HTX được
kinh doanh tất cả những ngành mà pháp luật không cấm, HTX kinh doanh ngành nào
phải chịu quản lý nhà nước về ngành đó, được hưởng những ưu đãi và thực hiện
nghĩa vụ như các doanh nghiệp khi tham gia thị trường. HTX được hưởng những
chính sách khuyến khích phát triển của nhà nước Trung ương và quy định của địa
phương, HTX có những quy định riêng về, nghĩa vụ, lợi ích của xã viên,... Dưới
đây xin giới thiệu phác thảo một số mô hình HTX theo ngành.
1. HTX
dịch vụ nông nghiệp tổng hợp
- Xã viên:
Dân cư, các pháp nhân trên địa bàn, khách hàng ổn định
- Sản phẩm,
dịch vụ: Theo nhu cầu của xã viên và thị trường
- Địa bàn:
Thôn, xã, cụm dân cư không phụ thuộc vào địa giới hành chính
- Hình thức
tổ chức kinh doanh: HTX làm dịch vụ tập trung hỗ trợ xã viên sản xuất kinh
doanh và đáp ứng nhu cầu đời sống
- Vốn: Vốn
góp của xã viên, vay, vốn ứng trước của xã viên, vốn ứng trước của các đơn vị
bao tiêu sản phẩm
- Công nghệ:
Công nghệ tiên tiến ở một số khâu, công nghệ sử dụng nhiều lao động để làm dịch
vụ như bán hàng, sửa chữa, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, sử dụng sản
phẩm,…
- Thị
trường: Tại địa phương là chính
- Nguồn hỗ
trợ: Từ các chương trình kinh tế -xã hội của nhà nước và tổ chức phi chính phủ
phát triển cộng đồng địa phương. Chú trọng các dự án nhỏ hỗ trợ nhóm sở thích
quy mô nhỏ, các đối tượng dễ bị tổn thương trước kinh tế thị trường làm biến
đổi nếp sống.
- Đặc điểm
của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp là kinh doanh nhiều ngành nghề, lĩnh vực
lấy lợi ích của ngành có lợi nhuận cao hỗ trợ ngành khác, nhiều dịch vụ phục vụ
xã viên và cộng đồng như hiếu hỷ, lễ hội, phong trào đoàn thể, tập quán. Để duy
trì dịch vụ tổng hợp, HTX phân ra nhiều tổ nhóm, đội, công ty trực thuộc, các
chi nhánh ở địa phương khác và khoán việc, khoán nộp. Mô hình này có những nét
tương đồng với chương trình Tam nông (Nông dân, nông nghiệp, nông thôn)
và kiểu kinh tế xã ở Trung Quốc. Ở đó quyền tự chủ của HTX, xã viên được
nâng cao trong sự hỗ trợ của chính quyền về hạ tầng và các đơn đặt hàng theo
chương trình của nhà nước với mục đích để cộng đồng phát triển bền vững bằng
chính nỗ lực của cộng đồng. Trong môi trường hiện nay, HTX dịch vụ nông nghiệp
tổng hợp cần tiếp thu những kinh nghiệm giá trị đích của các HTX quốc tế các
kibbutz của Israen, Jenchu của Nhật Bản, các HTX nông nghiệp toàn xã ở Việt Nam
trong quá khứ và hiện tại.
Thông thường
những HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp không tích luỹ được nhiều lợi nhuận tập
trung vào HTX nhưng lợi ích của cộng đồng ở dạng các công trình công cộng và
phúc lợi cùng những lợi ích của mỗi xã viên do HTX hỗ trợ lại hiện lên rõ nét.
2. HTX
chăn nuôi
· Xã
viên: Các hộ gia đình, các nhà cung cấp đầu vào và bao tiêu sản phẩm ổn định.
· Sản phẩm, dịch vụ: đầu vào, đầu ra của chăn nuôi
· Địa bàn: Thôn, xã, cụm, vùng dân cư
· Hình thức tổ chức kinh doanh: HTX làm tối đa dịch vụ
đầu vào, đầu ra của chăn nuôi với chi phí thấp để xã viên giảm chi phí, giảm
các công đoạn sản xuất riêng lẻ nhưng đạt lợi nhuận cao nhất trên đồng vốn đầu
tư.
· Vốn: Vốn của xã viên, vốn ứng trước của nhà cung cấp
đầu vào và bao tiêu đầu ra, giảm vốn vay.
· Công nghệ: Áp dụng công nghệ hiện đại nhất về giống,
nguồn thức ăn, thú y và tự động hóa về quy trình chăn nuôi, giảm tối đa số lao
động/đầu gia súc, gia cầm. Cũng như các HTX sản xuất lương thực, thực phầm cần
chú trọng chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phầm.
· Thị trường: Ngoài địa phương, hướng vào xuất khẩu
· Nguồn hỗ trợ: Chương trình khuyến nông, chương trình
kinh tế xã hội của nhà nước và các tổ chức phi Chính phủ, các chương trình của
doanh nghiệp lớn trong ngành ví dụ như chương trình giống siêu lạc, giống kháng
bệnh,…
· Hiệu quả: Khảo sát ở huyện Nam Sách, Hải Dương; huyện
Từ Sơn và Tiên Du, Bắc Ninh cho thấy thu nhập của xã viên đạt từ 100000-150000
đồng/đầu lợn thịt xuất chuồng, thấp hơn người giết mổ, chế biến! Ý tưởng về một
tổ hợp liên hoàn chăn nuôi, giết mổ, chế biến công nghiệp tiêu thụ trong nước
và xuất khẩu trực tiếp cần có một dự án với tài trợ lãi suất thì hiệu quả xã
viên sẽ tăng lên ít nhất 50% tức là đạt từ 100000-220000 đồng/đầu lợn tiêu
chuẩn xuất chuồng (trọng lượng khoảng gần 100 kg/con)
3. HTX
trồng trọt
- Xã viên:
Các hộ, chủ trang trại, người có đất canh tác, các nhà cung cấp vật tư, bao
tiêu, chế biến sản phẩm.
- Sản phẩm,
dịch vụ: Cây trồng có giá trị cao, có tính cạnh tranh do đặc điểm tự nhiên của
địa phương
- Địa bàn:
Tập trung liền vùng đất canh tác để áp dụng công nghệ cơ giới, đạt quy mô về
sản phẩm.
- Hình thức
tổ chức kinh doanh: HTX vận động xã viên “dồn điền, đổi thửa”, thuê đất của xã
viên; xã viên được trả tiền thuê đất ổn định theo năm, được trả công khi làm
việc cho HTX. HTX làm dịch vụ cho các hộ canh tác. HTX sản xuất tập trung và hỗ
trợ xã viên sản xuất tiêu thụ sản phẩm.
Một số ý
kiến trả lời về thu nhập của người trồng lúa ở Sóc Sơn, Hà Nội: “Nếu thuê và
trả toàn bộ các chi phí sản xuất thì mỗi sào lúa, ngoài rơm rạ chỉ thu được
100-150000 đồng/vụ. Do vậy, HTX thuê đất của xã viên cũng nên căn cứ vào mức
thu nhập này”
- Vốn: Vốn
góp của xã viên, vốn vay, vốn ứng trước, vốn từ các chương trình chuyển đổi cơ
cấu cây trồng, chương trình khuyến nông.
- Công nghệ:
Sử dụng giống mới, kỹ thuật canh tác tiên tiến, giảm lao động trên diện tích
canh tác, công nghệ bảo quản trong quá trình sinh trưởng và sau thu hoạch; chú
trọng giống mới, giống cho chất lượng sản phẩm, cần có những vùng đất ươm
trồng, sản xuất cây giống mới. Có thể thành lập các HTX chuyên về làm giống
cây.
- Thị
trường: Ngoài địa phương và xuất khẩu
- Nguồn hỗ trợ: Chương trình khuyến
nông, chương trình kinh tế xã hội của nhà nước và các tổ chức phi Chính phủ,
các chương trình của doanh nghiệp lớn trong ngành.
- Hiệu quả:
Một số hộ xã viên ở Việt Nam có thể thu nhập cá biệt từ 100 đến 300 triệu
đồng/ha/năm đối với cây đặc sản như hoa, cây dược liệu, rau quả cao cấp nhưng
phải đầu tư lớn trong đó đầu tư về thương hiệu và tiếp thị, nhà kính, nhà lưới,
điện, nước, nhân công. Khi đại trà mô hình thì thu nhập lại giảm và rủi ro. Cần
có quy hoạch cây trồng và hỗ trợ thị trường cho người sản xuất trong phạm vi quốc
gia.
4. Nuôi
trồng thủy sản và nghề muối
· Xã viên: Các hộ, chủ trang trại có mặt nước, có khả
năng cải tạo đất trũng thành mặt nước hoặc ruộng nước kết hợp trồng và nuôi
thủy sản, các khách hàng mua bán ổn định,…
· Sản phẩm: Các sản phẩm thủy sản có giá trị cao ở trong
và ngoài nước.
· Địa bàn: Theo diện tích mặt nước có khả năng liên kết
hệ thống cấp thoát nước.
· Hình thức tổ chức kinh doanh: HTX thuê mặt nước của xã
viên, xã viên được tiền thuê và tiền công lao động; HTX thuê ruộng trũng để
chuyển đổi cơ cấu cây-con.
· Vốn: Vốn góp, vốn vay, vốn của chương trình khuyến
ngư.
· Công nghệ: Giống mới, kỹ thuật nuôi trồng tiên tiến;
giảm lao động trên diện tích mặt nước, sản lượng sản phẩm.
· Thị trường: Hướng mạnh vào xuất khẩu.
· Nguồn hỗ trợ :Chương trình khuyến ngư, chương trình
kinh tế xã hội của nhà nước và các tổ chức phi Chính phủ, các chương trình của
doanh nghiệp lớn trong ngành thủy sản.
5. HTX
đánh bắt thủy sản
- Xã viên:
Cá nhân, hộ có nghề đi biển, chủ tàu thuyền, nhà cung cấp xăng dầu, ngư lưới
cụ, doanh nghiệp chế biến thủy sản,…
- Sản phẩm:
Hải sản có giá trị cao
- Địa bàn:
Ngư trường phù hợp với năng lực tàu thuyền và trình độ người đi biển.
- Hình thức
tổ chức kinh doanh: HTX đóng tàu, thuê tàu rồi cho xã viên thuê; HTX làm các dịch
vụ với chi phí thấp nhất cho mỗi chuyến đi. HTX thuê tàu của xã viên, xã viên
được tiền thuê và giới thiệu người lao động đi biển.
- Vốn: Vốn
góp của xã viên đóng mới, mua tàu, sở hữu tàu theo vốn góp; đăng kiểm tàu lấy
tên HTX và giao lại cho các xã viên sở hữu tàu; vốn vay, vốn ứng của khách hàng
mua hải sản,…
- Công nghệ:
Đủ tiêu chuẩn tàu đi biển, ngư lưới cụ và kỹ thuật đánh bắt, sơ chế tiên tiến,
thiết bị liên lạc, cứu hộ hiện đại, mua bảo hiểm con người và tàu thuyền.
- Thị
trường: Xuất khẩu hải sản là chính, có thể xuất khẩu thuyền viên.
- Nguồn hỗ trợ: Chương trình khuyến
ngư, chương trình kinh tế biển của nhà nước và các tổ chức phi Chính phủ, các
chương trình của doanh nghiệp lớn trong ngành.
6. HTX
công nghiệp
· Xã viên: Cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình gia công các
chi tiết và lắp ráp sản phẩm, các nhà đầu tư tài chính, chú ý những doanh
nghiệp xuất khẩu sản phẩm, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu,…
· Sản phẩm, dịch vụ: hàng hóa thành phẩm, chi tiết sản
phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
· Địa bàn: Gắn với các khu công nghiệp, nơi có sản xuất
sản phẩm truyền thống, lao động có tay nghề cao.
· Hình thức tổ chức kinh doanh: Sản xuất tập trung; hỗ
trợ xã viên gia công chi tiết sản phẩm, đại lý tiêu thụ.
· Vốn: Vốn góp, vốn vay, vốn ứng trước, vốn huy động trên thị trường chứng
khoán,…
· Công nghệ: Tiên tiến đạt số lượng và tiêu chuẩn xuất
khẩu, tiêu chuẩn VN
· Thị trường: Xuất khẩu, có thể xuất khẩu bán thành
phẩm, tiêu dùng trong nước.
· Nguồn hỗ trợ: Chương trình khuyến
công, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, chương trình xúc tiến thương mại của
Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, từ đơn đặt hàng .
Hợp tác xã công nghiệp cần chọn quy mô, ngành nghề, sản
phẩm thích hợp: Ví dụ như chế biến nông sản của những hộ xã viên, hợp tác xã,
ví dụ như mô hình Coopel của Pháp đã liên kết các HTX, xã viên chăn nuôi, sơ
chế và chế biến thịt lợn. Ở Việt Nam có thể hình thành các HTX chế biến súc
sản, xay xát gạo, đánh bóng nhân cà phê và chế biến thủy sản. HTX này là thành
viên của liên hiệp HTX trong vùng chuyên sản xuất nông sản. Các HTX quy mô vừa
có thể tiếp cận với các doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn để nhận gia
công, lắp ráp các chi tiết sản phẩm hoặc cung ứng các dịch vụ như suất ăn công
nghiệp cho công nhân.
7. HTX tiểu thủ công nghiệp
- Xã viên:
cá nhân, nghệ nhân, người có tay nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ, các pháp nhân
tham gia cung ứng và bao tiêu sản phẩm.
- Sản phẩm,
dịch vụ: Hàng thủ công mỹ nghệ thuần khiết và hàng thủ công mỹ nghệ có gắn chi
tiết hiện đại.
- Địa bàn:
Gắn với các làng nghề, phố nghề, vùng đất nghề truyền thống, tạo lập nghề mới ở
các vùng đô thị hoá, gia công, sản xuất sản phẩm truyền thống của các nền văn
hóa trên thế giới và khu vực.
- Hình thức
tổ chức kinh doanh: HTX sản xuất tập trung cung cấp nguyên liệu qua xử lý, gia
công các chi tiết đòi hỏi cơ giới và bí quyết, hỗ trợ đầu vào, đầu ra, đào tạo
lao động theo phương thức truyền nghề.
- Vốn: Vốn
góp, vốn vay, vốn của các chương trình bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, vốn
ứng trước,…
- Công nghệ:
Theo công nghệ truyền thống, tự động hóa một số khâu.
- Thị trường: Xuất khẩu là chính
- Nguồn
hỗ trợ: Chương trình khuyến công, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, chương
trình xúc tiến thương mại, du lịch của Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ.
Lợi thế của HTX TTCN là lao động tại chỗ, đơn giá tiền
lương không cao nhưng ổn định, nguồn nguyên liệu tại địa phương, lao động thủ
công nên giá thành sản phẩm giảm, có sức cạnh tranh. Vấn đề là tạo mẫu mã sản
phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Những HTX mây,
tre, nứa, lá đan lát, mộc rèn, đúc, gốm sứ mỹ nghệ,…xuất khẩu thành công ở Việt
Nam cần được nhân rộng thông qua các chương trình khuyến công, chương trình
xuất khẩu. Đôi khi vì theo đuổi các dự án công nghiệp quy mô lớn, có vốn đầu tư
cao chúng ta đã không chú ý thích đáng đến các HTX TTCN. Trên 2000 HTX công
nghiệp và TTCN ở Việt Nam cần được quan tâm thích đáng của nhà nước để phục hồi
phát triển hơn 2000 làng nghề (làng nghề có trên 100 năm) toàn dụng nguồn nhân
lực và các lợi thế. Có thể xây dựng chương trình phát triển HTX này với sự hỗ
trợ tín dụng, chuyên gia để đổi mới công nghệ và mở mang thị trường.
8. HTX
giao thông, vận tải
· Xã viên: Cá nhân, các chủ phương tiện, các khách hàng
ổn định nhu cầu vận tải hàng hoá, hành khách trên các tuyến cố định, khách hàng
khác.
· Sản phẩm, dịch vụ: Vận tải hành khách, hàng hoá, dịch
vụ sửa chữa phương tiện vận tải, dịch vụ cung cấp nhiên liệu, bến bãi, kho
tàng, ăn nghỉ,...
· Địa bàn: Trên các tuyến giao thông trong nước và quốc
tế.
· Hình thức tổ chức kinh doanh: HTX kinh doanh tập
trung; HTX hỗ trợ xã viên bằng các dịch vụ đăng ký phương tiện mang tên HTX sau
đó giao lại cho xã viên, bảo lãnh vay vốn bằng cách thế chấp chính phương tiện
đó. HTX đứng tên vay tín dụng thuê mua (leasing- bên cho vay đứng chủ sở hữu,
bên vay sử dụng và trả dần cho đến khi trả đủ sẽ được sở hữu, hoặc trả số tiền
tương đương với thời gian và công năng phương tiện mà bên vay sử dụng nhưng
không sở hữu), HTX làm dịch vụ đăng kiểm, bảo hiểm, mở luồng tuyến, bến bãi,
cung cấp nhiên liệu, sửa chữa thay thế phụ tùng, đào tạo lái xe, phụ xe,…với
chi phí cạnh tranh.
· Vốn: Vốn góp, vốn của xã viên làm chủ sở hữu phương
tiện, vốn vay, vốn tín dụng thuê mua,…
· Công nghệ: Các phương tiện chất lượng cao được phép
lưu hành tại Việt Nam.
· Thị trường: Trong nước và quốc tế
· Nguồn hỗ trợ: Chương trình giao thông công cộng của
nhà nước, các tổ chức phi chính phủ.
HTX giao thông vận tải có thể mở mang thêm nhiều dịch vụ
mới với các loại phương tiện được phép tham gia giao thông. Ví dụ như Liên hiệp
HTX giao thông vận tải có thể đầu tư cây xăng bán giá thấp (không lấy lãi như
các cây xăng khác), hỗ trợ xã viên thông qua dịch vụ phân bổ luồng tuyến, thiết
bị thông tin, các cơ sở sửa chữa bảo hành bảo trì phương tiện, mua bảo hiểm
trách nhiệm dân sự chủ phương tiện,… HTX của những xã viên chạy xe ôm được lắp
công tơ tính giá cước cạnh tranh, HTX xích lô, taxi, xe vận tải cỡ nhỏ, tàu
thuyền. Xã viên nhận thấy lợi ích sẽ tham gia HTX.
Loại hình HTX vận tải ở Việt Nam giải quyết các vấn đề:
Đáp ứng nhu cầu vận tải đa phương tiện, đa dạng; an toàn giao thông; chuyển cá
nhân kinh doanh tự do, xe dù, bến cóc tranh giành khách vào HTX. Hiện nay, bình
quân mỗi tỉnh có khoảng 1000 đầu phương tiện cơ giới của tư nhân tham gia vận
tải nhưng không đứng trong tổ chức một cách ổn định, chủ phương tiện và người
điều khiển là xã viên tiềm năng của mô hình HTX vận tải. Vì lý do an toàn,
không thể để xe vận tải cá nhân tự do lưu thông trên các luồng tuyến.
9. HTX
thương mại
- Xã viên:
Cá nhân, thương nhân, pháp nhân có quan hệ thương mại, chú ý hàng hóa có nhiều
khách hàng tập trung tại điểm dân cư.
- Sản phẩm,
dịch vụ: Mua và bán hàng hoá, dịch vụ.
- Địa bàn:
Trong nước với quy mô cụm dân cư hoặc hệ thống trong phạm vi không hạn chế.
- Hình thức tổ chức kinh doanh: HTX
kinh doanh tập trung; HTX hỗ trợ thương nhân kinh doanh, làm các dịch vụ phục
vụ việc thực hiện giá trị hàng hóa được tiêu thụ.
- Vốn: Vốn
góp, vốn vay, vốn huy động trên thị trường chứng khoán.
- Công nghệ:
Áp dụng công nghệ bán hàng tiên tiến, hệ thống bảo quản, bao gói, hướng dẫn sử
dụng, hậu mãi.
- Thị trường: Trong nước và xuất
khẩu
- Nguồn
hỗ trợ: Chương trình xúc tiến thương mại của Chính phủ, các khóa huấn luyện
miễn phí của các tổ chức phi chính phủ, từ các nhà phân phối chính, nhà sản
xuất, xuất nhập khẩu.
Mô hình HTX tiêu thụ có thể tham khảo kinh nghiệm của
Thuỵ Điển, Nhật Bản, HTX cung tiêu của Trung Quốc, CHLB Nga,… Lập luận của mô
hình này xuất phát từ tính nguyên thủy của HTX: Ai cũng phải tiêu dùng và tiêu
dùng ngày càng tăng; kinh tế thị trường phát triển cần có sự liên kết của những
người tiêu dùng lại giành lợi thế của người mua, HTX tiêu dùng có những đặc
điểm và kết cấu sau:
(1) Mọi người tiêu dùng được tham gia
HTX. Có thể thông qua mức tiêu dùng đủ một giá trị quy định là được phát thẻ xã
viên;
(2) Mua hàng của HTX giảm giá và
hưởng các dịch vụ sau bán hàng; bán hàng cho HTX được ổn định số lượng và giá
bán.
(3)
Ai góp nhiều vốn, mua nhiều được giảm giá nhiều hơn và được chia lãi cao
hơn;
(4) Xã viên được cấp thẻ để mua hàng
ở hệ thống bán hàng thuận lợi, hoặc được mang đến tận nhà.
(5) Xã viên được chia lợi nhuận do
góp vốn, mua hàng, được dùng lợi nhuận đó góp vốn hay sang nhượng cho xã viên
mới để tăng thêm xã viên.
(6) Xã viên có thể cầm cố tài sản,
chứng từ có giá để mua hàng-xuất hiện nghiệp vụ tín dụng tiêu dùng, tín dụng
thuê mua.
Những lợi thế kinh tế và nhân văn của HTX thương mại đã
bị các tổ chức kinh doanh lợi dụng thông qua các thủ đoạn khuyến mại, bán hàng
đa cấp, thẻ siêu thị, khách hàng thân thiện. Người tiêu dùng không có tư cách
xã viên, không được tham gia quản lý, không được phân phối lại lợi nhuận mà lợi
nhuận đó chính là những đồng tiền mình đã mua hàng.
10. HTX
chợ
· Xã viên: Thương nhân, cá nhân, các pháp nhân mua bán
hàng hóa tại chợ, các nhà cung cấp dịch vụ có giá trị cao, ổn định như vận tải
hàng hoá, kho bãi hàng, dịch vụ vui chơi giải trí tại chợ,…
· Sản phẩm, dịch vụ: Hàng hoá, dịch vụ tại chợ.
· Địa bàn: Gắn với một hoặc nhiều chợ cụ thể trong đó có
chợ đầu mối, chợ chuyên về nông sản,… kết hợp với các dịch vụ ngoài chợ, các
đại lý trong vùng,…
· Hình thức tổ chức kinh doanh: HTX kinh doanh tập trung
như một thương nhân; HTX hỗ trợ thương nhân để chi phí thương mại nhỏ, tăng lợi
nhuận cho thương nhân.
· Vốn: Vốn góp xây dựng hạ tầng, kinh doanh hàng ngày,
vốn trả trước thuê ki-ốt, điểm bán hàng,vốn vay,…
· Công nghệ: Áp dụng các mẫu chợ tiên tiến, phù hợp với
tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc, tập quán vùng.
· Thị trường: Trong nước, xuất khẩu.
· Nguồn hỗ trợ: Vốn lồng ghép từ các chương trình hỗ trợ
vùng khó khăn, hỗ trợ nông thôn, chương trình kinh tế -xã hội của nhà nước, các
tổ chức phi Chính phủ,…
Định hướng
xã hội hóa quản lý, kinh doanh chợ ở Việt Nam: Các chợ do HTX, doanh nghiệp
quản lý, kinh doanh; xóa bỏ các Ban quản lý là đơn vị sự nghiệp hưởng lương và
chi phí từ ngân sách.
Việt Nam có
khoảng trên 9000 chợ các loại, loại 1 trên 400 sạp, loại 2 trên 200 sạp, loại 3
từ 200 trở xuống. Chợ chiếm 40% doanh số bản lẻ của thị trường, siêu thị và
trung tâm thương mại chiếm 20% và các cửa hàng, hiệu, mua bán không ổn định vị
trí chiếm đến 40%. Chợ không thuần mua bán mà gắn với sinh hoạt văn hoá, xã hội
tập tính của địa phương mang tính cộng đồng; cần áp dụng mô hình HTX chợ để giảm
bao cấp của nhà nước, trả về cho cộng đồng tự quản. Xu thế hội nhập, các chợ sẽ
được các tập đoàn bán lẻ, các hãng lớn để mắt đến nhằm liên kết hệ thống phục
vụ tiêu dùng, chiếm thị phần, đoạt lợi nhuận của các thương nhân trong nước! Ai
đầu tư chợ kịp thời và bắt nhịp được với xu thế bán lẻ, người đó sẽ thu được
lợi ích một cách “nhàn nhã” trong tương lai.
Vấn đề không
phức tạp: Nhà nước có thể đấu thầu, giao bán khoán cho thuê chợ; định lại giá
trị hiện tại tài sản chợ và trả về cho các chủ sở hữu; vốn ngân sách đã đầu tư
là vốn góp (cho vay) hoặc vốn giao hẳn cho HTX thành tài sản không chia; vốn
của cá nhân, doanh nghiệp chuyển thành vốn góp khi tham gia HTX, hoặc thanh lý.
HTX cần từng bước đầu tư chợ, chú trọng các dịch vụ bổ sung, phù trợ, “ăn theo
chợ” như nhà hàng, kho bãi, cây xăng, khu vui chơi giải trí, phát thẻ coi xe,
trông trẻ miễn phí,… phát triển xã viên là thương nhân thuê sạp, người lao động
thường xuyên tại chợ, quảng bá thương hiệu chợ và liên kết với các nhà phân
phối bán lẻ,…
11. HTX
trường học
- Xã viên:
Giáo viên, cán bộ nhân viên, sinh viên của một trường đại học, sau đó có thể
liên kết thành các liên hiệp theo vùng và toàn quốc.
- Sản phẩm,
dịch vụ: Hàng hoá, dịch vụ vụ phục vụ giảng dạy, học tập và đời sống của xã
viên.
- Địa bàn:
Một trường đại học; có thể áp dụng đến các trường trong hệ phổ thông trung học,
gia đình có học sinh dưới 18 tuổi cử đại diện tham gia HTX.(Philipin cho học
sinh trung học 15 tuổi bỏ phiếu bầu một xã viên vào Ban quản trị HTX)
- Hình thức
tổ chức kinh doanh: Tính chất phục vụ, lợi nhuận của HTX nhỏ, giảm giá hàng
hoá, dịch vụ cho thầy và trò trong giảng dạy và sinh hoạt tập thể tại trường.
Điều lệ HTX có thể quy định bắt buộc phải sử dụng hàng hoá, dịch vụ tại trường,
sau một thời gian khoảng 1 năm, xã viên không sử dụng có thể bị khai trừ ra
khỏi HTX (quy định của HTX trường học Nhật Bản)
- Vốn: Vốn
góp, vốn vay lãi thấp của các tổ chức, vốn ứng trước của người cung cấp hàng
hoá,…
- Công nghệ:
Thông qua tiêu dùng, xã viên tiếp cận những công nghệ mới về thương mại và
thương phẩm học, nắm được các kỹ năng giao tiếp,..
- Thị
trường: Chủ yếu phục vụ xã viên có thẻ
- Nguồn hỗ
trợ: Chương trình khuyến học, chương trình phát triển tài năng, các nguồn học
bổng cho sinh viên của nhà nước và các tổ chức phi chính phủ.
Ví dụ về lợi
ích của xã viên ở trường đại học Xã hội và nhân văn Tokyo: HTX trường học
Gakugei có gần 7000 xã viên là sinh viên, giáo viên, cán bộ, nghiên cứu sinh :
Lợi ích
kinh tế: Giảm giá cho xã viên: 10%
sách giáo khoa, 20-30% văn phòng phẩm, giảm giá sử dụng máy tính và các phần
mềm, giảm 30-40% giá các bữa ăn, 10% đối với thực phẩm, giảm 10000-30000 Yên để
lấy bằng lái xe, giảm giá các chuyến du lịch, tham quan,…
Lợi ích
văn hoá: Tham gia vào các chương
trình, sự kiện khác nhau; phản ánh và được lấy ý kiến, nguyện vọng; cử đại diện
tham gia quản lý điều hành hợp tác xã; phát triển tinh thần cộng đồng vì mục
đích hoà bình, hợp tác, phát triển.(Nguồn: Nobuhiro, giám đốc điều hành HTX,
năm 2005):
Các quốc gia
có HTX trường học phát triển: Nhật Bản có 200 HTX, Ẩn Độ có 12000 với trên 2
triệu xã viên, Malayxia có trên 1000, Hàn Quốc có 12 HTX trường học; Philipin,
Thái Lan, Singapore đều có những mô hình HTX trường học hoạt động từ thế kỷ
trước đến nay. Thành lập Liên đoàn HTX trường học quốc gia: Ở Nhật bản viết tắt
NFUCA, Malayxia gọi là Gakub,…bên cạnh các liên đoàn HTX ngành nghề khác. Các
liên đoàn này đại diện cho các HTX thành viên và có tiếng nói với Chính phủ để
được chấp thuận những điều kiện hoạt động thuận lợi cho xã viên là học sinh,
sinh viên, giáo viên. Liên minh HTX thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương gọi
tắt là ICA-AP có 55 tổ chức thành viên quốc gia của 22 nước (Liên minh HTX Việt
Nam là thành viên) rất quan tâm đến HTX trường học, năm 1994 ICA-AP thành lập
tiểu ban HTX trường học trong Ủy ban HTX tiêu
dùng của khu vực Châu Á.
Tại Việt
Nam: Mô hình hợp tác xã trường học sớm nhất là HTX dịch vụ trường học,
xã viên là một số nhỏ sinh viên, cán bộ giáo viên trường Đại học Kinh tế quốc
dân (1998); Trường đại Học dân lập Phương Đông có HTX dịch vụ trường học được
chuyển tiếp từ HTX nhuộm Thống Nhất. Trường Đại học dân lập quản trị Kinh doanh
Hà Nội thành lập theo Luật Hợp tác xã năm 1996. Đây là những mô hình mới, cần
xây dựng mối quan hệ tích cực giữa nhà trường và HTX để phát triển theo nguyên
tắc HTX trường học lấy phục vụ là chính, phi lợi nhuận như kiểu HTX trường học
Nhật Bản. Lẽ nhân văn này không hẳn đã được chấp thuận bởi những vấn đề vốn
góp, vốn đầu tư, lợi nhuận trường học và tâm lý Ban lãnh đạo trường, Ban quản
trị HTX chưa hẳn đã đồng thuận và thông thoáng.
Tóm lại: HTX
trường học gắn với thế hệ trẻ, thế hệ có sức tiêu dùng trong hiện tại và tương
lai, HTX có tính nguyên bản (HTX tiêu dùng, cung tiêu) mà các nhà kinh tế -xã
hội cổ điển và đương thời đang tận tâm theo đuổi.
Để phát triển HTX trường học với ý nghĩa rộng hơn cần chú ý đến việc tổ
chức hoạt động tín dụng cho sinh viên để nâng cao chất lượng sống, tổ chức các
mô hình sản xuất kinh doanh trong trường dạng vườn ươm doanh nghiệp để
sinh viên có thể chuyển mô hình đó ra “mặt trận sản xuất, kinh doanh trên thị
trường” tự các em tổ chức sản xuất, kinh doanh. Tại Hà Nội, Thành phố HCM mỗi
nơi có ít nhất gần 6000 sinh viên tốt nghiệp chờ việc, tìm việc. Tại sao HTX và
nhà trường không lập vườn ươm HTX, doanh nghiệp ngay trong trường và giao việc
đó cho HTX trường học.
12. HTX y
tế, bệnh viện
· Xã viên: Cá nhân, hộ gia đình, các pháp nhân sử dụng
nhiều lao động.
· Sản phẩm, dịch vụ: khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ, tư vấn dinh
dưỡng,..
· Địa bàn: Vùng tập trung dân cư.
· Hình thức tổ chức kinh doanh: HTX tập trung làm dịch
vụ tại bệnh viện, hỗ trợ xã viên là thầy thuốc tham gia khám chữa bệnh tại bệnh
viện, các phân viện hoặc tại gia đình.
· Vốn: Vốn góp, vốn vay ưu đãi để xây dựng hạ tầng.
· Công nghệ: Sử dụng phương pháp y học hiện đại, thiết
bị chuyên dùng, vốn tín dụng thuê mua,…
· Thị trường: Khu vực dân cư xã viên và người dân sinh
sống, có thể mở rộng phạm vi khám chữa bệnh cho các đối tượng.
· Nguồn hỗ trợ: Các chương trình của Chính phủ và các tổ
chức phi chính phủ.
Mô hình HTX y tế mang nội dung cộng đồng đã và đang phát triển ở các
quốc gia công nghiệp hoá, Nhật Bản là một điển hình thành công. Tương tự như
các mô hình HTX khác, xã viên góp vốn, góp công, dùng dịch vụ khám chữa bệnh,
chăm sóc sức khoẻ của HTX được ưu đãi về phí, chất lượng dịch vụ tốt, được
hướng dẫn các dịch vụ y tế dự phòng để cộng đồng tự tuyên truyền, chăm sóc sức
khỏe, phổ biến kinh nghiệm phòng, chữa bệnh, được chia lãi và chuyển lãi thành
bảo hiểm y tế.
Thực tế cuộc
sống với mô hình bác sỹ gia đình với phí bình quân khoảng 1 triệu đồng/năm cho
gia đình 4 người, nhóm bác sỹ chăm sóc khoảng 100 gia đình trong cụm dân cư với
các dịch vụ ghi trong hợp đồng, trong đó có cả dịch vụ chọn bệnh viện, chọn bác
sỹ khám chữa bệnh…tại sao HTX chưa làm việc đó?
Mô hình chăm
sóc sức khoẻ người cao tuổi, nhà dưỡng lão, kết hợp với du lịch thăm khám chữa
bệnh cần áp dụng tổ chức HTX. Nên khảo sát những trung tâm dịch vụ này ở trong
nước và thế giới để thành lập HTX y tế ở Việt Nam. Mô hình HTX chăm sóc người
cao tuổi nên thử nghiệm tại Việt Nam: xã hội phát triển người cao tuổi có tích
luỹ, có nhu cầu chăm sóc, sinh hoạt cộng đồng, họ là xã viên HTX góp vốn, mua
bảo hiểm tăng dần từ khi đang lao động có thu nhập ổn định. HTX kết hợp kinh
doanh đối với các đối tượng không phải là xã viên để nâng cấp cơ sở vật chất,
tăng thu nhập cho người lao động trực tiếp.
Ở Việt Nam,
mô hình HTX y tế Hợp Lực, Thanh Hóa đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Bên
cạnh mô hình HTX y tế còn có những tổ chức dịch vụ y tế theo Nghị định số
53/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 5 năm 2006 về chính sách khuyến khích
phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập
13. HTX
nước sạch
- Xã viên:
cá nhân, hộ, pháp nhân những sử dụng nước sạch và cung cấp nước sạch, các thiết
bị về nước.
- Sản phẩm,
dịch vụ: nước sạch và sử dụng thuận lợi nhất.
- Địa bàn:
Vùng dân cư tập trung.
- Hình thức
tổ chức kinh doanh: HTX mua nước của nhà cung cấp, bán lại cho xã viên với giá
thấp hơn hoặc bằng giá của nhà cung cấp! HTX đầu tư hệ thống nguồn, đường dẫn
đến các hộ tiêu dùng; HTX hỗ trợ các hộ khai thác nước quy mô nhỏ, cung cấp
trong phạm vị hẹp.
- Vốn:Vốn
góp, vốn vay,vốn ứng trước của người tiêu dùng, vốn tài trợ.
- Công nghệ: Sử dụng công nghệ đạt
tiêu chuẩn nước sạch, an toàn với chi phí thấp.
- Thị trường: Những người sống ở
phạm vi thiết kế hệ thống cung cấp nước.
- Nguồn
hỗ trợ: Từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường của nhà nước và các tổ
chức phi chính phủ; từ phúc lợi của cơ quan doanh nghiệp có cán bộ, công nhân
sống tập trung trong chung cư, cụm dân cư.
- Hiệu
quả: người sử dụng nước sạch tiết kiệm chi phí cộng dồn trong nhiều năm là một
số lớn, nguồn thu của HTX tăng dần theo thời gian và số người sử dụng.
Mục tiêu nước sạch được thế giới quan tâm. Mô hình nước
sạch cộng đồng có sự trợ giúp của Chính phủ và các NGO về phần thiết bị ban
đầu, sau đó phát triển đường nước, thu phí nước sạch, hoàn vốn tài nguyên và
phát triển dịch vụ. Tuy nhiên, những nhà tài trợ và chính quyền địa phương lại
né tránh mô hình HTX, gọi chệch thành các tổ hợp tác hoặc mô hình nước sạch
nhân dân, cộng đồng. Mặc cảm và nhận thức cũ kỹ đã làm sai lệch giá trị tinh
thần của HTX, rất dễ bị các nhóm thao túng, lợi dụng mô hình cộng đồng, phân
chia lợi ích không công bằng!
14 HTX điện
- Xã viên: Người tiêu thụ điện và những nhà cung cấp
nguồn điện, thiết bị điện. Tại Việt Nam, nếu theo Luật Hợp tác xã năm 2003, thì
7 người thành lập hợp tác xã điện, mua điện của công ty thuộc Tổng công ty điện
lực Việt Nam độc quyền đường truyền tải rồi bán đến hộ tiêu thụ, hưởng chiết
khấu thì chỉ là hợp tác xã hình thức, đúng ra là cai điện gây bất bình cho
chính quyền và dân chúng bởi 7 người hưởng lợi nhuận (đôi khi khéo gọi là chênh
lệch giá, hoặc thu phí cho nhẹ nhàng) chỉ là kế tiếp của độc quyền ép vào người
tiêu thụ.
Một số hợp tác xã dịch vụ cũng có tình trạng tương tự.
HTX của 10 người thân hữu được thừa kế tài sản HTX cũ, được ưu đãi, được ủng hộ
của cấp xã đã biến xã viên, dân chúng thành thị trường độc quyền cũng không
phải là hợp tác xã đích thực. Việc sửa đổi số lượng tối thiểu xã viên lên mức
15 người/hợp tác xã và giảm tỷ lệ vốn góp tối đa của một xã viên xuống dưới 20%
(hiện nay không quá 30 % vốn Điều lệ) xem ra hợp lý hơn.
- Sản phẩm, dịch vụ: Điện thương phẩm với chất lượng ổn
định và an toàn hệ thống truyền tải, sử dụng trong gia đình
- Địa
bàn: Cụm dân cư tập trung quy mô xã, liên xã.
- Hình
thức tổ chức kinh doanh: Tập trung.
- Vốn:
Vốn góp, vốn của ngành điện ứng trước, vốn của hợp tác xã tích luỹ.
- Công
nghệ:Công nghệ tiên tiến, giảm hao hụt đường dây, chọn thiết bị đồ dùng tiêu
hao ít năng lượng.Theo tính toán kinh tế-kỹ thuật: đường dây chuẩn, người tiêu
dùng chọn đúng loại thiết bị và cách sử dụng hợp lý sẽ giảm từ 20-30% điện năng
tiêu thụ. Một số quốc gia bắt buộc khi nhập khẩu và sản xuất sản phẩm mới phải
đạt mức độ tiết kiệm năng lượng đến 20% so với thiết bị hiện dùng phổ biến.
- Thị
trường:Theo khả năng nguồn và đường dây chuyển tải
- Nguồn
hỗ trợ: Từ các chương trình phát triển nông thôn, cải tạo chỉnh trang đô thị,
vốn phúc lợi của cộng đồng.
Hiện nay một số địa phương nước ta
đã ra quyết định bàn giao hệ thống điện (đường dây và trạm biến áp, công tơ,
hộp công tơ) từ HTX sang ngành điện. HTX và ngành điện cần liên kết để bảo vệ
đường dây, phục vụ nhu cầu người tiêu thụ với giá thấp hơn giá quy định (thực
chất là giảm lợi nhuận của hợp tác xã) Trường hợp phải bàn giao, để được bồi
hoàn giá trị còn lại, các hợp tác xã phải có chứng từ đầu tư, có lý lịch tài
sản, nếu không hội đồng thẩm định giá theo hiện vật còn lại sẽ bất lợi.
Tiêu thụ điện là chỉ số của văn minh và mức đo chất lượng
đời sống. Dân chúng có thể đề nghị tổ chức mô hình HTX điện, mỗi hộ xã viên sẽ
nhờ dịch vụ và giá bán điện của HTX thấp hơn mà tiết kiệm được 150000 đồng/năm.
Nếu 5 triệu hộ xã viên mỗi năm tiết kiệm được 750 tỷ đồng. Nếu không có HTX thì
số tiền 750 tỷ kia chuyển và phân tán vào hệ thống dịch vụ ngành điện, không
phải ai cũng được hưởng. HTX điện của nước Mỹ đã đi theo hướng này để giành lại
nhiều tỷ USD cho xã viên, nước Mỹ có tỷ lệ xã viên trên dân số cao nhất thế
giới, 2,30 người có 01 xã viên. Kinh tế thị trường là tự do tham gia mua bán
những thứ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, tại sao HTX chúng ta không giành lợi
ích trường tồn nầy? Tại sao ngành điện không chia sẻ cho cộng đồng tự quản đoạn
sau của thị trường? ngành điện chỉ độc quyền đường dây chứ không độc quyền sản
xuất và bán điện!
15. HTX vệ sinh môi trường
Môi trường tự nhiên không khí, nước, tiếng ồn, khí tượng
thủy văn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của mỗi người, của nhiều người, của
nhà nước. Do vậy, ai cũng cần môi trường tốt đạt tiêu chuẩn sống, và nó ảnh
hưởng đến cộng đồng. Cũng vì lẽ đó mà vệ sinh môi trường là việc chung có phân
chia công đoạn việc làm, thu nhập, hưởng thụ, góp vốn cho các đối tượng cá
nhân, tổ chức. Trong tương lai, chỉ tiêu môi trường sẽ hiện lên ngày càng lớn
trong GDP các nền kinh tế, đây là bước quặt lại để phục hồi và phát triển giá
trị môi trường của quá khứ 200 năm kể từ khi nhân loại tăng trưởng kinh tế bằng
công nghiệp hoá! để duy trì hợp lý sự nóng lên của trái đất, để phục hồi nguyên
sinh, để tương lai trong sáng.
Cần bao nhiêu tiền để duy trì xanh sạch đẹp ở một vùng?
ai được hưởng phải đóng tiền, ai vi phạm phải trả và phạt tiền. Môi trường là
hạ tầng thuộc đầu tư Chính phủ. Cần bao nhiêu sẽ là con số tính được, ai góp
mức nào cũng tính được. Vậy thì thành lập hợp tác xã vệ sinh môi trường sẽ
nghiêng về xã hội hoá, cộng đồng hóa điều kiện sống của mỗi người.
Khẩu hiệu về môi trường bao giờ cũng lớn hơn thực tế,
phong trào rộng nhưng tính hiện hữu thường nhật lại có hạn, nhiều đoàn thể lên
tiếng nhưng phải có tổ chức thực thi với những lao động có tính chuyên nghiệp
hoá. HTX môi trường được tóm tắt như sau:
· Xã viên: Cố gắng tất cả những cá nhân, hộ, pháp nhân
kinh doanh và pháp nhân phi lợi nhuận trên vùng lãnh thổ hợp lý.
· Sản phẩm, dịch vụ: Làm sạch môi trường, thu rọn xử lý
chất thải, tư vấn môi trường, trồng và quản lý cây xanh, bảo vệ nguồn lợi tự
nhiên,…
· Địa bàn: Một thôn, tổ dân phố, sau đó mở rộng.
· Hình thức tổ chức kinh doanh: Làm dịch vụ thu phí, phi
lợi nhuận; hợp đồng làm vệ sinh với các cơ quan và hộ để thu lời, thu phí môi
trường công cộng. Hỗ trợ hộ xã viên bằng giới thiệu việc làm vệ sinh tại gia,
các cơ quan có nhu cầu theo ngày, tháng năm.
· Vốn: Vốn góp, vốn vay, vốn tài trợ, vốn công trợ của
Chính phủ và các NGO.
· Công nghệ: Áp dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới và
trang bị dụng cụ đồ bảo hộ cho người lao động, người tiêu dung được tư vấn và
cung cấp các thiết bị xử lý chất thải. Ví dụ như được phát túi đựng tự huỷ,
thùng đổ rác có phân loại,…
· Thị trường:Toàn bộ không gian sống của dân cư.
· Nguồn hỗ trợ: Từ các chương trình nước sạch và vệ sinh
môi trường, chương trình phát triển nông thôn, cải tạo chỉnh trang đô thị, vốn
phúc lợi của cộng đồng, quan trọng hơn là đặt hàng của Chính phủ và các nhà sản
xuất. Các dự án quốc tế về môi trường ở Việt Nam nên lấy HTX là một đối tượng
thực hiện. HTX môi trường ở thị trấn Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang là một ví dụ
phát triển khá thành công, cần nhân rộng và điều chỉnh.
16. HTX
phục vụ trẻ em
Đại hội đồng Liên hợp quốc, Phiên họp thứ 49:
“Qua việc cải tiến điều
kiện làm việc của phụ nữ các HTX cũng có khả năng cải thiện đời sống cho trẻ em
những các HTX có những kiểu liên quan đặc biệt như nhà ở, sức khoẻ, giáo dục và
chăm sóc trẻ em.
Về sau này đã lan ra
nhanh chóng ở Ca-na-đa năm 1993 một Hiệp hội các HTX chăm sóc trẻ em ở Ca-na-đa
đã được thành lập đại diện cho 900 cơ sở. Nhiều Liên minh tín dụng đã có những
hoạt động làm giảm bớt khó khăn đặc biệt cho các bộ phận trong trường học và
một phần cho chính các em. Nhiều phong trào HTX tiếp tục có quan hệ thân thiện,
chặt chẽ với những người trẻ tuổi trong tình hình hiện nay. Thí dụ: Một số nơi
đã tổ chức các cuộc họp quốc gia theo chuyên đề, tháng 10 năm 1992 liên đoàn
HTX quốc gia và trung tâm giáo dục HTX đã tổ chức lần đầu tiên một Đại hội
HTX trẻ toàn quốc với nội dung tự thành lập các HTX sản xuất và dịch vụ của
những người trẻ tuổi vị thất nghiệp. Thí dụ: ở Cốt-đi-voa tập hợp của nhứng
người vị thất nghiệp đã thành lập một HTX bảo vệ rừng và đã ký hợp đồng với
chính phủ để thực thi chức năng địa phương đó.”
Ở Việt Nam có nhiều tổ
chức chăm sóc trẻ em, hình thức HTX nhà trẻ đã thịnh hành ở các HTX nông nghiệp
trong thời bao cấp (trước năm 1988). Hiện nay xuất hiện nhiều nhà trẻ tư nhân,
nhà trẻ cơ quan (liên cơ cấp huyện), doanh nghiệp có nhiều nữ lao động. Thành
lập HTX nhà trẻ (trẻ trước tuổi lớp 1) có nhiều thuận lợi, vấn đề là sự chỉ đạo
xây dựng mô hình. HTX sơn mài Ngọ Hạ, huyện Phú Xuyên, Hà Tây là một điển hình
về HTX dạy nghề cho trẻ khuyết tật.
- Xã
viên: Người lao động trong HTX, cha mẹ, người bảo mẫu, giám hộ. Luật Hợp tác xã
Việt Nam quy định xã viên 18 tuổi.
- Sản
phẩm, dịch vụ: Chăm sóc trẻ em vị thành niên có cuộc sống tốt về vật chất, tinh
thần bảo đảm được học hành thành người lao động hữu ích. Có thể chia ra các lứa
tuổi và đối tượng như mẫu giáo, học sinh phổ thông, trẻ em không nơi nương tựa,
trẻ em tàn tật để các em tái nhập cộng đồng.
- Địa
bàn: Theo vùng lãnh thổ hành chính với quy mô, đối tượng :
- Hình
thức tổ chức kinh doanh:
+ Đối với HTX nhà trẻ cần tổ chức các lớp học tập trung
phù hợp với lứa tuổi;
+ Đối với HTX trẻ em đang đi học cần chuyển đổi các hội
cha mẹ phụ huynh học sinh ở một trường thành HTX làm các dịch vụ bảo đảm điều
kiện học tập, sinh hoạt vui chơi, hướng nghiệp cho các em;
+ Đối với HTX trẻ em đường phố không nơi nương tựa, trẻ
mồ côi, tàn tật tổ chức tập trung, trong đó xã viên là những người bảo mẫu, nhà
hảo tâm, các tổ chức nhận đỡ đầu trẻ em. Tạo điều kiện các em chỗ ở, ăn học phổ
thông theo chương trình đặc biệt, học nghề.
- Vốn:
Xã viên, nguồn vốn nhà nước giao dạng tài sản không chia.
- Công
nghệ: Áp dụng các phương pháp tiên tiến, hiện đại của ngành giáo dục và đạo
tào, cùng với các phương pháp đặc biệt đối với trẻ em cá biệt.
- Thị
trường: Là những nơi, tiếp nhận đạo tạo tiếp, nơi sử dụng lao động có thể là
các HTX, doanh nghiệp, hộ gia đình.
- Nguồn
hỗ trợ: Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các nhà hảo tâm.
Một phường ở thành phố, một xã ở nông thôn nước ta tổ
chức một nhà trẻ với nhiều điểm trông giữ là hợp lý, thu nhập của người lao
động có thể đạt bình quân gần 1 triệu đồng/tháng, chi phí của cha mẹ giảm
khoảng 20% so với nhà trẻ tư. Trẻ em được chăm sóc, giáo dục bằng những phương
pháp tốt nhất.
Mô hình HTX nhà trẻ của phụ nữ Hoa Kỳ cần được nhân rộng,
phụ nữ trên thế giới chắc chắn đồng tình bởi HTX đã giúp đỡ họ chăm sóc và giáo
dục con cái, tạo thời gian và niềm tin để phụ nữ tham gia các công việc khác.
17. HTX nhà ở
HTX nhà ở là một tổ chức kinh tế -xã hội được thành lập
nhằm mục đích cung cấp nhà ở liên tục và lâu dài cho xã viên. Xã viên là người
sở hữu và kiểm soát HTX nhà ở. HTX nhà ở phân biệt với các tổ chức nhà ở khác
do cơ cấu sở hữu và sự cam kết theo các nguyên tắc HTX.
- Xã viên: Là cá nhân, hộ gia đình có thu nhập trung bình
và thấp (căn cứ vào kết quả điều tra mức sống dân cư), đặc biệt chú trọng đến
các gia đình trẻ. Theo Luật Hợp tác xã 2003 của Việt Nam có thêm xã viên là các
pháp nhân làm đại diện cho những người lao động đó tham gia HTX. Pháp nhân có
thể dùng quỹ phúc lợi hỗ trợ xã viên ở đơn vị mình về vốn góp.
- Sản phẩm, dịch vụ: Ngoài nhà ở, HTX cung cấp các dịch
vụ như: Bảo dưỡng khu nhà ở và cơ sở hạ tầng; hệ thống nước và nước thải, hệ
thống thu gom rác thải; tivi cáp, điện thoại, internet, điện thoại nội bộ; dịch
vụ giặt ủi, dịch vụ sửa chữa nhỏ, vệ sinh nội thất, chăm sóc trẻ em, người già,
mua bán hàng hóa,… các dịch vụ cộng thêm khi được đông đảo xã viên yêu cầu bao
gồm bảo hiểm, nhà trông trẻ, mẫu giáo, cung cấp suất ăn…và những dịch vụ cộng
đồng có thể đảm nhận. - Địa bàn: Theo cụm dân cư, theo tòa nhà chung cư, sau đó
có thể mở rộng địa bàn cùng với việc thành lập liên hiệp HTX nhà ở quy mô quận,
huyện và tỉnh, cấp quốc gia thành lập liên đoàn HTX nhà ở.
- Hình
thức tổ chức kinh doanh:
+ Trường hợp xây mới nhà ở, HTX tổ chức kinh doanh tập
trung.
+ Trường hợp các chung cư, cụm dân thành lập HTX có thể
kinh doanh tập trung kết hợp với làm các dịch vụ theo nguyện vọng xã viên và
khả năng của HTX.
Hình thức tổ chức kinh doanh được đưa vào điều lệ.
- Vốn: Vốn góp của xã viên/chủ sở hữu căn hộ thông qua
chương trình tiết kiệm; thu nhập/lợi nhuận của HTX, phí dịch vụ hàng tháng do
xã viên/chủ sở hữu căn hộ chi trả; thu nhập từ việc cho thuê các công trình
chung khác ngoài các căn hộ; vay từ các thành viên là tổ chức ; vay ngân hàng
(có thể là tín dụng thuê mua); vay từ Chính phủ; vay từ các quỹ và các tổ chức
trong và ngoài nước; các khoản vay, trợ cấp và tài trợ từ Chính phủ thông qua
Chương trình nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp và trung bình; quyền sử
dụng đất; có sự tham gia một phần từ các nhà đầu tư bên ngoài, tư nhân hoặc các
công ty vào việc phát triển các căn nhà ở hoặc các toà nhà thương mại; hoa hồng
từ việc làm đại lý,…
- Công nghệ: Áp dụng công nghệ thiết kế để có những tòa
nhà, căn hộ tiện ích, hiệu quả.
- Thị
trường: Xã viên và cộng đồng, các khách hàng.
Kinh nghiệm thành công về HTX nhà ở: Thụy Điển, Na
Uy, Phần Lan, Pháp, Đức, Ailen, Tây Ban nha, Ba Lan, Braxin, Chilê, Costa Rica,
Urugoay, Israen, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Pakistan, Indonexia, Malayxia, Mỹ,.
Canada,… Trang cung cấp những thông tin
về HTX nhà ở.
Tại Việt
Nam, HTX nhà ở đã được quan tâm nghiên cứu triển khai bởi Liên minh HTX Việt
Nam và KFPC, Trung tâm HTX -SCC Thụy Điển. HTX nhà ở tại Việt Nam là nhu cầu
cần thiết, khả năng thành công cần đồng thuận của xã viên, các chính sách phát
triển HTX, chính sách phát triển nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2005, và sự nỗ
lực, thiện ý của các cấp chính quyền cũng như việc thực hiện nghiêm giá trị,
tinh thần, Điều lệ HTX nhà ở.
Khó khăn
hiện nay ở nước ta: Đất cho xây dựng phải trả giá cao; chi phí xây dựng chưa
giảm, thủ tục hành chính phiền hà, phải vận động để thực hiện những điểm mà
luật pháp định hướng, giá thị trường nhà đất có nhiều yếu tố ảo làm cho cung
cầu chậm thực hiện.
18. HTX
tín dụng
Nhiều người
góp vốn để đầu tư tập trung hoặc cho cá nhân vay là nhu cầu từ khi các nền kinh
tế biết sử dụng đồng tiền. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng và tài chính nhà
nước không thể quán xuyến đầy đủ nhu cầu vốn lớn nhỏ của mỗi người dân. Lấp vào
khoảng trống này chính là các HTX tín dụng, sau đó thành hệ thống HTX tín dụng
toàn quốc với quy mô không không hạn chế và cơ chế tín dụng tương đồng với thị
trường vốn và ưu đãi riêng biệt đối với các thành viên.
Cộng hoà
Liên bang Đức có các HTX tín dụng thành công, có bề dày kinh nghiệm và bám sát
giá trị tương trợ của các HTX tín dụng đối với thành viên: Từ năm 1850 thành
lập “hội tạm ứng” tiền thân của HTX tín dụng sau đó gọi là “Ngân hàng nhân dân-
Volksbank”; năm 1859 thành lập “văn phòng liên lạc Trung ương các hội tạm ứng
và hội tín dụng” tiền thân của hiệp hội (liên đoàn) HTX tín dụng liên bang; năm
1862 ông Raiffeisen thành lập HTX tín dụng đầu tiên ở nông thôn, đến năm 1864
thành lập HTX tín dụng đầu mối đa khu vực để điều hoà vốn. Năm 1871, Luật HTX
đầu tiên được ban hành, đến năm 1889 cả nước có 4000 HTX trong đó có 2000 HTX
tín dụng, luôn chiếm tỷ lệ gần 50% trong nhiều năm.
Năm 2004, dư âm làn sóng tái cấu trúc và sáp nhập doanh nghiệp, các HTX
nước Đức có 1329 HTX tín dụng/5655 HTX, tổng tài sản khoảng 566 tỷ Euro với
18000 điểm giao dịch, 2 Ngân hàng HTX đầu mối với tổng tài sản khoảng 206 tỷ
Euro; phục vụ 30 triệu khách hàng, trong đó có trên 15 triệu khách hàng là
thành viên.
Các quốc gia có HTX tín dụng, bảo hiểm mạnh hoạt động có hiệu quả là
Canada, Hàn Quốc, Thái Lan,… Riêng Bangladesh khá thành công với các tổ tín
dụng nhỏ (tín dụng vi mô) phục vụ phụ nữ nghèo, sau thành lập ngân hàng Garment:
19. HTX đầu tư tài chính
Mặc cảm và nhận thức về HTX kiểu cũ đã khiến nhiều người
nghĩ rằng HTX chỉ làm những hoạt động kinh tế xã hội đơn giản, nhỏ lẻ của cộng
đồng, nhiều nơi đã chuyển những công nghệ thiết bị lạc hậu về HTX. Ví dụ, tâm
lý xã hội cho rằng mô hình HTX không phù hợp với đầu tư nước ngoài, khu cụm
công nghiệp, công nghệ cao, siêu thị, tư vấn pháp luật, đầu tư cổ phiếu, kinh
doanh bảo hiểm mua chứng khoán, viễn thông, sản xuất điện…
Mô hình HTX đầu tư tài chính đặt
HTX bình đẳng như các doanh nghiệp khác, chú ý đến lợi thế mà xã viên và HTX
đang được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước.
- Xã
viên: Những người góp vốn đầu tư gián tiếp thông qua HTX đầu tư tài chính vào
các công ty cổ phần, đầu tư vào thị trường chứng khoán, tín thác đầu tư qua các
tổ chức tài chính khác.
- Sản
phẩm, dịch vụ: Các cổ phần, cổ phiếu mang lại lợi nhuận cho xã viên.
- Địa
bàn: Không hạn chế, trước hết là các công ty cổ phần ở trong nước, trong vùng.
- Hình
thức tổ chức kinh doanh: Tập trung hoặc hỗ trợ xã viên chọn cổ phiếu công ty cổ
phần, mua chứng khoán.
- Vốn:
Vốn góp bằng tiền của xã viên, vốn hiện vật được chuyển đổi thành tiền, các
chứng từ có giá khác,…
- Công
nghệ: Áp dụng những tiến bộ của thị trường tài chính, sử dụng hệ thống thông
tin hiệu quả, an toàn, bảo mật, sử dụng các chuyên gia phân tích thị trường;
- Thị
trường: Thị trường chứng khoán đang giao dịch, thị trường cổ phiếu OTC, thị
trường tài chính khác;
- Nguồn
hỗ trợ: Thông qua các chương trình đào tạo.
Tại điểm e, mục 3 Nghị quyết số 13,
Hội nghị TW 5, Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả
kinh tế tập thể: “…. Khuyến khích nông dân và hợp tác xã sản xuất nguyên liệu
mua cổ phần, trở thành cổ đông của các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy
sản.”
20. HTX đầu tư kinh doanh bất động sản
Luật Kinh doanh bất động sản năm 2005 quy định HTX là đối
tượng của Luật, hợp tác xã được thành lập sàn giao dịch bất động sản: “ Điều
56…2.. Sàn giao dịch bất động sản phải là pháp nhân. Trường hợp doanh nghiệp,
hợp tác xã kinh doanh bất động sản thành lập sàn giao dịch bất động sản thì sàn
giao dịch đó phải có tư cách pháp nhân hoặc sử dụng tư cách pháp nhân của doanh
nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản để hoạt động.
- Xã
viên: Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có tài sản tham gia giao dịch hoặc có
kinh nghiệm đầu tư kinh doanh bất động sản, có nhu cầu bán, mua…
- Sản
phẩm, dịch vụ: Hình thành bất động sản và giao dịch bất động sản để mang lại
lợi ích.
- Địa
bàn: Phạm vi không hạn chế, trước hết chú trọng những vùng ven đô, những khu
vực đô thị hóa, vùng đầu tư trang trại, phát triển khu cụm công nghiệp, khu du
lịch sinh thái
- Hình
thức tổ chức kinh doanh:
+ Tập trung: Vốn góp của xã viên là quyền sử dụng đất và
tài sản, hoặc HTX thuê, mua lại quyền sử dụng đất của xã viên, sau đó chuyển
đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch hình thành dự án đầu tư để xây dựng hạ
tầng bất động sản, trực tiếp kinh doanh và cho xã viên thuê với giá thấp, cho
doanh nghiệp khác thuê theo giá thị trường, (trường hợp này đã xuất hiện huyện
Sóc Sơn, Hà Nội đã thực hiện được việc mua lại quyền sử dụng đất; việc xã viên
góp vốn bằng quyền sử dụng đất khoảng 5 ha để kinh doanh rừng và du lịch sinh
thái nhưng gặp những khó khăn do việc sử dụng đất ở thời điểm này quá lộn xộn,
nhiều vi phạm chuyển nhượng và đầu tư trái phép)
Khía cạnh khác, HTX có thể sử dụng giá trị quyền sử
dụng đất được bồi thường từ các doanh nghiệp kinh doanh, dùng vốn đó góp vào
doanh nghiệp đó hoặc xây dựng dự án riêng, giống như doanh nghiệp để cho thuê.
+ Trường hợp dịch vụ hỗ trợ: Xã viên đăng ký với HTX về
bất động sản như trang trại, nhà nghỉ, công trình khác để HTX giới thiệu, tìm
kiếm khách hàng, giới thiệu kinh nghiệm đầu tư để xã viên chỉnh trang tài sản,
nâng cấp đáp ứng nhu cầu thị trường. Có thể xã viên cho HTX thuê tài sản theo
thời gian để HTX kinh doanh, xã viên được hưởng tiền cho thuê và tiền công làm
việc cho HTX
- Vốn:
Vốn góp của xã viên, vốn vay; vốn tài trợ về tiếp thị, đào tạo của các chương
trình xúc tiến thương mại, thương hiệu, phát triển làng nghề, du lịch, bảo vệ
môi trường,…
- Công
nghệ: Áp dụng công nghệ mới, phát triển giá trị hiện đại và kỹ năng tiếp thị
toàn cầu.
- Thị
trường: Mở rộng, phần cho xã viên thuê được xác định rõ.
21. HTX kiểm toán
Kiểm toán là một dịch vụ quan trọng phục vụ các cá nhân,
tổ chức hoạt động kinh tế và chi tiêu. Một bản kiểm toán minh bạch giúp đối
tượng được kiểm toán biết rõ tình hình tài chính của mình để xây dựng chiến
lược kinh doanh, hoạch định chính sách tài khoá, trả lời các bên có liên quan
trong quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế, đồng thời kết quả kiểm toán cũng tư vấn
có lợi trong tương lai, xử lý có hiệu quả những vấn đề quá khứ.
Kiểm toán không phải là thanh tra, điều tra. Báo cáo kiểm
toán thuộc quyền sử dụng của người được kiểm toán. Có những quy định bắt buộc
trong một số quan hệ phải có kết quả kiểm toán, do vậy đã hoạt động kinh tế
phải kiểm toán.
Chi phí kiểm toán trả cho các công ty không nhỏ và phiền
phức, do vậy việc hình thành các HTX kiểm toán các thành viên rất cần thiết
nhằm giảm các chi phí.
Xã viên HTX kiểm toán là cá nhân, hộ, pháp nhân trước hết
là những đối tượng có nhu cầu kiểm toán, sau đó là những xã viên có nhu cầu
việc làm và sau cuối là những người thuần thuý góp vốn hưởng lời.
Mỗi xã viên, hợp tác xã góp vốn được hưởng đơn giá dịch
vụ kiểm toán hợp lý, được tư vấn về tài chính, hỗ trợ các dịch vụ kế toán,
thống kê tuỳ theo quy định tại điều lệ, quy chế hoạt động của HTX và hợp đồng
kiểm toán.
HTX kiểm toán cần mở rộng thị trường với các đối tượng
không phải là xã viên, chấp nhận cạnh tranh nhằm mục đích lợi nhuận.
Kinh nghiệm quốc tế: HTX kiểm toán ở CHLB Đức ra đời từ
những năm 1860-1870 xuất phát từ ý tưởng của Schulze, Delitzsch hai ông tổ của
Hiệp hội HTX kiểm toán hiện nay, các ông không muốn nhà nước kiểm toán HTX.
Kết quả kiểm toán của các HTX được các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thuế
tin cậy. HTX kiểm toán tham gia với HTX từ khi thành lập và các giai đoạn phát
triển.
Ở Việt Nam việc thực hiện kiểm tóan nội bộ ở một số HTX
thuộc tỉnh Tiền Gian, An Giang, cần thiết thành lập một số HTX kiểm tóan ở một
số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Nam,…
22. HTX
xây dựng
- Xã viên:
Cá nhân góp vốn, sức lao động, các hộ có nghề, các doanh nghiệp ngành xây dựng
và doanh nghiệp đầu tư kinh doanh khác.
- Sản phẩm, dịch vụ: Nhận thầu xây
lắp, đầu tư xây dựng các công trình kinh doanh, các dịch vụ về xây dựng, sản
xuất, cung cấp vật liệu,… có thể đầu tư bất động sản.
- Địa bàn:
Theo vị trí các công trình xây dựng.
- Hình thức
tổ chức kinh doanh: Kinh doanh tập trung, có thể dịch vụ hỗ trợ các thành viên
là các hộ xã viên nhận khoán, chia sẻ công việc với các doanh nghiệp.
- Vốn: Vốn
góp của xã viên, vốn vay, vốn ứng trước của khách hàng.
- Công nghệ:
Áp dụng công nghệ tiên tiến của ngành xây dựng, toàn dụng lao động có tay nghề,
lao động thủ công.
- Thị
trường: Theo nhu cầu của khách hàng và khả năng của hợp tác xã
- Nguồn hỗ trợ: Có thể nhận việc từ
các công trình đầu tư phát triển hạ tầng thuộc chương trình quốc gia, các dự án
phát triển cộng đồng để tạo công ăn việc làm.
Các HTX xây
dựng có thể liên kết thành lập liên hiệp có quy mô lớn để trúng thầu và đầu tư
các chương trình lớn. Nếu quy mô HTX nhỏ nên chọn các công trình vừa với kỹ
thuật hiện đại, làm nhà thầu phụ với các chuyên ngành hẹp của xây dựng như làm
nội, ngoại thất và bảo dưỡng các công trình.
23. Hợp
tác xã du lịch
Du lịch nhân
dân, xã hội hóa du lịch ý nghĩa 2 chiều:
(1) Cung cấp
dịch vụ: Hợp tác cá nhân, gia đình, pháp nhân có sự phân công, phân nhiệm, chia
sẻ lợi ích để làm dịch vụ du lịch bao gồm đầu tư hạ tầng các địa điểm dịch, làm
các chuyến du lịch (tuor), kinh doanh ở nơi khách đến, bán dụng cụ, thiết bị,
hàng hóa du lịch, bán bảo hiểm và thực hiện dịch vụ bảo hiểm,…
Ví dụ, du
lịch sinh thái, văn hoá, làng nghề, dưỡng bệnh bằng phương pháp y học cổ
truyền,…cần liên kết các hộ đang sở hữu các giá trị vật chất và phi vật thể.
HTX có thể huy động vốn góp của xã viên đầu tư hạ tầng, quảng cáo tiếp thị,
giới thiệu khách đến.Với cách đầu tư tập trung, tiếp thị tổng thể sẽ giảm chi
phí cá biệt của mỗi hộ kinh doanh du lịch, mang lại hiệu quả trực tiếp cho xã
viên kinh doanh phục vụ du khách.
(2) Sử dụng
dịch vụ du lịch: Nhu cầu số đông xã viên và người lao động được HTX du lịch
thoả mãn với chi phí hợp lý.
Xã viên sử
dụng dịch vụ du lịch của HTX thường xuyên, ổn định được ưu đãi về giá mỗi
chuyến du lịch. HTX lấy lãi kinh doanh du lịch để giảm giá cho xã viên trong
những chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm du lịch ở nơi khác.
(3) Ý nghĩa
kinh tế xã hội: Thực hiện được văn minh du lịch, tránh tình trạng cạnh tranh
không lành mạnh, đeo bám, làm phiền hà khách; tạo dựng hình ảnh, thương hiệu để
tăng số lượng khách đến, ngày lưu trú, giá trị mua xắm, sử dụng dịch vụ.
24. Hợp
tác xã dịch cộng đồng
- Xã viên:
Những cá nhân, hộ, pháp nhân có những nhu cầu thường xuyên, giá trị nhỏ, hoặc
những yêu cầu mang tính văn hóa truyền thống như lễ hội, tang lễ, cưới hỏi,
thăm hỏi giúp đỡ khi đau ốm, gia đình có việc vui, buồn,…
- Sản phẩm,
dịch vụ: Các dịch vụ mà các tổ chức khác không muốn, không có khả năng đảm nhận
do quy mô nhỏ và hiệu quả không cao. HTX có thể phát phiếu thăm dò nhu cầu của
cộng đồng dân cư để tính được nhu cầu chung, nhu cầu của mỗi nhóm sở
thích,…tiến tới tham gia đầu tư, quản lý khai thác các dịch vụ công cộng như
hoạt động văn hoá, giáo dục cộng đồng, thể dục thể thao, tư vấn pháp luật, tư
vấn đầu tư, tiêu dùng,…
- Địa bàn:
Gắn với một cụm dân cư nhất định.
- Hình thức
tổ chức kinh doanh: Tập trung, sử dụng lao động là xã viên các cộng tác viên,
người lao động tự do.
- Vốn: Vốn
góp của xã viên, vốn vay, vốn ứng trước của khách hàng theo quý và cả năm, các
khoản lệ phí của thành viên tham gia mỗi nhóm,…
- Công nghệ:
Áp dụng các công nghệ đạt tiện ích, giảm chi phí trên mỗi dịch vụ.
- Thị trường: Xã viên, khách
hàng trên địa bàn.
- Nguồn
hỗ trợ: Tận dụng các nguồn của Chính phủ, các NGO, các nhà tài trợ theo chương
trình dự án./.