Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Hai đơn, thư viết đêm ngày 19/2/1979

Ngày đó cả nước ra trận. Các mẹ, các em và bao người thân lo lắng hướng về biên giới. Ngày ấy có bao cuộc ra đi “Biệt ly chua cay làn mắt ướt tóc xanh nay phai mờ” .

Trân trọng giới thiệu bạn đọc hai bức đơn, thư viết vào đêm ngày 19/2/1979.


1.Đơn xin chiến đấu của  Liệt sĩ Phạm Quang Thành, cựu chiến binh, sinh viên Khoa Toán ĐHTH Hà Nội

2.Thư của Liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa gửi người yêu


1. Liệt sĩ Phạm Quang Thành

                            Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
                                      Độc lập -Tự do - Hạnh phúc

                                           ĐƠN XIN CHIẾN ĐẤU

Kính gửi các thủ trưởng trong đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam
Tên tôi là: Phạm Quang Thành, là học sinh năm thứ nhất khoa toán trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi xin trình bày một việc sau đây:

Sau khi nghe sự kiện 4 giờ sáng ngày 17-2-1979 bọn phản động Trung quốc đã xâm phạm lãnh thổ nước ta, lòng tôi như lửa đốt. Tôi không thể ngồi yên học hành khi đồng bào và đồng chí của tôi đang đổ máu trên tuyến đầu Tổ quốc bảo vệ từng tấc đất thân yêu. Tôi đã làm đơn xin đi chiến đấu, nhưng vì tôi là một người lính đã trở về trường học tập nên việc xin nhập ngũ là rất khó. Chính vì vậy tôi đã đi từ Hà Nội lên đây và sẽ xin vào công tác ở bất cứ đơn vị cầm súng đánh giặc. Tôi biết đó là một khuyết điểm của mình, nhưng đánh xong giặc tôi sẽ xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân với khuyết điểm của mình. Là một đoàn viên thanh niên cộng sản mang tên Bác Hồ vĩ đại. Tôi càng tự hào bao nhiêu thì tôi càng hiểu trách nhiệm của mình bấy nhiêu. Trong khi tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang vang vọng trong lòng. Vậy, tôi khẩn thiết đề nghị các thủ trưởng hãy cho tôi sống và chiến đấu tại nơi đây. Tôi xin hứa sẽ hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ gì cấp trên giao phó. Được như vậy tôi chân thành cảm ơn

Hà Nội ngày 19/2/1979
Người làm đơn
(ký tên)
Phạm Quang Thành
                                      Sao chép lại đơn

Mặt sau lá đơn
“Hy sinh anh dũng ngày 22-2-1979 tại đồi Thâm Mô, phía nam Đồng Đăng”*
Người chép lại đơn lần 2
Ngày 26.9.1981
Ký tên**
Đơn vị HT 1a. 6220 L.Sơn.

* Là chữ của anh Nguyễn Đình Loan, chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn An Lão, Sư đoàn Sao Vàng, người bắt tướng Nguyễn Vĩnh Nghi ở Phan Rang năm 1975). Quê anh Loan ở Lục Nam, Bắc Giang.
** Tác giả bài viết.

 --------
Khắc tên mình trên dải đất biên cương

Chập tối ngày 22 tháng 2 năm 1979, những người lính đại đội 3, tiểu đoàn 1, trung đoàn An Lão, sư đoàn Sao Vàng, mặt trận Lạng Sơn, đang chiến đấu ở đồi Thâm Mô (gần thị xã Đồng Đăng), "tóm" được một thanh niên nhỏ nhắn, da đen, nhanh nhẹn, xin chiến đấu.

Anh đưa lá đơn "Kính gửi các thủ trưởng đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam". Anh nhập ngũ năm 1975, có thẻ thương binh, thẻ sinh viên Khoa Toán đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh đã được cầm súng chiến đấu,... đến sáng không còn nữa. Đồng đội xác nhận chiến đấu dũng cảm, hy sinh anh dũng...

Năm 1980 nhận hồ sơ, tôi lập danh sách đề nghị tiểu đoàn chuyển Trung đoàn công nhận liệt sỹ Phạm Quang Thành. Di vật gồm một số ảnh tập thể sinh viên, thư của người bạn gái, bản chính đơn xin chiến đấu... Hồ sơ chuyển anh Hòe (Ban Chính trị Trung đoàn An Lão, Anh Hòe cho biết, Trung đoàn đề nghị phong quân hàm thượng sỹ, trung đội trưởng, năm 1975 quân hàm binh nhất). Ai biết mộ liệt sỹ ở đâu?

Cách đây 20 năm, tôi gửi bản sao đơn xin chiến đấu của anh Thành tới báo Tiền phong, sau đó tôi đến Khoa Toán, Đoàn trường Đại học Khoa học tự nhiên, không ai biết anh. Sau cũng tìm được một người cùng Khoa thời đó xác nhận “có một Phạm Quang Thành đi chiến đấu, không về”.

Người anh hùng của giây phút vinh quang
Những người lính vinh danh anh như thế
Viên đạn cuối anh bắn vào vách đá
Khắc tên mình trên dải đất biên cương


Quê LS Phạm Quang Thành: Xóm 2, thôn Mỹ Bổng, xã Việt Hùng, huyệnVũ Thư, tỉnh Thái Bình

Nguồn: Tác giả Blog này
------------------------------

2. Đây là bức thư của Liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa gửi người yêu


19/2/1979

Em thân yêu của anh!.
Thư em đến với anh giữa lúc anh cùng đơn vị chuẩn bị lên đường chiến đấu.
Lẽ ra anh không báo tin này cho em và gia đình biết, phần vì thời gian rất gấp và khẩn trương, phần vì anh không muốn em phải lo lắng nhiều vì anh.
Em thân yêu! Ở xa em có thể hiểu được tâm trạng của anh lúc này không em – bâng khuâng, buồn và nhớ da diết, anh bâng khuâng vì đêm nay là đêm cuối cùng ở vùng đất khu 4 này.
Ngày mai anh sẽ ra phương bắc để bước vào cuộc chiến mới.
Nơi đó cuộc ác chiến đã và đang diễn ra, nơi đó quân thù đang giày xéo biên cương của Tổ quốc.
Nơi đó đồng đội đang chờ anh.
Anh buồn vì những lúc này anh thấy mình cô đơn và buồn tẻ.
Anh nhớ em da diết bởi vì anh sẽ phải xa em nhiều năm nữa, chưa biết khi nào anh mới quay trở lại gặp em. Ôm em và hôn em thắm thiết.
Tình yêu của em và anh trong những ngày tháng qua đã để lại cho anh tình thương em, yêu em vô bờ bến. Có thể nói rằng mỗi bước đi, mỗi ngày sống anh đều có em…
Em ơi, ngày mai anh đi về phương bắc, anh không được gặp em để có đôi lời biệt ly!.
Ra đi mang nhiều nỗi nhớ thương, ai có thể thấu hiểu được lòng anh trong lúc này em nhỉ?.
Chỉ có anh thôi, anh đang sống trong giờ phút chia ly.
Bao lời anh nói em nhờ thư, nhờ gió mây gửi đến cho em.
Anh ra đi mang theo tình em, anh ra đi để được hiểu, được sống trong giờ phút có cảm nghĩ sâu sắc và tất nhiên sẽ hiểu hết các giá trị của Tình yêu.
Một tình yêu của anh với em không giới hạn. Một tình yêu vô cùng đẹp đẽ. Dù có nói vạn lần yêu em anh cảm thấy vẫn chưa đủ. Anh không biết nói gì hơn nữa để diễn tả nỗi nhớ tình thương và yêu em như lúc này.
Em yêu thương và nhớ mãi của anh! Chỉ còn 3 giờ đồng hồ nữa là anh tạm biệt nơi đây.
Có lẽ chiến thắng của quân dân ta ngày mai có thể có cả công anh. Nhớ theo dõi tin thắng trận và mừng cho anh em nhé.
Anh đã và đang chuẩn bị hành quân như em đã biết thư cho anh. Và đêm nay anh không ngủ để ghi mối trung thư trên mảnh đất này.
Ngày mai anh sẽ hành quân, anh sẽ không ngủ để nhớ em, không ngủ để diệt thù, không ngủ để nhìn em suốt canh thâu, không ngủ để gần em và luôn thấy em.

Nhận được thư này đừng nên lo lắng nhiều và buồn em nhé – tan giặc anh về, chờ đợi anh em nhé, chờ đợi anh.

Đêm 19/2.
Anh yêu của em

Tái bút: Anh chỉ nhận được thư em ngày 6/2. Vì chuyển nên đừng ghi theo địa chỉ cũ nữa, khi nào có địa chỉ mới anh sẽ báo tin sau. Anh đã ghi thư cho chị Nhuần + Huệ và em 2 lá. Nhưng mới chỉ nhận được thư em lúc 20h ngày 19/2. (Thông cảm cho anh vì thời gian rất gấp. Ngồi ghi thư cho em ngay trong lúc tất cả đang chuẩn bị lên đường – lính mà em).

Quê LS Nguyễn Thái Hòa, xã Hải Hùng, huyện Hải Hậu, Nam Định
Chuẩn úy NTH, Chính trị viên phó Đại đội 10, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 52, Sư đoàn 337- Đoàn Khánh Khê.


Cầu Khánh Khê, nơi ghi dấu những chiến công của sư đoàn 337 - Ảnh: Trường Sơn.
Trận quyết chiến đêm 07-3-1979, hất quân xâm lược TQ về bên kia . Trước khi rút, một tên xâm lược liều mạng đánh bộc phá (bên mạn Bắc, to bằng cái nong tằm). Hai bờ sông vỏ đạn nhiều như vỏ trấu.


                                                   Tượng thờ dù "đục" vẫn thiêng
               Pháo đài Đồng Đăng-nơi tử chiến của lính sư đoàn Sao Vàng và bộ đội Lạng Sơn
                                               Miếu thờ để vắng vẫn nguyên miếu thờ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét