Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

27. TRẬN THUỶ CHIẾN SÔNG GIÔNG TỐ


Hoà bình, tôi buồn sầu bởi anh không về, tin tức mờ ảo. Một hôm, gia nhân bẩm báo có một người lính cũ sống chiến đấu cùng anh muốn gặp. Tôi từ chối, nhưng người đó vẫn đợi bên quán nước gốc phượng già mà anh tôi hay giả làm ma, nhắn gia nhân xin gặp bằng được, nếu tôi không tiếp họ không về. Tôi mời vào phủ, họ không vào. Tôi đành ra gốc phượng già. Sau đây là câu chuyện về trận Thuỷ chiến trên sông Giông Tố mà anh tôi chỉ huy, gã Gộc tham chiến, kể lại:
Giặc ma quái, chúng không đánh như tằm ăn mà đánh nhỏ giọt kiểu gà, ngan, vịt khát nước rỉa mớ rau tươi, hay con cá bị chặn dưới cối đá còn thò ra, rất khó chịu. Quân ta ngộ chiến, giáp trận thiệt hại thường xuyên. Thuyền giặc từ bể kéo vào đậu dài bên sông, nhức mắt. Chúng định một trận tràn sông.
Cuối thu se lạnh, những cơm mưa trút xuống nhanh, thỉnh thoảng sông Giông Tố lại vật vã sóng cồn.
Một, hai rồi nhiều buổi anh lệnh cho chiến sỹ vào rừng vào vườn đào cả cây, chặt thân chuối kết bè thả xuôi sông qua chỗ thuyền giặc. Trên thuyền anh bảo đặt nải chuối, lá chuối, đặt bùa giấy xanh, đỏ, vàng thắp hương như gọi hồn người chết đuối mà dân Bến Mơ chúng em vẫn cúng ngày Rằm, mùng Một, giỗ, Tết.
Những người lính trung thành, tuân lệnh anh. Một hôm, và nhiều hôm anh cho chiến sỹ thay nhau tập rượt. Cứ bốn người bám một bè, trang bị vũ khí xuôi sông áp sát thuyền giặc, bè trôi qua đó rồi bỏ bè lên bờ.
Thế là xong.
Lúc đầu địch bơi thuyền ra đâm chém bè chuối nhưng chẳng thấy gì, sau chúng bỏ qua. Nhiều thằng sợ, chắp tay lạy tín ngưỡng dân ta.
Dân Bến Mơ chúng em sống bằng chài cá, thông thạo khí trời, nhìn màu dáng mây biết mưa bão. Em không rành nhưng anh rất thạo. Trên đường chinh chiến, anh hay xem sách thiên văn, địa lý, lịch sử.
Hôm đó, ráng mỡ gà, sông yên lặng đến chiều vẫn lặng yên. Anh cho anh em cơm no, húp mật, uống nước mắm, còn lại đóng vò rồi đi trận. Cứ ba, năm, bẩy người một bè chuối. Mỗi người hai dao găm, bó đinh, búa, cưa, đục gỗ mài sắc, ống đựng dầu bằng ống bương mỏng nút bằng đất sét trộn bột gạo nếp, mồi lửa, gươm giáo, cung nỏ, vũ khí các loại như súng bắn đá để bắn các ống dầu, quả lửa,... gắn vào bè.
Những con "rái cá" xuôi bè. Anh ở trần, cầm lái một bè, số bè chuối nhiều hơn số thuyền địch, có một số bè không có người. Gió, nước lạnh nhưng nước mắm làm ấm, lòng căm thù giặc bốc lửa trên thân thể chiến sỹ ta. Sóng nhẹ, bè trôi nhanh, anh em ngụp ngâm người áp mặt vào bè chuối xuôi về phía thuyền giặc.
Em nghe rõ bọn địch khề khà rượu chè nhậu nhẹt, tiếng con gái rên khóc, tiếng hát man dại của những thằng say rượu, ra mũi thuyền vãi linh hồn xuống sông.
Khi bó hương bốc lửa soi rõ cờ lệnh cắm trên bè (cờ mà công chúa trao anh, thiêng lắm) làm hiệu lệnh thì các con "rái cá" chiến đấu, giết con mồi.
Vì đã được huấn luyện kỹ, các chiến sỹ không mấy khó khăn lặn xuống đục, phá thuyền giặc. Tiếng sóng làm tan tiếng đục. Nhanh lắm, nước ào vào thuyền, có chiến sỹ trôi theo.
Lòng căm thù dồn nén ào theo cơn bão cuối mùa thu, dòng sông sáng rực soi rõ hình ảnh chiến sỹ cởi trần đứng trên bè bắn tên, liệng ống lửa, có những người lính ở trần bị trúng tên giặc vẫn cố bắn tên, quăng đạn lửa vào địch, anh dũng ngã xuống dòng sông quê hương.
Đôi bờ, quân dân tràn xuống mép nước hò hét, trống, phèng la inh ỏi xua đuổi những tên muốn lên bờ chạy trốn. Giặc nhốn nháo, nhiều chiếc thuyền chìm nhanh, những thằng liều nhảy xuống sông nếu không chết đuối thì chết vì giáo gươm chờ sẵn.
Quân và dân ta cùng sông nước, gió bão sóng cồn lên làm trôi dạt thuyền địch, phá tan, nhấn chìm quân xâm lược xuống bùn đen. Những chiếc bè chuối cũng tan, trôi rất nhanh.
Khủng khiếp quá, oanh liệt quá.
Em rạt vào bờ, gần sáng tỉnh lại cùng dân thắp đuốc tìm các con "rái cá" lên cạn, còn ít bè vào bờ, ra bể hết rồi ư?
Em đi xuôi triền sông mấy ngày không tìm thấy anh đâu, chỉ thấy ít xác con "rái cá". Em về ngay xem lại trận thuỷ chiến: Không còn dấu vết, dòng sông mùa thu nước êm êm trôi bình lặng quên lãng như không có gì xảy ra mấy hôm trước. Dân câu rà lặn xuống nói rằng đến quá nửa thuyền giặc cơ man là lương thảo, vũ khí. Chính trận này cùng với chiến lược vườn không nhà trống của ta đã làm đại quân giặc vào Kinh thành đói, bệnh nhanh thua. Sau chiến tranh, đội tiên phong của anh không còn mấy chiến sỹ, họ đã bị các "mạt tướng, thường quan" cho rằng không tiêu diệt nhiều sinh lực địch?


Gã Gộc gào khóc như trẻ em bị lạc, gọi tên anh.Tôi nắm chặt bàn tay thô ráp của anh, bàn tay mà hôm ở quán Gỏi đã túm cổ anh của tôi... Lúc sau tôi nghẹn nói:
- Tôi sẽ đưa anh gặp tể tướng - bố tôi, gặp vua để ghi công các anh và gia đình. Đất nước sau chiến tranh còn nghèo nhưng vua sẽ nói với toàn dân đền ơn đáp nghĩa các anh.
- Không cần đâu, thưa công chúa! Hoà bình, yên ổn làm ăn là tốt rồi. Em trở về Bến Mơ chài cá, vợ con trồng dâu, cấy lúa. Chúng em lập miếu thờ nhỏ, hương khói. Cứ đến mùa thu thả bè chuối trôi sông như ngày chiến trận, cúng viếng là hồn các anh và dân chúng toại nguyện,...
- Anh nói gì về tôi. - Anh kể đi?
Anh  Gộc uống cạn chén rượu rồi kể tiếp:
- Một lần trên đường chiến tranh, uống rượu ở rừng, em gợi chuyện tình anh với công chúa, anh nói:
"Tôi sống hết mình. Còn nhiều việc phải làm nhưng chiến tranh chúng ta phải chiến thắng xâm lược. Là người lính, anh em mình làm tròn nghĩa vụ đàn ông - con trai, nhưng với riêng tôi muốn cùng anh em lập công, chiến thắng vinh quang hiến dâng Tổ quốc và công chúa đã tin yêu giao cờ lệnh".
- Anh không nói thêm gì về chuyện tình với công chúa, anh hay nhắc nhớ về bố mẹ, về kỷ niệm ma quỷ Bến Mơ, về tuổi thơ lặn sông bắt cá, ra biển đảo... Em gặng hỏi anh sau ngày tàn chinh chiến, anh về lấy khoa bảng, cưới công chúa thì anh cười mà không từ chối hay khẳng định như bữa quán Gỏi năm xưa!
- Tôi nghe tin anh vẫn còn sống sau trận thuỷ chiến đêm đó. Bè đưa anh và đồng đội trôi ra biển Đông và không còn dấu vết, có người nói con “ma nhỏ" nào dẫn anh đi đâu đó ngoài đảo xa, phải không?
- Vâng! anh vẫn sống mãi với công chúa với anh em chúng tôi trọn vẹn một tấm lòng, một con người, một chàng trai thuỷ chung với tình yêu chưa cập bến.


“Tôi hiểu anh Thành phố Bảo Phải Nghe muốn nói gì? Có lẽ chiến tranh điêu tàn anh không muốn nhắc. Nhưng với tôi những ngày Lễ Chiến thắng thì bó hương đồng đội lại đỏ rực trời xanh. Tôi, ai đó còn đây… có lỗi. Tại sao mình sống? Là người lính hổ thẹn nhất là không dám chết và không được chết nơi chiến trường!
Đất nước chưa muốn tái hiện y chang chiến trận. Đó là đau thương của thời kỳ kiêu hùng. Chúng ta trân trọng, trách nhiệm với những gì sau chiến tranh. Nhưng vinh quang và kiêu hãnh muôn đời cho cháu con. Một mai hoa đào tàn phai trước gió đông, lộc xanh nẩy mầm, con cháu chúng ta sẽ tái hiện với tình yêu, trí tưởng tượng, lòng ngưỡng mộ thấm dần theo thời gian. Nó thế nào cũng được! lãng mạn hơn nữa, bi tráng hơn nữa…
Còn bây gìơ vẫn lặng thầm dâng hiến những mất mát, hy sinh, công trạng vào lòng thế hệ cầm súng giải phóng và bảo về tổ quốc thân yêu những năm nửa sau Thế kỷ 20 (HDN )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét