Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

8. GẤU ANH BỊ BẮT



Dù được sóc cảnh báo nhưng gấu anh vẫn không thoát bẫy: nó tụt xuống hố có lưới và bị người chuyền tay nhau mang về nhốt cũi sắt nuôi lấy mật. Cũi gấu to, rộng, chắc hơn cũi của lũ nhím, chồn, cáo, khỉ, voọc, lợn rừng, kỳ đà, cheo cheo, cầy hương,… đang kêu khóc sợ người bắt mang đi… làm thịt tại chỗ. Nhà này nuôi, bán nhiều thú rừng quá!
Trên lầu nhà hàng ồn ào gọi thực đơn: “Rượu mật gụ, mật gụ”, là cái gì? À, chắc kiểu gọi thịt chó là “cầy tơ”, rượu “quốc  lủi” là “nước mắt quê hương” cho có vẻ bay bướm tránh tiếng phàm tục. Rồi tiếng cụng ly “zô, zô…”. Trời ơi! Thịt thú rừng trên đĩa được tưới rượu mật gụ - mật gấu. Người nhậu như lưỡi lửa liếm rừng thì còn đâu sự sống. Có tiếng “khà” khả ố của thực tặc, rồi gật gù: “Đắng, đậm, đã, được,… zô”.
- Đứt. Cứ đà này thì mật mía chẳng có mà húp, người ơi!
Mấy ngày sau sóc mới báo tin đó, gấu bố cuồng lên, gấu mẹ, gấu em khóc lóc thảm thiết. Anh gấu ơi, bây giờ ai cõng em đi chơi, em phải bỏ học ở chỗ thầy gấu cụ dạy lời ăn, tiếng nói, chỗ chị gấu dạy hát và sắp đồ trong hang. Gấu em nhớ gấu anh thường tặng em những món quà quý nhất của rừng, thương anh bị bố mắng, đi bộ mỏi chân, lại phải ăn măng suốt mùa đông. Không biết người có đánh anh không? Mấy gấu ở hang bên sang thăm hỏi, động viên và hy vọng gấu anh trở về.
Trong cũi, gấu anh buồn hết chỗ kêu, chẳng buồn nhìn, ngày nhiều bữa ăn người mang tới. Một hôm, cũi bên có một gấu lớn lim rim mắt chợt bừng tỉnh khi thấy người mang cái gì sáng sáng trong đó có hình gấu, rồi cái kim tiêm to dài như ống nứa chích sâu vào bụng bác gấu. Người ta rút mật gấu ra chia vào các lọ bé tí. Cứ thế, số lần lấy mật tăng lên, sáu tháng rồi xuống ba tháng một lần, bác gấu lả người muốn chết…
Có tiếng ồn ào vào buổi sáng đẹp trời, một tốp người cao, thấp nói nhiều thứ tiếng có vẻ căng thẳng, kiên quyết lắm. Chết rồi, họ làm thịt ư, người vẫn thích cao gấu.
Số phận bạc quá? Gấu anh nhắm mắt nhớ rừng nguyên thủy, nhớ tuổi thơ vội vã qua đi. Mẹ ơi, con nhớ mẹ lúc nào cũng thương yêu chăm sóc cả nhà, bế gấu em mà vẫn bóc măng, phủi cỏ, bụi trên lưng bố con gấu, rồi nhiều bữa mùa đông mẹ nhường mật cho anh em. Con không có lỗi bố ơi, hôm đó con không lấy mật ở hộp ong mà người vẫn bắt, bố hay mắng con nhưng bài học bố dạy đã làm con khôn lớn. Gấu em ơi, có gì không biết hỏi bố mẹ, nhờ sóc bông nhé…
Gấu anh thầm chào tạm biệt mà không ứa được nước mắt.
Cửa chuồng mở, một người to cao, râu rậm, bụng lớn và một người nhỏ hơn mở cửa cũi, lại vào cái cũi khác, rồi lên ô tô, xe chạy qua phố phường tiến về rừng xanh nơi nhà gấu đang sống.
Họ khênh gấu xuống, tháo cũi:
- Về rừng, mạnh khỏe nhé. Đừng đến chỗ có biển cấm.
Không kịp cảm ơn người, gấu anh lảo đảo quỵ xuống rồi vùng dậy chạy về rừng. Hai gấu trở về  trong sự  mừng vui hơn Tết của họ hàng nhà gấu. Gấu mẹ ôm lấy con, tay quệt nước mắt. Cả rừng vui lên, thế là người cứu chúng ta rồi. Gấu bố bảo: Rừng có biển báo gạch chéo hình người thì vào, gạch chéo hình khẩu súng phải cẩn thận, gạch chéo hình gấu chớ có vào, và biển có nhiều con thú thì vào được nhưng đừng sinh sự đánh nhau. 

9. LÂM TẶC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét