Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

LÀO CAI NĂM 1999



By MaiNguyen

Từ ga Hà Nội (phố Trần Quý Cáp), qua đêm trên tầu, theo bờ sông Hồng chúng tôi đến Lào Cai, đường sắt hôm nay khá hơn về tốc độ và trật tự. Cùng tàu với chúng tôi có đôi vợ chồng người Mỹ đi du lịch Sa pa, xuống ga Lào Cai, Jim to cao hài lòng về chuyến tàu, anh ta ngủ được. Ga Lao Cai có nhiều phương tiện như ô -tô, xe ngựa, xe máy đón khách. Là thị xã (nay là Thành phố) giáp biên giới, nơi đây thanh bình, trật tự, phong quang đón khách. Lượt đi lượt về mới đủ cảm thông cho những cán bộ, nhân dân Lào Cai có công việc đi về xuôi. Chiều hôm xuôi Hà Nội, cùng toa có chị giám đốc ngành đi trả bài thi vào sáng hôm sau, chúng tôi hỏi sao không đi ô-tô, chị bảo tốn tiền, tốn sức hơn đi tàu. Có người nói, muốn thử sức mình hãy đi tàu ngược và leo núi một chuyến dài ngày.

Gần mười năm nay, từ ngày tái lập tỉnh Lào Cai, Thị xã vùng cao nơi biên giới hồi sinh trên đống đổ nát. Vịnh bạn học với tôi nói: Năm 1992, Thị xã là rừng lau sậy, những người dân trở về và đến đây đã lật từng viên gạch, bụi cỏ, tháo gỡ bom mìn, quyết tâm xây dựng lại nhà ở, công sở, đường phố, nhà ga, chợ mới đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Anh Thẩm ở sở Kế hoạch và Đầu tư nói: Mấy ông bạn Lai Châu sang chơi, bảo Lào Cai là “thiên đường” với họ! Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, cảm phục ý chí, tình yêu đất nước quê hương của những người dân nơi địa đầu Tổ quốc, họ bám đất, trồng cây, làm nhà cho Tổ quốc bình yên và phát triển trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Lào Cai, thủ phủ cấp Tỉnh duy nhất áp đường biên.

Cửa khẩu Lào Cai nhỏ và chật bên ta là phường Cốc Lếu, bên kia là thị trấn Hà Khẩu, qua lại bằng cầu Kiều cũ kỹ trên sông Nậm Thi, mùa khô nước cạn, một con đò nhỏ bơi qua, xe thồ hàng ngược nhau là vướng, tàu liên vận đi qua làm ùn tắc đến hơn 10 phút, hình như cán bộ biên phòng và đường sắt hai bên cẩn thận nên kéo dài giờ chắn tàu. Một dự án làm thêm cây cầu nữa gần cầu Kiều đã đựợc Bộ giao thông hai nước bàn tính. Cửa khẩu Lao Cai cần được đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, có khu riêng tạo ra sự liên hoàn về thủ tục xuất nhập khẩu và xuất nhập cảnh, cần có kho ngoại quan, có thêm thiết bị kiểm tra tự động cho người và hàng hoá, có cửa hàng miễn thuế với quy mô lớn hơn nhiều lần gian hàng nhỏ bé hiện nay.


Các bạn Lào Cai bảo hai bên cầu Kiều là hai tỉnh nghèo, so với một số cửa khẩu trên bộ mà chúng tôi có dịp đến thì ở đây ít sôi động hơn, những tốp xe Milsk (xe máy của Liên xô) bên Lào Cai và xích lô máy Hà Khẩu hết đứng lại chạy chờ đón khách cùng với số xe thồ, cửu vạn. Ðể bớt lệ phí những chiếc xe thồ chuối xanh, vải chín chất ngập đầu hai cửu vạn nhỏ gầy đẩy qua cầu Kiều, nếu đem một buồng chuối đi qua cầu lệ phí hai chiều hết mươi nghìn còn đâu lờ lãi, đi đò không giấy thông hành mười ngàn một lượt cung vậy.

Tất bật nơi đây hiện lên cả những con ngựa thồ cứ chạy rông mà trên xe không hàng, không khách. Một cô gái mà vất vả không che được nét trẻ trung nói với chúng tôi: Bọn em ngày nào cũng đến đây chờ xem chủ hàng nào thuê thì bốc vác, gồng gánh; một cô đổi tiền cho biết chỉ đổi số tiền nhỏ lẻ và đổi khi nhân viên đổi ngân trong trạm nghỉ, mỗi ngày lãi không bằng số tiền chồng uống bia, cô bực tức nói khi đổi lại cho chúng tôi 300 nhân dân tệ tỷ giá 1570 đồng.

Tìm hiểu kinh tế cửa khẩu chúng tôi gặp Ban chỉ huy biên phòng và Sở Công an Lào Cai. Các anh ủng hộ chủ trương phát triển kinh tế cửa khẩu, tạo điều kiện hai bên đi lại làm ăn, thăm hỏi, du lịch nhưng phải bảo đảm an ninh trật tự. Năm 1998, phối hợp với các ngành đã làm thủ tục xuất nhập cảnh cho 40 vạn luợt người qua lại, 515 chuyến tàu hàng và 56 chuyến tàu khách liên vận quốc tế, khối lượng hàng hoá thông qua đạt 18 vạn tấn. Từ đầu năm đến nay nhịp độ giao lưu tăng hơn với 32 vạn lượt người qua lại, 21 đoàn ra, 14 đoàn vào với mục đích khảo sát thị trường, hội nghị, học tập,... 800 người mang 30 quốc tịch nước thứ ba cho mỗi loại vào ra; cùng thời gian này đã xử lý hành chính 273 vụ với 273 đối tượng vi phạm quy chế xuất nhập cảnh.Theo các anh, cần tiếp tục đơn giản thủ tục, phổ biến rộng hơn quy chế cửa khẩu và có sự phối hợp tốt hơn giữa các ngành hữu quan. Các anh mong muốn được ưu tiên vốn xây dựng các cụm xã vùng cao biên giới, trước hết là xây dựng trường học, trạm xá, bưu điện, chợ và cụm văn hoá, tiếp đến là chính sách đào tạo cán bộ tại chỗ, khuyến khích cán bộ miền xuôi lên công tác lâu dài.

Tối hôm đó được thiếu tá Lê Quốc Bang dẫn đi hát karaoke, Bang bảo: Phải đi với tôi, đi chỗ khác là bị ghi số xe đấy. Mấy bữa sau đi nhậu, nghe thiếu tá Hùng đọc thơ với món thịt gà den, nghe chuyện bãi đá cổ ở Sa Pa... Một chiều đi đền chùa Ông Bảy…Ðền ngay bên sông nhìn sang bên kia; biết ơn cha ông đã giữ đất làm chùa “định phận ở đất này”.

Mặc dù hai bên, Lào Cai và Côn Minh đã tổ chức hội chợ nhưng về cơ bản vẫn là hàng hoá xuất nhập khẩu tiểu ngạch, tính ổn dịnh về mặt hàng và giá không rõ ràng, hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản, khoáng sản, chi phí vận tải bảo quản khá lớn không có khách hàng ổn dịnh, sự canh tranh về giá bên Việt Nam tạo cơ hội để khách hàng ép giá, hàng tấn dứa phải đổ đi rất thiệt hại cho nông dân, thương nhân. Chính sách bảo hộ hàng nội làm cho các văn phòng đại diện của các doanh nghiệp Việt Nam vất vả trong tiếp thị. Biển quảng cáo Biti’s bên Hà Khẩu hiếm như biển quảng cáo hàng Trung Quốc bên thị xã Lào Cai.

Tằng Loỏng, một cụm công nghiệp được dự liệu trên cơ sở hạ tầng đã đầu tư khoảng 1000 tỷ đồng quy đổi từ năm 1984. Ông Kim- giám đốc Sở Công nghiệp Lào Cai dẫn chúng tôi đến nơi này, cách Cam Ðường gần 30 km. Tại đây có nhà máy Apatít toạ lạc trên khu dất rộng với hai làn  đường ray chạy từ Cam Ðường vào và nhà ga nội bộ, 7 làn ray đưa quặng về Phố Lu, hệ thống đường bê tông nội bộ mật độ cao chạy trong khu đã bị lau sậy phủ, cùng với khu hành chính, nhà văn hoá, đống đường ray han rỉ hoang phế, nhưng nhà của dân, công nhân mỏ vẫn bám kín bên đường bê tông như chờ đón một ngày gần đây cụm công nghiệp Tằng Loỏng khởi động.

Ông Giám đốc Sở Công nghiệp khá say sưa với dự án cụm công nghiệp, theo ông hạ tầng ở đây khá tốt cho một cụm công nghiệp địa phương, vấn đề là chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào  chế biến tinh sâu các khoáng sản của Lào Cai để xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Công ty khoáng sản Lào Cai được  thành lập năm 1993, với số vốn 50 triệu đồng, có tốc độ tăng trưởng 30 % năm, là đơn vị có đóng góp lớn cho ngân sách Tỉnh và giải quyết việc làm cho nông dân ở nơi khai quặng. Lào Cai có nhiều loại khoáng sản vào bậc nhất so với các tỉnh.

Với xuất đầu tư ban đầu khoảng 400 tỷ đồng cho một số hạng mục cần thiết để phục hồi 1000 tỷ đã đầu tư và khởi động một vùng lãnh thổ phía bắc, tăng nhịp độ phát triển, nâng cao đời sống văn hoá, thu nhập đồng bào các dân tộc miền núi. Cụm công nghiệp Tằng Loỏng và Khu kinh tế cửa khẩu hỗ trợ nhau tạo ra cơ cấu kinh tế mới cho Lào Cai: công nghiệp - thương mại- nông nghiệp và du lịch. Sở Công nghiệp đang tiếp tục hoàn thiện phương án và có kế hoạch kêu gọi đầu tư. Ðầu tư vào Lào Cai được hưởng ưu đãi mức cao nhất trong chính sách khuyến khích đầu tư trong nước.

Sa Pa sương mờ, nắng hửng, mưa rơi, gió thổi, mát mẻ trong ngày và quanh năm là địa điểm lý tưởng cho du khách, cho những ai có một chút lãng mạn, phiêu lưu, chưa đến Sa pa là chưa đến Lào Cai. Du khách có thể đi xe máy vượt qua 40 km từ Thị xã theo đường uốn quanh lưng núi lên độ cao 1400m, đến thị trấn Sa pa mới thấy sức lực, nhiệt tình và tiền bạc chi ra là xứng dáng với cảnh quan, khí hậu được tận hưởng. Ðến Sa Pa, chúng tôi vào Thác Bạc, dòng nước trời xanh đổ xuống trắng xoá, có người ví như là tóc tiên, nước mát lạnh như cốc nước có đá. Ở đây đang triển khai công trình dẫn nước từ Thác Bạc về Thị trấn.

Những “mái nhà” khổng lồ lợp trên sườn đồi cho những ngọn cây su su đang phủ xanh, gây nhiều ấn tượng cho chúng tôi, người ta bỏ ra vài chục triệu làm giàn chắc đất trời không phụ công. Rau, hoa quả Sa Pa có tiếng từ lâu song trở thành hàng hoá với số lượng lớn phụ thuộc nhiều vào khả năng đầu tư theo hướng chuyển đổi giống cây trồng, phụ thuộc vào thị trường và giá cước, chất lượng phương tiện vận tải, nếu không chỉ là phục vụ du khách tại chỗ.
Vào vườn hoa rừng Hàm Rồng mới thấy được sự hài hoà của tạo hoá và bàn tay con người, ngoài hoa lan với hàng trăm loài, chủ vườn dường như có ý trồng tất các loài hoa rừng, cây cảnh làm thoả mãn du khách đi trong sương mờ ảo khí hậu mát mẻ, quên đi nóng bực đời thường, hoà mình vào thiên nhiên, cổ tích. Cô gái cùng đi, đứng trong rừng hoa bảo chúng tôi chụp ảnh, làm thơ, cô ở Sa Pa một thời tuổi nhỏ, khi đó rừng rậm, nhiều muông thú, sáng ra hạt sương thành tuyết trên ngọn cỏ, cô cảm thấy Sa pa bớt lạnh hơn trong bầu khí hậu trái đất dang ấm, nóng lên.

Chợ phiên
của người dân tộc không như chợ tình mà ai đó viết, nét sinh hoạt của người vùng cao ngàn xưa vẫn thế, mặc dù họ đi xe Minsk thay ngựa, hơn nữa họ giữ những phong tục riêng, không phải ai cứ biết tiếng dân tộc đã khám phá được. Những tốp phụ nữ người H’Mông vận khá nhiều đồ vải thêu, khoác chiếc gùi rộng gần bằng vòng tay, đựng đào, hoa, rau quả, cổ đeo rất nhiều đồ thổ cẩm, tay thoăn thoắt thêu. Họ xuống họp chợ và bán dạo trên phố, trong các lối đi vào nhà hàng, khách sạn. Chính quyền huyện Sa Pa mong muốn phát triển lên Thị xã nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc và điều kiện sinh hoạt văn hoá của người vùng cao, tạo ra  “cái chợ riêng” cho đồng bào, chợ không thu lệ phí. Mục đích thương mại không lớn những ý nghĩa và giá trị văn hoá của các sắc màu dân tộc lớn hơn nhiều, một cán bộ người dân tộc làm ở Phòng Xây dựng nói thế.

Sa Pa nhạy cảm về phát triển du lịch, nhà nhà kinh doanh khách sạn nhà trọ, nhiều ngôi nhà cố gắng xây theo nét truyền thống (biệt thự kiểu trước kia) nhưng nhiều ngôi nhà vì lí do thiếu vốn hoặc thiên về nội thất đã gấp rút mọc lên đón khách, phá vỡ quy hoạch và kiến trúc không gian, hôm 30- 4 và 1-5 vừa qua đạt kỷ lục số du khách đến, nhiều nhà chưa hoàn thiện cũng đưa vào khai thác. Đêm mưa Sa Pa, côn trùng bay kín đen cửa kính mới hay rừng rất gần.

ĐỘNG LONG CA BÊN TRUNG QUỐC. Ngày chủ nhật nhân dân hai bên tấp nập đi lại thăm thân, tham quan, giấy thông hành của chúng tôi được cấp 1 lần đến Hà Khẩu trong 7 ngày, là nguời ngoài tỉnh Lào Cai do vậy chúng tôi phải ghi nơi ở Lào Cai, biên phòng Việt Nam hỏi chứng minh thư Lào Cai, không có nên phải dừng lại, thế rồi nhờ người nói khó với cán bộ phụ trách chúng tôi được qua. Thủ tục này khác so với cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Son), ở cửa khẩu Hữu Nghị có máy tính kết mạng trong ít phút biên phòng xác định ngay sai đúng trong giấy thông hành. Người Lào Cai cũng phải có chứng minh thư. Kể cũng lạ, giấy thông hành có ảnh do công an thị xã cấp tức là đủ thủ tục nhưng biên phòng chắc gì tin vào giấy đó nên họ yêu cầu chứng minh thư, được biết dân ở Thị xã có tới hai giấy thông hành! Nói vậy thôi, tôi thấy một người cầm cả xấp giấy thông hành đóng dấu, họ bảo là dân cửu vạn đi làm ăn nhiều lần rồi! và giấy kiểm dịch y tế 5000 đồng nhờ người khác mua hộ cũng được. Một nữ cán bộ biên phòng Trung Quốc không chịu lật trang giấy thông hành của tôi để đóng dấu, “cái tay máy” của thủ tục là thế. Cuộc sống cứ diễn ra tấp nập còn các thủ tục chỉ là thủ tục mà thôi.

Trong gia đình người Lào Cai sang bên Hà Khẩu có một chàng trai sang gặp người yêu là người Việt theo gia đình sang đó sinh sống vài năm. Cầu Kiều với thủ tục trên làm cho họ ít có điều kiện gặp nhau, cuối năm họ cưới, cô gái sẽ về lại Việt Nam làm vợ , làm dâu, mong thắm tình duyên đôi lứa với đám rước dâu lộng lẫy qua cầu Kiều.

Do mối quan hệ thăm thân, cô gái Trung Quốc dã phiên dịch cho gia đình Lào Cai và chúng tôi dến thăm động Long Ca cách cửa khẩu khoảng 60 km, có 10 km đường rừng núi. Ðộng mới, được một nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc đầu tư tương đương với 14 tỷ đồng Việt Nam, rộng dài khoảng 1km được  tôn tạo, nạo vét bùn đất, dùng đèn màu thắp sáng,cùng các hình khối dựng theo các tích Trung Hoa, ngoài động là một hồ cá và bể bơi, một khách sạn cỡ vừa 4 tầng đang xây, việc rải nhựa 10 km đường núi khá tốn kém để khu du lịch thu hút nhiều khách. Ðất đồi rừng Trung Quốc có một thời trơ trống, bây giờ được phủ xanh bằng rừng cao su, chuối, dứa,... thị trấn bên đường nhựa thênh thang với quán ăn vắng vẻ, từng nhóm đàn ông chơi bài, họ bảo vào thủ phủ Côn Minh mới vui. Ðúng như một cán bộ Lào Cai nhận xét: các tỉnh trong nội địa hai nước coi cửa khẩu này chỉ là lối đi qua nên không chú ý đầu tư
.

Chúng tôi vào động Long Ca, cách biên giới khoảng 3 giờ xe. Hướng dẫn viên bảo đây là điểm dừng của thầy trò Ðường Tăng đi Tây Trúc lấy kinh, họ thêu dệt khá lắm. Thực chất là động được làm mới do nạo vét bùn đất tiền sử, có đục đẽo lối vào. Ði mãi theo ánh sáng đèn rồi sang bên kia núi, quay vòng về chỗ cũ nháy ảnh trên thảm cỏ với những hình con vật ngộ ngĩnh.

Ðường về nhanh hơn. Trai gái sướng, cấu chí nhau trên xe.

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Mô hình HTX nhà ở của Thụy Điển

Năm 1923 thành lập HTX nhà ở tại Stockholm tiền thân của Liên đoàn HTX xây dựng và tiết kiệm nhà ở (HSB) Thụy Điển. Năm 1940 thành lập Liên đoàn HTX nhà ở (Ryksbyggen) là tổ chức của công đoàn công nhân xây dựng. Hai tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách nhà ở Thụy Điển


 
Thụy Điển là quốc gia vùng Bắc Âu; chế độ quân chủ lập hiến; dân số : 9,1 triệu người trong đó có 12% sinh ở nước  ngoài; diện tích lãnh thổ : 450.000 km2, bình quân 22 người/km2; tuổi thọ trung bình 80 tuổi; tỷ lệ sinh 1,6%/năm; nhân khẩu trung bình 2,2 người/hộ.

HTX nhà ở Thụy Điển ra đời vào những năm sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ II nhà ở là chính sách quan trọng bậc nhất trong hệ thống phúc lợi xã hội, nhà nước phải trợ cấp chi phí xây dựng và giá cho thuê. Đô thị hóa, dân nhập cư thành phố tăng lên.

Năm 1923 thành lập HTX nhà ở tại Stockholm tiền thân của Liên đoàn HTX xây dựng và tiết kiệm nhà ở (HSB) Thụy Điển. Năm 1940 thành lập Liên đoàn HTX nhà ở (Ryksbyggen) là tổ chức của công đoàn công nhân xây dựng. Hai tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách nhà ở Thụy Điển.

Năm 1967, Chính phủ tuyên bố “Toàn dân phải được cung cấp căn hộ tốt với giá thành hợp lý”. Trong khoảng thời gian từ 1965-1975 Thụy Điển đã xây dựng được 1 triệu căn hộ, chiếm gần 1/3 số nhà ở hiện nay. Năm 1975 - 2000, số lượng căn hộ xây  khi tăng, khi giảm. Từ năm 2001 bắt đầu tăng mạnh nhu cầu căn hộ, nhà ở chất lượng cao.

Về công nghệ xây dựng và kiến trúc: Từ những năm 1960 áp dụng công nghệ lắp ghép tấm bê tông xây nhà nhiều tầng, năm 1970 áp dụng công nghệ đúc tấm lớn, cần cẩu lắp ghép theo tiêu chuân căn hộ. Từ những năm 1980 chuyển sang cách tân về kiến trúc tạo ra sự khác biệt về kiểu dáng các tòa nhà và nội thất căn hộ, chú trọng cảnh quan môi trường, các công trình công cộng cho các hộ sử dụng chung, nâng cao tiện ích sử dụng, hiệu quả sử dụng năng lượng và lấy ánh sáng tự nhiên. Những năm 1990 đến nay chú trọng phát triển các nhà ở ra các khu cảng, ven biển, cải tạo và xây dựng mới các chung cư trên các cụm công nghiệp cũ kỹ. Công tác quy hoạch đã có bước tiến nhằm đưa nhanh, gọn từng khu nhà ở vào sử dụng.

Chính sách của Chính phủ:

- Hỗ trợ tín dụng đầu tư: Trước năm 1990 Chính phủ có trợ cấp nhà ở từ nguồn vốn ngân sách Trung ương bảo lãnh các khoản vay, hỗ trợ lãi suất về xây dựng nhà ở áp dụng cho các HTX và doanh nghiệp. Từ năm 1991 đến nay Chính phủ dừng hỗ trợ, thị trường hóa vốn đầu tư thúc đẩy các doanh nghiệp, HTX cạnh tranh.

-Hỗ trợ đất đai của chính quyền địa phương: Chính quyền địa phương quy hoạch sử dụng đất đai cho xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê đến 90 năm để HTX xây dựng nhà ở với giá thấp hơn thị trường từ 30-60% tùy theo địa phương và lô đất cụ thể.

-Trợ cấp cho người sử dụng nhà : Giảm tiền thuê nhà, giảm phí dịch vụ ngoài tiền thuê nhà cho những người có thu nhập thấp (có chuẩn thu nhập thấp). Khoản trợ cấp này do chính quyền địa phương thực hiện. Mỗi chính quyền địa phương có cách áp dụng khác nhau do thực tiễn ở địa phương.
-Hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến gianh giới đất của dự án, những kết nối và bảo dưỡng hàng tháng phải trả phí.

Thực chất Nhà nước bù lãi suất vay ngân hàng, xây dựng hạ tầng đến gianh giới dự án, chính quyền địa phương giảm giá bán, cho thuê đất, HTX hoạt động chuyên nghiệp làm giảm giá thành, giá bán nhà, giá thuê nhà và phí dịch vụ  là bước đi thành công của HTX nhà ở mà Việt Nam có thể tham khảo chính sách này trong giai đoạn hiện nay.

Thị trường nhà ở Thụy Điển hiện nay:

Chính phủ thực hiện thị trường hóa nhà ở, tổng số căn hộ hiện có trên toàn quốc là 4,3 triệu, đạt tỷ lệ hơn 2 người/căn hộ. Tuy nhiên nhu cầu nhà ở vẫn ở mức cao đó là nhu cầu của giới trẻ, người từ nông thôn phía bắc về thành phố (có khoảng 50.000 căn hộ bỏ trống ở nông thôn phía bắc), nhu cầu nhà ở chất lượng cao ở đô thị.Thị phần nhà ở  gồm các phần:

-Gia đình sở hữu đất và căn hộ, nhà: 810 000  chiếm 43% tổng số căn hộ ngôi nhà của những hộ có thu nhập cao, được tự do mua bán;

-Chung cư :  775 000 căn hộ- 18%, người sở hữu căn hộ không được bán tự do mà bán cho HTX nhà ở đang quản lý các chung cư;
-Nhà thuê của chính quyền địa phương: 860 000 căn hộ -21% do chính quyền quyết định;
-Tư nhân sở hữu đất làm nhà cho thuê: 730 000 căn hộ-17%, được bán tự do;
- Nhà công : 56 000 căn hộ -1% do chính quyền quyết định.

Hợp tác xã nhà ở tham gia xây dựng, quản lý các căn hộ thuộc nhà chung cư, nhà tư nhân bán cho thuê, những căn hộ khu vực này thuộc diện nhà ở xã hội cho những người có thu nhập trung bình và thấp, chiếm khoảng 17%  thị phần nhà toàn quốc. Hiện nay có hai tổ chức HTX lớn nhất:

-  Liên đoàn quốc gia HTX  xây dựng và tiết kiệm nhà ở (HSB): quản lý  370 000 căn hộ - 50% tổng số căn hộ thuộc HTX nhà ở quản lý (hay 8,5% thị phần nhà toàn quốc)

- Liên đoàn HTX nhà  ở  (Ryksbyggen): quản lý 180 000 căn hộ - 25% tổng số căn hộ thuộc HTX nhà ở quản lý (hay 4,25% thị phần nhà toàn quốc)

-  Các HTX và tổ chức tự quản khác quản lý 180000 căn hộ- 25% tổng số căn hộ thuộc HTX nhà ở quản lý (hay 4,25% thị phần nhà toàn quốc)

Thụy Điển thành công về chính sách nhà ở từ những năm 1990 do chú trọng những vấn đề sau: (1) Ổn định chính sách nhà ở (một thời gian dài khoảng trên 10 năm); (2)Phải có hỗ trợ của nhà nước đối với khu vực nghèo để hộ nghèo có cơ hội mua, thuê trả các phí dịch vụ hợp lý;(3) Áp dụng công nghệ mới để xây dựng nhà giá thấp cho người nghèo; (4) Quan tâm đến người nghèo thông qua các chương trình tiết kiệm nhà ở, vận động người dân làm xã viên HTX, tổ chức HTX tự quản các chung cư để người nghèo được hưởng môi trường sống tốt hơn; (5) Phát huy giá trị HTX nhà ở : An toàn nơi ở, gắn kết cộng đồng, quan tâm chia sẻ, hợp tác cộng đồng, phát triển bền vững.  
   
Một số nội dung về Luật HTX Nhà ở Thuỵ Điển:

 HTX nhà ở hoạt động theo Luật về các tổ chức kinh tế theo mô hình kinh tế thị trường và Luật HTX nhà ở với những nội dung cơ bản:

(1) Mọi người được sở hữu căn hộ.

(2) Nhà nước bảo vệ người thuê căn hộ, thuê nhà, người cho thuê.

(3) Bảo đảm môi trường sống tốt cho người ở trong các ngôi nhà.

(4) Xã viên HTX nhà ở được mua cổ phần (góp vốn) vào HTX, được sống trong căn hộ bình đẳng về các quyền và nghĩa vụ.

(5) HTX quản lý bất động sản, cung cấp các dịch vụ bảo đảm điều kiện sống tốt nhất cho xã viên, không có sự phân biệt.

(6) Thành lập HTX nhà ở tối thiểu 3 xã viên (Việt Nam 7 xã viên ), sáng lập viên xây dựng Điều lệ trình cấp chính quyền thành lập HTX thực hiện việc xây dựng, vận động xã viên các thành viên tham gia chương trình tiết kiệm, xây dựng và bán căn hộ, thực hiện các dịch vụ quản lý căn hộ đi vào sử dụng. Tất cả những người mua, người thuê căn hộ do HTX quản lý  đều là xã viên HTX nhà ở.
HTX xây dựng kế hoạch tài chính, được các chuyên gia xác nhận để thực hiện và thực hiện chế độ kiểm tra, kiểm soát nội bộ và báo cáo tài chính thường niên.

(7) Mua bán căn hộ theo giá thị trường chỉ ràng buộc duy nhất là  người mua phải đăng ký làm xã viên, được Ban quản trị xét và quyết định là xã viên thì việc mua bán mới thành. Trường hợp không được làm xã viên phải có lý do như xã viên không chứng minh được khả năng thanh toán phí dịch vụ. Nếu có sự khác nhau không tự giải quyết được  sẽ dựa vào phán quyết của tòa án. Căn hộ do cha mẹ, anh em bạn bè tặng, để lại, người nhận thừa kế phải là xã viên HTX.

(8) Xã viên là cá nhân làm chủ căn hộ được hưởng các quyền và nghĩa vụ ghi trong Điều lệ HTX. Xã viên có trách nhiệm duy tu, bảo vệ nội thất, nếu sửa chữa phát sinh chi phí phải có sự thảo luận và HTX có trách nhiệm tìm một đơn vị làm dịch vụ sửa chữa tốt nhất. Việc quản lý các công trình ngoài căn hộ và hệ thống đường dẫn điện, ga, nước, viễn thông, ống thông hơi, mái che,… liên quan đến các căn hộ do một đơn vị nhận thầu hợp đồng với HTX, thường là những đơn vị làm dịch vụ chuyên nghiệp trong hệ thống của HSB và Ryksbyggen. HTX có thể cử xã viên quản lý một số dịch vụ như : Phòng tắm, nhà thể thao, nhà giặt, ga- ra, hệ thống thu gom rác, nhà trẻ, nhà sinh hoạt công cộng,…

Xã viên đóng phí hàng tháng. Phí dịch vụ được trả cho các đơn vị, cá nhân làm dịch vụ và phụ cấp cho Ban quản trị HTX, tích lũy theo kế hoạch sử dụng, mức phí và sử dụng phí do Đại hội xã viên hằng năm thông qua. Mức này có sự khác nhau giữa các vùng, mức phí  bảo đảm trang trải các chi phí hợp lý, có tích lũy cho HTX.

(9) HTX dùng phí dịch vụ thu của xã viên để mua bảo hiểm các công trình sử dụng chung, xã viên mua bảo hiểm các vật dụng thuộc sở hữu tư nhân, chống các rủi ro trong căn hộ.

(10) Trường hợp xã viên không bảo đảm các cam kết với HTX, sự giáo dục, hướng dẫn không kết quả, HTX có thể đưa hội nghị toàn thể để chấm dứt tư cách xã viên, xã viên ra khỏi HTX phải bồi thường các thiệt hại do phán quyết của tòa án (thủ tục này khoảng 1 năm)

(11) Ban quản lý HTX, Ban kiểm soát HTX là xã viên sống ở chung cư, tự nguyện làm việc, được HTX bầu hàng năm, làm bán thời gian không có lương mà có phụ cấp theo khối lượng công việc (theo số lượng căn hộ được quản lý và khối lượng công việc khác).

Ban quản trị chuẩn bị nội dung các cuộc họp hướng dẫn cách lấy ý kiến xã viên và các đối tượng có liên quan. Tại cuộc họp có đại diện của  HSB cấp liên hiệp giám sát, đưa ra những ý kiến để quyết định của đại hội xã viên hướng về lợi ích chung. Trong quá trình thực hiện, Ban quản trị đưa ra những quyết định làm thiệt hại đến xã viên, tập thể  sẽ phải bồi thường về vật chất, do vậy Ban quản trị mua bảo hiểm để phòng các rủi do khi điều hành.

(12) HTX tự kiểm toán nội bộ, nếu sử dụng kiểm toán độc lập và phải trả phí kiểm toán.
(13) Xã viên được cho thuê căn hộ mà người thuê không phải là xã viên nhưng phải có sự đồng ý của Ban quản trị, có thủ tục xin phép và chịu trách nhiệm khi cho thuê về những liên quan đến căn hộ và các công trình trong khu nhà. Người cho thuê là xã viên thực hiện các nghĩa vụ đối với HTX và nghĩa vụ của người cho thuê.

Quy trình xây dựng nhà ở Thụy Điển:

Chính quyền thông báo quy hoạch xây dựng nhà ở (khu lớn nhất có đến 10
000 căn hộ), có mô hình sa bàn công khai để các HTX, doanh nghiệp đăng ký đầu tư theo dự án. Trung bình một dự án được khởi công phải đủ các điều kiện và cần thời gian không ngắn: 3 năm cho ý tưởng, lập dự án làm các thủ tục để có giấy phép; xây dựng hết 2 năm. Chính quyền thuê văn phòng tập trung và cho các ban quản lý dự án, đơn vị xây dựng thuê lại. Nguyên tắc xây dựng cuốn chiếu để kết nối kịp thời hạ tầng điện, nước, ga sớm đưa công trình vào sử dụng .

Để có dự án, HTX và doanh nghiệp bình đẳng, đều phải vận động để được tham gia, phải chứng minh năng lực tài chính và có trên 50% số người đăng ký mua thông qua “chương trìn tiết kiệm nhà ở”. Do có chương trình kiết kiệm nhà ở nên Liên hiệp HTX nhà ở luôn chứng minh chính xác kịp thời số khách hàng thực tế của mình.

Cơ cấu giá trị căn hộ ở vùng chung cư mở rộng thuộc Stockholm:

Giá thành xây dựng chưa có giá đất khoảng 3500 USD/m2. Căn hộ bán ra kích thước từ 40 m2 đến 140 m2, hệ thống cửa số lớn hơn ở Việt Nam để lấy được nhiều ánh sáng, cửa sổ hai lớp kính, sàn lát một lớp chống thấm, một lớp gỗ ván sàn, có kệ tủ bếp, bồn tắm, ga sưởi các phòng, điện, nước. Tại mỗi căn hộ đang hoàn chỉnh nội thất có thông báo dán trên kính các tiêu chuẩn căn hộ, người đăng ký có thể đến xem và đề nghị thay đổi nội thất, giám sát xây dựng. Chênh lệch phát sinh hộ sử dụng phải bù thêm tiền cho Ban quản lý dự án. Giá trị thiết kế chung cư chiếm khoảng 5% giá trị công trình, lợi nhuận trước thuế của công ty xây dựng khoảng 12% giá trị. Giá bán bình quân của căn hộ đang xây dựng hiện nay là 5300 USD/m2.

Cách quản lý căn hộ đi vào sử dụng :
(1) Các chủ căn hộ thuê doanh nghiệp quản lý chuyên nghiệp;
(2) Doanh nghiệp xây dựng thành lập bộ phận quản lý;
(3) HTX quản lý : HTX được thành lập từ những xã viên tham gia chương trình tiết kiệm mua căn hộ; thành lập từ các chủ căn hộ, hình thành một số HTX độc lập không thuộc hệ thống của HSB.
(4) Những nơi không thành lập HTX, không có doanh nghiệp quản lý thì chủ đầu tư tiếp tục quan tâm đến các dịch vụ quản lý căn hộ.

Chính quyền không áp đặt mô hình quản lý nhà chung cư nhưng kiểm tra việc thực hiện hiện các quy định của pháp luật về môi trường, an toàn, an ninh trật tự, bảo dưỡng duy tu, các hoạt động cộng đồng như nhà trẻ, sân chơi, chất lượng các dịch vụ điện, nước, ga, viễn thông, cảnh quan,…

Kinh nghiệm quản lý của Liên hiệp HTX, HTX nhà ở cơ sở:

Hợp tác xã nhà ở Thụy Điển thành lập từ những năm 1923 đến nay có nhiều chung cư xây dựng ở nhiều thời kỳ nên HTX, Liên hiệp HTX có vai trò quan trọng trong việc quản lý, duy tu, nâng cấp, sửa chữa và duy trì cuộc sống tốt đẹp của cộng đồng chung cư.

Liên hiệp HTX nhà ở “Thiên Đường”  ở phía Nam ngoại ô Stockholm gồm 80 HTX nhà ở cơ sở là thành viên với 11000 căn hộ và 18000 dân. Nhiều HTX cơ sở do cấu trúc chung cư chỉ có 10 xã viên tức là 10 hộ, việc tăng giảm do HTX quyết định mà không có sự áp đặt, HTX cơ sở lớn nhất ở đây có 445 hộ.

Bộ máy quản lý của Liên hiệp gồm 4 bộ phận: Phòng Makerting, phòng Tài chính và hành chính, phòng sản xuất và xây dựng, phòng quản lý bất động sản với tổng số nhân viên là 75 người, doanh thu năm 2006 là 85 triệu SEK (tương đương với 12 triệu USD).

Một số hoạt động của Liên hiệp: Quản lý các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo cũ, có dự án đến 50 triệu SEK; quản lý toàn bộ bất động sản trong khu vực chung cư và làm các dịch vụ phục vụ khách hàng, lập kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng, xử lý các quan hệ bất hòa hàng xóm và các vấn đề pháp lý liên quan đến chung cư; dịch vụ kỹ thuật trong và ngoài căn hộ, chăm sóc cây xanh, thảm cỏ, cải tạo chỉnh trang cảnh quan, tư vấn mua xắm trang trí nội thất, tiết kiệm tiêu hao năng lượng,… Liên hiệp xây dựng kế hoạch 5 năm và hằng năm từ các HTX cơ sở, trong kế hoạch xác định rõ khối lượng công việc, tuổi thọ các kết cấu của chung cư như cấu kiện bê tông, sắt thép, cửa, sơn, các đồ gỗ, kim loại và chi phí sửa chữa, thay thế để xác định mức phí đóng góp của xã viên hàng năm.

          Liên hiệp có quá trình hoạt động nhiều năm, có tích lũy nên mức phí hợp lý được phân bổ sao cho mức tăng chỉ từ 1-2%/năm. Mức phí trung bình từ 150-300 SEK/m2/năm. Một căn hộ 60 m2 mỗi năm đóng phí từ 9000 đến 18000 SESK (từ 1200- 2500 USD) không bao gồm tiền điện, điện thoại, nước, internet của mỗi hộ. Hộ đóng phí dịch vụ và trả tiền thuê nhà tổng số đến 800 SEK/m2/tháng, một căn hộ 50 m2 phải trả đến 5000 USD/tháng. 

          Ở Việt Nam mức thu phí cũng khác nhau giữa các chung cư, nhìn chung là thấp nên 5 năm không đủ kinh phí sơn bề ngoài! Theo ý kiên của cán bộ sở Kiến trúc Hà Nội thì mức thu phải đạt 2% doanh thu bán nhà, hoặc để lại 2% tiền bán nhà để bảo dưỡng.

Thu nhập ở Thụy Điển ở nhóm cao, GDP bình quân đến 31000 USD/người năm 2006, giá căn hộ khoảng 100 m2 ở mức 2 triệu SEK (khoảng 300 000 USD), bình quân mỗi người tiết kiệm trong 20 năm mua được căn hộ, mỗi tháng tiết kiệm 1250 USD. HTX nhà ở và chương trình tiết kiệm tính điểm mua nhà đã giúp người dân có ý thức tiết kiệm và bảo đảm trong thời gian ngắn hơn 20 năm vẫn được mua căn hộ trả dần với điều kiện tiếp tục duy trì việc làm. và tiết kiệm để trả tiền mua nhà.

Các hợp tác xã nhà ở cơ sở: Được hình thành khi từ số xã viên đăng ký mua nhà của dự án do Liên hiệp HTX thực hiện chương trình tiết kiệm và xây dựng; được thành lập từ các chủ hộ cùng trong một chung cư một tòa nhà hoặc nhiều tòa nhà với số lượng bình quân từ 100 đến 150 hộ, có chung cư được xây dựng từ năm 1931 có số lượng đến 785 căn hộ.

HTX nhà ở quản lý chung cư đã sử dụng có những nhiệm vụ cơ bản: (1) Quản lý bất động sản của chung cư, có lý lịch chung cư, các giấy tờ giao dịch mua bán, cho thuê căn hộ,... (2) Quản lý xã viên theo Điều lệ, phát triển xã viên, những người sống trong chung cư đều là xã viên HTX. (3) Làm các dịch vụ liên quan đến đời sống của các xã viên bao gồm các dịch vụ trong căn hộ có kết nối hệ thống như điện, nước, ga, thông gió, khóa từ, thông tin nội bộ,… tư vấn mua xắm trang trí nội thất, tiết kiệm năng lượng, phí dịch vụ  viễn thông. Tại một số khu HTX cho phép xã viên ở tầng 1 được sử dụng một phần diện tích phía sau để làm vườn với diện tích và mặt cắt thống nhất, có hàng rào. Các dịch vụ ngoài căn hộ các hộ được sử dụng chung gồm:

+ Nhà thể dục thể thao chung với các dụng cụ phổ thông, có nhà tắm, xông hơi, sân thể thao, dụng cụ thể thao ngoài trời.

+ Nhà giặt là phơi, hấp xấy chung với thiết bị máy giặt chuyên dùng, xã viên giặt theo lịch khoảng 3 lần/tuần, nhiều hộ vẫn dùng máy giặt riêng cỡ nhỏ.

+ Nhà trẻ đặt vị trí tốt nhất trong khu, bảo đảm diện tích theo tiêu chuẩn.

+ Trạm thu gom rác xử lý cơ học và xử lý vi sinh.

+ Sân bãi đậu xe và ga ra ô tô.

+ Nhà tập thể có diện tích lớn nhất có sân và bếp để Ban quản lý làm việc, hội họp, các gia đình đăng ký sử dụng vào việc riêng như sinh nhật, cưới hỏi, lễ mừng, tiếp khách số đông.

+ Dịch vụ chăm sóc cây cảnh, thảm cỏ, thay đồ dùng ở các nhà dịch vụ chung do đơn vị chuyên nghiệp của Liên hiệp HTX thực hiện nên giá thành giảm.

Với cách tổ chức dịch vụ như trên mỗi xã viên và gia đình được hưởng các dịch vụ với chi phí thấp nhất, HTX công khai việc thu phí và sử dụng chi phí.

Hợp tác xã nhà ở hoạt động không nhằm lợi nhuận cao, lấy thu bù chi, có tích lũy. Cán bộ Ban quản lý HTX là những xã viên sống trong chung cư, tự nguyện, nhiệt tình được bầu hàng năm, làm không lương nhưng có phụ cấp, có những phụ nữ làm chủ nhiệm HTX với thâm niên đến  trên 30 năm.Người quản lý các công trình công cộng là người có chuyên môn, có thái độ tốt với cộng đồng, một chung cư 785 căn hộ chỉ có 4 nhân viên phụ trách những căn hộ và các công trình công cộng, có nhiều chủ nhiệm.

Giới thiệu sách Phạm Quỳnh con người và thời gian

Tháng 6/2010, Nxb.Thanh Niên phát hành cuốn sách “Phạm Quỳnh, con người và thời gian” của tác giả Khúc Hà Linh. Có thể coi đây là cuốn sách đầu tiên ở nước ta, sau hơn 20 năm đổi mới, viết một cách hệ thống về cuộc đời và sự nghiệp của học giả Phạm Quỳnh, một nhân vật lịch sử Việt Nam, từng nổi tiếng từ đầu thế kỷ trước.
 
Tập sách 180 trang, đã làm sáng tỏ dần về sự nghiệp một con người sống nửa đầu thế kỷ 20, đã để lại 





Nhà văn Khúc Hà Linh (tóc bạc) tác giả cuốn sách 

cho hậu thế một khối lượng đồ sộ với hàng ngàn trang sách, báo nguyên bản, và hàng ngàn trang nghiên cứu, bình phẩm. Từ đó ta có thể hiểu thêm về chi tiết Bác Hồ nói việc bắt giữ Phạm Quỳnh là “bất tự nhiên”.“Cụ Phạm là người của lịch sử sẽ được lịch sử đánh giá lại”, “đó không phải là người xấu”.

Khúc Hà Linh (KHL) có duyên, được Phạm tiên sinh “chỉ dẫn trên từng trang viết”. Ông đã cho độc giả biết thêm, làm sáng tỏ hơn về những cống hiến xuất sắc của học giả Phạm Quỳnh – chủ bút báo Nam Phong, về sau từng làm quan đại thần của triều đình nhà Nguyễn.

Dẫu chưa phải “siêu nghề”, nhưng KHL có duyên với những nhân vật lịch sử và sự kiện đặc biệt. Năm 2008, ông viết cuốn “Anh em nhà Nguyễn Tường Tam – Nhất Linh, Ánh sáng và bóng tối” (tái bản năm 2009). Duyên chưa đủ, mà những trang sách cho thấy độ chín sáng tư duy, cứng về bản lĩnh, lao động sáng tạo của ông, đã vất vả ngược xuôi với nhân chứng, tư liệu và cả sự sẵn sàng với “búa rìu” hải ngoại!

Các chương I, II, III, KHL nhẹ nhàng dẫn dắt người đọc về đất cố hương, về dòng họ Phạm ở Hoa Đường (Hải Dương), nơi sinh cụ Tú Điển là thân phụ Phạm Quỳnh. Tiếp đến là tuổi thơ Phạm Quỳnh với những kỷ niệm ở phố Hàng Trống ven hồ Hoàn Kiếm. Ân tượng mạnh nhất với người đọc là những tháng ngày Phạm tiên sinh từng sống trong cảnh mồ côi mẹ từ khi 9 tháng tuổi. Điều đáng suy nghĩ là bà nội của Phạm Quỳnh, một lần đã “thắp hương khấn gia tiên cho cháu được theo Tây học để sau này ấm vào thân- KHL tr. 39). Và sau này ông thạo Hán văn, say mê dịch thuật thơ Đường. Năm 16 tuổi, Phạm Quỳnh đi làm ở trường Viễn Đông Bác Cổ, dấn thân vào sự nghiệp báo chí, văn chương. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng Phạm Quỳnh là một trong những người Việt viết tiếng Pháp hay nhất, một thứ tiếng Pháp trang nhã, sang trọng, trong sáng và đầy âm thanh” khiến bạn đọc liên tưởng đến sự học ngoại ngữ nghiêm túc như thế nào, kể cả trong sự nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc quốc ngữ, văn hóa dân tộc.

Phạm Quỳnh và tạp chí Nam Phong là điểm nhấn trong cuốn sách mà KHL dụng công, bỏ sức chứng minh những đóng góp của Phạm Quỳnh đối với tiếng Việt mà chữ viết còn non trẻ trên nền văn hóa truyền thống đầy đặn, sẵn có. Đây cũng là dòng sáng rực rỡ của Phạm tiên sinh trên bầu trời văn hóa với tư cách là “người gieo hạt giống quốc văn- KHL tr. 38”; và câu nói nổi tiếng của ông “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còntr.68”.

Năm 1917, tạp chí Nam Phong ra đời khi Phạm Quỳnh 25 tuổi.
  
Ông là chủ bút trẻ tuổi, nhưng đã thu hút nhiều cộng sự đầy tài năng, đã để lại dấu ấn trong lịch sử báo chí nước ta. Là chủ bút, ông viết khá nhiều thể loại, đặc biệt với vốn Tây học, ông biên soạn, dịch thuật nhiều những tác giả và tác phẩm phương Tây về triết học, khoa học, lịch sử… với một ý tưởng là “ Thổ nạp Âu Á”, thâu thái những cái hay của phương Tây chuyển vào Việt Nam, và giới thiệu những tinh hoa văn hoá của nước Việt ra thế giới.

Đương thời, Phạm Quỳnh – chủ bút Nam Phong nhận được nhiều lời khen, đồng thời chịu nhiều lời phê phán. Nhưng hết thảy đều tôn vinh công lao của ông và những cộng sự. Trong chương này, thành công của KHL là khảo cứu được nhiều ý kiến chân thực, đánh giá đúng mức về con người Phạm Quỳnh và vai trò của Nam Phong tạp chí.

Chương V, viết về đường đời, cuộc sống gia đình của cụ Phạm với tư cách người chồng, người cha, con rể, KHL viết nhẹ nhàng, tình cảm, ít trích dẫn, khiến người đọc cảm tưởng như KHL đã sống với gia đình Phạm Quỳnh.

Với 13 năm (1932-1945) làm quan đại thần của triều đình Huế, Phạm Quỳnh đã làm nhiều việc mà bây giờ phải suy nghĩ: Xin Pháp trả Bắc Kỳ cho triều đình Huế (không được); xin giảm án cho chiến sĩ cách mạng; tấu trình vua Bảo Đại chuẩn y khen thưởng Đội lính có công bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Ông trách cứ người Pháp trưng dụng lúa gạo để cung cấp cho quân đội Nhật,… Tác giả KHL cung cấp nhiều tư liệu ít người biết, về việc chính quyền thực dân lo sợ tinh thần dân tộc độc lập của vị quan Nam triều – “đối địch bất khả quy”. 13 năm Phạm Quỳnh làm quan, KHL chỉ viết gọn trong 6 trang. Phải chăng tác giả muốn làm nổi bật những công lao của Phạm Quỳnh trong văn nghiệp, còn thời kỳ làm quan để giành cho tái bản hoặc tác giả khác?

Các chương còn lại, KHL cho bạn đọc thấy những tháng Phạm Quỳnh ẩn dật ở biệt thự Hoa Đường nhìn bến sông An Cựu, và hé mở ra chuyện cái chết của ông. Dẫu không giải thích, người đọc hiểu vì sao Phạm Quỳnh từ quan, không tham gia chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật, cũng không chạy theo Pháp trong ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945…

Khi đọc sách, tôi có đánh dấu nhiều đoạn, và ấn tượng hơn cả ở trang 142. Đó là khi KHL dẫn lời của Phạm Quỳnh về quan điểm độc lập, hòa hợp, hội nhập, từ thế kỷ trước, mà đến nay ai cũng mong muốn :“Chúng ta hãy khép lại quá khứ, và bởi vì chúng ta phải chung sống, nên chúng ta hãy tránh những cuộc va chạm vô ích và hãy tổ chức cuộc sống chung của chúng ta dưới một khẩu hiệu, một cuộc sống thực sự tôn trọng lẫn nhau”

Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành cuốn sách và nộp lưu chiểu trong tháng 6 năm nay. Sách đã dần đến tay những bạn đọc quan tâm về nhân vật lịch sử. Để hiểu thêm con người Phạm Quỳnh, cần xem các tác phẩm của Cụ mà KHL kê ở trang 81 đến 84 cuốn sách.
Tháng Tám năm 2010
Mai Nguyên

http://phamquynh.wordpress.com/2010/11/19/gi%E1%BB%9Bi-thi%E1%BB%87u-sach-ph%E1%BA%A1m-qu%E1%BB%B3nh-con-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-va-th%E1%BB%9Di-gian/






Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Tô Hoài yêu thích “Nhung Nhăng”

 


Theo mình biết ngoại ô Hà Nội đầy huyền tích. “Dế mèn” kể, đến hơn tuổi 20 Tô Hoài càng khoái tích “Nhung nhăng”. Số là thế này:

Ở chỗ làng Cáo Đỉnh ( xã Xuân Đỉnh) phía gần khu đô thị Xi-bu-tra nay, vào chiều đông đồng khô, rạ bẹp. Nhóm cổ dân Hồng Lạc sót lại tụ tập ở đồng, rước kiệu, trên có một ông bụt bóng nhẫy,…Họ rước đi theo kiểu kẻ kéo trái, người phải, lùi, tiến “NHUNG NHĂNG”…mồ hôi nhễ nhại, tụt áo vắt vai, tụt quần lại kéo lên, vứt ra kiểu “ anh không đòi quà” nay.

Cứ thế, chiếc kiệu tiến lùi, trái phải nhung nhăng trên đồng khô đến tối mịt rồi cũng tiến về làng. Trong thần tích đó, họ xô đẩy, cọ xát vào nhau “RẤT SƯỚNG” bởi đàn ông kiệu, đàn bà con gái theo thúc đẩy vào người đàn ông (ít hò reo).

Có câu thần chú đại khái là “ nhung nha nhung nhăng, này thằng này tớ,…” Ông bụt gỗ mít sơn mài đặt trên kiệu, bị neo cột, lắc lư cũng nhễ nhại thò ra”.

Có điểm riêng là tích này không mấy người được xem,vì thời điểm lúc chiều tà.

Rất tiếc thần tích này hết từ sau 1944.

Là một trong rất ít người Hà Nội yêu xưa cũ, Tô Hoài cùng các đại ca như Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, sau là Băng Sơn, Nguyễn Vinh Phúc,… và nay là Cô gái gác rừng tạo nên nét chấm phá sắc nét về đất Kinh thành >1000 năm- VĂN VÕ VẬT NHAU NHUNG NHĂNG NHỄ NHẠI!

Tiễn cụ về cõi VĨNH HẰNG
Trên đấy nhiều thằng trong hội NHUNG NHĂNG

Chia buồn với gia quyến, riêng chị Đan Thanh (con gái TH) người có nụ cười đôi lúc “nhung nhăng” đã một thời cộng tác với Cô gái gác rừng ở MPI.