Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Nhà thơ Phạm Tiến Duật: Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng (Nguyễn Đình Chiến)

Một lần NT Nguyễn Đình Chiến đọc bài này, ông có cảm tình đặc biệt với NT Phạm Tiến Duật.

Mùa Xuân năm 1980, tôi ở biên giới Lạng Sơn về, Chiến gửi Duật cành đào, nhờ tôi chuyển. Tôi đến ngõ Yên Thế, trong căn gác nhỏ, gặp NT PTD cùng các văn nghệ sĩ bên mâm cơm Tết...đón cành đào biên giới. Khi tôi qua sông rất nhiều cô gái thích nụ đào chúm chím.

Giờ đây hai thi sĩ "bồng bềnh" trong mây khói, có thể họ rủ nhau về Trường Sơn, qua cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng; về bên tán cọ, cành trám quê hương Phú Thọ...

Vẫn biết tử sinh là tất yếu, họ đã sống với nhau, tiễn nhau, đón đưa nhau trong dương trần và thiên cổ.

 -----

Bài viết của NĐC về PTD cho thấy anh có năng lực giới thiệu, phê bình văn chương.



Nhà thơ Phạm Tiến Duật: Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng

Ông sinh cuối Canh Thìn (1940) đầu Tân Tỵ (1941) ở một làng nhỏ vùng trung du Phú Thọ. Ông gọi đấy là xứ đồng rừng. Ta là dân đồng rừng, những lúc cao hứng ông thường vỗ vai tôi bảo thế.
Từ Ðồng Bở làng ông đến thôn Chu Hưng, nơi sinh ra Lưu Quang Vũ, đi bộ chỉ vài giờ. Tạo hóa khéo sắp đặt, một vùng rừng đồi mấy chục cây số vuông, đầy ắp kỷ niệm kháng chiến, đã sinh ra hai nhà thơ xuất chúng - một say mê, đằm thắm, hào hoa; một thông minh, sắc sảo, độc đáo. Lưu Quang Vũ viết về Phú Thọ nhiều. Tập Hương cây của ông thơm ngát hương vị trung du. Có những câu thơ hay và đẹp lạ lùng: Ðèn nhựa trám tinh mơ em nhóm lửa/Sương mịt mờ trước cửa thấy em đâu. Phạm Tiến Duật ít viết về quê mình. Tôi hỏi vì sao, ông trả lời: Tất cả vốn liếng Phú Thọ anh mang vào Trường Sơn hết. Tôi nghĩ, ông nói đúng. Nếu không có vốn liếng đồng rừng làm sao ông có thể nhanh chóng hòa nhập và gắn bó máu thịt với Trường Sơn đến thế. Ông điểm danh cây rừng như điểm danh những người lính: Thân thẳng cây chò, cành ngang cây bứa/Thân nhựa trắng là cây si cây sữa/Nhựa vàng cây dọc, nhựa đỏ cây nò/Cây nứa mọc đứng, cây giang mọc bò/Cây tầm gửi mọc ngồi đỏng đảnh... 

Những năm ấy thơ ca đang cầm lá cờ tiên phong của văn nghệ. Ðường Trường Sơn trở thành đường thơ Phạm Tiến Duật. Khắp các mặt trận, bộ đội hát vang bài hát Trường Sơn đông Trường Sơn tây (Thơ Phạm Tiến Duật - nhạc Hoàng Hiệp). Mùa khô năm 1972, trước chiến dịch giải phóng Cánh Ðồng Chum, tôi tìm được tập Thơ một chặng đường của ông trong một binh trạm. Cùng với Hoa dừa của Lê Anh Xuân, Ðường chúng ta đi của Nguyễn Trung Thành, Gió vịnh Cam Ranh của Lê Văn Thảo... Thơ ông đặt cạnh những kiện hàng quân nhu, thùng lương khô, hòm đạn cối 120 ly... Quả thật những năm chống Mỹ, cứu nước, thơ Phạm Tiến Duật mang theo sức mạnh của những giàn đại bác, của những binh đoàn trùng trùng ra trận. Trong một căn hầm bụi đất tả tơi sau loạt bom tọa độ, tôi ngồi đọc thơ ông và tự nhủ: "Sao lại có thứ thơ độc đáo đến thế. Phải đi theo con đường của người này thôi". Tiếng vượn như cây, cành cao chót vót/Tưởng trèo lên nhìn thấu nước Lào xưa/Thấy voi đi trong rừng già săng lẻ/Thấy con chồn bay xòe như quạt nhà vua/Rừng bồ kết dầm nước mưa sủi bọt/Cô gái Lào má ướt như mưa... Tôi không ngờ hơn mười năm sau, tại Trường Viết văn Nguyễn Du, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh tâm sự với chúng tôi cũng có một ý như thế, rằng ở chiến trường Quảng Trị ông đang trăn trở tìm cách viết, đọc thơ Phạm Tiến Duật ông nhanh chóng hiểu ra rằng có lẽ phải học cách làm của Duật (chữ của Phạm Ngọc Cảnh). Thì ra từ trường của nhà thơ Trường Sơn lớn đến thế. Nam châm của hồn thơ ông có khả năng hấp dẫn kỳ lạ đối với các nhà thơ và sức hút nhiệm mầu với những chất liệu bề bộn của đời sống. Nhưng không phải là số liệu thống kê mà là những thông tin thẩm mỹ đích thực. 

Nói cách khác, tài năng của ông đã khéo rũ những mớ bòng bong sự kiện để tìm ra vẻ đẹp rạng ngời của Chân - Thiện - Mỹ và bao giờ cũng hết sức độc đáo. Là nhà cách tân  mạnh mẽ của thơ ca chống Mỹ,  ông cũng là người kế thừa triệt để những di sản văn hóa của cha ông. Trong các nhà thơ dân tộc, ông yêu nhất Cao Bá Quát, trong văn học dân gian, ông yêu những gì là khỏe khoắn, hóm hỉnh và trào lộng. Thơ ông đầy những câu góc cạnh, vui tươi, tinh nghịch: Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn... Vách sàn chung lưng ghé vào lưng/Ðèn ghé vào đèn truyền nhau ngọn lửa... Như đàn con nhỏ chơi u, chơi âm/Ðứa này nối hơi đứa khác... Ðồng chí coi kho cười ha hả/Chẳng có tiếng cười nào vang hơn tiếng cười trong hang đá... Ðọc thơ ông nhiều lúc sảng khoái như người lính được rít một hơi thuốc lào sau chặng hành quân mệt nhọc. 

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Có những người không hiểu thơ ông cho đó là một thứ chủ nghĩa lạc quan tưng tửng. Có  người còn giễu cợt câu thơ Ðường ra trận mùa này đẹp lắm là hời hợt, là không đếm xỉa đến nỗi đau, đến sự mất mát to lớn của chiến tranh(!). Không! Ông từng là nạn nhân của sốt rét, của sức ép bom và tôi đồ rằng không chừng căn bệnh ung thư quái ác mà ông đang gánh chịu có cả chất độc đi-ô-xin đã mai phục trong lá phổi của ông từ những năm bom đạn. Là người lính, ông từng chứng kiến những chiến sĩ của Quân đoàn 3 cắt hết ống quần và tay áo lấy vải may quần áo cho các em bé ở Tây Nguyên; những người lính thay nhau chết vì sốt rét ác tính... làm sao ông không hiểu nỗi đau. Chỉ có điều ông muốn giấu nó đi dành hết tâm huyết và ý chí cho cuộc chiến: 

Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng
Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay. 
Lịch sử chiến tranh đã từng cho hay, người Xpác mặc áo đỏ để quân thù không nhìn thấy máu mình đang chảy mà chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Những chiến sĩ Hồng quân Xô-viết ở Stalingrat từng tâm niệm: Ở đây mọi thứ sắt thép đều tan chảy, chỉ có con người là trụ vững, để rồi ném con thú phát-xít xuống dòng sông Volga vĩ đại... Nhiều dân tộc trên thế giới đã góp máu của mình viết lên giá trị của nhân loại: hai chữ Tự Do. Dân tộc ta cũng đã làm như thế.

Phạm Tiến Duật đã lý giải những vấn đề nóng bỏng của dân tộc và thời đại qua thơ văn Trường Sơn của mình: Ði giữa rừng sâu/Câu hỏi lớn như gió rừng thổi mãi/Rằng dân tộc ta trong những năm tháng ấy/Ðưa lên rừng mấy chục vạn người con/Không phải là không đói không sốt/Ở giữa rừng sâu mấy chục năm trời/Bằng cách nào rừng ơi/Mà vẫn sống ung dung và đánh thắng/Trả lời anh là cánh rừng im lặng/Thả chim bay cho quả rụng đầy rừng/Trả lời anh là một con đường/Xuyên suốt Trường Sơn chạy dài trên bán đảo/Cánh rừng và con đường đã bảo/Anh cứ đi, cứ đi.
Ðó là đời lính và cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của ông. Suốt đời ông đã trung thành với tuyên ngôn ấy.

Hồi học ở Trường Viết văn M.Gorky, nhà thơ Trần Ðăng Khoa nói với tôi: Phạm Tiến Duật có khẩu khí của một nhà thơ lớn. Với tôi, không còn nghi ngờ gì nữa, ông là nhà thơ lớn. Nếu phải chọn một nhà thơ tiêu biểu nhất của thời chống Mỹ, cứu nước, tôi dứt khoát chọn Phạm Tiến Duật. Thi ca của thời đại oanh liệt ấy nếu vắng ông sẽ nghèo đi không phải ít.

Ảnh hưởng của ông đối với thế hệ chúng tôi thật to lớn. Trong căn phòng ẩm thấp, chật chội ở ngõ Yên Thế, bao nhiêu nhà thơ trẻ đã đến với ông. Chuyện trò triền miên, khói thuốc mù mịt. Một đội ngũ đông đảo, hùng hậu đã trở thành lực lượng chủ chốt của thơ ca hôm nay. Phạm Tiến Duật bàn về thơ thật ấn tượng. Kiến văn ông rộng lớn thâm sâu, cách diễn đạt lại sinh động dễ hiểu, dễ nhớ. Văn nghiên cứu, phê bình của ông với ngôn ngữ và thông tin hiện đại nhưng có cái minh triết và phong cách của một người tài hoa. Tập Vừa làm vừa nghĩ ông viết cách đây không lâu, xứng đáng là sách gối đầu giường cho những cây bút thơ mới vào nghề. Ấy vậy cũng chỉ nói được phần nào những hiểu biết thấu đáo của Phạm Tiến Duật về thi ca. Hai mươi năm rồi, tôi vẫn còn nhớ như in những đêm lang thang với ông trên đường Nguyễn Khuyến, ga Hàng Cỏ hay chợ Kim Liên... Những lời ông nói vẫn còn văng vẳng bên tai dường như không quên một chữ. Này, làm thơ như người sao chè. Anh phải đi hái những cái búp của đời sống rồi dùng lửa nhiệt tình của anh sao lại, khiến cho một thúng chè chỉ được một dúm móc câu... Thơ hay cũng như chè ngon. Ðọc một bài thơ xong mà mất ngủ như uống chè Thái Nguyên thì đấy là thơ bậc nhất. Lê Quý Ðôn có mấy câu về chè Thái Nguyên hay lắm. Ở trong Vân đài loại ngữ ấy... Hãy học tập cách nói của cha ông: Cái nước suối Hươu Hươu ở Quảng Bình ngoắng lên không thể đục mà lọc cũng không thể trong hơn... Này, mỗi bài thơ như một sợi dây dẫn. Mỗi câu thơ hay, chữ hay như những bóng điện sáng trên dây dẫn ấy. Dây dẫn ngắn bóng điện sáng nhiều thì con đường thơ chắc là rõ lắm. Dây dẫn dài mà chỉ có vài bóng điện tù mù thì biết nói gì hở em... Những câu như thế nhiều lắm, không sao kể hết được.

Phạm Tiến Duật đặc biệt yêu quý và kính trọng những nhà thơ lớp trước. Tôi đã chứng kiến cảnh Xuân Diệu đến nhà ông. Giọng Xuân Diệu thân mật và sang trọng: Duật ơi! Hôm nay anh đến để cảm ơn em. Trời ơi! Em kiếm đâu ra thứ văn quý thế. Em không trích câu thơ nào của Xuân Diệu mà vẫn cứ ra Xuân Diệu... Cây đại thụ của Phong trào Thơ mới đứng cạnh cây săng lẻ của thi ca Trường Sơn như tỏa bóng mát xuống cánh rừng Yên Thế. Trông hai nhà thơ lúc ấy đáng yêu và đáng kính biết chừng nào! Ngày Xuân Diệu mất, Phạm Tiến Duật viết điếu văn (chấp bút cho ông Hà Xuân Trường). Trên gác 5 nhà G2 khu tập thể Trung Tự, ông ngồi viết một mạch, thỉnh thoảng lại cắn môi như cố giữ cho những dòng nước mắt không chảy xuống trang giấy. Một cây lớn đổ xuống cả khoảng trời trống vắng, ông bảo tôi, cái tít trên báo Văn nghệ sẽ là như vậy.

Ông yêu Tố Hữu đến mức ngây thơ trong trẻo: Ái lỵ, mình học Tố Hữu từ bé. Ngôn ngữ thơ ông trong quá, dân tộc quá. Ông nấu thủy tinh thế nào mà tài thế! Chẳng có tí bọt nào cả. Ông gọi Chế Lan Viên là ông trạng, là nhà hùng biện trên thi đàn, là đấu sĩ ngang dọc trên đấu trường thơ. Ông có nhiều kỷ niệm với Tế Hanh trong một chuyến đi xuyên Trường Sơn và vào đến Nam Bộ. Tôi còn giữ được tấm ảnh ông cùng Tế Hanh, Trần Bạch Ðằng, Hoàng Thao đứng cạnh ngôi nhà của Hoàng Việt trong cánh rừng Tây Ninh...
Phạm Tiến Duật đánh giá cao tài năng của những nhà thơ cùng thế hệ như Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh...
Ông dành cho Trần Ðăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều... những tình cảm ưu ái đặc biệt. 

Có người bảo Phạm Tiến Duật là con người lãng tử. Tôi đồng ý trong con người ông có phẩm chất ấy. Có lẽ do cái đầu ông quá đỗi thông minh và trái tim ông quá ư nhạy cảm. Có lúc tưởng chừng như ông quên cả những lời hứa thông thường và quan trọng. Tưởng chừng ông không ngó ngàng gì đến gia đình, vợ con. Không phải vậy! Ông vẫn nhớ lắm, thương lắm. Trong tâm khảm của ông vẫn dạt dào một tình thương yêu cao cả. Năm 1982 tôi được Học viện Chính trị - Quân sự và Thành ủy Hà Nội cử đi nói chuyện nhân kỷ niệm mười năm chiến thắng B52. Ông cho tôi bao nhiêu tài liệu quý giá về 12 ngày đêm oanh liệt ấy. Tôi còn nhớ hôm đó, sốt rét cơn lại hành hạ ông. Ngồi nói chuyện với tôi, hai tay ông quặp chặt lấy mang tai, ông kể sau trận bom B52 hủy diệt Khâm Thiên, có một em bé đi đong gạo sổ. Em khóc nói với cô nhân viên mậu dịch: Gia đình cháu bị bom Mỹ giết hại hết rồi... cô cho cháu đong một suất gạo nhưng đừng gạch tên người nhà của cháu trong sổ này, cô ơi!... Kể đến đây ông nấc lên. Gương mặt ông co dúm lại, thẫn thờ.              
                             
Ông là người vô cùng yêu quý trẻ thơ. Từ thuở giữa rừng Trường Sơn ông đã "nhớ về lũ trẻ". Có những câu thơ còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ: Cái vòng bánh xe làm bằng vành nón/Mang hình mặt trời trên trái đất lăn lăn... Quầng nắng trong rừng như những gót chân son... 

Phạm Tiến Duật yêu các con hết mực. Hồi cháu Lâm còn nhỏ, nhiều lần tôi để ý, nhà thơ giả làm ngựa cho cháu cưỡi, làm trâu húc nhau với cháu để rồi: Một đêm ngủ xa con/Cái cộc đầu vẫn nhớ... Ở Công viên Thống Nhất tôi thấy Phạm Tiến Duật công kênh một cháu nhỏ con một anh bạn để chụp ảnh và dạo chơi, trò chuyện với cháu hàng giờ. Ông thương bà Vân và rất khâm phục tài nội trợ của vợ mình. Mấy hôm gần đây tôi lên thăm bà. Bà vẫn kể về ông với bao nhiêu kỷ niệm tốt lành...

Lại nhớ thời bao cấp mỗi khi có miếng ngọt, miếng bùi ông thường ngồi ngậm ngùi nhớ mẹ, nhớ cái làng Ðồng Bở nước ruộng dộc ăn mòn cả móng chân. Ông bảo, nhớ nhất là món bánh sắn nắm đũa. Bánh chẳng có nhân, rỗng giữa, luộc đến lúc nào nổi lên thì chín. Những mùa sắn không được nắng, bột vừa ẩm vừa mốc luộc mãi mà vẫn khê nồng. Nuốt không trôi, nghẹn cả cổ. Năm bà cụ mất (10-1986) ông đang ở Cam-pu-chia, lúc về đến sân bay Tân Sơn Nhất mới biết tin. Sau mấy đêm thức trắng rồi ra Hà Nội. Tôi và ông lật đật sắp lại bàn thờ và sửa một mâm cơm cúng. Ông gọi: Hải, Lâm ra khấn bà đi con!... Tôi nhìn ông chắp tay đứng trước ban thờ, mái đầu bạc trắng...
Vậy là tôi gần gũi ông đã ba mươi năm với biết bao kỷ niệm vui buồn. Nhưng cũng không nghĩ rằng ông lại đổ bệnh nhanh thế. Nghe tin ông đang điều trị, tôi vội vàng đến thăm. Lần thứ nhất ông bảo: Thoạt đầu anh cũng bị sốc. Nhưng rồi bình tĩnh lại, những gì cần làm thì đã làm cả rồi. Lần thứ hai, ông rót rượu mời tôi: Chết là gì hở em. Người xưa bảo là Về. Lần thứ ba ông nằm trên giường bệnh, mặc bộ đồ trắng bệnh viện, đầu gối cao, hơi thở mệt nhọc nhưng đôi mắt vẫn còn rực sáng...

Và lần này tôi đến, ông không còn nói được nữa. Tôi cầm bàn tay ông, mạch đập gấp lắm rồi. Ðôi mắt ông nhìn tôi thẫn thờ, xúc động. Chao ôi! Còn đâu nữa ánh mắt lấp lánh thông minh gieo một cái nhìn mẫn tiệp vào thi ca và cuộc sống. Còn đâu nữa cái hoạt ngôn, sắc sảo nhiều khi đến đáo để... Thỉnh thoảng lại một cơn ho nặng nề. Hàng ngày vẫn có bao người đến thăm ông, đủ các ngành các giới. Ai cũng muốn giúp nhà thơ yêu quý của mình vượt qua miệng vực của bệnh tật hiểm nghèo. Nhưng biết làm sao! Nhìn ông vật vã trong cuộc quyết đấu với con bệnh quái ác, tôi biết có thể thần chết sẽ chiến thắng trong việc giành giật thể xác của ông. Nhưng chắc chắn sẽ thất bại khi động đến khối tinh thần lớn lao của nhà thơ. 

Bộ tuyển tập sáng giá hơn một nghìn trang của Phạm Tiến Duật cũng sắp in xong rồi.

Hà Nội, 8-11-2007 
NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét