Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN - ĐỜI LÍNH- ĐỜI THƠ - ĐỜI THƯỜNG





ĐỜI LÍNH
Trong ngổn ngang chinh chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, những người lính tiểu đoàn 1 đón nhận chính trị viên mới được bổ sung từ Học viện Chính trị Quân sự, quân hàm trung úy tuổi 27. Đó là Nguyễn Đình Chiến.

Với 10 năm trận mạc, học hành anh hòa sức trẻ vào đội hình chiến sỹ. Tôi biết anh từ ngày đó. Phong cách gần gũi lính tráng khiến đồng đội vui vượt qua khó khăn gian khổ. Chiến để lại ấn tượng tốt đẹp trong gần hai năm làm chính trị viên tiểu đoàn.

Mười 17 tuổi dư, Chiến tạm biệt mái trường lên đường ra mặt trận miền Tây (Lào). Nơi chiến tranh ác liệt với nhiệm vụ chiến sĩ đặc công, anh đã đến những căn cứ Loong Chẹng, Bom Loọng, đào hầm ở Viêng Chăn đông, chiến đấu với phỉ Vàng Pao.

Chiến kể về những cánh rừng Lào xác xơ bom đạn Hoa Kỳ, gặp ông già Lào, ông bảo “cứ chiến tranh thế này thì người Lào chết hết”. Năm “74” trên đường về nước, Chiến kỳ vọng “hòa bình”  đã vứt dao găm xuống dòng sông sâu thẳm…nhưng cuộc chiến phía Bắc kéo anh lên.

Kỷ niệm với Chiến là những ngày ở bên nhánh sông Kỳ Cùng trong đội hình tiểu đoàn. Chiến thích tôi, cứ bảo mắt tôi đẹp trong sáng, có đêm anh không ở sở chỉ huy mà xuống ngủ với lính trong vườn chuối, chuyện trò quê hương, gia đình, văn chương và đặc biệt là những người bạn gái ngày đi học. Rồi những chiều, Chiến rủ tôi xuống đại đội 4, trèo lên cây bưởi hái lá đun nước tắm gội… mộng mơ ngắm lá sau sau (gọi là phong, sồi) tía vàng nhẹ rơi.
Cuộc hành quân cấp Quân đoàn mùa hè năm 1979, Chiến cùng cấp chỉ huy tiểu đoàn (anh Hùng, anh Quế) trật vật duy trì đội hình vượt qua cầu Khánh Khê về Cao Lộc, cây cầu mà khói súng còn vương (trận ngày đêm 07-3-1979) Chiến đã có mặt chứng kiến thây xác chiến tranh trôi về bên kia biên giới.

Trong tôi, ấn tượng mạnh nhất đó là chất lính trẻ trai nhanh nhẹn, vui vẻ của chính trị viên, anh nói khá to trong đội hình, to như tiếng rống của mãnh thú núi rừng…Nhưng có lúc thủ thỉ tâm tình chuyện trò với vợ lính bế con lên thăm chồng, với phụ huynh lên thăm con, với cô giáo Trang tập hát cho các em, nhẫn nhịn ngồi ghế dưới bên một chính trị viên đại đội ngồi trốc bàn uống rượu giải âm u ở thung lũng Phai Cải bên dòng sông thác réo bốn mùa,…

Trở về Hà Nội, Chiến giã từ giảng đường Học viện, đầu quân Báo Quân đội Nhân dân theo kế sách của nhà thơ Phạm Tiến Duật, rồi đến khắp chiến trường Battamboong Camphuchia, Vị Xuyên Hà Giang những năm tháng ác liệt như là một lãng tử ra trận. Tử thần chiến tranh đã nhằn Chiến như để lại một chứng nhân của trận mạc. Là người gây được ấn tượng, bản thân Chiến cũng đầy kỷ niệm. Ở mặt trận Lào, có lần Chiến kể về một trung đội trưởng chống lệnh cấp trên “bắn chết tôi cũng không đi, đi nhiều lần không thắng được chỉ thương vong, anh tôi đã chết ở miền Nam”, và những lần lính nắm chân nhau giốc đầu xuống chiến hào sâu hoắm lấy chiến cụ và kéo nhau lên…Hiểu chiều kích của đời lính, Chiến phần nào cảm thông, chia sẻ  những chuyện tương tự sau này.

Theo số phận chắc Chiến là giáo sư triết học, quân hàm cao, nhưng chất lãng du đã đẩy anh sang ngả khác. Hình như anh không muốn an bài trong khuôn mẫu,…

ĐỜI THƠ
Chiến mê thơ từ ngày đi học, những bài thơ đầu tay ở rừng Lào đã vào mắt nhà thơ Phạm Tiến Duật những năm 70. Những câu thơ chân thực, trẻ trung, vô tư viết cho bạn gái: “Vào Viêng Chăn anh bớt phải ngủ hầm/Nhớ già bản dẫn đường đi trinh sát/Trưa ở rừng ăn nắm xôi chấm mật/Bầy ong bay quanh tay áo rù rì”.

Thơ chiến có ba vùng: Đời lính - Quê hương- Nước Nga. Nhưng sâu thẳm vẫn là đời chinh chiến với những hoài niệm bập bùng khói lửa, thân phận chiến tranh xuyên suốt như mạch chủ.

Tập thơ Vầng trăng trên tuyết, Chiến đề tựa “Quá khứ ư? Quá khứ đã xanh chồi/Nhưng dấu võng lặn sâu trong thớ gỗ/Thành hương trầm thơm suốt cuộc đời tôi” quả là định dạng cho đời thơ, đời lính của anh, xem ra rất nhẹ nhàng như những người lính hóa thân vào “mây huyền thoại”.

Thơ Chiến chân thành, hiện thực với đất Lào và biên giới phía Bắc, quê hương Yên Bái với núi đồi, dòng Lô, tán cọ, chóp vầu đọng hạt sương long lanh, với những địa danh thân thuộc như minh chứng con người anh gắn bó yêu thương chia chắt lòng mình, ấp ủ, dồn nén trong tâm.

Thi ca trận mạc, nhưng ở thơ Chiến có cái gì đó lãng mạn, ít gầm thét xung trận kiểu tráng ca. Chiến tìm vẻ đẹp con người trong chiến tranh. Năm “1979” đến Chi Lăng anh mơ màng ánh trăng bên lò thuốc lá, con bê và cô gái bên song cửa, tự ru lòng mình trước ác liệt của binh đao “Có ai đó dịu dàng/Nhìn tôi bên cửa sổ/Chợt thấy tôi bỡ ngỡ/Em ngoảnh nhìn ánh trăng”. Chiều mùa Đông năm 1979, Chiến hứng lên rủ tôi khoác súng đi về thăm quê hương, gia đình anh Hoàng Văn Thụ và trở về trong đêm, nơi đó tiếp giáp với bên kia. Anh định “đổi hai mạng” lấy một bài thơ chẳng có gì to tát, mãi mới được in.

Rồi vào Battamboong, anh ra sông tắm ngắm nhìn cô gái Campuchia dập nước bên dòng sông Săng Ke, ngộ ngĩnh đến mức nhà thơ Phạm Tiến Duật phải cười khi viết lời bình, cho rằng (người lính đem gương soi ra trận). Chiến viết “Em vô tình em để chiếc khăn trôi/Rồi thảng thốt nhìn theo tôi sải nước/Tôi nhặt lên chiếc cầu vồng đẫm ướt(bản gốc bảy sắc)/Trao lại em rồi đỏ mặt quay về.”

Thành công với giải thưởng thơ của một thời “Tiếng súng vang trên bầu trời biên giới” là bài thơ “Gặp lại các em”. Ngày đó, cùng đi với Chiến dưới rừng hồi, cúc dại đầy mộ mới còn nguyên vết xước cuốc xẻng trên đất mộ…và cả bó hương giả làm bằng ruột tre tươi, cháy nhám. Anh đã khóc cho đời binh đao, thương yêu quý trọng “Những đứa em chung chiến hào giữ đất/Mùa xuân qua đã ngã xuống nơi này/Chưa tròn tuổi quân nhưng các em đã sống trọn cuộc đời/Với đồng đội với tình yêu biên giới”. Đó là những người lính của D1, E2 Sư đoàn Sao Vàng-nơi tôi và đồng đội đã sống trọn vẹn đời quân ngũ…

Miền thơ ở nước Nga của Chiến khá thành công. Anh viết với tình yêu xứ sở Bạch Dương từ ngày đi học,…nơi anh gặp gỡ bạn bè như nhà thơ Châu Hồng Thủy, nhạc sĩ Tôn Thất Triêm,…đại gia Nguyễn Văn Chi, với Nguyễn Phúc Lộc Thành sau là chủ hãng xe tải Thành Hưng,… những con người trên đường đời có chung niềm đam mê văn học. Những con người “cho dù vật đổi sao dời vẫn giữ tấm lòng yêu mến Matxcova”.

Chiến có khả năng đối thoại với tiền nhân, anh đi khá nhiều, đến từng nấm mộ, quê hương, di tích của thi sĩ  Ê-Xê-nhin, Lermontop, Puskin, văn hào Lép-tôn-xtôi, ngược về quá khứ với trường ca nổi tiếng trình tốt nghiệp học viện Goorky. “Trường ca Cutudop –Napoleon” với cách nhìn mãnh liệt về quá khứ, hiện tại và khát vọng hoà bình. Anh viết những câu thơ sử thi chiến trận nhưng sau cùng nhẹ nhàng như “Khói chiến trận đã thành mây huyền thoại/Những người lính đã trở về cát bụi/Thành lời ca trong hoài niệm núi sông” thân ái với số phận người lính. Ôi! đồng đội của một thời chinh chiến. Chúng ta không thể khác, chúng ta không ham muốn binh đao, chúng ta có tổ quốc, có giang sơn, có khát vọng, và chúng ta chiến đấu bảo vệ non sông.

Về  tuyên truyền, Chiến thành công nhất với bài “Mùa Xuân-Nơi hẹn gặp”. Năm 1985, khi khói lửa Vị Xuyên- Hà Giang che lấp những ngọn núi cao, phủ đầy thung lũng. Chiến về nơi đó gặp lại đồng đội đang ở hang đá giữa hai lần xung trận, anh thấy mình bé nhỏ “Như rất riêng mà chẳng có gì riêng/Máu nước mắt mồ hôi và Tổ quốc/Câu thơ viết trọn đời tôi ao ước/Thật và tươi như sắc đất chiến hào…Biên cương ơi ký thác của bao đời/Người đã sống để cháu con về hái lộc/Thơ đã viết đầm đìa trên cột mốc/Câu thơ nào tâm huyết của riêng tôi”. Bài thơ được VOV truyền tin nhiều lần, nhắc nhủ tình yêu đất nước, bảo vệ non sông.

Đời thơ của Chiến nhiều trăn trở, giang dở với trường ca “Điện Biên Phủ” và bạn thơ. Nợ áo cơm,…khiến anh chuyển sang làm sách giới thiệu thơ rất thành công…Chiến có tài bình thơ, anh từng đọc cho tôi hai trang viết giới thiệu tướng Thố (Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân) và thơ ông, mà không cần cầm giấy. Bạn thơ quý mến Chiến thuộc thơ mình, thơ bạn và tìm ra ngay những câu nào là “thơ”. Anh giới thiệu nhiều bạn thơ, tuyển thơ in như một nghề những năm cuối đời và có thâm tình với nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phạm Công Trứ,…

ĐỜI THƯỜNG
Cũng như muôn người, Chiến ấp ủ tình yêu thương quê hương Yên Bái, nơi có “đôi vai gầy se sắt gió heo may” của mẹ, dáng người cha kéo pháo “vật vã gió Than Uyên” về lam lũ trên đồi rừng; anh Doanh, em Tuấn, Tú,…và bà con bạn bè như Thắng, Lan, Cần,…Và cùng người vợ trẻ - bác sĩ Kim bươn bả chăm nuôi cháu Kiên,Vũ. Anh giành tình yêu thương cho thơ, cho người thân,…Gần đây anh khoe biết nấu nướng rất ngon cho vợ con,… 

Nhà thơ không thể làm kinh tế. Chiến bươn chải trên nẻo đường xứ tuyết với văn chương nhưng đụng vào mưu sinh,“đánh hàng” là hỏng nhiều hơn được. Anh nợ nần, chẳng nhiều nhặn gì cũng là nợ đeo đuổi. Con người lãng tử này thích hành đời, hành xác để hành văn.

Khi ở nước Nga về, không việc  làm, không tiền bạc, nhưng hay đi, đến mức ghi nợ xe ôm làm vợ phát bực, rồi chủ nợ truy xiết…Chiến la “đời là kiếp phù dung”.Vợ Chiến trẻ, hay ghen với bạn thơ, những cô Thùy Linh, Thu Nguyệt, Cầm nào đó mê thơ, thích người! Bác sĩ Kim bươn bả làm ăn, hạnh phúc bên Chiến với hai con trai, nhà đất nở ra, hành nghề y có bài bản. Nhưng kiếp hoa phù dung sớm nở tối tàn thì có lẽ là tất cả cho thân phận con người ngắn ngủi ở trần gian!

Chiến bạo miệng đùa bạn nhưng thơ thì cẩn trọng. Khi bị lạc trong màn sương đặc quánh ở bờ sông Kỳ Cùng năm 1979, Chiến ôn tồn bảo tôi “có anh bạn chửi như thế nên bị cấp trên trù úm”…

Những chiến sỹ của tiểu đoàn thời chiến chinh mấy ai quên hình ảnh Chiến, chẳng phải vì mến tài văn chương mà là yêu thích sức trẻ trung hoành nơi biên cương gió lạnh, những đêm trăng vượt thác ghềnh, con sào đập nước dậy ánh trăng…

Thôi Chiến ạ! Cõi dương trần anh còn nhiều trăn trở, thác suối vàng như vết võng rừng lặn vào thớ gỗ xa xăm. Một đời người biết thế nào cho đủ, nhưng đời lính, đời thơ anh khá đã đầy. Vợ con anh vượt qua đau buồn và sống như ước nguyện của anh.

Anh vẫn sống trong trí nhớ người khác.

 ---------------
Đồng đội: Nguyễn Mạnh Hùng ĐT: 094 5656 848






NDC ở Nga cuối thế kỷ 20
Bút tích, ảnh trong tập thơ "Vầng trăng trên tuyết"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét