Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Thư gửi Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Hà Nội, ngày 16 tháng 2 năm 1946



Ghi chú: Các bài HCM thư từ với HCQ Hoa Kỳ lấy từ nguồn  (HCM toàn tập, Tập 4, 1945-1946,  Nxb CTQG năm 2000) . Có giá trị tham khảo nhanh, trích dẫn xin mời đến nguồn trên.

Thư gửi Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ
Hà Nội, ngày 16 tháng 2 năm 1946
Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ lâm thời
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hà Nội
Gửi Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Oasinhtơn, D.C

Ngài Tổng thống kính mến,

Nhân dịp này tôi xin được cảm ơn Ngài cùng nhân dân Hoa Kỳ về sự quan tâm có lợi cho các dân tộc thuộc địa mà các đại diện của Ngài tại tổ chức Liên hợp quốc đã bày tỏ.

Nhân dân Việt Nam chúng tôi, ngay từ năm 1941, đã đứng về phe các nước Đồng minh và chiến đấu chống lại người Nhật và những kẻ cấu kết với họ là bọn thực dân Pháp.

Từ năm 1941 đến năm 1945 chúng tôi đã chiến đấu gian khổ và duy trì được là nhờ chủ nghĩa yêu nước của đồng bào chúng tôi, và nhờ những cam kết của các nước Đồng minh tại Yanta, Xan Phranxixcô và Pôxđam.

Khi người Nhật bị đánh bại vào tháng 8-1945, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam được thống nhất lại dưới một Chính phủ Cộng hoà lâm thời và Chính phủ này đã lập tức đi vào hoạt động trong năm tháng, hòa bình và trật tự được lập lại, một nền Cộng hoà Dân chủ được thiết lập trên những cơ sở pháp lý, và đã dành cho các nước Đồng minh sự giúp đỡ thoả đáng trong việc thực hiện sứ mệnh giải giáp của họ.

Nhưng thực dân Pháp, những kẻ trong thời chiến đã phản bội cả các nước Đồng minh lẫn nhân dân Việt Nam, đã quay lại và đang tiến hành một cuộc chiến tranh tàn sát và không thương xót đối với chúng tôi hòng lập lại ách thống trị của họ. Cuộc xâm lăng của họ đã mở rộng ở Nam Việt Nam và đang đe doạ chúng tôi ở Bắc Việt Nam. Chỉ một bản tường trình vắn tắt về những tội ác và những vụ tàn sát mà họ gây ra mỗi ngày ở vùng chiến sự cũng đã có thể kín nhiều tập giấy rồi.

Sự xâm lược này là trái với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế và trái với những cam kết của các nước Đồng minh trong chiến tranh thế giới. Nó là một sự thách thức đối với thái độ đáng kính trọng mà Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã bày tỏ trước, trong và sau chiến tranh. Nó đối chọi với lập trường vững chắc mà Ngài đã nêu lên trong bản tuyên bố mười hai điểm và với tính cao thượng và khoan dung lý tưởng mà phái đoàn của Ngài gồm các ông Byrnes, Stetlitus và J.F.Dulles đã bày tỏ trước Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Cuộc xâm lược của Pháp đối với một dân tộc yêu chuộng hoà bình là một mối đe doạ trực tiếp đối với an ninh thế giới. Nó hàm chứa sự đồng lõa, hay ít ra cũng là sự nhắm mắt làm ngơ của những nền Dân chủ vĩ đại. Liên hợp quốc phải giữ lời hứa. Họ phải can thiệp nhằm ngăn chặn cuộc chiến tranh phi nghĩa này, và để tỏ ra rằng trong thời bình họ có ý định thực hiện những nguyên tắc mà vì chúng, họ đã chiến đấu trong thời chiến.

Nhân dân Việt Nam chúng tôi, sau quá nhiều năm chịu sự cướp bóc và tàn phá, mới chỉ đang bắt đầu công cuộc xây dựng. Cần phải có an ninh và quyền tự do, trước hết là để đạt được phồn vinh và phúc lợi trong nước, và sau đó là góp phần nhỏ của mình vào việc xây dựng lại thế giới.

An ninh và tự do chỉ có thể được bảo đảm bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kỳ một cường quốc thực dân nào, và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác. Chính là với niềm tin vững chắc này mà chúng tôi yêu cầu Hợp chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực Công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi.

Điều mà chúng tôi đề nghị đã được trao cho Philippin một cách quý báu. Cũng như Philippin, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới.

Xin kính chào Ngài Tổng thống.
Kính thư
Hồ Chí Minh

United States - Vietnam Relations
1945-1967, U.S. Government printing
office, Washington, 1971, p.95-97.


Trả lời các Nhà báo về lời tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ TƠRUMAN (đăng Báo Cứu quốc ngày 2-11-1945)



Trả lời các Nhà báo về lời tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ  TƠRUMAN

Cứ xét 12 điểm chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ này, thì đều có ý nghĩa công minh chính trực cả, nhưng riêng năm điểm có quan hệ mật thiết với các dân tộc nhược tiểu trên thế giới. 

Điểm thứ nhất: "Hoa Kỳ không nghĩ tới một sự mở mang bờ cõi nào vì những mục đích ích kỷ". Về điều này từ trước đến nay dân tộc Việt Nam đã hiểu rõ cái chính sách quang minh của Mỹ, nhất là từ ngày Mỹ thừa nhận Phi Luật Tân độc lập thì dân Việt Nam càng tin tưởng cái chính sách rộng rãi của Mỹ.
 
Điểm thứ hai: "Hoa Kỳ tin tưởng vào sự trở lại chủ quyền của hết thảy các dân tộc đã mất chủ quyền ấy bởi cường lực". Nước Việt Nam là một trong những nước đã bị mất chủ quyền bởi cường lực của Pháp. Và dân Việt Nam đã giành lại cái chủ quyền ấy không những ở tay Pháp mà cả ở tay Nhật nữa. Cái sự tin tưởng của Mỹ đã thành một sự thực ở Việt Nam, cái sự tin tưởng của Mỹ càng giúp cho cái sự thực ấy thêm vững vàng. 

Điểm thứ ba: "Hoa Kỳ không ưng thuận một sự thay đổi lãnh thổ nào mà không được chính các dân tộc đương sự thoả thuận". Về điều này, dân Việt Nam đã đoàn kết nhất trí không bằng lòng bọn thực dân Pháp trở lại. Trong Nam Bộ đã bắt đầu kháng chiến và toàn quốc sẽ cương quyết kháng chiến đến cùng, không để bọn thực dân Pháp trở lại. Dân chúng Ai Lao và Cao Miên cũng vậy. Toàn thể các dân tộc Đông Dương đều kịch liệt phản đối thực dân Pháp. 

Điểm thứ tư: "Tất cả các dân tộc đương chuẩn bị tự trị được tự chọn lấy chính thể của họ". Dân tộc Việt Nam chẳng những chuẩn bị mà đã thực hành tự trị, đã có chính phủ theo chế độ dân chủ cộng hoà và đang sửa soạn triệu tập toàn quốc đại hội để thông qua hiến pháp dân chủ cộng hoà. 

Điểm thứ năm: "Không một chính phủ nào thành lập bằng sự áp bức, bằng vũ lực trên một dân tộc khác, lại sẽ được Hoa Kỳ thừa nhận cả". 

Hiện giờ bọn thực dân Pháp đương áp bức dân tộc Việt Nam bằng võ lực để mưu lập lại cái chế độ nô lệ của họ trên đất Việt Nam. Bọn thực dân Pháp lại cho vấn đề này là vấn đề nội bộ của họ, kỳ thực nó là một vấn đề quốc tế, vì từ năm 1940 Pháp đã thành tay sai của Nhật và đến tháng 3 năm 1945 Pháp đã trao hoàn toàn chủ quyền cho Nhật. Chẳng những thế, bọn thực dân Pháp đã giúp cho Nhật tấn công vào Trân Châu Cảng (Pearl Habour)18, vì chính ngày hôm ấy, bọn thực dân Pháp ở Việt Nam đã ký điều ước bí mật để cho Nhật đủ điều kiện gây chiến với Mỹ làm cho Mỹ tổn thiệt rất nhiều.

Vì những lẽ đó, nhân dân Việt Nam đối với lời tuyên bố của Tổng thống Tơruman rất hoan nghênh và chắc rằng nước Mỹ sẽ làm cho những lời tuyên bố ấy thực hiện ngay, nó đặt nền móng cho hoà bình và hạnh phúc của nhân loại và trước hết là cho các dân tộc nhỏ yếu. 

Báo Cứu quốc, số 81, ngày 2-11-1945.

Điện Gửi Bộ trưởng ngoại giao Hoa kỳ,



Điện Gửi Bộ trưởng ngoại giao Hoa kỳ,
Oasinhtơn, D.C
Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hoà Việt Nam gửi Ngài Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Oasinhtơn, D.C.

Nhân dịp khai mạc Hội nghị Oasinhtơn về Viễn Đông, chúng tôi lấy làm tiếc về sự vắng mặt của đoàn đại biểu Việt Nam. Một lần nữa chúng tôi bác bỏ mọi quyền của người Pháp phát biểu nhân danh nhân dân Việt Nam. Dưới sự yểm trợ của các toán quân Anh - ấn và Nhật Bản, Pháp đã tiến hành một cuộc xâm lược đối với nước Cộng hoà Việt Nam nhằm áp đặt sự thống trị của họ, đã cố tình vi phạm các nguyên tắc được đề ra trong Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Xan Phranxixcô. Nhân dân Việt Nam đang chiến đấu hơn một tháng nay bất chấp sự đàn áp đẫm máu của các toán quân Anh - ấn, Pháp và Nhật Bản, đã tuyên bố nguyện vọng của họ là được sống trong tự do và độc lập, trong sự nghiệp xây dựng dân chủ. Nhân dân Việt Nam bày tỏ niềm hy vọng chân thành rằng tất cả các dân tộc tự do trên thế giới, đang thực hiện ý tưởng cao quý về lòng khoan dung và nhân đạo thể hiện trong diễn văn của Tổng thống Tơruman, sẽ công nhận nền độc lập của nước Cộng hoà Việt Nam và đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột giết chóc ở Nam Việt Nam.

Kính
Hồ Chí Minh
-----
United States - Vietnam Relations
1945-1967, U.S. government printing
office, Washington, 1971, p.92.

Thư gửi bộ trưởng ngoại giao Hoa kỳ Giêm biếc nơ Hà Nội, ngày 1 tháng 11 năm 1945



Thư gửi bộ trưởng ngoại giao Hoa kỳ Giêm biếc nơ
Hà Nội, ngày 1 tháng 11 năm 1945
Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hồ Chí Minh
Kính gửi Ngài Giêm Biếcnơ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Oasinhtơn, D.C.
Thưa Ngài,
Nhân danh Hội văn hoá Việt Nam, tôi xin được bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hoá thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác.
Nguyện vọng mà tôi đang chuyển tới Ngài là nguyện vọng của tất cả các kỹ sư, luật sư, giáo sư Việt Nam, cũng như những đại biểu trí thức khác của chúng tôi mà tôi đã gặp.
Trong suốt nhiều năm nay họ quan tâm sâu sắc đến các vấn đề của nước Mỹ và tha thiết mong muốn tạo được mối quan hệ với nhân dân Mỹ là những người mà lập trường cao quý đối với những ý tưởng cao thượng về công lý và nhân bản quốc tế, và những thành tựu kỹ thuật hiện đại của họ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức Việt Nam.
Tôi thành thực hy vọng kế hoạch này sẽ được thuận lợi nhờ sự chấp thuận và giúp đỡ của Ngài, và nhân dịp này tôi xin gửi tới Ngài những lời chúc tốt đẹp nhất.
Chủ tịch
Hồ Chí Minh
United States - Vietnam Relations
1945 - 1967, U.S. government printing
office, Washington, 1971, p. 90.

Thư Gửi Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 1945



Thư Gửi Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ  Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 1945 

Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Bộ trưởng Ngoại giao gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Oa sinh tơn, D.C.

Thưa Ngài,
Tình hình ở Nam Việt Nam đã đến giai đoạn khẩn cấp và đòi hỏi có sự can thiệp ngay tức thời từ phía Liên hợp quốc. Tôi hy vọng qua lá thư này sẽ gửi đến Ngài một số điều làm sáng tỏ thêm về trường hợp Việt Nam mà trong ba tuần qua đã được sự chú ý của toàn thế giới.

Trước hết, tôi xin được chuyển tới Chính phủ của Ngài một số tư liệu, trong đó có bản Tuyên ngôn Độc lập của chúng tôi, bản công bố của cựu Hoàng đế Bảo Đại vào dịp ông thoái vị, bản Tuyên bố của Chính phủ chúng tôi về chính sách đối ngoại chung, và một bức công hàm nêu rõ lập trường của chúng tôi đối với các vấn đề có liên quan tới Nam Việt Nam.

Như các tư liệu này sẽ chỉ ra với Ngài, trong vài năm qua, nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá trình phát triển mà đương nhiên đã đưa dân tộc Việt Nam tới vị trí hiện thời. Sau 80 năm dưới sự đô hộ của Pháp và sự kháng cự mặc dù kiên cường nhưng đã không thành công của Việt Nam, cuối cùng chúng tôi đã thấy Pháp thất bại ở châu Âu, sau đó là sự phản bội của họ đối với các nước Đồng minh lần lượt vì quyền lợi của Đức, rồi Nhật Bản. Mặc dù lúc đó, các nước Đồng minh đang ở thế bất lợi, người Việt Nam đã gác sang một bên tất cả những khác biệt trong quan điểm chính trị, thống nhất lại trong Mặt trận Việt Minh và bắt đầu cuộc chiến đấu quyết liệt chống quân Nhật.

Trong khi đó, bản Hiến chương Đại Tây Dương đã được ký kết, xác định mục tiêu chiến tranh của các nước Đồng minh và đặt nền tảng cho sự nghiệp hoà bình. Những nguyên tắc cao quý của sự công bằng và bình đẳng quốc tế về địa vị được nêu lên trong bản Hiến chương này đã lôi cuốn mạnh mẽ dân Việt Nam, và góp phần làm cho cuộc kháng chiến của Việt Minh ở các vùng có chiến tranh thành một phong trào kháng Nhật rộng khắp quốc gia, có tiếng vang mạnh mẽ trong những khát vọng về dân chủ của dân chúng. Hiến chương Đại Tây Dương được xem như nền tảng của nước Việt Nam trong tương lai. Một cương lĩnh kiến quốc đã được dự thảo mà về sau người ta thấy rằng nó phù hợp với Hiến chương Xan Phranxixcô, và đã được thực hiện hoàn toàn trong mấy năm qua: cuộc đấu tranh liên tục chống lại người Nhật đã đem lại sự phục hồi nền độc lập dân tộc vào ngày 19 tháng 8, sự tự nguyện thoái vị của cựu Hoàng đế Bảo Đại, việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, sự giúp đỡ các quốc gia Đồng minh trong việc giải giáp người Nhật, việc chỉ định một Chính phủ lâm thời mà sứ mệnh của nó là thực hiện các Hiến chương Đại Tây Dương và Xan Phranxixcô, và làm cho các quốc gia khác cũng thực hiện các Hiến chương đó. 

Trên thực tế, việc thực hiện Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Xan Phranxixcô bao hàm việc thủ tiêu chủ nghĩa đế quốc cùng tất cả các hình thức áp bức thực dân. Đáng tiếc là điều này lại đi ngược lại với lợi ích của một số người Pháp và nước Pháp, mà với nó, những tên thực dân đã từ lâu che đậy sự thực về Đông Dương, thay vì tham gia những cuộc đàm phán có thể mang lại hoà bình, lại viện đến một cuộc tiến công xâm lược, với tất cả những phương tiện... Hơn nữa, thuyết phục người Anh tin rằng Việt Nam đang hy vọng sự trở lại của ách cai trị Pháp, họ đã đạt được trước hết là từ Bộ tư lệnh Anh ở Đông Nam á, sau đó là Luân Đôn, sự công nhận ngầm đối với chủ quyền và trách nhiệm hành chính của họ trong chừng mực liên quan tới Nam Việt Nam. Người Anh đã làm cho người ta hiểu rằng họ đồng ý về vấn đề đó, với cơ sở là việc tái lập sự cai trị của Pháp, và tiếp theo là sự cộng tác Pháp - Việt, sẽ giúp họ đẩy nhanh tốc độ giải giới và giải giáp người Nhật. Nhưng các sự kiện xảy ra sau đó sẽ chứng tỏ tính chất nguỵ biện của lập luận này. Toàn thể dân tộc Việt Nam đã đứng lên muôn người như một chống lại cuộc xâm lược của Pháp. Cuộc phục kích trên đường phố đầu tiên do người Pháp gây ra rạng sáng 23 tháng 9 đã nhanh chóng phát triển thành một cuộc chiến tranh thực sự và có tổ chức trong đó cả hai bên đều bị tổn thất nặng nề. Việc chở quân tiếp viện quan trọng của Pháp tới trên chiếc tàu chiến lớn nhất trong số tàu chiến còn lại của họ, sẽ mở rộng hơn nữa khu vực chiến tranh. Khi mà cuộc đánh nhau giết chóc vẫn đang tiếp diễn ở Inđônêxia, và khi mà hằng ngày vẫn có tin đưa về những hành động dã man của người Pháp, chúng tôi có thể dự đoán sự bùng lên của một cuộc xung đột rộng khắp ở Viễn Đông.
Như vậy, tình hình Nam Việt Nam đòi hỏi sự can thiệp tức thời. Ở đây, việc thành lập ủy ban tư vấn Viễn Đông đã được đón nhận một cách nồng nhiệt như là bước đi đầu tiên có hiệu quả tiến tới một giải pháp công bằng đối với các vấn đề còn tồn tại. Nhân dân Việt Nam chỉ đòi hỏi nền độc lập hoàn toàn và vì sự tôn trọng sự thực và công lý, trình bày trước Ngài những nguyện vọng sau đây của chúng tôi.
1. Vấn đề liên quan tới Nam Việt Nam phải được thảo luận tại cuộc họp đầu tiên của Uỷ ban tư vấn Viễn Đông.
2. Đoàn đại biểu Việt Nam phải được phép tới dự để phát biểu những quan điểm của Chính phủ Việt Nam.
3. Một Uỷ ban điều tra phải được cử tới Nam Việt Nam.
4. Nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam phải được Liên hợp quốc công nhận.
Nhân dịp này tôi xin gửi tới Ngài lời chúc tốt đẹp nhất.
Kính thư
-----
United States - Vietnam Relations
1945-1967, U.S.government printing
office, Washington, 1971, p.80-81.