Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Giảm nhập siêu từ Trung Quốc: Quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam

                                                                               Sơ đồ minh họa

Sơ đồ của Ohno (Nhật Bản)
Nhập siêu từ Trung Quốc tăng chóng mặt từ 188 triệu USD năm 2001 lên tới gần 13,5 tỷ USD năm 2011 khiến các đối tác thương mại khác quan ngại tình trạng “Việt Nam gom tiền từ các thị trường khác để nhập siêu từ Trung Quốc”.

Nhập siêu... tiến đến tỷ lệ mua 3 bán 1
Mặc dù được cảnh báo nhưng tỷ trọng nhập siêu từ Trung Quốc chiếm tỉ lệ cao trong tổng nhập siêu của cả nước, chiếm từ  61% năm 2005 lên tới 136% năm 2011, 8 tháng đầu năm nhập siêu 10,2 tỷ USD gấp cả trăm lần nhập siêu của cả nước.

Những mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị “khủng” trong 8 tháng đầu năm là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng: 3,41 tỷ USD; Nguyên vật liệu cho ngành dệt may da giày: 2,78 tỷ, riêng vải: 1,5 tỷ USD; Điện thoại các loại và linh kiện: 2,1 tỷ USD; Sắt thép nguyên liệu và sản phẩm từ sắt thép các loại, kim loại thường: 1,5 tỷ USD, riêng sắt thép: 1 tỷ USD gấp 5 lần cả năm 2011.

Cách nghĩ của doanh nghiệp bên Việt Nam là cần có nguyên liệu rẻ để xuất khẩu, ngại sản xuất nguyên liệu và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, đã lún sâu vào “công nghệ máy may và tuốc- nơ - vít” trước sự kiên nhẫn và ào ạt của thương nhân Trung Quốc xuất khẩu nhỏ lẻ từ cái tăm (2 năm 2009 -2010 xuất vào cảng Cát Lái đến 300 tấn tăm, bên nhập khẩu đóng được 7 triệu hộp) để thương nhân Việt Nam quen nhập dẫn đến phụ thuộc lâu dài.

Tại sao nhập siêu?
Trước hết, quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng được cải thiện tích cực. Hai nước gần nhau về địa lí, Việt Nam có 6 tỉnh biên giới đất liền, trên biển tiếp giáp với các tỉnh miền nam Trung Quốc,... phát triển năng động. Hai nước có những thỏa thuận phát triển kinh tế biên mậu, hình thành các cặp cửa khẩu quốc tế, quốc gia, các lối mở, cặp chợ biên giới,...làm cho hàng hóa qua lại thuận lợi, cạnh tranh về giá cước và các điều kiện ngoại thương,...

Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam cũng là nguyên nhân làm tăng kim ngạch nhập khẩu. Tính đến cuối năm 2011, Trung Quốc có hơn 820 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký đạt 4,2 tỷ USD, đứng thứ 14 trong các nước và khu vực đầu tư vào Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 4/2012 Trung Quốc trúng thầu 13 dự án nhiệt điện (tổng thầu EPC) chiếm tới 30% công suất toàn ngành điện; 49/62 dây chuyền dự án xi măng; 5/6 dự án phân đạm; dự án bauxit và hàng trăm dự án vừa và nhỏ khác do nhà thầu Trung quốc đảm nhận. Đầu tư của Việt Nam sang Trung Quốc đến nay mới có 10 dự án với tổng giá trị cam kết là 13,75 triệu USD, trong đó vốn của nhà đầu tư Việt Nam là 11,75 triệu USD.

Trung Quốc khá thành công trong chính sách biên mậu, với quan điểm ngoại thương “tam khứ nhất bổ” chủ trương “hỗ thị dân biên” để “thắp sáng đường biên” tạo hạ tầng khu vực cửa khẩu, cùng với những chính sách hỗ trợ thương nhân qua lại như giảm chi phí kho bãi, lệ phí, áp thuế xuất khẩu theo đúng cam kết WTO với nhiều mặt hàng có thuế suất bằng 0%; khách du lịch qua lại được mang theo hàng hóa với số lượng lớn hơn quy định của Việt Nam. Do vậy, cộng với kim ngạch xuất nhập khẩu tiểu ngạch thì tổng kim ngạch hai chiều Việt - Trung thực tế luôn cao hơn số thống kê hải quan ít nhất là 10%.

Trong thương mại và đầu tư, Trung Quốc có nhiều thủ pháp xúc tiến giành lợi thế xuất khẩu như khuyến mại, ứng hàng cho thương nhân nhập khẩu, thanh toán bù trừ, để khuyến khích thương nhân Việt Nam nhập khẩu. Tại một số diễn đàn hợp tác thương mại biên mậu, các chuyên gia Trung Quốc từng khuyến khích sử dụng nhân dân tệ để buôn bán. Việc sử dụng nhân dân tệ với các dịch vụ đổi tiền tự phát ở biên giới đã kích thích nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc.

Các nhà đầu tư, nhà thầu Trung Quốc luôn luôn khảo sát kỹ thị trường, bỏ thầu giá thấp, hỗ trợ tín dụng, hứa hẹn thời gian hoàn thành,... nhằm trúng thầu để đưa máy móc thiết bị giá rẻ, lạc hậu dẫn đến nhiều dự án ngưng trệ, chất lượng công trình không bảo đảm. Ông Dương Văn Cận, Tổng Thư ký Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, các dự án nhiệt điện do ngành Than và ngành Điện Việt Nam làm chủ đầu tư, Trung Quốc làm tổng thầu, hầu hết đều chậm tiến độ.

Để giảm nhập siêu - đã mua thì phải bán ngang nhau
Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam chủ động kích thích sản xuất trong nước như đặt hàng, đấu thầu trong nước trước khi nhập khẩu; kiên trì thúc đẩy nhau sản xuất và tiêu thụ cho nhau như vải cho dệt may, sắt thép xây dựng và tham gia đấu thầu cung ứng máy móc thiết bị cho các công trình. Kinh nghiệm hãng Huyndai (Hàn Quốc) chỉ nhập một vài dây chuyền của Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ sau đó phát triển nội địa hóa nhiều dây chuyền sản xuất ô tô, đóng tàu, phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập khẩu, tăng năng lực sản xuất trong nước hướng xuất khẩu.

Thứ hai, trong cơ chế thị trường, buôn bán phải có lời nhưng nhập khẩu hàng tiêu dùng, vật tư trong nước sản xuất được là chúng ta đánh mất việc làm, mất năng lực nội địa hóa, nội sinh công nghệ. Thực hiện chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” không chỉ người tiêu dùng mà các doanh nghiệp Việt Nam hãy sản xuất thay thế các mặt hàng tiêu dùng thông thường hiện đang nhập khẩu; tham khảo kinh nghiệm một số nước như Thái Lan, Thụy Điển tách riêng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào một số siêu thị riêng. Doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam đã thành công chấm dứt nhập khẩu bia chai từ Trung Quốc từ hàng chục năm nay.

Thứ ba, việc lập hàng rào kỹ thuật là cần thiết, trước hết lên “danh sách đen” những mặt hàng cấm nhập, buộc phải tiêu hủy và tái xuất, không để tình trạng đến thời điểm này, kể cả các Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chưa đủ khả năng phân tích được hàm lượng Bo trong thành phần thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam!

Thứ tư, kiểm tra kiểm soát chống gian lận thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, xuất xứ hàng hóa,... cập nhật thường xuyên thông tin hàng hóa qua các cửa khẩu thông báo trên toàn hệ thống hải quan, quản l‎í thị trường để thu giữ tiêu hủy hàng hóa không có xuất xứ, xử lí nghiêm hàng hóa gian lận thương mại ngay từ cửa khẩu.

Thứ năm, cơ quan quản lí nhà nước về xuất nhập khẩu hai nước cần có những cuộc họp tìm các giải pháp thúc đẩy thương mại hai chiều để cải thiện cán cân ngoại thương, thông báo các nhu cầu xuất nhập khẩu, phối hợp đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng,... tạo điều kiện để thương nhân, nhà đầu tư hai nước làm ăn theo hợp đồng dài hạn. Không thể nói như một quan chức vụ Thị trường châu Á, “nhập siêu từ Trung Quốc là bình thường”. Tư duy kiểu miễn có lời thì nhập là thuần túy của “con buôn” vô trách nhiệm.

Thứ sáu, các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, cần đề xuất  chế tài bắt buộc sử dụng vật tư hàng hóa trong nước sản xuất được theo Thông tư 04/2009/TT-BKH ngày 23/7/2009 và Quyết định 2840/QĐ-BCT ngày 28/5/2010 của Bộ Công Thương  về việc  ban hành  danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được.

Sau cùng, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm kiếm thị trường Trung Quốc để xuất khẩu nông sản có thế mạnh như gạo, cà phê, cao su, sắn, thủy sản, đường ăn, hoa trái nhiệt đới... khoáng sản đã chế biến, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, cải thiện cán cân thương mại bằng xuất khẩu vẫn bền vững; cần đa dạng thị trường, mặt hàng để tránh lệ thuộc vào thương nhân Trung Quốc như câu chuyện xuất khoai lang vừa qua. Các hiệp hội ngành hàng ở hai nước có những thỏa thuận hướng dẫn doanh nghiệp hợp tác thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại bởi thị trường Trung Quốc có sức tiêu thụ lớn các sản phẩm từ Việt Nam; áp dụng nguyên tắc cân đối ngoại thương là “đã mua thì phải bán ngang nhau” chuyển dần về tỷ lệ  mua 1 bán 1.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng, 0945656848, NguyenManhHung288@yahoo.com.vn

(Bộ Công Thương)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét