Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

30 LỄ CẦU HỒN BẾN MƠ


Mùa thu, hai năm sau ngày giải phóng quê hương thoát khỏi ách áp bức xâm lược của ngoại bang, thể theo nguyện vọng của quân dân, bố tôi trình vua và được triều đình chuẩn tấu lễ gọi các vong hồn nghĩa sỹ, nhân dân đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến vừa qua.
Kế hoạch này giao cho  hội đồng dân chúng và các vị sư sãi nhà chùa thực hiện.
Theo truyền thống, người dân sẽ lập đàn tế lễ trời đất gọi hồn trên cạn, thả bè bắc cầu trên sông gọi những người hồn lắng ở dòng sâu trở về cõi vĩnh hằng, siêu thoát trong mây trắng trời xanh, ghi danh trên am miếu, đình chùa, nhà thờ dòng họ ở quê hương nơi họ sinh ra và lớn lên.
Công việc chuẩn bị chu đáo, có lẽ đây không phải lần đầu, mà thời xưa trước đã từng làm như thế. Ôi đất nước đau thương mà kiêu hãnh, đất nước của những người con trung hiếu xả thân vì nền độc lập tự do. Quê hương của những con người áo vải nương dâu, chài lưới yêu hòa bình, quý độc lập tự do, không thích binh đao gây chiến. Đất nước đó, con người như thế không bao giờ chịu khuất phục trước ngoại xâm, không hận thù để bụng, sẵn sàng hòa hiếu, nhún nhường, vị tha đặng đổi lấy hòa bình, ấm no, hạnh phúc.
Nhà vua có gửi  thư cho sứ thần nước bạn đang ở Kinh thành, mời khách nước bạn sang tham dự lễ cầu hồn để nguyện thề chấm dứt binh đao.
Cả một dòng sông dài với những xóm làng, bản mường đôi bờ cùng ngày lễ. Bến Mơ quê hương anh và tôi là điểm chính lập đàn trời. Tôi theo bố và các quan ra kiểm tra việc chuẩn bị nghi lễ.
Một roi đất  nổi ven sông, không biết phải nơi mà ngày xưa anh gặp đàn ma nhỏ và nhận hòn sỏi nhớ? được lập đàn chính. Một bình hương khổng lồ đặt trên cao, trên nữa là lá cờ tổ quốc, cờ xí xung quanh. Lá cờ chỉ huy của anh đã ngả màu hồng, có lẽ dân ven sông nhận được sau trận thủy chiến trên sông Giông Tố và đem giao cho quân đội.
Hai bên bờ sông những chiếc bè chuối lớn bé được kết từ những thân chuối tươi vững chắc. Những quán lá bên sông được dựng tạm cho ngày lễ, ai cũng hy vọng hồn con em mình, cha anh mình siêu thoát, dịu dàng như gió mùa thu, êm êm như dòng nước Bến Mơ muôn đời trôi chảy đưa cát bụi trần đời bồi đắp đôi bờ phì nhiêu màu mỡ rồi hòa vào đại dương bao la với vị mặn mòi của tình quê, sông nước.
Mọi người có mặt từ sớm, tiếng chim hót trong veo trên các lùm cây ven sông, trên các bè chuối, chim đậu trên cột lễ đài, trên chóp ngọn cờ. Dòng sông hát bài ca truyền thống mà dân mỗi vùng có một lời, ví dụ như dân Bến Mơ hát " dòng đời trôi… đuổi dòng sông, cháu con,… nối nghiệp cha ông vững vàng, mai sau,… có chiếc cầu ngang, ngắm bình minh,… bước đi sang đôi bờ".
Tiếng reo hò vang lên khi phía đông mặt trời hồng rực rỡ nhô lên khỏi mặt sông. Ban mai trong sáng, vị tha, ban mai chia đều ngày mới cho mọi người. Thời khắc này nhanh lắm. Ngày đi học, tôi được một lần anh gọi thi chạy về bến sông để chiêm ngưỡng bình minh, anh nhìn ánh sáng mặt trời lăn trên tóc tôi, tôi tin rằng ban mai cho tôi vẻ đẹp, anh không khen mà khẽ vén vài sợi tóc trên má tôi, thấy anh tươi cười âu yếm như thế thì cần gì phải soi gương! Một lần đến lớp, gặp anh ở cổng trường, không thấy anh tươi cười, tôi sắp bực thì anh cười chỉ ra vết mực tím trên má lấp sau mấy sợi tóc mai, anh doạ "đi ngủ phải rửa mặt, có vết nhọ không hay đâu, người âm nhận diện thì nguy đấy". Anh tinh mắt bởi anh yêu tôi, tôi nhìn anh như tấm gương soi, tình yêu vô tư ấy gây ra nhiều phiền toái ghen tuông là lẽ thường. Người ta chỉ xấu hổ khi không được ghen, ghen vì yêu chỉ có đẹp đời người.
Vua đích thân đánh trống mở lễ. Đại diện triều đình và toàn dân đứng lên hướng về mặt trời quê hương, chào lá cờ Tổ quốc, sau đó nghi lễ gọi hồn giao cho ông chủ tế điều hành. Hồi trống thứ hai thúc lên, phường bát âm đồng loạt cất lên điệu nhạc gọi hồn vừa bi ai, vừa êm ái, mến thương, và sau cùng vui nhộn như ngày chiến thắng.
Mọi người hai bên sông thắp hương theo lệnh của chủ tế phất bó hương cắm lên lư hương lớn trên đàn tràng. Vua, bố tôi và các quan, tất cả mọi người ở roi đất ven sông lần lượt cắm một nén hương cúi đầu tưởng nhớ quan quân dân binh trận tử vong trong cuộc kháng chiến vừa qua.
Các bó hương cắm lên các bè chuối như ngày xảy ra trận thủy chiến, người ta còn đặt thêm các mâm ngũ quả, xôi oản, cháo, cơm và cả con gà ngậm hoa hồng. Những sản vật quê hương, những đồ sành điệu Kinh thành được đặt lên theo ý thích  mỗi gia đình, theo khẩu vị người quá cố, bè nào cũng có nải chuối chín hoặc xanh, có gia đình đưa cả nhưng con cá tươi, ốc ếch đặt lên. Tôi cố gắng nhìn, tìm mà không thấy bè chuối của gia đình anh. Người đông như nêm bến sông, đất nước được thái bình như hôm nay là nhờ những người con của các gia đình, nhiều nhà mất đến mấy người, anh em, bố con,… Hương khói trên bè, hương khói trên bờ trong các lán, trên các mô đất ven sông. Khói xanh tỏa lên trời thu xanh, khói nhòa tan vào những đám mây trắng vô tư trôi về biển.
Tiếng hô gọi hồn của người chủ tế được bá ứng bằng những tiếng không có trong giao tiếp, đó là tiếng buồn trộn với niềm vui, tiếng khóc xen tiếng cười, tiếng ở dòng phân thủy âm dương. Sau tiếng lạ đó là tiếng gọi, tiếng khóc : con ơi, cha ơi, em ơi, bố ơi, ông ơi, anh về với em,… và tiếng gọi chị ơi,.. chị ơi!  thì rõ là cô gái nào đó đã hy sinh. Tôi chợt thấy mình còn may mắn ở khi ở bộ chỉ huy tiền phương được che chắn an toàn, các đơn vị bảo vệ đã đập tan nhiều cuộc tập kích của giặc vào bộ chỉ huy mặt trận. Tôi chợt nhớ tên tướng tù binh đã hỏi tôi về đội nữ binh trong chiến tranh. Có thể chúng nó đã giao tranh với các cô gái phương nam. Chao ôi! đất nước mà giặc đến nhà đàn bà con gái cầm giáo mác thì các chàng trai không thể yếu hèn. Tôi thắp thêm nén nhang trên đàn cao gửi chị em- những người bạn, người chị của tôi đã hy sinh tình yêu, tuổi trẻ cho nền độc lập.
Các nghi lễ tín ngưỡng được tự do theo tập quán của mỗi địa hạt ven sông, có đám nhảy múa lên đồng, có những cô đồng, cậu đồng được phủ vải điều cho người ta phun rượu lên rồi quay tít, ngồi thụp xuống để hồn âm nhập vào chuyện trò với người thân. Những nhà sư áo vàng thụng, ngồi xếp bằng chắp tay khấn lầm rầm, rồi lần tràng hạt theo nhịp mõ lễ của chùa. Hầu như không nghe tiếng thấy tiếng nói của sư. Họ nói nhỏ bằng ngôn ngữ cửa thiền. Trong chiến tranh có nhiều nhà sư đi kháng chiến, những bài thuốc, bài võ đã giúp ích quân dân trong chiến trận. Trong lễ cầu siêu của nhà sư có  rất nhiều người quỳ lạy, đau xót khi ánh mắt gặp những thân hình không lành lặn của những người bị thương tật trong chiến tranh!
Tiếng reo "Về rồi! Lên kìa!" vang lên. Đó là những bè chuối có con cua, ốc, cá tôm, ếch, thủy sinh bò men thân chuối, nhảy lên nhảy xuống bè mà người ta cho rằng hồn theo đó lên cạn và siêu thoát vào khoảng không bao la. Thực ra, tín ngưỡng này được bảo đảm bằng hiện thực khi người ta khéo léo giấu những con cào cào, châu chấu, con mồi trên bè để thủy sinh theo đó mà lên.
Tôi mê mải ngắm nhìn đôi bờ sông.Vua, bố tôi và các quan trầm mặc nhìn sông nước, chốc chốc ai đó lại cắm thêm nén hương rồi khấn vái gì đó trên đàn trời. Có lẽ trong lòng mỗi người có những kỷ niệm về người thân hy sinh, hay những ân hận, những cầu mong cho cuộc sống hôm nay và mai sau, họ nhẹ nhàng gửi vào nén hương niềm tin yêu, hy vọng, họ trân trọng giá trị truyền thống, họ cảm ơn những hy sinh,…và những gì mỗi người tự cầu nguyện.
Có ai đó gõ vào băng ghế chỗ tôi ngồi.
- Chào công chúa! xin cô đi cùng chúng em đến chỗ gọi hồn cho anh - Tiếng gã Gộc gọi. Anh Gộc độ này mạnh khỏe, anh là một trong số mươi người còn sống sót trong trận thủy chiến. Không thấy vua phong thưởng, anh tôi cũng không được phong thưởng thì anh Gộc cũng phải chờ, chiến tranh vừa đi qua, bận rộn lắm, rồi đây các thái  sử quan  sẽ làm rõ.
Tôi kéo người hầu xuống bè nhỏ, anh Gộc bơi vài sải vào bờ, tôi theo anh Gộc qua các đám đông rồi men theo triền sông đến một lùm cây cao rậm. Qua một quầy rượu, thấy bố con nhà rượu và người làm đang tíu tít múc rượu vào bát, giao những be rượu lớn bé cho khách đặt lễ cúng. Gương mặt cô gái nhà rượu có hào quang tươi xinh, nó vẫn thế, vẫn vô tư, vẫn diện ngang ngửa kinh thành, chúng tôi chào nhau. Cô ta thì thầm với tôi:"bố và em cùng gia đình vẫn thắp hương ăn chay ngày chiến trận sông Giông Tố, em chia buồn với chị". Tôi cảm ơn, và chút ghen tức lại nổi lên. Phải chăng ngoài ơn cứu mạng, cô ta đã có tình yêu với anh đầy bí ẩn mà tôi không dám hỏi? nếu hỏi tôi sẽ nghen tức đến chết, bố con nhà rượu này hay cười đùa hư ảo. Sách vở, ngôn ngữ kinh thành, kẻ chợ của họ thì anh và tôi học lắm cũng phải chào thua.
Anh Gộc mời tôi xuống chiếc bè chuối to lớn như chiến thuyền, có người chèo lái. Tôi ngồi chiếc ghế cao chính giữa nhìn ra mâm lễ gọi hồn anh, trên mâm có be rượu rất to mà anh Gộc bảo đó là cô gái rượu gửi anh. Những người lính trung thành, tình đồng đội, ân nhân với anh đã làm tôi nghẹn ngào, xúc động, chờ lệnh nghi lễ của họ.
Tiếng hô của bè trưởng Gộc dứt, các tay chèo gạt nước dào dạt  tiến ra giữa sông và xuôi qua roi cát lễ đài lớn. Tôi tự tay đốt lửa thắp hương gọi hồn anh:  "Anh yêu, anh về với mẹ với em, anh về tiếp sự nghiệp đời trai,... anh siêu thoát, phù hộ độ trì cho gia đình quê hương, anh nhớ em, em gọi anh, em không thể,... em buồn đến,...chết sớm theo anh!".Tôi khóc nấc, thấy khói hương cay cay trong mắt mũi, tức trong ngực muốn ngã. Người hầu đỡ tôi, lau mặt.
- Công chúa chuẩn bị coi nè, đến đoạn vui hay nhất đấy.- Anh Gộc tươi cười dõng rạc ra lệnh ngay:
-Kéo buồm lên!
Mấy chàng trai ngừng tay chèo. Họ nhanh chóng dựng cột buồn, néo dây chặt rồi kéo buồm lên. Cánh buồm màu tím tươi lớn quá, căng theo làn gió làm bè xuôi nhanh hơn. Tiếng reo hò trước sự bất ngờ hoành tráng trên sông nước. Tôi hôn lên cánh buồm màu tím thơm mùi vải, tôi vô cùng ngạc nhiên khi họ làm buồm tím khổng lồ như lòng chung thủy của  tình yêu. Anh có nhìn thấy cánh buồm này không, anh có thác gửi những người lính có thể sống sót làm việc này ư ?
Bến Mơ náo động, mọi người ngừng việc, đổ ra bờ nước ngắm lá cờ tình yêu. Chỉ có tình yêu, lòng thủy chung với đất nước quê hương, hiếu lễ với cha ông tiên tổ là cội nguồn của sức mạnh, là khát vọng sống trong hiện thực và tương lai.
Tôi vui sướng đứng dưới cờ, vẫy tay chào vua quan, bố tôi và mọi người bên sông. Có ai đó la to, sau đó nhiều tiếng reo "Công chúa -Tình yêu -Vạn tuế". Họ đã vui quá mà phạm vào chữ "vạn tuế" chỉ giành riêng cho vua. Nhưng ngày này có thể được vua bỏ qua. Anh, đồng đội anh và dân Bến Mơ đã an ủi tôi, động viên tôi sống vui hơn.
Không thấy thủy sinh nào lên bè, anh Gộc nói với tôi:"Anh vẫn còn sống mà gọi hồn thế này thì oan cho anh quá". Có lẽ anh Gộc động viên tôi. Tôi lại lo hồn anh không siêu thoát, anh có gì oan ức đâu, anh sống và chết vô tư. Nhưng tôi biết vì sao không có con gì lên bè buồm tím.
Bè chuối có cánh buồm màu tím neo trên sông, gió thổi lắc lư để mọi người chiêm ngưỡng. Từ bờ bắc, một thuyền có đầu rồng đen bóng tiến ra sông, đó là thuyền của nước bạn sang cầu hồn những người lính viễn chinh xấu số. Họ đã thực hiện nghi lễ của họ. Từ roi cát lễ đài, một thuyền đầu rồng vàng óng của ta ra nghênh tiếp. Những viên quan văn áo chùng của hai bên chắp tay chào nhau, họ sang thuyền rồng vàng trước, rồi qua thuyền đầu rồng đen thắp hương. Hai thuyền sóng đôi một đoạn chào người dân trên Bến Mơ. Lúc hai thuyền đi qua bè chuối, tôi nhận rõ tên tướng tù binh năm kia đứng chắp tay trước mặt, anh ta nhận thấy tôi và chúng tôi chào nhau: Vĩnh biệt chiến tranh, từ nay sống hòa bình, bang giao thuận hiếu nhé. Đó là mong muốn của muôn dân.

31 GIẢ THIẾT VÀ ĐỐI THOẠI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét