Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Về quê hương anh Hoàng Văn Thụ

(35 năm trước, mùa đông năm 1979, chiến chinh đưa mình đến nơi này)


Một chiều Đông có hai người lính.
Hứng máu anh hùng hay tập tính thi nhân?
Súng chéo vai, gậy tre băng đồi, dốc
Bến sông ơi đêm hãy đón ta về!
Qua triền sông, cánh đồng sau vụ gặt,
khói rừng chiều êm ái quá em ơi!
Rừng mận đào môi căng muốn nở
Lá sau sau tía hồng hứa hẹn những chồi xanh
Sương sa xuống mưa bay lất phất
Gió rừng thổi từng cơn mát lạnh
Bạn chân giầy, tôi chân dép bước đi
Qua núi cao theo vết trâu đi,
rừng chiều vắng, người chỉ đường xa tít
Thương chân giầy, cõng bạn vượt suối nông,
hơi ấm trên lưng bây giờ còn ấm !
nếu đụng vào biệt kích,
bỏ mạng trên đường quê anh Thụ.
Xương tấp xương !
Trời gần tối chúng tôi đến thăm,
có con chó chạy ra hít, hít...
Ngôi nhà sàn năm xưa
Anh đi về cùng đồng đội
Cột nhà mốc, kẽ nhăn thớ gỗ tháng năm
Khói mái  sàn nghi ngút trong mưa
Chủ nhà đón mời nhau bên bếp lửa
ánh hỏa hồng gương mặt mới thân quen
Cơm rượu- thịt trâu- rau rừng mời ăn
Chủ nhà hình như ăn rất ít
ôi vị ngọt bùi tình thân thiết
ánh lửa hồng soi Mế tuổi 80 .
Mế là em mẹ anh Hoàng Văn Thụ,
vết nhăn trên má vết nhăn cột nhà
Mế kể lại những ngày xa xưa ấy
Tiếng Kinh- Tày câu được, câu chăng
Con đã hầu chuyện một chứng nhân
Bước bậc thang nhà sàn
nơi người xưa ẩn mình làm cách mạng
Con đã nghe tiếng rừng chiều u ám.
Ngửi khói củi hương hồi, hương quế thơm thơm
Vị rừng đầu môi, đã trôi vào trong dạ
Thấy bóng người trong mưa,
hay Anh Thụ trở về  ???
Vẫn tiếc rằng sau bao năm xa cách
Anh vẫn mong về lần cuối,
Lửa rực hồng tôi muốn ngủ qua đêm
Bạn bảo về, anh ta ưa kỷ luật
Nếu ở lại có thể gây tai ách
Biệt kích rừng lảng vảng ăn sương
Chia tay Mế, nhận chai dầu, cây đuốc
Cháy bập bùng, tôi ngoái lại tìm chi ?
Trong ký ức một đêm Đông xa lắc
Cho con thêm vài lần cúng Mế ở chùa quen!
Lối đi  về theo vết chân trâu,
lửa chập chờn ẩn hiện rừng phương Bắc.
Có lẽ đêm nay,
giặc cũng say mềm bên bếp lửa nơi nao?
Cái sướng khổ- buồn vui- sống chết
Muôn kiếp đời thích sống - sướng -vui

 
Sông Giang ơi ! hẹn về không gặp bến,
cánh đồng đêm sương phủ trắng lấp trời.
Chúng tôi đi loanh quanh
“quẫy đạp” niềm hy vọng,
Tìm vào nhà dân theo ánh lửa hồng
Đêm đen đã biến ta thành tòng phạm
Cửa cài kín không ai thức mở
Chim lợn kêu tưởng vãi linh hồn!
Người dân sợ những lời dối trá
Đạn lên nòng tiếng “xoạch” chẳng ai ưa?
Người bạn sợ khi tôi gõ cửa
Tiếng “ngô, vừng” tuyệt vọng quay ra.
Chợt nhớ chuyện:
(áo lông ngỗng Mỵ Châu chạy giặc, nhớ chồng)
Tôi bảo theo hướng bã mía trên đường
sẽ dẫn tới bến sông
Vẫn may tuổi thơ còn ánh hồng ký ức
Chúa mỉm cười cho chúng tôi bè ở bên này
Sao lại thế? - bởi bên kia ít người
đò bè thích bến đông !
Chúng tôi qua sông nước lạnh vỗ về
Gió nửa đêm như thằng quái ác
Đuốc tắt phải dừng che áo bật diêm
Tháo bấc tiếp dầu làm đường dài phía trước
Hai chú lính chập chờn qua giốc đá cheo leo
Về đến lán chỉ còn que diêm cuối
Đuốc sắp cạn dầu,
tôi lạnh người hơn cả đoạn đường xa!
Bao năm trôi qua
Tình người quê anh Thụ:
Đón tiếp ân cần, nhân ái rất thâm sâu
Họ chính xác diêm- dầu đoạn đường về tiễn biệt
Có những lời không nói để nhớ nhau.

Một thời trai chinh chiến xứ Tháp Chùa ( trích Trường ca)

 
 Qua chùa vàng, chùa bạc Ăng Co Thom
Mùa Biển Hồ, cá tranh nhau mặt nước
Khăn cà ma  uốn quanh rừng thốt nốt
Nước ngọt lành, mỗi sớm mặt trời lên
Nếu mai sau mở lại những con đường
Đưa mẹ thăm những nơi con từng đến
Triệu, triệu nén nhang, ngàn ngàn ngọn nến
Thắp sáng gọi hồn- đồng đội chúng con
Nhưng mẹ ơi, chiều mưa Bát -Tam- Boong
Dòng Săng- ke không biết gì đức hạnh
Đường tiếp vận quân thù đang chốt chặn
Cơn sốt rừng ức hận tuổi hai mươi
Đừng  buồn nữa. Bạn ơi đừng tức tưởi
Chúng ta về đi, đứng dáng hiên ngang
Cố sống qua mùa khô An-Lung-Viêng
Rồi xuôi dòng trở về Tôn- Lê- Sáp
Hà Nội ơi, cùng nhau ta ca hát
Có dáng kiều mơ mộng phía trời xa
Cây gạo Ngọc Hà nở hoa Tháng Ba
Mùa lễ hội, Chùa Hương người chen lối
Cẩn thận nhé, những khoảng rừng sáng tối
Đến  kịp rồi súng nổ khắp nơi nơi
Ta chiến đấu xua tan đi tội lỗi
Cho đất này ngọn cỏ lại hồi sinh

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

XÂY DỰNG ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA DOANH NGHIỆP

Quyết định 36/2007/QĐ-BTC ngày 16/5/2007 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều doanh nghiệp thành lập Quỹ. Sau gần 4 năm mới có Thông tư 15/2011/TT-BTC ngày 09/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ.
Thủ tục thành lập Quỹ quy định tại Điều 4 Thông tư 15/2011/TT-BTC: “Tuỳ theo quy mô của Quỹ và nhu cầu đầu tư khoa học công nghệ tại doanh nghiệp, người có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp quyết định hình thức tổ chức, hoạt động, quản lý và chịu trách nhiệm về các hoạt động của Quỹ.
Doanh nghiệp gửi Quyết định thành lập Quỹ, điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ cho cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trước hoặc cùng thời điểm nộp báo cáo trích, sử dụng Quỹ trong kỳ trích lập đầu tiên.
Doanh nghiệp gửi Quyết định thành lập Quỹ, điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ cho Sở Khoa học và công nghệ, Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở trong vòng 30 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập Quỹ.” 
Quy trình thành lập Quỹ gồm các bước mà người đứng đầu doanh nghiệp cần tổ chức triển khai: 
1. Nghiên cứu các văn bản: Thông tư 15/2011/TT-BTC, Quyết định 36/2007/QĐ-BTC và văn bản pháp quy có liên quan,...
2. Tổng hợp tình hình thực tế, nhu cầu phát triển phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;
3. Dự thảo Điều lệ Quỹ;
4. Ra Quyết định thành lập Quỹ; Phê duyệt Điều lệ;
5. Gửi Quyết định thành lập Quỹ, Điều lệ cho cơ quan thuế, Sở Khoa học và công nghệ, Sở Tài chính. 

Bài viết đưa ra “mẫu” Quyết định thành lập Quỹ, dự thảo Điều lệ Quỹ nhằm trao đổi, thảo luận, giúp các doanh nghiệp tham khảo, cụ thể hóa hơn khi xây dựng Điều lệ Quỹ.

Điều lệ Quỹ do mỗi doanh nghiệp xây dựng, không trái với pháp luật, sát với thực tế, chiến lược phát triển của doanh nghiệp và xu hướng phát triển khoa học công nghệ. Do vậy, bản Điều lệ “mẫu” này, bản Điều lệ của các doanh nghiệp khác chỉ có giá trị tham khảo. 

I. CĂN CỨ ĐỂ DỰ THẢO QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP QUỸ VÀ XÂY DỰNG ĐIỀU LỆ QUỸ

1. Thông tư số 15/2011/TT-BTC ngày 09/02/2011 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp.

2. Quyết định số 36/2007/QĐ-BTC ngày 16/5/2007 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.(Phần nội dung Quyết định 36/2007/QĐ-BTC không trái với Thông tư số 15/2011/TT-BTC, vẫn có hiệu lực).

3. Tham khảo các văn bản nêu trong nội dung Thông tư số 15/2011/TT-BTC, Quyết định số 36/2007/QĐ-BTC: Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12; Điều 45 Luật chuyển giao công nghệ năm 2006; Nghị định số 124/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Nghị định 177/1999/NĐ-CP về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện,...Các văn bản khác: Nghị định 80/2010/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực  khoa học công nghệ tại Việt Nam; Quyết định 117/2005/QĐ-TTg ban hành Điều lệ mẫu tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đặc biệt là tham khảo Điều lệ Quỹ của doanh nghiệp có cùng loại hình tổ chức, ngành nghề kinh doanh, như Tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, FPT, Bưu chính Viễn thông,...hoặc tham khảo Sở Khoa học Công nghệ nơi đặt trụ sở công ty..

4. Quyết định của người có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp về việc thành lập Nhóm nghiên cứu thành lập Quỹ

II. ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CÔNG TY X (Dự thảo)

CHƯƠNG I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Tên gọi
Tên tiếng Việt: Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của Công ty X (Dự thảo này thống nhất tên công ty X là công ty cổ phần có Hội đồng quản trị, sau đây gọi là Công ty).
Tên tiếng Anh: Science and Technology Foundation of Company X (Viết tắt bằng tiếng Anh là ...)

Điều 2 : Địa vị pháp lý
Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của Công ty X được thành lập theo Quyết định số ... ngày ...tháng... năm 200... của Chủ tịch HĐQT Công ty X
Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của Công ty X (sau đây gọi là Quỹ) không có tư cách pháp nhân, là bộ phận trực thuộc Công ty.
Quỹ đặt tại (Ghi nơi đặt văn phòng Quỹ)

Điều 3. Tính chất và mục đích hoạt động
Quỹ hoạt động không trực tiếp vì lợi nhuận mà để tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ của Công ty thông qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hợp lý hoá sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh, vị thế của Công ty.

CHƯƠNG II:  CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Nguồn hình thành Quỹ
1. Trích từ thu nhập chịu Thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty trong kỳ tính thuế với mức tối đa không quá 10% (Điều 45 Luật chuyển giao công nghệ năm 2006). Các mức cụ thể hàng năm do Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định.

Thu nhập tính Thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành sau khi đã kết chuyển hết các khoản lỗ theo quy định.

2. Nhận điều chuyển từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ :
- Theo Quy định tại tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 15/2011/TT-BTC (Chỉ áp dụng đối với các công ty con hoặc doanh nghiệp thành viên mà công ty mẹ sở hữu 100% vốn.);
- Theo thỏa thuận tại hợp đồng hợp tác nghiên cứu, triển khai về khoa học và công nghệ với các doanh nghiệp trong nước được kí kết giữa các Giám đốc Quỹ.

3. Các nguồn khác theo quy định của pháp luật: (Cần thảo luận, tham khảo Điều 13 Nghị định 177/1999/NĐ-CP)
- Nguồn vốn đóng góp tự nguyện, không vì mục đích lợi nhuận của các tổ chức hợp pháp, cá nhân trong và ngoài nước; Hợp tác với nước ngoài theo Nghị định 80/2010/NĐ-CP;
-  Thu lãi từ khoản tiền gửi, cho Quỹ  khoa học công nghệ của doanh nghiệp trong nước vay ngắn hạn;
-  Các khoản thu hợp pháp khác nếu có như tiền thưởng, tặng, biếu bằng tiền và hiện vật.

Điều 5. Sử dụng Quỹ
1. Từ nguồn trích lập thu nhập tính thuế
Việc sử dụng nguồn vốn của Quỹ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 của Điều lệ này phục vụ cho mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ của Công ty thực hiện theo quy định tại  Điều 5 Thông tư 15/2011/TT-BTC, cụ thể:
1.1 Cấp kinh phí để thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ của Công ty tại Việt Nam theo đúng quy định về trình tự, thủ tục thực hiện đề tài, dự án.
1.2 Hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của Công ty tại Việt Nam:
(Căn cứ vào định hướng chiến lược, nhiệm vụ của Công ty, cụ thể hóa mục 1.2 Điều 5 Thông tư 15/2011/TT-BTC).
         1.3. Điều chuyển về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Tổng công ty hoặc Công ty mẹ theo tỷ lệ quy định tại Điều lệ này là ...%  (phù hợp với điều lệ Quỹ Tổng công ty, Công ty mẹ mà Công ty X là thành viên, hoặc là công ty con - Cần thảo luận %).

2. Các khoản chi khác (Cần thảo luận, tham khảo Điều 13 Nghị định 177/1999/NĐ-CP)
     Các khoản chi khác gồm:
     2.1. Phụ cấp tăng thêm cho các chủ nhiệm đề tài, dự án, thành viên Hội đồng thẩm định.
     2.2. Khen thưởng định kỳ, đột xuất đối với cá nhân thực hiện đề tài, dự án.
     2.3. Chi quản lý Quỹ: Bộ phận giúp việc Giám đốc Quỹ: Chi hành chính (thiết bị, văn phòng phẩm, phụ cấp...) hoặc trả lương bảo hiểm xã hội đối với cán bộ không hưởng lương của Công ty; Chi thù lao các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ; Chi cho hoạt động quản lý Quỹ không vượt quá 5% tổng số thu của Quỹ.

CHƯƠNG III: TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ
Điều 6. Bộ máy tổ chức và điều hành Quỹ
Bộ máy tổ chức của Quỹ bao gồm: Hội đồng quản lý; Ban Kiểm soát; Giám đốc điều hành.

Điều 7. Hội đồng quản lý Quỹ
1. Hội đồng quản lý Quỹ có từ 5 đến 9 thành viên, gồm: Các chức danh chủ chốt của Công ty, có ít nhất 2 thành viên là các nhà quản lý, nhà khoa học làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
- Ông/bà..... (Người đứng đầu Công ty là Chủ tịch Hội đồng);
- Ông/bà..... (chức danh trong Công ty ) Ủy viên Thường trực - Giám đốc Quỹ
Nhiệm kỳ của Hội đồng quản lý Quỹ là 5 năm.

2. Hội đồng quản lý Quỹ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định đa số (trường hợp số biểu quyết bằng nhau, quyết định theo bên có Chủ tịch Hội đồng biểu quyết). Hội đồng họp thường kỳ để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình; họp bất thường để giải quyết các vấn đề cấp bách do Giám đốc Quỹ đề nghị.

3. Hội đồng quản lý Quỹ có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
a) Hoạch định chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Quỹ, phát triển vốn, nguồn nhân lực,...
b) Phê duyệt kế hoạch hoạt động và quyết toán tài chính hàng năm;
c) Quyết định thành lập Hội đồng khoa học để tư vấn cho Quỹ;
d) Quyết định về phân bổ vốn của Quỹ và các chế độ cụ thể về tài trợ...
đ) Quyết định các tỷ lệ trích lập Quỹ, tỷ lệ chuyển vào Quỹ khác mà Công ty có quan hệ tổ chức bộ máy;
e) Tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động của Quỹ;
f) Biểu quyết phê duyệt chức danh chủ chốt của Quỹ.

Trường hợp không thành lập Hội đồng Quản lý Quỹ thì Hội đồng Quản trị của Công ty thực hiện chức năng nhiệm vụ này (Cần thảo luận theo Điều lệ của Công ty).

Điều 8. Ban Kiểm soát
1. Ban Kiểm soát Quỹ có từ 3 đến 5 thành viên là cán bộ Công ty, trong đó có ít nhất 2 thành viên là thành viên Ban Kiểm soát của Công ty:
- Ông/bà .... ( chức danh trong Công ty) là Trưởng Ban;
- Ông/bà .... (chức danh trong Công ty) Ủy viên,...
Nhiệm kỳ của Ban Kiểm soát Quỹ là 5 năm.

Trưởng ban kiểm soát, Phó Trưởng ban và các thành viên do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Thành viên Ban Kiểm soát Quỹ không được là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con của các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, Giám đốc Quỹ, Phó giám đốc Quỹ và Kế toán trưởng của Công ty. Thành viên Ban Kiểm soát Quỹ phải là những người am hiểu về các lĩnh vực quản lý khoa học và công nghệ, tài chính, kế toán, ngân hàng và pháp luật, không là thành viên Hội đồng quản lí Quỹ.

2. Ban Kiểm soát Quỹ có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Kiểm tra và báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ về tình hình thực hiện Điều lệ của Quỹ, các quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ;
b) Tiến hành công việc một cách độc lập theo chương trình đã được Hội đồng quản lý Quỹ thông qua;
c) Xem xét, trình Hội đồng quản lý Quỹ giải quyết khiếu nại của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động của Quỹ.

Trường hợp không bầu Ban kiểm soát Quỹ thì Ban Kiểm soát của Công ty thực hiện chức năng nhiệm vụ này (Cần thảo luận theo Điều lệ của Công ty)

Điều 9. Giám đốc Quỹ
1. Giám đốc Quỹ chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản lý Quỹ về toàn bộ hoạt động của Quỹ. Giám đốc Quỹ do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Giám đốc Quỹ có thể là: Chủ tịch HĐQT, Hội đồng thành viên, Giám đốc công ty, Phó giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học của công ty, trưởng, phó phòng ban, cán bộ chuyên môn. (Cần thảo luận theo Điều lệ của Công ty)
- Ông/bà (chức danh trong Công ty) Giám đốc Quỹ.
Nhiệm kỳ của Giám đốc Quỹ là 5 năm; Giám đốc Quỹ có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tổ chức, điều hành và quản lý các hoạt động của Quỹ theo quy định của Điều lệ Quỹ và quyết định của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ;
b) Chuẩn bị nội dung, tài liệu và tổ chức các hội nghị của Hội đồng quản lý Quỹ và Hội đồng thẩm định;
c) Thực hiện việc tài trợ theo quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ;
d) Định kỳ báo cáo tình hình thực hiện đề tài, dự án đăng ký, triển khai, huy động vốn, tiếp nhận các nguồn vốn với Hội đồng quản lý Quỹ;
đ) Đại diện cho Quỹ trong các quan hệ với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động của Quỹ;
e) Quản lý tài sản, vốn hoạt động và nhân sự của Quỹ.

2. Các Phó Giám đốc Quỹ thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Giám đốc. Phó Giám đốc Quỹ do Giám đốc Quỹ đề nghị với sự chấp thuận của Hội đồng quản lý Quỹ. (Số lượng : Không quá 2 Phó giám đốc)
- Ông/bà... (chức danh trong Công ty) Phó giám đốc Quỹ,...

Các chức danh: Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát, Giám đốc và các Phó Giám đốc Quỹ là cán bộ kiêm nhiệm chức danh Quỹ, khi thôi chức danh ở Công ty thì người được bổ nhiệm các chức danh ở Công ty đương nhiên đảm nhận chức danh của Quỹ.

3. Văn phòng Quỹ giúp Giám đốc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Quỹ. Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định theo đề nghị của Giám đốc Quỹ. (Số lượng cán bộ chuyên trách không quá 3 người, nhân sự này do Giám đốc Quỹ quyết định); Nhiệm vụ:
a. Dự thảo kế hoạch hoạt động khoa học và nhu cầu sử dụng vốn của Quỹ;
b. Mở sổ sách kế toán, ghi chép chứng từ, hạch toán các nghiệp vụ phát sinh, thanh quyết toán, báo cáo,... theo đúng qui định của pháp luật. (không có Kế toán trưởng của Quỹ mà có cán bộ kế toán Quỹ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm, Công ty mở tài khoản Quỹ);
c. Giúp Giám đốc Quỹ thực hiện các nhiệm vụ: Chuẩn bị tài liệu, điều kiện cho các cuộc họp, lưu giữ tài liệu theo chế độ văn thư, thực hiện chế độ thông tin báo cáo việc đăng ký, thẩm định, triển khai các dự án, đề tài, xây dựng kế hoạch làm việc của Quỹ,...

Điều 10. Hội đồng khoa học
Chủ nhiệm đề tài, dự án khoa học và công nghệ của Công ty chịu trách nhiệm, tổ chức thực hiện theo những quy định của Nhà nước về thủ tục đăng ký, xét duyệt, triển khai,... nghiệm thu (có Hội đồng thẩm định trước khi phê duyệt, Hội đồng đánh giá nghiệm thu kết quả, Hội đồng tư vấn công việc khi triển khai) và kết quả đề tài được Hội đồng thẩm định đánh giá, nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định về khoa học và công nghệ, được áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp... theo Điều 5. Mục 1 Khoản 1.1 Thông tư 15/2011/TT-BTC

1. Hội đồng khoa học có từ 5 đến 9 thành viên do Giám đốc Quỹ đề nghị, Hội đồng quản lý Quỹ quyết định thành lập để thực hiện việc thẩm định các đề tài, dự án xin tài trợ vốn của Quỹ; Hội đồng có ít nhất 1-3 thành viên là tư vấn độc lập, không thuộc biên chế của Công ty. Chế độ làm việc của Hội đồng khoa học theo quy định của pháp luật.

2. Thành viên của Hội đồng khoa học:
a) Phải có phẩm chất tốt, có năng lực chuyên môn về khoa học và công nghệ và tài chính, có kinh nghiệm nghề nghiệp phù hợp với đề tài, dự án;
b) Trong trường hợp thành viên Hội đồng khoa học có liên quan về lợi ích với đề tài, dự án, vay vốn hoặc với chủ nhiệm đề tài, dự án thì không tham gia thẩm định đề tài, dự án đó;
3. Hội đồng khoa học có nhiệm vụ thẩm định về tính khả thi về khoa học công nghệ và tài chính của đề tài, dự án xin tài trợ, vay vốn; khuyến nghị việc bổ sung, sửa đổi đề tài, dự án và tư vấn về chế độ tài trợ.

Điều 11. Giải thể, đình chỉ, hợp nhất, sáp nhập, chia tách Quỹ
1. Đình chỉ hoạt động, giải thể Quỹ, xử lý tài sản khi giải thể  theo Chương IV Quyết định 36/2007/QĐ-BTC.
2. Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách Quỹ theo Điều 6 Thông tư 15/2011/TT-BTC.

CHƯƠNG IV: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Chủ tịch Hội đồng Quỹ, Giám đốc Quỹ, Trưởng các Phòng Ban chức năng của Công ty và các cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện Điều lệ này.

Điều 13. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ
Trong quá trình thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung Điều lệ, Giám đốc Quỹ nghiên cứu trình Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định.

Điều 14. Hiệu lực của Điều lệ
Điều lệ Quỹ gồm 4 chương, 14 điều, được Hội đồng Quản lý Quỹ thông qua ngày...tháng...năm 20... có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký Quyết định ban hành.
-------------------------
Địa chỉ tác giả: TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Công Thương;
Phòng 21,  91 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội; 094 5656 848;
mail: nguyenmanhhung288@yahoo.com.vn 
Bài viết rút gọn, bổ sung từ tài liệu đã trao đổi tại Hội thảo ở Bộ Tài chính

KINH TẾ XÃ HỘI VIỆT NAM : BÌNH LUẬN, NHẬN ĐỊNH, DỰ BÁO TỪ MÙA XUÂN 2003

Hình tượng lãng mạn: Con tàu “Ðổi Mới Việt Nam,, khởi nguyên từ năm 1930 của thế kỷ trước bởi những người thợ, thủy thủ yêu nước, cách mạng được sự chỉ đạo của kiến trúc sư trưởng, thuyền trưởng  bản lĩnh tài ba Hồ Chí Minh và Bộ tham mưu Ðảng Cộng sản Việt Nam. Con tàu được nhân dân Việt Nam đồng thuận tăng thêm động lực, vững vàng vượt qua thử thách cam go của thời đại tiến về hướng đích mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Con tàu đổi mới đã thu được nhiều thắng lợi vẻ vang, lập lên trang sử hào hùng của dân tộc.

Vào năm đầu thế kỷ 21, con tàu đổi mới một lần nữa được  hiện đại hóa về động lực và cơ cấu thiết bị, xác định tăng  tốc độ đến các mục tiêu của hải trình lịch sử. Cuối thế kỷ 20 với những biến động của lịch sử: Năm 1989-1991, dòng hải lưu của hệ thống xã hội chủ nghĩa thay đổi, tạo ra dòng xoáy, khúc quanh nhưng con tàu Ðổi Mới Việt Nam vẫn vững vàng hành tiến bằng bản lĩnh nhân văn của dân tộc được sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy Ðảng cộng sản Việt Nam. Tiếp đó, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực Ðông Nam Á, chúng ta đã tránh được bằng nội lực tiềm ẩn thường thể hiện trong sóng gió. 15 năm đổi mới rất ngắn đối với lịch sử nhưng để lại thành quả, kinh nghiệm, bài học quý cho Ðảng, Nhà nước, Nhân dân ta. Mỗi cơ quan, doanh nghiệp, mỗi người cần tự rút ra kinh nghiệm, bài học để  hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hoàn thành vào năm 2020. Bình luận, nhận định và dự báo dưới dây chỉ là ý kiến riêng của tác giả bài viết này.

I. NHỮNG THÀNH TỰU CỦA ÐỔI MỚI TẠO NỀN TẢNG VỮNG CHẮC
Ðất nước ổn định, giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh thế giới xao động, đổi màu về lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chúng ta hiểu sâu sắc và trung thành với mục tiêu này, làm sâu sắc về lý luận, thể hiện vững chắc tính cách mạng Mác- Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn. Chúng ta hiểu tâm tính người Việt Nam trong lịch sử dân tộc, dòng chảy đạo đức, truyền thống yêu nước, chuộng hoà bình cầu tiến bộ và chủ động ứng xử trước các biến cố thời đại. Văn hóa, bản sắc người Việt Nam càng rõ ràng trong mỗi chúng ta.

Những mục tiêu lớn về kinh tế, xã hội trong chiến lược 10 năm 1991-2000 đã đạt được, biểu hiện rõ nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đến gần 7,5% mỗi năm. Chỉ tiêu này đã chứa dựng việc giải quyết nhóm chỉ tiêu cơ bản mà Quốc hội đề ra hàng năm. Mục tiêu đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng, đó là tiên lượng trí tuệ, quan trọng hơn là chúng ta đã đổi mới khá toàn diện về chính sách kinh tế, xã hội và đo lường trực tiếp hiệu quả của chính sách đó trong từng năm một cách nghiêm túc nhất. Tôi nhận thấy chính sách kinh tế đặt lên hàng đầu nhằm giải quyết những yêu cầu cấp thiết của đời sống, đồng thời tạo ra được năng lực của nền kinh tế trong các giai đoạn sau; Chính sách kinh tế gắn liền với chính sách xã hội khiến chúng ta không sa vào lợi ích kinh tế thuần tuý kiểu “giới chủ”, nội dung của chính sách đã ánh lên giá trị nhân văn đến với các tầng lớp nhân dân, nhất là những người dễ bị tổn thương về tình cảm trước sự phát triển về kinh tế. Tôi gọi là chính sách kinh tế -xã hội- nhân văn có ảnh hưởng tích cực trong cơ chế thị trường. Công cuộc đổi mới đi vào đời sống nhân dân. Một số người có điều  kiện so sánh nhận thấy trong các nền kinh tế chuyển đổi thì người Việt Nam khá nhạy cảm vận hành các quy luật, cơ chế của kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực chất, các ý chí chủ quan của thời đại không phủ kín cái tất yếu khách quan của cuộc sống, có chăng ý chí chủ quan chỉ đạt được hình thức nhất định. Cuộc sống với ý nghĩa đầy đủ của sinh tồn và phát triển luôn luôn mang trong mình những tư duy trăn trở và lối cách để giải quyết những khó khăn ở những mức độ nhất định và mang những khát vọng phồn vinh, thịnh vượng.

Trong thời kỳ chúng ta duy trì cơ chế kế hoạch hóa tập trung cao độ với những khát vọng chân chính nhưng duy ý chí thì đó đây vẫn mong muốn, tìm kiếm, thể nghiệm các giải pháp giản đơn nhưng hiệu quả. Ðó là khoán hộ trong hợp tác xã nông nghiệp ở một số nơi như Vĩnh Phú cuối những năm 60, Ðồ Sơn, Hải Phòng những năm 80; Tìm kiếm và cân đối sản xuất trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp sản xuất, hộ tiểu chủ, gia đình trong sản xuất công nghiệp, thương mại ở các thành phố mà nổi bật là TP. Hồ Chí Minh; Quá trình thể hiện chính sách sản xuất “bung ra” trong nông nghiệp cuối năm 1979, trong công nghiệp với kế hoạch “ba phần” năm 1981, thử nghiệm bù giá vào lương ở Long An năm 1984...

Ý thức xã hội vốn mang nhân tố tiên phong, thực tiễn thì muốn hiệu quả rõ rệt. Rất hay, Ðảng và Nhà nước ta đã kịp thời tổng kết, nắm bắt thực tiễn đó và chuyển thành chủ trương, chính sách trên phạm vi quốc gia với cách làm thận trọng nhưng không chậm chạp. Lô gíc tư duy và đổi mới thể chế kinh tế như thế đã đi vào cuộc sống mà thắng lợi nhãn tiền vào năm 1989 đã chấm dứt cơ chế tem, phiếu, nhiều giá; Nông nghiệp xuất khẩu đến 1 triệu tấn gạo vào hàng thứ ba trên thế giới trong khi mức tăng đầu tư tiền, vốn không đáng kể. Ðấy cũng là dấu hiệu của kinh tế tri thức xét về phương diện khoa học quản lý.

Trong 10 năm cuối thế kỷ 20, những thành tựu mà chúng ta dạt được hoàn toàn tương xứng với nỗ lực cố gắng của đất nước, ai đó kinh ngạc (thậm chí có kẻ nói ăn may) song với chúng ta không lúc nào thoả mãn dừng bước trên con đường đổi mới, tiếp tục hoàn thiện thể chế, ứng xử kịp thời với các tình huống mà nổi bật là tránh được tổn hại trong vụ khủng hoảng ở Ðông Âu, Liên Xô và khủng hoảng tiền tệ trong khu vực Ðông Nam Á.

Theo tôi, quan trọng nhất là chúng ta đã song hành việc cải cách, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, sửa đổi những bất hợp lý, ấu trĩ của cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, đồng thời phát triển kinh tế nhiều thành phần trong môi trường mở cửa. Công việc đó được thực hiện nhất quán và thể chế hóa bằng luật pháp của Nhà nước. Những việc đó có thể ví như việc tìm ra chìa khóa vàng mở động lực, giải phóng sức sản xuất vốn tiềm ẩn trên đất nước ta.
     
Sản xuất, kinh doanh là hoạt động tạo ra của cải, dịch vụ cho xã hội được xem như  hoạt động tất yếu của cuộc sống, nó hàm chứa mưu sinh và nhân văn thuộc quyền và nghĩa vụ tất yếu của con người và đòi hỏi xã hội phải có thiết chế phát triển tốt hơn. Hình thức tổ chức kinh doanh đương nhiên đa dạng thích ứng với trình độ của lực lượng sản xuất, tương hợp với cả truyền thống, tập quán tốt đẹp. Chúng ta hiểu rõ điều đó và chính sách của chúng ta là thoả mãn nhu cầu kinh doanh về hình thức pháp lý và tạo các điều  kiện vật chất, tinh thần phát triển doanh nghiệp. Cơ chế kinh tế thị trường đa thành phần đã và đang phát huy các nguồn lực ở cấp độ mỗi cá nhân đến các loại hình doanh nghiệp cố gắng tìm kiếm các nguồn lực và thị trường, hội nhập vào kinh tế quốc tế, phân công và hợp tác theo các lợi thế, trách nhiệm và thiện ý. Tuy nhiên, chúng ta không được phủ nhận nền tảng, thành quả kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước hiện nay. Việc đổi mới doanh nghiệp nhà nước đã có bước tiến mạnh mẽ; Kinh tế nhà nước đã và đang thâm nhập và đóng vai trò quan trọng trong các thành phần kinh tế không chỉ về giá trị mà quan trọng hơn là tinh thần và định hướng xã hội chủ nghĩa.

Một thời kỳ khá dài các thành phần kinh tế cùng tồn tại trong chặng đầu của chủ nghĩa xã hội. Kinh tế ngoài nhà nước trong môi trường này sẽ mang nét đặc trưng mới, bản chất của nó không đổi song hình thức và một số nội dung thể hiện có nhiều nét đồng  thuận với mục tiêu tiến bộ, tích cực, các chuyển động trong một hệ thống thích hợp có xu hướng cùng hướng đích dưới tác động trội của một phân hệ tạo nên hệ thống đó.

Chúng ta đã sáng suốt gỡ bỏ lý luận giáo điều đeo bám trong tư duy nhiều chục năm. Cuộc đổi mới tư duy này theo tôi khá bình tĩnh, chắc chắn nhìn cả về phía trước và phía sau, giữ vững được trục phát triển và rõ mục tiêu, kết hợp được sức mạnh văn hóa dân tộc và xu thế, sức mạnh của thời đại tiến bộ. Tôi nhìn nhận tính cách Việt Nam trong 15 năm đổi mới: Dù không bằng lòng với thực tế đời sống kinh tế ở mặt này, mặt khác nhưng nhân dân Việt Nam không bị cuốn hút bởi các “liệu pháp sốc” mà các nước có nền kinh tế chuyển đổi thực hiện; giá trị của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã thấm đậm vào người Việt Nam từ ít nhất nửa thế kỷ qua. Vì lẽ đó mà trước biến cố lịch sử chúng ta biết lựa chọn và tránh được những sai lầm. Mặt khác, chúng ta ngày càng rõ nét về tính cách, bản sắc Việt Nam hội nhập với tiến bộ nhân loại mà không hoà tan vào sức mạnh ngoại lực.

Lòng thủy chung và biết ơn cha ông, trân trọng bảo vệ sự nghiệp, thành quả cách mạng của Ðảng, Nhà nước và Dân tộc là tình cảm, đạo lý của chúng ta. Thành tựu đổi mới thể hiện cụ thể vào đời  sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong ký ức và hiện hữu mỗi người dân ý nghĩa thiết thực của đổi mới thiết thân làm sao, điều này khẳng định tất cả những gì chúng ta làm là vì dân, do dân. Vì lẽ đó mà khối đại đoàn kết dân tộc gắn bó và phát huy cao độ, tạo ra sức mạnh vừa hữu hình đếm được, vừa định hình trong tâm thức chúng ta.

Tính vật chất của công cuộc đổi mới không ảo vọng mà là bữa ăn, áo mặc, học hành, nhà ở, tiện nghi, cơ sở vật chất công cộng, việc làm, thu nhập hàng ngày được cải thiện nâng dần lên trong tháng, năm. Tinh thần của đổi mới là sự giải toả phần nhiều các lo toan thường nhật, phấn chấn hướng tới các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, quan trọng hơn là định hướng con đường tương lai tươi sáng, hiện hữu sau mỗi năm và mỗi thời kỳ kế hoạch, mỗi dự án, công trình khởi công và hoàn thành. Các giá trị đó đã và đang truyền vào các thế hệ tiếp theo một cách tin cậy.

Chúng ta giữ vững an ninh, củng cố quốc phòng phá tan mọi âm mưu phá hoại của thế lực phản động; Loại trừ hành động, tư tưởng, lý luận phản cách mạng của chúng; Nêu cao ý thức cảnh giác trong nhân dân. Hệ thống chính trị được củng cố, đổi mới trong các cơ quan Ðảng, Nhà nước, đoàn thể. Trong phát triển thường chứa dựng sự thoái hóa, kẻ ngáng đường, ghen ghét, phá quấy, trục lợi bất hợp pháp đòi hỏi chúng ta phải tự sửa mình, vững vàng, trấn áp các phần tử đó bằng luật pháp và sức mạnh phát triển, bằng cảm hóa và thuyết phục, không có nhân nhượng và thoả hiệp.

Chúng ta, các thế hệ mãi mãi tự hào, trân trọng lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, những gì ta có được hôm nay không phải dễ dàng, may mắn; Sức, trí lực, lòng dũng cảm hy sinh của cha ông đã tạo nên lịch sử Việt Nam, dáng vóc hôm nay. Bảo vệ và xây dựng đất nước độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là niềm tự hào, là nguồn sống, nghĩa vụ cao quý của mỗi chúng ta. Hình ảnh, thực tiễn đổi mới Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được cải thiện, tin cậy và hấp dẫn. Một dòng chảy Việt Nam định hình và vận động trong thiện chí của triệu triệu nhân dân thế giới, các chính phủ, tổ chức quốc tế. Thực tiễn, thành quả đổi mới là minh chứng cao nhất và có khả năng thay đổi các ý nghĩ bảo thủ. Tính cách Việt Nam rất gần gũi với tình cảm nhân dân thế giới, thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, giao lưu các nền văn hóa, phát triển đầu tư  nước  ngoài và thu hút khách du lịch.

Ðánh giá tổng quát, phần lớn các mục tiêu chủ yếu đề ra trong Chiến lược kinh tế -xã hội 1991-2000 đã được thực hiện. Nền kinh tế có bước phát triển mới về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và hội nhập kinh tế quốc tế; đời  sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, văn hóa xã hội không ngừng tiến bộ; thế và lực của đất  nước đã hơn hẳn 10 năm trước, khả năng độc lập tự chủ được nâng lên, tạo thêm điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nguyên nhân của thành tựu là đường lối đổi mới đúng đắn của Ðảng cùng những cố gắng tiến bộ trong công tác quản lý của Nhà nước đã phát huy được nhân tố có ý nghĩa quyết định là ý chí kiên cường, tính năng động sáng tạo và sự nỗ lực phấn dấu của nhân dân ta” ( Văn kiện Ðại hội IX)

II. NHÌN TỪ MÙA XUÂN NĂM 2003
Diễn đàn Kinh tế thế giới hàng năm (WEF) đánh giá sức cạnh tranh các nền kinh tế tổng hợp từ ba chỉ tiêu tác động tới tăng trưởng kinh tế trong trung hạn và dài hạn: trình độ công nghệ, thế chế và môi trường kinh tế vi mô, nước ta năm 2002 xếp thứ 65 trong 80 nước so sánh. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong mười năm qua và là quốc gia có thành tích chống nghèo đói - một vấn đề nhạy cảm nhất của phát triển. Ngược lại, có ý kiến không thừa nhận chúng ta phát triển kinh tế thị trường nhằm lập các hàng rào kỹ thuật, tạo dư luận để cản trở hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Tác động tích cực và tiêu cực từ bên ngoài dội vào là một thực tế trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi chúng ta bình tĩnh đối thoại, đấu tranh thấu tình, đạt lý, đồng thời đổi mới sâu sắc, toàn diện đời sống kinh tế, xã hội đất nước.

1. Tính cạnh tranh của nền kinh tế biểu hiện ở hiệu quả đầu ra của các hoạt động sản xuất, dịch vụ mà hiện chúng ta ở mức chi phí tiến ép vào kết quả, thể hiện rõ ở người sản xuất đơn lẻ, nhóm đến các quy mô lớn hơn, thể hiện trong tính toán nghiêm túc của từng dự án và quá trình thực hiện dự án. Trước tiến trình hội nhập, các doanh nghiệp phần nào ý thức được  khó khăn khi hàng rào thuế quan và phi thuế quan bị dỡ bỏ, các doanh nghiệp hướng nội có thể khó khăn hơn các doanh nghiệp hướng ngoại. Dường như các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng vào bảo hộ và các chính sách ưu đãi truyền thống. Căn bệnh chi phí cao là hệ quả của nền kinh tế chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường với những “bàn tay ngắn vô hình”. Trước kia, giá cả đặt trên sàn, hoặc trần thì thời kỳ này nó giao động “loạn nhịp”. Người ta hưởng lợi trong pha ngắn dẫn đến ngộ nhận “phép kỳ diệu” của chính mình tạo nên hội chứng “chụp giựt” phá quy luật giá trị. Trước hội nhập, có nhiều cơ hội về sân chơi mới, rộng, rõ luật nhưng điều nhận thấy là các lợi ích kiểu cũ sẽ mất. Chi phí cao do 4 nguồn gốc:
(1) Chi phí cao khi sử dụng nguồn lực bên ngoài như chi phí vật chất (hàng hóa, vật tư, vốn) chiếm đến trên 50% chi phí sản xuất, khả năng chuyển hóa của nguồn lực đó khá mạnh song hiệu quả chưa hẳn cao! ví dụ như 7 ngày lương của công nhân ở một nước Ðông Nam Á không mua nổi chính đôi giầy do mình sản xuất ra. Chấp nhận có việc làm hơn không nhưng tiền lương thấp không phải là thế mạnh quan trọng trong cạnh tranh, bởi tiền lương thấp thường kèm theo kỹ năng lao động, năng suất thấp.

(2) Chi phí sử dụng các nguồn lực trong nước không phải thấp, tình trạng độc quyền sản phẩm và một số dịch vụ và sự thoả hiệp của các nhà sản xuất có quy mô trung bình để duy trì lợi nhuận không đích thực làm chi phí sản xuất cao. Hiệu ứng đàn cừu” khá rõ, trước động thái về tiền lương, thị trường thế giới biến động, vài sự cố,... thì giá cả “thượng phong” chiếm chỗ. Cách ứng xử này khá giống kinh tế thị trường cổ điển cách đây khoảng trên 100 năm. Theo quy luật tổng gía trị bằng tổng giá cả trong một khoảng thời gian xác định, người mua cao cái này sẽ bán đắt cái kia nhưng sai lệch về vận dụng quy luật đã tạo nên các lợi nhuận siêu ngạch ở một số doanh nghiệp. Sự thiếu minh bạch là một thủ pháp cổ điển của kinh doanh, điều này giải thích tại sao tranh chấp hợp đồng mua bán, nông dân không thể biết nhà xuất khẩu gạo, chế biến nông sản và kinh doanh vật tư nông nghiệp thu lợi nhuận bao nhiêu? “Thủ pháp kinh doanh không đối lập với văn hóa kinh doanh”. Chúng ta chưa tìm được biện pháp thị trường hữu hiệu để định hướng chi phí thị trường, xuất hiện một số doanh nghiệp tiên phong nhưng quy mô chưa đủ lớn, tư duy  chưa đủ mạnh để  dẫn dắt thị trường

(3) Những sai lệch, nhầm lẫn trong quyết sách đầu tư theo ngành, lãnh thổ tuy không làm thua thiệt nghiêm trọng, song hiệu quả nền kinh tế thấp. Tính phô trương, đầu tư theo phong trào, cấu trúc tự cấp vẫn tiềm ẩn trong nhiệm kỳ của những người lãnh đạo cấp địa phương, đòi hỏi tỉnh mình cũng có đủ ngành nghề theo tư duy địa lý kinh tế giản đơn. Tính liên kết trong phương pháp tư duy rất yếu không chỉ ở các nền kinh tế chuyển đổi mà ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sự phản ứng chậm của hệ thống quản lý vĩ mô và doanh nghiệp trước cơ hội thị trường cũng làm thua thiệt, ví dụ như  chúng ta lượng hóa chưa đúng về nhu cầu xi măng, sắt thép. Việc khuyến khích nhập vật tư cho chế biến xuất khẩu đã thu lời cho doanh nghiệp kinh doanh, doanh nghiệp chế biến, nhưng vật tư đó ngày càng cao cấp và đắt (xăng dầu, phôi thép, clinker, vải, linh kiện điện tử, thiết bị phụ tùng thay thế, hóa chất cơ bản, nguyên liệu tân dược,…) làm cho giá gia công ngày càng thấp đến cực tiểu, nguy hại hơn là nó làm nản chí các nhà đầu tư  sản xuất mặt hàng nguyên liệu,các chi tiết của công nghiệp hỗ trợ.

(4) Những chi phí bất khả kháng thuần về giá trị đó là giá vốn (lãi suất), thuế và phí quy định thành văn và bất thành văn. Giá vốn ở ta vẫn được  xem là cao đến mức các doanh nghiệp và doanh vụ luôn luôn lấy mốc lãi vay ngân hàng để so sánh, mặc dù có lãi suất thoả thuận song hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước vẫn là nguồn cung cấp chủ yếu vốn cho kinh doanh (bên cung có tính tập trung cao). Vì lẽ đó mà các ngân hàng nhiều thời kỳ khó cho vay trong khi nhiều doanh nghiệp thiếu vốn. Mức doanh lợi của nền kinh tế có nhịp độ khác với lãi suất ngân hàng tính theo thời gian, do vậy dự án trung và dài hạn tiếp cận vốn vay rất mạo hiểm trong khi đó việc bảo hiểm cho công ty kinh doanh mạo hiểm chưa thành nếp, bởi tỷ lệ thành công của kinh doanh mạo hiểm trên thế giới dưới 10%. Sức ép hoàn vốn làm cho chủ đầu tư có xu hướng dâng khấu hao để hoàn vốn và trả lãi suất làm cho giá thành tăng không tương thích với sản lượng và doanh thu. Thuế, phí là nguồn thu tất yếu của Nhà nước và là nghĩa vụ, quyền lợi của doanh nghiệp, một khoản nộp không thoả thuận và lẽ dương nhiên phải đưa vào giá tiêu thụ cuối cùng, thói quen mua hàng và bán hàng theo giá thị trường mà không xuất, không đòi hóa đơn thuế đã làm sai lệch chi phí đầu vào và chỉ số giá. Một số người kinh doanh tìm kiếm lợi ích bằng trốn thuế, hoàn thuế và vay vốn lãi suất thấp hơn là các kỹ năng thực thụ của kinh doanh.

2. Hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kinh tế -xã hội do Quốc hội thông qua có ảnh hưởng tích cực đến kế hoạch 5 năm 2006-2010.
(1) Nền kinh tế đã tích luỹ được nội lực, trong đó có nhiều nguồn lực tiềm ẩn sẵn sàng thích ứng với các biến cố kinh tế thế giới. Khả năng điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ đã được thử thách trong môi trường kinh tế thị trường và hội nhập. Một số chuyên gia, viên chức Nhà nước được  giao nhiệm vụ đã nghĩ về các kịch bản diễn biến thuận, nghịch để  trình các giải pháp hữu hiệu giành lợi ích cho nền kinh tế quốc dân.
(2) Những doanh nghiệp đã đặt được đầu vào, ra của sản xuất, kinh doanh trên các “dòng” của thị trường tiếp tục gặt hái thành công dù các dòng thị trường thăng trầm, trồi sụt. Môi trường đầu tư  tại Việt Nam và hàng hóa xuất khẩu của chúng ta ngày càng có vị thế trên thị trường, thu hút luồng thương mại và đầu tư  hướng về Việt Nam. Doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục được cải cách, hiện đại hóa về tổ chức, quản lý, được  “tinh chế” thông qua các quyết định sắp xếp doanh nghiệp ở các ngành và địa phương, kết quả không những giảm bao cấp của Nhà nước mà doanh nghiệp nhà nước  mạnh lên trong môi trường cạnh tranh. Doanh nghiệp nhà nước giảm về số lượng để số còn lại mạnh hơn, vốn nhà nước  tiếp tục xâm nhập vào các công ty cổ phần một cách bình dẳng và hấp dẫn, đầu tư  của nhà nước  chuyển dịch vào các mục tiêu có ảnh hưởng rộng đến nền kinh tế cũng như phát triển hạ tầng, giải quyết vấn đề nhạy cảm như  xóa đói, giảm nghèo, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ,… tạo ra sức cộng hưởng có thể đánh giá rõ ràng.
Các doanh nghiệp FDI tuy không phát triển mạnh về số dự án mới nhưng nhiều doanh nghiệp đang hoạt động sẽ phát triển chiều sâu (tăng vốn, tăng  quy mô, công nghệ mới, sản phẩm mới hướng xuất khẩu). Có khả năng sắp xếp lại doanh nghiệp FDI thông qua cổ phần hóa, mua, bán chuyển nhượng, sáp nhập bởi các hoạt động này hiệu quả hơn thành lập dự án mới. FDI có xu hướng dịch chuyển theo lãnh thổ đầu tư  tăng  lên ở các tỉnh xung quanh Hà Nội như Hưng Yên, Hải Dương,Vinh Phúc, Hà Tây, Bắc Ninh; tăng ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai; mở rộng về Long An, Kiên Giang và các tỉnh miền Ðông Nam bộ xung quanh Tp. Hồ Chí Minh. Ðó là quy tắc cộng hưởng và lan toả mà các địa phương trên đã tranh thủ tối đa cơ hội. Vùng trọng điểm kinh tế miền Trung cần khởi động mạnh hơn.
Các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp đã nở rộ về số lượng trong năm 2000-2002. Các chủ doanh nghiệp hiểu rằng thành lập doanh nghiệp không khó, phát triển doanh nghiệp mới là thách thức. Cần chuyển mạnh từ tư duy “tiền đăng” sang “hậu phát”, xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đồng  hành phục vụ doanh nghiệp, cảnh báo ngăn chặn cái sai, khuyến khích cái đúng để giảm xử phạt chuyện đã rồi.
Một kế hoạch tín dụng tổng thể và chiến lược thị trường cho khu vực doanh nghiệp này (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa) rất cần thiết trong lộ trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hội nhập, công trường hóa các doanh nghiệp sản xuất, và thị trường hóa, sàn hóa đầu ra của doanh nghiệp nhằm tăng khả năng liên kết, chuyên môn hóa hợp tác với doanh nghiệp lớn, với thị trường trong nước và thế giới.

(3) Cấu trúc lại không gian kinh tế theo hướng mở, làm mới quy hoạch theo hướng liên kết tỉnh, vùng, tổng kết các điển hình về khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, cụm công nghiệp nhỏ và vừa, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế quốc phòng, dịch chuyển kinh nghiệm, thành công về các vùng kinh tế có cơ hội phát triển ở phía Tây lãnh thổ Việt Nam như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và phía đông như Quảng Ninh, duyên hải Trung bộ. Theo dự báo cá nhân tôi thì vùng cực Nam thuộc huyện đảo Kiên Hải, bờ vịnh Hà Tiên sẽ phát triển rất tốt khi thiết lập được quy hoạch phát triển và giải mã chính sách khuyến khích đầu tư. Một thành phố tầm cỡ trên bờ vịnh, biển Hà Tiên đã định hình trong ý tưởng và trở thành hiện thực trong tương lai gần. “Hiệu ứng đô thị” kịp lan toả ra các hải đảo đẹp như Côn Ðảo, Phú Quý, hải đảo miền đông Quảng Ninh và các đô thị ven biển Trung Bộ, trên biên giới đất liền. Các hoạt động đầu tư  ngày càng thông thoáng, chuyển dịch mạnh từ vùng hành chính sang vùng kinh tế, từ khuôn khổ chung của địa phương, ngành sang chính sách riêng cho từng loại dự án, từ dự án cá biệt sang tổ hợp dự án, từ ngành sang liên kết ngành và dân chúng ngày càng nhạy cảm quan tâm đến động thái dự án để  họ được  tham gia trực tiếp và gián tiếp.

Ðất cho dự án quý hơn vàng song chính sách đất đai tiến tới nguyên tắc thị trường chỉ giải quyết cho nhu cầu đầu tư đích thực. Hệ thống nhà xuởng, văn phòng, nhà ở, nhà nghỉ du lịch phải làm cao tầng sẽ hiệu quả hơn dàn trên mặt phẳng.

(4) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế có nhiều kinh nghiệm, mô hình ở các ngành, các địa phương trước hết là khai thác thế mạnh của tự nhiên, nguồn lực tại chỗ hướng xuất khẩu. Thành công về thủy sản ở Sóc Trăng, cá bè ở An Giang,… khiến các địa phương có đất trũng, bãi bồi ven biển, sông ao hồ phải suy tính, có thể nhiều nơi sẽ tạo mặt nước nội đồng, lợi dụng dòng chảy và làm sạch môi trường để nuôi trồng thủy sản. Lợi thế về nhân lực chi phí thấp và gia công sản phẩm với công nghệ trung bình vẫn còn tác dụng nhưng doanh nghiệp loại này cần chủ động chuyển sang công nghệ cao, giá nhân công đắt để bắt nhịp với xu thế thế giới về một nền kinh tế trí thức. Các doanh nhân trẻ (dưới 40) có nếp nghĩ mới, muốn thể hiện tài năng và thích tiên phong về lĩnh vực công nghệ mới, xã hội cần động viên và tạo điều  kiện cho họ. Bản thân họ cần chuyển từ tư duy cá biệt sang tư duy  liên kết, hợp lực để có quy mô và chất lượng kinh doanh cao hơn.

Xuất nhập khẩu: Nhìn chung chúng ta được về số lượng và kim ngạch xuất khẩu, trong đó dầu thô, gạo, thủy sản, cao su, cà phê giá cả xuất khẩu khá vững; các mặt hàng chế biến khác như dệt, may, da giầy, điện tử vững về số lượng song giá trị gia tăng  không lớn; Mặt hàng gỗ, thủ công mỹ nghệ, xuất khẩu lao động tiếp tục tăng trưởng  khá, nhiều giá trị gia tăng. Chúng ta tiếp tục phải cạnh tranh với các nhà xuất khẩu trong khu vực, chuyển sự cạnh tranh thành hợp tác mở rộng thị trường; Chắc chắn các hàng rào kỹ thuật lại hiện lên đâu đó đòi hỏi chúng ta đấu tranh, giải trình và chấp nhận các yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa.

Nền kinh tế hướng xuất khẩu được gọi là hội nhập thuận, thay thế nhập khẩu gọi là hội nhập nghịch; thương hiệu nổi tiếng dù giá trị nội địa nhỏ nhưng có dung lượng, kim ngạch mạnh gọi thương hiệu “rỗng” vẫn có cơ sở để tăng giá trị nội địa hoá; Sản phẩm giá trị nội địa lớn mà không rõ thương hiệu rất khó ra thị trường. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường quảng bá, làm sáng các thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới, hoặc nhận được quyền sản xuất thương hiệu uy tín. Giai đoạn đầu hiệu quả không cao bởi chi phí tiếp thị quốc tế ngày nay có thể chiếm đến 40% giá thành sản phẩm nhưng nó tăng kim ngạch xuất khẩu tối thiểu lên 40% và cao hơn nữa trong các khoảng thời gian xác định. Hoạt động tiếp thị ở nước ngoài cần tăng  tốc và gắn trách nhiệm với lợi ích, đa dạng hơn và chuyên nghiệp hơn. Ví dụ thành lập công ty Việt Nam chuyên về lĩnh vực này ở các khu vực và có nhiều chi nhánh.

Về nhập khẩu, sau vài năm nữa chúng ta vẫn phải linh hoạt điều  hành các mặt hàng như xăng dầu, thép, xi măng, phân bón, hóa chất cơ bản, khí ga, bởi bản thân vật tư đó nhạy cảm trước động thái thị trường dầu lửa và tính độc quyền của phía sản xuất và cung ứng. Kế hoạch dự trữ và can thiệp của nhà nước và các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ rất cần thiết để ổn định thị trường tránh “sốt ảo” mà vẫn thu lợi nhuận đích thực. Theo lộ trình AFTA, hàng hóa khu vực có thể vào Việt Nam nhiều hơn, điều  đó có lợi hơn là tổn thương đến các doanh nghiệp trong nước bởi lẽ nó có thể điều chỉnh giảm các chi phí đầu vào mà trong đó đến 60 % kim ngạch nhập khẩu kết chuyển vào hàng xuất khẩu, đồng  thời là tác động cạnh tranh sinh động hơn bất kỳ phát biểu nào!

Giá trị hàng tiêu dùng trong kim ngạch nhập khẩu của chúng ta hiện ở mức khá yên tâm đối với sản xuất trong nước. Hơn nữa, việc một sản phẩm tiêu dùng thông thường bên ngoài chinh phục hoàn toàn thị trường trong nước không phải dễ đối tập quán tiêu dùng dân ta. Gạo, bia, thuốc lá, bánh kẹo, nước giải khát, rượu nhẹ, thực phẩm chế biến, bột giặt, quần áo may sẵn, giầy dép,… trong nước sản xuất dám thách thức với hàng ngoại! Có được  điều  đó là cố gắng lớn của chúng ta trong mười năm qua đã đầu tư  tăng  năng lực sản xuất, hiện tiếp tục đầu tư  chiều sâu để giảm giá thành.

(5) Thị trường bất động sản với chính sách mới cứng rắn về luật lệ, hướng mạnh về nguyên tắc thị trường có thể cải thiện theo chiều giảm giá bất động sản. Sở dĩ giá ở mức cao này cũng là do “hiệu ứng đàn cừu” và do quy hoạch phát triển thị trường này chậm, do tập quán tiết kiệm và tích sản bằng đất đai, nhà cửa mới hình thành trong 10 năm qua. Trong giai đoạn tới, vai trò can thiệp của Nhà nước cùng với sức phát triển của các công ty xây dựng hạ tầng sẽ cải thiện tốt hơn, khiến hệ số sinh lời từ đầu cơ bất động sản tương đương với lợi nhuận xã hội bình quân, đồng vốn sẽ chuyển mạnh sang các công ty cổ phần mới và thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm và tiêu dùng hiện đại. Chúng tôi cảnh báo về nhu cầu không đích thực, và sử dụng đất kém hiệu quả từ các doanh nghiệp, do vậy các hợp đồng giao đất cần chú ý tới thanh khoản và thu hồi đất  khi doanh nghiệp chuyển mục đích sản xuất sang đầu cơ đất đai.

Các địa phương, khu công nghiệp nhỏ và vừa, khu du lịch, đô thị mới mở rộng, đồi rừng chỉ giao đất cho người kinh doanh thực sự, có dự án và triển khai dự án trong thời gian cam kết. Ðầu tư phát triển hạ tầng là một nhu cầu rất lớn ở Việt Nam, trong đó vai trò của khu vực tư nhân và dân chúng ngày càng rõ, nhiều công trình hạ tầng sẽ chuyển sang kinh doanh, thu phí như cầu đường, hạ tầng khu công nghiệp, nhà ở cho công nhân ngoài khu công nghiệp, sản xuất điện, nước, dịch vụ công ở các đô thị mới, thành phố mới với giá hợp lý. Những sai xót trong quy hoạch xa xưa hoặc công trình cũ, xuống cấp của nhà nước và dân cư đòi hỏi phải làm lại và nâng cấp, cùng với các công trình thuộc lĩnh vực du lịch, văn hóa, công nghiệp giải trí đang phát triển là một thị trường xây dựng khá vững ở nước  ta trong 20 năm tới.

III. 20 DỰ BÁO KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM ÐẾN NĂM 2010
1. Không khủng hoảng tài chính, tiền tệ. Chúng ta đã có kinh nghiệm phòng tránh, nền kinh tế phát triển theo chiều hướng tốt nhưng thận trọng lường truớc các biến cố bất lợi.
2. Giá cả tăng rồi chậm lại do mức giá hiện nay ở mức cao so với thế giới, tiết kiệm vẫn có xu hướng chủ đạo trong tiêu dùng dân cư. Tăng chi tiêu chính phủ và đầu tư công cộng là biện pháp quan trọng kích cầu đầu tư  và tiêu dùng.
3. Duy trì khoảng 1500 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có khoảng 100 tập đoàn, tổng công ty lớn có sức chi phối nền kinh tế nhưng hiệu quả kinh doanh ở mức trung bình. Vấn đề cơ cấu lại các ngành, vùng và tổ chức lại các tập đoàn tổng công ty lớn của nhà nước và doanh nghiệp dân doanh sẽ đặt ra nhằm tạo thế và lực tăng trưởng, hạn chế xu hướng độc quyền.
4. Ðầu tư nước ngoài tăng chậm, nhưng các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đã đi vào hoạt động có sức tăng trưởng khá, có khả năng chiếm đến hơn 60 % kim ngạch xuất khẩu do khai thác tốt nhất các lợi thế ở Việt Nam. Cạnh tranh và hợp tác giữa các loại hình doanh nghiệp diễn ra sôi động.
5. Sẽ có cải thiện căn bản thể chế đầu tư theo hướng xã hội hóa, có nhiều dự án khu vực dân doanh tham gia vào các công trình thuộc kết cấu hạ tầng như trường học, bệnh viện, giao thông, điện, nước,... và tập trung hóa để xây dựng các dự án lớn đa nguồn vốn, nhiều mục đích.
6. Thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhưng vẫn chậm tăng quy mô, không có khả năng đột biến theo kiểu “ngày thứ hai đen tối” có một vài cú sốc mang tính thử sức cá nhân, tổ chức tham gia. Xuất hiện cổ phiếu của một số công ty nổi tiếng và trái phiếu Chính phủ ngày càng hấp dẫn do tăng  lãi suất để  thu hút vốn cho các dự án lớn.
7. Ngân hàng vẫn là kênh cung ứng vốn quan trọng của nền kinh tế, tốc độ giao dịch ngang bằng quốc tế, có nhiều hình thức dịch vụ ngân hàng mang tính thương mại và tính nhân đạo. Không tăng số lượng các ngân hàng thương mại cổ phần. Các chi nhánh của ngân hàng quốc doanh mở rộng đến các phường, xã, cụm xã.
8. Ngân sách nhà nước và các Quỹ đầu tư của Chính phủ gữi vai trò cân bằng thị trường vốn bằng những tác động đúng đối tượng, đủ liều lượng, đúng lúc đạt hiệu quả hơn là bao cấp tràn lan. Xuất hiện công ty tài chính nhà nước sau đó hình thành tập đoàn tài chính Nhà nước có sức mạnh đặc biệt.
9. Khá nhiều doanh nghiệp khu vực dân doanh xin giải thể, hoặc buộc phải giải thể vì không có doanh thu. Việc chuyển nhượng chuyển đổi, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp và đổi tên doanh nghiệp đơn  giản. Môn học quản trị kinh doanh sẽ đổi mới nội dung và phương pháp dạy và học. Tư vấn đầu tư, kinh doanh là công việc có thu nhập cao nhưng không nhiều người thành thạo.
10. Các công ty cổ phần ngày càng trở lên hấp dẫn, chính sách của nhà nước thông thuận cho loại hình này. Tuy nhiên, quy mô của các công ty không lớn nhưng hiệu quả cao đối với cổ đông đã mua cổ phần từ khi bán cổ phần lần đầu. Nhiều người sẽ ngạc nhiên về tỷ lệ cao của lãi cổ phần và tăng giá cổ phiếu của một số công ty. Các công ty cổ phần niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán vấp phải khó khăn: nếu huy động quá lớn vốn cho dự án mới sẽ làm giảm cổ tức, kế hoạch đầu tư cuốn chiếu vững chắc sẽ được chú trọng để  duy trì lợi ích của cổ đông.
11. Xuất, nhập khẩu tăng trưởng khá; hàng nông sản chế biến nguyên liệu trong nước  và hàng công nghiệp chế tác nguyên liệu nhập khẩu, tăng trưởng  nhanh. Công nghệ mới sẽ có vị trí quan trọng nhất trong cạnh tranh sản xuất, xuất khẩu sản phẩm.
12. Các khu công nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với dự án công nghiệp có hiệu quả cao, xuất hiện không gian kinh tế mềm tạo ra mối liên kết và tận dụng lợi thế tự nhiên và chính sách ưu đãi của nhà nước. Có một vài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại tự do, đặc khu kinh tế thành công rực rỡ. Những nhà đầu tư thuê đất trong các khu công nghiệp trước kia và trong 5 năm tới sẽ được lợi trong dài hạn.
13. Lao động dôi dư vẫn lớn song có xu hướng giảm do chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình thực hiện tốt từ 10 năm trước cùng với khả năng tự tạo việc làm của số lao động có học vấn cao hơn các thế hệ trước.
14. Các ngành dịch vụ phát triển nhanh hơn nhận biết qua thống kê, xuất hiện nhiều nghề tự do như tư vấn độc lập, kiểm toán, thám tử, ca sỹ, bác sỹ, cầu thủ, huấn luyện viên, hướng dẫn viên du lịch, luật sư, dịch vụ tin học, chăm sóc sức khoẻ gia đình, mua sắm thuê, dịch vụ thuê mượn, dịch vụ hành chính,... đến tận nhà, công sở với chất lượng bảo hành. Ðương nhiên là họ có chứng chỉ hành nghề.
15. Hình thức thuê mua hàng hóa, dịch vụ phát triển nhanh, người tiêu dùng có nhiều cơ hội tận hưởng các thành quả của xã hội công nghiệp và tiêu dùng. Ví dụ như họ có thể được dùng thử hàng hóa trong một thời gian sau đó mới phải trả tiền hoặc đổi, trả lại hàng. Bước tiến về văn minh thương mại là biện pháp cạnh tranh tốt nhất; Tiêu dùng cá nhân, cá biệt tăng rất mạnh.
16. Cá nhân sẽ ngày càng ý thức về bản thân trong cuộc sống, việc tự học, học nghề và tiêu dùng cá nhân tăng  nhanh thích ứng với khả năng chuyển đổi nghề nghiệp. Lựa chọn nghề ban đầu rất quan trọng nhưng việc phải học thêm nghề và chuyên sâu nghề sẽ theo đuổi suốt đời  người lao động.
17. Gia đình ít con, hạnh phúc là biểu tượng để mọi người phấn đấu, dân số già đòi hỏi hệ thống bảo hiểm và dịch vụ phát triển. Xuất hiện một vài tư duy, lối sống lệch lạc trong số ít giới trẻ do ảnh hưởng ngoại lai không chọn lọc nhưng sớm được ngăn chặn.
18. Tính cộng đồng ngày càng trở nên quan trọng và tích cực do việc phát triển các hội quần chúng xã hội, giảm can thiệp, bao cấp của nhà nước. Nhận thức dân chúng tốt, tự thương lượng và giải quyết các quan hệ dân sự trong cộng đồng  một cách nhân ái, có lý, có tình.
19. Các tệ nạn xã hội vẫn nhức nhối do một số người thoái hóa, khó cải tạo. Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội có bước tiến quan trọng, trong đó các biện pháp phòng ngừa và giáo dục cộng đồng, xã hội lên án ngày càng có hiệu quả. Luật pháp nghiêm minh và tính gương mẫu, giản dị trong lối sống của công chức là tấm gương tốt nhất chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là chống nạn tham nhũng.
20. Ðời sống nhân dân được cải thiện tăng bình quân gần 10% năm. Số thu nhập khá tăng lên, người nghèo giảm. Mặc dù bị áp lực của xã hội công nghiệp nhưng lối sống truyền thống văn hóa, văn minh Việt Nam vẫn hấp dẫn số đông giới trẻ.

(Bài đã đăng trên cuốn sách “Kinh tế xã hội Việt Nam - năm 2002, kế hoạch năm 2003- tăng trưởng hội nhập - phát triển bền vững”  Nxb. Thống kê, Hà Nội 2003)