Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN - ĐỜI LÍNH- ĐỜI THƠ - ĐỜI THƯỜNG





ĐỜI LÍNH
Trong ngổn ngang chinh chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, những người lính tiểu đoàn 1 đón nhận chính trị viên mới được bổ sung từ Học viện Chính trị Quân sự, quân hàm trung úy tuổi 27. Đó là Nguyễn Đình Chiến.

Với 10 năm trận mạc, học hành anh hòa sức trẻ vào đội hình chiến sỹ. Tôi biết anh từ ngày đó. Phong cách gần gũi lính tráng khiến đồng đội vui vượt qua khó khăn gian khổ. Chiến để lại ấn tượng tốt đẹp trong gần hai năm làm chính trị viên tiểu đoàn.

Mười 17 tuổi dư, Chiến tạm biệt mái trường lên đường ra mặt trận miền Tây (Lào). Nơi chiến tranh ác liệt với nhiệm vụ chiến sĩ đặc công, anh đã đến những căn cứ Loong Chẹng, Bom Loọng, đào hầm ở Viêng Chăn đông, chiến đấu với phỉ Vàng Pao.

Chiến kể về những cánh rừng Lào xác xơ bom đạn Hoa Kỳ, gặp ông già Lào, ông bảo “cứ chiến tranh thế này thì người Lào chết hết”. Năm “74” trên đường về nước, Chiến kỳ vọng “hòa bình”  đã vứt dao găm xuống dòng sông sâu thẳm…nhưng cuộc chiến phía Bắc kéo anh lên.

Kỷ niệm với Chiến là những ngày ở bên nhánh sông Kỳ Cùng trong đội hình tiểu đoàn. Chiến thích tôi, cứ bảo mắt tôi đẹp trong sáng, có đêm anh không ở sở chỉ huy mà xuống ngủ với lính trong vườn chuối, chuyện trò quê hương, gia đình, văn chương và đặc biệt là những người bạn gái ngày đi học. Rồi những chiều, Chiến rủ tôi xuống đại đội 4, trèo lên cây bưởi hái lá đun nước tắm gội… mộng mơ ngắm lá sau sau (gọi là phong, sồi) tía vàng nhẹ rơi.
Cuộc hành quân cấp Quân đoàn mùa hè năm 1979, Chiến cùng cấp chỉ huy tiểu đoàn (anh Hùng, anh Quế) trật vật duy trì đội hình vượt qua cầu Khánh Khê về Cao Lộc, cây cầu mà khói súng còn vương (trận ngày đêm 07-3-1979) Chiến đã có mặt chứng kiến thây xác chiến tranh trôi về bên kia biên giới.

Trong tôi, ấn tượng mạnh nhất đó là chất lính trẻ trai nhanh nhẹn, vui vẻ của chính trị viên, anh nói khá to trong đội hình, to như tiếng rống của mãnh thú núi rừng…Nhưng có lúc thủ thỉ tâm tình chuyện trò với vợ lính bế con lên thăm chồng, với phụ huynh lên thăm con, với cô giáo Trang tập hát cho các em, nhẫn nhịn ngồi ghế dưới bên một chính trị viên đại đội ngồi trốc bàn uống rượu giải âm u ở thung lũng Phai Cải bên dòng sông thác réo bốn mùa,…

Trở về Hà Nội, Chiến giã từ giảng đường Học viện, đầu quân Báo Quân đội Nhân dân theo kế sách của nhà thơ Phạm Tiến Duật, rồi đến khắp chiến trường Battamboong Camphuchia, Vị Xuyên Hà Giang những năm tháng ác liệt như là một lãng tử ra trận. Tử thần chiến tranh đã nhằn Chiến như để lại một chứng nhân của trận mạc. Là người gây được ấn tượng, bản thân Chiến cũng đầy kỷ niệm. Ở mặt trận Lào, có lần Chiến kể về một trung đội trưởng chống lệnh cấp trên “bắn chết tôi cũng không đi, đi nhiều lần không thắng được chỉ thương vong, anh tôi đã chết ở miền Nam”, và những lần lính nắm chân nhau giốc đầu xuống chiến hào sâu hoắm lấy chiến cụ và kéo nhau lên…Hiểu chiều kích của đời lính, Chiến phần nào cảm thông, chia sẻ  những chuyện tương tự sau này.

Theo số phận chắc Chiến là giáo sư triết học, quân hàm cao, nhưng chất lãng du đã đẩy anh sang ngả khác. Hình như anh không muốn an bài trong khuôn mẫu,…

ĐỜI THƠ
Chiến mê thơ từ ngày đi học, những bài thơ đầu tay ở rừng Lào đã vào mắt nhà thơ Phạm Tiến Duật những năm 70. Những câu thơ chân thực, trẻ trung, vô tư viết cho bạn gái: “Vào Viêng Chăn anh bớt phải ngủ hầm/Nhớ già bản dẫn đường đi trinh sát/Trưa ở rừng ăn nắm xôi chấm mật/Bầy ong bay quanh tay áo rù rì”.

Thơ chiến có ba vùng: Đời lính - Quê hương- Nước Nga. Nhưng sâu thẳm vẫn là đời chinh chiến với những hoài niệm bập bùng khói lửa, thân phận chiến tranh xuyên suốt như mạch chủ.

Tập thơ Vầng trăng trên tuyết, Chiến đề tựa “Quá khứ ư? Quá khứ đã xanh chồi/Nhưng dấu võng lặn sâu trong thớ gỗ/Thành hương trầm thơm suốt cuộc đời tôi” quả là định dạng cho đời thơ, đời lính của anh, xem ra rất nhẹ nhàng như những người lính hóa thân vào “mây huyền thoại”.

Thơ Chiến chân thành, hiện thực với đất Lào và biên giới phía Bắc, quê hương Yên Bái với núi đồi, dòng Lô, tán cọ, chóp vầu đọng hạt sương long lanh, với những địa danh thân thuộc như minh chứng con người anh gắn bó yêu thương chia chắt lòng mình, ấp ủ, dồn nén trong tâm.

Thi ca trận mạc, nhưng ở thơ Chiến có cái gì đó lãng mạn, ít gầm thét xung trận kiểu tráng ca. Chiến tìm vẻ đẹp con người trong chiến tranh. Năm “1979” đến Chi Lăng anh mơ màng ánh trăng bên lò thuốc lá, con bê và cô gái bên song cửa, tự ru lòng mình trước ác liệt của binh đao “Có ai đó dịu dàng/Nhìn tôi bên cửa sổ/Chợt thấy tôi bỡ ngỡ/Em ngoảnh nhìn ánh trăng”. Chiều mùa Đông năm 1979, Chiến hứng lên rủ tôi khoác súng đi về thăm quê hương, gia đình anh Hoàng Văn Thụ và trở về trong đêm, nơi đó tiếp giáp với bên kia. Anh định “đổi hai mạng” lấy một bài thơ chẳng có gì to tát, mãi mới được in.

Rồi vào Battamboong, anh ra sông tắm ngắm nhìn cô gái Campuchia dập nước bên dòng sông Săng Ke, ngộ ngĩnh đến mức nhà thơ Phạm Tiến Duật phải cười khi viết lời bình, cho rằng (người lính đem gương soi ra trận). Chiến viết “Em vô tình em để chiếc khăn trôi/Rồi thảng thốt nhìn theo tôi sải nước/Tôi nhặt lên chiếc cầu vồng đẫm ướt(bản gốc bảy sắc)/Trao lại em rồi đỏ mặt quay về.”

Thành công với giải thưởng thơ của một thời “Tiếng súng vang trên bầu trời biên giới” là bài thơ “Gặp lại các em”. Ngày đó, cùng đi với Chiến dưới rừng hồi, cúc dại đầy mộ mới còn nguyên vết xước cuốc xẻng trên đất mộ…và cả bó hương giả làm bằng ruột tre tươi, cháy nhám. Anh đã khóc cho đời binh đao, thương yêu quý trọng “Những đứa em chung chiến hào giữ đất/Mùa xuân qua đã ngã xuống nơi này/Chưa tròn tuổi quân nhưng các em đã sống trọn cuộc đời/Với đồng đội với tình yêu biên giới”. Đó là những người lính của D1, E2 Sư đoàn Sao Vàng-nơi tôi và đồng đội đã sống trọn vẹn đời quân ngũ…

Miền thơ ở nước Nga của Chiến khá thành công. Anh viết với tình yêu xứ sở Bạch Dương từ ngày đi học,…nơi anh gặp gỡ bạn bè như nhà thơ Châu Hồng Thủy, nhạc sĩ Tôn Thất Triêm,…đại gia Nguyễn Văn Chi, với Nguyễn Phúc Lộc Thành sau là chủ hãng xe tải Thành Hưng,… những con người trên đường đời có chung niềm đam mê văn học. Những con người “cho dù vật đổi sao dời vẫn giữ tấm lòng yêu mến Matxcova”.

Chiến có khả năng đối thoại với tiền nhân, anh đi khá nhiều, đến từng nấm mộ, quê hương, di tích của thi sĩ  Ê-Xê-nhin, Lermontop, Puskin, văn hào Lép-tôn-xtôi, ngược về quá khứ với trường ca nổi tiếng trình tốt nghiệp học viện Goorky. “Trường ca Cutudop –Napoleon” với cách nhìn mãnh liệt về quá khứ, hiện tại và khát vọng hoà bình. Anh viết những câu thơ sử thi chiến trận nhưng sau cùng nhẹ nhàng như “Khói chiến trận đã thành mây huyền thoại/Những người lính đã trở về cát bụi/Thành lời ca trong hoài niệm núi sông” thân ái với số phận người lính. Ôi! đồng đội của một thời chinh chiến. Chúng ta không thể khác, chúng ta không ham muốn binh đao, chúng ta có tổ quốc, có giang sơn, có khát vọng, và chúng ta chiến đấu bảo vệ non sông.

Về  tuyên truyền, Chiến thành công nhất với bài “Mùa Xuân-Nơi hẹn gặp”. Năm 1985, khi khói lửa Vị Xuyên- Hà Giang che lấp những ngọn núi cao, phủ đầy thung lũng. Chiến về nơi đó gặp lại đồng đội đang ở hang đá giữa hai lần xung trận, anh thấy mình bé nhỏ “Như rất riêng mà chẳng có gì riêng/Máu nước mắt mồ hôi và Tổ quốc/Câu thơ viết trọn đời tôi ao ước/Thật và tươi như sắc đất chiến hào…Biên cương ơi ký thác của bao đời/Người đã sống để cháu con về hái lộc/Thơ đã viết đầm đìa trên cột mốc/Câu thơ nào tâm huyết của riêng tôi”. Bài thơ được VOV truyền tin nhiều lần, nhắc nhủ tình yêu đất nước, bảo vệ non sông.

Đời thơ của Chiến nhiều trăn trở, giang dở với trường ca “Điện Biên Phủ” và bạn thơ. Nợ áo cơm,…khiến anh chuyển sang làm sách giới thiệu thơ rất thành công…Chiến có tài bình thơ, anh từng đọc cho tôi hai trang viết giới thiệu tướng Thố (Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân) và thơ ông, mà không cần cầm giấy. Bạn thơ quý mến Chiến thuộc thơ mình, thơ bạn và tìm ra ngay những câu nào là “thơ”. Anh giới thiệu nhiều bạn thơ, tuyển thơ in như một nghề những năm cuối đời và có thâm tình với nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phạm Công Trứ,…

ĐỜI THƯỜNG
Cũng như muôn người, Chiến ấp ủ tình yêu thương quê hương Yên Bái, nơi có “đôi vai gầy se sắt gió heo may” của mẹ, dáng người cha kéo pháo “vật vã gió Than Uyên” về lam lũ trên đồi rừng; anh Doanh, em Tuấn, Tú,…và bà con bạn bè như Thắng, Lan, Cần,…Và cùng người vợ trẻ - bác sĩ Kim bươn bả chăm nuôi cháu Kiên,Vũ. Anh giành tình yêu thương cho thơ, cho người thân,…Gần đây anh khoe biết nấu nướng rất ngon cho vợ con,… 

Nhà thơ không thể làm kinh tế. Chiến bươn chải trên nẻo đường xứ tuyết với văn chương nhưng đụng vào mưu sinh,“đánh hàng” là hỏng nhiều hơn được. Anh nợ nần, chẳng nhiều nhặn gì cũng là nợ đeo đuổi. Con người lãng tử này thích hành đời, hành xác để hành văn.

Khi ở nước Nga về, không việc  làm, không tiền bạc, nhưng hay đi, đến mức ghi nợ xe ôm làm vợ phát bực, rồi chủ nợ truy xiết…Chiến la “đời là kiếp phù dung”.Vợ Chiến trẻ, hay ghen với bạn thơ, những cô Thùy Linh, Thu Nguyệt, Cầm nào đó mê thơ, thích người! Bác sĩ Kim bươn bả làm ăn, hạnh phúc bên Chiến với hai con trai, nhà đất nở ra, hành nghề y có bài bản. Nhưng kiếp hoa phù dung sớm nở tối tàn thì có lẽ là tất cả cho thân phận con người ngắn ngủi ở trần gian!

Chiến bạo miệng đùa bạn nhưng thơ thì cẩn trọng. Khi bị lạc trong màn sương đặc quánh ở bờ sông Kỳ Cùng năm 1979, Chiến ôn tồn bảo tôi “có anh bạn chửi như thế nên bị cấp trên trù úm”…

Những chiến sỹ của tiểu đoàn thời chiến chinh mấy ai quên hình ảnh Chiến, chẳng phải vì mến tài văn chương mà là yêu thích sức trẻ trung hoành nơi biên cương gió lạnh, những đêm trăng vượt thác ghềnh, con sào đập nước dậy ánh trăng…

Thôi Chiến ạ! Cõi dương trần anh còn nhiều trăn trở, thác suối vàng như vết võng rừng lặn vào thớ gỗ xa xăm. Một đời người biết thế nào cho đủ, nhưng đời lính, đời thơ anh khá đã đầy. Vợ con anh vượt qua đau buồn và sống như ước nguyện của anh.

Anh vẫn sống trong trí nhớ người khác.

 ---------------
Đồng đội: Nguyễn Mạnh Hùng ĐT: 094 5656 848






NDC ở Nga cuối thế kỷ 20
Bút tích, ảnh trong tập thơ "Vầng trăng trên tuyết"

TRƯỜNG CA ĐIỆN BIÊN PHỦ (Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến)



TRƯỜNG CA ĐIỆN BIÊN PHỦ...

Tác giả: Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến.
                          (1979 nhận chức chính trị viên Tiểu đoàn)

Nguyễn Đình Chiến nhập ngũ năm 1970 sang chiến trường Lào đến năm 1974;  học viên, giảng viên HVCT quân sự; chính trị viên tiểu đoàn 1,  trung đoàn 2 (TĐ An Lão), sư đoàn Sao Vàng 79-80; Phóng viên chiến tranh có mặt ở CPC, học viên trường viết Văn Nguyễn Du, Goorky; TTK- CT Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga, Tổng biên tập báo “Người bạn đường”, Phó chủ tịch Câu lac bộ thơ Lục bát Hà Nội. Quê Đại Lĩnh, Yên Bình, Yên Bái (quê gốc Hà Tây).
Tác phẩm chính đã xuất bản:
- Hoàng hôn nhớ (xuất bản tại Matxcơva, Nga)
- Tạm biệt nước Nga (xuất bản tại Hà Nội)
- Vầng trăng trên tuyết  (xuất bản tại Hà Nội- có giải thưởng)
- Giải A cuộc thi Thơ Tuần báo Văn Nghệ 1982 - 1983,
- Giải thưởng Thơ Tạp chí Văn nghệ quân đội 1984.
- Giải Nhất cuộc thi Thơ 2012 – 2013 Nhân dịp 70 năm chiến thắng Stalingrad do Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga và Hội người Việt Nam tại Volgagrad tổ chức.
- Đồng tác giả (Chiến CTV TĐ; Hùng-TĐ trưởng; Quế- TĐ phó) bài hành khúc “Trung đoàn An Lão” 1979 tại mặt trận Lạng Sơn,…

Tưởng nhớ nhà thơ trân trọng giới thiệu bạn đọc, bạn bè nhà thơ, Phần 1 (TÂY BẮC)  Trường ca ĐIỆN BIÊN PHỦ, Báo QĐND xuất bản lần đầu năm 2004.

TÂY BẮC

Đêm xuống rồi, đêm như tấm khăn piêu.
Che mái tóc đen huyền cô gái Thái.
Gương mặt em- vầng trăng nhô khỏi núi.
Toả dịu dàng ánh sáng xuống lòng anh.

Vẫy ta ư? Ôi ngọn khói thơm lành.
Người quen đấy đâu phải là khách lạ.
Gió chải lược ruộng bậc thang óng ả.
Dải lúa vàng đang vấn lại vành khăn…

Đêm bồi hồi tre trúc nhúng vào trăng.
Mê mải viết bài thơ trên vách đá.
Hỡi thi nhân học làm sao cho thoả.
Nét bút thần kỳ lạ của thiên nhiên…

Ta là con của Tây Bắc, Điện Biên.
Hồn mở rộng theo hình sông thế núi.
Hành trang ấy tôi mang theo không mỏi.
Nửa cuộc đời mong đợi lại về đây...

Biết thời gian là gió thổi mây bay.
Những ký ức sương mờ, những lãng quên lăn lóc.
Nhưng thời gian cũng để trai hoá ngọc.
Hạt thành cây và gỗ hoá lên trầm…

Đêm nay nay về ta nghỉ lại nhà dân.
Thanh thản quá mái sàn nghiêng bên suối.
Sương pha khói bóng trăng hoà bóng núi.
Mang no lành yên tĩnh gửi vào đêm…

Con nước lần thong thả giót nghiêng nghiêng.
Vào máng gỗ rào rào như bạc xóc.
Những hạt gạo đã ánh lên màu ngọc.
Tiếng chày khuya đâu vẫn nện kìn kìn…

Sao đặc trời sao ngợp đỉnh Pha Đin.
Như thóc giống người Mông phơi trên rẫy.
Ôi nắm xôi nuôi quân từ thuở ấy!
Mùi nếp thơm còn dậy đến bây giờ?

Bao mồ hôi với bụi than tro.
Từng xa xót nằm trên đuôi mắt mẹ.
Gió Lào thổi những đồi tranh rách xé.
Những ngôi nhà như dán chặt vào mây…

Giữ hồn thiêng bất khuất của Pa Chay (1).
Làm ngọn nửa ủ sâu trong ngực núi.
Để bất chợt lại bùng lên dữ dội.
Để thiêu đi những sầu tủi oan hờn...

Tiếng khèn ai đang thổi ở đầu non?.
Mà nghèn nghẹn như nước nguồn nghẹn mạch.
Mà mờ ảo như gió ngàn buông bắt.
Mà mơ màng như chớm giấc chiêm bao…

Mây trắng ơi, mây trắng bay về đâu.
Đừng thơ thẩn đừng lang thang chi nữa.
Hãy về đây nghe tiếng khèn nhắn nhủ.
Lời yêu thương, lời hẹn ước, lời ru…

Để sớm mai mây lại hoá sương mù.
Thành tấm mạng che mặt em xuống chợ.
Đường dốc núi bước thương dồn bước nhớ.
Mà hồn em như cuộn chỉ màu…

Anh rũ rối lên rồi em chẳng gỡ được đâu.
Tây Bắc ơi! Người là mối tình đầu.
Ta đã uống ban mai tinh khiết.
Như cô gái hồn nguyên sơ chỉ biết.
Thể yêu ai đến chết chẳng thay lòng?...

Tuyết trắng trời theo nỗi nhớ niềm mong.
Tôi đã sống những năm dài xa xứ.
Hồn Tây Bắc xui bước chân lữ thứ.
Nơi Pu-skin hằng ao ước trong thơ.
Bên thượng đế ông là người hàng xóm.
Ca-dơ-bếch oai hùng vươn một ngọn.
Đầu ngẩng cao xé rách cả tầng mây (2)..

Yêu sao bằng Tây Bắc của tôi đây!
Dãy Hoàng Liên chắn ngang trời kỳ lạ.
Nơi gió sớm đưa về hương thảo quả.
Nơi nắng chiều thơm lức vị sa nhân…
Hoa trúc vàng như có phép đằng vân.
Vụt biến mất vào thinh không trong suốt.
Để phút chốc mây lại về nườm nượp.
Che kín mặt trời, phủ kín mặt trăng…
Ta chào người hỡi đỉnh Phan-xi-păng.
Đấng vòi vọi chả mấy khi hiện hữu.
Người ẩn khuất trong sương mù vạn nẻo.
Như thần linh trong hương khói ban thờ…
Có phải người trong một phút say sưa…
Để bình nước trên tay mình rớt xuống.
Thành sông suối réo oà muôn tâm tưởng.
Của miền Tây thương nhớ gửi bao miền...

Đường Bình Lư con thác bạc treo nghiêng.
Con thác Bay nhảy ngang qua đầu ngựa.
Đá chồng chất chật một trời Phong Thổ.
Mảnh ruộng nghèo bờ đá xếp chênh vênh…

Dòng Nậm Na tung sóng trắng đầu ghềnh.
Bạc tóc nhớ những người trai Tây Bắc…
Năm các anh đội mìn phá thác.
Gặp sông Đà xuôi mãi xuống Phù Yên…

Đêm Mường Lò nghe ngọn gió Than Uyên.
Thổi ngằn ngặt qua trời Khau Phạ.
Dòng Thia xanh giấu mình trong ổ đá.
Như người nằm trở dạ nén cơn đau.

Nghe ran ran tiếng sấm vỡ trên đầu.
Mùa mưa trổ những mầm chông nhọn sắc.
Thương em gái hái măng qua đèo ách.
Dải áo chàm mờ khuất dưới mưa mau…

Tàu chuối rừng lợp vội lán nơi đâu?
Mưa sầm sập trên đường qua Đại Lịch .
Ánh chớp léo lưỡi dao rừng phục kích.
Ngọn giáo vầu hận giặc máu chưa khô..
Ôi! Hồn rừng khí núi chẳng bơ vơ.
Hoa chuối đỏ thắp lòng ta rừng rực.
Mí mắt đá bàng hoàng như chợt thức.
Gặp người thân ra bể trở về nguồn…

Kìa mây hồng quà tặng của hoàng hôn.
Đã trịnh trọng vắt ngang vai núi.
Như dũng tướng khoác chiến bào đỏ chói.
Mắt say nhìn bổi hổi nước Đà Giang.

Nhà thơ ơi khi qua thác Chiến Than!.
Anh có gặp hồn Ngư Phong ở đó (3)..
Nơi nước réo ngày đêm như sấm nổ.
Đá như hùm như gấu dữ chồm lên.

Và trùng trùng như giáo dựng hai bên.
Luồng phân thuỷ tiếng reo hò náo động.
Cờ Cần Vương nhuộm đen màu thuốc súng.
Vì lòng trung không nỡ bỏ Tây Châu.

Gió ù ù lay rừng thẳm vực sâu.
Gươm nứa máu cờ lau khua dạt dạt.
Đá lăn lóc như ngỡ muôn đầu giặc.
Rụng như sung trên chiến địa năm nào...

Qua Sơn La đứng lặng trước hoa đào.
Dòng nhựa ấm dâng lên màu máu thắm.
Nhớ các anh thuở đoạ đầy giam cấm.
Hồn vẫn xanh thăm thẳm buổi ban đầu...

Tiếng xích xiềng khua lạnh suốt đêm thâu.
Không ngăn được những dòng thơ lửa cháy.
Không ngăn được những lời ca trỗi dậy.
Vì các anh đang sửa soạn từng ngày.

Một mùa thu Tây Bắc đỏ cờ bay.
Một màu hạ Điện Biên bừng tiếng hát.
Người nghệ sỹ năm xưa trong ngục sắt.
Lại là người viết khúc khải hoàn ca (4)…

Ban mai hồng qua Hát Lót, Mường La.
Rừng lại thả một mùa chim xao xuyến.
Em ngồi tết những quả còn đuôi én.
Bay theo luồng ánh sáng của lòng yêu…

Về Mai Châu khăn áo gửi mùa thêu.
Anh còn vượt đỉnh Pha Luông vời vợi.
Đâu Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi.
Đâu Mường Hịch Cọp trêu người mỗi tối.
Đâu hồn lau phơ phất nẻo bến bờ (5)..
Dậy lên nào sông Mã tiếng huầy dô.
Đêm chiến dịch mảng ta về như lá.
Sóng lưỡi búa băm vào vách đá.
Những con thuyền độc mộc vút như tên…

Có ai sang thăm đất bạn thảo hiền.
Cho ta gửi lời yêu thương trìu mến.
Tuổi trai tôi theo các anh tình nguyện.
Bắp chân trần đen dấu vắt Sầm Nưa…

Cánh đồng Chum lửa khói mịt mờ.
Mưa Xiêng Khoảng tái tê màu sốt rét
Sao tôi nhớ đất nước này da diết.
Ôi màu xanh Pa -Thét một đời yêu…

Tôi vẫn nghe như tiếng vượn ru chiều.
Tiếng nai tác giữa rừng gìa xăng lẻ.
Những bầy voi đưa cập ngà đường bệ
Gọi vầng trăng về đêm múa lăm vông…

Đôi tay mềm những cô gái lưng ong.
Những nhà sư áo vàng bay phơ phất.
Tiễn người đi hoa đại rơi trắng đất.
Hẹn người về nước mắt chảy vào trong…

Hội vui này bạn có sang không?
Dòng Nậm U hẳn đêm ngày vẫn nhắc.
Nửa thế kỷ cho một lần gặp mặt.
Một ngày vui cho thoả mấy năm chờ…

Mấy đêm rồi ta tỉnh vậy hay mơ.
Nghe cảm hứng trong hồn mình cuộn chảy.
Nghe dào dạt dưới trăng vàng lộng lẫy.
Con cá lăng đang vượt thác sông Đà.
Đôi vây hồng bơi đến bến Tạ Khoa.
Nó thảng thốt ngỡ mình ra biển lớn.
Đàn dầm xanh cũng thôi trò nghịch ngợm.
Ném từng thoi bạc trắng xuống lòng hồ…

Im lặng nào! nghe gió hát say sưa.
Hành quân xa qua suối sâu vực thẳm.
Rừng trúc thổi khúc quân hành văng vẳng.
Trời Điện biên mây trắng phía lưng đèo…

Yên Bái-Điện Biên Phủ, tháng 3-2004
(1)- Lãnh tụ khởi nghĩa chống Pháp của người Mông. Cuộc khởi nghĩa của ông kéo dài từ 1918 đến 1922.
(2) Thơ Lec-môn-tốp.
(3)- Nguyễn Quang Bích (1832-1890). Lãnh tụ của phong trào Cần Vương chống Pháp ở Tây Bắc. Ngư phong thi tập là tập thơ rất có giá trị của ông, phản ánh cuộc kháng chiến oanh liệt của nghĩa quân và phong cảnh hùng vĩ của Tây Bắc…
(4) Cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận.(5) Thơ Quang Dũng...
---------------
Đồng đội Nguyễn Mạnh Hùng, ĐT: 094 5656 848