Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

XÂY DỰNG ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA DOANH NGHIỆP

Quyết định 36/2007/QĐ-BTC ngày 16/5/2007 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhiều doanh nghiệp thành lập Quỹ. Sau gần 4 năm mới có Thông tư 15/2011/TT-BTC ngày 09/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ.
Thủ tục thành lập Quỹ quy định tại Điều 4 Thông tư 15/2011/TT-BTC: “Tuỳ theo quy mô của Quỹ và nhu cầu đầu tư khoa học công nghệ tại doanh nghiệp, người có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp quyết định hình thức tổ chức, hoạt động, quản lý và chịu trách nhiệm về các hoạt động của Quỹ.
Doanh nghiệp gửi Quyết định thành lập Quỹ, điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ cho cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đăng ký nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trước hoặc cùng thời điểm nộp báo cáo trích, sử dụng Quỹ trong kỳ trích lập đầu tiên.
Doanh nghiệp gửi Quyết định thành lập Quỹ, điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ cho Sở Khoa học và công nghệ, Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở trong vòng 30 ngày kể từ ngày có quyết định thành lập Quỹ.” 
Quy trình thành lập Quỹ gồm các bước mà người đứng đầu doanh nghiệp cần tổ chức triển khai: 
1. Nghiên cứu các văn bản: Thông tư 15/2011/TT-BTC, Quyết định 36/2007/QĐ-BTC và văn bản pháp quy có liên quan,...
2. Tổng hợp tình hình thực tế, nhu cầu phát triển phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;
3. Dự thảo Điều lệ Quỹ;
4. Ra Quyết định thành lập Quỹ; Phê duyệt Điều lệ;
5. Gửi Quyết định thành lập Quỹ, Điều lệ cho cơ quan thuế, Sở Khoa học và công nghệ, Sở Tài chính. 

Bài viết đưa ra “mẫu” Quyết định thành lập Quỹ, dự thảo Điều lệ Quỹ nhằm trao đổi, thảo luận, giúp các doanh nghiệp tham khảo, cụ thể hóa hơn khi xây dựng Điều lệ Quỹ.

Điều lệ Quỹ do mỗi doanh nghiệp xây dựng, không trái với pháp luật, sát với thực tế, chiến lược phát triển của doanh nghiệp và xu hướng phát triển khoa học công nghệ. Do vậy, bản Điều lệ “mẫu” này, bản Điều lệ của các doanh nghiệp khác chỉ có giá trị tham khảo. 

I. CĂN CỨ ĐỂ DỰ THẢO QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP QUỸ VÀ XÂY DỰNG ĐIỀU LỆ QUỸ

1. Thông tư số 15/2011/TT-BTC ngày 09/02/2011 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp.

2. Quyết định số 36/2007/QĐ-BTC ngày 16/5/2007 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.(Phần nội dung Quyết định 36/2007/QĐ-BTC không trái với Thông tư số 15/2011/TT-BTC, vẫn có hiệu lực).

3. Tham khảo các văn bản nêu trong nội dung Thông tư số 15/2011/TT-BTC, Quyết định số 36/2007/QĐ-BTC: Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12; Điều 45 Luật chuyển giao công nghệ năm 2006; Nghị định số 124/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Nghị định 177/1999/NĐ-CP về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện,...Các văn bản khác: Nghị định 80/2010/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực  khoa học công nghệ tại Việt Nam; Quyết định 117/2005/QĐ-TTg ban hành Điều lệ mẫu tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đặc biệt là tham khảo Điều lệ Quỹ của doanh nghiệp có cùng loại hình tổ chức, ngành nghề kinh doanh, như Tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, FPT, Bưu chính Viễn thông,...hoặc tham khảo Sở Khoa học Công nghệ nơi đặt trụ sở công ty..

4. Quyết định của người có thẩm quyền cao nhất của doanh nghiệp về việc thành lập Nhóm nghiên cứu thành lập Quỹ

II. ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CÔNG TY X (Dự thảo)

CHƯƠNG I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Tên gọi
Tên tiếng Việt: Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của Công ty X (Dự thảo này thống nhất tên công ty X là công ty cổ phần có Hội đồng quản trị, sau đây gọi là Công ty).
Tên tiếng Anh: Science and Technology Foundation of Company X (Viết tắt bằng tiếng Anh là ...)

Điều 2 : Địa vị pháp lý
Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của Công ty X được thành lập theo Quyết định số ... ngày ...tháng... năm 200... của Chủ tịch HĐQT Công ty X
Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của Công ty X (sau đây gọi là Quỹ) không có tư cách pháp nhân, là bộ phận trực thuộc Công ty.
Quỹ đặt tại (Ghi nơi đặt văn phòng Quỹ)

Điều 3. Tính chất và mục đích hoạt động
Quỹ hoạt động không trực tiếp vì lợi nhuận mà để tạo nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ của Công ty thông qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hợp lý hoá sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh, vị thế của Công ty.

CHƯƠNG II:  CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Nguồn hình thành Quỹ
1. Trích từ thu nhập chịu Thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty trong kỳ tính thuế với mức tối đa không quá 10% (Điều 45 Luật chuyển giao công nghệ năm 2006). Các mức cụ thể hàng năm do Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định.

Thu nhập tính Thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành sau khi đã kết chuyển hết các khoản lỗ theo quy định.

2. Nhận điều chuyển từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ :
- Theo Quy định tại tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 15/2011/TT-BTC (Chỉ áp dụng đối với các công ty con hoặc doanh nghiệp thành viên mà công ty mẹ sở hữu 100% vốn.);
- Theo thỏa thuận tại hợp đồng hợp tác nghiên cứu, triển khai về khoa học và công nghệ với các doanh nghiệp trong nước được kí kết giữa các Giám đốc Quỹ.

3. Các nguồn khác theo quy định của pháp luật: (Cần thảo luận, tham khảo Điều 13 Nghị định 177/1999/NĐ-CP)
- Nguồn vốn đóng góp tự nguyện, không vì mục đích lợi nhuận của các tổ chức hợp pháp, cá nhân trong và ngoài nước; Hợp tác với nước ngoài theo Nghị định 80/2010/NĐ-CP;
-  Thu lãi từ khoản tiền gửi, cho Quỹ  khoa học công nghệ của doanh nghiệp trong nước vay ngắn hạn;
-  Các khoản thu hợp pháp khác nếu có như tiền thưởng, tặng, biếu bằng tiền và hiện vật.

Điều 5. Sử dụng Quỹ
1. Từ nguồn trích lập thu nhập tính thuế
Việc sử dụng nguồn vốn của Quỹ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 của Điều lệ này phục vụ cho mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ của Công ty thực hiện theo quy định tại  Điều 5 Thông tư 15/2011/TT-BTC, cụ thể:
1.1 Cấp kinh phí để thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ của Công ty tại Việt Nam theo đúng quy định về trình tự, thủ tục thực hiện đề tài, dự án.
1.2 Hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của Công ty tại Việt Nam:
(Căn cứ vào định hướng chiến lược, nhiệm vụ của Công ty, cụ thể hóa mục 1.2 Điều 5 Thông tư 15/2011/TT-BTC).
         1.3. Điều chuyển về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Tổng công ty hoặc Công ty mẹ theo tỷ lệ quy định tại Điều lệ này là ...%  (phù hợp với điều lệ Quỹ Tổng công ty, Công ty mẹ mà Công ty X là thành viên, hoặc là công ty con - Cần thảo luận %).

2. Các khoản chi khác (Cần thảo luận, tham khảo Điều 13 Nghị định 177/1999/NĐ-CP)
     Các khoản chi khác gồm:
     2.1. Phụ cấp tăng thêm cho các chủ nhiệm đề tài, dự án, thành viên Hội đồng thẩm định.
     2.2. Khen thưởng định kỳ, đột xuất đối với cá nhân thực hiện đề tài, dự án.
     2.3. Chi quản lý Quỹ: Bộ phận giúp việc Giám đốc Quỹ: Chi hành chính (thiết bị, văn phòng phẩm, phụ cấp...) hoặc trả lương bảo hiểm xã hội đối với cán bộ không hưởng lương của Công ty; Chi thù lao các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ; Chi cho hoạt động quản lý Quỹ không vượt quá 5% tổng số thu của Quỹ.

CHƯƠNG III: TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ
Điều 6. Bộ máy tổ chức và điều hành Quỹ
Bộ máy tổ chức của Quỹ bao gồm: Hội đồng quản lý; Ban Kiểm soát; Giám đốc điều hành.

Điều 7. Hội đồng quản lý Quỹ
1. Hội đồng quản lý Quỹ có từ 5 đến 9 thành viên, gồm: Các chức danh chủ chốt của Công ty, có ít nhất 2 thành viên là các nhà quản lý, nhà khoa học làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
- Ông/bà..... (Người đứng đầu Công ty là Chủ tịch Hội đồng);
- Ông/bà..... (chức danh trong Công ty ) Ủy viên Thường trực - Giám đốc Quỹ
Nhiệm kỳ của Hội đồng quản lý Quỹ là 5 năm.

2. Hội đồng quản lý Quỹ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định đa số (trường hợp số biểu quyết bằng nhau, quyết định theo bên có Chủ tịch Hội đồng biểu quyết). Hội đồng họp thường kỳ để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình; họp bất thường để giải quyết các vấn đề cấp bách do Giám đốc Quỹ đề nghị.

3. Hội đồng quản lý Quỹ có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
a) Hoạch định chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Quỹ, phát triển vốn, nguồn nhân lực,...
b) Phê duyệt kế hoạch hoạt động và quyết toán tài chính hàng năm;
c) Quyết định thành lập Hội đồng khoa học để tư vấn cho Quỹ;
d) Quyết định về phân bổ vốn của Quỹ và các chế độ cụ thể về tài trợ...
đ) Quyết định các tỷ lệ trích lập Quỹ, tỷ lệ chuyển vào Quỹ khác mà Công ty có quan hệ tổ chức bộ máy;
e) Tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động của Quỹ;
f) Biểu quyết phê duyệt chức danh chủ chốt của Quỹ.

Trường hợp không thành lập Hội đồng Quản lý Quỹ thì Hội đồng Quản trị của Công ty thực hiện chức năng nhiệm vụ này (Cần thảo luận theo Điều lệ của Công ty).

Điều 8. Ban Kiểm soát
1. Ban Kiểm soát Quỹ có từ 3 đến 5 thành viên là cán bộ Công ty, trong đó có ít nhất 2 thành viên là thành viên Ban Kiểm soát của Công ty:
- Ông/bà .... ( chức danh trong Công ty) là Trưởng Ban;
- Ông/bà .... (chức danh trong Công ty) Ủy viên,...
Nhiệm kỳ của Ban Kiểm soát Quỹ là 5 năm.

Trưởng ban kiểm soát, Phó Trưởng ban và các thành viên do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Thành viên Ban Kiểm soát Quỹ không được là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con của các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, Giám đốc Quỹ, Phó giám đốc Quỹ và Kế toán trưởng của Công ty. Thành viên Ban Kiểm soát Quỹ phải là những người am hiểu về các lĩnh vực quản lý khoa học và công nghệ, tài chính, kế toán, ngân hàng và pháp luật, không là thành viên Hội đồng quản lí Quỹ.

2. Ban Kiểm soát Quỹ có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Kiểm tra và báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ về tình hình thực hiện Điều lệ của Quỹ, các quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ;
b) Tiến hành công việc một cách độc lập theo chương trình đã được Hội đồng quản lý Quỹ thông qua;
c) Xem xét, trình Hội đồng quản lý Quỹ giải quyết khiếu nại của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động của Quỹ.

Trường hợp không bầu Ban kiểm soát Quỹ thì Ban Kiểm soát của Công ty thực hiện chức năng nhiệm vụ này (Cần thảo luận theo Điều lệ của Công ty)

Điều 9. Giám đốc Quỹ
1. Giám đốc Quỹ chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản lý Quỹ về toàn bộ hoạt động của Quỹ. Giám đốc Quỹ do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Giám đốc Quỹ có thể là: Chủ tịch HĐQT, Hội đồng thành viên, Giám đốc công ty, Phó giám đốc, Chủ tịch Hội đồng khoa học của công ty, trưởng, phó phòng ban, cán bộ chuyên môn. (Cần thảo luận theo Điều lệ của Công ty)
- Ông/bà (chức danh trong Công ty) Giám đốc Quỹ.
Nhiệm kỳ của Giám đốc Quỹ là 5 năm; Giám đốc Quỹ có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tổ chức, điều hành và quản lý các hoạt động của Quỹ theo quy định của Điều lệ Quỹ và quyết định của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ;
b) Chuẩn bị nội dung, tài liệu và tổ chức các hội nghị của Hội đồng quản lý Quỹ và Hội đồng thẩm định;
c) Thực hiện việc tài trợ theo quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ;
d) Định kỳ báo cáo tình hình thực hiện đề tài, dự án đăng ký, triển khai, huy động vốn, tiếp nhận các nguồn vốn với Hội đồng quản lý Quỹ;
đ) Đại diện cho Quỹ trong các quan hệ với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động của Quỹ;
e) Quản lý tài sản, vốn hoạt động và nhân sự của Quỹ.

2. Các Phó Giám đốc Quỹ thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Giám đốc. Phó Giám đốc Quỹ do Giám đốc Quỹ đề nghị với sự chấp thuận của Hội đồng quản lý Quỹ. (Số lượng : Không quá 2 Phó giám đốc)
- Ông/bà... (chức danh trong Công ty) Phó giám đốc Quỹ,...

Các chức danh: Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát, Giám đốc và các Phó Giám đốc Quỹ là cán bộ kiêm nhiệm chức danh Quỹ, khi thôi chức danh ở Công ty thì người được bổ nhiệm các chức danh ở Công ty đương nhiên đảm nhận chức danh của Quỹ.

3. Văn phòng Quỹ giúp Giám đốc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Quỹ. Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định theo đề nghị của Giám đốc Quỹ. (Số lượng cán bộ chuyên trách không quá 3 người, nhân sự này do Giám đốc Quỹ quyết định); Nhiệm vụ:
a. Dự thảo kế hoạch hoạt động khoa học và nhu cầu sử dụng vốn của Quỹ;
b. Mở sổ sách kế toán, ghi chép chứng từ, hạch toán các nghiệp vụ phát sinh, thanh quyết toán, báo cáo,... theo đúng qui định của pháp luật. (không có Kế toán trưởng của Quỹ mà có cán bộ kế toán Quỹ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm, Công ty mở tài khoản Quỹ);
c. Giúp Giám đốc Quỹ thực hiện các nhiệm vụ: Chuẩn bị tài liệu, điều kiện cho các cuộc họp, lưu giữ tài liệu theo chế độ văn thư, thực hiện chế độ thông tin báo cáo việc đăng ký, thẩm định, triển khai các dự án, đề tài, xây dựng kế hoạch làm việc của Quỹ,...

Điều 10. Hội đồng khoa học
Chủ nhiệm đề tài, dự án khoa học và công nghệ của Công ty chịu trách nhiệm, tổ chức thực hiện theo những quy định của Nhà nước về thủ tục đăng ký, xét duyệt, triển khai,... nghiệm thu (có Hội đồng thẩm định trước khi phê duyệt, Hội đồng đánh giá nghiệm thu kết quả, Hội đồng tư vấn công việc khi triển khai) và kết quả đề tài được Hội đồng thẩm định đánh giá, nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định về khoa học và công nghệ, được áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp... theo Điều 5. Mục 1 Khoản 1.1 Thông tư 15/2011/TT-BTC

1. Hội đồng khoa học có từ 5 đến 9 thành viên do Giám đốc Quỹ đề nghị, Hội đồng quản lý Quỹ quyết định thành lập để thực hiện việc thẩm định các đề tài, dự án xin tài trợ vốn của Quỹ; Hội đồng có ít nhất 1-3 thành viên là tư vấn độc lập, không thuộc biên chế của Công ty. Chế độ làm việc của Hội đồng khoa học theo quy định của pháp luật.

2. Thành viên của Hội đồng khoa học:
a) Phải có phẩm chất tốt, có năng lực chuyên môn về khoa học và công nghệ và tài chính, có kinh nghiệm nghề nghiệp phù hợp với đề tài, dự án;
b) Trong trường hợp thành viên Hội đồng khoa học có liên quan về lợi ích với đề tài, dự án, vay vốn hoặc với chủ nhiệm đề tài, dự án thì không tham gia thẩm định đề tài, dự án đó;
3. Hội đồng khoa học có nhiệm vụ thẩm định về tính khả thi về khoa học công nghệ và tài chính của đề tài, dự án xin tài trợ, vay vốn; khuyến nghị việc bổ sung, sửa đổi đề tài, dự án và tư vấn về chế độ tài trợ.

Điều 11. Giải thể, đình chỉ, hợp nhất, sáp nhập, chia tách Quỹ
1. Đình chỉ hoạt động, giải thể Quỹ, xử lý tài sản khi giải thể  theo Chương IV Quyết định 36/2007/QĐ-BTC.
2. Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách Quỹ theo Điều 6 Thông tư 15/2011/TT-BTC.

CHƯƠNG IV: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Chủ tịch Hội đồng Quỹ, Giám đốc Quỹ, Trưởng các Phòng Ban chức năng của Công ty và các cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện Điều lệ này.

Điều 13. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ
Trong quá trình thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung Điều lệ, Giám đốc Quỹ nghiên cứu trình Chủ tịch Hội đồng quản trị quyết định.

Điều 14. Hiệu lực của Điều lệ
Điều lệ Quỹ gồm 4 chương, 14 điều, được Hội đồng Quản lý Quỹ thông qua ngày...tháng...năm 20... có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký Quyết định ban hành.
-------------------------
Địa chỉ tác giả: TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Công Thương;
Phòng 21,  91 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội; 094 5656 848;
mail: nguyenmanhhung288@yahoo.com.vn 
Bài viết rút gọn, bổ sung từ tài liệu đã trao đổi tại Hội thảo ở Bộ Tài chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét