Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

Trường ca Hồ Chí Minh. Phần III. Đế Vương (3101 -3200 )

  Trường ca Hồ Chí Minh. Phần III. Đế Vương (3101 -3200 )

3101. Bia miệng, bia đá lạc trôi,

Tự do Độc lập được Trời đất dung.

Báo chí hò hét tùng tùng,

Đế khuyên vòng nhắc chết đừng vống cao.

Pa-ri[1] bốn phía lao nhao,

Cối chày nhịp thấp nhịp trào trước sau.

Hoa Kỳ dư đạn đánh nhau,

Hiện sinh chủ nghĩa vào đầu viễn chinh.

Chết nhiều, dân Mỹ giật mình[2],

3110. Quan tài bay lượn Thái bình dương qua.

Phong trào phản chiến xông pha,

Đốt thẻ quân dịch hét la phố phường.

Nửa triệu lính Mỹ, lê dương,

Đánh thuê cho Thiệu chiến trường mở ra.

Tưởng ngon xơi miếng chả gà,

Đệ nhị thế chiến khác xa lần này.

Chiến Mỹ khó hơn đánh Tây,

Việt cộng sáng tạo đổi thay cách đòm!

Quân tướng kháng Pháp vẫn còn,

3120.Binh chủng hiện đại ra đòn mới tinh.

Đấu với nhà nghề viễn chinh,

Nguỵ quân từng chiến Việt Minh dạn dầy[3],

Chư hầu từ Đông sang Tây,

Liên quân hợp chủng đóng đầy miền Nam[4].

Liên xô, Trung Quốc rất ham,

Những mong Bắc Việt mời tham chiến cùng[5].

Thế giới đang tuổi điên khùng,

Giai tơ gái mấng muốn dùng thịt cơ.

Mây đưa, hạc đón từng giờ,

3130.Thần chiến tranh chán cuộc cờ sát nhân!

Lợi quyền mớm miệng thứ dân,

Thắng thua sống kiếp đời cần lao thôi.

Ba ba cắn đũa là toi,

Bao nhiêu tôm cá mắc mồi câu ngon.

Muôn năm tìm cuộc vuông tròn,

Vợ chồng Tạo hoá sống còn cãi nhau,…

 

Chiến dịch tìm diệt xiên xâu,

Xăm hầm Việt cộng, mua đầu giá cao,

Da cam[6] diệt cỏ thấp cao,

3140.Thả cây nhiệt đới[7] căng rào đóng quân.

Đánh nhau, Việt cộng ở trần,

Hỏa tiễn, bộc phá tiến gần mới phang.

Hai bên dụ nhau đầu hàng,

Truyền đơn bướm trắng loa vàng cánh bay.

Cùng kiểu du kích cù nhầy,

Khe Sanh tử chiến, Làng Vây tử thù,

Thuỷ quân lục chiến, lính dù,

Bom rơi đạn nổ khói mù tầng không.

Biệt cách, biệt động, đặc công,

3150.Trổ tài giết chóc dạ lòng sói lang.

Đắm chìm bùn khẳm ngách hang,

Mậu Thân, thành Huế máu tràn bước chân[8].

Binh đao dân chết hơn quân,

Phật buồn, Chúa khổ, Thánh thần chào thua.

Mậu Thân trái gió trở mùa,

Người nổi tính khỉ hái bừa quả xanh.

Ních-xơn tái nhiệm chiến tranh,

Rút quân nhỏ giọt, Việt giành mạng nhau.

Việt Cộng về núi rừng sâu,

3160.Đói ăn, sốt rét thương đau lấp vùi.

Sắn non chưa kịp bới lùi,

Bom rơi trốc rễ, đạn khui nóc hầm.

Né dạt sang đất bạn nằm,

Chiêu binh mãi mã rầm rầm vào sâu.

Ghế da rách bởi họp lâu,

Pa ri  bế tắc, về chầu đạn bom.

Một ngày hai trăm chiếc hòm,

Dân chúng nước Mỹ chán đòm Việt Nam.

Cháy nhà hàng xóm lửa lan,

3170.Lào, Miên lây chiến phỉ Vàng Pao[9] la.

Lon Nol[10] nổi loạn đánh Ta,

Kong Le[11] nghênh chiến đả Pa thét Lào.

Khơ me đỏ độc lánh vào,

Sau thành Pôn Pốt[12] theo Tào đánh Ta.

Trung cộng nhòm ngó Hoàng sa,

Bóng bàn séc chót, chúng ra tay đòm[13].

Bể xanh máu Việt đỏ lòm,

Khó đòi lại mất thêm hòn Gạc Ma.

 

Năm cùng tuổi Đế vương già,

3180.Mắt mờ chân mỏi tóc pha sương chiều.

Lòng còn vương vấn thương yêu,

Quê hương, cha mẹ cánh diều qua sông.

Duyên tình thấm ướt lệ rưng,

Nẻo đường cách mạng không ngừng đấu tranh.

Đế buồn dạo bước vườn xanh,

Mặt ao cá quẫy, trên cành chim ca.

Tin rằng nước Việt sau xa,

Toàn dân đoàn kết cơm và áo mang.

Tin rằng non nước đàng hoàng,

3190.Hậu sinh khả uý kinh bang cập thời.

Cộng sản thế giới sụt trồi,

Đảng Việt Nam[14] biết giã rời bùn nhơ.

Dù cho đổi nước, thay cờ,

Nước Nam thống nhất ước mơ vẹn toàn.

Bao lần gieo được quẻ Càn,

Vạch Khôn nét đứt bể tràn nước dâng.

Trời cao, đất hẹp chia phần,

Giang sơn liền thổ, nhân dân kết đoàn.

Nương dâu bãi bể cạnh tranh,

3200.Lấy dĩ bất biến, cao xanh hài hoà.



[1] Hội nghị Paris ở thủ đô nước Cộng hòa Pháp. Thời gian đàm phán từ tháng 5-1968 đến tháng 1 -1973. Các bên tham gia ban đầu chỉ có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ; sau mở ra thành hội nghị 4 bên, có thêm Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt NamChính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng đã đưa ra các giải pháp hòa bình, trong đó đề nghị 10 điểm ngày 8-5-1969 mà sau này đã trở thành xương sống cho bản Hiệp định năm 1973.

[2] Trong số ngoại quốc tham chiến, người Mỹ có số thương vong cao nhất với hơn 58.000 người chết và hơn 305.000 người bị thương (trong đó 153.000 bị thương nặng hoặc tàn phế). Vào khoảng từ 4.400 đến 5.000 binh sĩ Hàn Quốc bị chết và khoảng 11.000 bị thương; Úc có khoảng 500 binh sĩ chết và hơn 3.000 bị thương; New Zealand có 38 chết và 187 bị thương; Thái Lan có 351 chết và bị thương; còn Philippines vẫn chưa có con số thống kê cụ thể. Trong chiến tranh, con số này được cập nhật hàng ngày và công khai sớm.

[3] Hầu hết tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa xuất thân binh nghiệp từ trước năm 1955 theo Pháp chống Việt Minh.

[4] Các quốc gia có quân đến Việt Nam tham chiến cùng Mỹ giai đoạn (1955–1975) gồm: Hàn Quốc, ÚcNew Zealand, Thái Lan, Lào, CampuchiaPhilippines. 

[5] Quân đội Liên Xô, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên giúp Việt Nam chống Mỹ giai đoạn (1955–1975), chủ yếu đóng quân ở Miền Bắc.

[6] Chất độc da cam là tên gọi của một loại chất thuốc diệt cỏ và làm rụng lá cây được quân đội Hoa Kỳ sử dụng tại Việt Nam. Chất này không có màu và được chứa trong các thùng màu da cam (do vậy trong vụ kiện hậu quả của nó được gọi nhầm là chất độc màu da cam). Chất này tác hại đến môi trường lâu dài, tổn hại sức khỏe con người và di chứng. Đến nay, Chính phủ Hoa Kỳ vẫn từ chối trách nhiệm với những nạn nhân này.Tuy nhiên vào tháng 5/2007, Quốc hội Hoa Kỳ đã phân bổ khoản ngân sách 3 triệu USD nhằm khắc phục ảnh hưởng của chất độc da cam và môi trường tại một số điểm nóng nhất và năm 2009 tăng lên 6 triệu USD. 

[7] Những thiết bị điện tử của quân đội Mỹ gồm khoảng gần 100 loại khác nhau được rải xuống rừng núi Trường Sơn, được mệnh danh là những "thám tử giấu mặt", những "kẻ gác đường". Có những máy radar nhỏ rải rác khắp các nẻo đường để phát hiện tiếng động hoặc tia hồng ngoại do các xe cơ giới phát ra, báo về trung tâm chỉ huy. Có những máy đánh hơi được mùi amoniac trong mồ hôi để gọi máy bay oanh tạc tới.

[8] Trận Mậu Thân tại Huế (Cố đô Nhà Nguyễn) là trận chiến kéo dài 26 ngày giữa Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam với Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh Hoa Kỳ trong sự kiện Tết Mậu Thân. Trận chiến này cũng là một phần của Chiến tranh Việt Nam. Đây là một trận đánh ác liệt nhất trong đợt 1 Tổng tiến công Tết Mậu Thân. Dù quân Giải phóng bị đánh bật khỏi Huế song nó mang lại sự đổ vỡ tâm lý và chính trị lớn nhất cho Hoa Kỳ.

[9] Vàng Pao (1929-2011) là người H'mong đầu tiên được phong hàm tướng Quân đội Hoàng gia Lào. Ông từng được mệnh danh là vua Mèo tại Thượng Lào từ năm 1960. Trong Chiến tranh Đông Dương, Vàng Pao được CIA nâng đỡ để chỉ huy Quân khu II ở miền bắc nước Lào chống lại Pathet Lào và việc sử dụng đường Trường Sơn của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong chiến dịch mang tên "Cuộc chiến bí mật"

[10] Lon Nol (1913 - 1985) là chính trị gia Campuchia giữ chức Thủ tướng Campuchia hai lần cũng như đã liên tục giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dưới thời vua Norodom Sihanouk. Ông tự tuyên bố là tổng thống nước Cộng hòa Khmer sau khi thực hiện cuộc đảo chính chống lại chính quyền Sihanouk vào năm 1970. Ngày 12-3-1970, Lon Nol và Sirik Matak hạ lệnh đóng cửa cảng Sihanoukville, nơi vận chuyển vũ khí tới tay Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời ban hành tối hậu thư yêu cầu tất cả lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng Miền Nam phải rút khỏi đất Campuchia trong vòng 72 giờ hoặc phải đối mặt với hành động quân sự.

[11] Kong Le (1933-2014) là đại úy tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 nhảy dù Quân đội Hoàng gia Lào, người tiến hành cuộc đảo chính nhằm lật đổ chính phủ Hoàng gia Lào năm 1960.  Ngày 13 -12-1960, quân của hoàng thân Phoumi Nosavan tiến chiếm thủ đô Lào. Lực lượng của Lữ đoàn dù của đại úy Kong Le bị đẩy bật ra khỏi Viêng Chăn.

[12] Saloth Sar (1925 -1998), là Thủ tướng của Campuchia Dân chủ từ năm 1975-1979, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Kampuchea từ 1963-1981, là lãnh tụ phong trào cộng Khmer Đỏ gây ra nạn diệt chủng ở Campuchia giết hại đến 2 triệu người từ năm 1975-1979.

[13] Ngoại giao bóng bàn nói tới sự kiện giao lưu giữa những cầu thủ bóng bàn Hoa Kỳ và Trung Quốc trong những năm đầu thập niên 1970, bắt đầu trong suốt Giải vô địch bóng bàn quốc tế ở Nagoya, Nhật Bản. Sự kiện đã đánh dấu việc ấm lên quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc mở đường cho chuyến thăm tới Bắc Kinh năm 1972 của Tổng thống Richard Nixon và ra Thông cáo chung Thượng Hải, Hoa Kỳ công nhận Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc…

[14] Hồ Chí Minh tuyên bố trước Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ hai, rằng: “Tôi chỉ có một đảng, đảng Việt Nam”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét