Thứ Tư, 16 tháng 6, 2021

Trường ca Hồ Chí Minh. Phần III. Đế Vương (2701-3000 )

 Trường ca Hồ Chí Minh. Phần III. Đế Vương (2701-3000 )

++++

2701.Hưu chiến sức dân nở hoa,

Kết quả khác loại bất hoà tăng lên.

Toan tính của mỗi một Bên,

Như Đông Tây Đức giống Triều Tiên kia.

Đế Minh rất sớm ngộ ra,

Giang sơn một cõi phải là đấu tranh.

Miền Nam đậu phộng đậu nành,

Năng suất cao ngật giật giành thế công.

Lê nin thiết chế công nông,

2710. Kêu gọi tư sản giúp đồng bào Nga.

Quản lý kinh tế hài hoà,

Năng suất tư bản phải là ưu tiên.

Đổi mới cách chia đồng tiền,

Chúng dân no đủ cầm quyền đủ no.

Giàu có chỉ được tự do,

Trong tầm cương toả, tránh trò cướp cơm.

Học phượt, hành sượng bờm xơm,

Sinh ra một lũ lôm côm bất tài.

Một buổi Cụ thuyết trình dài,

2720. Quan chức gật gật nghe bài sấm thôi.

Sáu Búa[1] nhận mình thiên lôi,

Thực ra là bậc bề tôi thượng quyền.

Sóng Đỏ lúc trẻ tiêu tiền,

Xông xênh một chút mơ miền đế vương.

Chú Đồng chịu khó chịu thương,

Giai quê lấy gái phố phường, hiền khô.

Ngủ trên nguyệt quế thơm tho,

Giáp Văn ngự phủ cực to Ba Đình.

Khôn đâu đến trẻ em xinh,

2730. Dại đâu đến bậc đế minh giang hồ.

Lại thêm ông Tố[2] làm thơ,

Xuân Thu Tết đến tôn thờ Đế vương.

Chín năm công trạng chiến trường,

Nghĩ mình tài giỏi chẳng nhường nhịn ai !

Lòng tay Phá luân thiên tài,

Mu tay lố bịch diễn hài líu lo.

Nã thua trận Oa téc lô,

Chỉ vì cố đấm xua lùa Liên quân.

Thống chế Ăng lê xuất thần,

2740. Nã phá luân bại, mộ phần đảo xa.

Ếch chết tại miệng ba hoa,

Mái mơ cục tác trứng và miệng trăn.

Ếch tìm cua để nuốt ăn,

Ngoé kêu thảm thiết thợ săn kịp thời,

Bắt trăn rắn bỏ vào nồi,

Sinh tồn có cánh được trời ban cho.

 

Quê hương văng vẳng điệu hò

Sông Lam nước biếc núi cờ cỏ may

Cu đơ[3] bùi ngọt mê say

2750. Chè vườn thơm mát khoai đầy nồi hông

Tuổi thơ tắm ở bến sông

Chơi trò đuổi bắt tồng ngồng rất vui

Nhớ mẹ yếm thắm tươi cười

Thoi đưa khung cửi cơm mời sớm trưa,...

Cha mang phận thân cư thê

Ngoại gốc đất Bắc triền đê Sông Hồng[4].

Tuổi thơ tên gọi Cung, Coong,

Chào đời khi núi toác lòng phân đôi.

Nước chảy như bò đái thôi,

2760. Nam Đàm sinh thánh cho trời Việt Nam[5].

Đồ Nghệ giải nghĩa, tọa đàm,

Tính bước ấu Chúa, Sào Nam đỡ đầu[6].

Khác cha không phải chăn trâu,

Chỉ đi kiếm củi, thả câu đầm hồ.

Lin - côn[7] đi hết tuổi thơ,

Đọc sách, bổ củi đợi chờ phao trôi,

Lên làm Tổng thống tuyệt vời,

Giải phóng nô lệ cứu người da đen,...

Hầu như các bậc quan trên,

2770. Tính cách khác lạ ở miền tuổi thơ:

Đinh tiên lúc trẻ thích cờ[8],

Cỏ lau trận giả, giết bò thật ăn.

Lưu Bị hai mắt rất căng,

Nhìn tai thấy nốt ruồi bằng hạt ngô.

Hít le ngồi đến nhiều giờ,

Giết sạch đàn kiến bằng trò búa đao.

Hồ Thơm mắt sáng như sao,

Tắt đèn uống rượu khách nào cũng kinh.

Gia Long từ thuở bình sinh,

2780. Thích xem cày cuốc, hay rình bẫy chim.

Tào Tháo đưa não về tim,

Ngửa mặt cười nấc, phải tìm đường lui.

Nếu không quá nặng bệnh cùi.

Vần thơ Hàn Mạc[9] chẳng mùi mẫn chi...

Đường vào xứ Huế chân đi,

Qua đèo vượt suối tuổi thì thiếu niên.

Bố làm quan nhỏ vừa tiền,

Dân nghèo tạp dịch phu phen đói mờ.

Kinh Thành một thoáng mộng mơ,

2790. Còn lại nhiều góc xẩm sờ mưu sinh.

Đồn rằng những lúc một mình,

Chàng hay tĩnh toạ khai minh tâm hồn.

Tường kinh thành Huế rêu buồn,

Điệu hò xưa cũ mỏi mòn sông Hương.

Khi lên đến bậc đế vương,

Nhớ quê Người thích món tương ớt cà.

Anh, Chị khăn gói bu gà,

Thăm em giữa lúc nước nhà cam go.

Chị rằng "Dân chúng chửi o,

2800. Vò xé ảnh cậu bỏ lò nhóm than"[10]

Huynh trưởng: chú gắng bình an,

Anh đưa mộ mẹ đặt ngang núi rồi,

Phong thủy anh xem đúng nơi,

Một sư nước Phạn cho lời khuyên hay,

Có người từ trong miền Tây,

Nhắn rằng mộ chí của thầy hợp long,

Chị về nhà Tổ thuận tòng,

Con đường lãnh tụ hanh thông vững vàng".

 

Chị bấm anh Cả nhẹ nhàng:

2810."Thời gian dội nước phũ phàng cậu em

Giá như lật áo lên xem

Phải có nốt đỏ mới êm ấm lòng".

Ngũ thập niên có vài dòng,

Tài cao khác lạ, đức không thể nhầm.

Chuyện riêng là cõi âm thầm,

Chuyện công nhiều vụ vẫn nhầm lẫn trôi.

Thường dân lắm chuyện lôi thôi,

Cung đình bí ẩn cuộc đời đế vương!

 

Lần đầu về thăm quê hương,

2820.Cha già vẫn nhớ ngày thường ấu thơ,

Lối mòn nhà ngoại cỏ bờ,

Gió Lào thổi bốn chục mùa tàn phai,

Cau cao thân mốc quả sai,

Vườn hoang cỏ dại tre gai xoắn cành,

Vừa qua một cuộc chiến tranh,

Dân làng ly tán đất thành vô cư.

Đế Minh xao xuyến tâm tư,

Chỉ rào dâm bụt lối xưa chỗ này[11].

Giang sơn còn một cánh tay,

2830.Nỗi buồn chia cắt đến ngày nào tan?

Tin đế vương về thăm làng,

Dân tràn ra ngõ hô vang đất trời:

"Muôn năm vạn tuế" đây rồi !

Nhìn quanh chỉ nhớ vài người ấu thơ.

Hàn huyên tay bắt, tay sờ,

Dái tai mắc lưỡi câu giờ sẹo đây.

Tiếng Nghệ theo gió bay bay,

Đế cười ngữ điệu tròn đầy âm vang.

Lần hai trở lại xóm làng,

2840.Cũng là lần cuối nắng tràn đồng quê.

Anh em ruột thịt đã về,

Bên  phần mộ Mẹ núi kia, rú này.

Miền Nam trong cả vòng tay,

Trái tim đập nhớ những ngày yêu thương.

Lục thập tính khí thất thường,

Riêng tư sâu kín khó lường hiểm nguy.

Quyết sách, thăng giáng, xét truy,

Theo phân tâm học chỉ vì bế kinh:

Tổng thống nước Mỹ đa tình,

2850.Trăng hoa lả lướt, vợ xinh vẫn thừa.

Khủng hoảng tên lửa Cu Ba

Hai bên nghinh chiến Mỹ, Nga muốn đòm.

Nhiều lần cãi lộn om xòm,

Nhà trắng bố trí cho ôm chân dài.

Ken-nơ-đi[12] được xả hơi,

Vào phòng Bầu dục họp cười nói vui.

Phi-đen[13] chiến thắng ngậm ngùi,

Vợ bỏ sang Mỹ, trống dùi cách xa.

Chiến hữu tàu Gơ-ran-ma[14],

2860.Tìm nữ đồng chí mát-xa cho Người.

Hòn đảo thơ mộng vui tươi,

Tự do thân thể biển trời đẹp xinh.

Ngày đi Vạn lý Trường chinh,

Ông Mao khao khát diễm tình hành quân,

Gặp nàng kỹ nữ Giang Thanh[15],

Làm cho lò lửa chiến tranh nguội tàn.

Có nam có nữ nên xuân,

Có xôi có thịt có phần trẻ em.

Đế vương nào cũng bị kèm,

2870.Khỏe đường ong bướm được thêm nhiệm kỳ.

Nhiều vua tặc lưỡi quên đi,

Mẹ gà con vịt ru ri lộn sòng.

Đế Minh không thể nóng lòng,

Tình xưa ở bến Nhà Rồng rất xa.

Mối tình hải ngoại bôn ba,

Bèo trôi về bến phù sa êm đềm.

Các chú bảo vệ gác đêm,

Thấy bên bếp lửa có thêm một người,

Lão thủy thủ đã một thời,

2880.Bôn ba hải ngoại được mời đến thăm,

Hai Cụ đưa tay chống cằm,

Chuyện xưa đất khách âm thầm với nhau.

Người thường thấm nhẹ nỗi đau,

Đế vương cô quạnh buồn sầu quả nhân.

Tìm người nâng gối sửa chăn,

Quẩn quanh giúp việc nhậm nhằng sớm khuya.

Đế buồn phụ nữ nước ta,

Vô ý vô tứ đi ra đi vào.

Áo quần phơi ở bờ rào,

2890.Lối đi của khách chỗ chào hỏi nhau.

Một hôm nheo mắt mày chau,

Thẳng thắn bảo đệ thôi chầu mỹ nhân[16].

Tử vi Bác sống độc thân,

Việc riêng có lẽ tự mần lấy thôi.

Một lần chuyện phiếm vui tươi:

“Trên rốn đúng tuổi, dưới thời trẻ trung,

Bác bận nhiều việc của chung,

Chậm chồng muộn vợ xin đừng học nhau”.

Cần lao thương xót nỗi đau,

2900.Đế vương không có tí nhau nối dòng.

Chuyện này vẫn chưa thể xong,

Bên Tầu mai mối lòng thòng se duyên.

Lâm Lan Trung ương ủy viên,

Đào Chú[17] mong muốn uyên ương cẩn vào.

Âm mưu này rất là cao,

Bí thơ thứ nhất không trao duyên nầy.

Đã mang vào kiếp sư thầy,

Suốt đời mô phạm không say cõi phàm.

Có người nước Phạn đến thăm,

2910.Trao cụ tín sắc cỡ tầm cao siêu.

Để cho hậu thế kính yêu,

Tập kinh lên kệ tín điều sáng ra.

 

Bao lần trở lại nước Nga,

Lần này diện kiến Xít- ta- lin rồi.

Có hai cái ghế mời ngồi,

Ghế này quốc tế cao vời nhón chân.

Ghế kia dân tộc hơi bần,

Xít-ta-lin hỏi ông phần ghế nao?

Đế vương ta có lời chào,

2920.Xuất khẩu cách mạng xin trao quý Ngài!

Đế Minh nhắc ý thiên tài:

Chỗ mắt xích yếu phải quai búa liền.

Lê-nin sớm về cõi tiên,

Chậm một giáp dân tiêu tiền thả phanh.

Chính sách kinh tế đẩy nhanh,

Quân đỏ, quân trắng, quân xanh hài hoà.

Năng suất chiếc bánh to ra,

Của cải như nước mọi nhà công minh.

Chủ nghĩa xã hội chân tình,

2930.Làm nhiều ăn đẫy, biếng mình cầm hơi...

Xít-ta-lin nhếch ria cười:

Vũ khí thoải mái phải chơi đến cùng,

Rất khoát phải sở hữu chung,

Tư nhân bóc lột chúng đùng đòm Ta,...

Năm Dần bốc quẻ đi xa[18],

Qua Tầu yên ổn, đất Nga yên bình.

Vũ khí nhiều loại pháo binh,

Súng đạn quá đát cho mình đánh Tây.

Giảm tô giảm tức dân cày,

2940.Mô hình Gu-lắc phủi tay rũ quần.

Chiến trường chỉnh cán, chỉnh quân,

Bắn Bà địa chủ ở gần Thái Nguyên[19].

Từ hình đại tá tiêu tiền,

Dụ Châu[20] lạm dụng chức quyền tham ô.

Chiến trường vang a-lô-xô,

Lập công báo quốc tiếng hô long trời.

Mao định té nước kịp thời,

Cho quân chí nguyện ăn chơi đất nhà.

Thư từ cho Hồ Đại Ca,

2950.Đế vương chỉ nhận súng và tướng thôi.

Gọng kìm Xô-Trung một thời,

Nay Tàu kiềm toả biển trời đảo xa.

Mười bảy năm đất Trung Hoa,

Chiếm hơn phân nửa bôn ba nước ngoài.

Bánh bao ăn nhiều hơn khoai,

Hăm-bơ-gơ Mỹ bánh dài Pháp qua.

Anh yêu lát bánh mì Nga,

Đen xốp chấm muối chính là công nông.

Muôn đời chiếm cứ số đông,

2960.Làm nên lịch sử cho ông bà hoàng.

Tai nghe súng nổ đoàng đoàng,

Pháo hạm xô-viết bàng hoàng thất kinh.

Vào trong sâu thẳm tâm linh,

Vạn cùng bất đắc chiến chinh điêu tàn.

Nhiều lần Người muốn hòa ngang,

Thực dân đế quốc sài lang không dừng.

Người khôn ăn nói có chừng,

Kẻ tham chỉ muốn luật rừng nuốt tươi.

Gậy gai sau, cà rốt mồi,

2970.Đạn bom nổ trước là loài bất nhân.

Với Tàu cộng, Cụ mang ân,

Nghĩa tình sau trước, nợ nần nói ra.

Trung cộng cướp trắng Hoàng Sa[21],

Cướp thêm quần đảo Gạc Ma[22] của mình.

Tằm tơ nhiều đoạn rối tinh,

Tham tàn Hoa tộc mấy nghìn năm qua.

Đế Minh thông sử nước Nhà,

Những mong hai nước hài hoà sống vui.

Chia nhau một con bê thui,

2980.Trung cộng đòi hết hai đùi lẹm vai,

Cố quên các bậc hiền tài,

Nước Nam có chủ, ly lai không nhường.

 

Tư tưởng xây dựng hậu phương,

Lần Ba Hội Đảng kỷ cương siết vào.

Dựng xây các loại phong trào,

Công nông binh trí trụ cao vũ đài.

Tăng tốc tiến tới bồng lai,

Các đệ tính chỉ một vài năm sau.

Công hữu hoá đặt lên đầu,

2990.Công nghiệp nặng chế ra nhiều thép gang.

Hợp tác hoá khắp xóm làng,

Diệt hết tư hữu, thiên đàng hiện ra.

Quốc hữu phủ đến sâu xa,

Giồng rau, cắt tóc, nuôi gà quốc doanh.

 

 

Mười năm đánh trống cầm canh,

Miền Bắc được một, Nam giành đầy kho.

Hai miền cơm cháo đủ no,

Cả hai toan tính chơi trò đánh nhau.

Nhập đàn tuyển chọn con đầu,

3000.Thuộc tính sinh học của trâu bò rừng.



[1] Đức Thọ (1911 -1990) là chính khách Việt Nam, giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương, phụ trách nhân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam suốt một thời kỳ dài 1956-1982, trực tiếp phụ trách đoàn ngoại giao Việt Nam đàm phán với Mỹ về Hiệp định Paris. Ông Thọ từng được trao tặng giải Nobel Hòa bình cùng với cố vấn ngoại giao Mỹ ông Henry Kissinger vào năm 1973, nhưng ông đã từ chối nhận giải với lý do đất nước Việt Nam chưa thể có được hòa bình. Đó là giải Nobel duy nhất dành cho người Việt cho đến nay. Ông Sáu Búa, Sáu Thọ là tên gọi thân mật đồng chí Lê Đức Thọ ở miền Nam thời kỳ chiến tranh chống Pháp.

[2] Tố Hữu, (1920 - 2002) là một nhà thơ tiêu biểu của thơ cách mạng Việt Nam, là một chính khách quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

[3] Kẹo Cu đơ là một loại kẹo lạc (đậu phộng) đặc sản của tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam. Kẹo được nấu từ mật mía, đường, mạch nha, gừng có thêm lạc nhân và được đổ vào hai miếng bánh tráng khô nướng ép lại. Loại kẹo này rất dẻo và dính, có thể thưởng thức cùng với nước trà xanh.

[4] Xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, Hưng Yên là nơi phát tích của dòng họ Hoàng ở thôn Vân Nội. Đây là dòng họ nổi tiếng có truyền thống lịch sử lâu đời không chỉ vì sự nổi danh của 18 đời quận công mà còn là quê hương của bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà Hoàng Thị Loan (1868-1901) là con gái của cụ Hoàng Xuân Đường ở làng Hoàng Trù (Nam Đàn, Nghệ An). Theo gia phả họ Hoàng ở đây, cụ tổ của dòng họ Hoàng ở Nghệ An là Hoàng Nghĩa Kiều (1540-1587), đời thứ 6 của dòng họ Hoàng là người làng Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

[5] Xứ Nghệ “địa linh nhân kiệt” đã mấy trăm năm lưu truyền câu Sấm của Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm), đến đầu thế kỷ XX thì trở thành sự thật: “Đụn Sơn phân giải/ Bò Đái thất thanh/ Thủy đáo Lam thành/ Nam Đàn sinh thánh”. Nghĩa là “Núi Đụn phân đôi/ (khe) Bò Đái mất tiếng/ Nước (sông Lam) khoét vào núi Lam Thành/ (đất) Nam Đàn sinh thánh”.

[6] Mùa Thu năm 1905, Phan Bội Châu lo việc tổ chức thanh thiếu niên Việt Nam qua Nhật, cụ có ý muốn đưa Nguyễn Tất Thành sang bên đó nhưng cậu không đi.

[7] Abraham Lincoln (1809-1865), là Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ từ tháng 3 năm 1861 cho đến khi bị ám sát vào tháng 4 năm 1865. Lincoln thành công trong nỗ lực lãnh đạo đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng hiến pháp, quân sự, và đạo đức, cuộc Nội chiến Mỹ, duy trì chính quyền Liên bang, đồng thời chấm dứt chế độ nô lệ, và hiện đại hóa nền kinh tế, tài chính của đất nước. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở vùng biên thùy phía Tây, kiến thức Lincoln thu đạt được hầu hết là nhờ tự học.

[8] Đinh Tiên Hoàng ( 924 - 979), là vị hoàng đế sáng lập triều đại nhà Đinh, nước phong kiến tập quyền đầu tiên, Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam. Ông là người có công đánh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời phương Bắc đô hộ.

[9] Hàn Mặc Tử hay Hàn Mạc Tử, (1912 - 1940) là nhà thơ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, là người khởi xướng ra “Trường thơ Loạn”. Hàn Mặc Tử cùng với Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.

[10] Năm 1946, biết tin Chủ tịch Hồ Chí Minh là em trai mình, ngày 27/10/1946, Bà Nguyễn Thị Thanh (1884 -tháng 3-1954) ra Hà Nội thăm em. Bà kể chuyện sau khi Hồ Chí Minh ký Hiệp định sơ bộ Pháp Việt (6-3 -1946, tại số nhà 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội), tạm ước Việt - Pháp ngày 14/9/1946 ờ Paris, dân quê đốt ảnh Chủ tịch. Hồ Chí Minh nói “Bà con là những người yêu nước” trước đó nói với quốc dân trên sóng Radio “Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước.”

Ngày 03/11/1946, ông Nguyễn Sinh Khiêm (1888- tháng 10/1950) là anh ruột ra Hà Nội thăm em là Chủ tịch Hồ Chí Minh.  

[11] Lần thứ nhất:  Ngày 16-6-1957. Lần thứ hai, sáng ngày 8/12/1961, Bác về xã Kim Liên nhưng một điều bất ngờ không có trong kế hoạch là Bác bất ngờ về thăm làng Hoàng Trù - quê ngoại trước. Người trò chuyện với những người bạn tuổi thơ, ôn lại kỷ niệm thời thơ ấu. 

[12] John Fitzgerald Kennedy (1917 -1963), thường được gọi là Jack Kennedy hay JFK, là một chính trị gia và Tổng thống thứ 35 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, tại nhiệm từ năm 1961 - 1963Sự kiện Kennedy bị ám sát vào ngày 22 -11 -1963 là một bước ngoặt trong lịch sử nước Mỹ vào thập niên 1960. Đương thời, ông là người đào hoa.

[13] Fidel Alejandro Castro Ruz, phiên tiếng Việt Phi-đen Cát-xtơ-rô (1926 -2016) là một nhà cách mạng và chính trị gia người Cu ba, Thủ tướng Cu ba từ tháng 2 -1959 đến tháng 12 - 1976 và sau đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cu ba đến khi ông từ chức tháng 2 - 2008. Ông là Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cu ba từ tháng 10 -1965 tới tháng 4 - 2011, em trai là ông Raúl Castro được kế nhiệm chức vụ này vào ngày 19 - 4 -2011 đến ngày 19 - 4 - 2021. Ông là người đương thời với những nhà lãnh đạo nổi tiếng như Che GuevaraHồ Chí MinhNelson Mandela,…Ngày 15-9 -1973, giữa lúc cuộc Chiến tranh Việt Nam đang diễn ra, ông đã đến vùng giải phóng thị xã Đông Hà, Quảng Trị, cổ vũ cuộc kháng chiến chống Mỹ.

[14] Tàu Granma dài 18 mét. Ngày 2- 12 -1956, Fidel trong 80 người trở lại Cuba sau khi đổ bộ lên miền Đông, họ bị bao vây bởi quân chính phủ Batista. Một trận đánh ác liệt diễn ra, nhóm cách mạng chỉ còn 12 người sống sót và rút vào vùng rừng núi Sierra Maestra để tổ chức kháng chiến. Nhóm kháng chiến được quần chúng ủng hộ và phát triển lên đến 800 người. Trong suốt 2 năm, họ áp dụng chiến thuật đánh du kích gây nhiều thiệt hại cho quân chính phủ. Ngày 1-1 -1959, quân đội của Fidel Castro tiến vào thủ đô La Havana,

[15] Giang Thanh (1914-1991) là người vợ thứ tư của Mao Trạch Đông (kết hôn ở Diên An năm 1938). Bà là một người của Tứ nhân bang (bè lũ bốn tên) trong Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc thập kỷ 60 thế kỷ 20. Khi đang ở đỉnh cao quyền lực, Giang Thanh từng phê chuẩn lệnh bắt nhiều đảng viên cộng sản vu là phản cách mạng, thậm chí cả đầu bếp và người giúp việc của họ cũng không thoát.

[16] Bà L.Th.Ph.M, cán bộ cao cấp của Bộ LT-TP nói: "Không ai nói với tôi là có ý định giới thiệu với Bác nhưng đúng là có bố trí để tôi tiếp cận. Nhưng vì tôi trẻ quá, nên ngay từ những ngày đầu gặp Bác, Bác đã gọi tôi bằng cháu". Chồng bà là ông Tr.Đ, nguyên Viện trưởng Viện KHH, UBKHNN.

[17] Ông Đào Chú (1908-1969), Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cũng là một người bạn thân thiết của cụ Hồ, quan tâm đến hạnh phúc riêng tư của bạn. 

[18] Mùa Xuân năm 1950, sau 5 năm Kháng chiến chống Pháp, Việt Nam đã giành nhiều thắng lợi. Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Góp phần quyết định vào thắng lợi đó, là chuyến công du bí mật sang Trung Quốc và Liên Xô của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

[19] Nguyễn Thị Năm (1906 -1953), quê ở Làng Bưởi, ngoại thành Hà Nội, là một địa chủ có công đóng góp tài sản cho Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc Cải cách ruộng đất, bà bị nông dân địa phương đấu tố là địa chủ gian ác và bị xử bắn. Bà nguyên là Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên. Nhiều nhân chứng viết hồi ký đều ghi nhận sự phản ứng quyết liệt của Hồ Chí Minh khi nghe báo cáo về vụ việc bà Năm.

[20] Trần Dụ Châu (1906-1950), Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu (tiền thân của Tổng cục Cung cấp, nay là Tổng cục Hậu cần, Quân đội nhân dân Việt Nam); bị tử hình trong vụ án tham nhũng nổi tiếng năm 1950 trong Chiến tranh Đông Dương.

[21] Hải chiến Hoàng Sa là một trận chiến giữa Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Trung Quốc xảy ra vào ngày 19-1- 1974 trên quần đảo Hoàng Sa khi cả hai phía đều tuyên bố có chủ quyền ở quần đảo này. Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa sau đó.

[22] Ngày 14-3-1988, Hải quân Trung Quốc tấn công vũ trang hòng chiếm đóng bãi đá Cô Lin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Hải quân Nhân dân Việt Nam đang bảo vệ và  xây dựng công trình trên các đảo. Sau đó Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma và xây dựng nhiều công trình quân sự.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét