Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Thư Gửi Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 1945



Thư Gửi Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ  Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 1945 

Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Bộ trưởng Ngoại giao gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Oa sinh tơn, D.C.

Thưa Ngài,
Tình hình ở Nam Việt Nam đã đến giai đoạn khẩn cấp và đòi hỏi có sự can thiệp ngay tức thời từ phía Liên hợp quốc. Tôi hy vọng qua lá thư này sẽ gửi đến Ngài một số điều làm sáng tỏ thêm về trường hợp Việt Nam mà trong ba tuần qua đã được sự chú ý của toàn thế giới.

Trước hết, tôi xin được chuyển tới Chính phủ của Ngài một số tư liệu, trong đó có bản Tuyên ngôn Độc lập của chúng tôi, bản công bố của cựu Hoàng đế Bảo Đại vào dịp ông thoái vị, bản Tuyên bố của Chính phủ chúng tôi về chính sách đối ngoại chung, và một bức công hàm nêu rõ lập trường của chúng tôi đối với các vấn đề có liên quan tới Nam Việt Nam.

Như các tư liệu này sẽ chỉ ra với Ngài, trong vài năm qua, nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá trình phát triển mà đương nhiên đã đưa dân tộc Việt Nam tới vị trí hiện thời. Sau 80 năm dưới sự đô hộ của Pháp và sự kháng cự mặc dù kiên cường nhưng đã không thành công của Việt Nam, cuối cùng chúng tôi đã thấy Pháp thất bại ở châu Âu, sau đó là sự phản bội của họ đối với các nước Đồng minh lần lượt vì quyền lợi của Đức, rồi Nhật Bản. Mặc dù lúc đó, các nước Đồng minh đang ở thế bất lợi, người Việt Nam đã gác sang một bên tất cả những khác biệt trong quan điểm chính trị, thống nhất lại trong Mặt trận Việt Minh và bắt đầu cuộc chiến đấu quyết liệt chống quân Nhật.

Trong khi đó, bản Hiến chương Đại Tây Dương đã được ký kết, xác định mục tiêu chiến tranh của các nước Đồng minh và đặt nền tảng cho sự nghiệp hoà bình. Những nguyên tắc cao quý của sự công bằng và bình đẳng quốc tế về địa vị được nêu lên trong bản Hiến chương này đã lôi cuốn mạnh mẽ dân Việt Nam, và góp phần làm cho cuộc kháng chiến của Việt Minh ở các vùng có chiến tranh thành một phong trào kháng Nhật rộng khắp quốc gia, có tiếng vang mạnh mẽ trong những khát vọng về dân chủ của dân chúng. Hiến chương Đại Tây Dương được xem như nền tảng của nước Việt Nam trong tương lai. Một cương lĩnh kiến quốc đã được dự thảo mà về sau người ta thấy rằng nó phù hợp với Hiến chương Xan Phranxixcô, và đã được thực hiện hoàn toàn trong mấy năm qua: cuộc đấu tranh liên tục chống lại người Nhật đã đem lại sự phục hồi nền độc lập dân tộc vào ngày 19 tháng 8, sự tự nguyện thoái vị của cựu Hoàng đế Bảo Đại, việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, sự giúp đỡ các quốc gia Đồng minh trong việc giải giáp người Nhật, việc chỉ định một Chính phủ lâm thời mà sứ mệnh của nó là thực hiện các Hiến chương Đại Tây Dương và Xan Phranxixcô, và làm cho các quốc gia khác cũng thực hiện các Hiến chương đó. 

Trên thực tế, việc thực hiện Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Xan Phranxixcô bao hàm việc thủ tiêu chủ nghĩa đế quốc cùng tất cả các hình thức áp bức thực dân. Đáng tiếc là điều này lại đi ngược lại với lợi ích của một số người Pháp và nước Pháp, mà với nó, những tên thực dân đã từ lâu che đậy sự thực về Đông Dương, thay vì tham gia những cuộc đàm phán có thể mang lại hoà bình, lại viện đến một cuộc tiến công xâm lược, với tất cả những phương tiện... Hơn nữa, thuyết phục người Anh tin rằng Việt Nam đang hy vọng sự trở lại của ách cai trị Pháp, họ đã đạt được trước hết là từ Bộ tư lệnh Anh ở Đông Nam á, sau đó là Luân Đôn, sự công nhận ngầm đối với chủ quyền và trách nhiệm hành chính của họ trong chừng mực liên quan tới Nam Việt Nam. Người Anh đã làm cho người ta hiểu rằng họ đồng ý về vấn đề đó, với cơ sở là việc tái lập sự cai trị của Pháp, và tiếp theo là sự cộng tác Pháp - Việt, sẽ giúp họ đẩy nhanh tốc độ giải giới và giải giáp người Nhật. Nhưng các sự kiện xảy ra sau đó sẽ chứng tỏ tính chất nguỵ biện của lập luận này. Toàn thể dân tộc Việt Nam đã đứng lên muôn người như một chống lại cuộc xâm lược của Pháp. Cuộc phục kích trên đường phố đầu tiên do người Pháp gây ra rạng sáng 23 tháng 9 đã nhanh chóng phát triển thành một cuộc chiến tranh thực sự và có tổ chức trong đó cả hai bên đều bị tổn thất nặng nề. Việc chở quân tiếp viện quan trọng của Pháp tới trên chiếc tàu chiến lớn nhất trong số tàu chiến còn lại của họ, sẽ mở rộng hơn nữa khu vực chiến tranh. Khi mà cuộc đánh nhau giết chóc vẫn đang tiếp diễn ở Inđônêxia, và khi mà hằng ngày vẫn có tin đưa về những hành động dã man của người Pháp, chúng tôi có thể dự đoán sự bùng lên của một cuộc xung đột rộng khắp ở Viễn Đông.
Như vậy, tình hình Nam Việt Nam đòi hỏi sự can thiệp tức thời. Ở đây, việc thành lập ủy ban tư vấn Viễn Đông đã được đón nhận một cách nồng nhiệt như là bước đi đầu tiên có hiệu quả tiến tới một giải pháp công bằng đối với các vấn đề còn tồn tại. Nhân dân Việt Nam chỉ đòi hỏi nền độc lập hoàn toàn và vì sự tôn trọng sự thực và công lý, trình bày trước Ngài những nguyện vọng sau đây của chúng tôi.
1. Vấn đề liên quan tới Nam Việt Nam phải được thảo luận tại cuộc họp đầu tiên của Uỷ ban tư vấn Viễn Đông.
2. Đoàn đại biểu Việt Nam phải được phép tới dự để phát biểu những quan điểm của Chính phủ Việt Nam.
3. Một Uỷ ban điều tra phải được cử tới Nam Việt Nam.
4. Nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam phải được Liên hợp quốc công nhận.
Nhân dịp này tôi xin gửi tới Ngài lời chúc tốt đẹp nhất.
Kính thư
-----
United States - Vietnam Relations
1945-1967, U.S.government printing
office, Washington, 1971, p.80-81.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét