Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Thư gửi anh Quế (tưởng nhớ ngày 17-2-1979)



Anh Quế thân mến!

Em vẫn hỏi thăm những người bạn đã đến thăm anh, biết anh chị và các cháu mạnh khỏe, năm 2000 anh làm nhà, mọi điều tốt đẹp đến với anh. Không rõ tướng Nam Khánh giúp anh những gì, anh vẫn nhìn Thủ trưởng như ngày khoác AK đi với chính ủy NK dằng dặc khúc ruột miền Trung (QK 5)

Hai mươi ba năm nay em chưa viết thư cho những người bạn lính nhưng chúng em vẫn gặp nhau vào một ngày quy ước. Nay em lẩn thẩn viết cho anh trên Nét, không hy vọng anh nhận được, em muốn phần nào giải thoát những ám ảnh của một thời cầm súng, muốn nhắc nhớ kỷ niệm và cũng muốn chia sẻ với "khách hàng" của mạng.

Những gương mặt đồng đội thân yêu và đau khổ vẫn chập chờn trong ký ức, có lúc về trong mơ khiến em sợ. Mấy năm nay em ít mơ nhớ về 20 năm trước có lẽ thời gian đã xóa đi, làm cho ký ức màu trắng.

Những giấc mơ súng đạn, những cuộc săn đuổi và trốn chạy, những bóng đen trước mũi súng, bóng người trong đêm là một sự thực trong mơ anh Quế ạ . Em bị ám ảnh nhất hình ảnh đang học rồi có giấy gọi vào quân ngũ. Có lẽ đó là một điều nghiệt ngã và oan trái của chiến tranh đã hiện hình trong tâm trí lúc lặng yên giấc ngủ. Nó đeo bám em, nhiều đêm giật mình xem có phải tạm biệt mái trường lần nữa không. Thực tế số phận em đã được định đoạt từ ngày giã từ tuổi thơ, mái trường  thân yêu với bao bè bạn, ước mơ.

***
Tháng 2- 1979, anh về Tết, sáng 17 như mọi ngày anh em nhắc nhau đi trồng sắn thì súng nổ, đơn vị bị bất ngờ trước hành động ăn cướp của bên kia. Cuộc đối đầu bất đắc dĩ của lịch sử đã diễn ra, chúng em vào vị trí đã định và các chiến sỹ chúng ta đã chiến đấu anh dũng, em đi theo đội hình  đại đội 3 khoác chiếc máy vô tuyến 2W. PRC 25 chiến lợi phẩm trong kháng chiến chống Mỹ. Mệnh lệnh giữ chốt, số thương vong, tình hình phía địch truyền đi theo mật khẩu toàn bằng số.

Giặc quái lắm anh ạ, chúng đi vòng phía sau theo thung lũng, súng bộ binh vô tác dụng, hai bên chưa dùng pháo binh sợ bắn nhầm. Chẳng bên nào muốn thương vong ngay trận đầu nên đều thận trọng, tiểu đoàn vẫn vững trận địa nhưng giặc đã tràn khắp nơi theo chiến thuật biển người vào sâu lãnh thổ. Trong đội hình giặc có nhiều thằng không súng, đi tay không, đi hôi của, chúng ưu tiên lấy thứ ăn được như bắt lợn, lấy lương thực, cướp cả áo quần, nhiều thằng giặc lúc chết trong túi còn củ khoai, miệng nhá khoai sống trắng bã.

Một ngày trôi qua chưa mấy thương vong. Địch chiếm được một vài điểm cao, gần trận địa ta. Đồi núi nhiều làm sao tiểu đoàn mình đủ quân chốt chặn.

Ngày 19 tiểu đoàn vận động tấn công ban đêm, được anh em đánh giá đó là trận đẹp nhất, đạn bắn mưa sao băng, hỏa lực mạnh yểm trợ. Giặc rút nhanh để tránh thương vong,  anh em mình chiếm lại đồi Thâm Mô- Chậu Cảnh.

Sáng 19 anh trả phép, về đơn vị trong tiếng hô tin cậy của anh em, từ trận đó anh em đặt anh biệt danh "thần chiến tranh" anh đã thể hiện bài bản của người lính chống Mỹ, người chỉ huy đại đội dũng cảm, mưu trí đưa anh em vào đội hình chặn giặc, đợi chúng đến đúng tầm đạn mới đồng loạt nổ súng. Có anh, người lính vững tâm, lính trẻ reo hò khi anh biểu diễn bắn súng M79 (loại cối cá nhân của Mỹ, đạn nhỏ như quả lêkima mà sát thương khủng khiếp bởi vô số viên bi trong đó.) Anh nâng súng theo tầm tay và "cóc" chính xác vào đám xâm lược ẩn náu ven đồi.

                               Vùng tác chiến của Sư đoàn 3
 Ngày 20 hai bên giằng co thử sức "trâu bò"
Ngày 21 địch đánh lấn và vòng sâu vào bản nhà dân bắt một số người không kịp chạy, chúng bỏ qua một số vị trí chốt chặn của tiểu đoàn, chúng lì lợm tiến sâu vào lãnh thổ. Đêm đó, những tên lính xâm lược đã rõ địa hình ban ngày, chúng mò mẫm vào hầm hào C1, vào hầm chỉ huy C1 .Thằng Cường người Từ Liêm là liên lạc C1 đã kịp hạ một thằng to vật vã. Cường  bảo: "đến lượt tôi gác, thấy một bóng đen to đùng tụt xuống hào ngay mũi súng, tôi xỉa luôn, hôm đó không kịp thì tôi sẽ bị nó xỉa và hầm chỉ huy đại đội ăn vài trái bộc phá" .Tuấn gạo Từ Liêm chiếm vị trí chắc chắn, di chuyển liên tục, bắn rất nhiều nhưng địch chỉ  bị thương phải kéo nhau chạy.

Ngày 22 suốt đêm địch bắn pháo dữ dội vào các chốt, có lẽ đó là ngày đau thương. Trong chiến trận biên giới, tiểu đoàn mình chịu thiệt hại nhiều nhất ngày hôm đó. Chúng em dưới hầm, rồi chuyển vào địa đạo (hầm to trong núi). Thằng Bình chứng kiến chùm H12 của giặc bắn nát đồi và nó bị thương, thoát chết nhờ chiếc dây lưng bị mảnh pháo làm đứt rồi chạm cột sống; thằng "Minh đen" chuyển thành Minh sứt là do một viên đạn thẳng lướt qua môi, miệng xưng vù nói ngọng; anh Vỳ tiểu đoàn phó thấy ba lô ướt đẫm, thì ra viên đạn đã thâu qua vài hộp thịt cá và mắc lại ở một hộp. Cái ba lô sau lưng đã dụ con mắt, viên đạn thằng giặc chui vào.

Rất nhiều hình ảnh anh dũng của chiến sỹ ta. Thằng Sướng Quảng Ninh chỉ huy tiểu đội cối 60, bắn hết đạn vào quân thù rồi bỏ về phía sau, tiểu đội đại liên của C3, C2 đã chặn đứng đoàn xe giặc ở ga Tam Lung trong nửa buổi sáng. Tại vị trí đặt đại liên ấy, tháng sau là một nghĩa trang nhỏ có vài chục nấm mồ chiến sỹ, dân chúng nữa.




Ngày 23-27 chúng ta vừa đánh vừa rút, súng đạn vơi, đội hình mỏng trên 14 km quốc lộ từ Đồng Đăng về thị xã Lạng Sơn, giặc đi như vào chỗ không người.

Ngày 27 có lẽ là giặc thể hiện tối đa hỏa lực pháo binh tầm xa. Chúng bắn trước, bắn sau chia cắt đội hình ta. Anh em mình phải lui để cho tuyến sau lên thay thế. Một mặt trận nhiều thứ quân giăng bên sông Kỳ Cùng, sư đoàn 337 (Khánh Khê đã tiến lên), người lui kẻ tiến, khỏe dìu bị thương, chết chôn vội, nhiều anh em bị kẹp giữa đành gặm mía còn sót lại sang xuân mà sống cho đến đầu tháng 3. Tiểu đoàn mình có hai chiến sỹ bị giặc bắt, tháng 6 được trao trả, thằng K Hải Hưng về qua nghĩa trang nhổ bia ghi tên nó, thằng T bị thương và bị bắt rất căm phẫn bởi giặc đối xử tàn bạo. Chúng trói kéo người bị thương, về bên biên giới đám thường dân định xông vào đánh, chúng giam ở trại chăn nuôi, đang ăn thì chúng rửa chuồng trại!

Đầu tháng 3 bên kia cũng tuyên bố rút nhưng chúng rút chậm. Lực lượng phía sau của ta mạnh lắm.Khi về Ba Xã, ở trong nhà vắng chủ nhìn ra thấy đội hình xe tăng, pháo binh mình tiến lên mạnh mẽ, di chuyển nhanh để tránh bọn gian, bọn biệt kích giả dân gọi pháo địch.

7-3  lúc nhà báo Nhật bị bắn lén chết tại ngã tư trên phố LS. Lúc đó chúng em đi thu dây thông tin. Một thị xã hoang tàn, những tòa nhà bị giặc ốp ba quả mìn, ở hai đầu, một giữa cho nổ tung nhưng không xụp. Em không thể hiểu nổi hành động man rợ đó đã qua hơn 2000 năm không hề phục thiện?

Vùng chiến sự lúc đó thuộc kiểm soát của sư đoàn 337. Khi chúng em xuất trình lệnh của trung đoàn, mấy tay lính ở trạm nhìn em nói: "trẻ như thằng này nướng thịt thơm lắm". Câu nói như đùa, như nhắn hãy cẩn thận, đôi lúc vẫn rợn người anh Quế ạ!

Ngày 7-3 chúng ta đánh trận cầu Khánh Khê cho hả giận. Đêm đó pháo ta bắn dữ dội, em và H gác đêm thấy trời sáng rực, giữa tháng, đến thấy xác địch trôi trên sông, vỏ đạn nhiều như trấu, trận địa của sư đoàn 337 tạo thành mất lớp. Sau này được biết trận cầu KKhê trên Ql 1B LS, trận ở thị xã Cao Bằng và ở Cốc San-Bản Phiệt Lào Cai, mỗi trận chiến pháo binh, bộ binh ta đã tiêu diệt và làm bị thương 1000 tên giặc, báo chí ta và đài Tây đánh giá là hiệu suất cao nhất của chiến tranh bảo vệ biên giới.

Tên giặc cuối cùng ôm bộc phá đánh cầu KKhê được phong "anh hùng xâm lược", đài chúng ra rả la lên. Tháng 6 đơn vị hành quân qua cầu KKhê thấy vết bộc phá chỉ bằng cái nong tằm mà thằng giặc đó được phong danh.

Anh Quế thân mến! sau đó là những ngày gian khổ, đơn vị lui vào dải 2 của tuyến một cách biên giới dưới 10 km để củng cố đội hình, nhận lính mới, và hành quân diễn tập liên miên. Anh được lên chức tiểu đoàn phó, quân hàm trung úy. Thời ấy chức trước hàm, nay hàm  trước tìm chức sau.

Em không còn nhớ đã bao lần đi theo đội hình của cả sư đoàn vận động hành quân, áo xanh của lính xanh hơn lá rừng, rồi áo lính bạc phếch như áo người "móc cống". Ngày ấy lính nói đồ "móc cống" là chỉ sự ăn mặc ở quá khổ của anh em mình. Lúc đó, em không cảm nhận hết nỗi khổ vì trước kia em có sướng gì, vừa đi học lại vừa đi làm. Cũng như bao người lính em không quan tâm đến khó nhọc, quần áo rách xấu hổ với ai? là người lính có gì mặc đó nhưng cái đói và cái rét thì không thể quên. "Trâu đói hóa ghẻ, trẻ đói hóa sài" anh Quế ạ. Lần đầu tiên và duy nhất, em được thằng Hạnh quê Đà Bắc, Hòa Bình dùng kim băng nhể ở tay  ra 2 con ghẻ cái  đặt lên móng tay thấy ghẻ bò và nó giết "bép"

Lựu đạn nổ giữa đêm trong nhà dân bản Phai Cam, 6 chiến sỹ C1 bị thương, không hiểu tại sao đêm đó anh em ngủ đảo chiều; sau nữa lại nổ ở D3, thằng Th Gia Lâm mất, vừa hôm trước đi lấy gạo nó còn gọi chào em. Độc dược thù giết nhau "vô tư" ở chợ TĐ, em ở hang, ra sông tắm, ghẻ lở đầy người, lần về phép mẹ và bạn gái thương lắm; lên đồi hái củi, chặt trộm tre vầu, canh chốt không xuống núi cũng là may nhưng buồn lắm, chơi cờ bài ăn thuốc lá cuộn, hết thuốc lá thì không dám chơi bài ăn cơm, lấy áo của nhau.

Đói, rét đã làm em ngã trong một cuộc hành quân giữa trưa tháng 6, may mà Mịu Hoà Bình kịp đỡ không thì "sống cũng thành tật" . Em không có tấm hình nào ngày ấy, bây giờ chỉ còn duy nhất tấm hình của mình được đứa em cắt ra từ tấm hình chụp đôi trong ngày nó đưa em đi khám  sức khỏe. Tấm hình "vĩnh biệt" tuổi học trò.

Lúc chiến chinh, mặt em xanh xao, thấy bạn bè bảo thế, nhưng chỉ một thời gian sau lại được gọi là "H mập" để phân biệt  với thằng "H cao". Lần đói ngã  rồi ốm đó, em vào bệnh xá Trung đoàn được ăn nghỉ một tuần là khỏe, cũng là lần duy nhất đến nay.

Nhớ thương đồng đội, sống trong khe núi gió sương hun hút, bới bát cơm gạo hẩm nguội lạnh trong chiếc rổ rá đặt trên đất, chẳng có gì ăn đành đi cấu rau riếp cá, rau tàu bay, ngót rừng, hái ớt rừng hòa nước muối cho ấm bụng.

Mùa thu xứ Lạng tuyệt vời, nắng lên soi rõ sương  bay thành dòng vào lán trại, anh em đào giếng lấy nước nguồn trong xanh tắm giặt. Thằng Lộc khuyên em: sẵn củi đun nước tắm cho sạch, sau đó nó lấy lá cây so đũa thả vào nồi nước tắm để trị ghẻ… Lần sau em vào núi trèo hái lá bưởi tắm gội thơm như con gái. Thôi thì đói cơm cho sạch người, rách không cần vá, thiếu gạo thì ăn rau hoa quả…

Những năm tháng chiến chinh em ăn nhiều hoa trái, rau quả lắm, quả gì ăn được là ăn từ đầu vụ đến cuối vụ, nhất là mận, mía, dứa, móc cọp, củ cải…có lẽ vì thế mà một đứa  từ Camphuchia về, da tái mét nhìn thấy em nó bảo "nước da như anh H là hay"
……
Quê anh ở huyện Mỹ Đức, Hà Tây, xóm Mít, em không nhớ xã (Em coi qua bì thư chị gửi anh ngày đồn trú ở  bến sông Giang)

Ký ức đã trắng xóa, nhạt nhòa trong dòng mưa thời gian. Chúng em vẫn nhắc anh và đến thăm anh vào một lúc nào đó.
Em.
TB. Con chó thổ bốn mắt em và anh K tặng anh, anh cho thằng H mang về, nay “con cháu” chúng thế nào. Hồi đó em muốn nuôi nó nhưng anh thích…
Hóa đá hết rồi một thuở sống “xa hoa”


Anh Quế thân mến!

Là người lính, niềm tự hào còn mãi là mặc quân phục đứng dưới quân kỳ, khoác súng hát tiến quân ca. Sư đoàn 3 của chúng ta mang tên Sao Vàng- tên huân chương cao quý nhất của đất nước. Chính ủy, Chính trị viên  tiểu đoàn và lớp đàn anh trong KCCM đã kể chuyện truyền thống sư đoàn cho thế hệ em trong những ngày ở biên giới phía Bắc.

Sư đoàn Sao Vàng thành lập năm 1966 ở giốc Bà Bơi tỉnh Bình Định, cách đèo Cù Mông không xa. Ngày ấy em còn ở tuổi học "vỡ lòng". Sư đoàn đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang, chặn đường tàn quân giặc thất trận ở Cao nguyên mùa xuân năm 1975. Trận đánh cuối cùng của SĐ trong chiến dịch HCM tại cầu Cỏ May trên quốc lộ 51 Biên Hòa- Bà Rịa Vũng Tàu. Tiếp đó sư đoàn lại ngược về cao nguyên truy quét Fun-Rô. Anh Bình lính 74, kể những cuộc truy quét Fun Rô qua những nhà mồ, vào hang ổ sờ chăn chiếu bọn phỉ còn hơi ấm mà chúng lẩn rất nhanh.  Sau này em có dịp đi qua một số địa danh của SĐ trong KCCM, đến những huyện mà trung đoàn mang tên.

Năm 1976, Sư đoàn chuyển ra Bắc… Những vị tướng lĩnh của chúng ta đã chọn mặt gửi vàng vào sức cơ động của SĐ 3. Tháng 8- 1978, SĐ đã có mặt ở Lạng Sơn, tham gia xử lý đám người gây rối ở cửa khẩu Hữu Nghị tháng 8 năm đó bằng đòn nghi binh,… thế là họ ù té về bên kia không thiệt mạng nào, chấm dứt trò ăn vạ, ăn ảnh của báo chí phương Đông- Tây. Chỉ một Chiến sỹ biên phòng Lê Đình Chinh hy sinh đêm ấy.

Trên tuyến chính Lạng Sơn tháng 2-1979, SĐ  đã hoàn thành nhiệm vụ trấn giữ biên cương. Xương máu người lính Sao Vàng đã góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Em nghe một thống kê nói rằng: Lá cờ sư đoàn SV trĩu nặng huân chương anh hùng của các tập thể, cá nhân; số  thương binh, liệt sỹ SĐ đã đến gấp 3 lần biên chế của sư đoàn gồm ba trung đoàn bộ binh mang tên ba huyện của  Bình Định và các đơn vị khác:

-TĐ 2- An Lão (trung đoàn của anh và em);
-TĐ 12- Tây Sơn mắc giữa vòng vây của giặc từ ngày  17 đến 10 -3 - 79 với sự hy sinh quá lớn (thằng Diện quê Ứng Hòa lạc vào tiểu đoàn mình làm liên lạc cho anh đã kể chuyện những ngày sống chiến đấu trong  "biển giặc".
-TĐ 141 mang tên huyện Hoài Ân, trấn ở Cao Lộc, Lộc Bình với địa hình khá rộng;
-Trung đoàn  68 pháo binh;
-Các tiểu đoàn trực thuộc sư đoàn.

Những người lính chống Pháp, Mỹ nay cùng chiến hào với chúng em bảo vệ Tổ quốc đã minh chứng :" Nam quốc sơn hà Nam đế cư", đã nhắc lại với giặc " Nước Nam ta có chủ"

Ngày 10-3 -79 khi  súng vẫn nổ, tại Ba Xã hậu cứ của SĐ, TBT Lê Duẩn  đến thăm, tuyên dương, động viên chiến sỹ SĐ (sau này em mới biết).

Và hôm đó sơ xuất một chút thì chúng em mất mạng bởi tai nạn hy hữu cho những thước phim đúng người nhưng giả trận địa.

Đoàn làm phim quay hình ảnh chiến  sỹ  bắn DKZ, cối 82. Mấy đứa chúng em đứng sau, gần khẩu cối 82 .Quả DK bay vào khe núi, khói mù mịt, quả cối u u bay vào bầu trời tháng Ba, một quả cối rơi "phập" trước mâm cối  đôi mét,.. tất cả bỏ chạy, em vượt qua rào vườn té xấp,.. nhưng đạn không nổ, tay chỉ huy chợt nhớ các quả đạn cối đã tháo đầu nổ. Em quay lại coi thấy quả đạn rơi vỡ hòn đá gan gà, rúc sâu xuống đất,… liệu có quả đạn cối nào bắn lên rồi rơi vào  chính nòng súng nó thoát ra. Không. Trong chiến tranh, đã có chiến sỹ bắn B 41 quên không giật nắp an toàn đầu quả đạn, khác gì quẳng bắp hoa chuối vào xe tăng địch, không giật chốt lựu đạn thì như ném đá.

Cũng trong những ngày đó em gặp đoàn thanh niên thành phố Hà Nội (chủ yếu là sinh viên đại học Sư phạm I) lên hát ca khúc chính trị. Lúc em đến thì họ đã hát xong, họ hát ngay trên ruộng rạ, bên con đường đỏ ngầu đất đá xe qua, bên nấm mồ ai đó vội chôn. Em có giây phút lơ ngơ nhìn nhóm người tuổi trẻ, em nhìn huy hiệu đoàn trên ngực cô gái lớn hơn em, chiếc huy hiệu đó được tháo ra gài trên ngực áo thằng Hợp. Mãi sau này em biết đó là cô Quỳnh Liên ca sỹ, cán bộ đoàn của ĐHSP I và gần đây mới biết đó là vợ (đầu và cũ) của nhà thơ Trần Hòa Bình, tác giả bài "thêm một".

Những thanh niên, sinh viên một lần dũng cảm.

Nhầm lẫn và  không biết tên  thành  LS (vô danh), nhầm cũng xong bởi đều là con em mình trứng gà trứng vịt. Nhưng không ai muốn nhầm hài cốt. Cấp trên yêu cầu lính thêu trên ngực áo tên đơn vị, tên em " H…Db1. AL" là ở trung đội thông tin thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn An Lão. Một cái tên rất âm lịch, lính hay tán chuyện.

Sau này áo quần rách quá, một lần em được xuống chợ tìm vào hiệu may quen, được chủ mời cơm, cho con gái vá đồ miễn phí… cô gái tên T kém em 2 tuổi, rất quý em, hỏi chuyện nhiều em không nhớ, nhớ mãi T xinh, cao gần bằng em, mắt đen, tóc mượt lắm, môi miệng tươi, hay nhìn em cười. Bây giờ gặp, em không quên người.

Sau đó em không dám nhờ như thế, ít qua lại nhà T. Chúng em đem áo mới đi đổi đồ ăn. No vẫn hơn lành, đói sợ hơn rách. Một lần chính ủy Nguyễn Danh Mạc thấy lính rách quá, ông động viên: "đúng phẩm chất người chiến  sỹ ".
Em sẽ viết tiếp những ngày Bình Độ bốn trăm.
Kính chúc anh cùng gia đình mạnh khỏe.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét