Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2021

Trường ca Hồ Chí Minh. Phần III. Đế Vương (2301- 2500)

 Trường ca Hồ Chí Minh. Phần III. Đế Vương (2301- 2500)

++++

2301.Chiến dịch quân sự khắp nơi,

Hùm gầm, voi xéo tàn rơi lửa bùng.

Pháp chiếm biên giới Việt-Trung,

Binh đoàn mãnh hổ Sác tông[1] đóng đồn.

Mao quân run rẩy bồn chồn,

Tiện tay Pháp dắt bò non của Tầu.

Đường Bốn, Văn Việt[2] cực ngầu.

Trung đoàn Hổ xám đánh nhau đêm ngày.

Công kiên đồn bốt của Tây,

2310. Thuốc nổ nhồi ống thành cây sào dài.

Đế Vương sức vóc dẻo dai,

Vuốt râu ra trận lên đài chỉ huy.

Việt minh thắng trận Đông Khê,

La Văn[3] chặt đứt tay thề xung phong.

Dường như Cụ đã thuộc lòng,

Thế trận kinh điển Tây Đông đã từng.

Giáp tướng định chiếm một vùng,

Vĩnh Yên[4] cửa ngõ Pháp dùng pháo binh.

Na pan dội xuống rất kinh,

2320. Trận này địch giết Việt minh khá nhiều.

Lệ thường thua trận tướng tiêu,

Ta rút kinh nghiệm chỉ điều chỉnh quân.

Nam Bộ và xứ Trung phần,

Địch ta giao chiến lúc gần khi xa.

Ý đồ của tướng Na va[5],

Dựng xây cứ điểm mái nhà Đông Dương.

Đoàn quân Tây Tiến[6] can trường,

Bắc Lào chinh phạt xẻ đường núi cao.

Rừng cây gió thổi lao xao,

2330. Gặp địch thì ít hổ nhào thì đông.

Nấm mồ viễn xứ nhớ không?

Dọc ngang Tây Bắc sang Phông -xa- lỳ…

Thư giãn Cụ cưỡi ngựa đi,

Vào rừng săn thú súng tỳ chạc cây.

Tiếng đòm khói tỏa lên mây,

Chưa bao giờ trúng cáo cầy, chồn hoang.

Đệ tử bồi thêm tiếng đoàng,

Thịt quay bữa tối đón vầng trăng lên.

Cõi trần lắm lúc như tiên,

2340. Đế vương mang tính Thánh hiền nhiều đâu?

Giáp tướng mơ mộng tình đầu,

Tâm tư với Bác tình sâu thuở nào.

Chiến tranh mất liễu, hết đào,

Giống nòi ta biết thả vào đúng nơi ?

Tuổi Bác chớm ngoại sáu mươi,

Đêm ngày ắt phải có người gối chăn.

Bác cười trán giãn vết nhăn,

Cuộc đời tranh đấu phúc phần đem chia.

Buông câu trên bến ngòi Thia[7],

2350. Bơi thuyền sông Đáy nhớ về cố nhân.

Binh đao khói lửa mau tàn,

Bến Rồng ước hẹn với nàng Út xinh.

Ra đi mang một dấu tình,

Ngựa xe lối cũ chỉ mình với ta.

Trời tuy có mắt nhưng xa,

Trái tim thầm vọng "Anh Ba hẹn về"

Diễm tình nâng đỡ lời thề,

Chân tình hun đúc đam mê việc lành.

Đồn rằng bà chị tên Thanh,

2360. Đi xem bói số cậu Thành quả nhân.

Chỉ vì đế quốc xâm lăng,

Chối từ thỉnh nguyện tấm bằng Soóc- bon[8].

Không phục chức nha cỏn con,

Để cha phiêu bạt sườn non xình lầy.

Yêu sách Thuộc địa tập dầy,

Các bên hội họp Véc-xây[9] chối từ.

Con giun cái kiến nát nhừ,

Quằn lên chinh chiến không trừ gian nan.

Bờ đê nước lũ ngập tràn,

2370. So găng bạo lực phá tan xích xiềng.

Nước Pháp mê mẩn kim tiền,

Pa ri kiêu hãnh nỗi niềm sông Xen.

Quốc kỳ Pháp ngả màu đen,

Mỗi lần thua trận chao đèn để tang.

A dua theo kiểu dưa gang,

Thấy cà đỏ đít vội vàng đỏ trôn.

Pa ri hoa lệ hút hồn,

Tinh hoa nhân loại đổ dồn về đây.

Viễn chinh làm mẹ làm thầy,

2380. Sớm quên hận Đức xéo dày Kinh đô.

Các bên thắng Nooc-man-di[10],

Quay sang xâu xé ăn chia nước mình.

Sa lầy thế trận Việt minh,

Quyết giành độc lập chiến chinh trường kỳ.

Tam anh được Cụ phân chia:

Giáp Văn quân sự, Chinh thì đề cương,

Chú Đồng kiến thiết dân thường,

Lập pháp, hành pháp hai chương một người.

Sắc lệnh ban ra ít lời,

2390. Còn nguyên giá trị mấy đời thần dân.

Đế Vương bật mực cầm cân,

Dẫu vào tình thế, đúng phần nhiều hơn.

Chính phủ Kháng chiến rất khôn,

Chiêu dụ địa chủ nuôi cơm quân mình.

Xây dựng biệt động nội thành,

Vận đồ về tận rừng xanh núi ngàn.

Trấn áp cộm cán Việt gian,

Bất ngờ nổ súng dụ hàng tính sau.

Đế vương giải toả u sầu,

2400. Xách bương, dắt trẻ tưới rau vườn rừng[11].

Than hồng lửa cháy tửng tưng,

Nướng ngô tiếp khách tối thường thịt quay.

Gió ngàn vui sướng mê say,

Quân đi quân đến suốt ngày chiến khu.

Tướng Pháp đánh quả tù mù,

Non cao cứ điểm nhảy dù Mường Thanh[12].

Tưởng rằng núi đỏ, rừng xanh,

Việt minh chân đất khó giành thế công,...

Vào hầm Tổng thống thực lòng:

2410. Chửi thề thế trận của ông cha mình,

Ngu thì thua đứt Việt minh,

Mít-tơ-răng[13] đã thình lình nói ra,...

Xung trận hát Tiến quân ca,

Vinh quang xây xác quân ta, quân thù.

Cụ buồn chê báo chí ngu:

Chết nhiều đừng nói, bắt tù phải tăng,

Tấm gương đuổi bắt xe tăng,

Đuốc sống,chèn pháo nên đăng vừa vừa,

Muốn đánh giặc Pháp chịu thua,

2420. Cô chú báo chí đừng lừa nhân dân.

Ngoại giao rộng cửa hội đàm,

Sẵn sàng ngưng chiến để làm bạn nhau.

Giới sử nước Pháp về sau,

Tiếc cho thế lực đứng đầu Pa-ri,

Hòa bình, nước Việt sẽ đi,

Theo đường Ánh sáng xiết ghì bàn tay,

Cùng khối Pháp ngữ dựng xây,

Lợi quyền hai nước ngày ngày tăng lên,

Cả hai cùng đong đẫy tiền,

2430. Sông Hồng nước đỏ Sông Xen xanh mầu.

 

Liên quân do Mỹ đứng đầu,

Triều Tiên bốc hoả gọi Tầu tràn sang.

Các bên dừng ở ngôi làng,

Bàn Môn ký kết cấm sang cấm về.[14]

Dẫu chưa cắt máu ăn thề,

Ta chống lại phía bên kia Nam Hàn.

Miền Trung đất Việt gian nan,

Lê dương Hàn quốc moi gan dân lành.

Miền Bắc quân Kim Nhật Thành[15],

2440. Lái tàu bay Mig đoành đoành tầng không.

Giang hồ ân oán trong lòng,

Máu dân các phía ròng ròng đất Ta.

Sợi chỉ đế vương vạch ra,

Độc lập thống nhất nước nhà nổi lên.

Đánh đuổi Pháp phải ưu tiên,

Lửa tàn chinh chiến tính liền bước sau.

 

Chiến dịch Điện Biên bắt đầu:

Him Lam, Độc Lập[16] đánh nhau đúng bài.

Trần Canh[17] tướng Tào đẹp giai,

2450. Khuyên Giáp dàn trận ngang dài xông lên.

Việt Minh tính kiểu chắc bền,

Đánh lấn phải thắng,võ biền là thua.

Mường Thanh chính ngọ ban trưa,

Quả đồi sụt lún tiếng hò xung phong.

Hai tháng máu chảy thành sông,

Xác ngẽn Nậm Cúm chiến công lẫy lừng.

Pa-ri hoa lệ rưng rưng,

Một chiều ảm đạm xem chừng bỏ cơm.

Sợ nhất Việt minh sẽ đòm,

2460. Bêu đầu Đờ Cát[18] mắt nhòm về Tây.

Bắc Phi cũng có một ngày,

Nín thở chờ đợi bàn tay khoan hồng.

Các bên hội họp tranh công,

Sói hùm nước lớn mề lòng tối tăm.

Tham lam gieo rắc hờn căm,

Phân chia nước Việt toan cầm tù nhau.

Thế giới tăm tối cái đầu,

Đông Tây nước Đức thêm chầu Á Đông.

Đài Loan một cõi xa trông,

2470. Triều Tiên cắt giữa, Ta sông chia bờ.

Lái súng chúng chỉ mong chờ,

Bán nhiều hàng nóng lãi lờ tăng cao.

Đòi như Bá Lanh[19] năm nào,

Vải nhung kéo đổ tường cao kẽm dầy ?

Dân chủ không thích giả cầy,

Củ mài thách đố đất dầy thuổng mai.

Đấm bàn có một anh trai,

Triệu Phong[20] là đất hun tài đúc tâm.

Rằng: tay chắc chắn phải cầm,

2480. Súng gươm chiến nhị thập năm mới dừng.

Đế vương nghe thấy rất mừng,

Mời anh ra Bắc lên từng đỉnh cao.

Quyền hành Đại hội đã trao,

Nhà sàn Cụ hóng, bờ ao buông cần.

 

Chiến khu vào độ thu phân,

Trám bùi mật ngọt cam phần vàng tươi.

Đai hội thành công tuyệt vời,

Chức Chủ tịch Đảng[21] đời đời không thay.

Đuốc hoa lửa trại mê say,

2490. Van-xơ chàng lướt nhớ ngày sông Xen.

Nước Pháp cử một phóng viên,

Chuyện về cuộc chiến sang phiên lụi tàn.

Tiếng Tây Cụ nói ngang hàng,

Nhớ đồng quê Pháp nắng tràn màu nho.

Thích chuyến xe ngựa hẹn hò,

Rung reng lục lạc như đò sông Lam.

Phóng viên hỏi ý Việt Nam,

Thể chế đất nước, cách làm ra sao?

Châm thuốc nâng ly lên cao,

2500. Cụ rằng hai nước đổi trao chân tình,



[1] Trung tá Pierre Charton, chỉ huy Binh đoàn Pháp tại Chiến dịch Biên giới thu đông 1950.

[2] Đặng Văn Việt (sinh năm 1920) là một cựu trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông nguyên là trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174- một trong 3 trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông từng được người Pháp mệnh danh là "Hùm xám đường 4" do thành tích chỉ huy đơn vị mình trong Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, bắt sống cả hai chỉ huy binh đoàn Pháp là các Trung tá Marcel Lepage và Pierre Charton.

[3] La Văn Cầu (sinh 1932) là một sĩ quan cấp Đại tá. Ông là một trong bảy người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tại Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần I. Trong chiến tranh Đông Dương, từ năm 1948 đến năm 1952, La Văn Cầu đã tham gia chiến đấu 29 trận. Trong Trận Đông Khê năm 1950, La Văn Cầu nhờ đồng đội dùng lưỡi lê chặt đứt cánh tay phải bị thương và tiếp tục chiến đấu. Ông dùng tay trái ôm bọc phá đánh mở đường.

[4] Trận Vĩnh Yên là một trận đánh quan trọng của Chiến dịch Trần Hưng Đạo diễn ra từ ngày 13 đến 17 -1- 1951. Đây là trận đánh có quy mô cấp trung đoàn trong Chiến tranh Đông Dương giữa lực lượng của Liên hiệp Pháp và Quân đội Nhân dân Việt Nam. Lực lượng quân đội khối Liên hiệp Pháp, do Đại tướng Jean de Lattre de Tassigny làm Tổng chỉ huy, đã thành công trong việc ngăn chặn ý đồ chiếm giữ thị xã Vĩnh Yên của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng chỉ huy.

[5] Henri Eugène Navarre (1898 -1983) là tướng của quân đội Pháp. Ông đã tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất, Chiến tranh thế giới thứ hai và là chỉ huy thứ 7 của Quân đội viễn chinh Pháp vùng Viễn Đông trong Chiến tranh Đông Dương. Navarre là tổng chỉ huy quân Pháp trong thời gian diễn ra trận Điện Biên Phủ.

[6] Trung đoàn 52 Tây Tiến, thường gọi là Trung đoàn Tây Tiến, là một trung đoàn của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Kháng chiến chống Pháp. Binh sĩ gồm nhiều thành phần, ở nhiều vùng quê. Mặt trận của Trung đoàn trải từ Bắc Lào đến Tây Bắc, đồng bằng Bắc bộ Việt Nam,... Năm 1948, nhà thơ Quang Dũng đã viết bài thơ Tây Tiến nổi tiếng về đoàn quân Tây Tiến. Trên tấm bia ghi chiến tích trung đoàn Tây Tiến đặt tại tỉnh Hòa Bình có tạc 10 câu thơ trong bài.

[7] Địa danh ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là lưu vực sông Phó Đáy. Sông có chiều khoảng 170km, chảy qua địa phận các tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc rồi đổ vào sông Lô ở TP. Việt Trì (Phú Thọ) với lưu vực khoảng 1.610km2.

[8] Danh từ Sorbonne (La Sorbonne) thông thường được dùng để chỉ Đại học Paris hay một trong các đại học kế nhiệm. Từ "Sorbonne" thực ra đã được dùng với nhiều nghĩa khác nhau trải qua nhiều thế kỷ. Ngày 6 -7 -1911, sau hơn 1 tháng đi biển, tàu cập cảng Marseille, Pháp.Tại Marseilles, anh Ba đã viết thư đến Tổng thống Pháp, xin được nhập học vào Trường Thuộc địa, trường chuyên đào tạo các nhân viên hành chính cho chính quyền thực dân, với hy vọng "giúp ích cho Pháp". Thư yêu cầu của anh bị từ chối và được chuyển đến Khâm sứ Trung Kỳ ở Huế.

[9]  Lâu đài Versailles ở Paris. Yêu sách của nhân dân An Nam còn gọi là Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam là bản yêu sách được gửi ngày 18 - 6 -1919, của Hội những người An Nam yêu nước, gồm tám điểm được viết bằng tiếng Pháp, được ký bằng cái tên chung là "Nguyễn Ái Quốc" và gửi tới Hội nghị Hòa bình Versailles.

[10] Cuộc đổ bộ của quân đội khối Đồng minh vào các bãi biển vùng Normandie ngày 6 - 6 -1944, còn gọi là Trận chiến vì nước Pháp.Đây là cuộc tấn công từ biển vào đất liền lớn nhất trong lịch sử, với hơn 150.000 quân lính của Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada cùng với quân kháng chiến Pháp, Tiệp Khắc, Ba Lan, Bỉ, Hà Lan, Na Uy, theo các chiến hạm lớn nhỏ từ miền nam Anh Quốc kéo vào đất Pháp lúc bấy giờ đang nằm dưới sự kiểm soát của quân Đức Quốc Xã.

[11] Ý Bài thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1949 ở Chiến khu Việt Bắc dịch: Đường non khách tới hoa đầy/Rừng sâu quân đến tung bay chim ngàn/Việc quân việc nước đã bàn/Xách bương dắt trẻ ra vườn hái rau.

[12] Cánh đồng thuộc tỉnh Điện Biên nay. Ngày 2 -11- 1953, Navarre đã chỉ thị cho Cogny từ ngày 15 -20- 11, chậm nhất là ngày 1-12-1953, phải đánh chiếm Điện Biên Phủ để thiết lập một điểm ngăn chặn bảo vệ cho Thượng Lào. Cuộc hành binh đánh chiếm Điện Biên Phủ có bí danh là "Hải Ly" (Cuộc hành quân Castor), chỉ huy là tướng Jean Gilles. Ngày 20-11-1953, lúc 11 giờ sáng, 63 chuyến máy bay C-47 Dakota thả 3.000 lính dù và chiến cụ các loại xuống Điện Biên Phủ.

[12] François Maurice Adrien Marie Mitterrand (1916- 1996) là Tổng thống Pháp từ năm 1981 đến năm 1995 với tư cách là đại diện của Đảng Xã hội. Từ ngày 9 -11 tháng 2 năm 1993 ông đến Việt Nam, thăm chiến trường Điện Biên Phủ, Tổng thống lặng lẽ ngắm hồi lâu khắp những vật dụng chiến tranh đã nhuốm màu thời gian.

 

 

[14] Bàn Môn Điếm là một ngôi làng nằm giữa tỉnh Gyeonggi thuộc Hàn Quốc và tỉnh Hwanghae Bắc thuộc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, là giới tuyến phân cách Triều Tiên và Hàn Quốc. Tại đây, vào năm 1953, Hiệp định Ngừng bắn của Chiến tranh Triều Tiên được ký kết. Tòa nhà nơi Hiệp định được ký kết vẫn còn tồn tại đến ngày nay, mặc dù nó nằm ở phía bắc giới tuyến, nằm giữa Khu phi quân sự Triều Tiên 

[15] Kim Il-sung (1912 -1994), Kim Nhật Thành. là nhà lãnh đạo đầu tiên (1948) của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (còn gọi là Triều Tiên hoặc Bắc Triều Tiên) từ khi thành lập nước này đến khi ông qua đời vào năm 1994, là Lãnh tụ của Đảng Lao động Triều Tiên. Từ năm 1966-1968,khoảng 200-400 lính Bắc Triều Tiên, bao gồm khoảng 90 phi công, được cử chiến đấu gần Hà Nội chiến đấu, hiện còn 14 mộ quân nhân ở Bắc Giang.

[16] Đúng 8 giờ sáng ngày 13/3/1954, những viên đạn sơn pháo của quân Việt Nam bắn vào sân bay Mường Thanh làm hai chiếc máy bay Đacôta của quân Pháp vừa hạ cánh xuống đây bị bốc cháy. Đó chính là những viên đạn đầu tiên mở màn của Chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài suốt 55 ngày đêm.

Đến 17 giờ 05 phút chiều ngày 13/3/1954, 40 khẩu pháo 75 -120 ly đồng loạt nhả đạn vào các vị trí của quân Pháp trong cứ điểm Him Lam, quân Việt Nam xuất kích bắt đầu trận đánh mở màn của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

16 giờ 45 phút ngày 14/3/1954, quân Việt Nam nổ súng đánh đồi Độc Lập. Trận đánh kéo dài đến 6 giờ 30 phút sáng ngày 15/5/1954 thì kết thúc.

Jean Charles Clement Piroth (1906- 15 tháng 3 năm 1954), Trung tá quân Pháp, chỉ huy trưởng pháo binh của Binh đoàn tác chiến Tây Bắc, từng tuyên bố hùng hồn "Tôi có nhiều đại bác hơn số tôi cần",nhưng đã xấu hổ tự sát sau khi nhận ra tình cảnh bế tắc không thể chống lại được lực lượng pháo binh đối phương tại trận.

Sáng ngày 17/3/1954, thấy quân Việt Nam chuẩn bị tấn công, quân Pháp ở Bản Kéo sợ hãi bỏ chạy. Trung đoàn 36 của ta không cần phải nổ súng đã chiếm được Bản Kéo và thừa thắng tiến vào chiếm các ngọn đồi ở phía Bắc sân bay Mường Thanh.

[17] Trần Canh (1903 -1961), là một Đại tướng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc  Ngày 7 tháng 7 năm 1950, Trần Canh dẫn đầu đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc gồm 14 người sang giúp Quân đội nhân dân Việt Nam đánh Pháp.

[18] Christian Marie Ferdinand de la Croix de Castries (1902 -1991) là một sĩ quan chỉ huy cấp tướng người Pháp tại trận Điện Biên Phủ năm 1954.

[19]  Bức tường Berlin chia cắt phần Tây Berlin của Tây Đức với phần phía Đông của thành phố và với lãnh thổ của nước Cộng hòa Dân chủ Đức bao bọc chung quanh Tây Berlin từ ngày 13 -8 -1961 đến ngày 9 -11 -1989. Bức tường này là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh và của việc chia cắt nước Đức

[20] Huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị quê hương ông Lê Duẩn (19071986) còn gọi là Ba Duẩn, ông là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1960-1986, từ năm 1960- 1976 gọi là Bí thư thứ nhất

[21] Chủ tịch Đảng Cộng sản Việt Nam (chức vụ này duy nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm giữ từ Đại hội Đảng lần 2 năm 1951 đến khi qua đời năm 1969)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét