Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

LÀO CAI NĂM 1999



By MaiNguyen

Từ ga Hà Nội (phố Trần Quý Cáp), qua đêm trên tầu, theo bờ sông Hồng chúng tôi đến Lào Cai, đường sắt hôm nay khá hơn về tốc độ và trật tự. Cùng tàu với chúng tôi có đôi vợ chồng người Mỹ đi du lịch Sa pa, xuống ga Lào Cai, Jim to cao hài lòng về chuyến tàu, anh ta ngủ được. Ga Lao Cai có nhiều phương tiện như ô -tô, xe ngựa, xe máy đón khách. Là thị xã (nay là Thành phố) giáp biên giới, nơi đây thanh bình, trật tự, phong quang đón khách. Lượt đi lượt về mới đủ cảm thông cho những cán bộ, nhân dân Lào Cai có công việc đi về xuôi. Chiều hôm xuôi Hà Nội, cùng toa có chị giám đốc ngành đi trả bài thi vào sáng hôm sau, chúng tôi hỏi sao không đi ô-tô, chị bảo tốn tiền, tốn sức hơn đi tàu. Có người nói, muốn thử sức mình hãy đi tàu ngược và leo núi một chuyến dài ngày.

Gần mười năm nay, từ ngày tái lập tỉnh Lào Cai, Thị xã vùng cao nơi biên giới hồi sinh trên đống đổ nát. Vịnh bạn học với tôi nói: Năm 1992, Thị xã là rừng lau sậy, những người dân trở về và đến đây đã lật từng viên gạch, bụi cỏ, tháo gỡ bom mìn, quyết tâm xây dựng lại nhà ở, công sở, đường phố, nhà ga, chợ mới đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Anh Thẩm ở sở Kế hoạch và Đầu tư nói: Mấy ông bạn Lai Châu sang chơi, bảo Lào Cai là “thiên đường” với họ! Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, cảm phục ý chí, tình yêu đất nước quê hương của những người dân nơi địa đầu Tổ quốc, họ bám đất, trồng cây, làm nhà cho Tổ quốc bình yên và phát triển trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Lào Cai, thủ phủ cấp Tỉnh duy nhất áp đường biên.

Cửa khẩu Lào Cai nhỏ và chật bên ta là phường Cốc Lếu, bên kia là thị trấn Hà Khẩu, qua lại bằng cầu Kiều cũ kỹ trên sông Nậm Thi, mùa khô nước cạn, một con đò nhỏ bơi qua, xe thồ hàng ngược nhau là vướng, tàu liên vận đi qua làm ùn tắc đến hơn 10 phút, hình như cán bộ biên phòng và đường sắt hai bên cẩn thận nên kéo dài giờ chắn tàu. Một dự án làm thêm cây cầu nữa gần cầu Kiều đã đựợc Bộ giao thông hai nước bàn tính. Cửa khẩu Lao Cai cần được đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, có khu riêng tạo ra sự liên hoàn về thủ tục xuất nhập khẩu và xuất nhập cảnh, cần có kho ngoại quan, có thêm thiết bị kiểm tra tự động cho người và hàng hoá, có cửa hàng miễn thuế với quy mô lớn hơn nhiều lần gian hàng nhỏ bé hiện nay.


Các bạn Lào Cai bảo hai bên cầu Kiều là hai tỉnh nghèo, so với một số cửa khẩu trên bộ mà chúng tôi có dịp đến thì ở đây ít sôi động hơn, những tốp xe Milsk (xe máy của Liên xô) bên Lào Cai và xích lô máy Hà Khẩu hết đứng lại chạy chờ đón khách cùng với số xe thồ, cửu vạn. Ðể bớt lệ phí những chiếc xe thồ chuối xanh, vải chín chất ngập đầu hai cửu vạn nhỏ gầy đẩy qua cầu Kiều, nếu đem một buồng chuối đi qua cầu lệ phí hai chiều hết mươi nghìn còn đâu lờ lãi, đi đò không giấy thông hành mười ngàn một lượt cung vậy.

Tất bật nơi đây hiện lên cả những con ngựa thồ cứ chạy rông mà trên xe không hàng, không khách. Một cô gái mà vất vả không che được nét trẻ trung nói với chúng tôi: Bọn em ngày nào cũng đến đây chờ xem chủ hàng nào thuê thì bốc vác, gồng gánh; một cô đổi tiền cho biết chỉ đổi số tiền nhỏ lẻ và đổi khi nhân viên đổi ngân trong trạm nghỉ, mỗi ngày lãi không bằng số tiền chồng uống bia, cô bực tức nói khi đổi lại cho chúng tôi 300 nhân dân tệ tỷ giá 1570 đồng.

Tìm hiểu kinh tế cửa khẩu chúng tôi gặp Ban chỉ huy biên phòng và Sở Công an Lào Cai. Các anh ủng hộ chủ trương phát triển kinh tế cửa khẩu, tạo điều kiện hai bên đi lại làm ăn, thăm hỏi, du lịch nhưng phải bảo đảm an ninh trật tự. Năm 1998, phối hợp với các ngành đã làm thủ tục xuất nhập cảnh cho 40 vạn luợt người qua lại, 515 chuyến tàu hàng và 56 chuyến tàu khách liên vận quốc tế, khối lượng hàng hoá thông qua đạt 18 vạn tấn. Từ đầu năm đến nay nhịp độ giao lưu tăng hơn với 32 vạn lượt người qua lại, 21 đoàn ra, 14 đoàn vào với mục đích khảo sát thị trường, hội nghị, học tập,... 800 người mang 30 quốc tịch nước thứ ba cho mỗi loại vào ra; cùng thời gian này đã xử lý hành chính 273 vụ với 273 đối tượng vi phạm quy chế xuất nhập cảnh.Theo các anh, cần tiếp tục đơn giản thủ tục, phổ biến rộng hơn quy chế cửa khẩu và có sự phối hợp tốt hơn giữa các ngành hữu quan. Các anh mong muốn được ưu tiên vốn xây dựng các cụm xã vùng cao biên giới, trước hết là xây dựng trường học, trạm xá, bưu điện, chợ và cụm văn hoá, tiếp đến là chính sách đào tạo cán bộ tại chỗ, khuyến khích cán bộ miền xuôi lên công tác lâu dài.

Tối hôm đó được thiếu tá Lê Quốc Bang dẫn đi hát karaoke, Bang bảo: Phải đi với tôi, đi chỗ khác là bị ghi số xe đấy. Mấy bữa sau đi nhậu, nghe thiếu tá Hùng đọc thơ với món thịt gà den, nghe chuyện bãi đá cổ ở Sa Pa... Một chiều đi đền chùa Ông Bảy…Ðền ngay bên sông nhìn sang bên kia; biết ơn cha ông đã giữ đất làm chùa “định phận ở đất này”.

Mặc dù hai bên, Lào Cai và Côn Minh đã tổ chức hội chợ nhưng về cơ bản vẫn là hàng hoá xuất nhập khẩu tiểu ngạch, tính ổn dịnh về mặt hàng và giá không rõ ràng, hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản, khoáng sản, chi phí vận tải bảo quản khá lớn không có khách hàng ổn dịnh, sự canh tranh về giá bên Việt Nam tạo cơ hội để khách hàng ép giá, hàng tấn dứa phải đổ đi rất thiệt hại cho nông dân, thương nhân. Chính sách bảo hộ hàng nội làm cho các văn phòng đại diện của các doanh nghiệp Việt Nam vất vả trong tiếp thị. Biển quảng cáo Biti’s bên Hà Khẩu hiếm như biển quảng cáo hàng Trung Quốc bên thị xã Lào Cai.

Tằng Loỏng, một cụm công nghiệp được dự liệu trên cơ sở hạ tầng đã đầu tư khoảng 1000 tỷ đồng quy đổi từ năm 1984. Ông Kim- giám đốc Sở Công nghiệp Lào Cai dẫn chúng tôi đến nơi này, cách Cam Ðường gần 30 km. Tại đây có nhà máy Apatít toạ lạc trên khu dất rộng với hai làn  đường ray chạy từ Cam Ðường vào và nhà ga nội bộ, 7 làn ray đưa quặng về Phố Lu, hệ thống đường bê tông nội bộ mật độ cao chạy trong khu đã bị lau sậy phủ, cùng với khu hành chính, nhà văn hoá, đống đường ray han rỉ hoang phế, nhưng nhà của dân, công nhân mỏ vẫn bám kín bên đường bê tông như chờ đón một ngày gần đây cụm công nghiệp Tằng Loỏng khởi động.

Ông Giám đốc Sở Công nghiệp khá say sưa với dự án cụm công nghiệp, theo ông hạ tầng ở đây khá tốt cho một cụm công nghiệp địa phương, vấn đề là chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào  chế biến tinh sâu các khoáng sản của Lào Cai để xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Công ty khoáng sản Lào Cai được  thành lập năm 1993, với số vốn 50 triệu đồng, có tốc độ tăng trưởng 30 % năm, là đơn vị có đóng góp lớn cho ngân sách Tỉnh và giải quyết việc làm cho nông dân ở nơi khai quặng. Lào Cai có nhiều loại khoáng sản vào bậc nhất so với các tỉnh.

Với xuất đầu tư ban đầu khoảng 400 tỷ đồng cho một số hạng mục cần thiết để phục hồi 1000 tỷ đã đầu tư và khởi động một vùng lãnh thổ phía bắc, tăng nhịp độ phát triển, nâng cao đời sống văn hoá, thu nhập đồng bào các dân tộc miền núi. Cụm công nghiệp Tằng Loỏng và Khu kinh tế cửa khẩu hỗ trợ nhau tạo ra cơ cấu kinh tế mới cho Lào Cai: công nghiệp - thương mại- nông nghiệp và du lịch. Sở Công nghiệp đang tiếp tục hoàn thiện phương án và có kế hoạch kêu gọi đầu tư. Ðầu tư vào Lào Cai được hưởng ưu đãi mức cao nhất trong chính sách khuyến khích đầu tư trong nước.

Sa Pa sương mờ, nắng hửng, mưa rơi, gió thổi, mát mẻ trong ngày và quanh năm là địa điểm lý tưởng cho du khách, cho những ai có một chút lãng mạn, phiêu lưu, chưa đến Sa pa là chưa đến Lào Cai. Du khách có thể đi xe máy vượt qua 40 km từ Thị xã theo đường uốn quanh lưng núi lên độ cao 1400m, đến thị trấn Sa pa mới thấy sức lực, nhiệt tình và tiền bạc chi ra là xứng dáng với cảnh quan, khí hậu được tận hưởng. Ðến Sa Pa, chúng tôi vào Thác Bạc, dòng nước trời xanh đổ xuống trắng xoá, có người ví như là tóc tiên, nước mát lạnh như cốc nước có đá. Ở đây đang triển khai công trình dẫn nước từ Thác Bạc về Thị trấn.

Những “mái nhà” khổng lồ lợp trên sườn đồi cho những ngọn cây su su đang phủ xanh, gây nhiều ấn tượng cho chúng tôi, người ta bỏ ra vài chục triệu làm giàn chắc đất trời không phụ công. Rau, hoa quả Sa Pa có tiếng từ lâu song trở thành hàng hoá với số lượng lớn phụ thuộc nhiều vào khả năng đầu tư theo hướng chuyển đổi giống cây trồng, phụ thuộc vào thị trường và giá cước, chất lượng phương tiện vận tải, nếu không chỉ là phục vụ du khách tại chỗ.
Vào vườn hoa rừng Hàm Rồng mới thấy được sự hài hoà của tạo hoá và bàn tay con người, ngoài hoa lan với hàng trăm loài, chủ vườn dường như có ý trồng tất các loài hoa rừng, cây cảnh làm thoả mãn du khách đi trong sương mờ ảo khí hậu mát mẻ, quên đi nóng bực đời thường, hoà mình vào thiên nhiên, cổ tích. Cô gái cùng đi, đứng trong rừng hoa bảo chúng tôi chụp ảnh, làm thơ, cô ở Sa Pa một thời tuổi nhỏ, khi đó rừng rậm, nhiều muông thú, sáng ra hạt sương thành tuyết trên ngọn cỏ, cô cảm thấy Sa pa bớt lạnh hơn trong bầu khí hậu trái đất dang ấm, nóng lên.

Chợ phiên
của người dân tộc không như chợ tình mà ai đó viết, nét sinh hoạt của người vùng cao ngàn xưa vẫn thế, mặc dù họ đi xe Minsk thay ngựa, hơn nữa họ giữ những phong tục riêng, không phải ai cứ biết tiếng dân tộc đã khám phá được. Những tốp phụ nữ người H’Mông vận khá nhiều đồ vải thêu, khoác chiếc gùi rộng gần bằng vòng tay, đựng đào, hoa, rau quả, cổ đeo rất nhiều đồ thổ cẩm, tay thoăn thoắt thêu. Họ xuống họp chợ và bán dạo trên phố, trong các lối đi vào nhà hàng, khách sạn. Chính quyền huyện Sa Pa mong muốn phát triển lên Thị xã nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc và điều kiện sinh hoạt văn hoá của người vùng cao, tạo ra  “cái chợ riêng” cho đồng bào, chợ không thu lệ phí. Mục đích thương mại không lớn những ý nghĩa và giá trị văn hoá của các sắc màu dân tộc lớn hơn nhiều, một cán bộ người dân tộc làm ở Phòng Xây dựng nói thế.

Sa Pa nhạy cảm về phát triển du lịch, nhà nhà kinh doanh khách sạn nhà trọ, nhiều ngôi nhà cố gắng xây theo nét truyền thống (biệt thự kiểu trước kia) nhưng nhiều ngôi nhà vì lí do thiếu vốn hoặc thiên về nội thất đã gấp rút mọc lên đón khách, phá vỡ quy hoạch và kiến trúc không gian, hôm 30- 4 và 1-5 vừa qua đạt kỷ lục số du khách đến, nhiều nhà chưa hoàn thiện cũng đưa vào khai thác. Đêm mưa Sa Pa, côn trùng bay kín đen cửa kính mới hay rừng rất gần.

ĐỘNG LONG CA BÊN TRUNG QUỐC. Ngày chủ nhật nhân dân hai bên tấp nập đi lại thăm thân, tham quan, giấy thông hành của chúng tôi được cấp 1 lần đến Hà Khẩu trong 7 ngày, là nguời ngoài tỉnh Lào Cai do vậy chúng tôi phải ghi nơi ở Lào Cai, biên phòng Việt Nam hỏi chứng minh thư Lào Cai, không có nên phải dừng lại, thế rồi nhờ người nói khó với cán bộ phụ trách chúng tôi được qua. Thủ tục này khác so với cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Son), ở cửa khẩu Hữu Nghị có máy tính kết mạng trong ít phút biên phòng xác định ngay sai đúng trong giấy thông hành. Người Lào Cai cũng phải có chứng minh thư. Kể cũng lạ, giấy thông hành có ảnh do công an thị xã cấp tức là đủ thủ tục nhưng biên phòng chắc gì tin vào giấy đó nên họ yêu cầu chứng minh thư, được biết dân ở Thị xã có tới hai giấy thông hành! Nói vậy thôi, tôi thấy một người cầm cả xấp giấy thông hành đóng dấu, họ bảo là dân cửu vạn đi làm ăn nhiều lần rồi! và giấy kiểm dịch y tế 5000 đồng nhờ người khác mua hộ cũng được. Một nữ cán bộ biên phòng Trung Quốc không chịu lật trang giấy thông hành của tôi để đóng dấu, “cái tay máy” của thủ tục là thế. Cuộc sống cứ diễn ra tấp nập còn các thủ tục chỉ là thủ tục mà thôi.

Trong gia đình người Lào Cai sang bên Hà Khẩu có một chàng trai sang gặp người yêu là người Việt theo gia đình sang đó sinh sống vài năm. Cầu Kiều với thủ tục trên làm cho họ ít có điều kiện gặp nhau, cuối năm họ cưới, cô gái sẽ về lại Việt Nam làm vợ , làm dâu, mong thắm tình duyên đôi lứa với đám rước dâu lộng lẫy qua cầu Kiều.

Do mối quan hệ thăm thân, cô gái Trung Quốc dã phiên dịch cho gia đình Lào Cai và chúng tôi dến thăm động Long Ca cách cửa khẩu khoảng 60 km, có 10 km đường rừng núi. Ðộng mới, được một nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc đầu tư tương đương với 14 tỷ đồng Việt Nam, rộng dài khoảng 1km được  tôn tạo, nạo vét bùn đất, dùng đèn màu thắp sáng,cùng các hình khối dựng theo các tích Trung Hoa, ngoài động là một hồ cá và bể bơi, một khách sạn cỡ vừa 4 tầng đang xây, việc rải nhựa 10 km đường núi khá tốn kém để khu du lịch thu hút nhiều khách. Ðất đồi rừng Trung Quốc có một thời trơ trống, bây giờ được phủ xanh bằng rừng cao su, chuối, dứa,... thị trấn bên đường nhựa thênh thang với quán ăn vắng vẻ, từng nhóm đàn ông chơi bài, họ bảo vào thủ phủ Côn Minh mới vui. Ðúng như một cán bộ Lào Cai nhận xét: các tỉnh trong nội địa hai nước coi cửa khẩu này chỉ là lối đi qua nên không chú ý đầu tư
.

Chúng tôi vào động Long Ca, cách biên giới khoảng 3 giờ xe. Hướng dẫn viên bảo đây là điểm dừng của thầy trò Ðường Tăng đi Tây Trúc lấy kinh, họ thêu dệt khá lắm. Thực chất là động được làm mới do nạo vét bùn đất tiền sử, có đục đẽo lối vào. Ði mãi theo ánh sáng đèn rồi sang bên kia núi, quay vòng về chỗ cũ nháy ảnh trên thảm cỏ với những hình con vật ngộ ngĩnh.

Ðường về nhanh hơn. Trai gái sướng, cấu chí nhau trên xe.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét