Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Câu đố phố Hà Nội



Thân mến tặng bạn đọc
Thay lời tri ân 10.000 lượt xem

Hàng phố

1.     Ở trần, ai dám suốt đời
đồ thành tên phố một thời, nay đâu?

2.     Mới nghe đã thấy âu sầu
Quan nha rách giấy bút mầu cán cong

3.     Dâng lên đặt xuống lưng còng
Người thắng có thẻ, thua vòng ra đê

4.     Bày ra  trên chiếu nhiều ghê
Khỏi cần mâm mẹt, bộn bề xông xênh

5.     Không sợ đắm, khiếp thác ghềnh
Đan néo cho chắc bồng bềnh về xuôi

6.     Yêu nhau vụng trộm làn môi
Bao nhiêu thứ đã yên ngồi nơi đây

7.     Bập bùng rung dẻ sợi dây
Đầu cô má đỏ đội mây trên đồng

8.     Mưa rây rây, hạt trắng bông
Xuân sang đình đám phải lòng như chơi

9.     Gió lên cho thuyền ra khơi
Phong ba, bão táp tả tơi sợ gì!

10.            Duỗi ra cũng giống sợi mì
Rắc mấy thìa ốc ngồi lỳ vài tô

11.            Học trò viết đọc I-tờ
Phương Đình dựng tháp trên bờ Hồ Gươm

12.            “Hàm răng” cào ruộng tinh tươm
Hẹn mùa lúa chín hạt cườm long lanh

13.            Thoáng nghe đã thấy mùi tanh
Rán lên  thơm lức để giành cho nhau

14.            Mỗi khi mùa lúa quặn đau
Vân xanh, hạt đỏ lá trầu quệt vôi

15.            Dễ như chung đụng chia đôi
Cô hàng san xẻ  xinh tươi mời chào

16.            Cái này lá chuối nút vào
Vợ buồn vì thấy năm hào đi tong

17.            Quăng tròn trên những bến sông
Viền chì vét đáy cá cong thân, chuồn

18.            Giàu nghèo ốm dậy húp luôn
Cô hàng cười tít tay luồn đong đưa

19.            Một trong ba thứ khó chừa
Đã thành đạo lý dạ thưa bẩm chào

20.            Người Nam gọi bát không sao
Gia truyền nghề nghiệp thế nào đất ơi

21.            Các bà, các chị cắn môi
Đường kim gửi gắm tình đời cho nhau

22.            Cuốn vào dễ, trải ra mau
Xin đừng cô quạnh làm đau chuyện tình.

23.            Mẹ Cám mắng nhiếc Tấm xinh
Giữa  lúc Hội đình hài gọn đôi chân

24.            Bóc bẹ  ra, trắng ngần ngần
Muôn đời cúng bái có phần của tôi

25.            Ngựa trâu no đói thèm xơi
Hoang vu đến tận cuối trời xanh xanh

26.            Vụng đan cuốn lại là thành
cái bồ không đáy cho nhanh mùa màng

27.            Đêm hè xót tiếng âm vang
Xỏ vào chiếc cán  thôn trang thiếu gì

28.            Chợ này rộng rãi lối đi
Giật mình nhận thấy thứ nhì tái đen

29.            Khuyến mại vài cái bấc đèn
Thắp lên cho tỏ nỗi niềm nho sinh

30.            Cái quai nhỏ, gót cao xinh
Gốc hoè ai đã giật mình vì yêu

31.            Dương cầm trong trẻo về chiều
Một dây đêm vắng cô liêu thu về

32.            Chính trang phố cổ đam mê
Màu hồng tấm lụa ai chê được nào

33.            Thằng Tây đặt bốt đầu cầu
Chợ hoa xưa cũ rực mầu đón xuân

34.            Bóng banh trên một cái sân
Tên hàng phố ấy rất gần Hùng Vương

35.            Mua đồ biếu tặng người thương
Quà bánh truyền thống mình thường đến đây

36.            “Thoát Hoan” đúc trống ở đây
Bởi hắn biết trước có ngày chạy thua

37.            Khi ăn nhớ nhắc trẻ so
Đầu nhỏ một phía, đầu to một đằng

38.            Ngọt ngào bánh cỗ đêm trăng
Những ai háo sắc hàm răng sún mòn

39.            Mâm xôi có chú chim non
Ngậm bông hồng đỏ màu son cúng trời

40.            Tường thành rêu phủ lên tôi
Cuốn vào lòng giếng cho người nước trong

41.            Sinh ra bảo vệ bông hồng
Bán đồ lưu niệm chất chồng ở đây

42.            Chiến trận nổi tiếng nơi nầy
Bám từng mái ngói, thằngTây mất hồn

43.            Gắn vào tiến sỹ thêm buồn
Cưới chồng cho những âm hồn vọng danh

44.            Bước chân cô tấm thanh thanh
Ngày nay hàng hiệu tranh giành khách mua

45.            Cùng là chày cối được thua
Bí truyền muôn thuở không đùa được đâu

46.            Đoàn Chuẩn thương nhớ âu sầu
Nhìn vào đôi gót em mầu xanh xanh

47.            Đứng đầu Thập đạo tướng quân
Làm vua, lấy hậu đền gần Hoa Lư

48.            Phố vào trong xóm trại ư?
Kiêu sa nép bóng ông từ trông coi

49.            Thứ này dùng phải là toi
Vùi vào cát bụi sống đời nhà ma

50.            Đốt lên lam khói la đà
Ngàn xưa thiên cổ nhớ nhà về thăm

51.            Bát âm Tháng bảy ngày rằm
Hiệu lệnh chiến trận ai nằm ăn roi

52.            Bày lên ly chén, xin mời
Sơn mài chịu nước, chịu chơi đến cùng

53.            Chỉ vì không thích dùng chung
Móc vào bấm chốt, xin đừng ngó nghiêng

54.            Phòng ngừa cái đói tháng Giêng
Mùa đông thơm phức từ miền quê xa

55.            Vì không muốn vải bạc nhoà
Nhuộm màu xanh ấy nay là Hàng Bông

56.            Vinh quy nằm võng ráng hồng
Người khênh, kẻ rước quan ông về làng

57.            Cá rô dại dột tưởng hang
Chui vào tránh nắng cả đàn chật hom

58.            Yêu em mái tóc mượt thơm
Phố mình riu rít tiếng chim trong vườn

59.            Đồ hàng cúng lễ tinh tươm
Lưỡng nghi cách biệt âm dương thuận hoà

60.            Uy quyền bởi cái rèm che
Ngon lành giấc ngủ xuân hè thu đông

61.            Mảnh mai che chắn mưa giông
Điều hoà ánh sáng cho chồng thở than

62.            Món này sực nức bát canh
Thiếu nó như thịt không hành nhạt trơ

63.            Cửu trùng chỉ có vân tơ
Yêu nhau vờn sóng nước bờ  sông Ngân

64.            Hiếm muộn, đói rách thứ dân
Có hàng phố ấy nay dần nhạt phai

65.            Mặn mòi quyến rũ tình giai
Cho vừa đồ nhậu thi tài nấu ăn

66.            Màu này nhuộm vải sợi săn
Cánh buồn Nguyễn Bính lăn tăn cửa thiền

67.            Phương Đình chơi “tả thanh thiên”
Nhớ qua hàng phố mua liền vài âu

68.            Hàng này, ớn gã đi câu
Gặp cua kẹp đứt cả sâu lẫn chì

69.            Trêu đùa quan cụ tuần ti
Nghiêng che, lúng liếng nói gì em ơi!

70.            Phố này nay đã xa rồi
Một khu công nghiệp bên trời Hưng Yên

71.            Thả vào nước đục hoá tiên
Một hàng ngon miếng kẻ nghiền bê thui

72.            Xoè ra ba góc trêu vui
Xuân Hương kiêu hãnh ngậm ngùi chàng Chiêu

73.            Cô hàng rẻo gánh miệng rao:
-“Hàng tươi xanh sạch bác nào mua em”?

74.            Thứ này vỏ quýt khô mềm
Trộn cùng với trứng cho thêm bột hàng

75.            Còn đâu phong thái cao sang
Khoá son đã mất, trái ngang đầy đời

76.            Gỗ tạp phải có nước tôi
Đậy che mưa buị bên trời thấm vô

77.            Cũng là chiếc lọng nhấp nhô
Đưòng quê thôn ổ vẫn chờ lộc quan

78.            Ngậm ngùi thắp lửa giang san
Tàn tro đen đủi từ ngàn năm xưa

79.            Đường kim chỉ biết khuyết thùa
Ngón tay túa máu khéo mua được chồng

80.            Áo quan cho những kẻ ngông
Lạnh lùng bịt kín qua sông luỵ đò

81.            Những người quá cố rất lo
Quan bằng gỗ chò làm khổ cháu con

82.            Cỏ Nam được nắng khô ròn
Khéo phun, khéo xấy, bố con lang thầy

83.            Nhà tằm dệt lụa màu mây
Hàng Đào xưa cũ bán bầy quanh năm

84.            Sánh cùng vò rượu sủi tăm
Năm trăm cục đá  uống cho đến tàn

85.            Nguyễn Duy nổi tiếng màu xanh
Có chiếc áo cộc để  giành suất đinh

86.            Đồ này treo ở các đình
Sân Triều ai đã thùng thình kêu oan

87.            Nâng niu như đứa bé  ngoan
Gà vịt cục cạp một đàn đẻ ra

88.            Hàng tấm ăn nói ba hoa
Dựa vào màu sắc các bà cô yêu

89.            Người mê mải mốt trầm sâu
Có hàng tấm nhuộm củ nâu với bùn

90.            Bán đồ cúng bái gia tiên
Hoá vàng nổi lửa đốt tiền cõi âm.

91.            Xuân Hương ao ước cài trâm
Oan hồn nay vẫn âm thầm ghét  VÔI.


Phố


92.            Bờ Nam khói sóng lả lơi
Đến mùa khế chín em tôi cưới chồng

93.            Bạn cùng văn sỹ cuồng ngông
Phố nay nổi tiếng bán buông phì phèo

94.            Cụ Phan yêu mến dựng treo
Bà Đàm trung hiếu đi theo phong trào

95.            Vợ quan chức trọng quyền cao
Một đường phố đẹp dẫn vào vườn hoa

96.            Đến Hồ Hoàn Kiếm không xa
Sau lưng Trụ sở một toà báo to

97.            Chén ngà uống rượu cả vò
Hàng phở tái chín tò mò thử xem

98.            Phố chị nối tiếp phố em
Tách ly ấm chén  mình đem lại gần

99.            Nơi sinh ra Đại thi nhân
Câu chuyện “Kỳ ngộ” dần dần mở ra

100.       Vào thùng khiếp sợ rên la
Chức quan xuất khẩu nay là ngoại thương

101.       Ăn theo bệnh nhãn nhà thương
Những ngày tuyệt  mệnh vấn  vương chuyện tình

102.       Vỗ về một lũ kiêu binh
Có quan tham tụng thân chinh giảng hoà

103.       Dù cho chân chậm mắt loà
Lưỡi dao kéo sắc tỉa hoa Sinh Từ

104.       Về vườn ông Trứ gật gù
Mừng lo một vị đa thư ngông cuồng

105.       Cùng anh rèn đúc súng trường
Gươm mài mòn đá sơn Hương thuở nào?

106.       Cụ Phan tin tưởng gửi trao
Anh em chiến trận máu đào sông Son

107.       Ống khói khách sạn Hosion
Đồ sứ nội thất cha con đến tìm

108.       Phố này nổi tiếng ăn đêm
Dân chơi tụ bạ trước thềm đua xe.

109.       Trận nầy quân giặc khóc nhè
Phố hiền như bụt hổng chê lữ hành

110.       Ngày xưa sông ấy sạch xanh
Cây cầu thơ mộng kinh thành phía Tây

111.       Lấy đâu gạch đá dựng xây
Những người thợ mộc dùng ngay xoan đào

112.       Họ Đoàn mở tiệm trám vào
Ngon miệng quen gọi lúc nào thành tên

113.       Làm đồ nhạc cụ gia truyền
Tiếng trong như hạc màu huyền như mây.

114.       Đình, chùa, am, ngõ phố đây
Nàng Châu công chúa tu đày năm xưa

115.       Đông Thành đến buổi ban trưa
Nước phèn lắng lọc người mua xa dần

116.       Đã là lê thảo muôn dân
Nồi cơm chiếm đến chín phần bữa ăn

117.       Chợ dài xuyên đến La Thành
Ả đào, nghiện hút nổi danh một thời

118.       “Thất trảm” một sớ, một lời
Dạy trò đỗ đạt làm người có nhân

119.       Diên Hựu tịnh xá một chân
Ngôi chùa duy nhất ở gần Đại lăng

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Phúc tại mẫu



Thuộc diện cốt cán, ông nội tôi là nông dân liệt sỹ chống Pháp (CTV trung đội du kích), bố tôi qua thời chiến, được phong chức, được giao chỉ đạo CCRĐ ở huyện LN-SĐ, tỉnh BG vùng sâu xa, thưa dân nhưng nhiều thổ phỉ.



Trước khi đi, bố tôi về nhà, bà nội tôi bảo “mày làm gì cũng phải để đức cho con cháu”. Bà tôi biết rõ phong trào đấu tố sục sôi “long trời lở đất” nhiều hậu quả. Bà tôi không biết chữ, không đi chùa.

Bố tôi sau này kể: Trên giao 5-10% địa chủ, quốc dân đảng, thổ phỉ, và cả trộm cướp phải đấu, bắt tù. Dựa vào cơ sở, lại xa chỉ đạo ép của trên (do họ tập trung ở vùng xuôi), bố tôi hỏi kỹ anh em trong đội, gặp đối tượng,… và thống nhất ra báo cáo các thành phần có tên với kết luận:

1.Số hộ có nhiều đất, trâu bò, nhà khung gỗ mái tranh, dụng cụ canh tác là dân nghèo dưới xuôi bồng bế nhau đi khai hoang; đất, cây rừng còn đầy. Trâu chăn thả cả đàn trong rừng, nuôi mấy đơn vị tham gia chiến đấu ở đệ tứ chiến khu của tướng Nguyễn Bình. Không phải địa chủ, không có cường hào, dân thuê mượn trâu bò dụng cụ, đổi công theo thỏa thuận.

2.Số người tụ họp là nhu cầu sinh hoạt toàn đánh cờ bài, nhậu nhẹt, ma chay, cưới xin, lễ hội, buôn chuyến lãi khao nhau. Không phải quốc dân đảng. Số thoát ly địa phương chưa xác định là theo Việt Minh hay quốc dân đảng, thổ phỉ hay làm ăn xa, vì họ không về.

3. Người tụ bạ trong rừng núi hang hốc, đó là những nhóm đi làm nương, có “trộm cắp” của chính nhà mình con gà, vịt lên nương làm thịt. Không phải quốc dân đảng, không phải thổ phỉ, trộm cướp giết người.

Tổng kết 0%.

Bố tôi về báo cáo thì bị trên phê bình không hoàn thành nhiệm vụ, cả huyện mà không tìm ra thành phần,… trong khi đó các nơi đạt tỷ lệ cao. Một vị tên Đ đi đấu tố vu oan được biểu dương, trên thăng ngay chức Phó TB TCTU. Vị này đấu không chừa ai, có đối tượng phải nhảy cầu tự vẫn, cấp trên của Đ đang học ở TQ bị đưa về tống Hỏa Lò, ông PMN sau làm Phó VPTTg. Ông phải đập đầu, cấu tay lấy máu viết tường nhà tù để trên quan tâm minh oan.

Tôi hỏi bố nghe bà hay nghe ai? Bố tôi bảo, nghe bà và nghe dân sở tại, bố không sợ bị trên phạt (mặc dù họ bắt kiểm điểm thì bố giải trình như báo cáo đã gửi, và yêu cầu đoàn khác lên kiểm tra). Sau này bố tôi về SĐ, LN, nhiều người dân, cán bộ cốt cán rất thích vì họ thoát chết.

Tại quê tôi, dân chúng còn lưu truyền vụ đấu mẹ đại địa chủ, con là địa chủ đi bộ đội bị đấu nhẹ hơn. Khi các đội về hỏi bố tôi về các con cháu địa chủ đang tại ngũ, bố tôi bảo, lúc bé họ bình thường, lớn lên không đánh đập ai, CMT8 theo ngay VM chiến đấu dũng cảm. Nhưng bà cụ 80 mươi thì quá khổ, chiều đông giá buốt bị phạt đi đào mương, uất ức, bà đã lầm lũi đi trong chiều sương trẫm mình xuống dòng sông Thương. Một thiếu tá con bà đã đi lùi chắp tay lạy cổng làng thề không bao giờ trở lại. Thiếu tá phải chuyển ngành vì trên sợ lâu dài sẽ theo địch trả thù.

Bà nội tôi có người anh trai cùng cha khác mẹ là đại địa chủ, nhưng vì có con đi bộ đội Việt Minh mà chỉ bị đấu, tù đến chết, bị tước đoạt sạch, đến mức hàng cháu ngày nay vẫn mang mối hận thù và một người nói với bố tôi “cả làng chỉ có bà trẻ (tức bà nội tôi ) thương anh em chúng cháu”. Số phận suýt giáng xuống bà nội tôi-vợ liệt sỹ nhưng là em gái đại địa chủ.

Con dâu là cốt cán định đồng thuận với Đội đưa mẹ chồng ra đấu, bà tôi bảo trước “tao 19 tuổi lấy chồng nhà nghèo, được ăn gì của nhà địa chủ”.Thực ra thì bố tôi bảo có được ăn mấy mớ lạc đầu mùa, lũ lụt thì bác địa chủ đến hỏi có gì phải chạy lụt. Có gì đâu…

Nhưng ông bà trẻ bên ngoại nhà tôi nói đúng sự thật, không đấu tố, cảm ơn địa chủ bị Đội mắng và cho đất hoang. Số trung thực không nhiều.

Di họa cuộc CCRĐ còn rất lớn, mối thâm thù âm ỉ đâu đây, người bị oan sai vẫn không được lời xin lỗi, bồi hoàn; họ trả oán bằng cách không hợp tác giúp đỡ, không cho trẻ cưới nhau,…không thăm hỏi nhau vì trong họ hàng đã đấu tố nhau man rợ, nắm tóc, nắm râu nhau, đày nhau đến chết. Và đáng sợ nhất là số đã vượt sang bên kia giới tuyến chiến đấu trả thù, thậm chí đến năm 1975, có viên sĩ quan VNCH vẫn còn giữ đoạn dây thừng treo cổ bố.

Con người từ hoang dã đến văn minh là chặng dài dài của lịch sử, nhưng đến với văn hóa nhẽ còn rất xa.

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

CÔ GÁI GÁC RỪNG (truyện dài)





Tiến tới Tết Trung Thu các bạn đến 4 Đinh Lễ, Hà Nội, mua sách " CÔ GÁI GÁC RỪNG" tặng các cháu, món quà nhân văn sáng tạo cao nhất các thời đại!

ĐT cô bán hàng: 04 3938 7997


Mục lục

Lời giới thiệu

        Cuộc đời mỗi chúng ta mang nhiều mơ ước, khát vọng sống yêu, gìn giữ vun đắp những giá trị tình cảm với thiên nhiên, với truyền thống văn hóa cộng đồng, với cuộc đời bên ta. Có bao điều mãi mãi của riêng vẫn được cất giấu như những gì quý giá nhất, những nỗi buồn day dứt, những nụ cười tươi trên ánh mắt làn môi. Nhớ, sống cho mình, cho nhau, cứ thế dài theo năm tháng và chuyển hóa thành giá trị nhân văn nối tiếp bao thế hệ.
Ấn tượng mạnh nhất đó là ước mơ hành động tuổi trẻ, tình yêu vô tư trong sáng. Khoa phân tâm học lưu ý những ký ức tuổi thơ ảnh hưởng suốt đời con người. Mỗi người là một huyền thoại, một tiểu thuyết tình cảm, một áng thơ, một bài ca, một diễn viên trong kịch bản sân khấu, một bức họa... Chúng ta sống trong hiện thực, nhưng hiện thực đầy mộng mơ và lãng mạn, hiện thực của mỗi thời đại dấu ấn lên mỗi người.
Những góc cạnh của mỗi thân phận cho cách nhìn khác nhau, cách tư duy tình cảm phong phú nhưng đồng cảm với từng nhóm cộng đồng.
Tập truyện “Cô gái gác rừng”, gồm nhiều tập có lẽ là một kỷ niệm cá nhân của tác giả được thăng hoa, hòa đồng với từng nhóm cộng đồng.
Bắt đầu từ cuộc mưu sinh của gia đình gấu ở cánh rừng nhiệt đới phía Đông như nhiều câu chuyện lấy chú gấu làm hình tượng cho cuộc sống. Mưu sinh và cạnh tranh, con người ứng xử với thiên nhiên thế nào cho hài hòa, tránh lỗi lầm bản năng, tránh tội ác hủy hoại. Cánh rừng Đông bí ẩn giữa các nhóm mưu sinh, sinh tồn. Việc một “thực tặc” - kẻ say mê món ăn sinh vật rừng biến thành “dã nhân” là một giả tưởng cảnh báo tội lỗi gián tiếp của nhóm người tàn phá sự sống quanh ta. Những con thú rừng Đông trước những trận cháy rừng, mưa rừng, phá rừng, nước dâng quá mức, đấu tranh trong loài, đàn gia súc chăn nuôi cạnh tranh đồng cỏ và phản ứng của chúng.
Khi xuất hiện con người vào rừng Đông, trong truyện là cô bác sỹ Mom  chăm sóc bảo vệ rừng, đã nhận được sự đồng thuận, và cả sự chống đối của những thế lực cạnh tranh. Chỉ con người với tấm lòng nhân ái, thông minh mới cứu được bầy thú qua lửa thiêu, đói khát, bệnh tật. Con “dã nhân” đã bắt bác sỹ Mom cũng để mưu tìm phục sinh lại kiếp người. Những dòng nhật ký từ ngày cô bác sỹ xinh đẹp bị bắt nhốt trong hang Thủy Thần muốn nói nên lòng nhân hậu, vị tha, sắc đẹp, trí thông minh của con người đã cải hóa những thói hung dữ, tàn ác tồn tại đối lập với xu thế phát triển bền vững.
Những trang viết về bầy thú, cô bác sỹ Mom phiêu lưu mạo hiểm là cách thể hiện đặc biệt tình yêu cuộc sống gợi lại những suy nghĩ tình cảm của bạn đọc về trách nhiệm cá nhân với cuộc đời, với thiên nhiên quanh ta. Tình yêu thiên nhiên, chăm sóc những con thú là chỉ báo về tình cảm, tình yêu của con người.
Lòng nhân ái, lãng mạn đi suốt trong mạch văn tác giả. Lấp ló yếu tố tâm linh ở nhân vật người “Thành phố Bảo Phải Nghe” sống cùng hiện tại nhưng thời gian lại ở phía sau chúng ta 200 năm. Giả tưởng này mơ mộng một tương lai, trân trọng truyền thống, trách nhiệm ngay ở hành động hiện tại. Cái tôi trữ tình thầm kín là đặc trưng của truyện, có gì đó thầm thì, nhỏ nhẹ tâm tình với người đọc. Truyện ít nhân vật, nhân vật không rõ tên riêng nhưng trải trên không gian, thời gian rộng dài càng làm tăng tính mông lung, mỉm cười, suy ngẫm.
Sự xuất hiện yếu tố của thời đại tin học, internet toàn cầu cho thấy giao diện tình cảm đa chiều mà tác giả đã đặt mình vào chính câu chuyện và thoại với nhân vật, đó là nickname - biệt danh HDN - người viết truyện.
Tác giả không chuyên nghiệp, lần đầu thể hiện không tránh khỏi những khiếm khuyết, bù lại là một mạch viết ẩn hiện một trái tim, tâm hồn đã một thời kìm nén, nay bập bùng trên dòng viết vun đắp ngọn lửa yêu thương. Mong bạn đọc sẽ lượng thứ và đóng góp động viên cùng với tác giả trong tập truyện đầy dấu ấn ngộ nghĩnh tuổi thơ.


NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN

    Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

    Mùa thu



     
    Lúa chín vàng trong thung
    Núi không lùn được nữa
    Trời xanh như muôn thuở
    Thu trở về em ơi

    Anh muốn làm mây trôi
    Khắp khung trời cao rộng
    Ru em êm giấc mộng
    Thiên thần thắm nụ hôn

    Trời thu xanh cao hơn
    Trăng vàng lên rực rỡ
    Trăng tròn như muốn vỡ
    Rắc lộc vàng muôn nơi

    Mùa thu về em ơi
    Hoa cúc vàng hương bay
    Men tình lên cơn  say
    Tiếng ca chiều chim hót
    Nắng rớt vàng mật ngọt
    Yêu em yêu mùa thu

    Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

    "Lá đơn đặc biệt" 2 ngày sau khi TQ xâm lược VN năm 1979

    Trong câu chuyện với chúng tôi, cựu binh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là giảng viên trường ĐH Phương Đông), tác giả bài thơ Bình độ 400 nổi tiếng còn cung cấp một lá đơn xin chiến đấu được chép lại mà ông cất giữ như một kỷ vật hết sức thiêng liêng.
    Theo lời ông Hùng kể, chập tối ngày 22 tháng 2 năm 1979, những người lính Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn An Lão, Sư đoàn Sao Vàng, mặt trận Lạng Sơn, đang chiến đấu lấy lại đồi Thâm Mô (gần thị xã Đồng Đăng) thì "tóm" được một thanh niên nhỏ nhắn, da đen, nhanh nhẹn tên Thành, mang theo lá đơn xin chiến đấu.

    "Anh Thành cho biết đã bắt tàu từ Hà Nội lên và đưa cho chỉ huy đơn vị một lá đơn xin cầm súng chiến đấu "Kính gửi các thủ trưởng đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam". Trong đơn, anh Thành bày tỏ không thể ngồi yên học hành khi đồng bào và đồng chí của anh đang đổ máu trên tuyến đầu Tổ quốc bảo vệ từng tấc đất thân yêu. Và anh khẩn thiết đề nghị các thủ trưởng hãy cho anh sống, chiến đấu tại nơi đây... Sau khi xem xét đơn các thủ trưởng đã đồng ý với lá đơn đề nghị của anh.
    Mọi chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu như không có sự việc chỉ sau vài tiếng đồng hồ nộp đơn từ đêm hôm đó đến sáng hôm sau, anh Thành đã không còn nữa. Những người đồng đội đã xác nhận, anh ấy đã chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh tại mặt trận...", ông Hùng bùi ngùi kể lại

    Lá đơn xin chiến đấu chỉ một đêm của liệt sỹ Thành cách đây 35 năm
    Lá đơn xin chiến đấu chỉ một đêm của liệt sỹ Thành cách đây 35 năm

    Năm 1980 nhận hồ sơ, khi lập danh sách đề nghị tiểu đoàn chuyển trung đoàn công nhận liệt sỹ Phạm Quang Thành, đơn vị đã xác định được quê quán của anh ở xóm 2, thôn Mỹ Bổng, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình..

    Trong di vật còn lại được gửi về lên cấp trên bao gồm một số ảnh tập thể sinh viên, thư của người bạn gái, bản chính đơn xin chiến đấu...


    Cũng theo ông Hùng cho biết, liệt sỹ Thành từng tham gia chiến đấu và là thương binh chống Mỹ nhưng vẫn quyết tâm, tự nguyện xung phong lên chiến đấu, anh dũng ngã xuống ở mặt trận biên giới phía Bắc.

    Ông Hùng tâm sự: "Anh Thành nộp đơn xong rồi cầm súng chiến đấu luôn cùng đơn vị và hy sinh ngay trong đêm ác liệt đó nên nhiều anh em vẫn còn chưa biết rõ mặt mà chỉ biết qua những tấm ảnh trong di vật còn lại.

    Hơn 35 năm rồi nhưng chúng tôi vẫn không thể nào quên về anh, một trường hợp rất đặc biệt, đi hàng trăm km lên nộp đơn, chiến đấu và hy sinh chỉ vài giờ sau đó. Tuy nhiên, chỉ có điều canh cánh đến giờ là không biết biết gia đình đã tìm và đưa anh về với quê hương chưa. Thực sự, chiến tranh quá ác liệt và nếu không có nó, có lẽ, anh Thành đã có thể sống và cống hiến cho đất nước nhiều hơn..."


                                    Nội dung lá đơn của Phạm Quang Thành:
    Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
    Độc lập -Tự do - Hạnh phúc
    ĐƠN XIN CHIẾN ĐẤU
    Kính gửi các thủ trưởng trong đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam
    Tên tôi là: Phạm Quang Thành, là học sinh năm thứ nhất khoa toán trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi xin trình bày một việc sau đây:
    Sau khi nghe sự kiện 4 giờ sáng ngày 17-2-1979 bọn phản động Trung quốc đã xâm phạm lãnh thổ nước ta, lòng tôi như lửa đốt. Tôi không thể ngồi yên học hành khi đồng bào và đồng chí của tôi đang đổ máu trên tuyến đầu Tổ quốc bảo vệ từng tấc đất thân yêu. Tôi đã làm đơn xin đi chiến đấu, nhưng vì tôi là một người lính đã trở về trường học tập nên việc xin nhập ngũ là rất khó. Chính vì vậy tôi đã đi từ Hà Nội lên đây và sẽ xin vào công tác ở bất cứ đơn vị cầm súng đánh giặc. Tôi biết đó là một khuyết điểm của mình, nhưng đánh xong giặc tôi sẽ xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân với khuyết điểm của mình. Là một đoàn viên thanh niên cộng sản mang tên Bác Hồ vĩ đại. Tôi càng tự hào bao nhiêu thì tôi càng hiểu trách nhiệm của mình bấy nhiêu. Trong khi tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang vang vọng trong lòng. Vậy, tôi khẩn thiết đề nghị các thủ trưởng hãy cho tôi sống và chiến đấu tại nơi đây. Tôi xin hứa sẽ hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ gì cấp trên giao phó. Được như vậy tôi chân thành cảm ơn

    Hà Nội ngày 19/2/1979
    Người làm đơn
    (ký tên)
    Phạm Quang Thành
     ----------------

    Bổ sung bài viết
    Mặt sau lá đơn
    “Hy sinh anh dũng ngày 22-2-1979 tại đồi Thâm Mô, phía nam Đồng Đăng”*
      * Là chữ của anh Nguyễn Đình Loan, chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn An Lão, Sư đoàn Sao Vàng, người bắt tướng Nguyễn Vĩnh Nghi ở Phan Rang năm 1975). Quê anh Loan ở Lục Nam, Bắc Giang.
     --------------
    Người chép lại đơn lần 2
    Ngày 26.9.1981
    Ký tên**
    Đơn vị HT 1a. 6220 L.Sơn.

    Chiến tranh biên giới 1979:Ký ức đau đớn về những quan tài rỏ máu