Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Đừng dồn bất lợi lên vai nông dân!

Thành tựu phát triển nông nghiệp, nông thôn của nước ta trong thời gian qua thể hiện trên một số mặt cơ bản như tăng sản lượng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giá trị XK nông sản tăng gấp hai lần trong 5 năm 2001 - 2005, một số mặt hàng đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD/năm là thủy sản, đồ gỗ các loại, cà phê, gạo. Kim ngạch XK cho biết sản lượng và thị trường nhưng chưa xác định rõ cơ cấu giá trị gia tăng, lợi nhuận, thu nhập của người sản xuất nguyên liệu, nhập vật tư nông nghiệp, đơn vị chế biến và XK?

"Lấy công làm lãi"
Sản xuất nông nghiệp của chúng ta có khả năng tăng sản lượng do tăng vụ và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, mở mang thị trường tiêu thụ nhưng giá trị tăng thêm của một số sản phẩm không mang lại nhiều lợi nhuận bởi chi phí sản xuất tăng đồng hành và tăng nhanh hơn sản lượng. Ví dụ:

Chi phí sản xuất lúa ở đồng bằng sông Hồng: chi phí lao động : 26%; chi phí vật chất: 74% , cơ cấu chi phí vật chất: phân hóa học: 34%, cơ giới: 18%, phân chuồng: 11%, thuốc bảo hộ thực vật: 11%, giống: 8%, thủy lợi: 11%, chi phí khác: 10%.

Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê tháng 7 năm 2006 cho biết: chi phí sản xuất một kg lúa niên vụ 2005 - 2006 khoảng từ 1.261 - 1.996 đồng/kg, với giá bán bán bình quân trên thị trường khoảng 2.300 - 2.400 đồng/kg thì lãi (sau khi trừ chi phí vật chất và công lao động thuê ngoài hộ) trên 1 ha lúa vụ đông xuân 2006 chỉ khoảng 1,5 - 6,0 triệu đồng/ha tuỳ theo từng vùng, khoảng cách chênh lệch phụ thuộc vào giống, chi phí, thời tiết, thị trường.

Trong chăn nuôi: Chăn nuôi lợn thịt hiện nay chủ yếu quy mô nhỏ 2-3 con/hộ. Theo kết quả điều tra, chi phí sản xuất một kg thịt lợn hơi xuất chuồng vào khoảng 12.000 - 15.200 đồng/kg, chi phí chăn nuôi tập trung ở mức cao hơn. Mỗi con lợn thịt xuất chuồng ở đồng bằng Bắc Bộ chỉ mang lại thu nhập (kể cả công của chủ) khoảng từ 100.000 - 150.000 đồng (tương đương một sào lúa/vụ). Nhiều trường hợp rủi ro về giá, chi phí đẩy cao thì sản xuất nông nghiệp không có lãi, rủi ro thua lỗ theo quy mô sản xuất.

Bên cạnh đó, theo kết quả điều tra của Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn (Bộ NN - PTNT) ở 46 tỉnh, thành phố cho thấy bình quân một hộ phải chi 30 khoản với mức đóng góp từ 250.000 - 800.000 đồng trong một năm, chia làm ba nhóm: 

Thứ nhất, chi phí cho sản xuất dưới dạng dịch vụ của HTX như: phí bảo vệ thực vật, thú y, khoa học kỹ thuật, thủy lợi phí, phí bảo vệ đồng điền... 

Thứ hai, các khoản đóng góp do các tổ chức thu: Quỹ Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Quỹ Chăm sóc người cao tuổi, Quỹ xóa đói giảm nghèo, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Khuyến học, Quỹ Hội cha mẹ học sinh… 

Thứ ba, các khoản đóng góp do UBND xã thu : nghĩa vụ lao động công ích, Quỹ an ninh - quốc phòng, Quỹ phòng chống bão lụt, xây dựng trường học, xây dựng giao thông nông thôn…

Sau 20 năm đổi mới, thu nhập của nông dân đã tăng từ 2 - 3 lần, nhưng quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn chậm, 78% hộ nông thôn vẫn dựa vào nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông, lâm nghiệp và trồng trọt vẫn là ngành sản xuất chính trong nông nghiệp. Với 30 khoản chi có tính "cố định" đã ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, bình quân một hộ trong vùng chỉ đạt 2,2 triệu đồng/năm, tương đương 183.000 đồng/tháng, nhiều hộ mức thu nhập khoảng 25.000 đồng/người/tháng.

Xu hướng chi phí cao vẫn tiếp tục phân bổ vào sản phẩm cuối cùng của nông dân điển hình là cân lúa, đầu lợn, nông dân chưa vượt qua, vượt xa ngưỡng thu nhập ở mức 100.000 - 150.000 đồng cho mỗi đầu lợn thịt, mỗi sào lúa/vụ.

Nguyên nhân
Thứ nhất, giá nguyên liệu đầu vào cao do NK chiếm đến 70% đối với sản phẩm lúa, chăn nuôi lợn, chủ yếu là nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu... Trong khi đó, tỷ lệ này tại Thái Lan là gần 57% và Đài Loan chưa đến 43% đối với thức ăn bò sữa. Các DN nước ngoài dè dặt đầu tư vào sản xuất nông nghiệp nhưng lại chú trọng đầu tư sản xuất nguyên liệu đầu vào và cung ứng vật tư nông nghiệp.
Thứ 2, việc hình thành giá đầu vào còn có thuế NK, thuế GTGT, thuế thu nhập DN, nông dân còn chịu những chênh lệch giá do đầu cơ và hình thức cho vay nặng lãi (vay tiền và vay vật tư).

Thứ 3, diện tích đất canh tác bình quân đầu người chỉ còn trên dưới 360 m2, bằng 1/6 mức bình quân của thế giới, quy mô đất canh tác của hộ thấp, vẫn còn phân tán làm cho chi phí sản xuất cao. Sản xuất phân tán đã hạn chế việc tập trung để sản xuất những sản phẩm có đơn đặt hàng có giá trị lớn của nhà chế biến XK.
Thứ 4, cơ chế cạnh tranh cùng với các biện pháp thị trường đã có xu hướng dồn bất lợi về cho người trực tiếp sản xuất sản phẩm nông nghiệp cả khi mua và khi bán.

Thứ 5, sức ép của giá sản phẩm NK đối với mặt hàng nông sản cùng loại và mặt hàng thay thế làm giá nông sản trong nước không thể tăng. (Các siêu thị, chợ lớn đã và đang bán thịt gia súc, gia cầm, nông sản chế biến, nông sản tươi sống NK với giá cạnh tranh, giành khách có thu nhập trung bình và cao).

Thứ 6, sản xuất nông nghiệp rủi ro trước thị trường và diễn biến dịch bệnh, gây nhiều tổn thất và tạo khoảng trống để nông sản NK chiếm chỗ.

Thứ 7, quy mô sản xuất nhỏ, chưa đúng quy trình làm cho năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, giảm giá trên thị trường. Quy mô sản xuất mở rộng nhưng thị trường lại không mở rộng và ổn định cũng là thiệt hại khiến nông dân đã phá bỏ một số cây trồng lâu năm!

Thứ 8, hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế về quy mô, phương thức nên hiệu quả không cao. Chưa có nghiên cứu sâu sắc về tác động của ngân sách hỗ trợ, đôi khi hỗ trợ đó chuyển vào những đơn vị thực hiện nhiều hơn đối tượng thụ hưởng phát huy thành quả của hỗ trợ. Nông dân chưa hẳn đã được tham gia thảo luận và giám sát đầu tư phát triển nông thôn. Thiếu cơ chế quản lý, bảo dưỡng, duy tu làm giảm tác dụng của công trình hạ tầng ở nông thôn...

Giải pháp khắc phục
Trước hết, chúng ta cần nghiên cứu sâu về chi phí sản xuất nông nghiệp ở các ngành, vùng và so sánh quốc tế, chỉ ra phương pháp khắc phục các yếu tố nhằm giảm chi phí sản xuất, trước hết cần dỡ bỏ, giảm nhiều khoản mục trong 30 khoản chi đã nêu ra. Đặc biệt nên có cơ chế xem xét kỹ các khoản chi được sử dụng như thế nào, đã thực sự phục vụ sản xuất và đời sống nông dân, cần công khai hóa và thỏa thuận với nông dân về các khoản thu chi.

Xây dựng nền nông nghiệp đa dạng sinh học, đa quy mô, nhiều cơ cấu ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp theo cơ chế hợp đồng, có chế tài xử lý vi phạm.

Tổ chức hợp lý quy mô sản xuất theo hướng "dồn điền, đổi thửa" liên kết các hộ nông dân góp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tư liệu sản xuất, tiền và các chứng từ có giá thành lập HTX, Cty dịch vụ nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp. Có cơ chế công khai, công bằng, minh bạch khi bồi thường cho nông dân khi bị thu hồi đất, có thể chuyển một tỷ lệ tiền bồi thường thành cổ phần của DN được giao đất? 

Thực hiện các biện pháp hỗ trợ không vi phạm cam kết WTO như tiếp tục đầu tư hạ tầng nông thôn nhằm hỗ trợ gián tiếp hoạt động sản xuất nông nghiệp, ngành nghề phi nông nghiệp, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp thông tin thành tựu khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường trong nước và quốc tế. 

Nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành nghề nhằm bảo vệ quyền lợi của các thành viên. Các hiệp hội ngành nghề có liên quan cũng cần bàn bạc để điều hòa lợi ích thành viên có liên quan, ví dụ như hiệp hội chăn nuôi, hiệp hội thức ăn gia súc, liên minh HTX... đều có đối tượng là nông dân.

Xây dựng cơ chế để hộ sản xuất tham gia mua cổ phần các Cty cung ứng đầu vào, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Cty sản xuất kinh doanh trên đất nông nghiệp bị thu hồi, tạo cơ chế mở để nông dân có nhiều cơ hội làm ăn.

Triển khai cơ chế bảo hiểm vật nuôi cây trồng cả về phòng dịch bệnh cũng như khi rớt giá.
Phát triển các tổ chức tín dụng nhỏ và vừa cung cấp tín dụng cho nông nghiệp và nông thôn, chú trọng đào tạo kỹ năng xây dựng dự án, tiếp cận tín dụng đến các đối tượng phụ nữ,...

Đổi mới các HTX dịch vụ nông nghiệp: Xây dựng mô hình HTX "mở" bao gồm xã viên sản xuất nông nghiệp, các DN cung ứng đầu vào, tiêu thu đầu ra, làm các dịch vụ hỗ trợ.

HTX thành lập Cty TNHH một thành viên: Sản xuất một số vật tư nông nghiệp như phân bón, giống, vận tải, làm đất, làm dịch vụ nhằm giảm chi phí đầu vào cho các hộ sản xuất nông nghiệp; Thu hoạch, sơ chế, chế biến sâu nông sản nhằm tăng giá trị nông sản đầu ra, chú trọng cả nhu cầu thị trường trong nước về sản phẩm sạch.
Tận dụng tối đa chính sách khuyến khích phát triển HTX theo Nghị định 88/2005/NĐ-CP và các chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Xây dựng mối quan hệ mua bán tập trung giữa HTX và xã viên theo nguyên tắc hỗ trợ để xã viên giảm giá đầu vào, tăng giá đầu ra so với giá thị trường (giá đầu vào thấp, đầu ra cao, dịch vụ chu đáo).

Tranh thủ tối đa hỗ trợ của nhà nước, các chương trình kinh tế -xã hội để đào tạo nghề, các dịch vụ khuyến nông...

2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét