Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

2. CÔNG CHÚA CHÀO BUỔI SÁNG NĂM 2004



Lời đầu "cảm ơn" của tôi - Công chúa rừng xanh gửi đến anh Bảo Phải Nghe ở tương lai 2204 và người hiện dùng nicknam HDN năm 2004 trên Vietnet. Tôi biết năm 2204 không có chuyện lên đồng bởi thánh thần ở đấy cũng đứng máy, làm ruộng, tiếp thị, đá bóng, ca hát. Tôi tin tưởng cái đầu, miệng lưỡi các anh hiện tại và tương lai. Các vị là hậu duệ, hậu sinh trung thành với truyền thống tổ tiên, cha ông, gốc rễ đặng phát triển bền vững.

Tôi sống khoẻ - trẻ - đẹp mãi với thời gian, theo tờ lịch thì tuổi tôi lớn hơn tất cả. Lúc tôi ngủ gần đủ 18 tuổi, thời gian ở chỗ  tôi đi chậm lắm, + (1000: 500 = 2 năm) tức là tôi chưa tròn 20 tuổi của thời đại cô Mom.

Mỗi ngày dài tôi vẫn thức, gần đây tôi mất ngủ, qua kính "lâu đài" tôi thấy trời thấp dần, mây đen. Lúc bé tôi nhìn trời cao trong xanh, mây trắng có mùi thơm của hoa bốn mùa không như cái mùi khói, khí thải của thành phố Phan - xi - bao của cô Mom. Tôi sợ, da thiên thanh ngày nay dầy, bầu trời lùn mà lại rỗ "tổ ong trời" do xả khí CFC để hưởng mát trong nhà, làm tủ lạnh, nhà cấp đông gây hiệu ứng lồng kính, thủng tầng ô - rôn, mỗi vết từ 20 đến hàng 100 ki-lô-mét  vuông. "Tổ ong" này thì cho anh em nhà Gấu rừng Đông mút mật trời đến muôn đời vạn cổ cũng không hết!

Tôi không muốn bừng tỉnh, muốn tiếp giấc mơ 1000 năm nữa xem sao?

Nhưng có tiếng gọi từ ý nghĩ, tình cảm trong sáng của anh chàng "bánh bao không nhân" hành nghề phòng cháy, chống phá rừng ở Trung tâm Vũ trụ thành phố Bảo Phải Nghe. Nơi đó họ gọi nhau, yêu nhau qua ý nghĩ. Sao anh lại gọi tôi? Thất tình với con nào hiện tại mà quay về với "mồ mả" tôi.

Đã thức, sống thì phải trình bẩm, đến sau phải kính báo, lễ độ. Thưa với thời đại cô Mom từ trước ngày tôi đi ngủ nha:

 

3. KHÓI TỎA KINH THÀNH

1. NGƯỜI THÀNH PHỐ BẢO PHẢI NGHE


Tôi đang xả hơi cuối năm sau ca làm việc 200 ngày ở Trung tâm Vũ trụ thành phố của Bảo Phải Nghe ([1]). Tôi nghỉ ở cái hang - lâu đài ven biển vui chơi thiên thần, bù cho cả năm vật vã theo dõi cảnh báo cháy, phá rừng, và chịu đựng tiếng "gọi đò sông Cái" của “Cô gái gác rừng”. Tôi vẫn nhớ bác sỹ Mom đang dạy dã nhân học vỡ lòng và đi du lịch khủng khiếp trong hang Thuỷ Thần. Thế mới hay cái gan, bản lĩnh đàn bà,... kiểu "Scarlett" trong tiểu thuyết  "Cuốn theo chiều gió” của nữ văn sĩ Whasington Seminary ở đất nước Tây bán cầu.

Mỗi sáng, tiếng sóng vỗ êm êm, chim hải âu bay liệng chào người thì có cái gì truyền vào ý nghĩ trong đầu tôi như gió cố thổi vào các biệt thự sang trọng bên hồ "kén người thuê". Muốn bấm đốt tay để khoá hết cho xong, nhưng cái cảm giác dễ chịu thấm vào, gây một hiệu ứng với âm thanh xa xôi, một tín hiệu hành tinh,... đó là giấc mơ công chúa rừng xanh.

Tôi quá vô tư nhắc đến người linh thiêng trong chuyện rừng và phải "đền mạng". Cô ta đã chọn lúc tôi nghỉ ngơi để "hành hạ" đòi tôi biểu đạt cái ý nghĩ của người sống  (15 + 1204) tuổi so với thời đại của chúng tôi, cách  thời đại "ăn cả củ chuối" đủ 1015 năm

Tôi định bấm đốt ngón giữa để khoá tin, nhưng chúng tôi là tổ chức Phi chính phủ (ONG hoặc NGÔ - tên như đồ ăn của gấu) hoạt động như thám tử Thiên hà, đi đâu, trong hoàn cảnh nào cũng phải bắt cướp, giúp người, không giống thám tử hưởng lương chỉ bắt cướp, cứu người trong trong giờ hành chính.

Xem Công chúa mơ mộng gì?  Xin kính gửi bạn đọc nguyên bản:

 

2. CÔNG CHÚA CHÀO BUỔI SÁNG NĂM 2004




( [1] ) Nhân vật trong truyện ngụ ngôn “Cô gái gác rừng – tác giả Mai Nguyên – Hồng Nga - Nxb Công an Nhân dân năm 2012” cùng các nhân vật được nhắc tới như bác sỹ Mom, HDN, Gấu rừng Đông ...

GIẤC MƠ CÔNG CHÚA 1000 NĂM (tiểu thuyết giả tưởng)



          Đây là câu chuyện tình yêu học trò, tình yêu của người chiến sỹ là một chàng trai con nhà dân với cô gái con quan đại thần ở một thời xa xưa trong bối cảnh đất nước lâm loạn thù trong, giặc ngoài. Tác giả tựa dưới Kinh thành Thăng Long thơ mộng, hào hoa, anh dũng để viết chuyện tình đôi lứa. Chàng trai chinh chiến không trở về, cô gái theo cha ra trận làm người cứu thương, tìm người tình, đấu tranh với tù binh,…cổ vũ cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
          Ước mơ tuổi trẻ cùng với ám ảnh, vui thích về ma, về cái chết và hồi sinh, về sự vĩnh hằng trong hạt giống tình yêu mà cô tiên nhỏ vô tình tung rơi xuống thuyền chú bé dân chài, chập chờn trên giấc mơ công chúa 1000 năm  là cách giả tưởng của tác giả. Thông điệp tác giả gửi bạn đọc về trách nhiệm của tuổi trẻ chống ngoại xâm, dẹp nội loạn bằng chuyện tình yêu trong sáng, lòng dũng cảm hy sinh,…
          Tình yêu cuộc sống khát vọng ở mỗi người, sự chuyển hoá giữa tình bạn trẻ thơ vô tư đến tình yêu rất tự nhiên và tự tin như định dạng khuôn mẫu đã hiện lên trong đời sống học trò, vui chơi, và cũng đầy ngẫu nhiên như cô công chúa xuống đò hái hoa tím trên sông rồi ngã, được chú bé thuyền chài cứu và sau đó yêu,...
          Cảnh Kinh thành lên cơn sốt, đàn bà con gái chạy tránh giặc, hay trận thuỷ chiến trên sông Giông Tố, lễ cầu hồn ở Bến Mơ, công chúa ở mặt trận tiền phương là những trang viết không nhiều về chiến trận nhưng đã rõ đau thương, oai hùng của một thời chiến tranh giải phóng dân tộc, hiện lên khát vọng hoà bình, hoà hiếu.
          Lòng nhân ái, lãng mạn đi suốt trong mạch văn tác giả. Lấp ló yếu tố tâm linh ở nhân vật người “Thành phố Bảo Phải Nghe” * sống cùng hiện tại nhưng thời gian lại ở phía sau chúng ta 200 năm. Giả tưởng này mơ mộng một tương lai, trân trọng truyền thống, trách nhiệm ngay ở hành động hiện tại. Cái tôi trữ tình  thầm kín là đặc trưng của truyện, có gì đó thầm thì, nhỏ nhẹ tâm tình với người đọc. Truyện ít nhân vật, nhân vật không rõ tên riêng nhưng trải trên không gian, thời gian rộng dài càng làm tăng tính mông lung, mỉm cười, suy ngẫm.
          Sự xuất hiện thời đại tin học, Internet toàn cầu cho thấy giao diện tình cảm đa chiều mà tác giả đã đặt mình vào chính câu chuyện và thoại với nhân vật, đó là chiếc nickname HDN.
          Tác giả không tránh khỏi những khiếm khuyết, bù lại là một mạch viết ẩn hiện một trái tim, tâm hồn bập bùng trên dòng viết vun đắp ngọn lửa yêu thương. Bạn đọc sẽ lượng thứ và đóng góp động viên, đi cùng với tác giả trách nhiệm với bản thân, gia đình cuộc đời đầy dấu ấn ngộ nghĩnh tuổi thơ.

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Loại bỏ hệ lụy thu hồi đất nông nghiệp

Biến nông dân thành... cổ đông
Một số nghiên cứu chỉ ra nhiều vùng đất ven đô ở nước ta đã giảm diện tích đất canh tác từ 20-45% mỗi năm. Mỗi năm Việt Nam thu hồi gần 80.000 ha đất nông nghiệp, bằng 0,85% tổng quỹ đất nông nghiệp, trong đó đất “bờ xôi ruộng mật” chiếm 50%. Tuy nhiên, để tạo đất công nghiệp, dịch vụ chỉ cần dưới 1 năm, nhưng tạo đất nông nghiệp thì đến 1.000 năm. Hơn thế nữa, đất công nghiệp sẽ không bao giờ trở lại thành đất nông nghiệp. Hơn thế nữa, nông dân mất đất đang dần thất nghiệp.
Việt Nam hiện đã sớm vượt xa 1.000 điểm được coi là đô thị... Bên cạnh đó, xu hướng đô thị hoá toàn cầu, tương lai gần dân số đô thị sẽ chiếm trên 50% dân số ở nhiều quốc gia đã đặt ra nhiều áp lực.

Từ áp đặt hành chính, cưa đứt đục suốt...
Đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp dưới nhiều hình thức: nhà nước thu hồi có bồi thường để giao đất, cho thuê đất đối với các doanh nghiệp được duyệt dự án phi nông nghiệp. Một số hộ đã bán đất thổ cư có hoa màu, cây lâu năm, chuyển nhượng quyền sử dụng đất canh tác cho doanh nghiệp, cơ quan, trang trại... Thậm chí, có hộ dân bán chui đất thổ canh có giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân và cả cho dự án có đất liền kề.

Không những vậy, hiện đang xuất hiện đầu cơ đất đai, lấn chiếm đất đai. Một số dự án đã chuyển đất được thuê, được giao sang mục đích khác như phân lô làm nhà ở, chuyển đất dự án sản xuất kinh doanh sang đất nhà ở, cho thuê lại nhằm đoạt chênh lệch giá, "ăn trên lưng" những hộ dân được bồi thường (sau 6 tháng 60 m2 đất phân lô đầu tư hết 60 triệu đồng bán gấp 6 lần). Vòng chu chuyển giá trị trên đất đai gây áp lực lớn cho thị trường bất động sản, nhiều dự án chung cư, dự án công nghiệp, dịch vụ, khu dân cư chiếm đất giữ phần, bán nhượng dự án làm cho nền kinh tế "quá nóng"; có đến 70% các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai.

...Chuyển sang thoả thuận gắn kết lâu dài
Việc bồi thường đất bằng tiền, sau bán, giao khu đất tái định cư chỉ là một biện pháp tình thế đứt đoạn, đẩy những người bị thu hồi đất vào tình thế khó khăn về công ăn việc làm và ổn định lâu dài cuộc sống. Nhiều người than thở: "mỗi sào đất cho lợi nhuận 500.000 đồng/năm nhưng có công ăn việc làm ổn định; mất đất, thất nghiệp sinh nhiều khó khăn, tệ nạn xã hội". Từ thực tế đó, tôi đề xuất một số giải pháp cùng có lợi:

Chúng ta nên hướng dẫn dân chúng thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng dự án kinh doanh trên chính vùng đất bị chuyển đổi. Người dân có đất có thể góp một phần hoặc toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất vào dự án bằng cam kết mà không nhất thiết phải nộp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. Đặc biệt, xã viên hợp tác xã nông nghiệp vùng ven đô, vùng quy hoạch nhà ở có thể góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. Kêu gọi vốn đầu tư, thành lập hợp tác xã nhà ở, một phần để ở, một phần cho thuê tạo việc làm dịch vụ ở khu chung cư; đầu tư phát triển hạ tầng các dịch vụ nhà cho thuê, cụm thương mại, du lịch... giữ đất và sử dụng đất là hướng phát triển bền vững.

Thay cho việc bồi thường theo quy định và thông lệ, các chủ đầu tư trên địa bàn cần xây dựng kế hoạch từ cộng đồng (nhà nước có quy định bắt buộc) để dân chúng lựa chọn những hình thức tham gia với tư cách là người hiện đang có quyền sử dụng đất.

Trường hợp phải chuyển toàn bộ đất cho dự án cần lập phương án sử dụng quyền sử dụng đất: Quy giá trị bồi thường theo giá thị trường có tính đến hệ số gia tăng giá trị tương lai. số tiền đó có thể phân thành các tỷ lệ hợp lý theo các khoản mục để người dân lựa chọn:

Góp cổ phần vào các hợp tác xã, Cty cổ phần chủ dự án đầu tư. Nguồn vốn này làm giảm áp lực chi tiền mặt của dự án, nâng vị thế người dân trong dự án. Cộng đồng dân cư cần đồng thuận trích một khoản tiền được bồi thường góp vốn vào dự án, hình thành cổ đông tập thể và cử người đại diện của mình quản lý, bởi giá trị đất đai được bồi thường có quá trình lịch sử, có sự đóng góp của cộng đồng từ nhiều thế hệ. Cổ phần tập thể, cổ tức hàng năm góp vào quỹ phúc lợi.

Người dân góp cổ phần, tham gia quản lý hợp tác xã, Cty, chấp nhận đầu tư dài hạn. Theo cách này tỷ lệ rủi ro thấp, cổ đông có thể thanh khoản trên thị trường chứng khoán, hoặc chuyển nhượng nội bộ. Đại diện người lao động xây dựng cơ chế cầm cố để chống lại các nhà đầu cơ thu gom cổ phần.
Một khoản tiền mặt còn lại của mỗi người được gửi tiết kiệm ngân hàng, mua tín phiếu kho bạc với lãi suất ngang bằng với lãi suất cho vay bình quân hàng năm, có quy định về số lượng tiền gửi, thời gian và lượng tiền được rút ra nhằm bảo vệ những người già, phụ nữ, trẻ em... là nguồn vốn để người dân học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp.

Phần tiền mặt còn lại cần có kế hoạch thu hút vào các chương trình sản xuất kinh doanh, dịch vụ của hộ gia đình thông qua các hợp đồng cung ứng nguyên vật liệu, dịch vụ... tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Người dân thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp để thu hút và sử dụng đồng vốn này có hiệu quả hơn để phân tán ở cá nhân.

Để lại tỷ lệ nhất định (10%) giao cho các hộ bị thu hồi đất để xây dựng cơ sở dịch vụ theo quy hoạch, các hộ này liên kết với nhau thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp làm dịch vụ cho các cụm khu công nghiệp như dịch vụ bán hàng, nhà ở, cơ sở dạy nghề, văn hoá, dịch vụ môi trường... hỗ trợ cho các doanh nghiệp khu công nghiệp, khu dịch vụ.

Tóm lại, đô thị hoá, công nghiệp hoá tiếp tục lấy đất nông nghiệp, với hướng trên, người dân giao đất sẽ được các nguồn sống: Cổ phần cá nhân và cổ phần tập thể; tiền mặt để đầu tư kinh tế hộ, thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp; 10% đất để lại làm dịch vụ; tiền gửi lãi suất cao; đào tạo nghề.