Thứ Hai, 7 tháng 6, 2021

Trường ca Hồ Chí Minh. Phần II Bôn ba ( 1801 -2000)

 Trường ca Hồ Chí Minh. Phần II Bôn ba ( 1801 -2000)

++++

1801.Đảng phái sa lông dâng trào

Chính phủ thân Nhật mũ cao áo dài

Hóng chờ nho chín để xài

Thực là một lũ bất tài sợ Tây

Hà Nội không vội là đây

Lòng dân ấp ủ một ngày sao rơi

Mạch nguồn phải biết cách khơi

Vàng trong dân phải có người làm tin

Biết bao cô gái ngoan xinh

1810. Lỡ thời thất tiết phí nghìn vàng danh

Cần lao đồn thổi rất nhanh

Đế vương xa giá rừng xanh sắp về

Tiếng súng ở mấy miền quê

Sao vàng cờ đỏ lời thề quyết tâm

Đêm đêm bước chân rầm rầm

Hát diệt phát xít cứu dân cứu nhà

Giang hồ trộm cướp nghe ra

Chúng thôi cướp bóc chuyển qua quân mình

Chùa chiền am miếu ngôi đình

1820.Cứu quốc quân[1] ở dân tình dâng xôi

Việt minh cài cắm tuyệt vời

Thợ hoạn, kẻ sĩ là người của ta

Lái buôn địa chủ xông ra

Chống Tây cứu đói các nhà con dân

Cộng sản khi đó ẩn danh

Các cấp uỷ đảng rất rành thời cơ

Nguyễn Khang[2] vào thành may cờ

Họp chi bộ Đảng bên bờ ao thôn

Chùa Hà nơi cầu vọng con

1830.Cầu tình tình được, cô hồn rất thiêng

Cốm Làng Dịch Vọng[3] giã nghiêng

Hạt dẹt tròn dẻo đem chiên thơm lừng

Không chờ quân lệnh từ rừng

Thời cơ đã đến ngập ngừng là thua

Tướng ở tiền duyên từ xưa

Tự quyết không phải hỏi vua làm gì

Sáng ngày Mười chín tháng Thu

Cần lao vác trống rúc tù và công

Sao vàng cờ đỏ công nông

1840.Thay cờ ba sọc ở trong các Toà

Sắt tây cuộn thành chiếc loa

Bảo an đoàn trại bị ba phát đòm

Một số nông dân bán rơm

Tiện thể phóng hoả khói thơm ngút trời

Quân Nhật thua trận xả hơi

Kệ dân đất Việt tranh đòi tự do

Làng quê tỉnh lỵ reo hò

Trống rền, gậy đập, đốt lò khói xanh

Việt Minh thực chất tranh giành

1850.Chính quyền bị cướp cũng đành chịu thôi

Cách mạng đâu phải long trời

Kiểu bắn pháo hạm của người Nga Xô

Trọng Kim[4], Bảo Đại[5] trơ trơ

Mắt nhìn có vẻ nghi ngờ Việt Minh

Tưởng Tây Sơn, Nguyễn Quang Bình

Đánh ra miền Bắc thình lình về Nam

Việt Minh sơ lược võ trang

Dùng súng bằng gỗ, đập càng kéo xe

Lòng người có rãnh có khe

1860.Giải tỏa áp bức nhất tề đứng lên

Sĩ phu đầu cầu Tràng Tiền

Mũ ni quắp má ưu phiền Nam ai

Điệu hò xứ Huế ngắn dài

Sông Hương nước chảy tượng đài trơ vơ

Chuông chùa Thiên Mụ ngẩn ngơ

Đò về Vĩ Dạ thuyền chờ Văn Lâu

Thái Hoà hương đỉnh u sầu

Hoàng thành rêu phủ hào sâu đặc bèo

Gió thu thổi hàng thông reo

1870.Quan Nguyễn Công Trứ[6] không theo kiếp người

Dự rằng chuyên chế muôn đời

Súng ầm Cửa Thuận cát bồi Lăng Cô

Tình yêu đất nước vô tư

Quan quân nhà Nguyễn không từ gian nan

Thế giới đang thời lật trang

Cộng hoà tư sản đi sang đất người

Khoẻ cưỡi đầu yếu muôn đời

Dân ngu dễ bảo dân chơi dễ lừa

Chế độ thuộc địa nhiều mùa

1880.Bên nền quân chủ dân thua xích xiềng

Núi cao bởi ánh chiều nghiêng

Leo lên lại thấy núi miền kia hơn

Lưỡi trai lệch, miệng thờn bơn

Chó mèo ngắm ngía chê lông mày dầy

Bằng nhau là món chả cầy

Kiếp người đã bị trời đầy từ lâu

Khố rợ phải nấm nát nhầu

Đổi thay cách mạng nhiều mầu mây trôi

Ỳ trệ chắc chắn bị toi

1890.Hùm thiêng sa hố theo voi sập hầm

Thượng Chi treo ấn âm thầm

Uống trà rũ áo không cầm cờ ai

Hoa Đường[7] biệt thự quả sai

Bầu đoàn no đủ tiêu xài hàng rong

Quan trường đến lúc nản lòng

Buông trôi thời thế bằng không bất kỳ

Người nhà Hữu Bài[8] giải đi

Bắn luôn hai vị quan vì hiềm xưa

Sinh ra ân oán thâm thù

1900.Nhà Ngô chấp chính bắt tù Việt Minh

Cần lao tính cách thất tình

Kiểu đa nhân cách từ bình minh lên

Giữa hai làn đạn đảo điên

Tư thù xen kẽ lê xiên xích cùm

Võ quan họ Phan tên Hàm

Biết người họ Nguyễn Hữu làm quân ta

Con cháu lặn lội khóc òa

Cụ rằng : “Lịch sử xét tra sau này

Các cháu hăng hái mê say

1910.Đi theo cách mạng có ngày thành danh”

Phó Tướng Trần Huy[9] vào Thành

Tiếp nhận Bảo Đại đầu xanh cựu hoàng

Mỗi bên nổ ba tiến đoàng

Cờ vua lên xuống, bẽ bàng ấn gươm

Cờ Ta sao béo gườm gườm

Kinh Thành Huế vẫn gió buồn nhớ nhung

Chu Xương[10] vệ sĩ yêng hùng

Cụ mời ngồi xuống cho dùng thuốc thơm

Cụ rằng : Ngựa đã tung bờm

1920.Đạn ra nòng súng đỏ ngòm nước Nam !

Ý Cụ bắt Triều đình giam

Kiểu Ăng lê phớt đã làm từ lâu

Cựu hoàng bữa cuối u sầu

Sau làm cố vấn ghế đầu Ủy ban

Hoàng cung dịch chuyển vào Nam

Chức danh Quốc trưởng quai hàm rất oai

Dẫu lìa ngó ý còn dai

Tơ hồng vương vấn tuyền đài vấn vương

“Một cơn gió bụi”[11] đau thương

1930.Trọng Kim- cựu thủ cùng đường Cao nguyên

Sài Gòn xứ sở kim tiền

Chúng dân no đủ mặt hiền như mơ

Đảng phái nhận thấy thời cơ

Rắp tâm dựng một ngọn cờ ly khai

Nam Kỳ quốc[12] lắm anh tài

Dân chủ tư sản chơi bài ngửa ra

Anh chị lọc lõi ranh ma

Bảo kê chính khách quen sa lông ngồi

Xứ uỷ Nam kỳ phục hồi

1940.Khởi binh lớp lá từ nơi bưng biền

Từ xã huyện tỉnh tiến lên

Tầm vông nhọn hoắt trống rền phủ Tây

Vũng Liêm nổi tiếng một tay

Non hai mươi tuổi bắp cày võ trang

Biệt danh chú Sáu[13] nhân dân

Bí thư huyện uỷ sau lần lần thăng

Văn Giàu[14] cao học Phờ răng

Phương Đông tu luyện ngang bằng Dân Tiên[15]

Ông về Nam bộ cướp quyền

1950.Xuống tay quá mức chẳng phiền toái ai

Tuyên ngôn công trạng một bài

Gốc địa chủ muốn ly khai song kỳ

Trát đòi Giàu phải ra đi

Sống đời học thuật số như Liệu Trần[16]

Giao thời nhiều kẻ tranh giành

Hỗn mang bát nhào trở thành phân ly

Loài người gốc ở Đông Phi

Hành hương các hướng mầu bì trắng đen

Bọn người da trắng lớn lên

1960.Bọn da màu nhám vững bền số đông,...

Út về thăm bến nhà Rồng

Nghe còi tàu hú nóng lòng nhớ Ba

Biết rằng người ấy ở xa

Đế vương còn nhớ ngày ta hẹn hò?

Thông đường nhưng vẫn phải dò

Vào tù ra khám hỏa lò nhiều nơi

Đường về có lúc Cụ ngồi

Xe con dặt dẹo như trời hành nhau

Nằm cáng quân đi trước sau

1970.Đến làng Gạ,[17] Cụ nhức đầu dừng chân

Sư bên nước Phạn lại gần

Đổi trao bùa ngải mệnh quân vương rồi

Đào Nhật Tân chúm chím cười

Năm dân chết đói lạnh trời muộn hoa

Phố phường Hà Nội nhạt nhòa

Mùa Thu se lạnh mưa sa ngập đường

Các đệ dọn dẹp tiền phương

Chọn số 48 phố phường đông dân[18]

Nhà ông tư sản Nam phần

1980.Bán buôn tơ lụa toàn tằm ăn dâu

Tầng hai gió thoảng rộng sâu

Phòng làm việc có hai đầu cửa thông

Bảo vệ mật canh rất đông

Giả làm bán báo, hàn đồng thiếc nhôm

Sáng ra tay xách nách ôm

Bó hoa tươi đẹp rượu thơm trà hồng

Cô chủ mắt hạt nhãn lồng

Được trên căn dặn chăm ông Thượng nầy

Một hôm vua nắm bàn tay

1990.Khen cô phúc lớn hậu dầy trăm năm

Giai cấp tư sản rất thâm

Ngôi nhà cho mượn chỉ tầm ngàn cây

Cháu con đòi suốt đêm ngày

Đòi đường tên bố rộng dầy dài xa

Những ngày Cụ duyệt quốc ca

Thảo Tuyên độc lập khách ra khách vào

Tuyên ngôn Mỹ Pháp dạt dào

Dân sinh, dân chủ, dân trao lợi quyền

Pát ty,  Mạnh Tường[19] được quyền

2000.Đọc dịch hiệu đính ra tuyền chữ Tây



[1] Cứu quốc quân là tên gọi chung chỉ các đội du kích chống Pháp của Việt Nam ở chiến khu Bắc Sơn trong thời kỳ 1941-1945; tháng 5 năm 1945, Cứu quốc quân đã hợp nhất với Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân, trở thành Việt Nam Giải phóng quân.

[2] Nguyễn Khang (1919-1976) là một cựu chính trị gia Việt Nam. Ông từng là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ  năm 1945, người đầu tiên quyết định và trực tiếp lãnh đạo thành công cuộc Tổng khởi nghĩa Hà Nội trong Cách mạng tháng Tám, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt.

[3] Tên nôm là làng Vòng có chùa Hà, nay phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội

[4] Trần Trọng Kim (1883 - 1953) là một học giả, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu sử học, văn học, tôn giáo Việt Nam, bút hiệu Lệ Thần từng làm thủ tướng của chính phủ Đế quốc Việt Nam vào năm 1945 (chính phủ này được Đế quốc Nhật Bản thành lập trong thời kỳ chiếm đóng Việt Nam).

[5] Bảo Đại (1913 - 1997), tên khai sinh: Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy  là hoàng đế thứ 13 và là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, cũng là vị hoàng đế cuối cùng của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam.

[6] Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) là nhà chính trị, nhà quân sự và nhà thơ thời nhà Nguyễn. Ông làm quan qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Ông nổi bật về việc khai hoang, mộ dân ở và lập nhiều chiến công trong việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy chống triều đình và trong Chiến tranh Việt–Xiêm (1841–1845). Ông viết: Kiếp sau xin chớ làm người/Làm cây thông đứng giữa trời mà reo/Giữa trời vách đá cheo leo/Ai mà chịu rét thì trèo với thông.

[7] Biệt thự bên bờ sông đào Phủ Cam, Huế.Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Phạm Quỳnh (Thượng Chi) lui về sống ẩn dật ở biệt thự.

[8] Nguyễn Hữu Bài (1863 -1935) là Thượng thư Bộ Lại trong triều đình Huế. Tướng Phan Hàm cho biết, người nhà Nguyễn Hữu Bài tham gia xử bắn ông Phạm Quỳnh. Khi làm quan hai ông Thượng thư có hiềm khích.

[9] Trần Huy Liệu (1901 -1969) là một nhà văn, nhà hoạt động cách mạng, nhà sử học, nhà báo Việt Nam. Tháng 8 năm 1945, ông dự Đại hội Quốc dân ở Tân Trào và được bầu làm Phó chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền  trong chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là chủ tịch đầu tiên của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam..

[10] Chu Đình Xương (1913 - 1985) là cán bộ cao cấp của ngành công an, từng giữ chức Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ năm 1945, Phó Giám đốc Sở Công an Trung Bộ, Giám đốc Sở Công an Nam Trung Bộ, sau chuyển ngành làm Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa. Ông kể với con ông là GS.Chu Hảo “…đoàn công tác vào Huế để tước ấn kiếm và buộc Bảo Đại thoái vị thì Bác Hồ tỏ ra không bằng lòng: “Sao các chú dại thế? Thế giới người ta đang nhìn mình “đỏ loè”, còn một chút “vàng vàng” thì các chú lại bôi cho “đỏ” nốt!”

[11] Cuốn Hồi ký do Trần Trọng Kim (1883-1953) viết năm 1949, xuất bản lần đầu tiên năm 1969 mang nội dung tóm lược quãng đời làm chính trị của ông từ năm 1942 đến năm 1949.

[12] Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ là chính thể bán độc lập tồn tại giai đoạn 1946 - 1948 tại địa phận Nam Kỳ thuộc Liên hiệp Pháp nhưng không được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận.

[13] Võ Văn Kiệt (1922 - 2008)  là nhà chính trị Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ, quê ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, Trong thời gian Khởi nghĩa Nam Kỳ ông là Huyện ủy viên, Bí thư chi bộ tại huyện Vũng Liêm.

[14] Trần Văn Giàu (1911 - 2010) là nhà hoạt động cách mạng, nhà nghiên cứu lịch sử, triết học và nhà giáo Việt Nam. Năm 1928, sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông được gia đình cho sang Pháp du học tại Đại học Toulouse với lời hứa "mang về hai bằng tiến sĩ"; giữa năm 1931, ông được tổ chức đưa sang Liên Xô học tại Trường Đại học Đông Phương. Ông làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ.

[15] Trần Dân Tiên là tác giả của cuốn tiểu sử nổi tiếng “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”. Đây cũng là tác phẩm duy nhất của tác giả Trần Dân Tiên. Có ý kiến cho rằng Trần Dân Tiên là bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

[16] Trần Huy Liệu, đã chú dẫn.

[17] Nay là làng Phú Gia (tên nôm là làng Gạ),phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ngày 23 đến 25- 1945 Cụ Hồ ở đây trên đường về Thủ đô.

[18] Nhà số 48 Hàng Ngang của ông bà Trịnh Văn Bô nằm giữa khu phố cổ, trung tâm thương mại sầm uất của Hà Nội xưa, nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, Trung ương Đảng chọn làm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu Người từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội tháng 8/1945.

[19] Nguyễn Mạnh Tường (1909 -1997) là một luật sư, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam. Năm 23 tuổi (1932) ông đỗ liên tiếp hai bằng Tiến sĩ tại Pháp, được khen ngợi là một tài năng hiếm có.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét