Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

37. CÔ TẤM VỀ ĐÂU?


Không biết chuyện cổ tích Tấm Cám có từ bao giờ nhưng cách đây nghìn năm tôi đã thấy có nhiều bản khác nhau về số phận cô Tấm ra khỏi cung vua lần cuối cùng và biến thành quả thị.
Đoạn kết câu chuyện Tấm Cám tôi nghe trong hoàn cảnh sau: Một mùa thu xa, tôi cùng các bạn học và anh ngược dòng sông nước đỏ về mạn trên, nơi phát tích vua tổ. Đấy là vùng đất trù phú, người dân gieo hạt gì cũng nảy mầm, hoa mọc kín đất hắt màu, toả mùi hương quyến rũ vào bầu trời trong xanh. Chúng tôi đốt lửa trại, diễn những bài ca trong trang phục cổ xưa, trống nổi lên, cối giã cốm thậm thình cùng với người dân nơi đó đón tết ngày mùa vui thôn trang.
Hôm sau anh đưa tôi vào thăm sơn trại, đến nhà một cụ già nhất vùng, tóc cụ trắng như mây, con mắt vẫn trẻ như chúng tôi, răng chắc, trông như tiên. Chúng tôi ở đó một ngày, anh ra sông câu cá. Con nhà Bến Mơ này cứ thấy nước là muốn câu con dưới nước. Tôi giúp bà làm vườn, làm cơm,… và được cụ kể đoạn kết chuyện Tấm-Cám, có nhiều nét khác với bản kể ở Kinh thành. Sau này tôi kể lại, anh thích lắm,  khen tôi:
Có lẽ đây là lần duy nhất anh nói với tôi "anh yêu em". Lời yêu thương ngắn gọn bao thế hệ đàn bà con gái muốn đàn ông, con trai nói với mình và sống với mình theo câu nói đó. Bây giờ tôi nhớ lại, cảm thấy hạnh phúc, và đoạn kết chuyện Tấm Cám như sau:
Tấm trong quả thị còn trẻ và non lắm nhưng cố gắng làm việc lúc bà vắng nhà. Hàng ngày cô từ quả thị bước ra quét dọn nhà cửa, giặt rũ và nấu cơm dẻo canh ngọt cho bà rồi lại chui vào thị đợi đủ ngày mới nở như trứng gà, vịt được mẹ ấp.
Hôm nay bà đi chợ sớm hơn, một lúc bà quay lại rình và thấy Tấm xinh đẹp bước ra từ quả thị với những bước như em bé tập đi sau nhanh dần. Bà lại đi chợ và nghĩ xé vỏ thị để “cứu” Tấm. Song  bà thấy cô còn non trẻ quá. Quả trứng được ấp đến ngày nó sẽ nở chứ mổ trích đẻ non thì khổ gà vịt con. Bà không xé vỏ thị.
Về đến nhà bà luôn nựng thị, thơm lên vỏ: Thị ơi thị nở ra đi! Có oan ức gì thị nói bà nghe. Tấm nghe thấy, cô buồn lắm nhưng nếu ra hẳn Tấm sẽ phải chia tay cuộc sống thần tiên.
Trong quả thị, những giấc mơ thiên thần đến với Tấm, cô mơ thấy mẹ ngày nào gánh rau đi chợ, mua về những phần quà xinh xinh. Trong giấc mơ bay bổng trên cánh đồng quê hương với cánh cò chớp trắng, tiếng sáo diều vi vu, hương lúa đầu mùa thơm thảo, cô thấy bạn bè, thấy cả Cám hiền lành không nanh nọc và Cám gọi “Chị Tấm ơi,…” dễ thương lắm. Cô mơ thấy được cắp sách đến trường, rồi gặp hoàng tử tí hon trong cổ tích,… và cô sợ chia tay giấc mơ .
Một sáng trước khi đi chợ bà ôm thị, quả thị nóng ấm cựa mình,… đến lúc thành cô Tấm xinh đẹp. Hai mẹ con ôm nhau khóc cười.
- Thưa già, trầu cánh phượng ai têm đây?
Hoàng tử xơi trầu, chàng nhận ra vị trầu riêng biệt như thuở Tấm ở trong cung vẫn têm mời chàng những đêm giá lạnh. Hình dáng không khác những miếng trầu cung đình do những người phụ nữ có nghề gia truyền đi têm trầu đình đám. Khác biệt vị trầu do Tấm têm có lẽ chỉ Hoàng tử nhận ra, đó là vị "cay ghen", vị thơm tình ấm áp là nét riêng của mỗi người đàn bà con gái muốn giữ chồng, giữ người tình nên họ đã tạo ra bằng tình yêu, vẻ đẹp, hương vị chính thân thể mình?,… và không ai truyền cho ai.
Bà già bán hàng quà nước, sống một mình không biết sợ cướp, quán của bà cũng từng là nơi thảo khấu xuống núi, bà thường nói với chúng: "các con trộm cắp đồ ăn thức uống, hạt giống về rừng mà trồng, đừng đốt nhà, hại người, cướp người. Đứa nào muốn lấy vợ thì về làng mà ở, làm ăn lương thiện". Nay nghe Hoàng tử nhận được hương vị trầu khiến bà lo sợ mất con gái.
Mấy bữa sau Hoàng tử vi hành cùng lính hầu dưới dạng người đi săn bằng đồ săn dân giã, đi đốn củi trông rất khổ sở, tiều tụy, áo mới phải xé rách ra,…và chàng đã nhận ra cô Tấm vợ của mình đang tưới rau, bắt sâu ở vườn gần đó, chàng không dám gặp ngay, định bụng sẽ đến rước Tấm với nghi lễ truyền thống.
Hoàng tử đã chậm, dù chàng vất vả, thủy chung với tình yêu. Bọn lục lâm, thảo khấu xuống núi nhanh hơn và đã ra tay cướp Tấm về làm vợ tướng cướp.
Về trại, tướng cướp ra chào Tấm. Họ nhận ra nhau. Anh Cướp đã xa Tấm 15 năm, xa làng quê, biệt tích sau buổi học cuối cùng anh phản đối thầy câu ca "Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa". Anh ta bảo sẽ làm thay đổi câu đó.
***
Năm xưa, có cô gái đâu đó ôm đứa bé đến ngôi chùa ở ven sông quê Tấm, xin trú ngụ. Mẹ con cô được làng cho phép quét chùa, ăn oản. Mấy năm sau bọn gian tặc đã cướp mất mẹ để lại thằng bé la hét trong đêm. Người làng thương tình bắt nó về nuôi, quen miệng gọi tên nó là Cướp.
Cái tên đã ám ép đời nó, nỗi khổ của đứa bé không mẹ cha bơ vơ trong xóm quê Tấm khiến nhiều người vừa thương vừa sợ. Tấm, dù sao cũng có dì ghẻ, có em Cám cùng cha, cô nhìn thằng Cướp thấy số phận mình chưa đến đáy. Thằng Cướp sống chủ yếu bằng trèo cây thuê từ khi còn ít tuổi sau đó lại xuống phụ thuyền, nó đã nếm tất cả những trái cây trong vườn quê Tấm ngay từ mùa quả đầu tiên đến mức người ta đã phải hỏi nó khi chọn giống nhãn, vải, mãng cầu, lê, táo,…và nó nếm đòn gần như của cả làng vì nó ăn trộm hoa trái, người ta đánh nó như đánh những đứa trẻ hư. Nó đã bắt, và chỉ chỗ có có nhiều cua cá cho chị em Tấm Cám và bạn bè, bởi nó đã đi hết ruộng đồng, khắp triền sông quê hương để lùa tôm cá, đáp lại tấm lòng người cha nuôi nó.
Cha nuôi tốt bụng, cho nó đi học cùng chị em Tấm Cám. Chỉ còn vài buổi nữa là vỡ hết mặt chữ thì nó dám bác bỏ câu ca truyền đời khiến thày mắng nó tội "bất kính". Nó chào lớp học, chào bố nuôi, thắp hương ngôi chùa nhỏ, ôm gói đồ lặng lẽ ra đi. Không ai giữ được, vì nó bảo đi tìm mẹ.
Thằng Cướp đã theo bọn lục lâm, hơn 10 năm sau thành tướng cướp. Nó không còn đường về, nhưng đám cướp do nó làm tướng đã lập sơn trại, không giết người, không đốt phá nên Triều đình không truy bứt. Chúng nó đi lập trại xa, nhớ quê hương, nhớ đàn bà con gái lại mò xuống thăm hỏi, đổi chác đắt rẻ đồ rừng, đồ trại lấy đồ nhà, đồ ruộng, dụ người sa cơ lỡ bước lên non.
- Anh không sợ nhà vua sẽ cho quan quân truy quét?
- Tôi chưa gây tội ác đến mức Tấm phải dọa nạt. Biết Tấm đã bị vùi rập và có thể bị vùi rập nữa, tôi muốn cứu Tấm. Chúng ta là những đứa bé bất hạnh ngay từ lúc mới biết đi, chúng ta tìm cuộc sống tốt hơn. Cuộc sống từ ngày tôi bỏ làng ra đi đến nay dù có vất vưởng, khổ ải nơi rừng sâu, đầu đường xó chợ nhưng không gặp thói ghen ghét, tâm ghẻ lạnh, tính tàn nhẫn. Tôi không ép Tấm làm vợ, không bao giờ, nhưng muốn Tấm ở lại đây, mai xem sơn trại, hy vọng Tấm sẽ giúp chúng tôi những con người bất hạnh đang chờ đợi tấm lòng cô Tấm. Tôi biết Hoàng tử mới lên ngôi vua hơn hẳn tiền triều về lòng nhân ái, vị tha, Tấm sống với Hoàng tử đã biết điều đó, nên không thể có sự trừng phạt. Chúng tôi thu xếp chỗ ở cho Tấm, dẫu không lầu son gác tía nhưng dễ chịu hơn nhiều nơi.
Người hầu gái đưa Tấm đến ngôi nhà khá khang trang chắc chắn, có phong cảnh gần như ở quê hương nhưng xa Kinh thành, xa quán nước của mẹ già cả ngày đường ngựa. Đó là thung lũng trong rừng với nhiều chòm xóm nhỏ, chiều buông có tiếng trâu bò đi trong hoàng hôn tím biếc, khói xanh lơ nhẹ nhàng lan tỏa, có tiếng trẻ khóc trong đêm, sáng có tiếng gà gáy gọi ban mai.
Hôm sau, Tướng cướp dẫn cô Tấm đi thăm trại. Đây là ngôi làng cho những người tha phương vì nhiều lý do đời tư, vì những ghẻ lạnh ở đời. Tướng cướp đến trú ngụ và được tôn vinh làm trại trưởng, sau là trưởng thôn nhằm chống lại bọn thảo khấu nơi khác đến quấy phá, dần dà trại phát triển phải làm ăn, giao lưu với các vùng đông dân thông qua sản phẩm làm ra.
Còn một chòm xóm nữa, Tướng cướp không muốn cho cô Tấm đến ngay. Tấm đòi thăm và được chấp nhận. Đó là trại của những đứa trẻ mồ côi, đứa trẻ bệnh tật đủ loại, người ta gán đồ, biếu thêm khi người của Trại xuống núi làm ăn, buôn bán. Tướng cướp cho nhận trẻ và nhận người nuôi dưỡng. Trong trại không thiếu đồ ăn, thứ mặc do họ trồng lúa, chăn nuôi, nuôi tằm, se sợi dệt vải. Cái thiếu nhất là cần cô giáo- tình mẹ dạy gần 50 đứa trẻ nên người để chúng hòa nhập với cuộc đời, không mang danh con Tướng cướp, mà mang tên con mẹ lúa, bưởi, lụa, táo, đào, gạo, tấm, khoai,…
Cô Tấm hiểu điều đó và chấp nhận ở lại với việc trông nom, bảo ban các cô chăm nuôi và dạy chữ cho 50 cháu xa mẹ. Tướng cướp thấm thía đời mồ côi, đã tìm được mẹ hiền cho các cháu.
Hoàng tử biết chuyện này nhưng chàng không truy lùng bọn hảo hán, vì thấy cô Tấm đã tự nguyện bỏ đi. Chàng chẳng thiết gì cô Cám béo mập, nết na không khá hơn. Dưới sức ép của hoàng triều chàng lấy thêm vài vợ nữa. Gái đẹp ngoan thời nào, lúc nào cũng sẵn, đâu chỉ có cô Tấm!
Nhưng rồi những người buôn bán, chợ búa vẫn định kỳ mang trầu têm cánh phượng với hương vị tình yêu của Tấm gửi Hoàng tử. Cả triều không ai biết chuyện này, không ai được nếm trầu này! Hoàng tử gửi đồ cho riêng Tấm và các cô, các cháu trong trại.
Hoàng tử và cô Tấm sống với nhau như thế. Sau này Hoàng tử thư từ cho cô giáo Tấm và trưởng thôn, ra đặc ân của vua cho sơn trại và lớp học tình thương yêu, Hoàng tử mong trại trưởng và cô Tấm thành vợ chồng. Tướng cướp biết chuyện đó, nói với cô Tấm:
- Lúc đầu do cấp thiết phải dạy học ở trại, chúng tôi làm điều không phải, em đã tự nguyện ở lại ngay từ ngày hôm sau, đã giúp những đứa trẻ vơi đi nỗi đau mà tuổi trẻ, tuổi thơ chúng mình từng chịu đựng. Bây giờ vua đã đồng ý trại tồn tại, vua yêu mến, thủy chung với tình yêu, vẫn ăn trầu Tấm têm, em có thể về với tình yêu chân hài năm xưa. Nên thế, để tôi không phải mắc tội "cướp vợ, đoạt tình" .
- Anh tưởng chỉ anh, chỉ riêng anh biết sống nhân ái còn thiên hạ "tàn nhẫn vô tâm"? Em ở lại đây, Hoàng tử đã là vua, có nhiều vợ, anh bảo em về làm Bà hoàng ư? Có lẽ anh nên về quê chuộc lỗi, đi tìm mẹ, nếu bà còn sống năm nay cũng chỉ bằng tuổi dì em (mẹ Cám). Đấy là việc báo hiếu, anh còn nợ, sau đó anh lấy vợ, ở sơn trại này anh đã "là vua", anh đi tuyển chọn ở đâu cũng được vợ đẹp!
Tướng cướp rầu rĩ đưa tay che hai mắt, gương mặt sắt đá, lạnh lùng có phần nào mềm ra. Hắn im lặng, lúc sau buông tay ra thì cô Tấm đã bỏ đi rồi.
Cuộc sống của họ vẫn thế. Bà già hứng thị không ở quán nữa, bà về làng với con cháu. Trộm đạo cũng bớt hẳn. Vua cũng già, mẹ con Cám chán ở cung cấm, xin hồi hương với lưng vốn do vua cấp.
Cuộc sống êm đềm trôi theo thời gian.Nếu đau buồn lúc nào cũng như "xé vỏ thị, chặt cây, đốt khung cửi, giết chim" thì làm sao sống được, làm sao có những hội chèo, trống, võ, vật xuân - hạ - thu - đông cho lớp con em của Tấm - Cám - Cướp - Hoàng tử vui đùa, hy vọng tìm được chiếc hài chân trái của mình.
Riêng miếng trầu héo cuối cùng còn sót lại khi vua băng hà thì người ta không biết nó được têm tẩm như thế nào?
Người liều nếm miếng trầu héo nói rằng nó nồng hơn, có thể hơi đậm vị vôi!
Tôi thắc mắc sao bà cụ biết vị thật của miếng trầu cánh phượng mà kể ra, nhưng không dám hỏi.

38. CƯỚP  ĐÀO  LÂU  ĐÀI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét