Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Quán trọ giữa rừng


          Mình đã liên lạc với anh Bảo Phải Nghe, bọn thú rừng Đông, mình thông báo tình trạng tốt không cần họ lập cầu hàng không, trực thăng vận, long trọng, tốn kém, phiền quá. Mình muốn phiêu lưu cho trọn bộ.
          Đã nhìn thấy sự sống của người qua làn khói xanh lơ thoát lên nhẹ nhàng từ thung lũng phía xa. Phải chia tay sấu sọc. Em về nơi em, em không thể sống lâu trên cạn, không quen mồi, nhìn em thở thế kia thì nên nhanh quay lại với bọn cá quỷ, chắc dã nhân không trừng phạt em về tội giải cứu chị. Nó ơn chị nhiều lắm.
          Mình lấy lá vẽ những ký tự nói lời cảm ơn bọn cá quỷ, hẹn sẽ quay lại thăm chúng khi khánh thành tượng "Thiếu nữ đợi mưa", mỹ nhân của mọi thời đại. Nhớ những con quái thú đã giảm lòng lang dạ sói, nhớ phong cảnh thần tiên, nhớ tác phẩm nghệ thuật có một không hai trên hành tinh… nhớ lắm nhưng phải về với loài người về với thành phố quê hương, về bảo vệ luận văn cao học rồi qua rừng Zôn làm tiến sỹ ngoại, về với viện lão Bô-Bô, về với nơi mình sẽ có người yêu. Bố, mẹ chắc mong lắm, cũng may mà mình thường xuyên gọi nên bố mẹ yên tâm. Cứ như là con học tập ở nước ngoài!
          Sấu sọc xúc động quá, nó là con sấu ít nước mắt nhất trong bọn mà thấy nó khóc, thương lắm. Mình cúi xuống ôm cổ nó, nó há cái miệng đỏ không răng, ngoạm, mút tay mình, chẳng có gì tặng nó. Sấu sọc về, bò một đoạn lại quay lại nhìn mình.
          Đi về phía ngọn khói xanh lơ, khói nhẹ nhàng, nhỏ dần trong ánh chiều. Ôi, khói chiều mờ nhẹ thì không có người rồi, chắc ở đó chỉ là đống lửa tàn ai đó đốt rồi bỏ, gặp bọn lâm tặc thì nguy… Gặp ai cũng được, có lửa là có người, chỉ có người mới biết dùng lửa. Mình đi mãi theo lối mòn, qua thảm cỏ, đói lại bứt sim tím, quả rừng, hái hoa hít cho thơm. Kia rồi, một túp lều tranh không biết có gặp những trái tim vàng trong đó không?
          Gọi cho anh Bảo Phải Nghe, anh có còn quan sát rừng hay bỏ sở đi nhậu?
- Em cứ đến đó, qua ảnh vệ tinh anh thấy có người, họ đến ở vài năm nay rồi, có hai người thôi, cẩn thận mà cư xử.
- Anh mạnh khỏe? Công chúa ngàn năm hiện sao, cô ta thức đi coi rừng thay em chưa? Anh xem cận ảnh thấy công chúa có xinh lắm không? Cô ta ăn mặc, nói năng, đi đứng ra sao, bọn thú rừng Đông - Tây có mến công chúa? Đúng lúc em sắp hết thời gian làm luận văn. Em phải về Phan-xi-bao, em chẳng còn việc gì ở lại. Nhớ gọi, nhắn cho em.
- Cẩn thận, kìa sắp qua khu rừng có khỉ trên cây, trăn rắn dưới đất, à không anh dọa em hơi thừa, em đã dạy dã nhân, sống hang Thủy Thần thì… mùi của em khiến bọn thú trên cạn chạy rẽ đất.
- Em phải làm gì, nếu bọn thú rừng Đông sợ em?
- Lúc về rừng Đông sẽ bơi qua dòng sông Hương Lúa, dòng sông đã ngàn đời tưới mát những cánh đồng, hương hoa theo mưa gió tan vào dòng nước, sông tắm táp tình yêu đôi lứa, gột rửa tội lỗi bụi trần. Dòng sông mà các chú tiểu, các tín đồ ngày ngày ra múc nước, nếu họ không uống, không tắm nước  Hương Lúa chỉ vài ngày là muốn trở lại với cuộc sống phàm trần… Em nhớ qua đó mà thưởng ngoạn, muốn vô chùa thì vẫy vùng cho đã!
- Em đói rồi, hơn nửa ngày ra khỏi hang Thủy Thần mà đói xanh mật, hoa mắt.
-  Em bứt quả chuối ở phía bên trái. Chúc em may mắn, anh đổi gác đây.
          Tôi đi về hướng ngọn khói leo lét bám dính vào ngọn cây, khói chiều yếu ớt mảnh mai quá. Có vài con chồn, cáo thấy người nó chạy rất nhanh. Hồi nhỏ, mỗi chiều học về thấy không có khói lam trên vườn nhà tôi vừa lo vừa thích, có lần mẹ về muộn, song nhiều lần được ba đưa cả nhà ra tiệm nhậu bên sông, tôi bé nhất nhà tha hồ nũng nịu, đòi món này nọ làm cho các cô chạy bàn vừa bực vừa vui.
          Túp lều tranh, vách nứa hiện lên, không thấy người, khói vẫn từ mái đá tỏa ra. Tôi đánh tiếng. Im lặng đáp lại, chim trên cây  nháo nhác bay. Chiều rồi phải nghỉ chân thôi. Được lặp lại nàng "Bạch Tuyết và bảy chú lùn" thì hay.
          Trong lều cỏ có chiếc giường nhỡ, chiếc đệm cỏ, bộ bàn ghế đá… không một tấc sắt, không ánh kim loại, chỉ toàn thảo mộc, đồ gốm. Tôi ngó nghiêng rồi ngồi xuống rót nước ra uống, nước vối rừng mới pha buổi trưa thì chủ cũng gần đây thôi, họ sẽ về? Lều nhỏ, tìm ngay ra đồ ăn là cá khô, gạo, ngô. Tôi ra vườn hái mấy ngọn rau mồng tơi, vào bếp mái đá tự làm cơm ăn, không thể khác được. Đêm nay không biết thế nào, đành tin vào số phận, tin vào hảo tâm của chủ nhân mà theo anh Bảo Phải Nghe thì hai người chủ lều cỏ không phải lâm tặc, cũng không phải lục lâm. Nếu là dân đào vàng hay đẽo đá thì sao? Tối rồi, ngủ lấy sức mai đi tiếp, con cóc mobile lại nhắm mắt, hết pin đòi ôm "sạc điện".
          Mệt quá ngủ tít, gần sáng nghe thấy tiếng người, tôi nằm im sợ họ biết mình nghe trộm. Cặp vợ chồng thì thầm bên nệm cỏ phía đầu bên kia túp nhà.
- Cô này người thành phố, sao vào đây một mình, hay là ma?
- Để sáng hỏi cho rõ, người xinh thế kia đâu phải ma?
- Ái chà, sắp chết đến nơi rồi vẫn thích gái đẹp nhỉ.
- Thôi, im nào, gần sáng rồi.
          Tôi bớt sợ vì nghe tiếng nói không hung dữ, sao lại sắp chết rồi.
          Sáng chúng tôi gặp nhau, cặp vợ chồng còn trẻ, chỉ hơn tôi vài tuổi, chồng hai mươi bảy, vợ hai mươi lăm. Họ mắc bệnh Ết bị xóm núi xua đuổi đành vào rừng sinh sống phần cuối đời. Tôi thấy họ vẫn khỏe mạnh, khuyên họ về làng nhưng họ bảo dân làng cứ tránh mặt nên chúng tôi vào đây cho khuất mắt họ và mắt chúng tôi khỏi thấy sự ghẻ lạnh… Tôi lại nói xã hội đã có chính sách chung sống cộng đồng. Là bác sỹ, lại có máy tính kết nối tôi hiểu rõ căn bệnh này và trao đổi với họ về cách chống lây nhiễm, đồng thời hỏi tình trạng sức khỏe, thấy họ bảo bình thường từ chín năm nay, tôi  ngờ xét nghiệm sai?
          Nhầm lẫn đáng yêu, nhầm lẫn đến vỡ cười, vô ý nên tội lỗi, không rõ thì lôi thôi lý sự. Mình thích câu chuyện hồi còn ở Phú Cam: Lúc nàng ban mai sắp mở mắt, trời tối, vợ gánh thóc xay đến nhà hàng xóm giã gạo, nhắn với chồng sang nhà ấy. Chồng mắt nhắm mắt mở nghe chưa tỏ nên sang nhà khác, thấy "vợ" mình giã gạo liền đứng sau đặt chân vô bàn cối nhún nhịp chày đến trắng gạo mà trời vẫn chưa sáng, rồi về. Giã gạo sớm không muốn nói chuyện sợ nhà chủ và hàng xóm mất ngủ. Vợ chồng nhà quê ít chuyện, thôi đành ngửi mùi, đứng sau lưng ong chúa của vợ. Gã chồng về nhà thấy vợ đang chuẩn bị sàng gạo và bị vợ mắng te tát vì tội không đi giã gạo. Biết mình giã gạo nhầm cho vợ hàng xóm, anh chồng đành ậm ừ bỏ đi hút thuốc, rồi lủi ra b ao.
          Chuyện đó rồi cũng lộ, chị vợ tức lắm, nhưng anh chồng cũng không biết là nhầm với ai một cối gạo trắng như bông. Cô vợ hàng xóm kia chắc biết rõ mười mươi cứ mặc kệ cho giã, sướng nhẹ cả người.
          Một lần đọc sách thấy chuyện kể chuyến tàu thủy qua Đại Tây Dương. Trên tàu có một ông khách ở phòng loại sang, bảy ngày ông ta chỉ ăn rè chút đồ mang theo rồi hết, đói lay lắt. Đói quá, ông mon men xuống nhà bếp lần đồ, cô phụ bếp bắt gặp hỏi vé. Ông khách ngớ người, thì ra vé tàu của ông đã có các bữa ăn ở phòng sang nhất tàu mà ông không biết!
          Chín năm mà vợ chồng này vẫn khỏe mạnh. Thân hình cô vợ tròn lẳn, đôi cánh tay, cổ chân thon chắc, anh chồng đúng là dân sơn tràng cơ bắp chắc nịch, nhìn đồ đạc trong lều thì đúng là họ bị xua đuổi như "hủi", oan quá . Nhiễm HIV thì chín năm sau ắt sang SIDA thì làm sao có thân hình đẹp thế kia. Tôi khuyên họ về thành phố, tôi chỉ chỗ xét nghiệm chuẩn xác để giải oan, họ bảo: Chúng em ở đây quen rồi, không bệnh là may, mà em về dân làng chưa chắc đã tin, họ lại cho rằng chúng em hối lộ bác sỹ! Tôi lại khuyên họ sinh con cho vui.
          Đến lượt tôi giới thiệu, tôi nói bị lạc từ rừng Đông đến đây, họ nhìn tôi nghi ngờ nhưng không hỏi thêm.
          Trên đường rừng, đường vận hành phương tiện, đường đời, đường thời gian trôi mình gặp nhiều người hình như chẳng ai ghét ai nhưng không thể thân mật hơn. Nhìn chung là vô tư, rất dễ vô tâm. Biết bao người nhân ái, thân thiết với người dưng mà nhận được sự phản trắc, lừa đảo, thảo nào dân gian có câu "người dưng nước lã, khác máu tanh lòng". Buồn quá mẹ ơi! Thôi thì con chỉ biết thương người như người ta thương con, như quy luật trao đổi ngang giá của kinh tế thị trường. Biết đến bao giờ ngân sách nhà nước, két bạc gia đình là "Quỹ bầu bí tình thương"?
          Mình chia tay và hứa với vợ chồng nhà rừng cho mình trọ qua đêm về việc xét nghiệm minh oan. Cảm ơn nhau rồi đi tiếp, cô vợ tặng mình chiếc gậy và túi ngô nướng, anh chồng vẽ đường chỉ về phía sông Hương Lúa, xuôi dòng về Phan-xi-bao như du lịch sông nước.
          Có tiếng rung, lại anh chàng Bảo Phải Nghe, chắc độ này hết chuyện tình công chúa 1.000 năm, hay gọi ?
- Mom ơi, Mom nè! Em vẫn khỏe xinh tươi, tự tin, có muốn phiêu lưu nữa anh chỉ vào hướng rừng Đông Bắc, ra đảo xa, hay lắm?
- Em phải về, cảm ơn anh, đủ lắm rồi, em còn việc bảo vệ luận văn cao học. Nếu mến em thì anh sửa, đắp thêm tư liệu cho em. Luận văn em để trên hộp nhắn của VNN, biệt danh "emombacsy" mật khẩu "yeuanhdencung".
- Chuyện nhỏ với anh, bọn anh đã từng vô tư viết vẽ các luận văn, đề tài nghiên cứu các khoa học tự nhiên và xã hội, bọn anh thuộc trường phái khoa học "tự-hội". Khoa lâm-nông nghiệp thủy sản, khoa tâm lý thì mỗi tuần mình anh làm hai luận văn, nhưng luận văn bình phẩm văn thơ thì anh kém lắm, không dám nhận.
- Thế là em xa anh, có nhớ em không, có lúc nào yêu em, anh nói thật đi cho em nhờ, biết rằng anh không bao giờ dám ngược thời gian dù ta đang sống. Anh yêu công chúa hơn hay yêu em nhiều hơn. Dũng cảm, trung thực lên, thưa người thành phố Bảo Phải Nghe?
- Anh trả lời thật này: Anh yêu tất cả quá khứ, hiện tại, tương lai thuộc về con người và những gì không liên quan trực tiếp đến con người như những cánh rừng đại ngàn xa thành phố, những con suối thượng nguồn của dòng sông, biển cả,… những thứ đó mang lại không khí, hơi nước, ánh sáng, dòng chảy tạo nên sắc màu của thời tiết… tạo nên những mùa thu xa mấy ai rõ ngọn nguồn. Mom này, anh yêu nhất là mẹ của anh, yêu các em thơ, và yêu những cô gái đến ngày cưới chồng thì thôi không yêu nữa. Thế thôi, em đừng hỏi thêm. Việc của anh là bảo vệ rừng, em về thành phố anh không thể nhìn theo. Cũng nhớ em nhiều, rồi cũng quên nếu như em không trở lại. Lúc nào nhớ lắm anh mở máy coi hình nhưng mờ ảo như giấc mơ công chúa chập chờn gọi anh. Anh thương công chúa bởi công chúa yêu và được yêu đến mồ, và yêu em đến khi em cập Bến Mơ của thành phố Phan-xi-bao. Một quá khứ xa xăm, một hiện tại sôi động rất cần cho tương lai xa xôi.
- Tùy anh, em cũng không khác anh!
- Hiện nay em đang ở thế "kẻ đón, người đưa". Dã nhân đã theo dấu chân em, chúng mang cả đồ của em. Anh em gấu và lũ thú rừng Đông đã bao ngày vất vả đã tiến gần đến bờ sông Hương Lúa để đón em. Chúng đi khá nhanh, đều có thái độ sốt ruột muốn gặp em.

          Sông Hương Lúa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét