Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Trang trại Baochau nature farm: công nghệ EM đem lại sản phẩm sạch



 By MaiNguyen
Hẹn hò mãi, chủ nhật tuần qua bạn gọi đi Sóc Sơn thăm trang trại của vợ chồng anh Thắng, chị Hương. Baochau nature farm - cái tên nghe như chẳng liên quan đến lợn gà ấy không phải ngẫu nhiên anh đặt mà do một nhà nghiên cứu người Mỹ khi đến thăm trang trại đã gợi ý lấy tên đó và chính nhà nghiên cứu ấy đã đưa tên vào hệ thống định vị toàn cầu các trang trại dùng công nghệ sạch. Câu chuyện trang trại bắt đầu “nổ”. Anh Phong – cấp vụ của một Bộ lớn nói “Nếu tôi nhận lời đi trang trại cuối tuấn ở ngoại thành thì cả năm không hết”. Trang trại chúng tôi đến, từng được truyền thông giới thiệu có công nghệ chăn nuôi sạch nhất Việt Nam.

Khoa học có đất sống
Chế phẩm EM là công nghệ vi sinh do giáo sư TeruoHiga người Nhật phát minh từ năm 1958 được ứng dụng ở nhiều nơi trên thế giới. Từ hơn 10 năm trước đã áp dụng ở một số vùng trong nước ta. Anh Thắng đã khảo cứu sách, đi Đài Loan thăm trại chỉ hai người nuôi cả vạn con gia súc gia cầm, đến Đại học Nông nghiệp gặp các thầy, nhờ giúp đỡ. Tiến sĩ Phạm Khắc Quảng, một chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về chế phẩm EM chỉ dẫn, cho chế phẩm gốc và tài liệu. Thắng đã pha chế thành công chế phẩm mang tên “Nguyễn Đại Thắng” với các nhóm chế phẩm có đặc tính sinh học:

(1) Khử mùi chất thải chăn nuôi bằng cách phun xuống nền chuồng, trộn với mùn cưa lót nền. Nền rộng, lợn vận động trong chuồng khỏe hơn lợn béo nằm lồng, mùn chế phẩm bám vào da lông móng mũi làm lợn khỏe sạch hơn cách phun nước, rửa chuồng. Công nghệ này tiết kiệm điện, nước, nhân công... Sau thời gian dài đến... 4 năm mùn đó trở thành phân bón cây trồng, đặc biệt là trồng hoa cây cảnh.

Thắng dẫn khách thăm hệ thống chuồng, anh bới bốc một nắm mùn đưa khách xem, anh ngửi, khách ngửi thấy mùi như đất sạch. Để chứng minh nước thải sạch, có giám đốc nhà máy từng dẫn khách tới nơi nước thải vào hồ cá và uống một cốc!
Hàng loạt chế phẩm EM thứ cấp do anh Thắng pha chế thành công có thể áp dụng hữu ích trong xử lý môi trường chuồng trại, ao hồ, hệ thống làng nghề, cống rãnh… ở nông thôn hoặc tạo thành quy trình chăn nuôi, trồng trọt sạch sẽ, bền vững. Anh Thắng sẵn sàng giúp đỡ, chuyển giao công nghệ cho các trại chăn nuôi tập trung hay các vùng nông thôn có nhu cầu. Xin liên hệ theo số điện thoại anh Thắng: 091651.1886, email: nguyendaithang77@gmail.com. (QĐND)
http://www.baochaufarm.com

                             Chủ trại (trái)

(2) Chế phẩm khác làm men ủ thức ăn. Thắng bảo đó là công đoạn quan trọng để tăng hiệu suất chuyển hóa thức ăn, hình thành chất lượng thực phẩm, tiết kiệm chi phí đầu vào, hoàn toàn khác xa với những bao thức ăn công nghiệp cho gia súc lớn nhanh như thổi.

Trong khi thức ăn công nghiệp đóng bao, sau 45 ngày gia cầm nặng tới 2 kg, lông tơ không kịp rụng, nhà nông thích, bởi vẫn có đầu ra!?. Anh Hưng chủ trại bên Hòa Lạc sang thăm, nói “chăn nuôi nhàn lười” không có sản phẩm ngon sạch. Một khách xác nhận “Con gia cầm công nghiệp ấy ở nước ngoài giá ngang cốc bia tươi, thấp hơn mớ rau muống sạch”. Nghe có vẻ xa lạ nhưng đó là thực tế của người trải nghiệm các chuyên công du!

Trang trại Thắng Hương thành công ở hai điểm quan trọng này nên đã duy trì và phát triển đàn lợn cho vài ngàn lợn giống mẹ gốc Móng Cái thuần Việt to khỏe lai với lợn “Tây” lực lưỡng, và 10 ngàn con gà thịt, gà trứng giống Ai Cập, gà xương đen, gà ác tiềm thuốc bắc mà phố chợ ẩm thực Hà Nội săn đón cho thực khách sành ăn... Thịt và trứng ở trại Thắng Hương đã có “thương hiệu” trong giới sành đồ sạch, cho các buổi liên hoan đông người ăn và chia thực phẩm; khác hẳn với lợn gà... tăng trọng nhiều mỡ, tích nước, ít dinh dưỡng nhưng “giàu độc tố”.

Thắng cho biết: “Nếu trang trại không sạch, dân chúng xung quanh phản đối, nhiều trại chăn nuôi đã phải đóng cửa. Một số đại diện công ty bán thức ăn chăn nuôi rất muốn tìm hiểu kỹ công nghệ, tôi sẵn sàng chuyển giao cho những người chăn nuôi để có được một nền nông nghiệp sinh học, thực phẩm sạch thay thế cho các sản phẩm hiện nay đang lạm dụng chất kích thích tăng trọng đánh vào sức khỏe người tiêu dùng, hủy hoại môi trường...”

Khách thăm nói: Các dự án chăn nuôi sạch nên tiếp cận trại của anh Thắng để nhận chuyển giao công nghệ, thay đổi cách chăn nuôi cũ.

Chuyên gia Phong cao hứng: Các nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi chỉ biết lợi nhuận, khuyến khích nuôi gia công, ứng vốn, giống; ngân hàng cho vay làm hệ thống chuồng trại,... để nông dân cảm thấy chăn nuôi “nhàn nhã” nhưng giá trị gia tăng bị căng mỏng, người chăn nuôi cố theo đuổi để có thêm chút thu nhập. Các dự án môi trường xếp tập xin ngân sách bởi môi trường là việc chung! Các hầm khí sinh học Bioga cục bộ không giải quyết triệt để môi trường vì các hầm đơn không đủ thời gian lắng lọc làm sạch nước thải, dùng không hết, khí xả ra ngoài, mà đầu tư nhiều bể lớn lại cần vốn. Phong cho biết thêm, dân ta nhiều chục năm gần đây rất cảm hứng sử dụng dầu thực vật trích ly theo công nghệ dùng hóa chất lấy tối đa dầu, trong khi đó có nhiều nhà nhập khẩu ở nước giàu ăn sạch lại rất thích mua dầu ép thô, họ trốn cái bẩn độc trong dầu trích ly đóng chai... bán khuyến mại! 

Niềm say mê của chủ trại
Xuất thân từ người con quê lúa Thái Bình nhưng được đào tạo để trở thành cán bộ cao cấp trong quân đội, cùng với những khát vọng qua những chuyến tham quan khảo sát mô hình nông trại ở nước phát triển từ những năm còn ngồi ghế giám đốc công ty Thăng Long (Bộ Quốc Phòng), bây giờ anh mới có dịp trở lại làm người nông dân thực thụ, nhưng với cái chất của một người trí thức làm nông nghiệp. Qua những chuyến công du khắp các vùng quê Việt Nam, đâu đâu anh cũng bắt gặp sự ô nhiễm mối trường ở các làng quê Việt, từ những trang trại với quy mô hàng vạn con gà, hàng nghìn con lợn cho đến những hộ gia đình chỉ nuôi một vài con lợn con gà, con trâu con bò…xung quanh đặc một mùi xú uế của gia súc gia cầm, ở đâu cũng là những bao cám công nghiệp…Từ những trăn trở đó anh tự đặt ra cho mình một câu hỏi: nước ngoài làm được tại sao mình không làm được, vậy là anh bắt tay vào làm. Nhưng sự đời không đơn giản thế, bao nhiêu năm trong quân đội, bao năm lăn lộn với thương trường nhưng chưa bao giờ anh làm gì liên quan tới nông nghiệp, nên khi biết ý định của anh, nhiều người nghi ngờ tính khả thi của nó. Bạn bè bảo “Với lương quân đội, nhà mặt phố cho thuê là sống khỏe. Bao người đầu tư trại chăn nuôi với tiền cả núi, thu về từng xu...Thắng tự mua vào vất vả?”. Mẹ và vợ anh đôi lúc phàn nàn. Ai cũng nghĩ vậy thì theo “đạo nhàn” sống qua năm tháng, xã hội đi ngang, đất đai hoang hóa, môi trường ô nhiễm... gây dựng gì cho hôm nay và tương lai?

Anh Hưng, một người có nhiều năm sống và làm việc ở nước Nga, hiện nay là chủ mấy nhà hàng ở phố cổ cũng đánh xe đưa hai cán bộ kỹ thuật trang trại của anh ở mạn Hòa Lạc đến học hỏi kinh nghiệm. Hưng nói “Làm nghề này vất vả lắm, mỗi tháng tôi đi lại hết hơn 10 triệu đồng tiền xăng, đêm thức chăm lợn đẻ. Giống lợn mán nuôi sạch rất khó, 10 con được 3, kiên trì thì đến các lứa sau sẽ khá hơn. Chúng tôi phải mang cả đất ở “bản quán lợn mán” về để giữ sức khỏe lợn. Lợn mán hay lợn thả rông nhiều giun sán lắm”. Biết sản phẩm của anh Thắng đã qua kiểm nghiệm, khắc phục được những hạn chế đó nên phải đến để học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật nhằm phát triển trang trại của mình.

Tuy nhiên, trong bữa cơm thân mật đó thực khách lăn tăn đến vấn đề quản lý ở trang trại. Anh Thắng tiết lộ, để quản lí từ xa, anh lắp đặt hệ thống camera nối mạng, ở đâu cũng xem được trại của mình, phải nhắc nhở luôn để người làm chú ý quy trình. Kỹ năng quản lí trang trại tưởng đơn giản nhưng khá phức tạp bởi đó là quy trình có quy mô đầu vào ra, quyền lợi và nghĩa vụ người lao động, an ninh, an toàn môi trường... Nói chung là vất vả, không thích hợp với người thú vui điền viên.

Chị Hương vợ anh Thắng đi lại trao đổi với người làm, chị đội nón lá rộng vành, hái rau (hơi giống sơn nữ), chuẩn bị bữa cơm trưa cho khách. Một bữa cơm với toàn sản phẩm sạch của trang trại, cái hương vị của đồng bằng Bắc bộ, với những húng láng, đinh lăng, lá mơ, rấp cá…và đã làm cho những thực khách như chúng tôi vỡ lẽ: ở thành phố để có một bữa cơm với toàn sản phẩm sạch như vậy không hề đơn giản, kể cả với những người giàu. Bởi có đến đây, mới hiểu rằng để tạo ra những sản phẩm ngon, đẹp mắt thì người nông dân nào cũng có thể làm được với sự hỗ trợ của thuốc trừ sâu, phân hoá học, cám công nghiệp…nhưng để tạo ra một sản phẩm sạch thực sự, với toàn thực hữu cơ như ở trang trại này không phải ai cũng làm được…..Chị nói rằng mình làm mình hiểu, nhưng quan trọng những nhà hoạch định chính sách, những nhà quản lý nông nghiệp có quan tâm sâu sắc đến những điều này?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét