Thứ Ba, 15 tháng 6, 2021

Trường ca Hồ Chí Minh. Phần III. Đế Vương (2501 - 2700 )

 Trường ca Hồ Chí Minh. Phần III. Đế Vương (2501 - 2700 )

2501. Quan điểm của bên Việt Minh,

Độc lập dân tộc mưu sinh ôn hoà,

Ý thức hệ mãi mãi là:

Cơm no áo ấm nước nhà bình an,

Cực chẳng đã phải chiến tranh,

Quyết định ấy thuộc muôn ngàn người dân.

Ước mơ của tôi rất gần,

Xách bương tưới cỏ mộ phần Mẹ Cha.

Ngẹn ngào ánh mắt lệ nhoà,

2510. Anh em cấp dưới muốn òa khóc than.

Phóng viên Pa ri nhẹ nhàng,

Kể về nước Pháp phố làng bình yên,

Dân Gô-loa thích kiếm tiền,

Không ham chinh chiến ưu phiền tang gia.

Trăng non thấp thoáng rừng già,

Kiếp người chỉ muốn hài hoà yên vui!

Báo đăng, dân Pháp ngậm ngùi,

Chiến tranh thuộc địa chôn vùi ước mơ.

Mặc kệ nước thần Tự do[1],

2520.Khoe niềm kiêu hãnh chơi trò đánh nhau.

Nước Pháp không chịu ngu lâu,

Đờ-gôn[2] bỏ đất tránh ngầu Pa-ri.

 

Vùng Vịnh[3] khói lửa phún phì,

Liên quân Pháp chiến chỉ nhì nhằng thôi.

Mỹ quốc kêu ối giời ơi!

Nước Pháp truyền thống nướng người lê dương[4]

 

Ngoại kiều[5] đến Pháp đầy đường,

Tuyên ngôn độc lập một chương dân quyền.

Đánh thuê cho Pháp được tiền,

2530.Tù binh phát xít chúng liền đi theo.

Điện Biên toàn chết dân nghèo,

Giéc-manh[6] cầm súng leo trèo Mường Thanh.

Nước Mỹ khôn lâu ngu nhanh,

Can thiệp vào nước chiến tranh quen rồi[7].

Cầm quyền là lũ cực tồi,

Có nhiều quyết sách như thời man di.

Mọi rợ bạo lực làm gì?

Người hại người để bắt quỳ van xin?

Sử Việt đã bốn nghìn niên,

2540.Bạo tàn chinh chiến triền miên nước mình.

Sang thời đại Hồ Chí Minh,

Ngoại xâm rất thích chiến chinh đất này?

Cà cuống xả chất thơm cay,

Đạn bom đế quốc bừa cầy nước Ta.

Chư hầu đủ loại gần xa,

Bầy đàn linh cẩu hôi quà dã man.

Dĩ vãng đã lật nhiều trang,

Sử xanh sử đỏ sử vàng công khai.

Đời sau còn rất là dài,

2550.Quên xưa dù có đa tài vẫn hư.

Tạm thời giới tuyến phân chia,

Ai ngờ lát cắt mút mùa Ngưu Lang.

Chức Nữ đợi người tình sang,

Mưa ngâu bom đạn chàng nàng gặp nhau.

Dừa nghiêng, cao ngỏng hàng cau,

Biệt ly đôi lứa thương nhau mịt mờ,...

 

Trở về tiếp quản Thủ đô,

Cốm Vòng chính vụ chuối vừa chấm đen.

Đoàn quân bước theo điệu kèn,

2560.Khải hoàn chiến thắng qua Đền Hùng Vương.

Cha già chinh chiến dặm trường,

Thề non hẹn nước dâng hương Vua Hùng.

Đền Hạ quân tướng điệp trùng,

Giữ nước nhiệm vụ của chung dân mình[8].

 

Hà Thành trai đẹp gái xinh,

Tâm tư chiêm ngưỡng Việt minh trở về.

Toàn giai ở các miền quê,

Tác phong nếp sống ngô nghê tức cười.

Cà phê, cháo, phở, chè xôi,

2570.Vào ra ngơ ngác chào mời lơ ngơ.

Áo quần bạc phếch, bạc phơ,

Đường trần trấn thủ sờn mờ rách bông.

Trở về quê cũ ruộng đồng,

Ngàn xưa chinh chiến cha ông đã từng.

Giáp Ngọ lửa cháy bừng bừng,

Ất Mùi bách thảo trùng phùng đoàn viên.

Bính Thân Cải cách địa điền,[9]

Long trời lở đất nhiều niên rã rời.

Lộ ra tính cách giống nòi,

2580.Lông chìm đá nổi thói đời ghét nhau.

Xẻ nhà chia ruộng chung trâu,

Cối chày xoong chảo gáo gầu đem chia.

Bần nông xả tức thoả thuê,

Hăng lên đấu đá xa lìa anh em.

Dâu tố bố chồng tòm tem,

Đàn bà tố bị hiếp dâm nhiều lần.

Bị bắn có tên tụt quần,

Rằng tao không có cái chân giữa này.

Nga Tàu cộng sản thẳng tay,

2590.Rau nào sâu ấy Việt này khác xa !

Bá Cang, Sóng Đỏ tưởng là:

Đấu tranh giai cấp moi ra kẻ thù?

Lý luận cách mạng tù mù,

Đế Vương khóc nấc vội thu quân về.

Ân oán giai cấp gớm ghê,

Vượt sông Bến Hải dinh tê phục thù.

Chín năm đằng đẵng chiến khu,

Bao nhiêu người đã bỏ về làng Tây?

Nam triều có một ông thầy,

2600.Thông nho, hóng Chúa, qua tay Mỹ về.

Sống đời không kiếp phu thê,

Tròn ba mươi tuổi đã nghề đại quan.

Thượng thư biết Triều Huế tàn,

Từ nhiệm du hý địa đàng tầm sư.

Việt minh bắt tống vào tù,

Bào huynh bị bắn oán thù gỡ ra.

Đòi làm Thủ tướng nước ta[10],

Một cuộc hội kiến chia xa hai người.

Bắc Nam phân định phương trời,

2610.Bên làm Tổng thống, Bên thời Minh quân.

Sông Gianh xưa máu ngập tràn,

Nay dòng Bến Hải tương tàn đệ huynh,

Buồn cho đất nước phân tranh,

Con Rồng cháu Lạc muốn giành điều chi?

Xuống tay bất thuận, bất nghì,

Bát nước lỡ hắt đổ đi mất rồi.

Lòng dân gặp sóng lạc trôi,

Dòng ý thức hệ tiết nhồi lòng non.

Súng gươm tỷ thí sống còn,

2620.Cuộc nội ngoại chiến vùi chôn bao người.

Hai phe trợ giúp cuộc chơi,

Đạn bom ngoại quốc có nơi thử dùng.

Đế Minh tìm hướng bao dung,

Gởi cành đào thắm vượt trùng ngàn xa[11].

Nhuốm màu huyền tích Trung Hoa,

Tay chàm đã nhúng bỏ qua nhiễu điều.

Mỗi lần thay đổi vương triều,

Nghinh tân tống cựu yêu kiều tàn phai.

Dường như bế tắc đời trai?

2630.Chuyển thành tính cách hai Ngài đa nhân.

Tấm lòng yêu nước thương dân,

Quên riêng tư để đi gần, du xa.

Thích tặng nghèo khó đồng quà,

Muốn cho đất nước hài hoà nhân gian.

Nhưng trong sâu thẳm tâm can,

Mày sai tao đúng, tranh giành bá vương.

Loài người chưa bỏ thói thường,

Cả tin mình đúng chẳng nhường nhịn ai!

Đua nhau tỷ thí đức tài,

2640.Tranh điền lấn thổ bám vai siêu cường.

Đã mang vào nghiệp đế vương,

Tham lam mở rộng biên cương biển trời.

Mỹ, Xô khao khát lên đời,

Chạy đua vũ khí giết người cực nhanh.

Chủ nghĩa thực dân bất thành,

Chim câu tưởng bở ngậm cành ô liu.

Những vùng đất nước đìu hiu,

Cú nhìn sói trực thêm diều hâu bay.

Đế Minh biết trạng thái này,

2650.Bữa cơm Pắc Bó vận may đến gần.

Nhìn cách ăn uống của dân,

Xì xoạp gắp húp canh chan cơm và.

Khoảng cách văn minh rất xa,

Chăn dân hơn hẳn mái gà mớm con,...

Phương Đông hội thảo bàn tròn,

Chuyên chính vô sản sống còn ưu tiên.

Dễ như cướp được chính quyền,

Khó như gặp bão chèo thuyền ra khơi.

Vũ trang dự định khắp nơi,

2660.Kẻ nào chống đối cho toi tức thì.

Cu Ba sóng biển rầm rì,

Phi-đen cầm lái cho xì gà thơm.

Đế Minh am hiểu bát cơm,

Cho dân tư hữu ruộng vườn phần trăm[12]

Ngọn cờ hợp tác phăm phăm,

Công thương gia hiến hết tầm của riêng.

Cần lao chung một nỗi niềm,

Theo Vua dẫn bước tới miền bồng lai.

Tiên cảnh là chặng đường dài,

2670. Hôm nay định hướng độ vài trăm năm.

Con cá may mắn vượt khăm,

Cần lao ngí ngóp cá tầm rất to.

Con tôm cao hứng nhảy bờ,

Tin là tôm tướng như thơ tỏ tình

 

Hòn Ngọc Viễn Đông lung linh,

Sài Gòn trù mật dân tình nhào vô.

Trăm năm kinh tế tự do,

Làm thuê vẫn bát cơm no tối ngày.

Ruộng đồng mỏi cánh cò bay,

2680.Nước trong gạo trắng của bày bán ra.

Quốc trưởng Bảo Đại bê tha,

Rượu chè gái mú kệ cha chúng mày.

Đảng phái các loại vung chầy,

Cần lao nhân vị có tay dựng cờ.

Bào đệ Tổng thống là Nhu[13],

Đã từng giữ chức thủ thư một thời.

Học thuyết Nhân vị[14] khơi khơi,

Đằng sau đao búa bắt người tống giam.

Gia đình ngự trị miền Nam,

2690.Lối mòn cổ hủ ngang tầm hôn quân.

Giang hồ làm loạn bất thần,

Tướng tá đảo chính kéo quân vào thành[15].

 

Tướng Giáp tuổi trẻ đầu xanh,

Chăm học kế sách khi chinh chiến tàn.

Cho quân cầy cấy thôn trang,

Động viên khi có xâm lăng tràn vào.

Đệ nhất cộng hoà hô hào,

Chúng dọa Bắc tiến nhảy vào Thăng Long[16].

 

Nhân văn giai phẩm đi tong[17],

2700.Tư sản tiểu chủ toàn tòng theo Ta.



[1] Tượng Nữ thần Tự do (tên đầy đủ là Nữ thần Tự do soi sáng thế giới; tiếng Anh: Liberty Enlightening the World; tiếng Pháp: La Liberté éclairant le monde) là một tác phẩm điêu khắc bằng đồng theo phong cách tân cổ điển với kích thước lớn, đặt trên Đảo Liberty tại cảng New York. Tác phẩm này do kiến trúc sư người Pháp Frédéric Bartholdi  (1834-1904) thiết kế và được khánh thành vào ngày 28 -10 -1886. Đây là tặng vật của nhân dân Pháp gửi nước Mỹ.

[2] Charles de Gaulle (1890 - 1970) là chính khách nổi tiếng của Pháp. Ông xuất thân là một quân nhân trong Quân đội Pháp. Năm 1940, khi chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức, ông đã vượt biển sang London, lãnh đạo tổ chức "Pháp quốc Tự do", thành lập chính phủ Pháp lưu vong, ra lời kêu gọi người Pháp tiếp tục kháng chiến chống sự chiếm đóng của Quân đội phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 1958, ông thành lập nền Đệ Ngũ Cộng hòa Pháp và giữ chức Quyền Tổng thống từ năm 1959 đến năm 1969

[3] Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 (cũng gọi là Chiến tranh vịnh Ba Tư hay Chiến dịch Bão táp Sa mạc) là một cuộc xung đột giữa Iraq và liên minh 38 quốc gia do Hoa Kỳ lãnh đạo và được Liên Hiệp Quốc phê chuẩn để giải phóng Kuwait, Pháp có 2 quân nhân tử trận.

[4] Binh đoàn Lê dương Pháp (French Foreign Legion- FFL) là một đội quân được tổ chức chặt chẽ, có chuyên môn cao, trực thuộc Lục quân Pháp. FFL hiện là lực lượng tổ chức tuyển mộ mạnh nhất thế giới thông qua Internet. Binh đoàn lê dương thành lập năm 1831, đến nay vẫn duy trì 8000 người thuộc 36 quốc tịch, trong binh đoàn không phân biệt chủng tộc.Ngoài tiền lương, thân nhân lính Lê Dương có thể được nhận tới 300.000 Euro khi tử nạn.

[5] Năm 2008, ước tính gần 20% dân số Pháp là người nhập cư thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai, trong đó có trên 5 triệu người gốc Âu và 4 triệu người gốc Bắc Phi, Châu Á,...

[6]  Khoảng 1.200 đến 1.300 người Đức chủ yếu là tù binh phát xít đã tham chiến tại Điện Biên Phủ, trong tổng số hơn 15.000 binh sĩ quân đội Pháp.

[7] Tới năm 1954, 73% chiến phí của Pháp ở Đông Dương là do Hoa Kỳ chi trả, 37 phi công Mỹ mất ở trận Điện Biên Phủ.

[8] Tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng (thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong (Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

[9] Năm 1956. Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam là chương trình nhằm phân chia lại ruộng đất nông thôn, xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu diệt các thành phần phản quốc (theo Pháp, chống đất nước), phản động (chống chính quyền) như địa chủ phản cách mạng, Việt gian, cường hào cộng tác với Pháp... được Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện vào những năm 1953-1956.

[10] Ngô Đình Diệm bị giam tại tỉnh miền núi Tuyên Quang ít lâu rồi được trả tự do theo lệnh ân xá vào đầu năm 1946. Hồ Chí Minh mời Ngô Đình Diệm giữ chức thủ tướng vì cho rằng ông có tài lãnh đạo. Ngô Đình Diệm trả lời rằng ông chỉ đồng ý lời mời đó với điều kiện ông được Việt Minh thông báo về tất cả mọi hành động và biết riêng mọi quyết định của họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chối yêu cầu này do đó Ngô Đình Diệm từ chối hợp tác với Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh vẫn giao cho ông làm phụ tá của Bảo Đại, là cố vấn tối cao của Chính phủ

[11] Tết Quý Mão năm 1963, thông qua Ủy hội Quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi mang vào tặng Tổng thống Ngô Đình Diệm một cành đào.

 [12]  Các hộ dân miền Bắc Việt Nam sau khi giao đất vào hợp tác xã thì được HTX trích lại 5% quỹ đất giao cho các hộ nông dân được tự chủ phát triển kinh tế, trồng rau, hoa màu, lương thực.

[13] Ngô Đình Nhu (1910-1963) là một nhà lưu trữ và một chính trị gia Việt Nam Cộng hoà. Ông nổi tiếng với danh nghĩa là cố vấn chính trị cho anh mình là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm; tuy nhiên, hầu hết các tài liệu lịch sử đều nhận định ông mới thực sự là người đề ra mọi chủ trương, chính sách của nền Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam.

[14] Đảng Cần lao nhân vị Việt Nam, chính đảng hoạt động tại Việt Nam Cộng hòa từ 8/8/1954 đến 1/11/1963 do Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu thành lập vào cuối năm 1954 tại Sài Gòn mà dựa trên sự kết hợp chủ thuyết chính trị  Nhân vị (Personalism) của triết gia người Pháp Emmanuel Mounier và Nho giáo của Khổng Tử. Đảng Cần lao Nhân vị theo dẫn giải của Ngô Đình Nhu đã được đề ra để làm ý thức hệ trung dung giữa tập thể chủ nghĩa của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản với cá nhân chủ nghĩa của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản.

[15] Chế độ Ngô Đình Diệm (Đệ nhất cộng hòa) gặp nhiều đối lập không phải là cộng sản, từ năm 1957 đến năm 1962, Ngô Đình Diệm nhiều lần bị ám sát nhưng đều may mắn thoát chết. Hai vụ đảo chính Ngô Đình Diệm năm 1960 và đến 1-11-1963 thì nhóm tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa lật đổ chế độ, sát hại anh em Tổng thống.

[16] Chế độ Mỹ- Diệm từng từng hô hào "Bắc tiến, lấp sông Bến Hải, nhẩy dù Thăng Long”.

[17] Phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm là một phong trào văn hóa mang xu hướng chính trị của một số văn nghệ sĩ, trí thức sống ở miền Bắc dưới chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khởi xướng đầu năm 1955 và chính thức bị kết thúc vào tháng 6 - 1958. Phong trào ra ấn phẩm Nhân Văn ra được 5 số báo và Giai Phẩm ra được 4 số báo (Tháng Ba, Tháng Tư, Tháng Mười và Tháng Chạp 1956) trước khi phải đình bản.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét