều. Tích cực ủng hộ và thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác lâu dài và cùng có lợi trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo, khai thác nguồn nhân lực, năng lượng, chế biến khoáng sản và các lĩnh vực quan trọng khác. Khẩn trương bàn bạc và thực hiện các dự án lớn như bô-xít Đắc Nông…
Đẩy nhanh tiến trình xây dựng "Hai hành lang, một vành đai kinh tế", thúc đẩy vững chắc, hiệu quả các dự án hợp tác cụ thể. Tăng cường hợp tác trong các thể chế kinh tế khu vực, liên khu vực và quốc tế, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc.

Trung Quốc chúc mừng Việt Nam đã gia nhập WTO và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tích cực đóng góp phần mình vào các hoạt động của tổ chức này sau khi trở thành thành viên chính thức.

Hai bên đã ký và nhất trí sẽ nhanh chóng triển khai thực hiện "Hiệp định về mở rộng và đi sâu hợp tác kinh tế thương mại song phương”, đề ra phương hướng tổng thể về hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước trong 5-10 năm tới, xác định các lĩnh vực hợp tác trọng điểm, phát huy tác dụng tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.

Hai bên còn ký kết Bản ghi nhớ về việc triển khai Hợp tác "hai hành lang, một vành đai kinh tế" và một số văn kiện hợp tác kinh tế khác.

6. Hai bên đánh giá tích cực những tiến triển mà hai nước đã đạt được trong việc giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ. Hai bên đồng ý phối hợp chặt chẽ hơn nữa, áp dụng các biện pháp thiết thực và hiệu quả hơn, đẩy nhanh tiến độ phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, bảo đảm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới trên đất liền và ký văn bản mới về quy chế quản lý biên giới chậm nhất vào năm 2008.
Tiếp tục thực hiện tốt “Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ” và "Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ”, triển khai tốt tuần tra chung giữa hải quân hai nước, công tác điều tra liên hợp nguồn lợi cũng như kiểm tra liên hợp trong Vùng đánh cá chung, tích cực hợp tác đẩy nhanh việc thực hiện Thoả thuận khung về hợp tác dầu khí  trong Vịnh Bắc bộ, tiến hành công tác thăm dò chung các cấu tạo dầu khí  vắt ngang đường phân định, giữ gìn trật tự sản xuất nghề cá bình thường, tích cực triển khai hợp tác trong các lĩnh vực khác như nghề cá, bảo vệ môi trường, tìm kiếm cứu nạn trên biển…
Hai bên tiếp tục thúc đẩy một cách vững chắc đàm phán về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực trao đổi ý kiến về vấn đề hợp tác cùng phát triển ở khu vực này. Hai bên đồng ý nghiêm chỉnh tuân thủ nhận thức chung liên quan của lãnh đạo cấp cao hai nước, tiếp tục duy trì cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, kiên trì thông qua đàm phán hoà bình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều chấp nhận được. Hai bên cùng nhau cố gắng giữ gìn ổn định tình hình biển Đông, đồng thời tích cực nghiên cứu và bàn bạc vấn đề hợp tác cùng phát triển để tìm ra mô hình và khu vực phù hợp.

7. Việt Nam khẳng định kiên trì thực hiện chính sách một nước Trung Quốc, ủng hộ sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, ủng hộ "Luật chống chia cắt đất nước”, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ “Đài Loan độc lập” dưới mọi hình thức. Mong muốn Trung Quốc sớm thực hiện thống nhất đất nước. Việt Nam không phát triển bất kỳ quan hệ chính thức nào với Đài Loan. Phía Trung Quốc bày tỏ hoan nghênh lập trường trên của phía Việt Nam.

8. Hai bên hài lòng về hợp tác giữa hai nước trong công việc quốc tế và khu vực. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp và hợp tác trong khuôn khổ đa phương như Liên hợp quốc, APEC, ASEM, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), EAS, ARF, Tiểu vùng sông Mê-công mở rộng…, cùng nhau làm hết sức mình vì hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Hai bên nhất trí cho rằng Liên hợp quốc cần góp phần nâng cao vai trò, hiệu quả trong việc đối phó với những thách thức và các mối đe doạ mới, duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy sự phát triển chung của các thành viên, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Trung Quốc bày tỏ ủng hộ Việt Nam trở thành Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009.

9. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cảm ơn Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho đoàn sự đón tiếp trọng thị, nhiệt tình và hữu nghị, và trân trọng mời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang thăm Trung Quốc vào thời gian thuận tiện. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ cảm ơn và vui vẻ nhận lời. 

Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1999)


Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (dưới đây gọi là “hai Bên ký kết”);
Nhằm giữ gìn và phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc;
Với lòng mong muốn xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định và bền vững mãi mãi giữa hai nước;
Trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình;
Trên tinh thần thông cảm, nhân nhượng lẫn nhau và hiệp thương hữu nghị;
Đã quyết định ký kết Hiệp ước này và thỏa thuận các điều khoản sau:

Điều I.

Hai Bên ký kết lấy các Công ước lịch sử về biên giới hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc làm cơ sở, căn cứ vào các nguyên tắc luật pháp quốc tế được công nhận cũng như các thỏa thuận đạt được trong quá trình đàm phán về vấn đề biên giới Việt – Trung, đã giải quyết một cách công bằng, hợp lý vấn đề biên giới và xác định lại đường biên giới trên đất liền giữa hai nước.

Điều II.

Hai Bên ký kết đồng ý hướng đi của đường biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được xác định từ Tây sang Đông như sau:
Giới điểm số 1 ở điểm có độ cao 1875 của núi Khoan La San (Thập Tầng Đại Sơn), điểm này cách điểm có độ cao 1439 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,30 km về phía Tây – Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1691 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 3,70 km về phía Tây – Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1208 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,00 km về phía Nam.
Từ giới điểm số 1, đường biên giới theo đường phân thủy giữa các nhánh thượng lưu sông Nậm Mo Phí và sông Nậm Sa Ho đổ vào lãnh thổ Việt Nam và các nhánh thượng lưu sông Chỉnh Khang đổ vào lãnh thổ Trung Quốc, hướng chung Bắc – Đông Bắc chuyển Đông, qua các điểm có độ cao 1089, 1275, 1486 đến điểm có độ cao 1615, sau đó tiếp tục theo đường phân thủy kể trên, hướng chung là hướng Bắc chuyển Đông Bắc, qua điểm có độ cao 1221 đến điểm có độ cao 1264, tiếp đó theo sống núi, hướng Đông Nam đến điểm có độ cao 1248, rồi theo sống núi nhỏ, hướng Đông Bắc đến giới điểm số 2. Giới điểm này ở giữa sông Nậm Nạp (Tháp Nọa), cách điểm có độ cao 1369 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,70 km về phía Tây Nam, cách điểm có độ cao 1367 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,87 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1256 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,80 km về phía Đông – Đông Nam.
Từ giới điểm số 2, đường biên giới xuôi theo sông Nậm Nạp (Tháp Nọa), hướng Bắc chuyển Đông Bắc đến hợp lưu sông này với sông Tả Ló Phi Ma (Nam Mã), sau đó tiếp tục xuôi theo sông, hướng Bắc đến hợp lưu của nó với sông Đà (Lý Tiên), rồi xuôi sông Đà (Lý Tiên), hướng Đông đến hợp lưu sông này với sông Nậm Là (Tiểu Hắc), tiếp đó ngược sông Nậm Là (Tiểu Hắc) đến giới điểm số 3. Giới điểm này ở hợp lưu sông Nậm Là (Tiểu Hắc) với suối Nậm Na Pi, cách điểm có độ cao 978 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,87 km về phía Tây – Tây Nam, cách điểm có độ cao 620 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,50 km về phía Bắc – Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1387 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 4,40 km về phía Đông – Đông Bắc.
Từ giới điểm số 3, đường biên giới rời sông bắt vào sống núi, hướng Tây Bắc đến điểm có độ cao 1933, sau đó theo đường phân thủy giữa các nhánh thượng lưu các suối Là Pơ, Là Si, á Hu, Nậm Sau, Nậm Khô Ma, Nậm Hà Xi, Nậm Hà Nê, Nậm Xí Lùng, Nậm Hạ, Nậm Nghe, Nậm Dền Tháng, Nậm Pảng đổ vào lãnh thổ Việt Nam và các nhánh thượng lưu các sông Zhe Dong, Ha Luo Luo Ba, Da Tou Luo Ba, Mo Wu Luo Ba, Na Bang, Ge Jie, Da Luo, Nan Bu, Giao Beng Bang, Giao Cai Ping, Nan Nan, Jin Thui đổ vào lãnh thổ Trung Quốc, hướng chung Đông Bắc chuyển Đông Nam rồi chuyển Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 1690, 1975, 1902, 2121, 2254, 2316, 1831, 3074, 2635, 2199, 2133, 2002, 1800 đến điểm có độ cao 1519, sau đó theo sống núi, hướng chung là hướng Đông đến chỏm núi không tên, rồi theo sống núi nhỏ, hướng Đông đến giới điểm số 4. Giới điểm này ở giữa suối Nậm Lé (Cách Giới), cách điểm có độ cao 1451 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,05 km về phía Bắc – Đông Bắc, cách điểm có độ cao 845 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,90 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 1318 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,62 km về phía Tây Nam.
Từ giới điểm số 4, đường biên giới xuôi theo suôn Nậm Lé (Cách Giới), hướng chung Đông Bắc chuyển Tây Bắc đến hợp lưu suối này với sông Nậm Na, sau đó xuôi sông Nậm Na, hướng Đông Nam chuyển Đông đến hợp lưu sông này với sông Nậm Cúm (Đằng Điều), rồi ngược sông Nậm Cúm (Đằng Điều), hướng chung Đông Bắc đến đầu nguồn suối Phin Ho (Đằng Điều), rồi theo một khe nhỏ, hướng chung Đông – Đông Bắc đến giới điểm số 5. Giới điểm này ở điểm gặp nhau giữa khe kể trên với sống núi, cách điểm có độ cao 2283 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,62 km về phía Đông – Đông Bắc, cách điểm có độ cao 2392 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,45 km về phía Nam – Đông Nam, cách điểm có độ cao 2361 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,50 km về phía Tây.
Từ giới điểm số 5, đường biên giới theo sống núi, hướng Nam đến điểm có độ cao 2413, sau đó theo đường phân thủy giữa các suối Tả Pao Hồ, Thèn Thẻo Hồ, Oanh Hồ, Nậm Nùng, Nậm Lon trong lãnh thổ Việt Nam và các sông San Cha, Tai Zang Zhai, Man Jiang, Wu Tai, Shi Dong, Ping, Zhong Liang và Cha trong lãnh thổ Trung Quốc, hướng chung Đông Nam, qua các điểm có độ cao 2468, 3013, 2539, 2790 đến giới điểm số 6. Giới điểm này ở điểm có độ cao 2836, cách điểm có độ cao 2381 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,40 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 2531 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 3,00 km về phía Đông – Đông Bắc, cách điểm có độ cao 2510 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 3,05 km về phía Nam – Tây Nam.
Từ giới điểm số 6, đường biên giới theo sống núi, hướng Tây Nam đến một điểm gần yên ngựa phía Đông Bắc điểm có độ cao 2546 trong lãnh thổ Việt Nam, sau đó theo khe, hướng Đông Nam đến đầu nguồn suối Lũng Pô (Hồng Nham), rồi xuôi theo suối Lũng Pô (Hồng Nham) và hạ lưu của nó, hướng chung Đông Bắc đến hợp lưu suôn này với sông Hồng, từ đó đường biên giới xuôi sông Hồng, hướng Đông Nam đến hợp lưu sông Hồng với sông Nậm Thi (Nam Khê), tiếp đó ngược sông Nậm Thi (Nam Khê), hướng chung Đông Bắc đến hợp lưu sông Nậm Thi (Nam Khê) với sông Bá Kết (Bá Cát), rồi ngược sông Bá Kết (Bát Tự), hướng chung là hướng Bắc đến hợp lưu sông này với một nhánh suối không tên, sau đó ngược nhánh suối không tên đó, hướng Bắc đến giới điểm số 7. Giới điểm này ở giữa nhánh suối không tên nói trên, cách điểm có độ cao 614 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,00 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 595 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,20 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 463 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,65 km về phía Đông.
Từ giới điểm số 7, đường biên giới rời suối, hướng Đông Bắc, đến điểm có độ cao 143, sau đó hướng Đông Bắc, cắt qua một khe rồi bắt vào sống núi, hướng Bắc, qua các điểm có độ cao 604, 710, 573, 620, 833, 939, 1201 đến điểm có độ cao 918, rồi theo đường phân thủy giữa các nhánh sông trong lãnh thổ Việt Nam và các nhánh sông trong lãnh thổ Trung Quốc, hướng chung Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 1158, 1077, 997, 1407, 1399, 1370, 1344, 1281, 1371, 1423, 1599, 1528, 1552, 1372, 1523, 1303 đến điểm có độ cao 984, sau đó theo sống núi nhỏ, hướng chung là hướng Nam đến giới điểm số 8. Giới điểm này ở hợp lưu sông Xanh (Qua Sách) với một nhánh phía Tây của nó, cách điểm có độ cao 1521 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 3,85 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 1346 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 3,82 km về phía Nam – Tây Nam, cách điểm có độ cao 1596 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,27 km về phía Tây – Tây Bắc.
Từ giới điểm số 8, đường biên giới xuôi sông Xanh (Qua Sách), hướng chung là hướng Nam đến hợp lưu sông này với sông Chảy, rồi ngược sông Chảy, hướng chung Đông Nam, đến giới điểm số 9. Giới điểm này ở hợp lưu sông Chảy với sông Xiao Bai, cách điểm có độ cao 1424 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,95 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 1031 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,00 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 1076 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,40 km về phía Nam.
Từ giới điểm số 9, đường biên giới rời sông, bắt vào sống núi, rồi theo sống núi, hướng chung Đông Nam, qua điểm có độ cao 741 đến điểm có độ cao 1326, sau đó theo đường phân thủy giữa các nhánh của sông Chảy đổ vào lãnh thổ Việt Nam và các nhánh của sông Xiao Bai đổ vào lãnh thổ Trung Quốc, hướng chung Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 1681, 1541, 1716, 2002, 1964, đỉnh núi không tên (Đại Nham Động) đến điểm có độ cao 1804, từ đó, theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đến điểm có độ cao 1623, sau đó theo đường phân thủy giữa suối Nàn Xỉn trong lãnh thổ Việt Nam và sông Xiao Bai trong lãnh thổ Trung Quốc, hướng Đông Bắc, qua điểm có độ cao 1638 đến điểm có độ cao 1661, rồi theo khe, hướng Đông Bắc xuống giữa suối Hồ Pả, tiếp đó xuôi suối này đến hợp lưu suối này với một nhánh khác của nó, rồi rời suối bắt vào sống núi, rồi theo sống núi hướng Tây – Tây Bắc, qua điểm có độ cao 1259 đến giới điểm số 10. Giới điểm này ở một sống núi, cách điểm có độ cao 1461 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,25 km về phía Bắc – Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1692 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,90 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 1393 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,10 km về phía Nam.
Từ giới điểm số 10, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đến điểm có độ cao 948, sau đó theo sống núi, hướng Đông Bắc chuyển Đông, qua điểm có độ cao 1060 đến giới điểm số 11. Giới điểm này ở hợp lưu suối Đỏ (Nam Bắc) với một nhánh suối phía Tây Nam của nó (Qua Giai), cách điểm có độ cao 841 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,70 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 982 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,50 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 906 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,15 km về phía Nam – Tây Nam.
Từ giới điểm số 11, đường biên giới xuôi suối Đỏ (Nam Bắc) đến hợp lưu suối này với suối Nậm Cư (Nam Giang) , sau đó ngược suối Nậm Cư (Nam Giang) đến giới điểm số 12. Giới điểm này ở hợp lưu suối Nậm Cư (Nam Giang) với một nhánh phía Tây Bắc của nó, cách điểm có độ cao 1151 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,80 km về phía Bắc – Tây Bắc, cách điểm có độ cao 986 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,40 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 858 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,80 km về phía Tây.
Từ giới điểm số 12, đường biên giới rời suối, bắt vào sống núi, rồi theo sống núi, hướng chung Đông Nam, qua điểm có độ cao 1071 đến điểm có độ cao 1732, sau đó theo đường phân thủy giữa các nhánh sông trong lãnh thổ Việt Nam và các nhánh sông trong lãnh thổ Trung Quốc, hướng chung là hướng Đông chuyển Bắc rồi Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 1729, 2071, 1655, 1705, 1423 đến giới điểm số 13. Giới điểm này ở một chỏm núi không tên, cách điểm có độ cao 993 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,55 km về phía Tây – Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1044 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,15 km về phía Bắc – Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1060 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,70 km về phía Đông Nam.
Từ giới điểm số 13, đường biên giới tiếp tục theo đường phân thủy nói trên, hướng Đông đến điểm cách điểm có độ cao 1422 khoảng 70 m về phía Tây Nam, sau đó theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đi đến một điểm nằm trên đường phân thủy và cách điểm có độ cao 1422 khoảng 90 m về phía Bắc – Đông Bắc khu vực có diện tích 7700 m2 giữa đường đỏ nêu trên và đường phân thủy thuộc Trung Quốc), từ đây đường biên giới tiếp tục theo đường phân thủy nói trên, hướng chung là hướng Đông, qua các điểm có độ cao 1397, 1219, 657, 663 đến một chỏm núi không tên phía Đông Nam điểm có độ cao này, sau đó theo khe, hướng Bắc đến suối Nà La, rồi xuôi theo suối này hướng Đông Bắc đến giới điểm số 14. Giới điểm này ở hợp lưu suối Nà La với sông Lô (Pan Long), cách điểm có độ cao 922 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 3,20 km về phía Tây – Tây Bắc, cách điểm có độ cao 183 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,50 km về phía Bắc – Đông Bắc, cách điểm có độ cao 187 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,65 km về phía Đông.
Từ giới điểm số 14, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước qua điểm có độ cao 428 đến yên ngựa giữa điểm có độ cao 1169 trong lãnh thổ Việt Nam và điểm có độ cao 1175 trong lãnh thổ Trung Quốc, sau đó theo sống núi, hướng chung là hướng Bắc chuyển Tây Bắc, qua các điểm có độ cao 1095, 1115, 1022, 1019, 1094, 1182, 1192, 1307, 1305, 1379 đến điểm có độ cao 1397, rồi tiếp tục theo sống núi, hướng chung là hướng Bắc, qua các điểm có độ cao 1497, 1806, 1825, 1952, 1967, 2122, 2038 đến giới điểm số 15. Giới điểm này ở một chỏm núi không tên, cách điểm có độ cao 1558 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,90 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 2209 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,55 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 2289 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,70 km về phía Nam – Tây Nam.
Từ giới điểm số 15, đường biên giới theo sống núi, hướng chung là hướng Đông, qua điểm có độ cao 2076, sau khi cắt qua một con suối đến một chỏm núi không tên, sau đó theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, qua các điểm có độ cao 1887, 1672 đến điểm có độ cao 1450, rồi theo sống núi, hướng chung là hướng Nam chuyển Đông rồi hướng Bắc chuyển Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 1438, 1334, 716, 1077 đến giới điểm số 16. Giới điểm này ở điểm có độ cao 1592, cách điểm có độ cao 1079 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,40 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 1026 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 3,25 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 1521 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,05 km về phía Tây – Tây Bắc.
Từ giới điểm số 16, đường biên giới theo sống núi, hướng chung Đông Nam chuyển Bắc, qua các điểm có độ cao 1578, 1503, 1493, 1359, 1342, 1296 đến điểm có độ cao 606, rồi theo sống núi nhỏ, hướng Bắc – Tây Bắc chuyển Đông Bắc đến giới điểm số 17. Giới điểm này ở giữa sông Miện (Babu), cách điểm có độ cao 654 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 3,30 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1383 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 4,10 km về phía Bắc – Tây Bắc, cách điểm có độ cao 882 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,70 km về phía Nam – Đông Nam.
Từ giới điểm số 17, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, hướng chung Đông – Đông Bắc, đến điểm có độ cao 799, sau đó theo sống núi, hướng chung Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 998, 1096, 1029, 1092, 1251 đến điểm có độ cao 1132, rồi theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đến điểm có độ cao 1628, sau đó theo sống núi, hướng chung Đông Nam chuyển Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 1647, 1596, 1687, 1799, 1761, 1796 đến giới điểm số 18. Giới điểm này ở điểm có độ cao 1568, cách điểm có độ cao 1677 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,90 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 1701 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,70 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 1666 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,55 km về phía Tây Nam.
Từ giới điểm số 18, đường biên giới theo sống núi, hướng chung Đông – Đông Nam chuyển Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 1771, 1756, 1707, 1500, 1683, 1771, 1651, 1545, 1928, 1718 đến điểm có độ cao 1576, sau đó theo hướng Tây Bắc vượt qua hai khe, qua điểm có độ cao 1397, rồi bắt vào sống núi, sau đó tiếp tục theo sống núi, hướng Tây Bắc chuyển Đông Bắc, qua điểm có độ cao 1748 đến điểm có độ cao 1743, sau đó tiếp tục theo sống núi, hướng Đông chuyển Bắc – Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 1806, 1650, 1468, 1516, 1344, 1408 đến một chỏm núi không tên phía Tây Bắc của điểm có độ cao này, rồi theo sống núi, hướng Đông Bắc đến giới điểm số 19. Giới điểm này ở giữa sông Nho Quế (Pu Mei), cách điểm có độ cao 1477 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,60 km về phía Tây – Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1464 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,30 km về phía Đông – Đông Bắc, cách điểm có độ cao 1337 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,20 km về phía Nam.
Từ giới điểm số 19, đường biên giới xuôi sông Nho Quế (Pu Mei), hướng chung Đông Bắc chuyển Đông Nam đến giới điểm số 20. Giới điểm này ở giữa sông Nho Quế (Pu Mei), cách điểm có độ cao 1062 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,80 km về phía Đông – Đông Bắc, cách điểm có độ cao 1080 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 5,20 km về phía Bắc – Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1443 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,85 km về phía Nam.
Từ giới điểm số 20, đường biên giới rời sông bắt vào sống núi nhỏ, hướng Đông Bắc đến điểm có độ cao 801, sau đó theo đường thẳng, hướng Đông Nam khoảng 2400 in đến điểm có độ cao 1048, theo hướng Đông Nam cắt khe bắt vào sống núi, rồi theo sống núi, hướng chung Đông Nam chuyển Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 1122, 1170, 1175 đến điểm có độ cao 1641, sau đó theo sống núi, hướng Tây Bắc, cắt khe, rồi bắt vào sống núi hướng Bắc – Đông Bắc qua các điểm có độ cao 1651, 1538 đến giới điểm số 21. Giới điểm này ở điểm có độ cao 1697, cách điểm có độ cao 1642 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,85 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 1660 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,80 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 1650 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,40 km về phía Nam – Tây Nam.
Từ giới điểm số 21, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, hướng chung Đông Nam đến điểm có độ cao 1591, sau đó theo sống núi hướng Nam – Đông Nam qua các điểm có độ cao 1726, 1681, 1699 đến điểm có độ cao 1694, tiếp đó theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, hướng Đông Nam, qua các điểm có độ cao 1514, 1486 đến điểm có độ cao 1502, rồi theo sống núi, hướng Nam chuyển Đông Nam qua các điểm có độ cao 1420, 1373, 1365 đến một chỏm núi không tên phía Bắc – Tây Bắc điểm có độ cao 1383 trong lãnh thổ Việt Nam, từ đó đường biên giới theo đường thẳng hướng Đông – Đông Bắc đến một chỏm núi nhỏ, sau đó lại theo đường thẳng tiếp tục theo hướng này đến giới điểm số 22. Giới điểm này ở giữa con sông không tên (Yan Dong), cách điểm có độ cao 1255 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,45 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 1336 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,30 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 956 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,22 km về phía Tây – Tây Nam.
Từ giới điểm số 22, đường biên giới xuôi theo sông không tên nói trên (Yan Dong), hướng Đông Bắc, sau đó rời sông, qua điểm có độ cao 888, bắt vào sống núi, hướng chung Đông Nam chuyển Nam – Tây Nam, qua điểm có độ cao 1091, một chỏm núi không tên phía Đông điểm có độ cao 1280 trong lãnh thổ Việt Nam, các điểm có độ cao 1288, 1282, 1320, 1212, 1218, 1098, 1408 đến điểm có độ cao 1403, rồi theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, hướng chung là hướng Nam chuyển Đông Nam, qua các điểm có độ cao 1423, 1378 đến điểm có độ cao 451, sau đó theo sống núi, hướng Đông đến giới điểm số 23. Giới điểm này ở giữa suối Cốc Pàng, cách điểm có độ cao 962 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 3,10 km về phía Tây – Tây Bắc, cách điểm có độ cao 680 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,55 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 723 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,60 km về phía Tây Nam.
Từ giới điểm số 23, đường biên giới rời suối theo khe hướng Đông, rồi theo con đường mé Nam sống núi hoặc trên sống núi, hướng chung là hướng Đông, qua các điểm có độ cao 914, 962, 901 đến điểm có độ cao 982, sau đó ngược sườn núi hướng Đông Bắc bắt vào sống núi, rồi theo sống núi, hướng chung là hướng Đông, qua các điểm có độ cao 819, 877 đến giới điểm số 24. Giới điểm này nằm ở một chỏm núi không tên, cách điểm có độ cao 783 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,53 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 1418 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,15 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 779 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,00 km về phía Đông Nam.
Từ giới điểm số 24, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, hướng Bắc – Tây Bắc chuyển Đông Nam, qua các điểm có độ cao 1212, 1506, 1489, 1461 đến điểm có độ cao 921, sau đó theo hướng Đông – Đông Nam cắt suối Khui Giồng, rồi bắt vào sống núi, sau đó theo sống núi hướng chung Đông Nam, qua các điểm có độ cao 1265, 1191, 1301 đến giới điểm số 25. Giới điểm này ở giữa sông Gậm (Bai Nan), cách điểm có độ cao 798 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,70 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 755 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,65 km về phía Tây – Tây Bắc, cách điểm có độ cao 936 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,45 km về phía Nam.
Từ giới điểm số 25, đường biên giới rời sông bắt vào sống núi nhỏ, hướng Đông Nam đến điểm có độ cao 908, rồi theo sống núi, hướng chung Đông Nam, qua điểm có độ cao 1196, chỏm núi không tên ở phía Bắc – Tây Bắc điểm có độ cao 1377 trong lãnh thổ Việt Nam, các điểm có độ cao 1254, 1297, 1274, 1262, 994, 1149, chỏm núi không tên ở phía Đông điểm có độ cao 1302 trong lãnh thổ Việt Nam, các điểm có độ cao 1013, 1165, 829 đến giới điểm số 26. Giới điểm này ở điểm có độ cao 1028, cách điểm có độ cao 1272 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,50 km về phía Đông – Đông Bắc, cách điểm có độ cao 1117 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,65 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 893 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,35 km về phía Tây – Tây Bắc.
Từ giới điểm số 26, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, hướng Đông Nam đến điểm có độ cao 662, rồi theo đường thẳng hướng Đông khoảng 500m đến một chỏm núi không tên, sau đó theo sống núi, hướng chung là hướng Bắc chuyển Đông – Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 934, 951 đến điểm có độ cao 834, tiếp đó theo khe hướng Đông – Đông Bắc, cắt suối Na Thin, rồi theo sống núi qua điểm có độ cao 824 đến điểm có độ cao 1049, sau đó theo sống núi và khe, hướng Đông Nam, cắt một sống núi nhỏ, rồi xuôi theo khe hướng Đông đến giới điểm số 27. Giới điểm này ở giữa suối Nà Rì, cách điểm có độ cao 772 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,05 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 1334 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,65 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 848 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,10 km về phía Đông Nam.
Từ giới điểm số 27, đường biên giới rời suối, ngược khe lên sống núi, hướng Đông – Đông Bắc đến điểm có độ cao 706, sau đó theo sống núi, hướng Bắc chuyển Đông – Đông Nam, qua các điểm có độ cao 807, 591, 513, 381 đến điểm có độ cao 371, sau đó theo sống núi, hướng Đông đến giữa suối Pai Ngăm (Ping Mèng), rồi ngược suối này về hướng Bắc khoảng 200 m, rời suối theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, qua các điểm có độ cao 591, 722, 818, 706, 890 đến giới điểm số 28. Giới điểm này ở điểm có độ cao 917, cách điểm có độ cao 668 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,55 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 943 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,75 km về phía Nam – Đông Nam, cách điểm có độ cao 955 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,90 km về phía Đông – Đông Bắc.
Từ giới điểm số 28, đường biên giới theo sống núi, hướng chung là hướng Đông, qua các điểm có độ cao 790, 803, 601, 524, 934, chỏm núi không tên ở phía Nam điểm có độ cao 1025 trong lãnh thổ Trung Quốc, các điểm có độ cao 871, 964, chỏm núi không tên phía Nam điểm có độ cao 855 trong lãnh thổ Trung Quốc, các điểm có độ cao 978, 949 đến điểm có độ cao 829, sau đó theo sườn núi, hướng Đông đến giới điểm số 29. Giới điểm này ở điểm có độ cao 890, cách điểm có độ cao 1007 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,50 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 1060 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,05 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 1047 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,45 km về phía Tây Nam.
Từ giới điểm số 29, đường biên giới theo sườn núi phía Nam điểm có độ cao 1073 trong lãnh thổ Trung Quốc, hướng Đông đến điểm có độ cao 1077, rồi theo sống núi, hướng chung là hướng Đông chuyển Đông Nam, qua các điểm có độ cao 1104, 1115, 1073, 942, 832, 1068, 1066, 1066, 1030, 1028, 982, 1021, 826, 911 đến giới điểm số 30. Giới điểm này ở một con đường nhỏ, cách điểm có độ cao 770 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,40 km về phía Tây, cách điểm có độ cao 764 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,75 km về phía Bắc – Tây Bắc, cách điểm có độ cao 888 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,80 km về phía Nam.
Từ giới điểm số 30, đường biên giới theo sống núi, hướng chung Đông Bắc, cắt qua một suối không tên đến điểm có độ cao 715, rồi theo mé Nam và mé Đông một con đường của Trung Quốc, hướng Đông chuyển Bắc – Đông Bắc, cắt qua một con đường từ Việt Nam sang Trung Quốc, rồi theo dốc núi mé Tây Nam điểm có độ cao 903 trong lãnh thổ Trung Quốc bắt vào sống núi, hướng Đông Nam đến giới điểm số 31. Giới điểm này ở điểm có độ cao 670, cách điểm có độ cao 770 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,90 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 823 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,60 km về phía Bắc – Tây Bắc, cách điểm có độ cao 976 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,80 km về phía Tây Nam.
Từ giới điểm số 31, đường biên giới đi theo sống núi, hướng chung Đông Nam qua điểm có độ cao 955 đến điểm có độ cao 710, sau đó theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, qua điểm có độ cao 940 đến điểm có độ cao 780, rồi theo sống núi, hướng Đông Bắc, qua điểm có độ cao 780 đến điểm có độ cao 625, sau đó tiếp tục theo sống núi, hướng Đông đến giới điểm số 32. Giới điểm này ở giữa sông Bắc Vọng (Ba Bang), cách điểm có độ cao 792 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,35 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 808 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,85 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 822 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,05 km về phía Nam – Tây Nam.
Từ giới điểm số 32, đường biên giới rời sông bắt vào sống núi, hướng chung là hướng Đông chuyển Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 890, 667, 906, 691, 854, 884, 701, 884, 783, 619, 856, 591, 907, 651, 580, 785, 925, 950 đến giới điểm số 33. Giới điểm này ở giữa sông Quây Sơn (Nan Tan), cách điểm có độ cao 922 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,65 km về phía Bắc – Đông Bắc, cách điểm có độ cao 685 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,10 km về phía Tây Nam, cách điểm có độ cao 965 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,30 km về phía Đông – Đông Nam.
Từ giới điểm số 33, đường biên giới rời sông bắt vào sống núi, hướng Đông Bắc, qua điểm có độ cao 612 đến điểm có độ cao 624, sau đó tiếp tục theo sống núi, hướng chung Đông Nam, qua các điểm có độ cao 521, 725, 845, 825, 755, 726, 516, 735, 902, 764, 573, 693, 627 đến giới điểm số 34. Giới điểm này ở điểm có độ cao 505, cách điểm có độ cao 791 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,60 km về phía Bắc – Đông Bắc, cách điểm có độ cao 632 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,80 km về phía Đông – Đông Bắc, cách điểm có độ cao 655 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,65 km về phía Nam – Tây Nam.
Từ giới điểm số 34, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước qua điểm có độ cao 878 đến điểm có độ cao 850, sau đó theo sống núi hướng chung là Đông Nam chuyển Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 837, 758, 712, 492, 695, 449 đến điểm có độ cao 624, rồi tiếp tục theo sống núi, hướng chung Đông – Đông Nam chuyển Tây Nam, qua các điểm có độ cao 731, 737, 805, 866, 752, 605, 815 đến giới điểm số 35. Giới điểm này ở cách điểm có độ cao 709 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,90 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 782 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,10 km về phía Nam, cách điểm có độ cao 794 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,45 km về phía Tây.
Từ giới điểm số 35, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đến giữa sông Quây Sơn, sau đó xuôi sông này, hướng chung Đông Nam đến giới điểm số 36. Giới điểm này ở giữa sông Quây Sơn, cách điểm có độ cao 660 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,20 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 589 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,05 km về phía Tây, cách điểm có độ cao 613 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,50 km về phía Tây Nam.
Từ giới điểm số 36, đường biên giới rời sông theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước qua các điểm có độ cao 597, 653, 560, 367, 629, 717, 685, 746 đến giới điểm số 37. Giới điểm này ở điểm có độ cao 620, cách điểm có độ cao 665 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,80 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 640 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,50 km về phía Tây – Tây Bắc, cách điểm có độ cao 592 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,90 km về phía Tây Nam.
Từ giới điểm số 37, đường biên giới theo sống núi, hướng Đông Nam chuyển Tây – Tây Nam, qua điểm có độ cao 336 đến một chỏm núi không tên, sau đó theo sống núi, hướng Đông Nam đến một yên ngựa, rồi theo khe, hướng Tây Nam đến đầu một con suối không tên, sau đó xuôi theo suối đó, hướng Tây Nam, rồi rời suối, theo hướng Tây Nam qua điểm có độ cao 348 đến một yên ngựa, tiếp đó theo hướng Tây qua một lũng nhỏ đến giới điểm số 88. Giới điểm này cách điểm có độ cao 723 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,95 km về phía Đông – Đông Nam, cách điểm có độ cao 685 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,35 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 630 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,00 km về phía Tây.
Từ giới điểm số 38, đường biên giới theo sống núi, hướng chung Đông Nam chuyển Tây Nam, qua các điểm có độ cao 635, 656, cắt suối Luộc, qua điểm có độ cao 627 đến chỏm núi không tên ở phía Tây Bắc điểm có độ cao 723 trong lãnh thổ Trung Quốc, sau đó hướng Nam – Đông Nam, qua điểm có độ cao 412 bắt vào sống núi, hướng chung là hướng Nam, qua các điểm có độ cao 727, 745, 664, 487, 615, 473, 586 đến giới điểm số 39. Giới điểm này ở giữa đường mòn, cách điểm có độ cao 682 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,20 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 660 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,10 km về phía Tây Nam, cách điểm có độ cao 612 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,30 km về phía Tây – Tây Bắc.
Từ giới điểm số 39, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước qua điểm có độ cao 303 đến điểm có độ cao 558, sau đó theo sống núi, hướng chung là Tây Nam, qua các điểm có độ cao 591, 521 đến giữa một con suối không tên, rồi xuôi theo suối này, hướng Tây Nam đến hợp lưu của nó với một con suối khác, tiếp đó rời suối bắt vào sống núi, hướng chung Tây Bắc chuyển Tây Nam, qua các điểm có độ cao 602, 657, 698, 565 đến giới điểm số 40. Giới điểm này ở giữa sông Bắc Vọng (Ba Wang), cách điểm có độ cao 689 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 3,05 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 529 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,06 km về phía Đông – Đông Nam, cách điểm có độ cao 512 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,95 km về phía Tây Bắc.
Từ giới điểm số 40, đường biên giới xuôi sông Bắc Vọng (Ba Wang), hướng chung là hướng Nam đến hợp lưu của nó với sông Bằng Giang, sau đó ngược sông Bằng Giang, hướng chung Tây Bắc đến giới điểm số 41. Giới điểm này ở giữa sông Bằng Giang, cách điểm có độ cao 345 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,45 km về phía Đông – Đông Nam, cách điểm có độ cao 202 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,05 km về phía Nam – Tây Nam, cách điểm có độ cao 469 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,35 km về phía Bắc – Đông Bắc.
Từ giới điểm số 41, đường biên giới rời sông, hướng Tây đến điểm có độ cao 153, sau đó theo sống núi, hướng Tây Nam chuyển Nam, qua các điểm có độ cao 332, 463, 404, 544, 303 đến điểm có độ cao 501, rồi tiếp tục theo sống núi, hướng Đông chuyển Nam, qua các điểm có độ cao 255, 259, đến điểm có độ cao 472, sau đó tiếp tục theo sống núi, hướng Đông Nam chuyển Tây Nam, qua các điểm có độ cao 600, 552, 550, 530, 323, 514 đến một chỏm núi không tên ở phía Đông Nam điểm có độ cao 597 trong lãnh thổ Việt Nam, lại theo sống núi hướng Tây Nam, cắt khe, rồi theo sườn núi mé Đông Nam điểm có độ cao 658 trong lãnh thổ Việt Nam, hướng chung là hướng Tây đến điểm có độ cao 628, từ đây đường biên giới theo sống núi hướng Nam, qua các điểm có độ cao 613, 559 đến một điểm ở sống núi, sau đó theo đường thẳng, hướng Đông Nam đến giới điểm số 42. Giới điểm này ở điểm có độ cao 417, cách điểm có độ cao 586 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,70 km về phía Bắc – Tây Bắc, cách điểm có độ cao 494 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,10 km về phía Bắc – Đông Bắc, cách điểm có độ cao 556 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,85 km về phía Nam – Tây Nam.
Từ giới điểm số 42, đường biên giới theo hướng Đông Bắc đến một chỏm núi không tên, sau đó theo đường thẳng hướng Đông đến một chỏm núi không tên khác, từ đó đường biên giới theo sống núi, hướng chung là hướng Đông, qua các điểm có độ cao 567, 506, 517, 534, 563 đến điểm có độ cao 542, rồi theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đến điểm có độ cao 570, sau đó lại theo sống núi, hướng Đông Nam chuyển Nam, qua điểm có độ cao 704 đến giới điểm số 43. Giới điểm này ở giữa một con suối không tên, cách điểm có độ cao 565 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,80 km về phía Đông – Đông Nam, cách điểm có độ cao 583 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,10 km về phía Nam, cách điểm có độ cao 561 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,87 km về phía Tây – Tây Nam.
Từ giới điểm số 43, đường biên giới xuôi theo suối không tên về hướng Đông Nam khoảng 500 mét, sau đó rời suối này theo hướng Đông, cắt qua một sống núi nhỏ đến khe, chuyển hướng Nam – Đông Nam xuống giữa con suối nói trên, tiếp đó xuôi theo suối này, hướng Nam, đến hợp lưu của suối này với một nhánh suối khác, sau đó theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước qua các điểm có độ cao 632, 637 đến giới điểm số 44. Giới điểm này ở giữa đường phòng hỏa, cách điểm có độ cao 666 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,50 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 943 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,56 km về phía Tây Nam, cách điểm có độ cao 710 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,30 km về phía Tây.
Từ giới điểm số 44, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước (trong đó đoạn nào theo đường phòng hỏa thì theo trung tuyến của đường phòng hỏa) qua các điểm có độ cao 637, 383 đến điểm có độ cao 324, sau đó theo sống núi nhỏ, hướng Nam – Tây Nam đến giữa nhánh phía Tây suôn Khuổi Lạn, sau đó xuôi theo suối này, hướng Nam đến giới điểm số 45. Giới điểm này ở giữa suối Khuổi Lạn, cách điểm có độ cao 293 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,90 km về phía Đông – Đông Bắc, cách điểm có độ cao 323 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,42 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 322 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,60 km về phía Tây – Tây Nam.
Từ giới điểm số 45, đường biên giới rời suối bắt vào sống núi nhỏ, hướng Đông – Đông Nam đến điểm có độ cao 245, sau đó theo đường thẳng, hướng Nam, đến giữa sông Kỳ Cùng (Bình Nhi), tiếp đó ngược sông Kỳ Cùng (Bình Nhi), hướng chung Tây Nam đến giới điểm số 46. Giới điểm này ở giữa sông Kỳ Cùng bình Nhi), cách điểm có độ cao 185 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,55 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 293 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,22 km về phía Nam – Tây Nam, cách điểm có độ cao 270 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,45 km về phía Tây – Tây Bắc.
Từ giới điểm số 46, đường biên giới rời sông, hướng Nam, bắt vào sống núi đến điểm có độ cao 269, sau đó theo sống núi, hướng Tây Nam chuyển Đông Nam, tiếp đó theo hướng Nam, qua các điểm có độ cao 303, 304, 321, 284 đến giới điểm số 47. Giới điểm này ở ngã ba suối, cách điểm có độ cao 329 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,85 km về phía Nam – Đông Nam, cách điểm có độ cao 313 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,65 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 251 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,20 km về phía Tây.
Từ giới điểm số 47, đường biên giới rời suôn bắt vào sống núi nhỏ, hướng Đông Nam, qua mé Tây Nam điểm có độ cao 255 trong lãnh thổ Trung Quốc, bắt vào sống núi, rồi theo sống núi, hướng chung là hướng Nam qua các điểm có độ cao 281, 357 đến điểm có độ cao 344, sau khi cắt một suối không tên, ngược dốc bắt vào sống núi, rồi theo sống núi qua điểm có độ cao 428 đến điểm có độ cao 409, sau đó theo đường thẳng, hướng Nam đến điểm có độ cao 613, rồi theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đến giới điểm số 48. Giới điểm này ở điểm có độ cao 718, cách điểm có độ cao 658 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,44 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 832 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,50 km về phía Tây Nam, cách điểm có độ cao 836 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,65 km về phía Tây.
Từ giới điểm số 48, đường biên giới theo sống núi, hướng Đông Nam đến điểm có độ cao 852, sau đó theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đến điểm có độ cao 695, rồi lại theo sống núi, hướng Tây Nam chuyển Nam, qua các điểm có độ cao 702, 411, cắt một con đường, qua điểm có độ cao 581 đến giới điểm số 49. Giới điểm này ở điểm có độ cao 549, cách điểm có độ cao 436 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,10 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 511 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,45 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 557 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,40 km về phía Tây Nam.
Từ giới điểm số 49, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, hướng chung là Nam – Đông Nam rồi chuyển Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 359, 364, 406 đến giới điểm số 50. Giới điểm này ở điểm có độ cao 610, cách điểm có độ cao 618 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,30 km về phía Tây – Tây Nam, cách điểm có độ cao 395 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,90 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 730 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,80 km về phía Nam.
Từ giới điểm số 50, đường biên giới theo sống núi, hướng Bắc – Đông Bắc đến một chỏm núi không tên ở phía Tây điểm có độ cao 634 trong lãnh thổ Việt Nam, sau đó theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước qua điểm có độ cao 758 đến điểm có độ cao 742, rồi theo sống núi, hướng chung Đông – Đông Nam qua các điểm có độ cao 540, 497, 381 đến giới điểm số 51. Giới điểm này ở giữa suối Khuổi Đẩy, cách điểm có độ cao 388 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,60 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 411 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,60 km về phía Tây Nam, cách điểm có độ cao 386 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,75 km về phía Nam – Đông Nam.
Từ giới điểm số 51, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước qua các điểm có độ cao 451, 427 đến điểm có độ cao 475, sau đó theo sống núi, hướng chung là hướng Đông, qua các điểm có độ cao 499, 506, 511, 475, 477, 483, 486 đến điểm có độ cao 438, rồi theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đến giới điểm số 52. Giới điểm này ở điểm có độ cao 392, cách điểm có độ cao 389 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,10 km về phía Bắc – Tây Bắc, cách điểm có độ cao 356 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,65 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 408 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,70 km về phía Nam – Tây Nam.
Từ giới điểm số 52, đường biên giới theo sống núi, hướng chung là hướng Đông chuyển Đông Nam rồi Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 396, 402, 351, 361, 494, 476, 387, 432, 444, 389, 488, 480, 347 đến giới điểm số 53. Giới điểm này ở điểm có độ cao 248, cách điểm có độ cao 813 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,00 km về phía Bắc – Tây Bắc, cách điểm có độ cao 331 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,75 km về phía Nam – Tây Nam, cách điểm có độ cao 328 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,05 km về phía Đông – Đông Nam.
Từ giới điểm số 53, đường biên giới theo sống núi, hướng chung Đông Nam chuyển Tây Nam, qua các điểm có độ cao 401, 398, 409, 498, 509, 425, 456, 404, 475, 502, 721, 704, 939, 1282 đến điểm có độ cao 1358, sau đó tiếp tục theo sống núi, hướng Nam chuyển Đông Nam, qua các điểm có độ cao 851, 542 đến giới điểm số 54. Giới điểm này cách điểm có độ cao 632 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,70 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 473 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,40 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 545 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,50 km về phía Nam.
Từ giới điểm số 54, đường biên giới theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước, hướng chung Đông – Đông Nam, qua các điểm có độ cao 370, 344, 366, 337 đến điểm có độ cao 435, sau đó theo sống núi, hướng chung Đông Nam, qua các điểm có độ cao 401, 440, 351, 438, 470, 612, 640, 651, 534, 525 đến giới điểm số 55. Giới điểm này ở điểm có độ cao 523, cách điểm có độ cao 551 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,80 km về phía Đông Nam, cách điểm có độ cao 480 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,95 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 528 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,14 km về phía Tây.
Từ giới điểm số 55, đường biên giới theo sống núi, hướng Đông – Đông Nam, qua các điểm có độ cao 506, 577, 670 đến điểm có độ cao 788, từ đó theo đường phân thủy giữa các nhánh sông trong lãnh thổ Việt Nam và các nhánh sông trong lãnh thổ Trung Quốc, hướng chung Đông Bắc chuyển Đông Nam, qua các điểm có độ cao 870, 825, 894, 855, 736, 706, 1029 đến giới điểm số 56. Giới điểm này ở điểm có độ cao 705, cách điểm có độ cao 863 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,80 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 861 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 1,00 km về phía Bắc – Đông Bắc, cách điểm có độ cao 913 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,20 km về phía Tây – Tây Nam.
Từ giới điểm số 56, đường biên giới theo đường phân thủy giữa các nhánh sông trong lãnh thổ Việt Nam và các nhánh sông trong lãnh thổ Trung Quốc, hướng chung Đông Bắc, qua các điểm có độ cao 652, 975, 875, 835, 1150, 1082 đến giới điểm số 57. Giới điểm này ở điểm có độ cao 882, cách điểm có độ cao 638 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 3,55 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 1265 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,95 km về phía Nam – Tây Nam, cách điểm có độ cao 1025 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,20 km về phía Tây – Tây Nam.
Từ giới điểm số 57, đường biên giới theo sống núi, hướng Tây Nam đến điểm tiếp nối với một khe, rồi theo khe, hướng Nam – Đông Nam, đến giữa suối Tài Vằn, sau đó xuôi suối này và hạ lưu của nó là suối Nà Sa đến giới điểm số 58. Giới điểm này ở hợp lưu suối Nà Sa với một nhánh sông nằm ở phía Đông, cách điểm có độ cao 423 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,95 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 447 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,75 km về phía Nam, cách điểm có độ cao 320 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,45 km về phía Tây.
Từ giới điểm số 58, đường biên giới ngược nhánh sông phía Đông nói trên đến ngã ba sông Đồng Mô, rồi ngược sông Đồng Mô, Bỉ Lao, Cao Lạn đến giới điểm số 59. Giới điểm này ở hợp lưu hai con suối Cao Lạn và Phai Lầu, cách điểm có độ cao 1052 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,10 km về phía Bắc, cách điểm có độ cao 600 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,57 km về phía Đông, cách điểm có độ cao 602 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,00 km về phía Tây.
Từ giới điểm số 59, đường biên giới ngược suối Cao Lạn hướng Đông Nam, sau đó rời suối đi theo đường thẳng hướng Đông – Đông Nam đến một chỏm núi không tên phía Bắc điểm có độ cao 960 trong lãnh thổ Việt Nam, rồi theo đường đỏ trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đến giới điểm số 60. Giới điểm này ở điểm có độ cao 1100, cách điểm có độ cao 1156 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,10 km về phía Bắc – Tây Bắc, cách điểm có độ cao 683 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 2,65 km về phía Tây Nam, cách điểm có độ cao 1094 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 0,95 km về phía Nam – Tây Nam.
Từ giới điểm số 60, đường biên giới theo sống núi nhỏ hướng Đông Bắc, xuống khe, rồi theo khe hướng chung là hướng Đông Bắc chuyển Đông – Đông Nam, đến một nhánh thượng lưu sông Ka Long, sau đó xuôi theo sông này, hướng Đông – Đông Bắc, đến giới điểm số 61. Giới điểm này ở hợp lưu sông Ka Long với một sông khác (Bắc Luân), cách điểm có độ cao 561 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 2,20 km về phía Đông Bắc, cách điểm có độ cao 117 trong lãnh thổ Việt Nam khoảng 0,95 km về phía Tây Bắc, cách điểm có độ cao 224 trong lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1,60 km về phía Nam – Tây Nam.
Từ giới điểm số 61, đường biên giới xuôi theo trung tuyến luồng chính tầu thuyền đi lại của sông Ka Long, Bắc Luân, đến điểm cuối của nó, bắt vào giới điểm số 62. Giới điểm này là điểm tiếp nối đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Các cồn, bãi nằm hai bên đường đỏ của các đoạn biên giới theo sông suối trên bản đồ đính kèm Hiệp ước đã được quy thuộc theo đường đỏ.
Đường biên giới trên đất liền giữa hai nước mô tả ở điều này được vẽ bằng đường đỏ trên bản đồ tỷ lệ 1/50.000 do hai bên cùng xác định, độ dài và diện tích dùng trong mô tả đường biên giới được đo từ bản đồ này. Bộ bản đồ nói trên đính kèm Hiệp ước này là bộ phận cấu thành không thể tách rời của Hiệp ước.

Điều III.

Hai Bên ký kết đồng ý vị trí chính xác điểm gặp nhau của đường biên giới giữa ba nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào sẽ do ba nước thỏa thuận xác định.

Điều IV.

Mặt thẳng đứng đi theo đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc nói tại Điều II của Hiệp ước này phân định vùng trời và lòng đất giữa hai nước.

Điều V.

Hai Bên ký kết đồng ý, trừ khi đã được Hiệp ước này quy định rõ ràng, đường biên giới Việt – Trung nói tại Điều II, đối với những đoạn lấy sông suối làm biên giới thì ở những đoạn sông suối tầu thuyền không đi lại được, đường biên giới đi theo trung tuyến của dòng chảy hoặc của dòng chảy chính; ở những đoạn sông suối tầu thuyền đi lại được, đường biên giới đi theo trung tuyến của luồng chính tầu thuyền đi lại. Vị trí chính xác trung tuyến của dòng chảy, của dòng chảy chính hoặc của trung tuyến luồng chính tầu thuyền đi lại và sự quy thuộc của các cồn, bãi trên sông suối biên giới sẽ được hai Bên ký kết xác định cụ thể khi phân giới, cắm mốc.
Tiêu chuẩn chính để xác định dòng chảy chính là lưu lượng dòng chảy ở mực nước trung bình. Tiêu chuẩn chính để xác định luồng chính tầu thuyền đi lại là độ sâu của luồng tầu thuyền đi lại, kết hợp với chiều rộng và bán kính độ cong của luồng tầu thuyền đi lại để xem xét tổng hợp. Trung tuyến của luồng chính tầu thuyền đi lại là trung tuyến mặt nước giữa hai đường đẳng sâu tương ứng đánh dấu luồng chính tầu thuyền đi lại.
Bất kỳ sự thay đổi nào có thể xảy ra đối với sông suối biên giới đều không làm thay đổi hướng đi của đường biên giới, không ảnh hưởng đến vị trí của đường biên giới Việt – Trung đã được xác định trên thực địa cũng như sự quy thuộc của các cồn, bãi, trừ khi hai Bên ký kết có thỏa thuận khác. Những cồn, bãi mới xuất hiện trên sông suối biên giới sau khi đường biên giới đã được xác định trên thực địa sẽ được phân định theo đường biên giới đã được xác định trên thực địa. Nếu các cồn, bãi mới xuất hiện nằm trên đường biên giới đã được xác định trên thực địa thì hai Bên ký kết sẽ bàn bạc xác định sự quy thuộc trên cơ sở công bằng, hợp lý.

Điều VI.

1. Hai Bên ký kết quyết định thành lập ủy ban Liên hợp phân giới và cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc dưới đây gọi là ủy ban Liên hợp phân giới, cắm mốc) và giao cho ủy ban này nhiệm vụ xác định trên thực địa đường biên giới Việt – Trung như đã nêu trong Điều II của Hiệp ước này và tiến hành công việc phân giới, cắm mốc, cụ thể là xác định vị trí chính xác của đường sống núi, đường phân thủy, trung tuyến của dòng chảy hoặc dòng chảy chính, trung tuyến luồng chính tầu thuyền đi lại và các đoạn đường biên giới khác, xác định rõ sự quy thuộc của các cồn, bãi trên sông suối biên giới, cùng nhau cắm mốc giới, soạn thảo Nghị định thư về biên giới trên đất liền giữa hai nước, gồm cả hồ sơ chi tiết về vị trí các mốc giới, vẽ bản đồ chi tiết đính kèm Nghị định thư thể hiện hướng đi của đường biên giới và vị trí các mốc giới trên toàn tuyến, cũng như giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến việc hoàn thành các nhiệm vụ kể trên.
2. Ngay sau khi có hiệu lực, Nghị định thư về biên giới trên đất liền giữa hai nước nói tại khoản 1 Điều này trở thành một bộ phận của Hiệp ước này và bản đồ chi tiết đính kèm Nghị định thư này thay thế bản đồ đính kèm Hiệp ước này.
3. ủy ban Liên hợp phân giới, cắm mốc bắt đầu công việc ngay sau khi Hiệp ước này có hiệu lực và chấm dứt hoạt động sau khi Nghị định thư và bản đồ chi tiết đính kèm về đường biên giới trên đất liền giữa hai nước được ký kết.

Điều VII.

Sau khi Nghị định thư về biên giới trên đất liền giữa hai nước và bản đồ chi tiết đính kèm có hiệu lực, hai Bên ký kết sẽ ký kết Hiệp ước hoặc Hiệp định về quy chế quản lý biên giới giữa hai nước để thay thế Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký ngày 07 tháng 11 năm 1991.

Điều VIII.

Hiệp ước này được hai Bên ký kết phê chuẩn và có hiệu lực kể từ ngày trao đổi các văn kiện phê chuẩn. Các văn kiện phê chuẩn sớm được trao đổi tại Bắc Kinh.
Hiệp ước này được ký tại Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 1999 thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.
Đại diện toàn quyền
nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Đại diện toàn quyền
nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
Đã ký
Đã ký

Nội dung của Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ (2004)

Ngày 24-6-2004, Chủ tịch nước Việt Nam đã ký Lệnh số 16-2004/L/CTN công bố Nghị quyết về việc phê chuẩn “Hiệp định giữa nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa về phần định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ", đã được Quốc hội nước CNXHCN Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15-6-2004.

Ngày 30-6-2004 tại Hà Nội đã diễn ra lễ trao đổi văn kiện thư phê chuẩn Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa hai nước.
Dưới đây là toàn văn Hiệp định:
Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (dưới đây gọi là "hai Bên ký kết");
Nhằm củng cố và phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc, giữ gìn và thúc ấy sự ổn định và phát triển của Vịnh Bắc Bộ; Trên cơ sở các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình;
Trên tinh thần thông cảm, nhân nhượng lẫn nhau, hiệp thương hữu nghị và giải quyết một cách công bằng, hợp lý vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ; Đã thoả thuận như sau:
Điều I
1 . Hai Bên ký kết căn cứ vào Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các nguyên tắc luật pháp và thực tiễn quốc tế được công nhận, trên cơ sở suy xét đầy đủ mọi hoàn cảnh hữu quan trong Vịnh Bắc Bộ, theo nguyên tắc công bằng, qua thương lượng hữu nghị đã phân định lãnh hài, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ.
2. Trong Hiệp định này, Vịnh Bắc Bộ là vịnh nửa kín được bao bọc ở phía Bắc bởi bờ biển lãnh thố đất liền của hai nước Việt Nam và Trung Quốc, phía Đông bởi bờ biển bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam của Trung Quốc, phía Tây bởi bờ biển đất liền Việt Nam và giới hạn phía Nam bởi đoạn thẳng nối liền từ điểm nhô ra nhất của mép ngoài cùng của mũi Oanh Ca - đảo Hải Nam của Trung Quốc có tọa độ địa lý là vĩ tuyến 18 o 30 19" Bắc, kinh tuyến 1080 41 17" Đông, qua đảo Cồn Cỏ của Việt Nam đến một điểm trên bờ biển của Việt Nam có tọa độ địa lý là vĩ tuyến 160 57 40" Bắc và kinh tuyến 107o 08 42" Đông.
Hai Bên ký kết xác định khu vực nói trên là phạm vi phân định của Hiệp định này.
Điều II
Hai Bên ký kết đồng ý đường phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ được xác định bằng 21 điểm nối tuần tự với nhau bằng các đoạn thẳng, toạ độ địa lý của 21 điểm này như sau:
Điểm số 1:
Vĩ độ 210 28’12”.5 Bắc
Kinh độ 1080 06’04”.3 Đông
Điểm số 2:
Vĩ độ 210 28’0”.7 Bắc
Kinh độ 1080 06’01”.6 Đông
Điểm số 3:
Vĩ độ 210 27’50”.1 Bắc
Kinh độ 1080 05’57”.7 Đông
Điểm số 4:
Vĩ độ 210 27’39”.5 Bắc
Kinh độ 1080 05’51”.5 Đông
Điểm số 5:
Vĩ độ 210 27’28”.2 Bắc
Kinh độ 1080 05’39”.9 Đông
Điểm số 6:
Vĩ độ 210 27’23”.1 Bắc
Kinh độ 1080 05’38”.8 Đông
Điểm số 7:
Vĩ độ 210 27’8”.2 Bắc
Kinh độ 1080 05’43”.7 Đông
Điểm số 8:
Vĩ độ 210 16’32” Bắc
Kinh độ 1080 08’05” Đông
Điểm số 9:
Vĩ độ 210 12’35” Bắc
Kinh độ 1080 12’31” Đông
Điểm số 10:
Vĩ độ 200 24’5” Bắc
Kinh độ 1080 22’45” Đông
Điểm số 11:
Vĩ độ 190 57’33” Bắc
Kinh độ 1070 55’47” Đông
Điểm số 12:
Vĩ độ 190 39’33” Bắc
Kinh độ 1070 31’40” Đông
Điểm số 13:
Vĩ độ 190 25’26” Bắc
Kinh độ 1070 21’00” Đông
Điểm số 14:
Vĩ độ 190 25’26” Bắc
Kinh độ 1070 12’43” Đông
Điểm số 15:
Vĩ độ 190 16’4” Bắc
Kinh độ 1070 11’23” Đông
Điểm số 16:
Vĩ độ 190 12’55” Bắc
Kinh độ 1070 09’34” Đông
Điểm số 17:
Vĩ độ 180 42’52” Bắc
Kinh độ 1070 09’34”Đông
Điểm số 18:
Vĩ độ 180 13’49” Bắc
Kinh độ 1070 34’00” Đông
Điểm số 19:
Vĩ độ 180 07’08” Bắc
Kinh độ 1070 37’34” Đông
Điểm số 20:
Vĩ độ 180 04’13” Bắc
Kinh độ 1070 39’09”. Đông
Điểm số 21:
Vĩ độ 170 47’00” Bắc
Kinh độ 1070 58’00” Đông
Điều III
1 . Đường phân định từ điểm số 1 đến điểm số 9 quy định tại Điều II của Hiệp định này là biên giới lãnh hải của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ.
2. Mặt thẳng đứng đi theo đường biên giới lãnh hải của hai nước quy định tại khoản 1 Điều này phân định vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải hai nước.
3. Mọi sự thay đổi địa hình đều không làm thay đổi đường biên giới lãnh hải hai nước từ điểm số 1 đến điểm số 7 quy định tại khoản 1. Điều này, trừ khi Hai Bên ký kết có thoả thuận khác.
Điều IV
Đường phân định từ điểm số 9 đến điểm số 21 quy định tại Điều II của Hiệp định này là ranh giới giữa vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ.
Điều V
Đường phân định lãnh hải của hai nước quy định tại Điều II từ điểm số 1 đến điểm số 7 được thể hiện bằng đường mầu đen trên bản đồ chuyên đề cửa sông Bắc Luân tỷ lệ 1:10.000 do hai Bên ký kết cùng nhau thành lập năm 2000. Đường phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục điạ của hai nước từ điểm số 7 đến điểm số 21 được thể hiện bằng đường mầu đen trên Tổng đồ toàn diện Vịnh Bắc Bộ tỷ lệ 1:500.000 do hai Bên ký kết cùng nhau thành lập năm 2000. Các đường phân định này đều là đường trắc địa.
Bản đồ chuyên đề cửa sông Bắc Luân và Tổng đồ toàn diện Vịnh Bắc Bộ nói trên là bản đồ đính kèm Hiệp định. Các bản đồ trên sử dụng hệ tọa độ LTRF-96. Các tọa độ địa lý của các điểm quy định tại Điều II Hiệp định này đều được xác định trên các bản đồ nói trên. Đường phân định quy định trong Hiệp định này được thể hiện trên các bản đồ kèm theo Hiệp định chỉ nhằm mục đích minh hoạ.
Điều VI
Hai bên ký kết phải tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mỗi Bên đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ được xác tính theo Hiệp định này.
Điều VII
Trong trường hợp có các cấu tạo mỏ dầu, khí tự nhiên đơn nhất hoặc mỏ khoáng sản khác nằm vắt ngang đường phân định quy định tại Điều II của Hiệp định này, hai Bên ký kết phải thông qua hiệp thương hữu nghị để đạt được thoả thuận về việc khai thác hữu hiệu nhất các cấu tạo hoặc mỏ khoáng sản nói trên cũng như việc phân chia công bằng lợi ích thu được từ việc khai thác.
Điều VIII
Hai Bên ký kết đồng ý tiến hành hiệp thương về việc sử dụng hợp lý và phát triển bền vững tài nguyên sinh vật ở Vịnh Bắc Bộ cũng như các công việc hợp tác có liên quan đến bảo tồn, quản lý và sử dụng tài nguyên sinh vật ở vùng đặc quyền kinh tế hai nước trong Vịnh Bắc Bộ.
Điều IX
Việc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ theo Hiệp định này không gây bất kỳ ảnh hưởng hoặc phương hại nào đến lập trường của mỗi Bên ký kết đối với các quy phạm luật pháp quốc tế về luật Biển.
Điều X
Mọi tranh chấp giữa hai Bên ký kết liên quan đến việc giải thích hoặc thực hiện Hiệp định này phải được giải quyết thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị.
Điều XI
Hiệp định này phải được hai Bên ký kết phê chuẩn và có hiệu lực kể từ ngày trao đổi các văn luận phê chuẩn. Các văn kiện phê chuẩn được trao đổi tại Hà Nội.
Hiệp định này được ký tại Bắc Kinh, ngày 25 tháng 12 năm 2000 thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

TUYÊN BỐ CHUNG VIỆT NAM – TRUNG QUỐC NĂM 2005
Hà Nội, 31 tháng 10 đến ngày 2 tháng 11 năm 2005
1. Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào đã thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 31 tháng 10 đến ngày 2 tháng 11 năm 2005. Trong thời gian thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã tiến hành hội đàm với Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, lần lượt gặp Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và đã nhận lời mời đến phát biểu tại Quốc hội Việt Nam. Trong không khí thân mật, hữu nghị, lãnh đạo hai bên đã đi sâu trao đổi và đạt được nhận thức chung rộng rãi về việc tăng cường và phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai Đảng, hai nước và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Hai bên cho rằng, chuyến thăm thành công lần này sẽ đưa quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước Việt-Trung phát triển lên một tầm cao mới, đồng thời sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với hoà bình, ổn định, phát triển và hợp tác ở khu vực và thế giới.
2. Hai bên vui mừng trước những thành tựu mang tính lịch sử mà hai Đảng, hai nước giành được trong việc tìm tòi con đường phát triển xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình của mỗi nước. Phía Trung Quốc chân thành chúc và tin tưởng Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam sẽ giành được những thành tựu mới, to lớn hơn nữa trong sự nghiệp vĩ đại xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Phía Việt Nam tin tưởng vững chắc rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc nhất định sẽ không ngừng giành được những thành tựu mới trong sự nghiệp vĩ đại xây dựng xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.
3. Hai bên đã điểm lại và tổng kết những thành quả to lớn mà quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước đã giành được trong 55 năm qua kể từ khi hai nước Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt là từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay, nhất trí cho rằng, tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau, tin cậy lẫn nhau và hợp tác cùng nhau là kinh nghiệm quan trọng để quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển ổn định, lành mạnh và thuận lợi. Tình hữu nghị Việt - Trung là tài sản quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước. Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai là phương châm chỉ đạo phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước trong thời kỳ mới. Mãi mãi là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt là mục tiêu chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.
Hai bên cho rằng, tăng thêm hữu nghị và tin cậy lẫn nhau, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy cùng phát triển là phù hợp với lợi ích căn bản của hai nước Việt - Trung. Vì vậy, hai bên quyết tâm xuất phát từ đại cục và tầm cao chiến lược, áp dụng các biện pháp có hiệu quả, làm sâu sắc và triển khai toàn diện quan hệ hai Đảng, hai nước, tiếp tục duy trì truyền thống tốt đẹp thăm viếng lẫn nhau ở cấp cao, tăng cường trao đổi và hợp tác giữa các ngành của Đảng và chính phủ, quốc hội, đoàn thể quần chúng và địa phương trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, công an, an ninh, văn hóa, giáo dục, đi sâu trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Đảng, quản lý đất nước cũng như lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội, củng cố và làm sâu sắc hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, đặt biệt là tăng cường tuyên truyền và giáo dục thanh niên hai nước về truyền thống hữu nghị Việt-Trung, để tình hữu nghị muôn đời Việt - Trung thấm sâu vào lòng nhân dân hai nước, thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước không ngừng mở ra cục diện mới.
4. Hai bên hài lòng về sự phát triển quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây. Hai bên nhất trí phấn đấu thực hiện trước thời hạn mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt 10 tỷ USD vào năm 2010.
Hai bên bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước phát triển hơn nữa, thực hiện bổ sung ưu thế cho nhau, hai bên cùng có lợi cùng thắng. Trên tinh thần tích cực, thực tế, hai bên nhất trí mở rộng hơn nữa quy mô thương mại, đồng thời cùng có biện pháp thúc đẩy thương mại song phương phát triển cân đối; hai bên phối hợp chặt chẽ, tích cực thúc đẩy những dự án hợp tác kinh tế lớn giữa hai nước; cùng khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp hai nước tiến hành hợp tác lâu dài, tích cực triển khai đầu tư hai chiều và hợp tác kinh tế cùng có lợi với nhiều hình thức; tăng cường phối hợp cùng tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. Hai bên bày tỏ hài lòng trước những tiến triển đạt được trong việc nghiên cứu về hợp tác kinh tế "hai hành lang, một vành đai” và hết sức tin tưởng vào triển vọng hợp tác của dự án này.
Hai bên đánh giá cao việc hai nước hoàn thành thuận lợi đàm phán về mở cửa thị trường liên quan đến việc Việt Nam gia nhập WTO. Phía Trung Quốc bày tỏ kiên quyết ủng hộ Việt Nam sớm gia nhập WTO. Hai bên đồng ý tăng cường hợp tác trong các vấn đề kinh tế thương mại khu vực và quốc tế; cùng nhau thúc đẩy tiến trình xây dựng Khu mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc.
Hai bên đã ký kết nhiều Thỏa thuận hợp tác kinh tế kỹ thuật. Phía Việt Nam cảm ơn sự giúp đỡ và ủng hộ nhất quán của Trung Quốc đối với công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam.
5. Hai bên cho rằng, công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước đã đạt được tiến triển rõ rệt. Hai bên đồng ý phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh hơn nữa tiến trình công tác, bảo đảm thực hiện đúng thời hạn mục tiêu hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới và ký văn kiện mới về qui chế quản lý biên giới chậm nhất vào năm 2008, xây dựng biên giới hai nước trở thành biên giới hoà bình, hữu nghị và ổn định lâu dài.
Hai bên đánh giá tích cực tình hình thực hiện Hiệp định phân định và Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc bộ, đồng ý tiếp tục thực hiện nghiêm túc hai Hiệp định này; cùng giữ gìn an ninh trên biển và trật tự sản xuất nghề cá; tích cực triển khai điều tra liên hợp nguồn lợi thuỷ sản trong vùng đánh cá chung ở Vịnh Bắc Bộ; khởi động hợp tác thăm dò khai thác các cấu tạo dầu khí  vắt ngang đường phân định; sớm thực hiện việc tuần tra chung giữa Hải quân hai nước ở Vịnh Bắc Bộ. Hai bên đồng ý sớm bắt đầu đàm phán về phân định vùng biển ngoài cửa vịnh và trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển ở khu vực này.  
Hai bên đánh giá cao “Thỏa thuận công tác địa chấn biển liên hợp ba bên tại khu vực thỏa thuận ở biển Đông” do Công ty dầu khí ba nước Việt Nam, Trung Quốc, Philíppin ký tháng 3 năm nay, cho rằng việc ký kết Thỏa thuận này là đóng góp quan trọng thực hiện “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), có ảnh hưởng tích cực đối với việc thúc đẩy hợp tác cùng phát triển và ổn định tình hình trên biển, tăng cường tình hữu nghị láng giềng và sự tin cậy lẫn nhau giữa các nước liên quan. Hai bên đồng ý tích cực ủng hộ các công ty liên quan, bảo đảm thực hiện Thỏa thuận một cách nghiêm chỉnh, làm cho việc hợp tác sớm đạt được thành quả cụ thể. Hai bên đồng ý tiếp tục duy trì cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, kiên trì thông qua đàm phán hoà bình, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều chấp nhận được; trong quá trình đó, hai bên sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề hợp tác cùng phát triển để tìm được mô hình và khu vực hợp tác cùng phát triển phù hợp với Luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là "Công ước Luật biển" năm 1982 của Liên Hợp Quốc và "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” mà hai bên có thể chấp nhận được. Đồng thời, hai bên đồng ý nghiêm túc tuân thủ nhận thức chung cấp cao, tuân thủ tôn chỉ và nguyên tắc của "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, cùng giữ gìn ổn định tình hình biển Đông.
6. Phía Việt Nam khẳng định kiên trì thực hiện chính sách một nước Trung Quốc, ủng hộ sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ "Đài Loan độc lập" dưới mọi hình thức, hoàn toàn hiểu và ủng hộ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc thông qua "Luật chống chia cắt đất nước", hoan nghênh xu thế hoà dịu của quan hệ hai bờ trong những năm gần đây. Việt Nam không phát triển bất kỳ quan hệ chính thức nào với Đài Loan. Phía Trung Quốc bày tỏ hoan nghênh lập trường trên của phía Việt Nam.
7- Hai bên nhất trí cho rằng Việt Nam và Trung Quốc có lợi ích chiến lược chung trên nhiều vấn đề quan trọng. Mong muốn hoà bình, thúc đẩy phát triển và tìm kiếm hợp tác là nhịp điệu chính của thời đại hiện nay. Hai bên nhấn mạnh cần phải kiên trì chủ nghĩa đa phương trong các vấn đề quốc tế, thực hiện cùng phồn vinh, phát triển hợp tác nhiều bên trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, phản đối chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức.
Hai bên chủ trương tôn trọng văn hoá lịch sử, chế độ xã hội, mô hình phát triển của các nước cũng như tính đa dạng của nền văn minh thế giới, thúc đẩy dân chủ hoá quan hệ quốc tế, cùng nhau xây dựng một khu vực châu Á cũng như thế giới hoà hợp, hoà bình lâu dài, cùng thịnh vượng.
8- Hai bên hoan nghênh Văn kiện cuối cùng được thông qua tại Hội nghị cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9 năm 2005 nhân 60 năm thành lập Liên hợp quốc và cho rằng việc cấp bách hiện nay là thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, thiết thực giúp đỡ các nước đang phát triển giải quyết vấn đề phát triển. Hai bên nhất trí cho rằng cải tổ Liên Hợp quốc cần góp phần nâng cao vai trò, uy tín, hiệu quả và năng lực của Liên Hợp quốc trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đối phó với những thách thức và đe doạ mới, thúc đẩy sự phát triển chung của các nước thành viên, phục vụ cho việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Hai bên cho rằng việc cải tổ Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc cần xuất phát từ lợi ích lâu dài của Liên Hợp quốc, tuân theo nguyên tắc dân chủ hóa quan hệ quốc tế và cần tăng thêm tính đại diện của các nước đang phát triển trên cơ sở hiệp thương rộng rãi, tìm kiếm giải pháp có tính đến lợi ích các bên. Trên tinh thần đó, hai bên sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi ý kiến và hợp tác về vấn đề này. 
Hai bên đồng ý tiếp tục tăng cường hợp tác và phối hợp trong khuôn khổ đa phương tại các diễn đàn Liên Hợp quốc, Trung Quốc-ASEAN, ASEAN+3, ACD, ARF, APEC, ASEM, GMS. Phía Trung Quốc khẳng định ủng hộ Việt Nam đăng cai Hội nghị không chính thức các nhà lãnh đạo APEC lần thứ 14 năm 2006.
9- Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối với sự đón tiếp trọng thị, nhiệt tình và thắm tình hữu nghị của Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đồng thời mời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Trần Đức Lương sang thăm Trung Quốc vào thời gian thuận tiện. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Trần Đức Lương bày tỏ cảm ơn và vui vẻ nhận lời.
Phía Việt Nam nhắc lại lời mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào dự Hội nghị không chính thức các nhà lãnh đạo APEC lần thứ 14 tại Hà Nội vào cuối năm 2006. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã vui vẻ nhận lời.

TUYÊN BỐ CHUNG VIỆT NAM – TRUNG QUỐC NĂM 2001
Bắc Kinh 30 tháng 11 đến ngày 4 tháng 12 năm 2001

1. Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đã thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 4 tháng 12 năm 2001.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân; lần lượt hội kiến với ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên Trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Bằng; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Dung Cơ; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc Lý Thụy Hoàn; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào. Hai bên đã thông báo cho nhau tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; trao đổi ý kiến sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Các cuộc hội đàm, hội kiến đã diễn ra trong bầu không khí thân thiết và hữu nghị.
Hai bên cho rằng, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đã thành công tốt đẹp, chuyến thăm này là một sự kiện trọng đại trong quan hệ hai Đảng, hai nước vào đầu thế kỷ mới, góp phần quan trọng vào việc tăng cường và làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc trong thế kỷ XXI, và sẽ có ảnh hưởng tích cực và sâu sắc đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
2. Phía Việt Nam đánh giá cao những thành tựu lịch sử mà Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc đã đạt được trong 80 năm qua, và tin chắc rằng Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc nhất định giành được nhiều thành tựu mới to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. Phía Trung Quốc đánh giá cao những thành tựu lịch sử mà Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam đã đạt được trong hơn 70 năm qua, và tin chắc rằng Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam nhất định giành được những thành tựu mới to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hai bên quyết tâm, xuất phát từ thực tế của mỗi nước, tiếp tục tìm tòi và giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn trọng đại trong việc xây dựng Đảng và Nhà nước, thúc đẩy kinh tế phát triển và xã hội tiến bộ.
3. Hai bên hài lòng chỉ rõ, kể từ khi bình thường hóa quan hệ hai nước, sự giao lưu và hợp tác trên các lĩnh vực giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Hai bên đã ra các Thông cáo chung năm 1991, 1992, 1994, 1995 và các Tuyên bố chung năm 1999 và 2000, lần lượt ký Hiệp ước biên giới trên đất liền, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ. Hai Đảng, hai nước đã trao đổi rộng rãi và sâu sắc về những kinh nghiệm đổi mới, cải cách mở cửa, xây dựng Đảng và quản lý Nhà nước, lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sự hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước đã nâng lên một tầm cao mới. Hai Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp và quan trọng của quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
4. Hai bên cho rằng, tình hữu nghị Việt - Trung là tài sản chung quý báu của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước; không ngừng tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc trong thế kỷ mới không những phù hợp với lợi ích căn bản của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, mà còn có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Hai bên quyết tâm kiên trì phương châm chỉ đạo 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai", quán triệt và thực hiện một cách toàn diện mục tiêu và nhiệm vụ đã được nêu rõ trong bản Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới giữa hai nước, không ngừng nâng tầm cao và chất lượng của quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt - Trung, làm cho hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc đời đời hữu nghị.
5. Nhằm tăng cường và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc trong thế kỷ mới, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì truyền thống tốt đẹp giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước; thúc đẩy sự giao lưu và hợp tác, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các ban ngành Đảng, Chính quyền, Quốc hội, các đoàn thể nhân dân và các địa phương, trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục... giữa hai nước; tăng cường việc trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước giữa hai bên; tham khảo lẫn nhau về kinh nghiệm đổi mới, cải cách mở cửa và xây dựng Đảng; tăng cường sự giao lưu hữu nghị với hình thức đa dạng và nội dung phong phú giữa thanh, thiếu niên hai nước, làm cho mối tình hữu nghị truyền thống đã được các bậc tiền bối cách mạng hai nước dày công vun đắp cũng như sự nghiệp hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.
6. Hai bên xác định trong thế kỷ mới cần tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học-kỹ thuật và các lĩnh vực khác giữa hai nước theo phương châm bình đẳng, cùng có lợi, chú trọng hiệu quả, bổ sung ưu thế cho nhau, hình thức đa dạng, cùng nhau phát triển; tích cực khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp hai bên khai thác thêm thị trường hàng hóa của hai nước, tăng cường đầu tư và hợp tác, mở rộng quy mô hợp tác kinh tế và kỹ thuật, thực hiện các dự án hợp tác đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội thiết thực.
Nhân dịp này, hai bên đã ký Hiệp định khung giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng ưu đãi và Hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; và nhất trí sẽ tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên dự án bôxít nhôm Đắc Nông.
Việt Nam nhiệt liệt chúc mừng Trung Quốc trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới. Trung Quốc tích cực ủng hộ Việt Nam sớm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới.
7. Hai bên nhất trí cho rằng, việc hai nước ký Hiệp định biên giới trên đất liền, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ là sự kiện có ý nghĩa trọng đại, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển hơn nữa quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước và sự ổn định của khu vực.
Hai bên đồng ý tuân theo nhận thức chung của các nhà lãnh đạo hai nước, nhanh chóng hoàn thành các công việc đàm phán tiếp theo có liên quan đến Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ, để Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ cùng với Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ sớm có hiệu lực, tích cực thúc đẩy và tăng nhanh tiến trình công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, xây dựng biên giới hai nước thành biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài.
Hai bên đồng ý tiếp tục duy trì cơ chế đàm phán hiện có về vấn đề trên biển, kiên trì thông qua đàm phán hòa bình để tìm ra một giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Trước khi vấn đề được giải quyết, với tinh thần dễ trước khó sau, hai bên tích cực tìm kiếm khả năng và biện pháp triển khai hợp tác trên biển trong các lĩnh vực như: bảo vệ môi trường biển, khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai. Đồng thời, hai bên đều không tiến hành các hành động làm phức tạp thêm hoặc mở rộng tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với những bất đồng nảy sinh, cần bàn bạc kịp thời và giải quyết thỏa đáng với thái độ bình tĩnh, xây dựng không để bất đồng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của quan hệ hai nước.
8. Phía Việt Nam khẳng định Việt Nam công nhận Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn Trung Quốc. Đài Loan là một bộ phận lãnh thổ không thể chia cắt của Trung Quốc. Việt Nam chỉ giao lưu về kinh tế, thương mại phi chính phủ với Đài Loan, không phát triển quan hệ chính phủ với Đài Loan. Phía Trung Quốc tỏ sự hiểu biết và hoan nghênh lập trường trên đây của phía Việt Nam. Phía Trung Quốc khẳng định vấn đề Đài Loan hoàn toàn là vấn đề thuộc công việc nội bộ của Trung Quốc và kiên quyết phản đối các nước đã lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc có quan hệ chính phủ dưới bất cứ hình thức nào, hoặc có bất cứ sự đi lại nào mang tính chính phủ với Đài Loan.
9. Hai bên hài lòng với những nhận thức chung rộng rãi về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Hai bên cho rằng hòa bình, hợp tác, phát triển và tiến bộ xã hội đã trở thành trào lưu của thời đại hiện nay. Hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc tha thiết mong muốn thế giới hòa bình bền vững, cuộc sống yên ổn lâu dài; tha thiết mong muốn xây dựng một trật tự quốc tế mới công bằng và hợp lý, thúc đẩy các nước cùng phồn vinh và phát triển. Hai bên phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền trong công việc quốc tế; phản đối chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức. Hai bên chủ trương tôn trọng lịch sử văn hóa, chế độ xã hội, mô hình phát triển của các nước và các nền văn minh trên thế giới.
Hai bên đánh giá cao vai trò tích cực của tổ chức ASEAN trong việc giữ gìn và thúc đẩy sự ổn định và phát triển của khu vực, khẳng định lại sẽ tiếp tục góp sức tăng cường quan hệ đối tác láng giềng tin cậy giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, nỗ lực và đóng góp tích cực vào sự ổn định và phồn vinh lâu dài của Châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Á.
10. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh chân thành cảm ơn sự đón tiếp trọng thể, nồng nhiệt và hữu nghị của Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân thăm hữu nghị chính thức Việt Nam vào thời gian thuận tiện trong năm tới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân đã cảm ơn và vui vẻ nhận lời.

Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2001
Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung hoa (dưới đây gọi tắt là "hai bên") là hai nước láng giềng Xã hội Chủ nghĩa có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Trong 50 năm qua kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt – Trung đã không ngừng củng cố và phát triển.
Từ khi bình thường hoá quan hệ hai nước năm 1991, trên cơ sở những nguyên tắc được ghi nhận trong các "Thông cáo chung" năm 1991, năm 1992, năm 1994, năm 1995 và "Tuyên bố chung" năm 1999 nhân các cuộc gặp giữa các lãnh đạocấp cao hai nước, quan hệ hữu nghị truyền thống, tin cậy lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi giữa hai nước đã phát triển nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực, giao lưu giữa các ngành, các cấp diễn ra thường xuyên.
Tháng 2 năm 1999, Tổng Bí thư hai Đảng đã xác định phương châm 16 chữ phát triển quan hệ hai nước trong thế kỷ 21 là "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Điều này phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, có lợi ích cho hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hai bên khẳng định lại, tiếp tục căn cứ theo tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, 5 nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình và các quan hệ quốc tế đã được thừa nhận, thúc đẩy quạn hệ giữa hai nước phát triển toàn diện. Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị trên cơ sở các nguyên tắc: độc lập tự chủ, hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Để thực hiện có hiệu quả phương châm chỉ đạo 16 chữ, không ngừng thúc đẩy quan hệ hai nước bước sang một giai đoạn phát triển mới trong thế kỷ 21, hai bên đồng ý tăng cường và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực sau:
I.- Duy trì gặp gỡ cấp cao thường xuyên, tạo thêm động lực mới thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển; tăng cường hơn nữa tiếp xúc hữu nghị và giao lưu hợp tác dưới nhiều hình thức giữa các ban ngành, các tổ chức quần chúng và các địa phương của hai nước.
II.- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đối với thế hệ trẻ hai nước về truyền thống hữu nghị; triển khai trao đổi, giao lưu hữu nghị giữa thanh thiếu niên hai nước, góp phần tăng cường sự tin cậy và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, làm cho tình hữu nghị, sự tin cậy và hợp tác giữa nhân dân hai nước được kế tục và không ngừng phát triển.
III.- Trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, coi trọng hiệu quả thực tế, bổ sung ưu thế cho nhau, hình thức đa dạng, cùng nhau phát triển, tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế thương mại và khoa học kỹ thuật giữa hai nước. Vì vậy, hai bên đồng ý cùng nỗ lực hỗ trợ trong các lĩnh vực sau: 
1. Phát huy đầy đủ vai trò của Uỷ ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế thương mại trong việc tăng cường quan hệ kinh tế thương mại và hợp tác đầu tư giữa hai nước. Thông qua nhiều hình thức đa dạng như phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo của các công ty lớn, mở rộng buôn bán hàng hoá khối lượng lớn, khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp hai bên triển khai các dự án hợp tác lớn, mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai bên. Tạo dựng môi trường kinh doanh tốt đẹp, không ngừng khai thác tiềm năng, đảm bảo mậu dịch giữa hai bên tăng trưởng ổn định liên tục; duy trì chính sách đầu tư ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư giữa các doanh nghiệp của hai bên; tích cực quán triệt thực hiện "hiệp định về mua bán hàng hoá ở vùng biên giới", tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, quy phạm hoá buôn bán biên giới giữa hai nước.
2. Phát huy vai trò điều tiết và chỉ đạo vĩ mô của Uỷ ban liên chính phủ về hợp tác khoa học kỹ thuật, thúc đẩy hợp tác và trao đổi về khoa học kỹ thuật, hướng dẫn và khuyến khích các cơ quan hữu quan của chính phủ, các cơ sở và viện nghiên cứu khoa học, các trường đại học, các xí nghiệp phục vụ khoa học kỹ thuật của hai nước phát triển rộng rãi hợp tác khoa học kỹ thuật trong các lĩnh vực như thông tin, sinh học, nông nghiệp, khí tượng, hải dương, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hoà bình và các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.
3. Tích cực thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa hai nước về nông, lâm, ngư nghiệp, khuyến khích và ủng hộ các xí nghiệp và các cơ quan hữu quan của hai nước tăng cường trao đổi và hợp tác trên các mặt như tạo ra các giống cây trồng nông nghiệp, giống gia súc gia cầm tốt, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp, chế tạo máy móc công nghiệp, đánh bắt trên biển, nuôi trồng thuỷ sản.
4. Tăng cường trao đổi và hợp tác trog lĩnh vực tài chính, tiền tệ và điều tiết kinh tế vĩ mô. 
5. Tăng cường hợp tác trên lĩnh vựcgiao thông vận tải, cùng nhau phát triển vận chuyển hành khách, hàng hoá qua tuyến đường sắt quốc tế giữa hai nước, mở rộng đường sắt liên vận quốc tế đến nước thứ 3, thúc đẩy ttrao đổi nhân viên và hàng hoá.
6. Khuyến khích ngành bưu điện hai nước tăng cường trao đổi và hợp tác trên các mặt hiện đại hoá mạng lưới bưu chính, viễn thông, ứng dụng kỹ thuật mới, khai thác nghiệp vụ mới. 
7. Mở rộng hợp tác du lịch, khuyến khích nghành du lịch giữa hai nước tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trên các mặt như quản lý, quảng cáo tiếp thị, đào tạo nguồn nhân lực mới và tạo thuận lợi cho công nhân hai nước và công dân nước thứ ba đi du lịch hai nước.
8. Tăng cường trao đổi hợp tác thông tin trên các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và khí tượng thuỷ văn; cùng nỗ lực hợp tác và khai thác khu vực sông Mê Công. 
9. Mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trên các mặt như qui hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị và đào tạo nguồn nhân lực.
IV. Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp giữa hai bên tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực như Liên Hợp quốc, ARF, Hợp tác Đông á, ASEM, APEC, thúc đẩy sự đoàn kết và hợp tác giữa các nước đang phát triển, tiếp tục ra sức xây dựng trật tự chính trị, kinh tế quốc tế mới công bằng, hợp lý, có đóng góp mới cho việc bảo vệ hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực và tên thế giới.
Hai bên đánh giá cao vai trò tích cực của tổ chức ASEAN đối với sự ổn định và phát triển của khu vực, khẳng định lại sẽ tiếp tục dốc sức tăng cường quan hệ láng giềng, đối tác tin cậy giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, nỗ lực tích cực vì ổn định và phồn vinh lâu dài của Châu á, đặc biệt là khu vực Đông á.
Tiếp tục tăng cường cơ chế trao đổi ý kiến hàng năm giữa quan chức cấp cao Bộ ngoại giao hai nước, trao đổi ý kiến về những vấn đề song phương, khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
V. Thông qua việc triển khai qua lại quân sự ở các cấp và các lĩnh vực khác nhau, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa các cơ quan quốc phòng và quân đội hai nước, mở rộng trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực an ninh.
VI. Tăng cường trao đổi và hợp tác về văn hoá, thể dục thể thao, và các phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm tăng cường thăm lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm, triển khai đào tạo nhân lực...
VII. Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, bao gồm trao đổi lưu học sinh, cán bộ giảng dạy, khuyến khích và ủng hộ các trường đại học, các ngành giáo dục và các cơ sở nghiên cứu của hai bên tăng cường hợp tác trực tiếp.
VIII. Tăng cường hợp tác trong các mặt phòng chống các loại tội phạm xuyên quốc gia cũng như trao đổi và hợp tác giữa các cơ quan tư pháp, công an, toà án, viện kiểm sát của hai bên, tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan kỷ luật, kiểm sát, giám sát của hai bên về chống tham nhũng đề cao liêm khiết .
IX. Hai bên nhất trí cho rằng, việc hai nước ký kết " Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa", "Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ giữa nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa", "Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa" có ý nghĩa lịch sử sâu rộng, sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước phát triển mạnh hơn nữa trong thế kỷ 21. Hai bên cam kết sẽ nghiêm chỉnh thực hiện các thoả thuận liên quan đã ký kết giữa hai nước, tích cực hợp tác, nỗ lực xây dựng biên giới hai nước thành biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài.
Hai bên khẳng định, tiếp tục duy trì cơ chế đàm phán hiện có về vấn đề trên biển, kiên trì thông qua đàm phán hoà bình để tìm ra một giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Trước khi vấn đề được giải quyết, với tinh thần dễ trước khó sau, hai bên tích cực bàn bạc, tìm kiếm khả năng và giải pháp triển khai hợp tác trên biển trong các lĩnh vực như: bảo vệ môi trường biển, khí tượng thuỷ văn, phòng chống thiên tai. Đồng thời, hai bên đều không tiến hành các hành động làm phức tạp thêm hoặc mở rộng tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực. Hai bên cần bàn bạc kịp thời và giải quyết những bất đồng nảy sinh với thái độ bình tĩnh xây dựng, không để bất đồng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của quan hệ hai nước.
X. Hai bên khẳng định lại những nhận thức chung đã đạt được trong các Thông cáo chung Việt Nam – Trung Quốc 10/11/1991, 22/11/1994, 2/12/1995 và tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc 27/2/1999: phía Việt Nam khẳng định một nước Trung Quốc, Việt Nam công nhận Chính phủ nước Cộng hoà Nhân Dân Trung Hoa là Chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn Trung Quốc; Đài Loan là một bộ phận lãnh thổ không thể chia cắt của Trung Quốc. Việt Nam chỉ giao lưu về kinh tế, thương mại phi chính phủ với Đài Loan, không phát triển quan hệ chính phủ với Đài Loan. Phía Trung Quốc tỏ sự hiểu biết và hoan nghênh lập trường trên đây của phía Việt Nam. Phía Trung Quốc khẳng định vấn đề Đài Loan hoàn toàn là vấn đề thuộc công việc nội bộ của Trung Quốc và kiên quyết phản đối các nước đã lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc có quan hệ chính phủ dưới bất cứ hình thức nào, hoặc có bất cứ sự đi lại nào mang tính Chính phủ với Đài Loan.
Tuyên bố chung được ký tại Bắc Kinh, ngày 25 tháng 12 năm 2000 thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

ĐẠI DIỆN
NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO

Nguyễn Dy Niên
ĐẠI DIỆN
NƯỚC CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO

Đường Gia Triền
BỘ NGOẠI GIAO
-------
SAO Y BẢN CHÍNH
(Để thực hiện)
Số: 02/LPQT
Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2001






Bắc Kinh, ngày 27 tháng 2 năm 1999

1. Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu đã thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa từ ngày 25-2 đến ngày 2-3-1999.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu đã tiến hành hội đàm với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã lần lượt hội kiến với Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Uỷ viên trưởng Uỷ ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Lý Bằng; Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân toàn quốc nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Lý Thuỵ Hoàn; Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào và Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Lý Lam Thanh. Hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình chính trị, kinh tế của mỗi nước; trao đổi ý kiến rộng rãi về việc củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, cũng như về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Các cuộc hội đàm và hội kiến đã diễn ra trong bầu không khí thân mật, hữu nghị, chân thành, thẳng thắn, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.
Hai bên cho rằng chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu đã thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng xây dựng quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai Đảng, hai nước hướng tới thế kỷ XXI, và sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực.
2. Hai bên bày tỏ hài lòng về sự củng cố không ngừng và phát triển tích cực của quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai Đảng, hai nước. Điều đó không những phù hợp với lợi ích căn bản của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước mà còn có lợi cho hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Hai bên thoả thuận, trên cơ sở tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc được xác định trong các thông cáo chung công bố từ khi bình thường hoá quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đến nay và nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước, xây dựng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai. Hai bên khẳng định trên cơ sở nguyên tắc độc lập, tự chủ, hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiếp tục không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác, thúc đẩy quan hệ Nhà nước phát triển toàn diện.
Hai bên xác định cần hướng tầm nhìn tới tương lai, tăng cường hơn nữa giao lưu hữu nghị, hợp tác và trao đổi kinh nghiệm bằng nhiều hình thức giữa các ban, ngành của Đảng, chính quyền, các tổ chức quần chúng và các địa phương hai nước, nhất là tăng cường trao đổi, giao lưu hữu nghị giữa thanh niên, thiếu niên hai nước, làm cho sự nghiệp hữu nghị của hai nước Việt Nam - Trung Quốc phát triển toàn diện, truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.
3. Hai bên khẳng định các thoả thuận và nhận thức chung đã đạt được trong các cuộc gặp gỡ cấp cao hai nước từ năm 1991 đến nay, nhất trí cho rằng sớm giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước là phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước; đồng thời bày tỏ hài lòng về những tiến triển tích cực của các cuộc đàm phán hai nước trong những năm gần đây. Hai bên đồng ý tiếp tục với tinh thần lấy đại cục làm trọng, thông cảm và nhân nhượng lẫn nhau, công bằng hợp lý, hiệp thương hữu nghị và căn cứ vào luật pháp quốc tế, tham khảo thực tiễn quốc tế, thông qua đàm phán hoà bình, giải quyết thoả đáng những vấn đề biên giới lãnh thổ tồn tại giữa hai nước.
Hai bên quyết tâm đẩy nhanh tiến trình đàm phán, nâng cao hiệu suất công tác, ký kết Hiệp ước về biên giới trên bộ trong năm 1999; giải quyết xong vấn đề phân định Vịnh Bắc bộ trong năm 2000; cùng nhau xây dựng đường biên giới hai nước trở thành đường biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định.
Hai bên đồng ý tiếp tục duy trì cơ chế đàm phán hiện có về vấn đề trên biển, kiên trì thông qua đàm phán hoà bình, tìm ra một giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Trước khi vấn đề được giải quyết, với tinh thần dễ trước khó sau, hai bên tích cực bàn bạc, tìm kiếm khả năng và giải pháp triển khai hợp tác trên biển trong các lĩnh vực như: bảo vệ môi trường biển, khí tượng thuỷ văn, phòng chống thiên tai. Đồng thời, hai bên đều không tiến hành các hành động làm phức tạp thêm hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực. Hai bên cần bàn bạc kịp thời và giải quyết thoả đáng những bất đồng nảy sinh với thái độ bình tĩnh, không để bất đồng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của quan hệ hai nước.
4. Hai bên bày tỏ hài lòng trước những tiến triển về mở rộng giao lưu buôn bán, phát triển kinh tế, hợp tác khoa học kỹ thuật và các lĩnh vực khác giữa hai nước trong những năm gần đây. Hai bên cho rằng việc mở rộng hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học - kỹ thuật và các lĩnh vực khác giữa hai nước còn nhiều tiềm lực to lớn, triển vọng sáng sủa. Trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, chú trọng hiệu quả và chất lượng, hình thức đa dạng, cùng nhau phát triển, hai bên quyết tâm cùng nỗ lực phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo của các công ty lớn, mở rộng mậu dịch với khối lượng và kim ngạch lớn, khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp của hai bên triển khai hợp tác các dự án lớn, tạo điều kiện thuận lợi để họ đầu tư lẫn nhau; thúc đẩy mậu dịch biên giới hai nước phát triển lành mạnh, có trật tự. Hai bên sẽ tích cực tìm kiếm con đường và biện pháp mới nhằm phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu sự hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật và các lĩnh vực khác; đưa quan hệ hợp tác đó lên một trình độ phát triển mới.
Hai bên đã ký Hiệp định hợp tác kinh tế - kỹ thuật giữa Chính phủ hai nước.
5. Hai bên khẳng định lại những nhận thức chung đã đạt được trong các Thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc ngày 10 tháng 11 năm 1991, ngày 22 tháng 11 năm 1994 và ngày 2 tháng 12 năm 1995; phía Việt Nam khẳng định, Việt Nam công nhận Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là Chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho toàn Trung Quốc; Đài Loan là một bộ phận lãnh thổ không thể chia cắt của Trung Quốc. Việt Nam chỉ giao lưu về kinh tế, thương mại phi chính phủ với Đài Loan, không phát triển quan hệ chính phủ với Đài Loan. Phía Trung Quốc tỏ sự hiểu biết và hoan nghênh lập trường trên đây của phía Việt Nam. Phía Trung Quốc khẳng định vấn đề Đài Loan hoàn toàn là vấn đề thuộc công việc nội bộ của Trung Quốc và kiên quyết phản đối các nước đã lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc có quan hệ chính phủ dưới bất cứ hình thức nào, hoặc có bất cứ sự đi lại nào mang tính chính phủ với Đài Loan.
6. Hai bên vui mừng trước những thành tựu to lớn đã đạt được trong công cuộc đổi mới, mở cửa, xây dựng chủ nghĩa xã hội và cải thiện đời sống nhân dân ở hai nước. Phía Trung Quốc đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới, mở rộng hợp tác quốc tế vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Phía Việt Nam đánh giá cao những thành tựu mà Trung Quốc đã đạt được trong công cuộc cải cách mở cửa, mở rộng quan hệ đối ngoại, cũng như trong sự nghiệp giữ gìn và thực hiện thống nhất đất nước.
7. Hai bên hài lòng với những nhận thức chung rộng rãi về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Hai bên cho rằng giữ gìn và củng cố hoà bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới, tăng cường hợp tác kinh tế song phương, đa phương và khu vực là phù hợp với nguyện vọng chung và lợi ích căn bản của nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới. Hai bên chủ trương phấn đấu vì một trật tự chính trị, kinh tế quốc tế mới công bằng, hợp lý và sẽ thiết thực đóng góp phần mình vào việc giữ gìn và củng cố hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Hai bên cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở châu Á đã tác động về mặt kinh tế ở những mức độ khác nhau tại nhiều quốc gia châu Á; các nước hữu quan cần cùng nhau gánh vác trách nhiệm, tăng cường phối hợp và hợp tác nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng. Phía Trung Quốc đánh giá cao những nỗ lực tích cực của Việt Nam nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở châu Á, bảo đảm cho nền kinh tế của đất nước tiếp tục phát triển. Phía Việt Nam đánh giá cao những đóng góp của Trung Quốc nhằm làm dịu cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở châu Á và ổn định kinh tế khu vực.
8. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu chân thành cảm ơn về sự đón tiếp trọng thể, nồng nhiệt và hữu nghị của Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã mời Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân sang thăm Việt Nam một lần nữa vào thời gian thuận tiện. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân đã cảm ơn và vui vẻ nhận lời.
BỘ CÔNG THƯƠNG
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 805/QĐ-BCT
Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2014

QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI TUYẾN BIÊN GIỚI VIỆT - TRUNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt - Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Quan điểm phát triển
a) Phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt - Trung với cơ cấu hợp lý, tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả trên cơ sở phát huy những lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên và hệ thống cửa khẩu;
b) Liên kết và tăng cường hợp tác trong mọi lĩnh vực nhằm thúc đẩy công nghiệp, thương mại phát triển trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung;
c) Phát triển công nghiệp, thương mại nhằm góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương trên tuyến. Đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm và các vấn đề xã hội;
d) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, thương mại với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đảm bảo quốc phòng, an ninh, khu vực phòng thủ và bảo vệ môi trường.
2. Mục tiêu phát triển
a) Tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011 - 2020 đạt khoảng 16,5 - 17,5%/năm; trong đó giai đoạn 2016-2020 khoảng 16% - 17%/năm; tỷ trọng GDP công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 26 - 32% trong cơ cấu GDP;
b) Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2011-2020 đạt khoảng 19,5 - 20,5%/năm; trong đó giai đoạn 2016-2020 khoảng 17,5-18%; tốc độ tăng trưởng bình quân xuất nhập khẩu biên mậu giai đoạn 2011-2020 đạt khoảng 18-19%/năm.
3. Định hướng phát triển
3.1. Ngành công nghiệp
a) Tập trung đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng như: công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản trên cơ sở khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện...;
b) Tăng cường mối liên kết vùng nhằm phát triển một số dự án quy mô lớn trong lĩnh vực chế biến khoáng sản, chế biến lâm sản và cơ khí chế tạo;
c) Phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và từng bước khôi phục lại một số làng nghề góp phần vào sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tại chỗ, giải quyết việc làm và phục vụ du lịch.
3.2. Ngành thương mại
a) Phát triển các loại hình thương mại hiện đại tại các khu vực đô thị kết hợp với các loại hình thương mại truyền thống (chợ, đại lý bán buôn, bán lẻ, cửa hàng bán lẻ...), mạng lưới kinh doanh xăng dầu; gắn phát triển hoạt động thương mại biên giới với phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa của các tỉnh biên giới;
b) Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng thương mại phục vụ cho xuất nhập khẩu hàng hóa. Đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống logistics và hệ thống kho bãi phục vụ cho các hoạt động thương mại biên giới và cung cấp nguyên liệu cho sản xuất hàng hóa;
c) Hoàn thiện cơ chế điều phối hoạt động thương mại biên giới Việt - Trung linh hoạt, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, kết hợp với phân cấp quản lý, điều hành hoạt động thương mại biên giới một cách hợp lý.
4. Quy hoạch phát triển
4.1. Lĩnh vực công nghiệp
4.1.1. Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản
a) Đến năm 2020
Tập trung đầu tư, nâng cấp công nghệ khai thác nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, triển khai các dự án chế biến sâu một số khoáng sản có trữ lượng lớn như quặng apatít, đồng, đá xây dựng và quặng sắt.
b) Tầm nhìn đến năm 2030
Tiếp tục đầu tư thăm dò tài nguyên, đánh giá trữ lượng khoáng sản tại khu vực biên giới, đảm bảo độ tin cậy. Đồng thời, tập trung chế biến sâu với công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị và nâng cao hiệu quả trong chế biến khoáng sản.
4.1.2. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và đồ uống
a) Đến năm 2020
Đầu tư các dự án chế biến lâm sản, nông sản để khai thác lợi thế về nguồn nguyên liệu từ chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản. Trong đó tập trung vào một số lĩnh vực như chế biến chè, chế biến lâm sản (gỗ, que, hồi, nhựa thông). Đồng thời tiếp tục triển khai các dự án chế biến, bảo quản thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm, nước giải khát, thạch đen, rượu...).
b) Tầm nhìn đến năm 2030
Phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tập trung nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tăng thêm giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước, kết hợp ưu tiên đầu tư đổi mới trang thiết bị và công nghệ.
4.1.3. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng
a) Đến năm 2020
Đầu tư chuyển đổi công nghệ của một số cơ sở sản xuất xi măng, đá xây dựng và gạch. Đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu của các địa phương để sản xuất vật liệu không nung và tiến tới xóa bỏ các lò nung thủ công.
b) Tầm nhìn đến năm 2030
Đầu tư chuyển đổi công nghệ, thay thế dần công nghệ lạc hậu kết hợp ứng dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất các loại vật liệu mới, vật liệu cao cấp, vật liệu tổng hợp.
4.1.4. Công nghiệp cơ khí, luyện kim
a) Đến năm 2020
Đầu tư một số dự án sản xuất thép quy mô lớn tại Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang. Tiếp tục đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp và sản xuất các sản phẩm cơ khí, máy móc phục vụ nông, lâm nghiệp; các cửa hàng dịch vụ sửa chữa máy móc, thiết bị, phương tiện.
b) Tầm nhìn đến năm 2030
Đầu tư mới, mở rộng các dự án đóng tàu, sửa chữa tàu tại khu công nghiệp ven biển thuộc tỉnh Quảng Ninh và các cơ sở lắp ráp máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp tại các khu kinh tế cửa khẩu;
Tiếp tục phát triển các ngành tiểu, thủ công nghiệp, sản xuất các dụng cụ cầm tay, các dịch vụ sửa chữa thiết bị cơ khí và phương tiện vận tải.
4.1.5. Công nghiệp dệt may, da giầy
a) Đến năm 2020
Triển khai đầu tư một số dự án quy mô lớn trong lĩnh vực dệt và một số dự án sản xuất giầy, kết hợp với khôi phục một số làng nghề thổ cẩm để liên kết tạo ra các sản phẩm du lịch mới. Đồng thời, đầu tư các cơ sở may mặc quy mô nhỏ nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của đồng bào dân tộc trong khu vực.
b) Tầm nhìn đến năm 2030
Tiếp tục đầu tư một số dự án vào các khu công nghiệp trên địa bàn tuyến biên giới. Đồng thời, tùng bước đầu tư đổi mới công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu.
4.1.6. Công nghiệp hóa chất
a) Đến năm 2020
Tập trung đầu tư hoàn thành dự án sản xuất phân bón DAP và một số dự án sản xuất phân vi sinh và chất tẩy rửa, nhiên liệu sinh học. Tiếp tục phát triển một số dự án sản xuất liên quan đến phốt pho và chiết xuất dược liệu.
b) Tầm nhìn đến năm 2030
Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và thu hút đầu tư vào một số sản phẩm nhựa phục vụ tiêu dùng và hóa dược.
4.1.7. Sản xuất và phân phối điện
- Đồng bộ hóa, hiện đại hóa mạng lưới truyền tải, phân phối đảm bảo cung cấp điện liên tục, an toàn, hiệu quả, ưu tiên các phụ tải sản xuất, quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản tất cả các hộ dân được sử dụng điện;
- Ưu tiên phát triển một số nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
4.1.8. Tiểu thủ công nghiệp - Làng nghề
- Phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống có sử dụng nhiều lao động và nguyên liệu tại địa phương như dệt, mây tre đan, chạm khắc gỗ, mộc dân dụng...;
- Tập trung hỗ trợ phát triển làng nghề, nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc; đào tạo, du nhập nghề mới cho nhân dân để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
4.2. Lĩnh vực thương mại
4.2.1. Hệ thống thị trường
a) Thị trường hàng tiêu dùng
- Đối với khu vực đô thị
+ Xây dựng cấu trúc cân đối, hợp lý giữa các khu thương mại - dịch vụ để hình thành mạng lưới các khu thương mại - dịch vụ;
+ Phát triển các hình thức bán lẻ mới như trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh và siêu thị dạng kho hàng trong đó chủ yếu là loại hình kinh doanh tổng hợp;
+ Đa dạng chức năng của chợ bán buôn, chợ chuyên doanh theo hướng chuyển đổi các ban quản lý chợ sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh và áp dụng các hình thức giao dịch hiện đại, các dịch vụ tổng hợp.
- Đối với khu vực nông thôn
+ Phát triển thị trường nông thôn gắn với việc tổ chức tốt hệ thống chợ cụm xã và các cụm thương mại - dịch vụ tại các trung tâm dân cư, vừa đảm bảo kinh doanh và phục vụ hàng chính sách, vừa kết hợp hoạt động thương mại với giao lưu văn hóa của đồng bào dân tộc.
+ Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại phát triển hệ thống cửa hàng để trở thành kênh phân phối chủ yếu hàng công nghiệp tiêu dùng.
+ Tại các xã và trung tâm cụm xã, phát triển các chợ hạng III phục vụ cho việc trao đổi mua bán hàng hóa, nông sản; tại các khu dân cư tập trung chú ý phát triển phù hợp siêu thị quy mô hạng III.
b) Thị trường hàng nông sản
- Phát triển các trung tâm mua sắm, siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm ở khu vực đô thị;
- Khuyến khích các nhà sản xuất, nhà cung ứng bán nông sản vào các siêu thị, cửa hàng. Đồng thời phát triển hình thức mua bán thông qua hợp đồng giữa thương nhân và người nông dân.
c) Thị trường ngành hàng, mặt hàng xuất - nhập khẩu
- Đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị tăng thêm cao, tăng sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng thô;
- Phát triển các hệ thống doanh nghiệp xuất, nhập khẩu kết hợp với nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu.
d) Tầm nhìn đến 2030
- Phát triển mạnh các hình thức bán lẻ mới như trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh và siêu thị dạng kho hàng trong đó chủ yếu là loại hình kinh doanh tổng hợp.
- Từng bước hiện đại mạng lưới phân phối, hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng, trong đó chú trọng phát triển các chuỗi liên kết theo phương thức nhượng quyền kinh doanh và các chuỗi liên kết tự nguyện của các siêu thị nhỏ, các cửa hàng chuyên doanh để tăng năng lực cạnh tranh;
- Phát triển các trung tâm logistics để cung cấp đồng bộ các dịch vụ hậu cần phân phối.
- Hệ thống doanh nghiệp thương mại
+ Các doanh nghiệp thương mại bán lẻ: Phát triển các doanh nghiệp thương mại bán lẻ của các thành phần kinh tế theo những loại hình như: trung tâm thương mại; siêu thị vừa và nhỏ; chợ tổng hợp, chợ chuyên doanh, chợ nông thôn...
+ Các doanh nghiệp thương mại bán buôn: Tiếp tục phát triển các doanh nghiệp thương mại bán buôn theo các loại hình như: công ty bán buôn tổng hợp, công ty bán buôn chuyên doanh, hợp tác xã thương mại thu mua, trung tâm kho vận và trung chuyển.
+ Các đại lý:
Thay đổi chức năng và vai trò của các đại lý từ bán buôn đơn thuần sang cung cấp dịch vụ là chính. Các nhà bán buôn, đại lý sẽ chuyển trọng tâm từ mua bán, giao dịch, lợi nhuận ngắn hạn chuyển sang xây dựng thương hiệu dịch vụ phân phối hàng hóa;
Tăng mức độ chuyên nghiệp hóa trong hệ thống đại lý, phát triển một cách chuyên nghiệp hóa theo từng loại hình kênh phân phối.
4.2.2. Kết cấu hạ tầng thương mại
a) Các khu thương mại
Xây dựng và nâng cấp các khu thương mại tại trung tâm các huyện, trong đó tập trung đầu tư phát triển nhanh ở các khu thương mại tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Móng Cái, cửa khẩu Lào Cai.
b) Các trung tâm trung chuyển và kho vận
Xây dựng trung tâm trung chuyển tại Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lào Cai, Móng Cái và các hệ thống kho bãi tại các cửa khẩu Mường Khương, Xín Mần, Thanh Thủy, Sóc Giang, Hùng Quốc, Tà Lùng, Hoành Mô và Bắc Phong Sinh.
c) Sàn giao dịch hàng hóa
Thí điểm xây dựng sàn giao dịch hàng hóa tại một trong các địa điểm: khu Thương mại Tân Thanh, khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành và Khu thương mại trong khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái và tại các cửa khẩu Hoành Mô, Tà Lùng, Thanh Thủy.
d) Trung tâm thương mại
Xây dựng Trung tâm thương mại tại các khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lào Cai, Móng Cái, Thanh Thủy...
đ) Hệ thống siêu thị
Xây dựng siêu thị tổng hợp hạng 2 tại Hải Hà, Cao Lộc, Vị Xuyên. Đồng thời xây dựng và nâng cấp các siêu thị hạng 3 tại khu vực thị trấn các huyện biên giới.
e) Hệ thống chợ
- Tiếp tục xây dựng và nâng cấp mở rộng hệ thống chợ đường biên tại các lối mở phục vụ nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa của cư dân sinh sống ở khu vực biên giới, kết hợp xây dựng mới một số chợ cửa khẩu;
- Nâng cấp, mở các chợ hạng 3 tại các xã phục vụ nhu cầu tiêu dùng của dân cư trên địa bàn, đồng thời là nơi trao đổi, mua bán hàng nông sản thực phẩm.
6. Một số giải pháp chủ yếu
6.1. Giải pháp ngắn hạn
a) Tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, hệ thống vận tải, kho bãi, khu kiểm hóa tại các khu vực cửa khẩu biên giới. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại tại các khu vực cửa khẩu biên giới như kho tàng để bảo quản, chợ biên giới, khu gia công chế biến, phân loại đóng gói hàng hóa xuất khẩu;
b) Thành lập Trung tâm điều phối hoạt động thương mại biên giới nhằm thu thập đầy đủ, kịp thời và chính xác các thông tin liên quan đến thị trường, cơ chế, chính sách của Trung Quốc để cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời điều tiết các hoạt động xuất khẩu nhằm đạt được hiệu quả nhất.
6.2. Giải pháp dài hạn
a) Tiếp tục triển khai các hoạt động liên quan đến thành lập các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới để thuận tiện cho việc xuất, nhập khẩu hàng hóa. Phối hợp ban hành cơ chế chính sách quản lý thống nhất, có sự phối hợp giám sát giữa hai bên nhằm phát huy tối đa lợi thế của mỗi bên và đảm bảo hài hòa lợi ích chung.
b) Hoàn thiện hành lang pháp lý giữa hai nước, tạo điều kiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính (như thủ tục Hải quan, kiểm dịch động thực vật, thị thực xuất nhập cảnh...) theo mô hình dịch vụ một cửa liên thông, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cư dân biên giới giữa hai nước được trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại hỗ trợ nhau cùng phát triển.
c) Đẩy mạnh các hoạt động thương mại biên giới tại các khu kinh tế cửa khẩu, khu vực chợ biên giới…, cũng như trong khuôn khổ hợp tác kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
d) Phát triển tiểu thủ công nghiệp và khôi phục lại các làng nghề nhằm xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực biên giới.
đ) Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án quy mô lớn và có sức lan tỏa.
e) Triển khai đồng bộ một số giải pháp liên quan khác như phát triển nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, xúc tiến đầu tư nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp và thương mại tuyến biên giới Việt - Trung phát triển.
g) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch nhằm đảm bảo việc triển khai quy hoạch một cách thống nhất, tuân thủ phân bố không gian và liên kết tuyến nhằm hạn chế việc đầu tư chồng chéo gây lãng phí; khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương trong tuyến và phát huy hiệu quả của các dự án đầu tư.
7. Tổ chức thực hiện
a) Bộ Công Thương chịu trách nhiệm công bố "Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại dọc tuyến biên giới Việt - Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" và tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch.
b) Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh trên tuyến biên giới Việt - Trung đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể để tạo điều kiện thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Quy hoạch.
c) Ủy ban nhân dân các tỉnh trên tuyến biên giới Việt - Trung
- Phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch; chỉ đạo xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư. Khẩn trương triển khai xây dựng các công trình hạ tầng đặc biệt là hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, khu, cụm công nghiệp, giao thông, thông tin liên lạc để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
- Căn cứ vào Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt - Trung để rà soát, điều chỉnh nội dung quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại cho phù hợp, tránh đầu tư chồng chéo.
- Xây dựng chương trình chung về xúc tiến kêu gọi đầu tư và triển khai quy hoạch một cách thống nhất, góp phần phát triển hài hòa, giải quyết vấn đề lao động và an sinh xã hội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh tuyến biên giới Việt - Trung và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

PHỤ LỤC
DANH MỤC MỘT SỐ DỰ ÁN ĐẦU TƯ CHỦ YẾU
(Kèm theo Quyết định số 805/QĐ-BCT ngày 23 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
1. CÔNG NGHIỆP KHAI THÁC VÀ CHẾ BIẾN KHOÁNG SẢN
1.
Khai thác và khai thác tận thu kết hợp với tuyến quặng sắt, chì, kẽm
Các huyện giáp biên giới thuộc Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng
2.
Khai thác, mở rộng và tuyển quặng Apatit
Bát Xát (Lào Cai)
3.
Mở rộng, nâng công suất khai thác mỏ đá vôi cung cấp nguyên liệu cho nhà máy xi măng
Cao Lộc (Lạng Sơn) và Bảo Lâm (Cao Bằng)
4.
Mở rộng nhà máy luyện đồng Tằng Loỏng
Bảo Thắng (Lào Cai)
5.
Luyện chì tách bạc và ổn định nguyên liệu đầu vào cho chế biến chì thỏi
Vị Xuyên (Hà Giang), Cao Lộc (Lạng Sơn)
6.
Thăm dò đánh giá trữ lượng đảm bảo khai thác ổn định quặng sắt, đồng, barít, đất hiếm, cao lanh, fenspat, chì kẽm
Các huyện biên giới thuộc Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn
2. CÔNG NGHIỆP CƠ KHÍ, LUYỆN KIM, THIẾT BỊ ĐIỆN, ĐIỆN TỬ
1.
Đóng tàu, thiết bị siêu trường, siêu trọng, máy nâng hạ, vận chuyển, sửa chữa tàu, thuyền
Hải Hà, Móng Cái (Quảng Ninh)
2.
Sản xuất lắp ráp ôtô tải, xe chở khách cỡ nhỏ
Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, Đồng Đăng, Móng Cái
3.
Sản xuất tấm lợp kim loại, kết cấu thép như khung nhà tiền chế, giá kệ
Lào Cai, Cao Lộc (Lạng Sơn), Móng Cái, Hải Hà (Quảng Ninh)
4.
Luyện, cán thép tại Hải Hà
Hải Hà (Quảng Ninh)
5.
Sản xuất cơ khí nhỏ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp
Các huyện giáp biên giới
6
Sản xuất, lắp ráp thiết bị, linh kiện điện tử
Lào Cai, Đồng Đăng (Lạng Sơn), Móng Cái, Hải Hà (Quảng Ninh)
4. SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY DỰNG
1.
Sản xuất gạch không nung
Các huyện giáp biên giới
2.
Sản xuất gạch, ngói lò tuy nen
Mường Nhé, Phong Thổ, Si Ma Cai, Bảo Lạc, Hòa An, Lộc Bình, Cao Lộc, Tràng Định, Đình Lập, Bình Liêu, Hải Hà và một số huyện có tiềm năng
3.
Chuyển đổi công nghệ sản xuất xi măng từ lò đứng sang lò quay
Phong Thổ (Lai Châu), Vị Xuyên (Hà Giang), Bảo Thắng (Cao Bằng)
4.
Sản xuất đá ốp lát, đá xây dựng
Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ (Lai Châu), Bình Liêu, Móng Cái, Hải Hà (Quảng Ninh)
5. CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN NÔNG, LÂM, SẢN THỰC PHẨM
1
Chế biến chè xanh, chè đen công nghệ hiện đại
Mường Nhé, Mường Khương, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Hòa An, Bảo Thắng, Đình Lập, Móng Cái
2
Chế biến thịt gia súc, gia cầm
Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, Đồng Đăng, Móng Cái
3
Sản xuất thức ăn chăn nuôi
Vị Xuyên (Hà Giang), Đồng Đăng (Lạng Sơn), Hải Hà (Quảng Ninh)
4
Kho lạnh bảo quản thực phẩm
Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, Tà Lùng, Lào Cai, Đồng Đăng, Móng Cái
5
Sản xuất rượu
TP Lào Cai, Mường Khương, Si Ma Cai (Lào Cai), Quản Bạ (Cao Bằng), Cao Lộc (Lạng Sơn), Yên Minh (Hà Giang), Bình Liêu (Quảng Ninh)
6
Sản xuất gỗ ván dăm, MDF, tinh bột giấy
Mường Tè (Lai Châu), TP Lào Cai, Si Ma Cai, Mường Khương, Bảo Thắng (Lào Cai), Bảo Lạc, Thông Nông, Phục Hòa (Cao Bằng), Cao Lộc, Tràng Định (Lạng Sơn), Móng Cái, Bình Liêu (Quảng Ninh)
7
Chế biến nhựa thông, tinh dầu hồi, quế
Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng
6. CÔNG NGHIỆP HÓA CHẤT VÀ SẢN PHẨM HÓA CHẤT
1.
Sản xuất phân DAP
Bảo Thắng (Lào Cai)
2.
Mở rộng Nhà máy phốt pho vàng
Bảo Thắng (Lào Cai)
3.
Sản xuất phân vi sinh
Cao Lộc (Lạng Sơn), Bình Liêu (Quảng Ninh)
4.
Chiết xuất hóa dược có nguồn gốc thiên nhiên
TP Lào Cai (Lào Cai), Tà Lùng (Cao Bằng), Thanh Thủy, Vị Xuyên (Hà Giang)
5.
Sản xuất chất tẩy rửa công nghiệp, dân dụng
TP Lào Cai (Lào Cai), Móng Cái (Quảng Ninh)
6.
Chế biến mủ cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp
Các huyện thuộc Điện Biên, Lai Châu
7.
Sản xuất thuốc kháng sinh, hóa dược vô cơ và tá dược thông thường
Thành phố Lào Cai, Cao Lộc, Móng Cái,
7. CÔNG NGHIỆP MAY MẶC, DA GIẦY
1.
Sản xuất sợi, vải và các phụ phẩm
Móng Cái (Quảng Ninh)
2.
Khôi phục thêu, dệt thổ cẩm
Các địa phương có làng nghề
3.
Sản xuất giầy xuất khẩu
Khu kinh tế cửa khẩu
8. SẢN XUẤT VÀ PHÂN PHỐI ĐIỆN
1
Huội Quảng #1, 2
Lai Châu
2
Sông Lô 6
Bắc Quang
4
Đồng bộ hóa hệ thống lưới điện giữa nguồn và phụ tải
Các huyện giáp biên giới
5
Thủy điện Lai Châu
Mường Tè, Lai Châu
6
Thủy điện Bảo Lâm
Bảo Lâm, Cao Bằng
7
Nhiệt điện Na Dương II # 1,2
Lộc Bình, Lạng Sơn
8
Các dự án thủy điện nhỏ phù hợp với quy định tại Thông tư số: 43/2012/TT-BCT
Các huyện giáp biên giới
9. HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI
Huyện Mường Nhé

Các khu chức năng
Cửa khẩu A Pa Chải
Chợ hạng 3
Trung tâm huyện
Huyện Phong Thổ

Các khu chức năng
Cửa khẩu Ma Lù Thàng
Chợ hạng 3
Trung tâm huyện
Siêu thị
Trung tâm huyện
Trung tâm thương mại
Trung tâm huyện
Siêu thị
Trung tâm huyện
Siêu thị
Xã Nậm Hàng
02 Chợ biên giới
Thu Lũm, Ka Lăng
Huyện Sìn Hồ

Chợ hạng 2
Trung tâm huyện
Siêu thị hạng 3
Nậm Tăm
TP Lào Cai

Đại siêu thị
KKT Cửa khẩu Lào Cai
Nâng cấp trung tâm thương mại Kim Thành
KKT Cửa khẩu Lào Cai
Kho chứa hàng hóa
KKT Cửa khẩu Lào Cai
TT giới thiệu sản phẩm
KKT Cửa khẩu Lào Cai
Sàn giao dịch hàng hóa
KKT Cửa khẩu Lào Cai
Huyện Bát Xát

Chợ hạng 2
Trung tâm huyện
Siêu thị hạng 3
Trung tâm huyện
Huyện Bảo Thắng

Chợ hạng 2
Trung tâm huyện
Siêu thị hạng 3
Trung tâm huyện
Huyện Mường Khương

Kho chứa hàng hóa
Cửa khẩu Mường Khương
Chợ hạng 2
Trung tâm huyện
Siêu thị hạng 3
Trung tâm huyện
Huyện Si Ma Cai

Siêu thị hạng 3
Trung tâm huyện
Huyện Xín Mần

Kho chứa hàng hóa
Cửa khẩu Xín Mần
Chợ hạng 2
Cửa khẩu Xín Mần
Siêu thị tổng hợp loại 3
Thị trấn Cốc Pài
Huyện Hoàng Su Phì

Siêu thị hạng 3
Thị trấn Vinh Quang
Huyện Vị Xuyên

Kho chứa hàng hóa
Cửa khẩu Thanh Thủy
Khu thương mại
Cửa khẩu Thanh Thủy
Siêu thị hạng 2
Thị trấn Vị Xuyên
Huyện Quản Bạ

Siêu thị hạng 3
Trung tâm huyện
Huyện Yên Minh

Siêu thị hạng 3
Trung tâm huyện
Huyện Đồng Văn

Siêu thị hạng 3
Thị trấn Phố Bàng, Đồng Văn
Huyện Mèo Vạc

Siêu thị hạng 3
Thị trấn Mèo Vạc
Điểm thương mại
Nho Quế
Siêu thị hạng 3
Nho Quế
Huyện Hà Quảng

Kho chứa hàng hóa
Cửa khẩu Sóc Giang
Khách sạn
Cửa khẩu Sóc Giang
Chợ hạng 2
Cửa khẩu Sóc Giang
Siêu thị tổng hợp loại 3
Cửa khẩu Sóc Giang
Huyện Trà Lĩnh

TT giao dịch thương mại
Cửa khẩu Hùng Quốc
Siêu thị hạng 3
Cửa khẩu Hùng Quốc
Kho chứa hàng hóa
Cửa khẩu Hùng Quốc
Cải tạo, nâng cấp cặp chợ biên giới
Đức Long-Bó Cục
Huyện Trùng Khánh

Siêu thị hạng 3
Cửa khẩu Ngọc Khê
Chợ biên giới
Khu vực thác Bản Giốc
Huyện Phục Hòa

Siêu thị hạng 2
Cửa khẩu Tà Lùng
Kho chứa hàng hóa
Cửa khẩu Tà Lùng
Sàn giao dịch hàng hóa
Cửa khẩu Tà Lùng
Huyện Thạch An

Siêu thị hạng 2
Thị trấn Đông Khê
Huyện Cao Lộc

Siêu thị hạng 1
KKT Cửa khẩu Đồng Đăng
TT thương mại
KKT Cửa khẩu Đồng Đăng
TT bán buôn
KKT Cửa khẩu Đồng Đăng
TT giới thiệu sản phẩm
KKT Cửa khẩu Đồng Đăng
Siêu thị hạng 2
Thị trấn Cao Lộc
Huyện Lộc Bình

TT thương mại
Cửa khẩu Chi Ma
Siêu thị hạng 3
Thị trấn Lộc Bình
Siêu thị tổng hợp
Cửa khẩu Chi Ma
Huyện Tràng Định

TT thương mại
Thị trấn Thất Khê
Siêu thị hạng 3
Thị trấn Thất Khê
Huyện Văn Lãng

Siêu thị hạng 1
Cửa khẩu Tân Thanh
TT thương mại
Thị trấn Na Sầm
Siêu thị tổng hợp
Thị trấn Na Sầm
Huyện Đình Lập

Siêu thị hạng 3
Thị trấn Đình Lập
Huyện Bình Liêu

Siêu thị tổng hợp
Cửa khẩu Hoành Mô
Kho chứa hàng hóa
Cửa khẩu Hoành Mô
Sàn giao dịch hàng hóa
Cửa khẩu Hoành Mô
Siêu thị hạng 3
Thị trấn Bình Liêu
Huyện Hải Hà

Siêu thị hạng 2
Cửa khẩu Bắc Phong Sinh
Kho chứa hàng hóa
Cửa khẩu Bắc Phong Sinh
TT thương mại
Cửa khẩu Bắc Phong Sinh
TT giới thiệu sản phẩm
Cửa khẩu Bắc Phong Sinh
Siêu thị hạng 2
Khu vực thị trấn
Thành phố Móng Cái

Siêu thị hạng 1
Cửa khẩu Móng Cái
Kho chứa hàng hóa
Cửa khẩu Móng Cái
Sàn giao dịch hàng hóa
Cửa khẩu Móng Cái
TT thương mại
Cửa khẩu Móng Cái
TT Hội chợ triển lãm
Thành phố Móng Cái
TT giới thiệu sản phẩm
Cửa khẩu Móng Cái
TT bán buôn
Cửa khẩu Móng Cái


Tại sao thích hàng Nhật? Bài học công nghệ second



Bạn đã biết các sản phẩm do người Nhật thiết kế, chế tạo được tận dụng như thế nào?

Chủ nhật 7/12/1941 tại Trân Châu Cảng ( Hoa Kỳ lần đầu thất bại thảm hại tại chính quốc)
Trận tấn công đã đánh chìm 4 thiết giáp hạm Hoa Kỳ (2 chiếc trong số đó sau này được vớt lên và đưa trở lại hoạt động), và gây hư hỏng cho 4 chiếc khác.

Quân Nhật còn đánh chìm hoặc phá hoại 3 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục và 1 tàu thả mìn, phá hủy 188 máy bay, gây tổn thất về nhân mạng là 2.402 người tử trận và 1.282 người khác bị thương.  Thiệt hại về phía Nhật Bản nhỏ, chỉ mất 29 máy bay và 4 tàu ngầm bỏ túi, với 65 người thương vong.



Số lượng vàng mà Nhật Bản đã chiếm trong WW2 đủ để mua cả thế giới này, cỡ khoảng hàng vạn tỉ USD, liệu bạn có tin nổi không? “Kế hoạch Kim bách hợp, chỉ riêng ở Nam Kinh (Trung Quốc), phát xít Nhật đã thu được hơn 6.000 tấn vàng”.



Phà Sewol: Nhật sản xuất năm 1994, công ty hàng hải Chonghaejin của Hàn Quốc năm 2012, tự hoán cải tăng từ 6.586 đến 6.825 tấn, chìm ngày 16/4/2014.



Trung tâm thương mại thế giới (lồng thép) do kiến trúc sư Nhật thiết kế: Khởi công từ 1966 và khánh thành vào 4 tháng 4 năm 1973, sụp đổ ngày 11/9/2001.



 Và hàng Nhật hôm nay dụ dẫn tổ lái VNA đánh hàng chôm chỉa! (ảnh minh họa)




 nổi 83M : Nhật sản xuất 1962, Vinalines Việt Nam mua về thành “đại án”


Nhật cho vay, rồi hối lộ để trúng thầu: Xa lộ Đông Tây (miền Nam) thành án; 



Đường sắt ở miền Bắc (nghi án).

QUỸ HỢP TÁC KINH TẾ HẢI NGOẠI NHẬT BẢN (OECF) CHO CÁC DỰ ÁN XÂY DỰNG CƠ BẢN có vẻ êm êm khi dùng nhựa đường, của Nhật bán ,…


Thôi dừng ở đây!