Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

17. BÁC SỸ BÔ BÔ



Lũ thú rừng mắc bệnh gì mà con nào cũng lở loét, ngứa ngáy. Bệnh Ết (AIDS) thì hết giống!
Mấy gấu già than thở:
- Từ lúc khai thiên, lập địa chưa thấy bệnh này!
 Những con khát nước ra sông vục uống như trâu, như hươu, nai, sơn dương đầu bò, ngựa vằn… thì mắc bệnh nặng. Bác sỹ vẹt đành cúp cánh, đánh mỏ kêu như vịt “chết, chết rồi…” Y tá  gõ kiến đập đến xước cái mỏ dài mà không biết bệnh gì? Rừng bệnh lờ đờ, buồn “như đám ma thằng cùi” mà bọn thú mấy lần nhìn thấy người đưa tiễn người cùi ở bìa rừng!
Giống gấu ăn mút, húp mật, nhá măng thay nước nên chưa nhiễm bệnh. Bọn thú phát hiện kiểu ăn khôn của nhà gấu nên sợ không uống nước sông nữa, đành nhịn khát, liếm đá ướt trong hang, lấy thân cây chuối thay nước. Cây chuối nhiều thế mà chúng bới cả củ. Các chú voi tưởng không ai xơi món thân chuối nay bị cạnh tranh bắt đầu nóng tính. Voi chia nhau giữ rừng chuối, cái ngà cong sắc, cái vòi dẻo khỏe, đuôi quất mạnh, bàn chân như cái thớt hàng thịt, tai đập phạch phạch làm bọn thú đã khát lại thêm sợ, vãi linh hồn càng khát.
Đoàn y tế đổ bộ xuống rừng bằng trực thăng. Trưởng đoàn là bác sỹ Bô Bô, ghi tên trên áo blu trắng cùng các nhân viên tình nguyện trẻ măng, chắc họ học ở đại học “y tế núi rừng”.
Bầy thú xán lại nhóm bác sỹ Bô Bô, chúng bới lông chỉ chỗ đau, kêu khóc, nước mắt giàn giụa. Nhiều con mon men định leo lên máy bay, có con cứ lăn vào mấy nữ nhân viên xinh đẹp, khiến các cô sợ.
Bác sỹ  Bô Bô nói rất nhiều với nhân viên y tế, bắt thú há miệng và thả các viên thuốc đỏ, hồng như viên kẹo, nhỏ nước thuốc bắt uống. Con phải tiêm, phải bôi thuốc vào chỗ lở loét kêu ré lên. Có con thú bé dỗ mãi không chịu uống phải trộn thuốc với mật mới chịu nuốt. Nhà gấu không chịu ra, cứ nấp hang coi.
Hộp thuốc uống, thuốc bôi có ghi hình từng con thú để lại. Máy bay cất cánh, bầy thú reo lên chào: “Cảm ơn”
Cơm không rau, như đau không thuốc, bầy thú bớt đau đớn sau mấy toa thuốc những vẫn không khỏi hẳn bởi chúng bị khát, đói hành hạ.
Bến uống nước vắng hẳn các con thú. Lũ cá sấu nhoèn mắt trườn lên bờ, thỏ đi qua không thèm đớp, cá sấu mắc bệnh chảy nước mắt, lúc khỏe nước mắt cá sấu nhiều, nay lại nhiều hơn.
Hôm sau, rừng rung động bởi tiếng máy bay, ô tô tải, tiếng sóng nước, còi tàu. Bác sỹ Bô Bô cùng một đoàn người vào rừng. Họ đóng cọc làm dấu rồi đào các đường rãnh chôn các loại ống dẫn nước từ sông vào giữa rừng.Vài ngày sau, người làm cái bể bơi, tắm, các vòi nước uống cho thú lớn, thú bé. Gấu thấy người cũng uống và tắm bằng nước đó. Bác sỹ Bô Bô lấy mẫu nước vào ống tiêm, gật đầu cười vui vẻ với mọi người.
Con tàu thả cái thùng to lập lờ giữa sông, kéo hồi còi dài như thắng trận rồi nhổ neo. Theo biển chỉ dẫn, bọn thú bắt đầu thưởng thức nước. Lão hà mã bẩn thỉu chạy ngay xuống hồ trong tiếng la hét phản đối của bầy thú. Sướng nhất là các vú nước uống cho những con thú bé. Chúng không bú mẹ mà bú nước hoa quả, nước tăng lực, sữa ấm, lạnh ở vô số các vòi vú đặt chắc chắn trong rừng, chẳng phải tranh nhau. 

 ảnh minh họa
Chỗ thú nhỏ uống nước, người cắm biểm “CẤM SÓI - CẤM CẮN”. Ở rừng, nhiều con tưởng biển cấm không có tác dụng, chúng liều mạng vào và không tránh được sự trừng phạt! Với chuyện khác không biết thế nào chứ chuyện bắt thú thì người không nói dối, không dọa.
Những gấu mẹ đang cho con bú, tưởng nhẹ thân… lại béo ú. Hai vòng ngực, mông to lớn bằng nhau, vòng bụng to thêm như cái xăm xe bò cuốn vào làm thấp lùn, đi lặc lè trong cái lắc đầu ngán ngẩm của bọn gấu bố.
Gấu cụ ra quy ước, những con thú bé tắm trước, đến thú to tắm sau, hà mã, trâu, bò tót, dê, ngựa vằn, voi,… những con nghịch bẩn tắm sau cùng kẻo đục nguồn nước của đứa nhỏ, sạch.
Bầy thú sướng, cười. Thỉnh thoảng mất nước, bọn thú kêu la. Con tàu bụng to cứ một tuần đến bơm nước vào cái thùng ngoài sông.

18. GẤU XIẾC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét