Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Giới thiệu sách Phạm Quỳnh con người và thời gian

Tháng 6/2010, Nxb.Thanh Niên phát hành cuốn sách “Phạm Quỳnh, con người và thời gian” của tác giả Khúc Hà Linh. Có thể coi đây là cuốn sách đầu tiên ở nước ta, sau hơn 20 năm đổi mới, viết một cách hệ thống về cuộc đời và sự nghiệp của học giả Phạm Quỳnh, một nhân vật lịch sử Việt Nam, từng nổi tiếng từ đầu thế kỷ trước.
 
Tập sách 180 trang, đã làm sáng tỏ dần về sự nghiệp một con người sống nửa đầu thế kỷ 20, đã để lại 





Nhà văn Khúc Hà Linh (tóc bạc) tác giả cuốn sách 

cho hậu thế một khối lượng đồ sộ với hàng ngàn trang sách, báo nguyên bản, và hàng ngàn trang nghiên cứu, bình phẩm. Từ đó ta có thể hiểu thêm về chi tiết Bác Hồ nói việc bắt giữ Phạm Quỳnh là “bất tự nhiên”.“Cụ Phạm là người của lịch sử sẽ được lịch sử đánh giá lại”, “đó không phải là người xấu”.

Khúc Hà Linh (KHL) có duyên, được Phạm tiên sinh “chỉ dẫn trên từng trang viết”. Ông đã cho độc giả biết thêm, làm sáng tỏ hơn về những cống hiến xuất sắc của học giả Phạm Quỳnh – chủ bút báo Nam Phong, về sau từng làm quan đại thần của triều đình nhà Nguyễn.

Dẫu chưa phải “siêu nghề”, nhưng KHL có duyên với những nhân vật lịch sử và sự kiện đặc biệt. Năm 2008, ông viết cuốn “Anh em nhà Nguyễn Tường Tam – Nhất Linh, Ánh sáng và bóng tối” (tái bản năm 2009). Duyên chưa đủ, mà những trang sách cho thấy độ chín sáng tư duy, cứng về bản lĩnh, lao động sáng tạo của ông, đã vất vả ngược xuôi với nhân chứng, tư liệu và cả sự sẵn sàng với “búa rìu” hải ngoại!

Các chương I, II, III, KHL nhẹ nhàng dẫn dắt người đọc về đất cố hương, về dòng họ Phạm ở Hoa Đường (Hải Dương), nơi sinh cụ Tú Điển là thân phụ Phạm Quỳnh. Tiếp đến là tuổi thơ Phạm Quỳnh với những kỷ niệm ở phố Hàng Trống ven hồ Hoàn Kiếm. Ân tượng mạnh nhất với người đọc là những tháng ngày Phạm tiên sinh từng sống trong cảnh mồ côi mẹ từ khi 9 tháng tuổi. Điều đáng suy nghĩ là bà nội của Phạm Quỳnh, một lần đã “thắp hương khấn gia tiên cho cháu được theo Tây học để sau này ấm vào thân- KHL tr. 39). Và sau này ông thạo Hán văn, say mê dịch thuật thơ Đường. Năm 16 tuổi, Phạm Quỳnh đi làm ở trường Viễn Đông Bác Cổ, dấn thân vào sự nghiệp báo chí, văn chương. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng Phạm Quỳnh là một trong những người Việt viết tiếng Pháp hay nhất, một thứ tiếng Pháp trang nhã, sang trọng, trong sáng và đầy âm thanh” khiến bạn đọc liên tưởng đến sự học ngoại ngữ nghiêm túc như thế nào, kể cả trong sự nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc quốc ngữ, văn hóa dân tộc.

Phạm Quỳnh và tạp chí Nam Phong là điểm nhấn trong cuốn sách mà KHL dụng công, bỏ sức chứng minh những đóng góp của Phạm Quỳnh đối với tiếng Việt mà chữ viết còn non trẻ trên nền văn hóa truyền thống đầy đặn, sẵn có. Đây cũng là dòng sáng rực rỡ của Phạm tiên sinh trên bầu trời văn hóa với tư cách là “người gieo hạt giống quốc văn- KHL tr. 38”; và câu nói nổi tiếng của ông “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còntr.68”.

Năm 1917, tạp chí Nam Phong ra đời khi Phạm Quỳnh 25 tuổi.
  
Ông là chủ bút trẻ tuổi, nhưng đã thu hút nhiều cộng sự đầy tài năng, đã để lại dấu ấn trong lịch sử báo chí nước ta. Là chủ bút, ông viết khá nhiều thể loại, đặc biệt với vốn Tây học, ông biên soạn, dịch thuật nhiều những tác giả và tác phẩm phương Tây về triết học, khoa học, lịch sử… với một ý tưởng là “ Thổ nạp Âu Á”, thâu thái những cái hay của phương Tây chuyển vào Việt Nam, và giới thiệu những tinh hoa văn hoá của nước Việt ra thế giới.

Đương thời, Phạm Quỳnh – chủ bút Nam Phong nhận được nhiều lời khen, đồng thời chịu nhiều lời phê phán. Nhưng hết thảy đều tôn vinh công lao của ông và những cộng sự. Trong chương này, thành công của KHL là khảo cứu được nhiều ý kiến chân thực, đánh giá đúng mức về con người Phạm Quỳnh và vai trò của Nam Phong tạp chí.

Chương V, viết về đường đời, cuộc sống gia đình của cụ Phạm với tư cách người chồng, người cha, con rể, KHL viết nhẹ nhàng, tình cảm, ít trích dẫn, khiến người đọc cảm tưởng như KHL đã sống với gia đình Phạm Quỳnh.

Với 13 năm (1932-1945) làm quan đại thần của triều đình Huế, Phạm Quỳnh đã làm nhiều việc mà bây giờ phải suy nghĩ: Xin Pháp trả Bắc Kỳ cho triều đình Huế (không được); xin giảm án cho chiến sĩ cách mạng; tấu trình vua Bảo Đại chuẩn y khen thưởng Đội lính có công bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Ông trách cứ người Pháp trưng dụng lúa gạo để cung cấp cho quân đội Nhật,… Tác giả KHL cung cấp nhiều tư liệu ít người biết, về việc chính quyền thực dân lo sợ tinh thần dân tộc độc lập của vị quan Nam triều – “đối địch bất khả quy”. 13 năm Phạm Quỳnh làm quan, KHL chỉ viết gọn trong 6 trang. Phải chăng tác giả muốn làm nổi bật những công lao của Phạm Quỳnh trong văn nghiệp, còn thời kỳ làm quan để giành cho tái bản hoặc tác giả khác?

Các chương còn lại, KHL cho bạn đọc thấy những tháng Phạm Quỳnh ẩn dật ở biệt thự Hoa Đường nhìn bến sông An Cựu, và hé mở ra chuyện cái chết của ông. Dẫu không giải thích, người đọc hiểu vì sao Phạm Quỳnh từ quan, không tham gia chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật, cũng không chạy theo Pháp trong ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945…

Khi đọc sách, tôi có đánh dấu nhiều đoạn, và ấn tượng hơn cả ở trang 142. Đó là khi KHL dẫn lời của Phạm Quỳnh về quan điểm độc lập, hòa hợp, hội nhập, từ thế kỷ trước, mà đến nay ai cũng mong muốn :“Chúng ta hãy khép lại quá khứ, và bởi vì chúng ta phải chung sống, nên chúng ta hãy tránh những cuộc va chạm vô ích và hãy tổ chức cuộc sống chung của chúng ta dưới một khẩu hiệu, một cuộc sống thực sự tôn trọng lẫn nhau”

Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành cuốn sách và nộp lưu chiểu trong tháng 6 năm nay. Sách đã dần đến tay những bạn đọc quan tâm về nhân vật lịch sử. Để hiểu thêm con người Phạm Quỳnh, cần xem các tác phẩm của Cụ mà KHL kê ở trang 81 đến 84 cuốn sách.
Tháng Tám năm 2010
Mai Nguyên

http://phamquynh.wordpress.com/2010/11/19/gi%E1%BB%9Bi-thi%E1%BB%87u-sach-ph%E1%BA%A1m-qu%E1%BB%B3nh-con-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-va-th%E1%BB%9Di-gian/






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét