Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Bàn chùn



Nhân đọc bài của hai tác giả quen thuộc, có lời bình chữ đỏ dưới đây.

Hy mọng một thế hệ khác hai tác giả này.

Đó là thế hệ mới tư duy không nặng ơn huệ áo cơm của thể chế, chỉ còn ân nghĩa với non song.
 -----------------------


Bàn về 'KINH TẾ TT-ĐỊNH HƯỚNG XHCN' 

Phí Mạnh Hồng, PGS.TS., Đại học Quốc gia Hà Nội;

Trần Đình Thiên, PGS.TS., Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.


NGUỒN: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU KINH TẾ, SỐ 3/2014

Cơ chế thị trường là một cơ chế kinh tế hiện thực, đã được xác lập một cách vững chắc trong lịch sử phát triển của kinh tế thế giới.

Cho đến nay, dù không phải là một cơ chế hoàn hảo, song nó vẫn chứng tỏ được rằng đó là một cơ chế phân bổ nguồn lực, một cơ chế phát triển tốt nhất hiện nay. Một quốc gia dựa trên nền tảng thị trường để phát triển kinh tế có thể không chắc chắn thành công, song một quốc gia không dựa trên thị trường chắc chắn sẽ thất bại trong dài hạn. Môt cách triệt để, đối với sự phát triển hiện đại, phát triển đồng nghĩa với việc xây dựng, phát triển, hoàn thiện nền kinh tế thị trường hiện đại. Kết cục của sự lựa chọn giữa kinh tế thị trường hay kinh tế phi thị trường, về mặt thực tiễn là rõ ràng, với ưu thế rõ rệt, không cần phải tranh cãi của mô hình của kinh tế thị trường.

Các kiểu mẫu phát triển khác nhau, sự thành công hay thất bại khác nhau, gắn liền với việc xử lý đúng đắn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi quốc gia trong từng giai đoạn cụ thể về mối quan hệ giữa thị trường và nhà nước với tư cách là 2 phương thức phân bổ nguồn lực khác nhau, có thể bổ sung cho nhau, song cũng có thể triệt tiêu tính hiệu quả của nhau.Thực tiễn trước và sau Đổi mới ở Việt Nam chứng minh rằng: phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế (một thuộc tính phát sinh từ quá trình toàn cầu hoá của nền kinh tế thị trường hiện đại) là lựa chọn không thể tránh né của Việt Nam.

Nền tảng của nền kinh tế thị trường là dựa trên sự xác lập và thực thi phổ biến quyền sở hữu tư nhân về các tài sản (dùng cách diễn đạt "các tài sản" thay cho "các tư liệu sản xuất chủ yếu" như là đối tượng của sở hữu chính xác hơn. Tài sản bao gồm cả tài sản vô hình như tri thức, vốn là thứ đang nổi lên như một nguồn lực hàng đầu quyết định năng lực sáng tạo của cải trong nền kinh tế tri thức). Luận điểm này được thừa nhận phổ biến và được thực tiễn lịch sử kinh tế thế giới chứng minh. Nó cũng từng được C.Mac nêu lên như một trong hai điều kiện cần thiết của sự ra đời và phát triển của kinh tế hàng hoá.

Quyền sở hữu tư nhân được thực thi hàm nghĩa rằng người sở hữu tài sản có quyền khai thác, sử dụng tài sản của mình, được thụ hưởng các kết quả mà mình tạo ra từ tài sản đó. Thừa nhận quyền sở hữu tư nhân có nghĩa là mọi người chỉ có thể có được hàng hoá, tài sản từ người khác phải thông qua trao đổi mua bán, chứ không phải thông qua sự chiếm đoạt. Sở hữu tư nhân trong nền kinh tế thị trường đối nghịch với các quan hệ kinh tế dựa trên sự lệ thuộc cá nhân của các xã hội tiền tư bản. Nó là hình thái sở hữu tư nhân đích thực, trọn vẹn. Sức sống lâu bền của hệ thống kinh tế thị trường nằm ở chỗ: nó phù hợp với giai đoạn lịch sử mà con người về căn bản còn là những người tư lợi. Họ sản xuất, trao đổi trước hết vì lợi ích cá nhân của mình. Dựa trên nền tảng quyền tư hữu được tôn trọng và bảo vệ, hệ thống này cho phép các cá nhân phát huy được các tiềm năng của mình trong các hoạt động sản xuất trao đổi nhằm tối đa hoá các lợi ích cá nhân.

Như A.Smit đã chỉ ra, thông qua cơ chế cạnh tranh và sự lên xuống của giá cả, bàn tay vô hình của thị trường hoá ra lại là "cơ chế tuyệt diệu có thể chuyển hoá các nỗ lực theo đuổi lợi ích riêng của các cá nhân thành các lợi ích của toàn xã hội"2. Tôn trọng và phát huy sức mạnh của lợi ích cá nhân (hiểu theo nghĩa rộng, đó không chỉ là lợi ích vật chất, tiền bạc mà còn bao hàm cả những lợi ích tinh thần mà cá nhân theo đuổi) trên cơ sở xác lập và bảo vệ quyền tư hữu, coi đó là động lực sâu sa chi phối hành vi kinh tế con người – tất cả nhứng điều đó làm nên sức sống năng động và sự thịnh vượng của các nền kinh tế thị trường. "Hệ thống thị trường đã chứng kiến nhiều thay đổi trong hai năm qua, nhưng chế độ tư hữu vẫn tiếp tục đóng vai trò trung tâm. Khi sản xuất và trao đổi ngày càng phức tạp với mức độ chuyên môn hoá và phân công lao động ngày càng cao, quyền tư hữu càng được củng cố chứ không yếu đi trong các nền kinh tế thị trường, và việc thực thi quyền tư hữu ngày càng được mở rộng ở mức độ tinh vi hơn"3.

Đoạn trên “hàng xáo” được.

Hệ luỵ là: một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa luôn lấy khu vực tư nhân làm chỗ dựa, làm động lực cho cả nền kinh tế. Không tôn trọng và bảo vệ đầy đủ quyền sở hữu tư nhân về tài sản, nền kinh tế thị trường khó có thể phát triển bình thường và phát huy được các tiềm năng của nó một cách trọn vẹn. Trong trường hợp đó, nếu "định hướng xã hội chủ nghĩa" được đồng nhất với định hướng mở rộng khu vực công, các hình thức sở hữu công, với sự phân biệt đối xử của nhà nước một cách có lợi cho những thành phần kinh tế được xem là "xã hội chủ nghĩa" (có hại cho khu vực tư) thì việc thực hiện "định hướng xã hội chủ nghĩa" sẽ mâu thuẫn với "phát triển kinh tế thị trường".

Nhầm lẫn của tư duy kinh viện như kiểu thế kỷ 13-14 của các học viện tôn giáo trung cổ.
Tại sao quên sơ đẳng: Mâu thuẫn để phát triển, chung sống của những đối lập, thỏa hiệp từng xảy ra như những trí thức Việt Nam không ưa thể chế nhưng vẫn bám vào nó để sinh tồn. Cái lệch của thể chế chính là đất mẫu mỡ của kẻ cơ hội, thực dụng và bạo lực. Do vậy, kinh tế thị trường và định hướng XHCN song hành, đồng lõa ở thể chế “KTTT định hướng XHCN”.

Cách nói "phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" là một cách nói thiếu xác định, có thể gây ra nhiều hệ luỵ xấu cho sự phát triển một khi nội dung của các khái niệm như "chủ nghĩa xã hội","định hướng xã hội chủ nghĩa" không rõ ràng. Cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng: lý thuyết về chủ nghĩa xã hội của các nhà kinh điển Mac – lê nin đã không vượt qua được sự thử thách của thực tiễn khi mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực lần lượt sụp đổ. Các nước xã hội chủ nghĩa thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu đã dứt khoát từ bỏ mô hình này, cả về mặt kinh tế và chính trị. Những nước như Cu Ba, Triều Tiên không muốn thay đổi và vẫn đang ở nấc thang phát triển thấp nhất trong thế giới đương đại cả về chỉ tiêu phát triển kinh tế lẫn con người. Khác với các trường hợp trên, các nước như Trung Quốc, Việt Nam chọn con đường đổi mới cải cách, chủ yếu về mặt kinh tế và bước đầu tỏ ra thành công. Tuy cách gọi khác nhau, song cải cách và đổi mới kinh tế thực chất là quá trình chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung cũ sang nền kinh tế thị trường. Từ chỗ bị kỳ thị, kinh tế tư nhân dần dần được thừa nhận, khôi phục và phát triển. Từ chỗ thống trị tuyệt đối, kinh tế nhà nước bị thu hẹp dần. Nhà nước cũng thay đổi dần dần cung cách điều hành, quản lí nền kinh tế theo nguyên tắc dựa nhiều hơn vào thị trường, hơn là hệ thống các mệnh lệnh hành chính gắn liền với quan hệ cấp phát, xin cho. Lịch sử đổi mới kinh tế ở Việt Nam thực chất là lịch sử đấu tranh giữa hai cơ chế kinh tế: cơ chế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp cũ gắn liền với mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực kiểu "Xô Viết" với cơ chế thị trường hiện đại mà hầu hết các nước đang theo đuổi. Mỗi bước tiến của đổi mới đều gắn với sự thừa nhận tính thị trường và tầm quan trọng của khu vực tư nhân nhiều hơn. Sự dích dắc, ngập ngừng của tiến trình Đổi mới, vốn gây ra những hệ quả xấu cho chất lượng và hiệu quả tăng trưởng – phát triển theo hướng bền vững, suy đến cùng đều gắn với việc chưa, không chấp nhận vai trò đích thực của khu vực tư nhân và áp đặt vai trò vốn có trước đây của khu vực công, của Nhà nước (gắn với cách hiểu chủ nghĩa xã hội cũ) vào nền kinh tế mới, đang chuyển mình theo xu hướng thị trường, mở cửa. Đổi mới do vậy thiếu tính triệt để, mất dần các xung lực mà nó đã tạo ra trong thời kỳ đầu. Những khó khăn nghiêm trọng mà nền kinh tế đã và đang đối diện thoạt nhìn có vẻ là hậu quả của việc theo đuổi một chiến lược tăng trưởng sai lầm (chạy theo số lượng, dựa vào khai thác, bóc lột tài nguyên, lao động rẻ và nguồn vốn "dễ dãi"), song thật ra có gốc rễ từ những bước đi ngập ngừng, miễn cưỡng đến một nền kinh tế thị trường hiện đại: đất đai, một loại tài sản và nguồn lực vô cùng quan trọng đặc biệt đối với một nước đi lên từ nông nghiệp như Việt Nam, vẫn không được chấp nhận là đối tượng của sở hữu tư nhân; kinh tế nhà nước vẫn được tuyên bố là giữ vai trò "chủ đạo" với một hệ thống doanh nghiệp nhà nước, mà xương sống là các tập đoàn nhà nước, tuy giảm nhiều về số lượng, song vẫn nắm giữ phần lớn các nguồn lực và tài sản quốc gia, bất chấp tính hiệu quả thấp của nó so với các doanh nghiệp phi nhà nước; Nhà nước vẫn chưa hoạt động như một thể chế thiết yếu của thị trường, hỗ trợ và bổ sung cho thị trường (cung cấp những dịch vụ công – bao gồm cả việc xác lập khung khổ pháp lý cần thiết, để đảm bảo cho thị trường vận hành trơn tru, hiệu quả; đóng vai trò trọng tài giữa người mua và người bán, người sản xuất và tiêu dùng… nhằm đảm bảo lợi ích cá nhân của người này không xâm hại đến lợi ích cá nhân của người khác…) mà vẫn hoạt động như một lực lượng đối nghịch với thị trường. Sự miễn cưỡng này không những làm sự phát triển của các lực lượng thị trường bị kìm nén, mà còn làm sự méo mó chính bản thân của sự phát triển này. Tính hiệu quả và năng động của thị trường luôn giả định một môi trường cạnh tranh cao song lành mạnh, khả dĩ cho phép các cá nhân dùng năng lực và tài sản của mình để làm giàu thông qua việc đưa ra các hàng hoá, dịch vụ có lợi cho xã hội, cho người khác. Khi nhà nước không tạo ra được môi trường cạnh tranh lành mạnh (giả định tính công khai, minh bạch, ít cơ hội tham nhũng) cho các cuộc chơi kinh tế, thì ngay cả thời gian và nguồn lực của các doanh nghiệp tư nhân cũng bị hướng vào các hoạt động phi hiệu quả về mặt xã hội (chẳng hạn vào việc thiết lập các quan hệ với bộ máy nhà nước để được nhận các đặc quyền, đặc lợi). Các quan hệ thị trường bị biến dạng, sự cấu kết giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước và các "đại gia" tư nhân cùng với những người ra quyết định trong bộ máy nhà nước (hiện tượng "nhóm lợi ích" tìm kiếm các "đặc lợi" thường được mô tả trong kinh tế học công cộng) có thể biến một nền kinh tế thị trường chưa kịp hoàn thiện, được định danh như là một nền "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" thành một nền kinh tế thị trường có nhiều đặc tính của mô hình "chủ nghĩa tư bản thân hữu".

Đoạn trên hai tác giả đã bàn chùn khi nhìn thấy sức mạnh “quái lạ” của thể chế. Hai ông nên tham khảo thêm tư duy Việt Nam thì sẽ thấy cái gọi là kinh tế “chợ- market” nhỏ, tiểu nông, bần tiện là dòng chảy dài, liên tục suốt lịch sử Việt Nam và thế giới. Thời gian kinh tế kế hoạch hóa ngắn ngủi, nhưng kinh tế “chợ” dài dặm từ ngày người ta đổi cừu lấy muối vẫn chảy như là một tất yếu của sinh tồn.
Thể chế “"kinh tế thị trường” đó đã mặc định và nay được “định hướng xã hội chủ nghĩa" chính danh. Nó dường như đã khuyến khích làm giàu kiểu “trộm cướp và che đậy trộm cướp” bằng từ thiện và a dua thời thượng.
Điều này rất thích hợp với Việt Nam và của tất cả thể chế với tên gọi “kinh tế thị trường- dân chủ tự do”, và tất cả đều áp dụng chế tài.

Để làm rõ hơn sự bất cập, hay sự phá sản của cách hiểu cũ về chủ nghĩa xã hội trong đó sự thống trị của chế độ công hữu về " các tư liệu sản xuất chủ yếu" được xem là đặc trưng của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, chúng ta hãy xem xét lại những luận điểm cơ bản mà C.Mác sử dụng để đưa ra quan điểm của mình về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

1. Mác phê bình tính chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản và sự xung đột giai cấp giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản – điều sẽ dẫn đến sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa tư bản, thông qua học thuyết giá trị thặng dư. Cơ sở của học thuyết này là lý luận giá trị – lao động, với luận điểm trung tâm là chỉ có lao động mới tạo ra giá trị do W.Petty nêu lên. Luận điểm này chỉ là sự phản chiếu thực tiễn của thời đại kinh tế nông nghiệp, nơi mà lao động cơ bắp là yếu tố quyết định quá trình tạo ra của cải. Khi thời đại nông nghiệp bị vượt qua, thời đại kinh tế công nghiệp – đại cơ khí xác lập được chỗ đứng vững chắc trong các học thuyết kinh tế hiện đại, vì nó không giải thích được một sự thực là: có vô số thứ có giá trị cao mà không cần kết tinh, hoặc kết tinh rất ít lao động. Các lý thuyết kinh tế học hiện đại giải thích tốt hơn nhiều các xu hướng vận động của giá cả hàng hoá, dịch vụ hay giá cả các yếu tố đầu vào (bao gồm cả tiền lương). Khi lao động không phải là nguồn gốc duy nhất tạo ra giá trị, luận thuyết về tính chất bóc lột của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trở nên không vững chắc. Sự thật về việc người lao động khi không có khả năng, hoặc không muốn tự đứng ra kinh doanh, mong có việc làm, "mong được bóc lột" cho thấy sự gắn bó lợi ích của họ với người tạo ra việc làm – các ông chủ tư bản hơn là sự xung đột lợi ích.

Ngoài ra, trong các nền kinh tế thị trường phát triển, luôn tồn tại tính linh động xã hội cho phép có sự dịch chuyển dễ dàng địa vị kinh tế – xã hội của một cá nhân. Hệ thống an sinh xã hội tốt, các chính sách giáo dục, y tế cùng nhiều chính sách khác mà các nhà nước phát triển thực thi thực sự mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các cá nhân, khiến cho họ không nhất thiết phải cột chặt vào thân phận của "một giai cấp làm thuê, bị bóc lột" một cách tiền định như trong các xã hội đẳng cấp hay xã hội tư bản chủ nghĩa thế kỷ XIX. Xã hội vẫn luôn phân chia thành các nhóm người khác nhau, có mối quan tâm và lợi ích khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau, song chắc chắn sự mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản (liệu có còn người vô sản thực thụ, không có chút tư liệu sản xuất nào nên buộc phải đi làm thuê như Mác hình dung?) giảm nhẹ đi rất nhiều tính gay gắt của nó như dưới thời của Mác. Sức ảnh hưởng ngày càng hạn chế của các đảng cộng sản trong nước phát triển chẳng lẽ không phản chiếu điều đó?

Đoạn trên kinh viện quá, thành” kinh vật”, nếu không nói là cổ hủ. Hai tác giả đã trên dưới lục thập rồi;  những năm thể chế bao cấp, chắc các ông được nhồi lý luận (Xô viết học, nay muốn tẩy rất khó mặc dù các ông cố gắng quẫy đạp để bứt với sang tư duy cấp tiến. Muộn quá rồi vớt vát làm chi!

2. Sự thật thì tính chất gay gắt của những xung đột giai cấp, xung đột xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa là có thật dưới thời của Mác. Chế độ tư hữu theo kiểu thị trường cho phép con người tự do theo đuổi các lợi ích cá nhân, một mặt khuyến khích các cá nhân nỗ lực và sáng tạo không ngừng (và họ sẽ được thị trường tưởng thưởng một cách tự nhiên) thì mặt khác, nó cũng làm nảy sinh các mặt tiêu cực khi lòng tham của con người tư lợi không được chế ngự. Người này vẫn có thể xâm hại đến lợi ích của người khác và của xã hội, và hiện tượng bóc lột (do độc quyền, do lạm dụng quyền lực nhà nước, do sự không hoàn hảo của các quan hệ hợp đồng thường gây bất lợi cho những người lao động kém kỹ năng, ở thế yếu…) vẫn có thể xảy ra. Trên thực tế, ở Châu Âu, vào thế kỷ XIX, điều này đã tạo ra những xung đột lợi ích và mâu thuẫn giai cấp sâu sắc đến mức Mác, Ănghen đã đưa ra dự báo về sự sụp đổ tất yếu và trong một tương lai gần của chủ nghĩa tư bản.

Hai ông Mc-Ang và môn đệ (kiểu như hai tác giả của bài này những năm bao cấp Xô viết học) có quyền đánh bóng lý thuyết và kỳ vọng vào hiện thực. Tuy nhiên họ đã nhầm, những kẻ cướp muốn hoàn lương, và kẻ lương thiện trở mặt thành kẻ cướp. Đó là tất yếu của quan hệ xã hội về kinh tế trước lợi ích. Điều này đúng khi các chiến sỹ chia máu lửa ngày binh đao chống Mỹ nhưng không thể nhường nhau lốp xe đạp loại 1 khi được mua theo giá bao cấp. Không ai cho không ai cái gì là di chứng khủng khiếp của con người khi bứt ra khỏi con vật.

Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống kinh tế thị trường dựa trên quyền tư hữu đã không sụp đổ nhờ khả năng tự hoàn thiện của nó. Giải pháp để hệ thống này khắc phục các mặt tiêu cực phát sinh từ động cơ tư lợi, sửa chữa cái gọi là "thất bại thị trường" không phải là thủ tiêu chế độ tư hữu (như trong mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung của các nước xã hội chủ nghĩa cũ), mà là phát triển dần các thể chế để bảo vệ quyền của các cá nhân ở thế yếu và bất lợi, để trừng phạt các hành vi kinh doanh gian lận và lạm dụng những người kém may mắn giữa các nhóm lợi ích. Nhà nước hiện đại ngày càng đóng tốt hơn vai trò là trọng tài (bên thứ ba) trong các giao dịch thị trường thông qua việc cưỡng chế thi hành luật về quyền sở hữu, luật hợp đồng và các luật điều chỉnh khác đối với các hoạt động của khu vực tư nhân. Các chức năng của nhà nước cũng được mở rộng để đối phó với các "thất bại thị trường", bảo vệ cạnh tranh tự do (chống độc quyền, hiệu chỉnh ngoại ứng, cung cấp hàng hoá công, ổn định kinh tế vĩ mô…). Các hệ thống an sinh xã hội, thuế luỹ tiến, phúc lợi xã hội được xây dựng để hạn chế sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập. Sự mở rộng và hoàn thiện không ngừng vai trò của nhà nước với tư cách là một thể chế cung cấp các dịch vụ giao dịch vừa giúp duy trì hoạt động lành mạnh của trị trường tự do, vừa bổ sung và khắc phục các khiếm khuyết của thị trường. Quy mô của sở hữu công, khu vực công gắn liền với hoạt động của nhà nước trong các nền kinh tế thị trường hiện đại lớn hơn nhiều so với thời Mác, song đó không phải là lực lượng thay thế sở hữu tư, thay thế khu vực tư nhân như Mác hình dung.


3. Tiên đoán về sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản thị trường, dựa trên chế độ sở hữu tư nhân phổ biến dẫn Mác đến sự hình dung về một mô hình chủ nghĩa xã hội như là một giải pháp thay thế. Giải pháp này cũng đã được lịch sử kiểm nghiệm: thay thế chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa (như là hình thái phát triển đầy đủ của chế độ sở hữu đặc trưng trong nền kinh tế thị trường) bằng chế độ sở hữu công để tạo ra một xã hội tiến bộ hơn, có năng suất lao động cao hơn trong mô hình chủ nghĩa xã hội thiện thực, dù thoạt đầu có đem lại cho nhân loại nhiều hy vọng, song rút cuộc đã thất bại. Giờ đây, khi các sự kiện qua đi, người ta có điều kiện để hiểu rằng thất bại đó là không tránh khỏi. Điều này nằm ở chỗ: vẫn giống như thời Mác, cho đến nay con người vẫn là các cá nhân hành động trước hết để thoả mãn các lợi ích cá nhân của chính họ. Nói cách khác, các cá nhân trước hết vẫn là những người tư lợi, hành động vì những mục tiêu tiền tài, danh vọng, quyền lực… gắn với những giá trị cá nhân của mình. Một hệ thống kinh tế tốt không phải là hệ thống buộc người ta phải hy sinh các lợi ích cá nhân (trái với bản tính tự nhiên của con người), mà là hệ thống cho phép mỗi người trong khi theo đuổi lợi ích cá nhân của mình thì đồng thời lại mang lại lợi ích cho xã hội. Kinh tế thị trường như đã nói là một hệ thống như vậy, nhất là khi nó được kết hợp hiệu quả với một thể chế nhà nước hợp lý. Trong khi đó, một hệ thống kinh tế dựa trên sự thống trị của chế độ công hữu, về bản chất là một hệ thống phi thị trường. Nó được kỳ vòng là sẽ hoạt động hiệu quả vì người ta giả định ngầm rằng: 1, với sự thiết lập chế độ công hữu, các cá nhân sẽ trở thành các cá nhân "lý tưởng", luôn sẵn sàng hành động vì lợi ích chung; 2, xã hội dễ dàng thiết lập được một cơ chế phân bổ nguồn lực trực tiếp, không cần thông qua thị trường, theo một kế hoạch tối ưu, thống nhất chung. Có thể ở quy mô nhỏ nào đó, ví dụ khi "xã hội" thu hẹp lại ở một phạm vi gia đình, những giả định trên có thể chấp nhận đươc: tình yêu và quan hệ huyết thống có thể cho phép người ta nhân nhượng và hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của cả gia đình; quy mô gia đình khiến cho việc phân bổ nguồn lực chung một cách có hiệu quả không quá phức tạp. Tuy nhiên, khi đề cập đến một xã hội rộng lớn hơn, các giả định trên tỏ ra rất phi thực tế.

Bài toán vận hành hiệu quả một nền kinh tế dựa trên sự thống trị của chế độ công hữu (về các tư liệu sản xuất) thực ra cho đến nay đã có câu trả lời: ở một quy mô rộng hớn, với tính phức tạp của nền kinh tế hiện đại, điều này là không thể. Một cơ chế ra quyết định theo kiểu dân chủ trực tiếp của hàng triệu người đồng sở hữu đối với việc sử dụng các tài sản chung và phân chia lợi tức thu được từ các tài sản này là không thể, vì chi phí giao dịch của việc ra quyết định là quá lớn. Các cơ chế đại diện, uỷ quyền (thông qua nhà nước hay các doanh nghiệp nhà nước) đều chứa đựng trong chúng những bất ổn do sự khác biệt và xung đột lợi ích của các cá nhân được đại diện hay uỷ quyền với lợi ích xã hội chung. (Trong một bài báo4, chúng tôi đã lý giải những lý do cụ thể dẫn đến các quyết định phi hiệu quả gắn liền với chế độ sở hữu công).

Trong khi coi chế độ sở hữu tư nhân là nguồn gốc của hiện tượng người bóc lột người (xin nhắc lại: luận điểm này được lý giải trên cơ sở tiền đề: chỉ có lao động mới tạo ra giá trị), Mác cho rằng, bằng cách thiết lập chế độ sở hữu công (sở hữu toàn dân), chủ nghĩa xã hội sẽ cho phép người ta thủ tiêu được hiện tượng người bóc lột người nói trên. Thực tế không phải như vậy. Sở hữu tư nhân trong nền kinh tế thị trường, khác với các hệ thống sở hữu tư nhân trong các xã hội tiền tư bản ở chỗ: cái thứ nhất gắn liền với mối quan hệ kinh tế của các cá nhân độc lập, còn cái sau lại gắn liền với mối quan hệ kinh tế theo kiểu chi phối – lệ thuộc (người nô lệ, hay nông nô không phải là những cá nhân độc lập, không phải là những người tư hữu). Trong kinh tế thị trường, việc thừa nhận và thực thi quyền sở hữu tư nhân phổ biến cũng hàm nghĩa là một người chỉ có thể nhận được hàng hoá, dịch vụ từ người khác thông qua trao đổi, mua bán, chứ không thể thông qua con đường nhận cống nạp hay chiếm đoạt. Vì thế, trong một môi trường kinh tế cạnh tranh và chính trị minh bạch, ở đây không tồn tại hiện tượng bóc lột. (Điều đó cũng có nghĩa là bóc lột vẫn có thể xảy ra, chẳng hạn như khi tồn tại hiện tượng độc quyền, tham nhũng…). Ngược lại, trong một nền kinh tế dựa trên sự thống trị phổ biến của sở hữu công, bản chất của hình thái sở hữu lại cho phép người này có thể hưởng thụ thành quả lao động của người khác, khi của cải làm ra được phân phối chung. Tình hình sẽ tệ hại hơn khi mọi người không có quyền và khả năng bình đẳng trong việc tiếp cận các tài sản chung, nguồn lực chung. Sỡ hữu công, đặc biệt là sở hữu toàn dân, trong thực tế thường được thực hiện thông qua sở hữu nhà nước. Việc nhà nước, thay mặt xã hội để quản lý các nguồn lực chung, thực thi các quyết định phân bổ nguồn lực khiến cho những người tham gia bộ máy nhà nước có lợi thế hơn hẳn so với những người "đồng sở hữu" còn lại. Việc hình thành một tầng lớp đặc quyền, đặc lợi gắn với quyền lực nhà nước là khó tránh khỏi. Điều này khác hẳn với trường hợp một khu vực công được hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn thu thuế của những công dân độc lập như những người tư hữu và bị giám sát chặt chẽ bởi họ. Như vậy, phương án thay thế sở hữu tư nhân phổ biến bằng sở hữu công phổ biến thực chất không thủ tiêu được hiện tượng "người bóc lột người", mà ngược lại còn có khả năng làm vấn đề này trở nên trầm trọng hơn, chừng nào con người trước hết vẫn là các cá nhân tư lợi. Hệ quả này càng nổi bật trong bối cảnh của các nền kinh tế chuyển đổi, nơi mà sở hữu công vẫn có địa vị "chủ đạo" trong khi sở hữu tư cũng đã bắt đầu được thừa nhận hợp pháp, tạo ra động cơ để người ta có thể "chuyển hoá" tài sản công thành tài sản tư bằng cách lợi dụng các "lỗ hổng" thể chế.
Cả bài được đúng “bát xáo” trên
Như vậy, kết luận ở đây là: không thể coi sự phát triển, hoàn thiện chế độ sở hữu công như là một đặc tính của chủ nghĩa xã hội như chúng ta vẫn thường quan niệm, nếu hình dung chủ nghĩa xã hội như là một phương thức sản xuất tiến bộ hơn so với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Gắn định hướng xã hội chủ nghĩa với việc duy trì và phát triển sở hữu công thì mệnh đề "phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" tự nó đã mâu thuẫn. Trên thực tế, sự ngập ngừng, thiếu nhất quán, tính chất nửa vời và các hệ quả to lớn nảy sinh từ đó trong các quá trình cải cách và đổi mới ở Trung Quốc và Việt Nam đều có nguồn gốc từ ràng buộc của tư duy cũ này.

Mâu thuẫn là tất yếu để nó định dạng lại mệnh đề, nếu bỏ định hướng XHCN thì điều gì sẽ xẩy ra? Việt Nam có thể quay lại thời kỳ tiền tư bản thuở bình sinh của Mác và các môn đệ cuồng tín, vì  không giống văn hóa Tây phương sẽ trở nên tồi tệ. Nhiều kẻ nhầm tưởng dễ tiến nhanh, đón đầu, nắm bắt văn minh Tây phương “Dân chủ và kinh tế thị trường” như tiến lên CNXH một thời trước 1990.

Nếu muốn nói đến định hướng xã hội chủ nghĩa, không thể không gắn với mục tiêu của chủ nghĩa xã hội: giải phóng con người, xoá bỏ áp bức, bóc lột, nâng cao không ngừng thu nhập và phúc lợi của mọi người dân, xoá bỏ bất công trong đó có việc phân phối một cách công bằng các thành quả của tăng trưởng và phát triển kinh tế. Như trên đã nêu, mục tiêu này xung đột với việc thiết lập và duy trì sự thống trị của chế độ sở hữu công, với việc bảo vệ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Mục tiêu này cũng không thể đạt được trong một nền kinh tế kém phát triển, vận hành thiếu hiệu quả do thiếu vắng hoặc do tính chưa hoàn thiện của các quan hệ thị trường. Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trước hết là phát triển một nền kinh tế thị trường đầy đủ, theo hướng văn minh, hiện đại (do đó có tính hội nhập cao), cho phép các nguồn lực của đất nước được phân bổ và sử dụng một cách có hiệu quả và nền kinh tế có khả năng duy trì được sự tăng trưởng có chất lượng, bền vững. Mặt khác, định hướng xã hội chủ nghĩa cho thấy mô hình kinh tế thị trường mà chúng ta lựa chọn phải có tính ưu tiên cao với các mục tiêu xã hội, trong chừng mực các mục tiêu này được xác lập vừa tầm với trình độ phát triển hiện thực của nền kinh tế: giải phóng con người, đảm bảo sự phát triển và thịnh vượng chung của tất cả mọi người một cách công bằng.Việc nâng cao mức sống vật chất và tinh thần trung bình của xã hội phải đi liền với việc phân phối một cách công bằng thành quả tăng trưởng và phát triển chung. Có thể nói: ưu tiên cao tính công bằng xã hội trên cơ sở giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa hiệu quả và công bằng mới thể hiện định hướng xã hội chủ nghĩa của tiến trình phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay. Để theo đuổi định hương này việc hoàn thiện giữa việc xác định đúng đắn tương quan giữa nhà nước và thị trường với tư cách là hai thể chế hỗ trợ, bổ sung cho nhau là cực kỳ quan trọng. Nhà nước cần phải xác lập và tạo các điều kiện để thị trường phát triển và vận hành hiệu quả thông qua việc cung cấp các dich vụ công cần thiết. Nó có thể tham gia hiệu chỉnh, điều tiết thị trường thông qua những công cụ đặc trưng của nó (luật pháp, thuế, chi tiêu, chính sách điều tiết …). Ở đây nhà nước hoạt động chủ yếu như bên thứ ba với tư cách là trọng tài giữa các bên tham gia giao dịch thị trường hơn là người chủ sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối lần đầu các nguồn lực xuất phát , cũng như phân phối lại thu nhập hướng đến mục tiêu công bằng. Trong điều kiện phát triển hiện đại, công bằng xã hội trong lĩnh vực kinh tế sẽ phải gắn với việc phân phối công bằng các cơ hội phát triển cho mọi người dân – trong đó, công bằng trong tiếp cận các dịch vụ giáp dục, y tế là tối quan trọng. Đây không phải là điều dễ thực hiện , cần được triển khai trong một quá trình dài với từng bước tiến vững chắc. Song nếu không thực hiện được điều đó thì mọi sự tuyên bố về định hướng xã hội chủ nghĩa trở nên vô giá trị.

Đoạn cuối hai tác giả húp nước xáo, ngồi vào “bàn chùn- low tables”.Các tác giả là người được tự do phản biện mà viết như vậy thì đất nước vào thế “low chair”.


TĐT – PMH




[1] Phí Mạnh Hồng, PGS.TS., Đại học Quốc gia Hà Nội;
Trần Đình Thiên, PGS.TS., Viện Kinh tế Việt Nam.
2 Li Tan: Nghịch lý của chiến lược đuổi kịp. Nxb Trẻ, 2008, tr38.
3 Sđd, tr.41.
4 Phí Mạnh Hồng. Vấn đề phân phối trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 1 (392), tháng 1-2011.
NGUỒN: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU KINH TẾ, SỐ 3/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét