Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Sông Hương Lúa -Bến Mơ, ngày lên bờ.


          Bến Mơ, ngày lên bờ.
          Theo chỉ dẫn của vợ chồng nhà rừng, tôi đi về phía bờ sông Hương Lúa. Càng xa túp lều, rừng càng thưa, dấu vết của bọn lâm tặc phơi trên những thân cây chúng cưa xẻ dọc một nửa, mưa gió là gẫy, những gốc cây còn ứa nhựa trơ lên. Cứ đà này còn đâu rừng rậm, rừng đầu nguồn, dòng sông Hương Lúa, và các dòng sông nước sẽ đỏ ngầu, còn đâu "hương thơm", người thành phố Phan -xi -bao có ngày vào "hiệp hội các thành phố ngập nước", xe máy, xe ô tô phải gắn thêm thuyền thành xe lội nước.
          Tôi đi một quãng gặp bờ sông. Ôi dòng sông mùa cuối mùa thu thơ mộng quá, nước trong xanh, đôi bờ có những hàng tre cong ngọn tỏa bóng xuống mặt nước nhưng dấu vết của mùa mưa lũ còn để lại lớp phù sa mốc trắng trên thân tre. Mùa lũ, chắc nước mênh mang tràn bờ, vỡ đê thì mất mùa lúa nhưng hàng cau thì xanh thắm "được mùa lúa úa mùa cau, được mùa cau đau mùa lúa" là thế. Được văn bằng cao học, được tình ảo mộng với anh Bảo Phải Nghe mình chịu vất vả, hiểm nguy đến cả tính mạng. May mà ta lấy tâm, phúc, đức, nét xinh đẹp của đàn bà, con gái yêu thương sự sống nên mới tai qua nạn khỏi.
          Mình theo bờ sông được một đoạn thì thấy giữa dòng có chiếc thuyền độc mộc lững lờ trôi trên sông bao la như giai điệu bài hát "con thuyền không bến", không người. Chiếc thuyền tiến lại gần bờ mời mọc khách quá giang, mình đi đò dọc cơ mà. Mình lên thuyền, sẵn chèo lái xuôi sông, cứ đi mãi về Bến Mơ, qua rừng Đông rồi về Phan-xi-bao, mấy ngày cũng được, ngô nướng còn đây.
          Đang xuôi thuyền, bỗng thấy phía sau nước tung lên trắng xóa, có tiếng ào ào như cá lớn gọi thuyền, một đàn tôm tươi theo nước văng lên thuyền giãy nhảy, đúng là những con tôm ở hang Thủy Thần, sao lại thế? Nhìn xuống dòng nước thấy một chú cá sấu dữ dằn bơi theo, nhìn kỹ thấy trên đầu nó có vết mốc trắng, đúng nó là con cá quỷ, đồ đệ của dã nhân mà mình đã đôi lần "làm cơm" mời nó khi chúng tham gia làm giàn dáo tạc tượng "thiếu nữ đợi mưa". Nó đã đi đường tắt để tiễn mình? Mình giơ tay chào nó, tiện thể tung cho nó nắm ngô nướng, nó đớp hết rồi tung thân, giơ chân, quẫy đuôi chào "cô chủ" lần cuối rồi mất hút vào dòng xanh. Nó đã "lấy trộm" thuyền độc mộc của thổ dân cho mình xuôi. Ôi! Các bạn đáp lễ, trả ơn được đấy, bữa nào về thanh toán lương bổng, trợ cấp công tác ở rừng chị sẽ qua đó hậu tạ các em, chị sẽ tặng các em món quà bất ngờ, đồ ăn thì vô tư, tiệc tùng đủ gia vị.
          Xuôi một đoạn dài gặp biển báo "thác nước cao 20 m, nguy hiểm", không còn cách nào nữa mình phải nhảy xuống sông bơi về bờ phía đông, bỏ thuyền chạy lấy người. Anh Bảo Phải Nghe nói đúng, nước sông thơm mát hơn những bồn tắm đầy hương hoa ở mỹ viện thành phố mà đôi lần mình thưởng thức. Vũng vẫy ngụp lặn một lúc, nước cuốn trôi về thác nguy hiểm quá, bỗng  mình thấy có vật gì nâng mình lên. Ôi, ôi như da cá, lại dã nhân sai cá sấu bắt về hang Thủy Thần ư, về vẫn  hơn trôi xuống thác là hết đời, sống vẫn hơn chết. Biết đâu vắng mình (đẹp) dã nhân tạc tượng thiếu nữ thành nữ quái thì tội lỗi nghệ thuật do mình gây ra để lại muôn đời sản phẩm sai quy cách.
          Da sấu mềm mại hơn, khi con gà không xù lông mổ nhau với con quạ thì lông mượt dễ thương, người đàn bà con gái được yêu đẹp lắm. Bọn sấu này được mình chăm sóc mấy năm xem ra dịu dàng hơn. Cá sấu bơi đẹp quá, nó là con chúa tể ở đầm lầy, nước lợ, nước ngọt. Con cá sấu và con cá mập đã lấy vùng nước ngập, bãi bồi làm biên giới từ bao đời, chúng tôn trọng nhau để duy trì đất sống, duy trì nòi giống.
          Nhìn lên bờ thấy lũ thú rừng Đông đứng chờ, chúng reo lên "cô Mom, cô Mom ơi, ôi cô Mom xinh quá, cô không sao". Voi lớn ào xuống sông, gấu trắng, bám lưng voi bơi lại phía cá sấu. Bụng voi lớn nổi bồng bồng như bể nhựa hết nước trôi sông. Cá sấu tránh voi, nó bơi hướng khác, voi đuổi theo, sấu vờn voi mấy vòng mới chịu dừng. Voi tiến lại, cá sấu táp miệng dọa gấu trắng khiến em gấu co rúm. Cá sấu bơi sát lưng voi, mình sang lưng voi, ôm gấu trắng. Cô cháu khóc cười trong vòng tay nhau, gấu trắng có vẻ to béo hơn.
- Cô ơi! chúng em thương nhớ cô, anh em gấu, cả rừng Đông vẫn mong cô trở lại.
- Cô về với các em đây.
          Voi cười híp mắt, nó hút nước phun chào cá sấu, phun rào rào trên sông, lũ thú trên bờ reo hò mừng "chúa " trở về.
          Lên bờ, mình vui quá nắm tay nhà gấu, véo tai khỉ, vuốt đuôi sóc bông. Chẳng có quà gì, chợt nhớ có túi ngô nướng, mình nhúm thả vào miệng từng con, chúng nhai ngô sung sướng. Sau này chúng tả cảm giác vị ngọt bùi của quà ngô mình mới hiểu xưa nay đồ "ăn trộm" không  thể bằng quà của người .
          Rừng Đông vào thu xinh tươi, gió nhẹ, lá vàng bắt đầu rơi, rừng hát bài ca "mùa thu sang lá vàng rơi nhiều, em nhìn trông cánh chim phương xa, lòng em muốn cánh chim bay về, ở nơi ấy có người mong chờ,…"
          Mình ở lại rừng Đông mấy ngày, tuần tra rừng. Mấy năm qua, cây rừng do thú gieo hạt đã lên xanh, các bể nước sạch. Các con thú sinh đàn, bọn rùa rừng cả đàn nhiều như xếp đá, ong mật rù rì trên các bọng cây, sông vẫn nhiều cá, măng và rau rừng bốn mùa tươi tốt.
          Có tiếng tít tít, ai đó nhắn sẽ tới thăm và đón mình về Phan-xi-bao, về với bố mẹ. Mình đồng ý. Khoảng nửa ngày sau, gã xe ôm xưng là HDN đã đến trại. Lần đầu gặp gã coi bộ dạng dễ thương hơn mấy lần đối thoại. Hắn mặc đồ dân chăn bò đồng cỏ, khoác chiếc túi bạt nhiều khóa đồng sáng óng, đội chiếc mũ  vải có lưỡi che kín nửa mặt. Khi hắn ngả mũ chào lộ ra gương mặt thư sinh, ừ nhỉ! Hắn đang đi học.
          - Tôi được bố mẹ Mom đồng ý đến đón em về thành phố. Giấy ủy quyền đây, cả giấy tờ của Viện ông Bô Bô nữa, ông ấy đã đi nước ngoài báo cáo khoa học. Em thu xếp rồi về. Hy vọng phục vụ em cuốc xe chu đáo, an toàn, vui vẻ.
          Tạm biệt rừng Đông, tạm biệt bầy thú đáng yêu, tạm biệt dã nhân hang Thủy Thần, hẹn gặp lại.
          Một ngày mới hiện lên. Ban mai tia ánh sáng qua kẽ lá, gã xe ôm HDN xách đồ, đưa mình ra xe về Phan-xi-bao. Có tiếng rung, coi nhắn thấy: Chúc em hạnh phúc, tin vào tương lai, gã xe ôm sẽ nói với em nhiều chuyện hay. Anh thành phố Bảo Phải Nghe.
          (Hết)

Viết năm 2003, xuất bản năm 2012
Kính mời xem tiếp ý kiến bạn đọc, tự bạch của tác giả
Trân trọng các nhận xét

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét