Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

Trường ca Hồ Chí Minh. Phần II. Bôn Ba (749 - 1000 )

 Trường ca Hồ Chí Minh. Phần II. Bôn Ba  (749 - 1000 )

749. Qua Mãn Châu Lý[1] Lyn mừng

750. Về I - a - cút[2] nhiều từng cần lao

Giang hồ ở xứ Á Châu

Tìm về Xô viết xin đầu quân Lanh[3]

Trê - Ca[4] đang độ tranh giành

Tiêu diệt Bạch vệ[5] càng nhanh càng mừng

Lương thực bị Chính quyền trưng

Ngủ đệm cỏ ấm ăn chừng mực thôi

Đại học Phương Đông[6] nhiều người

Tuổi trẻ theo "Thép đã tôi"[7] đông đàn

Lyn[8] về ngồi ngay vào bàn

760.Thẩm vấn liên tiếp uống ăn tại phòng

Côn sắc[9], Ku lắc[10] rất đông

Chúng quyết giáng trả diệt Hồng quân Nga

Phản động sinh sôi hơn gà

Hợp tung nhị thập quốc gia chiến đòm

Trê - ca giỏi món ra đòn

Thủ tiêu bí mật thằng con nghi ngờ

Lyn bị thẩm vấn nhiều giờ

Kiểm điểm báo cáo nhiều tờ giấy than

Người Tầu có bạn họ Khang[11]

770.Chỉ muốn quốc tế giết chàng trai Lyn

Đến thời của Hồng vệ binh

Tấu trình trảm chém Khang Sinh ký ròng

Phong trào cộng sản Á Đông

Phập phù co cụm hiểu không đúng bài

Lyn chỉ ra nhiều cái sai

Lý luận cùn mẻ thích xài búa đao ?

Quốc tế đọc thấy nôn nao

Tạm thời giảm lỏng Lyn vào Phương Đông

Nhiều ý muốn Lyn bằng không

780.Xử bắn, phát vãng đầu sông rừng già

Cơ may lại đến với Ba

Một nữ đồng chí vào ra học đường

Thấy chàng quá đỗi mến thương

Kiểm điểm báo cáo mục trương rõ ràng

Chút tình gái goá rộn ràng

Cứu người trong sáng mơ màng thịt da

Lyn vốn lịch lãm thật thà

Xen chút hóm hỉnh bôn ba giang hồ

Nữ đồng chí thấy nên thơ

790.Bút phê bác bỏ nghi ngờ anh Lyn

Bổ chức trợ giáo làm tin

Bài giảng cách mạng nhiều nghìn trò nghe

Khang Sinh dự giờ rất mê

Xem lý lịch thấy Lyn nghề đấu tranh

Khang ủng hộ Lyn rất nhanh

Tính Khang cơ hội đã thành siêu sao

Thời Mao đấu tố máu trào

Khang con địa chủ vẫn vào hàng trên

Vật liệu mau hỏng, lâu bền

800. Sơn ăn từng mặt, ma nghiền từng nơi

Dân gian thường gọi số trời

Tuổi thơ ngoan ngoan sau thời ác ôn

Khéo lừa thoi suốt tuột trơn

Tơ mềm, tay búng lụa luôn chùng diềm

Xa xưa đã có búa liềm

Mặc nhiên cố kết thành miền cần lao

Nhiều người từ đó đi vào

Giai tầng bóc lột hỗn hào với dân.

Ra đi Ba cứng bước chân

810. Mẹ quy tiên sớm phúc phần cho con

Khác Cha, Ba né được đòn

Xì gà anh dụng rượu không mặn mà

Những ngày nghiên mực trường Nga

Học bổng rất hẻo dưng Ba vẫn còn

Tài khoản nhà băng Hồng Công

Kịp rút hạn mức lãi ròng mang theo

Học viên Phương Đông rất nghèo

Anh bao bọc mãi tiền teo tóp rồi,…

 

Mùa thu nước Nga tuyệt vời

820. Bạch dương đẹp bởi dáng người gái Nga

Thảo nguyên bát ngát bao la

Hương trời gió biển tâm tà bay đi

Tóc vàng vai nõn ôm ghì

Tinh thần Xô viết khắc ghi những ngày

Ba cùng tay nắm bàn tay

Sau này Cừ Nguyễn[12] đi đày Vàng Danh

Muốn thắng trong cuộc đấu tranh

Gần dân thân thiết là thành công ngay

Phương Đông có một ông thầy

830. Đọc bài, ngó vở, xem tay rất mừng

Cách mạng không có điểm dừng

Bằng Kan di dat[13] Lyn trưng quê nhà

Đề tài công thổ quốc gia

Nông dân có ruộng sau là nông trang

Lê nin triết lý rõ ràng:

Để dân suy tưởng trên hàng lúa khoai

Quan điểm cách mạng không sai

Ngang trình Ha-vớt kinh tài tự do

Anh Ba không phải lần mò

840. Dân tộc theo hướng thước đo thị trường

Thầy rằng phải có một chương:

Phản phong đuổi đế ở quê hương nhà

Đề tài đã bị Trê - ca

Nhòm thấy tư tưởng anh Ba lạc đề

Bọn Trốt-kít[14] cười hề hề

Quan điểm Ba hướng đi về tự do

Bao lực đúng, tự kháng to

Cần lao dễ hiểu hét hò đấu tranh

Sau Ba gặp  Xít -Ta-lanh

850. Bị phê phán cách tranh giành nhẹ tay:

"Hữu khuynh sẽ có một ngày

Thực dân đế quốc xóa bay ngọn cờ"

Ba rằng tôi có giấc mơ:

"Cần lao áo ấm cơm no kết đoàn"

Những ngày nghỉ dưỡng lo toan

Cờ - rim[15] sóng vỗ nhặt khoan bến bờ

Biển Đen[16] xa thẳm mịt mờ

Trứng cá muối, thèm cá cờ quê hương

Chuyên chánh vô sản rất cương

860. Xử ngay những kẻ bất thường hồ sơ

Ăng lê có thể đáng ngờ?

Biết đâu họ chuyển những tờ cung khai

Lyn ngẫm mình không oan sai

Án Hồng Công có nhiều bài báo hay,…

Xòe ra bấm đốt ngón tay

Năm Châu chỉ nước Anh này công minh

Nữ hoàng sống rất có tình

Ngân sách Cung điện không phình lên to

Tư sản dân chủ vẫn thờ

870. Hoàng gia một hộ căn cơ đồng tiền

Nghĩ về xứ Huế thần tiên

Những ngày đi học dân hiền như mơ

Vua quan dân sống tỉnh bơ

Việc Triều chính được phân chia rõ ràng

Pháp quốc chúng từng oang oang

Xứ thuộc địa nhất ông hoàng An Nam

Các vua phát vãng đi làm

Đảo xa cày cuốc bán hàng mộc may

Hàm Nghi, Duy Tân[17],… bị đày

880. Nhận ra Pháp quốc khéo tay trị người

 

Sau Chu[18] Bộ trưởng chê cười

Đi đày sơn cước sống đời thổ dân

Mạnh Hà[19] Bộ trưởng nhanh chân

Về làng Tây sống nhưng gần gũi ta

Ủng hộ kháng chiến hài hòa

Là cách yêu nước được tha truy lùng

Đối kháng hung hãn điên khùng

Xit-ta-lanh quyết phải dùng bạo tra

Đấu tranh giai cấp buông tha

890. Hữu khuynh hòa hoãn tự ta ra đồng

Đoàn ăn dưỡng có nhiều ông

Trê - ca thăm hỏi sau không thấy gì?

Bất ngờ bị dẫn giải đi

Về trại Gu - lắc[20] chết thì đem chôn

Nhân gian rất nhiều cô hồn

Nguyễn Du viết chữ cháo hòn chúng sinh

Tự lượng thấy sức của mình

Lyn nguyện vọng học tránh hình phạt căng

Tù Tây Hương Cảng công bằng

900.  Hai năm ở trại kiểu Ăng lê rồi

Tù Ta sớm muộn là toi

Quần đảo Gu-lắc hết đời thánh nhân

Lá bùa hộ mệnh ở chân

Tiếng sư nước Phạn anh lần ra ngay

Quốc tế thuận ý ký tay

Bắt Lyn đi học bậc thầy Lin râu

Học phiệt ở đó khá ngầu

Tưởng Giới Thạch[21] đã cãi nhau bỏ về

Thạch tự dân chủ dám chê

910. Cách mạng bạo lực hả hê làm gì?

Nghèo đông giàu ít siết ghì

Hóa ra đi cướp, Thạch ghi vào lề

Hữu tả hay buôn dưa lê

Lyn nghe phát ngấy mỗi khi họp bàn

Quan điểm của Lyn rõ ràng

Tìm mắt xích yếu hô làng búa đao

Cách mạng thắng được đoạn nào

Ăn chắc đoạn đó phong trào nổi lên

Giáo sư học viện Ông Lin

920. Khen trò thuộc địa biết tìm lối đi

Võ biền thuần túy biết gì

So găng thất bại là tùy táng nhau.

Về Trường Lyn học rất sâu

Nghiên cứu sách vở báo nhàu cũng xem

Thư từ với các anh em

Chi bộ bên Pháp xưng tên vang lừng

Tình hình thuộc địa bên Trung

Đế quốc xâu xé, trong lùng xét tra

Đặc biệt cộng sản nước Nga

930. Đang thời chỉnh huấn soái Sa hoàng[22] tèo

Đảng quyền có thứ đáng yêu

Đảng quyền cực tả rất nhiều tang thương

Liên Xô cất bước lên đường

Đẩy tăng năng suất nông trường rất to

Gang thép ào ào ra lò

Trang bị vũ khí đợi chờ đánh nhau

Cần lao nguôi nhạt cơn đau

Cơm áo hơn đứt ngày đầu Liên bang

Nhà ăn tập thể xếp hàng

940. Bánh mì bơ đặc hoàn toàn tự do

Kinh tế tư nhân co ro

Bị quốc hữu hóa sạch trơ răng hàm

Quân đỏ trấn áp xóm làng

Bạch vệ lẩn trốn chạy sang nước người

Từng qua Mỹ quốc “rong chơi”

Anh Ba vẫn nhớ những người anh em

Nhớ nàng văn sĩ Ka men[23]

Tinh thần phóng khoáng bậc trên địa cầu

Liên Xô có lẽ còn lâu

950. Mới đạt được những cây cầu bên kia

Bánh mỳ Mỹ bán giá vừa

Đồ dùng, thức uống đầy thừa quán ăn

Áo quần Mỹ vải ít nhăn

Công nghệ may dệt khác quần bố Nga

Thiệp hồng Lyn gửi đi xa

Thăm nàng văn sĩ tuổi ta ngũ tuần

Thiệp hình nước Nga mùa Xuân

Hoa cỏ trắng muốt ngút ngần thảo nguyên

 

Đi nhiều Lyn ngộ ra quyền

960. Con người mỗi nước, các miền khác nhau

Nhiều nơi dân không biết đau

Cam phận nô lệ chẳng sầu muộn chi

Nhiều vùng dân rất hay đi

Xuống đường phản đối sau thì di cư

Cầm quyền đa số rất hư

Chúng thường thay đổi cách lừa nhân dân

Khẩu hiệu nước Nga có phần[24]

Giống quân phát xít ở gần Ba Lan

Lyn đề xuất đi thực hành

970. Nông trường, trại lính, lều tranh, phố phường

Một học viên nữ bạn đường

Trê - ca cài cắm? Lyn thường đa nghi

Lộ trình dài dặm họ đi

Tây Âu cho đến Bắc Phi trở về

Qua vùng Trung Á gớm ghê

Giáo dân dao quắm súng kề trên vai

Bạn đường khen Lyn đẹp trai

Hào hoa phong nhã tiền xài xông xênh

Mỗi lần tá túc cửa thiền

980. Dục vọng co thắt nhưng tiền phồng ra

Bạn đường nhận mình Trê- ca

Giám sát đồng chí nghi là điệp viên

Những ngày điền dã thảo hiền

Thấy Lyn chân thật với miền quê Nga

Một đêm trăng sáng trại gà

Rơm thơm cỏ ngái như là dụ dâm

Nữ đồng đưa tay Lyn cầm

Dưới trăng thơ mộng sương dầm đôi vai

Người đâu tài đức đẹp giai?

990. Tình đi những bước rộng dài nhân gian

Lyn ôm đồng chí dịu dàng

Dùng phép sư Phạn cho nàng dịu nguôi

Một hôm họ tách đi chơi

Lyn lên xe ngựa theo người lạ xa

Đến một Hội quán nước Nga

  

Có người Do Thái xưng là Hội Tam[25]

Nghi lễ đón tiếp nhẹ nhàng

Lyn chìa bùa chú thuở sang Xiêm thiền

Bánh chay nước lọc giót thêm

1000. Nhiệm vụ làm đế một niềm tin trao



[1] Mãn Châu Lý là một thành phố thuộc khu tự trị Nội Mông CổTrung Quốc. và có gianh giới với Nga ở phía bắc.

[2] Yakutsk là một thành phố ở vùng Viễn Đông Nga, nằm cách khoảng 450 km (280 dặm) về phía nam Vòng Bắc cực. Đây là thủ phủ của Cộng hòa SakhaNga và là một cảng lớn trên sông Lena.

[3] Iosif Vissarionovich Stalin (1878 -1953) là lãnh đạo tối cao của Liên bang Xô viết từ giữa thập niên 1920 cho đến khi qua đời năm 1953. Trong trường ca  gọi là " Ta- lanh"

[4] Ủy ban Đặc biệt toàn Nga (là cơ quan mật vụ của Nhà nước Xô Viết, được thành lập ngay sau cuộc Cách mạng tháng Mười ở Nga năm 1917. Đây là tiền thân của cơ quan an ninh Liên Xô (KGB).

[5] Bạch vệ  là lực lượng chính trị và quân sự Nga chống lại những người Bolshevik sau Cách mạng tháng Mười và chiến đấu chống lại Hồng quân trong Nội chiến Nga từ năm 1917 đến năm 1923.

[6] Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông được Quốc tế Cộng sản thành lập tại Moskva ngày 21 tháng 4 năm 1921 làm một cơ sở đào tạo các cán bộ cộng sản cho các nước thuộc địa và một số nước phương Đông.

[7] Thép đã tôi thế đấy! là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky viết vào năm 1930-1934.

[8] Lyn (Lin) là bút hiệu anh Ba từ tháng 1 -1935 đến tháng 9 -1939.

[9] Aleksandr Vasiliyevich Kolchak (1874 - 1920) là một chỉ huy hải quân Nga, người thám hiểm Bắc cực và đầu sau đó là chỉ huy tất cả các lực lượng Bạch vệ tham gia các trận đánh chống lại chính quyền Bolshevik ở Xibia

[10] Kulak  (кулак) từ thế kỷ 19 được dùng để chỉ nông dân giàu có ở Nga. Sang thế kỷ 20 nó trở thành một nghĩa xấu.

[11] Khang Sinh (1898 - 1975)  từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Đảng, Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc. Khang Sinh được coi là "Beria Trung Quốc" là người đứng đầu cơ quan an ninh và gián điệp của Trung Hoa đã thực hiện những ngược đãi các đồng chí của mình trong thời kỳ Cách mạng văn hóa. Năm 1980, ông bị trục xuất khỏi Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

[12] Nguyễn Văn Cừ (1912 - 1941) là Tổng Bí thư thứ tư của Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1938 đến năm 1940, ông chưa từng ra nước ngoài, chưa gặp anh Ba.

[13] Phó tiến sĩ theo tiêu chuẩn Nga từ 13 tháng 1 năm 1934 

[14] Lev Davidovich Trotsky (1879 -1940). Ông là một trong những lãnh đạo của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, chỉ sau Lenin. Trong những ngày đầu lịch sử Liên Xô, ông làm dân uỷ ngoại giao, là người thành lập và chỉ huy Hồng quân và dân uỷ chiến tranh. Ông cũng là một trong những thành viên đầu tiên của Bộ chính trị. Giữa Trotsky và Stalin có sự mâu thuẫn, điều này dẫn đến việc Trotsky bị trục xuất và cuối cùng là bị ám sát ở Mexico sau khi Stalin lên cầm quyền.

[15] Bán đảo Krym hay Crưm là một bán đảo lớn ở châu Âu được nước biển Azov và biển Đen bao bọc gần như hoàn toàn, nằm ngay về phía nam của đất liền của Ukraina và về phía tây của miền Kuban thuộc Nga. Về hành chính, bán đảo này là một chủ thể liên bang Nga trong cuộc Khủng hoảng Krym 2014 khi Nga sáp nhập lãnh thổ này sau cuộc trưng cầu dân ý của cư dân trên bán đảo từ Ukraina.

[16] Biển Đen hay Hắc Hải là một biển nội địa nằm giữa Đông Nam châu Âu và vùng Tiểu Á. Biển Đen được nối với Địa Trung Hải qua eo biển Bosporus và biển Marmara.Biển Đen có diện tích vào khoảng 422.000 km², nơi sâu nhất đến 2210 mét. Sông Danube là dòng sông quan trọng nhất đổ vào Biển Đen. Được mệnh danh là biển ấm nhất Trái Đất.

[17] Hàm Nghi (1871 -1944), thụy hiệu Xuất Đế, tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch là vị hoàng đế thứ tám của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.Ông  đã phát động phong trào Cần Vương, kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua, giúp nước. Phong trào này kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt. Sau đó, ông bị đem an trí ở Alger (thủ đô xứ Algérie) và qua đời tại đây năm 1943 vì bệnh ung thư dạ dày. Do áp lực của Pháp nên nhà Nguyễn không lập miếu hiệu cho ông.

      Duy Tân (1900 - 1945), tên khai sinh là Nguyễn Phúc Vĩnh San là vị hoàng đế thứ 11 của nhà Nguyễn. Khi vua cha Thành Thái bị thực dân Pháp lưu đày, ông được người Pháp đưa lên ngôi khi còn thơ ấu. Tuy nhiên, ông dần dần khẳng định thái độ bất hợp tác với Pháp, ông bị đem an trí trên đảo Réunion ở Ấn Độ Dương.Trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) ông gia nhập quân  Đồng Minh chống phát xít Đức, ông mất vì tai nạn máy bay ở Cộng hòa Trung Phi.

 

[18] Chu Bá Phượng (1906 - 1964) là một nhà cách mạng và chính khách Việt Nam. Ông là một trong những thành viên sáng lập Việt Nam Quốc dân Đảng, từng giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Kinh tế (nay là Bộ Công thương) và Bộ trưởng Bộ Cứu tế (nay là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.Sau khi Quốc dân Đảng thất thế tại Việt Nam, ông bị Việt Minh giam tại Hà Giang đến khi qua đời.

[19] Nguyễn Mạnh Hà (1913 - 1992) là nhà trí thức Công giáo, nhà chính trị Việt Nam, từng giữ chức Thanh tra Lao động Bắc kỳ, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Quốc gia trong Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945. Ông về Pháp cùng các trí thức vận động chống chiến tranh Đông dương.Hồ Chí Minh khẳng định “ông là người yêu nước”.

[20] Quần đảo GULAG hay Quần đảo ngục tù là tác phẩm văn học của nhà văn người Nga Aleksandr Solzhenitsyn, người từng đoạt giải Nobel Văn học năm 1970. Cuốn sách gồm 3 tập, được viết từ năm 1958 tới 1968, được xuất bản ở phương Tây năm 1973. Cuốn sách là một tập hợp các lời kể về hệ thống trại giam Gulag của Liên Xô.

[21]  Tưởng Giới Thạch (1887 - 1975), là nhà chính trị và nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc cận đại. Ông sinh tại Ninh Ba, Chiết Giang, mất tại Đài Bắc, Đài Loan .Ông từng làm việc với cố vấn Nga, đến Nga vào năm 1923 để mua vũ khí, sau đó quyết định đưa con trai Tưởng Kinh Quốc tới đây học tập.

[22] Trước chiến tranh Thế giới II, Liên Xô thanh trừng nhiều nguyên soái, tướng lĩnh, đa phần họ là những người từng phục vụ quân đội Sa hoàng.

[23] Tên gọi thân mật của nhà văn, nhà báo Anh - Mỹ nào đó ở Boston (Hoa Kỳ) gặp anh Ba năm 1912 .

[24] Trước chiến tranh Thế giới II, tranh cổ động và khẩu hiệu của Liên Xô có nét vẽ giống tranh cổ động, khẩu hiệu của Đức cùng thời.

[25] Ngày 4- 6- 1922, Nguyễn Ái Quốc được chấp nhận vào Hội Tam điểm và đã dự nghi lễ chấp nhận tại Trụ sở của Liên hội Quốc tế, số 94 đại lộ Đơ Xuypphơren (De Suffren), Pari. Anh vào Hội với ý thức muốn tìm hiểu mặt tiến bộ của tổ chức này. Cuối tháng 12-1922, Nguyễn Ái Quốc đã rút khỏi Hội.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét