Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Cổ nguyệt lầu ngày sầu muộn (Xuân Hương gửi các quan anh)


Xuân Long Thành,  những năm 2M thịnh trị
Thân mến gửi các quan anh!
Thư từ XH-CH níu kéo quan anh Tổng trấn. Năm sớm hợi hiền nhiều vận hội, chúc các anh quan lộ thượng bình an dẫu có hao tiền chùa, tốn sức dân, chịu luỵ dưới tán lọng màu ngà.
Tổng trấn là người hùng thực sự của Kinh thành, anh đã dụ ngoại kiều, huy động sức dân nâng Kinh thành lên tầm cao mới (lờ đi nhà thêm tầng), ít ra cũng khỏi úi xùi với dải đất cong cong nhiều thành trì, thương cảng xập xệ.
Bao bữa tiệc lớn bé, Tổng trấn chiêu hiền đãi hậu người Cao Ly, người Chà Và, khách bể xa, đã phát lộc cho Xuân Hương làm bao kẻ ghét ghen gây sự. Họ đâu biết rằng người ngoại quốc đến với những  thương vụ xây cất, kinh doanh với Long Thành đã cùng người của Tổng trấn rửa những mớ tiền tại Cổ Nguyệt lầu thông qua hoá lai biên nhận khách ăn 3 chủ chi tính 30, gửi giá, có sao đâu (XH không ăn “bánh dầy” nên giữ được khách). Những kẻ không nhận phân tiền lại quả, XH dặn quản quán ghi sổ hậu tạ.
Quan Bắc thành có nhiều kẻ sỹ, quan nha thanh liêm, lãng tử dưới quyền khiến XH cảm thấy Bắc Hà không hổ danh. Cũng qua Cổ Nguyệt lầu dùng tiệc tùng mà XH đã giới thiệu văn hoá Việt, văn hoá thứ thiệt của Văn Lang đến hôm nay. Sau bữa nhậu, đoàn xe ngựa, mỗi xe một xà ích, một tố nữ dẫn đường cùng du khách rong duổi 36 phố chợ Kinh thành, chùa chiền, đình miếu, đồng quê nhiều sản vật chiều lòng khách.
Thành thật cảm ơn Tổng trấn, kính báo cùng quan Chiêu và khách thập phương đọc thư quảng bá nầy.
Thưa các quan anh, những người hùng chiến trận, công đường, các anh đã lỡ nhịp rồi. Chúng ta đã gồng sức và đức xây dựng thời đại kim tiền, XH lý giải các anh hay những chuyện tại Cổ Nguyệt lầu, thực khách đưa đẩy chuyện triều chính, thương trường, em út thú vui phàm trần.
Sắp tới, vua chiêu hiền đãi sỹ vào Hội đồng lập hiến, chuyển nền quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến. Hội đồng sẽ là nơi dung nạp thập loại chúng sinh, nơi đẩy “ngựa non háu đói” thăng quan, nơi thu dung những vị quan sắp “mãn kinh” như Tổng trấn,“hồi kinh” như quan Chiêu hạ sơn. Vào chức vụ dân vỗ tay, vua chuẩn tấu, các lão nghị được bổng lộc vững vàng: xe ngựa tía (cấp cỏ, bỏ phân) lọng vàng nhoong nhoong thôn ổ, chúng dân cúi rạp, thổ quan vái chào, bổng lộc cộng dồn cũng khơ khớ, quy tiên thì được điền trang bản quán khắc tên chữ, rát vàng giữ danh …đến chán thì bỏ hoang.
Thịt xôi, hiệp đấu này 5 được 5 thua. Các anh có công, có của nhưng vẫn là con lừa cả thôi làm sao dịch nổi đám sói trỗi dậy (sói rất thích món óc lừa).
Mấy bữa nay dân nhậu Cổ Nguyệt bàn về mấy trang công tử, phò mã đại thần (tiếc cho quan Chiêu không ngậm miệng làm phò mã, làm giàu rồi ly dị đến Lầu Cổ nguyệt đầy mỹ nhân). Những năm tháng binh đao Chiêu ăn hang ở hốc, giáo mác sa trường, quan Tổng trấn ôm đao, cầm kích gác hầu vua quan đêm trường giá lạnh thì các công tử con khai cuốc, khai đao (vua quan dẫn dân khi khai hoang lập ấp) đang du học trời xa nơi có đèn treo ngược, tóc mọc ở trong, để tre già măng mọc, thái bình kinh bang tế thế. Hoà bình họ hồi kinh, không vội vã tiến vào chức quan như các anh mà lập sân sau của khai quốc, công thần nhái mác “sân Trình, cửa Khổng” hứng những hợp đồng xuất nhập khẩu, đầu tư mà việc bán lại những chiếu chế “kinh thư, bình chuẩn” nầy cho bọn kẻ chợ (trong đó có Tổng Cóc) mang lại đồng tiền sạch sẽ không có mùi vị mồ hôi của công tử (nhưng thấm máu, nước mắt của chúng dân). Cứ thế, vàng bạc họ đúc gạch tráng men Bát Tràng xếp kho, rút ra mua điền giá rẻ nắm hàng tập sổ khoán bằng thổ, làm đường-trường-trại cho dân bằng tiền riêng;  sang nhượng cho thuê thanh lâu, thương điếm, nhà xưởng, nơi du hí, tài trợ cho cả nhà chùa, nhà trẻ, từ thiện trong vùng đất họ sở hữu, họ “nắm chợ, buôn tiền” cho vay nhiều lãi suất, họ tham vấn “chợ buôn  bán sức người” đi phu dịch ngoại bang, giúp dân xoá đói, làm giàu cho quan!
Sân sau là thế, sân trước mặt triều vẫn phải ca bài “chuẩn thư” xoá đói, giảm nghèo phát triển dân doanh, đức độ, truyền thống. Quyền lực cực nhọc lắm: quả nhân cô quả, quan trường điêu toa, nói đúng làm sai, ăn bậy bởi đồng lương ngạch trật có hạn, gốc gác vua quan cũng là dân nên có cơ hội là gian tham, nhũng nhiễu quan dưới, quan dưới hành dân, cứ thế đèn kéo quân chế độ vua quan- dân giã.
Tiếng khen vẫn nhiều hơn tiếng chê, xưa này chỉ có quyền và tiền mới là thực lực giải quyết những vấn đề quốc thái, dân an. Tổng trấn thành, quan Chiêu ít nhiều có hai thứ đó nhưng còn nhỏ bé quá (to đầu lắm óc nhiều chữ, tim khoẻ, giàu tâm hồn chưa thể ngồi ngôi tầng trên là điều quan anh quá hay trong sử sách). XH chỉ có mấy ngón ẩm thực, thơ thanh tục, cùng hầu non chạy bàn đặng giữ khách nặng hầu bao, câu khách ham món lạ (vẫn lo ngoại quốc, ngoại kiều cạnh tranh giành khách bằng chính ngón nghề truyền thống)
Bọn sỹ phu ẩn dật cùng các học sỹ Văn miếu no cơm rượu hơn dân nghèo nhờ vài chữ nghĩa dậy trẻ, luyện thi, thờ cúng, bói toán nhân địa thiên không thể tham chính, tham dự thương trường. Đói quá nói chữ, vua ban chút lộc thì miệng sáo tụng ca thánh thượng vạn tuế an khang! Bọn này đa phần là đồ trang điểm cho các thời đại, được đôi người đáng mặt kẻ sỹ như Cần chánh điện học sỹ ND miệng dạ vâng vua lấy lộc nuôi 18 con, ba vợ với hầu non mài mực gãi lưng, tay nảy Kiều theo tích Trung Hoa.
Tổng Cóc đồng niên các anh, lúc binh đao chàng cáo bệnh làm mắt toét (bôi  mủ da cóc pha loãng), lên cơn co giật động kinh (uống rượu pha nhựa cây độc) nhưng rồi cũng làm trương tuần ở hậu phương, leo lên hàng Tổng, đời phải có quan lớn, nhỡ, nhỏ chăm sóc dân gian! Tổng Cóc biết lượng trên, gạt dưới, ăn chặn đủ đầu cũng nhà lầu, thê thiếp nghênh nganh một miền quê. Năm ngoái chàng Tổng Cóc về Kinh thi cử, hy vọng đoạt khoa bảng tiến vào cung sánh cùng con “khai cuốc, công thần”, so đua với bốn phương trời góc bể tối tăm mù mịt.
Cóc có đến Cổ Nguyệt lầu mượn tứ thư, ngũ kinh cùng các bài thi từ thời vua Lý, nhờ XH môi giới gặp quan chánh khảo để học ôn cho chắc ăn. Môn thơ, phú, kinh nghĩa Cóc luyện không đặng, môn văn sách thì trả lời lung tung, nhưng soạn chiếu, chế của vua và biểu của dân thì Cóc tỏ ra thông kinh bởi chàng đã từng thực tế chuyền chế, chiếu và dâng biểu. Cóc chịu chi đã đỗ vớt, vua cho làm quan hậu cần phục vụ ẩm thực và thời trang trong triều, Cóc cười mà rằng: “văn hoá ẩm thực, thời trang là quốc hồn, quốc tuý”. Trả ơn chỉ dẫn, Cóc đã nhiều lần đưa khách phàm ăn đến các chi nhánh Cổ Nguyệt lầu thưởng ngoạm “cầy tơ bẩy món, gái áo tứ vạt”. Có học, có chức, có tiền quan Cóc ngày càng văn hoá hơn, bằng chứng là chàng hướng về khoái khẩu, thưởng thức, giảm phàm, cấm tục tĩu với thôn nữ nhà hàng mặc dù các em ăn vận hở hang.
Quan Tổng trấn, chàng Chiêu không thuộc hạng đó thì ra hạng gì?
XH thiển nghĩ : Hiệp đấu vào Hội đồng 2 người 1 ngợm khua môi múa mép, gật gù xuân thu nhị kỳ, các anh không đặng bởi giữ chữ tâm, bởi phải giữ tiền, vì các anh ít của. Đám công tử kia nó ứng dăm cục vàng làm từ thiện-của thiên trả địa vài cơn mưa móc xuống chùa chiền, trường học, nhà tế bần, cầu cống, đường xá thôn ổ là dân vỗ tay khen. Nó mua các quan Thượng thư cầm trịch vụ này nói ba lời “gang thép” thì dân theo rầm rầm. Tuy nhiên, để chắc bền công danh bổng lộc, có chỗ dựa cho tương lai con cháu phì gia, các anh nên tìm những công tử mặt mày “chó sủa” mà phù thịnh, đặng giữ lấy lề kẻ sỹ.
Chăn dân như chăn bò, bò ra sữa, bò con chóng lớn, bò mẹ no béo, mọi nhà có phần như “được mùa Nông cống” đừng để đói nghèo đến “Phủ Khoái xin cơm”. Đó là đạo vua tôi vì nước, vì thân.
Đôi lúc cao hứng, thực khách, thi nhân, du thủ, du thực bọt mép ra Cổ Nguyệt lầu tâm sự vua tôi, nhân tình thế thái, XH động viên họ: “Con vua có của làm quan, con dân có sức kết đoàn làm ăn”, có người nghe ra gật đầu, có kẻ khó chịu đòi “con vua thất thế” nhưng lo họ “đi quét chùa” tranh phần xôi oản của dân!!!
Quan anh thân mến, lựa lấy thế thời. Cũng may mà quan trường nước ta đa phần chỉ gian tham khiến lòng dân nhưng nhức, một số đứa bạo ngược mưu loạn đã bị lưu đày.
Gian ngoan là đường dài quan lộ khi đất nước có vua quan. Chàng Chiêu và Tổng trấn kiểm lại đồng hào cắc bạc của  mình, đưa lên mũi, nếu không có mùi ác thì chạm lưỡi vào sẽ tê te. Nói lời nhân-nghĩa- lễ- trí-tín thì Tổng Cóc, quan Phủ Vĩnh Tường, danh sỹ Phạm Thái chày cối chẳng kém ai huống hồ bậc vua, các quan anh và đám văn sỹ nửa đười ươi la cà quán xá tụ bạ văn chương.
Những đồng bạc nhận của quan nhậu, XH để giương hòm đêm đêm vọng ra tiếng ma trẻ khát sữa, suy dinh dưỡng khản đặc, tiếng ma già oan khuất não nề, tiếng cãi chửi chia chác vung vãi nên hàng tháng tháng XH phải cúng cô hồn cháo quẩy bồ đài nơi gốc đa miếu vắng; cúng cơm các quan tuần thú hạch sách thuế má, địa bạ, an toàn cháy nổ, vệ sinh thực phẩm, bãi đỗ ngựa xe, kiểm tra kỹ nữ hầu non giấy má tuỳ thân, khế ước bán nhan sắc, sức lao động.
Các anh đã cùng vua quan khai cuốc, khai đao, xả thân thời trai trẻ cứu nước cứu dân, đã gắng làm điều hay, lẽ phải thì hãy đi hết điều đó cả cuộc đời. Không ngồi chiếu sân triều trình tấu đến thẳng tai vua vớt lộc muôn nhà, thì vẫn còn đường dâng biểu, còn những chiếu cói, chiếu đay, rơm rạ trên các sân đình thôn ổ cần các anh đến giúp dân làm ăn.
Sức các quan anh còn trẻ (nghe các tố nữ Cổ Nguyệt lầu khen), để vinh thân thịnh gia hơn nữa không còn con đường nào khác là dùng sức trí lực làm các dự án huy động sức dân, ngân khố quốc gia, vay mượn chia sẻ với ngoại quốc, ngoại kiều để dân được hưởng công ăn việc làm, no cơm ấm cật chằng phải là điều muôn nhà mong muốn, quan lại muốn dự phần “xin cho” mỗi lần ban chiếu, chế dự án?
Lúc này bon chen sân triều, hay mưu tính phì gia hoặc tìm thú vui an nhàn, tao nhã, sớm rượu trà trưa, thơ phú, chơi gà, đua ngựa, hú hý hầu non, gái đĩ Kinh thành sẽ làm các anh “thân tàn ma dại” chứ đừng nói là “thân bại danh liệt”.
Dân doanh muôn thuở, quân quan nhất thời, rồi đây chế độ quân chủ lập hiến chỉ là đười ươi giữ ống cho oai (cũng nên nuôi cái “Phủ Quốc oai” đó như nuôi mõ hề mua cái thực vui). Dân vạn đại, dân quyết, dân bàn, dân bày, dân ăn, dân mời chào thập loại chúng sinh gian manh cùng quan tham!
Quan Chiêu đa tình, Tổng trấn đa tài hoà hợp với nhau, chịu thờ Kinh thành hào hoa thơ mộng, phụng sự đất nước, có phúc có phần, có em yêu.
Hàng mới về, hãy đến Cổ nguyệt lầu thức thưởng hàng đêm!
Kính vái quan anh.
Xuân Hương mãn nguyệt!

=>Chúng ta mãi mãi kiếp cô hồn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét