Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Thư từ CHIÊU HỔ -XUÂN HƯƠNG ( Xuân Hương quý mến!)


Xứ SL những năm GL trị vì

Xuân Hương quý  mến!

Nàng vẫn thơ phú ven hồ, hàng quán xông xênh, chiều khách, chiều đời đen bạc bằng đồ uống thức ăn ngon miệng, an toàn. Đám mặc khách có nhiều người không tầm thường, họ ngưỡng mộ tình tài, son phấn thời trang của em. Vui nhé, vận cơ hội vào đời xuân xanh.

Ngựa khô, phu trạm chạy thư đường dài không dứt tình ta. Chiêu Hổ (CH) đang ở nơi xa, gần thâm sơn cùng cốc làm mệnh học trò thi đỗ được bổ đi làm quan. Cuộc sống riêng không có gì vất vả, chế độ quan được mười người hầu thuộc họ hàng hàng thân thích. Hiềm một lỗi, nước nghèo dân giã sinh ra lắm tai ương bởi lũ trốn học, đám hào lý có họ hàng xa với quan phủ, hoàng thân quốc thích, Luật triều đình méo mó khi tới bản nha.

XH ơi ! những ngày ven Hồ Tây đẹp đẽ  là phần thưởng cho CH sau những năm tháng chiến tranh gian khổ. Ngày ấy, H đang theo học thày đồ nhiều bài trê cóc xù xì, râu ria, đầu dẹt đuôi tròn. Những người thầy khả kính cho H niềm tin, cho chữ nghĩa dân gian… thì cuộc chiến phân tranh đã vào hồi kết. H lên đường ra trận làm nghĩa vụ con giai. Gió Tây Sơn thổi qua các bến bờ, H bị bắt vào phút mộng mơ nhớ Kinh thành quê hương. Thấy mặt H non choẹt học trò, tướng Tây Sơn cười, bắt theo hầu đọc văn bia miếu hoang, mả vắng và diễn giải ngôn ngữ “ăn nhậu, kính thưa” hai miền nhiều khác lạ. Được ở lại Kinh Thành theo các quan tướng, lại chiến tranh với ngoại xâm một trận nữa, rồi loạn lạc nhiễu nhương.

Phận lính, lại bị bắt lần nữa, người tướng của Gia Long thù bạn nhưng không hại gì một người lính như H đã một lần bị Tây Sơn bắt ở trận tiền. Chữ thầy xưa, nghĩa của đời quân ngũ, của các  tướng đã giúp H văn ôn cấp tốc, đỗ bậc cuối của cuộc thi đặc biệt chọn người bổ đi làm quan xa.

XH thân yêu!  Nàng đã cùng CH những ngày tươi đẹp bên Cổ nguyệt lầu, Hồ Tây sóng xanh dịu êm, áp Tết hoa đào tràn về phường Khán Xuân, tiếng ve cào xé bắt vạ tình, cánh sâm cầm vỗ nhịp tiếng thu, chiều đông tửu quán ấm nồng,…khiến hôm nay bên dòng sông xa vắng nhớ em đến tê người. CH bây giờ ở nơi xa, đủ bình tâm để nói và nhớ lại những ngày bên em. Thực lòng, CH đâu thích văn thơ, hò vè, vẽ vời điệu ít, vần nhiều. Nhưng là học trò thì thầy nói phải nghe, bạn đùa hay nhớ. CH mến tình XH, nhớ mùi hương của nàng hơn tiếng cười vui thứ văn chương kiểu XH mà tuổi thơ CH đã nghe nhiều bên các nhà đám, bến nước, sân đình. Thứ thơ ấy người đời coi : “Từ vua quan đến lính dân, đâu đâu cũng lấy thơ vần làm vui”

Tình Nàng thắm nhị hơn thơ. Đêm trăng Tây Hồ mình hát dân ca, ngâm ca dao thứ thiệt của tình yêu, lúc ấy XH đẹp lắm, thơm lắm, nàng đã dùng thứ nước hoa lá gia truyền của bà lang goá để tắm táp, gội đầu? Ôi yếm thắm, chúng mình đã liều hơn tất cả, dám neo thuyền, bơi lội xuống Hồ xanh.

XH ơi! Tính nàng kiêu bạc đến tột cùng, hôm hẹn anh, nàng diện đồ rồi chào các quan nhân lớn bé để đi chơi. Nàng lại ra câu đố thách mọi người trước lúc vào xe, nàng  dặn dò người hầu miễn phí đồ nhậu cho thực khách hôm đó,… nàng đã đặt CH lên trên đám mặc khách thi nhân. Sau hôm đó,  vài chuyện rắc rối đã đến gõ cửa nhà chúng mình.

Bạn đồng môn có người ra đi, ở lại, nơi nào trên đất nước cũng phải có quan. Chiến trường, học đường CH đã qua, nay quan trường đến đón làm cho tình ta đoạn trường từ đây. Em đừng nghĩ CH này mê lộc nghề quan. Xứ mờ xa cần người cai quản, nâng đỡ lê dân, trấn áp đạo tặc.

Một lần đọc Xuân Thu, đọc các thi sỹ đời Đường (XH thạo hơn), CH  nhận ra những thi sỹ thành danh thường hay bị biếm. Không phải chí khí hay tính cách văn chương, mà do họ mải thơ phú, nhậu nhẹt, ca kỹ hầu non mà xao nhãng việc quan nên phải biếm đi nơi khác. Có kẻ lại dùng quyền bắt học trò chép thơ, quảng bá thơ văn, nhạc của mình bằng những đêm ả đào.  CH biết nhưng không  học bài của họ, CH thấy việc dân, việc nước cần gánh vác, giúp đỡ làm ăn yên lành bờ cõi, CH thích dân giã nghệ thuật. Yêu thơ nhân tình thế thái, kính trọng cao nhân, dưng XH thấy đấy, CH ít ngao du với danh thơ ND, PT,… và các văn sỹ đương thời. Còn đám quan nha Kinh thành, khách vãng lai đến Cổ Nguyệt lầu, nhậu nhẹt, ngô ngọng, hợm hĩnh, đấy chính là dân giã, dân tình, XH đừng cà họ quá trớn, mất khách, mất hay.

Ước mơ cùng em xây trường dạy trẻ học, dưng việc đó có lẽ để về sau, cũng muốn cùng em mở mang Tây Hồ thêm xinh đẹp để làm giàu cho đời trong đó mình được nhiều hơn để báo hiếu, để tài trợ cho các cuộc vui “đêm hội Long Thành” …dưng mãi mãi là mơ ước.

Còn việc này nói rõ hơn để mai rày XH tha thứ. Việc CH ra đi vẫn hẹn ngày về  Lầu cũ lâu đài dù khi đó ánh tà dương, về với mùi hương tình xưa ấy. Một viên quan nhỏ và bà vợ bán hàng khô đã cưu mang CH những năm tháng Kinh Thành bữa đói no, sống chết tù tội bởi làm nghĩa vụ trong cuộc binh đao. Con gái ông bà độ tuổi xuân như chúng ta đầy tính cách Kinh thành, hiền thục duyên dáng đã yêu CH âm thầm sâu lắng. Biết phận mình, CH chẳng dám vờn ve vãn, sợ vạ vào thân. Dưng tình vẫn dập dình không như những bài thơ khát vọng tự do của XH. Gia đình họ muốn giúp CH ở lại thi đấu vào chức quan cận với Tổng trấn thành. Biết họ sẽ tốn kém, nợ của, nợ thêm tình tiền sẽ làm sai lạc tâm hồn học trò, bản lĩnh người lính, phận sự quan nha, nên CH chối từ. Lúc đó, người  ta nghĩ CH đi với XH làm kém danh con gái họ, xem thường nhã tâm gia đình, nên đứt chuyện buồn. CH suốt đời không quên những đồng quà tấm bánh, tấm tình thân mến mà cô gái Kinh thành đã giành giữ cho những ngày học, thi chữ nhiều mà bụng đói.

Tệ hơn nữa, thời Luật lệ đan trùng xiên chéo, người ta đoạt tác quyền vài ba bài văn sớ mà CH đã dâng bài thi cho quan chủ khảo. Giá như nó tầm phào thì không sao, đằng này nó được uy quyền, cộng tiền bạc thổi lên. Để tránh rắc rối, CH ra đi.

Mang theo những bài thơ XH để nhớ về em, yêu  Kinh Thành, để răn đời quan, cách hành xử. Đời đã và sẽ cho CH hiểu thêm chốn thôn quê, thị thành, quan trường sống ra sao. Thực tế đó sẽ đến một ngày vì lý do gì đó CH sẽ treo ấn, từ quan trở về quê hương hoa-rau-cá bên Kinh thành mở Chân Dương quán cạnh tranh với Cổ nguyệt lầu, không phải giành khách văn mà là câu khách nhậu đấy!

Tạm xa, có lẽ đường ngựa và phu trạm cùng lũ lục lâm thảo khấu sẽ làm thư từ mình thất lạc. Mong thư này tới em lời tâm sự tình xa.

XH thân mến! con đường thơ em đi không dài hơn được nữa, nhưng dân giã sẽ dệt thêu nhiều hơn về người con gái anh yêu. Hãy chấp nhận, đừng đợi chờ khi “nòng nọc đứt đuôi, khi dấu vôi đã trắng phớ lên đời xuân xanh”
 
=>Trơ cái hồng nhan với nước non (Xuân Hương gửi Chiêu Hổ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét