Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Nâng cao chất lượng “Hai hành lang ,một vành đai kinh tế”


TS. Nguyễn Mạnh Hùng
Nguyenmanhhung288@yahoo.com.vn 

Sáng kiến xây dựng hai hành lang, một vành đai kinh tế (HHL-MVĐ) được Việt Nam đưa ra tháng 5/2004, trong chuyến thăm Trung Quốc của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Tháng 11/2006, Việt Nam và Trung Quốc kí kết Bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng HHL-MVĐ.


Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Quy hoạch phát triển khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020” xác định nhiệm vụ các khu  giáp Trung Quốc là đẩy mạnh hợp tác phát triển trong quy hoạch phát triển HHL Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh và Hải Phòng - Hà Nội - Lạng Sơn - Nam Ninh, MVĐ kinh tế vịnh Bắc Bộ, làm cơ sở pháp lí xây dựng các đề án cụ thể ở các tỉnh liên quan, trước hết là tỉnh đầu mối Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn và Lào Cai.

1. Mục tiêu hợp tác phát triển
HHL-MVĐ với những tuyến giao thương kết nối các thành phố, điểm đô thị, khu kinh tế, khu và cụm điểm công nghiệp, khu sản xuất nông sản,...nhằm quốc tế hóa và cạnh tranh, tạo sự phát triển phồn thịnh, hòa bình bền vững. Lịch sử nhân loại đã đi theo hướng này với những hiệp định tự do thương mại và đầu tư khu vực và liên lục địa.

HL kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai (Việt Nam) - Côn Minh (Trung Quốc) đi qua nhiều tỉnh thành của Việt Nam và Trung Quốc theo hướng sông Hồng nối ra Biển Đông tới các nước Asean, toàn tuyến ước chừng dài 1000km. Phạm vi của HL gồm các tỉnh thành phố: Bên Việt Nam là Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng; Bên Trung Quốc gồm Vân Nam với các thành phố và châu tự trị Côn Minh, Ngọc Khê, Hồng Hà, Văn Sơn. HL này là một trong năm HL kinh tế của Tiểu vùng Mê Công kết nối Asean với Tây Nam Trung Quốc được Ngân hàng Phát triển Á châu viện trợ tài chính và kỹ thuật.

HL kinh tế  Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là cánh phải hình thành của chữ “V” từ hai HL với phạm vi các tỉnh thành phố: Bên Việt Nam gồm Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh; Bên Trung Quốc gồm ba thành phố thuộc tỉnh Quảng Tây là Nam Ninh, Sùng Tả, Bằng Tường. Toàn tuyến có độ dài khoảng  800 km. Quyết định số 98/2008/QĐ-TTg ngày 11/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển HL này đến năm 2020, với quan điểm “Đi đầu trong chương trình phát triển HHL- MVĐ và tính tới phát triển toàn tuyến đi châu Âu và đi các nước khác trong khu vực ASEAN”.

Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 34/2009/QĐ-TTg ngày 02/3/3009, chỉ rõ  phạm vi của vành đai thuộc lãnh thổ Việt Nam gồm hai tỉnh, thành phố có tuyến vành đai kinh tế đi qua là Quảng Ninh và Hải Phòng... với mục tiêu trở thành vùng năng động thúc đẩy HHL phát triển, hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật với Trung Quốc và các nước ASEAN, đồng thời kết nối với các khu vực ven biển khác trong cả nước tạo thành MVĐ kinh tế ven biển phát triển nhanh, thúc đẩy và gắn kết với các vùng khác trong nội địa cùng phát triển”. Vành đai tiếp giáp bên Trung Quốc gồm thành phố và địa khu thuộc tỉnh Quảng Tây là Bắc Hải, Khâm Châu, Phòng Thành, Trạm Giang và tỉnh Hải Nam

2. Tích hợp và lan tỏa
HHL- MVĐ với các địa điểm được xác định nhưng sự lan tỏa thực tế vươn tới các tỉnh thành phố Việt Nam với các quốc gia Asean và Trung Quốc. Sự tích hợp và lan tỏa trên cơ sở nâng cấp chất lượng hạ tầng giao thông, hình thành các khu kinh tế cửa khẩu, khu hợp tác kinh tế (KHTKT) với hạ tầng chất lượng cao, thể chế theo chuẩn quốc tế, sáng tạo theo phong cách khu vực.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, các công trình giao thông đã và đang triển khai tích cực phục vụ cho HHL- MVĐ: Tuyến đường bộ cao tốc Hải Phòng – Côn Minh rút ngắn còn 10-12 giờ so với 30-35 giờ như hiện nay, khách du lịch ở Vân Nam có thể đi buổi trưa, chiều tắm ở Cát Bà và ngược lại sáng ở Hà Nội trưa đến Vân Nam hưởng khí hậu ở độ cao trung bình 2000m so với mực nước biển. Các Hiệp định hợp tác tạo điều kiện cho vận tải đã được kí kết giữa các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng, cùng hiệp định song phương về vận tải hàng không dân dụng, đường bộ, đường sắt.

Xây dựng KHTKT biên giới Đồng Đăng - Bằng Tường điểm giữa trên HL kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh chính thức ghi vào Quyết định số 98/2008/QĐ-TTg, trở thành một khái niệm thống nhất trong cả nước, thúc đẩy các tỉnh có biên giới xây dựng KHTKT.

KHTKT biên giới thành phố Lào Cai (Việt Nam) – Hà Khẩu (Trung Quốc) được ký kết giữa hai tỉnh Lào Cai - Vân Nam vào tháng 6/2010 với việc thu hút đầu tư vào khu thương mại công nghiệp Kim Thành, thành phố Lào Cai và Khu thương mại Bắc Sơn, thị trấn Hà Khẩu, tạo cơ sở thúc đẩy nhanh việc xây dựng KHTKT có hạ tầng hoàn chỉnh.

KHTKT Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) : Quyết định số 99/2009/QĐ-TTg ngày 29/7/2009 phê duyệt Đề án phát triển thành phố cửa khẩu quốc tế Móng Cái đến năm 2020 được Thủ tướng cho phép xây dựng thí điểm theo hướng có quy chế chung trên một số lĩnh vực như xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh cho hành khách, lưu trú… trên cơ sở phù hợp với pháp luật của mỗi nước. Từ tháng 10/2007 hai địa phương đã ký kết thỏa thuận khung về Hợp tác xây dựng KHTKT, địa điểm tại khu vực quy hoạch cầu Bắc Luân II, đến tháng 9/2010 tiếp tục khẳng định cấp tỉnh Quảng Ninh và Quảng Tây.

Các KHTKT là điểm nhấn quan trọng trong HHL-MVĐ, thúc đẩy quan hệ Việt – Trung và các nước Asean nâng lên một tầm cao mới. Tuy nhiên từ cam kết đến hiện thực phát triển là một quá trình cần sự nỗ lực của các tỉnh trong khu vực, của hai quốc gia tiến tới hình thành vùng đầu mối của  khu vực thương mại tự do Asean – Trung Quốc - Đông Bắc Á.
3. Các đề xuất phát triển
Từ những kết quả đạt được trong quan hệ kinh tế hai chiều Việt Nam -Trung Quốc... với việc hình thành các khu kinh tế cửa khẩu ở các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc thành cơ sở để phát triển hai HHL – MVĐ, với số đề xuất:
Thứ nhất, ưu tiên xây dựng KHTKT: Nhiệm vụ Thủ tướng giao ba tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái là nhanh chóng xây dựng KHTKT về quy hoạch đất đai, xây dựng các chính sách ưu đãi trong thời gian thí điểm, đối xứng tương đồng để hợp tác phát triển, xúc tiến thương mại và đầu tư. Mô hình KHTKT theo nguyên tắc đối xứng trên dải phân cách biên giới gồm: Quốc môn với khu hành chính cửa kiểm soát liên hợp liền kề, khu sản xuất và khu thương mại, đấu thầu làm các dịch vụ chung như điện nước, kho bãi, làm sạch môi trường... có quy chế chung.
Thứ hai, cải thiện cán cân thương mại và đầu tư: Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng tăng. Bảng trong bài cho thấy từ năm 2005 nhập siêu đã vượt xa con số 2 tỷ USD đến năm 2011 lên tới 13,5 tỷ USD, chiếm tỷ lệ quá cao trong tổng nhập siêu của cả nước. Ước tính trên 2/3 kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đi theo HHL -MVĐ.
Bảng : Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc


2005
2006
2007
2008
2009
2010
2011
ước 8 tháng 2012
Nhập siêu (triệu USD)
2671,6
4148,5
9063,9
11123,5
10008,3
12460,7
13468,7
10200
Tỷ trọng trong tổng nhập siêu (%)
61,93
81,91
63,82
61,70
77,87
98,88
136,82
16451,6

Nguồn: Tính từ số liệu của Bộ Công Thương và Tổng cục Thống kê
Đầu tư của Việt Nam ra sang Trung Quốc đến nay mới có 10 dự án với tổng giá trị cam kết là 13,75 triệu USD, trong đó vốn của nhà đầu tư Việt Nam là 11,75 triệu USD; Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đến cuối năm 2011 có hơn 820 dự án, với tổng số vốn đăng ký đạt 4,2 tỷ USD, đây cũng nguyên nhân căn bản làm cho nhập siêu. Do vậy không thể nói “nhập siêu là bình thường”. Nhập siêu từ Trung Quốc chủ yếu nhóm nguyên liệu, bán thành phẩm để sản xuất xuất khẩu, nhiều chuyên gia lo ngại khả năng nội địa hóa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Cải thiện cán cân thương mại cần đặt ra trong các hội nghị hợp tác đôi bên với vai trò chủ trì của Bộ Công Thương. Theo đó, cần có sự thỏa thuận về việc ngăn chặn hàng hóa thẩm lậu, hàng hóa không đạt tiêu chuẩn ngoại thương. Doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu sâu hơn thị trường Trung Quốc đưa hàng Việt vào nội địa Trung Quốc, cải thiện cơ cấu mặt hàng; Khu sản xuất trong KHTKT có thể thực hiện các hoạt động gia công xuất khẩu, giành cho Việt Nam cung cấp dịch vụ dùng chung... và được hưởng ưu đãi của hai quốc gia.
Thứ ba, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, gìn giữ an ninh trật tự, bảo vệ môi trường được coi trọng, hợp tác thường xuyên; thống nhất thực hiện một lần các thủ tục xuất nhập hàng hóa, xuất nhập cảnh nhanh chóng thông thoáng ở cửa kiểm soát liên hợp.
Bảo vệ môi trường trên sông, biển, đất liền, vùng trời để duy trì các lợi ích tự nhiên về nguồn lợi thủy sản, nông lâm sản trước biến đổi khí hậu toàn cầu, trực tiếp bảo vệ lợi ích của gần 200 triệu người dân trong khu vực HHL - MVĐ
Thứ tư, sự chuyển đổi từ mô hình “khu kinh tế cửa khẩu” sang mô hình “KHTKT” cùng với việc phát triển hạ tầng giao thông, khu cụm điểm công nghiệp trên HHL -MVĐ là một thách thức về tư duy và hành động trước hết với các bộ quản lí ngành như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tỉnh; xem xét các đề xuất xây dựng mô hình KHTKT của các tỉnh biên giới Việt – Lào, Việt Nam - Camphuchia tránh hội chứng thành lập tràn lan các KHTKT.
Các cuộc họp liên tỉnh Việt -Trung cần đổi mới mạnh mẽ về chất lượng theo hướng hành động triển khai nhiều hơn là ghi nhớ. Quan điểm của các chuyên gia, các địa phương nên làm từng bước trên quy hoạch tổng thể, dễ trước, khó sau, có biện pháp cụ thể để thực hiện...làm cho hợp tác HHL –MVĐ sớm có được thành quả to lớn. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét