Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Phúc tại mẫu



Thuộc diện cốt cán, ông nội tôi là nông dân liệt sỹ chống Pháp (CTV trung đội du kích), bố tôi qua thời chiến, được phong chức, được giao chỉ đạo CCRĐ ở huyện LN-SĐ, tỉnh BG vùng sâu xa, thưa dân nhưng nhiều thổ phỉ.



Trước khi đi, bố tôi về nhà, bà nội tôi bảo “mày làm gì cũng phải để đức cho con cháu”. Bà tôi biết rõ phong trào đấu tố sục sôi “long trời lở đất” nhiều hậu quả. Bà tôi không biết chữ, không đi chùa.

Bố tôi sau này kể: Trên giao 5-10% địa chủ, quốc dân đảng, thổ phỉ, và cả trộm cướp phải đấu, bắt tù. Dựa vào cơ sở, lại xa chỉ đạo ép của trên (do họ tập trung ở vùng xuôi), bố tôi hỏi kỹ anh em trong đội, gặp đối tượng,… và thống nhất ra báo cáo các thành phần có tên với kết luận:

1.Số hộ có nhiều đất, trâu bò, nhà khung gỗ mái tranh, dụng cụ canh tác là dân nghèo dưới xuôi bồng bế nhau đi khai hoang; đất, cây rừng còn đầy. Trâu chăn thả cả đàn trong rừng, nuôi mấy đơn vị tham gia chiến đấu ở đệ tứ chiến khu của tướng Nguyễn Bình. Không phải địa chủ, không có cường hào, dân thuê mượn trâu bò dụng cụ, đổi công theo thỏa thuận.

2.Số người tụ họp là nhu cầu sinh hoạt toàn đánh cờ bài, nhậu nhẹt, ma chay, cưới xin, lễ hội, buôn chuyến lãi khao nhau. Không phải quốc dân đảng. Số thoát ly địa phương chưa xác định là theo Việt Minh hay quốc dân đảng, thổ phỉ hay làm ăn xa, vì họ không về.

3. Người tụ bạ trong rừng núi hang hốc, đó là những nhóm đi làm nương, có “trộm cắp” của chính nhà mình con gà, vịt lên nương làm thịt. Không phải quốc dân đảng, không phải thổ phỉ, trộm cướp giết người.

Tổng kết 0%.

Bố tôi về báo cáo thì bị trên phê bình không hoàn thành nhiệm vụ, cả huyện mà không tìm ra thành phần,… trong khi đó các nơi đạt tỷ lệ cao. Một vị tên Đ đi đấu tố vu oan được biểu dương, trên thăng ngay chức Phó TB TCTU. Vị này đấu không chừa ai, có đối tượng phải nhảy cầu tự vẫn, cấp trên của Đ đang học ở TQ bị đưa về tống Hỏa Lò, ông PMN sau làm Phó VPTTg. Ông phải đập đầu, cấu tay lấy máu viết tường nhà tù để trên quan tâm minh oan.

Tôi hỏi bố nghe bà hay nghe ai? Bố tôi bảo, nghe bà và nghe dân sở tại, bố không sợ bị trên phạt (mặc dù họ bắt kiểm điểm thì bố giải trình như báo cáo đã gửi, và yêu cầu đoàn khác lên kiểm tra). Sau này bố tôi về SĐ, LN, nhiều người dân, cán bộ cốt cán rất thích vì họ thoát chết.

Tại quê tôi, dân chúng còn lưu truyền vụ đấu mẹ đại địa chủ, con là địa chủ đi bộ đội bị đấu nhẹ hơn. Khi các đội về hỏi bố tôi về các con cháu địa chủ đang tại ngũ, bố tôi bảo, lúc bé họ bình thường, lớn lên không đánh đập ai, CMT8 theo ngay VM chiến đấu dũng cảm. Nhưng bà cụ 80 mươi thì quá khổ, chiều đông giá buốt bị phạt đi đào mương, uất ức, bà đã lầm lũi đi trong chiều sương trẫm mình xuống dòng sông Thương. Một thiếu tá con bà đã đi lùi chắp tay lạy cổng làng thề không bao giờ trở lại. Thiếu tá phải chuyển ngành vì trên sợ lâu dài sẽ theo địch trả thù.

Bà nội tôi có người anh trai cùng cha khác mẹ là đại địa chủ, nhưng vì có con đi bộ đội Việt Minh mà chỉ bị đấu, tù đến chết, bị tước đoạt sạch, đến mức hàng cháu ngày nay vẫn mang mối hận thù và một người nói với bố tôi “cả làng chỉ có bà trẻ (tức bà nội tôi ) thương anh em chúng cháu”. Số phận suýt giáng xuống bà nội tôi-vợ liệt sỹ nhưng là em gái đại địa chủ.

Con dâu là cốt cán định đồng thuận với Đội đưa mẹ chồng ra đấu, bà tôi bảo trước “tao 19 tuổi lấy chồng nhà nghèo, được ăn gì của nhà địa chủ”.Thực ra thì bố tôi bảo có được ăn mấy mớ lạc đầu mùa, lũ lụt thì bác địa chủ đến hỏi có gì phải chạy lụt. Có gì đâu…

Nhưng ông bà trẻ bên ngoại nhà tôi nói đúng sự thật, không đấu tố, cảm ơn địa chủ bị Đội mắng và cho đất hoang. Số trung thực không nhiều.

Di họa cuộc CCRĐ còn rất lớn, mối thâm thù âm ỉ đâu đây, người bị oan sai vẫn không được lời xin lỗi, bồi hoàn; họ trả oán bằng cách không hợp tác giúp đỡ, không cho trẻ cưới nhau,…không thăm hỏi nhau vì trong họ hàng đã đấu tố nhau man rợ, nắm tóc, nắm râu nhau, đày nhau đến chết. Và đáng sợ nhất là số đã vượt sang bên kia giới tuyến chiến đấu trả thù, thậm chí đến năm 1975, có viên sĩ quan VNCH vẫn còn giữ đoạn dây thừng treo cổ bố.

Con người từ hoang dã đến văn minh là chặng dài dài của lịch sử, nhưng đến với văn hóa nhẽ còn rất xa.

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

CÔ GÁI GÁC RỪNG (truyện dài)





Tiến tới Tết Trung Thu các bạn đến 4 Đinh Lễ, Hà Nội, mua sách " CÔ GÁI GÁC RỪNG" tặng các cháu, món quà nhân văn sáng tạo cao nhất các thời đại!

ĐT cô bán hàng: 04 3938 7997


Mục lục

Lời giới thiệu

        Cuộc đời mỗi chúng ta mang nhiều mơ ước, khát vọng sống yêu, gìn giữ vun đắp những giá trị tình cảm với thiên nhiên, với truyền thống văn hóa cộng đồng, với cuộc đời bên ta. Có bao điều mãi mãi của riêng vẫn được cất giấu như những gì quý giá nhất, những nỗi buồn day dứt, những nụ cười tươi trên ánh mắt làn môi. Nhớ, sống cho mình, cho nhau, cứ thế dài theo năm tháng và chuyển hóa thành giá trị nhân văn nối tiếp bao thế hệ.
Ấn tượng mạnh nhất đó là ước mơ hành động tuổi trẻ, tình yêu vô tư trong sáng. Khoa phân tâm học lưu ý những ký ức tuổi thơ ảnh hưởng suốt đời con người. Mỗi người là một huyền thoại, một tiểu thuyết tình cảm, một áng thơ, một bài ca, một diễn viên trong kịch bản sân khấu, một bức họa... Chúng ta sống trong hiện thực, nhưng hiện thực đầy mộng mơ và lãng mạn, hiện thực của mỗi thời đại dấu ấn lên mỗi người.
Những góc cạnh của mỗi thân phận cho cách nhìn khác nhau, cách tư duy tình cảm phong phú nhưng đồng cảm với từng nhóm cộng đồng.
Tập truyện “Cô gái gác rừng”, gồm nhiều tập có lẽ là một kỷ niệm cá nhân của tác giả được thăng hoa, hòa đồng với từng nhóm cộng đồng.
Bắt đầu từ cuộc mưu sinh của gia đình gấu ở cánh rừng nhiệt đới phía Đông như nhiều câu chuyện lấy chú gấu làm hình tượng cho cuộc sống. Mưu sinh và cạnh tranh, con người ứng xử với thiên nhiên thế nào cho hài hòa, tránh lỗi lầm bản năng, tránh tội ác hủy hoại. Cánh rừng Đông bí ẩn giữa các nhóm mưu sinh, sinh tồn. Việc một “thực tặc” - kẻ say mê món ăn sinh vật rừng biến thành “dã nhân” là một giả tưởng cảnh báo tội lỗi gián tiếp của nhóm người tàn phá sự sống quanh ta. Những con thú rừng Đông trước những trận cháy rừng, mưa rừng, phá rừng, nước dâng quá mức, đấu tranh trong loài, đàn gia súc chăn nuôi cạnh tranh đồng cỏ và phản ứng của chúng.
Khi xuất hiện con người vào rừng Đông, trong truyện là cô bác sỹ Mom  chăm sóc bảo vệ rừng, đã nhận được sự đồng thuận, và cả sự chống đối của những thế lực cạnh tranh. Chỉ con người với tấm lòng nhân ái, thông minh mới cứu được bầy thú qua lửa thiêu, đói khát, bệnh tật. Con “dã nhân” đã bắt bác sỹ Mom cũng để mưu tìm phục sinh lại kiếp người. Những dòng nhật ký từ ngày cô bác sỹ xinh đẹp bị bắt nhốt trong hang Thủy Thần muốn nói nên lòng nhân hậu, vị tha, sắc đẹp, trí thông minh của con người đã cải hóa những thói hung dữ, tàn ác tồn tại đối lập với xu thế phát triển bền vững.
Những trang viết về bầy thú, cô bác sỹ Mom phiêu lưu mạo hiểm là cách thể hiện đặc biệt tình yêu cuộc sống gợi lại những suy nghĩ tình cảm của bạn đọc về trách nhiệm cá nhân với cuộc đời, với thiên nhiên quanh ta. Tình yêu thiên nhiên, chăm sóc những con thú là chỉ báo về tình cảm, tình yêu của con người.
Lòng nhân ái, lãng mạn đi suốt trong mạch văn tác giả. Lấp ló yếu tố tâm linh ở nhân vật người “Thành phố Bảo Phải Nghe” sống cùng hiện tại nhưng thời gian lại ở phía sau chúng ta 200 năm. Giả tưởng này mơ mộng một tương lai, trân trọng truyền thống, trách nhiệm ngay ở hành động hiện tại. Cái tôi trữ tình thầm kín là đặc trưng của truyện, có gì đó thầm thì, nhỏ nhẹ tâm tình với người đọc. Truyện ít nhân vật, nhân vật không rõ tên riêng nhưng trải trên không gian, thời gian rộng dài càng làm tăng tính mông lung, mỉm cười, suy ngẫm.
Sự xuất hiện yếu tố của thời đại tin học, internet toàn cầu cho thấy giao diện tình cảm đa chiều mà tác giả đã đặt mình vào chính câu chuyện và thoại với nhân vật, đó là nickname - biệt danh HDN - người viết truyện.
Tác giả không chuyên nghiệp, lần đầu thể hiện không tránh khỏi những khiếm khuyết, bù lại là một mạch viết ẩn hiện một trái tim, tâm hồn đã một thời kìm nén, nay bập bùng trên dòng viết vun đắp ngọn lửa yêu thương. Mong bạn đọc sẽ lượng thứ và đóng góp động viên cùng với tác giả trong tập truyện đầy dấu ấn ngộ nghĩnh tuổi thơ.


NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN

    Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

    Mùa thu



     
    Lúa chín vàng trong thung
    Núi không lùn được nữa
    Trời xanh như muôn thuở
    Thu trở về em ơi

    Anh muốn làm mây trôi
    Khắp khung trời cao rộng
    Ru em êm giấc mộng
    Thiên thần thắm nụ hôn

    Trời thu xanh cao hơn
    Trăng vàng lên rực rỡ
    Trăng tròn như muốn vỡ
    Rắc lộc vàng muôn nơi

    Mùa thu về em ơi
    Hoa cúc vàng hương bay
    Men tình lên cơn  say
    Tiếng ca chiều chim hót
    Nắng rớt vàng mật ngọt
    Yêu em yêu mùa thu

    Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

    "Lá đơn đặc biệt" 2 ngày sau khi TQ xâm lược VN năm 1979

    Trong câu chuyện với chúng tôi, cựu binh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là giảng viên trường ĐH Phương Đông), tác giả bài thơ Bình độ 400 nổi tiếng còn cung cấp một lá đơn xin chiến đấu được chép lại mà ông cất giữ như một kỷ vật hết sức thiêng liêng.
    Theo lời ông Hùng kể, chập tối ngày 22 tháng 2 năm 1979, những người lính Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn An Lão, Sư đoàn Sao Vàng, mặt trận Lạng Sơn, đang chiến đấu lấy lại đồi Thâm Mô (gần thị xã Đồng Đăng) thì "tóm" được một thanh niên nhỏ nhắn, da đen, nhanh nhẹn tên Thành, mang theo lá đơn xin chiến đấu.

    "Anh Thành cho biết đã bắt tàu từ Hà Nội lên và đưa cho chỉ huy đơn vị một lá đơn xin cầm súng chiến đấu "Kính gửi các thủ trưởng đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam". Trong đơn, anh Thành bày tỏ không thể ngồi yên học hành khi đồng bào và đồng chí của anh đang đổ máu trên tuyến đầu Tổ quốc bảo vệ từng tấc đất thân yêu. Và anh khẩn thiết đề nghị các thủ trưởng hãy cho anh sống, chiến đấu tại nơi đây... Sau khi xem xét đơn các thủ trưởng đã đồng ý với lá đơn đề nghị của anh.
    Mọi chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu như không có sự việc chỉ sau vài tiếng đồng hồ nộp đơn từ đêm hôm đó đến sáng hôm sau, anh Thành đã không còn nữa. Những người đồng đội đã xác nhận, anh ấy đã chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh tại mặt trận...", ông Hùng bùi ngùi kể lại

    Lá đơn xin chiến đấu chỉ một đêm của liệt sỹ Thành cách đây 35 năm
    Lá đơn xin chiến đấu chỉ một đêm của liệt sỹ Thành cách đây 35 năm

    Năm 1980 nhận hồ sơ, khi lập danh sách đề nghị tiểu đoàn chuyển trung đoàn công nhận liệt sỹ Phạm Quang Thành, đơn vị đã xác định được quê quán của anh ở xóm 2, thôn Mỹ Bổng, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình..

    Trong di vật còn lại được gửi về lên cấp trên bao gồm một số ảnh tập thể sinh viên, thư của người bạn gái, bản chính đơn xin chiến đấu...


    Cũng theo ông Hùng cho biết, liệt sỹ Thành từng tham gia chiến đấu và là thương binh chống Mỹ nhưng vẫn quyết tâm, tự nguyện xung phong lên chiến đấu, anh dũng ngã xuống ở mặt trận biên giới phía Bắc.

    Ông Hùng tâm sự: "Anh Thành nộp đơn xong rồi cầm súng chiến đấu luôn cùng đơn vị và hy sinh ngay trong đêm ác liệt đó nên nhiều anh em vẫn còn chưa biết rõ mặt mà chỉ biết qua những tấm ảnh trong di vật còn lại.

    Hơn 35 năm rồi nhưng chúng tôi vẫn không thể nào quên về anh, một trường hợp rất đặc biệt, đi hàng trăm km lên nộp đơn, chiến đấu và hy sinh chỉ vài giờ sau đó. Tuy nhiên, chỉ có điều canh cánh đến giờ là không biết biết gia đình đã tìm và đưa anh về với quê hương chưa. Thực sự, chiến tranh quá ác liệt và nếu không có nó, có lẽ, anh Thành đã có thể sống và cống hiến cho đất nước nhiều hơn..."


                                    Nội dung lá đơn của Phạm Quang Thành:
    Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
    Độc lập -Tự do - Hạnh phúc
    ĐƠN XIN CHIẾN ĐẤU
    Kính gửi các thủ trưởng trong đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam
    Tên tôi là: Phạm Quang Thành, là học sinh năm thứ nhất khoa toán trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi xin trình bày một việc sau đây:
    Sau khi nghe sự kiện 4 giờ sáng ngày 17-2-1979 bọn phản động Trung quốc đã xâm phạm lãnh thổ nước ta, lòng tôi như lửa đốt. Tôi không thể ngồi yên học hành khi đồng bào và đồng chí của tôi đang đổ máu trên tuyến đầu Tổ quốc bảo vệ từng tấc đất thân yêu. Tôi đã làm đơn xin đi chiến đấu, nhưng vì tôi là một người lính đã trở về trường học tập nên việc xin nhập ngũ là rất khó. Chính vì vậy tôi đã đi từ Hà Nội lên đây và sẽ xin vào công tác ở bất cứ đơn vị cầm súng đánh giặc. Tôi biết đó là một khuyết điểm của mình, nhưng đánh xong giặc tôi sẽ xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân với khuyết điểm của mình. Là một đoàn viên thanh niên cộng sản mang tên Bác Hồ vĩ đại. Tôi càng tự hào bao nhiêu thì tôi càng hiểu trách nhiệm của mình bấy nhiêu. Trong khi tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang vang vọng trong lòng. Vậy, tôi khẩn thiết đề nghị các thủ trưởng hãy cho tôi sống và chiến đấu tại nơi đây. Tôi xin hứa sẽ hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ gì cấp trên giao phó. Được như vậy tôi chân thành cảm ơn

    Hà Nội ngày 19/2/1979
    Người làm đơn
    (ký tên)
    Phạm Quang Thành
     ----------------

    Bổ sung bài viết
    Mặt sau lá đơn
    “Hy sinh anh dũng ngày 22-2-1979 tại đồi Thâm Mô, phía nam Đồng Đăng”*
      * Là chữ của anh Nguyễn Đình Loan, chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn An Lão, Sư đoàn Sao Vàng, người bắt tướng Nguyễn Vĩnh Nghi ở Phan Rang năm 1975). Quê anh Loan ở Lục Nam, Bắc Giang.
     --------------
    Người chép lại đơn lần 2
    Ngày 26.9.1981
    Ký tên**
    Đơn vị HT 1a. 6220 L.Sơn.

    Chiến tranh biên giới 1979:Ký ức đau đớn về những quan tài rỏ máu


    Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

    Cựu binh biên giới phía Bắc kể về trận Bình độ 400

    Nguyễn Mạnh Hùng là cựu binh tham gia trận Bình độ 400 ác liệt ở Lạng Sơn năm 1981. Hơn thế, ông còn là tác giả của bài thơ rất hay viết về trận đánh này cũng như hình ảnh người lính trong chiến tranh biên giới phía Bắc. 

    Một thời chinh chiến giữ biên cương
    Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết ông nhập ngũ tháng 8/1978 lúc đang là sinh viên trường đại học Kinh tế Quốc dân. Khoảng 8 tháng sau, ngày 4/3/1979 ông được điều về đơn vị thông tin thuộc trung đoàn 2, sư đoàn 3 Sao Vàng trấn thủ biên giới phía Bắc

    Ngày ông lên là lúc Trung Quốc cũng bắt đầu rút nhưng ông nhấn mạnh: “Mọi người thường tưởng quân Trung Quốc rút ồ ạt về nước nhưng không phải. Nó rút từ từ và vừa rút vừa phá hoại, trong lúc rút vẫn bắn phá để đảm bảo an toàn. Tôi chứng kiến thị xã Lạng Sơn bị phá hủy hết. Những tòa nhà lớn xây từ thời Pháp, lính Trung Quốc cứ ốp bộc phá ở hai đầu và một quả ở giữa. Khi bộc phá nổ, tòa nhà không sập hẳn nhưng cũng tan hoang không thể sửa chữa được nữa”.
    Cựu binh biên giới phía Bắc kể về trận Bình độ 400 - Ảnh 1

    Bản đồ trận chiến ở Bình độ 400.

    Và chiến tranh chưa kết thúc. Quân Trung Quốc vẫn đóng sát biên giới gây áp lực quân sự, tiếng súng vẫn nổ từng ngày. Ở khu vực Lạng Sơn, năm 1981 lại diễn ra một trận đánh lớn ở khu vực bình độ 400 thuộc xã Thanh Hòa, huyện Cao Lộc. 

    Trận này, ông Hùng là người trực tiếp tham gia. Ông kể lại:  “Trận Bình độ 400 có nhiều trung đoàn tham gia nhưng trung đoàn 2 lúc ấy được tướng Hoàng Đan đến tận sở chỉ huy động viên chiến đấu. Khu vực này có đặc điểm là sườn phía mình dốc còn phía bên Trung Quốc thì thoải hơn nên lính Trung Quốc đào hầm bê tông trú ẩn và làm được cả đường cho xe chạy. 

    Lúc đó Trung Quốc xua quân chiếm giữ điểm cao này còn ta đưa quân lên phản kích lấy lại. Quân Trung Quốc có lợi trên cao và có công sự vững chắc cho nên mình chỉ pháo kích và dùng đặc công đánh thôi chứ không ào ào đánh cả trung đoàn được. Chúng tôi ở tuyến sau cứ áp sát vào là pháo bắn như mưa lại phải bò xuống không tiến lên được”.
    Cựu binh biên giới phía Bắc kể về trận Bình độ 400 - Ảnh 2

    Cựu binh Nguyễn Mạnh Hùng - người mặc áo đen ngoài cùng bên trái ảnh. Ảnh do nhân vật cung cấp.

    Nhiều cựu binh tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc đều kể rằng quân Trung Quốc có rất nhiều pháo và bắn không tiếc đạn. Tuy nhiên, kỹ chiến thuật của lính bộ binh Trung Quốc thì không bằng lính Việt Nam. 

    Ông Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Nếu đụng độ thuần bộ binh thì lính Trung Quốc kém xa lính mình. Về sau chúng tôi phát hiện ra là lính TQ không phải tất cả được trang bị vũ khí, nhiều tên đi tay không. Mà những loại đấy chúng tôi cho chỉ là bọn đi đánh hôi. Có nhiều tên chết tay vẫn ôm một bao khoai lang. Không thể bằng lính mình được huấn luyện bài bản. Chúng chỉ ào ào xông lên nhưng hễ gặp hỏa lực mạnh là nó chạy. 

    Thêm nữa, sau này có lần chúng tôi gặp một quả đồi mà Trung Quốc từng đóng thì thấy có mặt đất chi chít hầm hàm ếch tránh pháo, hướng tránh thì đúng nhưng mật độ thì dày như tổ ong. Về nguyên tắc, đào dày như thế dễ thương vong lớn nếu chẳng may trúng pháo. Điều đó cho thấy lính không tinh nhuệ”. 

    Đặc biệt, Việt Nam có những vị tướng dày dạn trận mạc. Như ở biên giới phía Bắc thời đó có tướng Hoàng Đan nổi tiếng với câu nói “sống, chết, thời, vận, số”. Có câu chuyện nói rằng khi ông đi thị sát gặp lúc địch bắn pháo như mưa nhưng ông vẫn ngồi yên quan sát và nói đại ý số anh chết thì đạn pháo nó còn biết đường tìm vào hầm của anh. 

    Ông Nguyễn Mạnh Hùng kể rằng tướng Hoàng Đan thường hay lấy một câu chuyện ngụ ngôn để động viên lính. Câu chuyện là có một ông bị thầy bói bảo là số bị hổ vồ cho nên không sống gần rừng, không dám vào vườn bách thú. Nhưng một hôm vào chùa nhìn thấy tượng con hổ hoảng quá đập đầu vào tường mà chết. 

    Với những người chỉ huy và bộ đội như vậy nên một dải biên cương của tổ quốc đã được bảo vệ vững chắc. Sau khoảng 1 tháng chiến sự kịch liệt, cả hai bên đều rút lực lượng xuống không giữ bình độ 400 nữa và biến nó thành túi đựng pháo.

    Nỗi ám ảnh chiến tranh
    Sau trận chiến tháng 5/1981 gần 20 năm, ông Hùng viết bài thơ Bình độ 400 với nhiều hình ảnh vô cùng xúc động. Chẳng hạn: “Lắc lư xe quan tài chạy về sau, máu rỏ xuống đường cuộn vào cát bụi” hoặc “Đạn cày xới đất tơi trồng cây tốt, tưới máu người cướp giữ đất biên cương”.
    Cựu binh biên giới phía Bắc kể về trận Bình độ 400 - Ảnh 3

    Tập trường ca của cựu binh Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh do nhân vật cung cấp.

    Bình độ 400
    Đêm tháng Năm vào bình độ 400
    Đoàn xe trôi êm tầm đại bác
    Thuốc súng tanh lá rừng kêu xào xạc
    Chúng no máu rồi không cắn nữa đâu

    Lắc lư xe quan tài chạy về sau
    Máu rỏ xuống đường cuộn vào cát bụi
    Lại xe quan tài vượt lên lầm lũi
    Tốp thương binh bê bết máu mặt mày

    Đám giặc kia thánh phật dạy ăn chay
    Chẳng kiêng gì ngày Rằm mùng Một 
    Đạn cày xới đất tơi trồng cây tốt
    Tưới máu người cướp giữ đất biên cương

    Tư lệnh Hoàng Đan trận này cầm quân
    Ông bảo rằng "sống chết thời vận số"
    Cả trung đoàn ào ào như thác lũ
    Bình độ 400 bình độ trận người

    Những chàng trai sống chết trận này ơi
    Máu đổ xuống ông trời tuôn nước mắt
    Ơn nhớ mãi thân người đi giữ đất
    Người trở về ăn, sống, ở ra sao?
    Ông bộc bạch về nỗi ám ảnh đã thôi thúc ông viết nên những câu thơ ấy:  “Khi tôi hành quân trên đường gặp những chiếc xe quan tài chở tử sĩ từ mặt trận về tuyến sau và những chiếc xe quan tài không từ hậu phương tiếp tục chạy lên biên giới. Hồi ấy cũng chu đáo hơn trước, bộ đội hy sinh có quan tài để khâm liệm. Nhưng đang thời chiến, khâm liệm chỉ sơ sơ và đợi xe chở đạn vứt các hòm đạn xuống thì đặt quan tài lên chở về sau. Vì thế nên khi xe chạy, máu từ trong quan tài chảy ra nhỏ xuống đường.
    Nhưng chúng tôi còn sợ hơn khi nhìn thấy xe chở quan tài trống từ hậu phương ra. Tất nhiên những xe quan tài ấy thỉnh thoảng mới gặp nhưng mà mỗi lần nhìn thấy là hãi lắm. Điều đó cho thấy chiến sự ác liệt lắm. Những hình ảnh đó đã ám ảnh tôi cho đến tận hai mươi năm sau khi xuất ngũ”. 

    Tác giả cũng là người khá trăn trở với câu chuyện những người lính trở về đời thường. Những chàng trai đang tuổi bước vào đời với bao mơ ước đành gác lại để cầm súng bảo vệ biên cương, sau mấy năm chiến đấu trở về mọi thứ đều lỡ dở. Đó chính là ý nghĩa của câu thơ “Người trở về, ăn, sống, ở ra sao?”. 

    Ông Hùng tâm sự: “Tôi muốn nói rằng những người lính trở về cuộc sống đời thường vất vả mưu sinh rất khó khăn. Như cá nhân tôi trở về lại đi học đại học thì thấy bình thường nhưng nhiều anh em khác vất vả lắm, phải đi bơm xe, chạy chợ rất vất vả.
    Tất nhiên sự đãi ngộ cho anh em cũng có hạn thôi nhưng nếu không có chiến tranh thì cuộc sống họ sẽ khác đi nhiều. Nhiều người sẽ không phải chết, không bị thương tật và sẽ có công ăn việc làm tốt hơn vì họ không mất những năm tháng tuổi trẻ”.
    Kết thúc cuộc trò chuyện ông nói với chúng tôi: “Chiến tranh là mất mát đau thương nên cần tìm mọi cách để tránh. Nhưng nếu khi hết mọi cách thì phải dũng cảm chiến đấu để trước hết bảo vệ cuộc sống của mình. Thời chúng tôi chỉ nghĩ giản đơn, bất kể kẻ nào xâm lược Việt Nam thì chúng tôi phải cầm súng chống lại”. 

     Trần Vũ
    http://www.nguoiduatin.vn/cuu-binh-bien-gioi-phia-bac-ke-ve-tran-binh-do-400-a141435.html 

     

    Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

    Tưởng nhớ những người lính các thời đại bảo vệ Tổ quốc Việt Nam


    Bao nhiêu người giống tôi lứa tuổi
    Đã trở thành huyền thoại mây bay
    “Không ai biết mặt đặt tên nhưng họ đã làm nên ĐẤT NƯỚC”
    ---------------
    Trời xanh sau trước gặp nhau
    Các thời chinh chiến chụm đầu “Thiên Phây”:

    1- Hai Bà bảo tớ cầm chầy
    Đánh quân Mã Viện chết đầy hai bên
    Chúng dân thương xót khắc tên
    Tuyền là bậc tướng đặt lên chùa chiền

    2. Bà Triệu thúc cồng đi liền
    Giữa lúc trận tiền miềng thấy chú voi
    Ba vòi quật giặc tơi bời
    Rụi mắt kêu trời ! cặp vú Triệu Trinh

    3.Tớ theo Lý Bí chiến chinh
    Sau về Dạ Trạch toàn rình bẫy chim
    Giặc Lương đói quá đi tìm
    Cua cá, ốc ếch rồi dìm giết nhau

    4.Đại vương- Bố Cái to đầu
    Mỗi khi xuất trận một chầu nem tai
    Thắng thua hai bên chạy dài
    Mình lên mạn ngược làm giai xứ Mường

    5. Theo họ Khúc ra sa trường
    Mũi tên thì ít nên thường đậu bay
    Ném hòn đá bằng nắm tay
    Vấp ngã xuống hố chết ngay tức thì

    6. Vua Đen đến núi Ba Vì
    Tớ lạc vào bản tên gì ? toàn tiên
    Ban ngày họ sống rất hiền
    Mặt trời chợp mắt họ liền chọi nhau!
    Toàn thân thể tớ nhức đau!
    Quá giang mấy tháng trực chầu Diêm vương…

    7. Mình theo phò mã họ Dương
    Đánh quân Nam Hán vào đêm sương mờ
    Ngô Quyền không thích làm thơ
    “Đằng giang tự cổ huyết do hồng đào”
    Anh em tử trận được vào
    Miếu thờ bé xíu ngạt ngào hương thơm!
    Chiến thắng, Ngô Vương mời cơm
    Mình nhận bổng lộc tinh tươm rồi về!
    Xương Văn, Xương Ngập lại thuê
    Đánh nhau loạn xạ mình nghê lắm rồi
    Hai thằng Thái tử quá tồi
    Nhà Ngô sụp đổ loạn mười hai quân!

    8. Thua trận bị bắt thay quần
    Miềng theo Bộ Lĩnh đóng gần Hoa Lư
    Một tên chủ tướng rất hư
    Bắt lính bọn tớ trả thù linh tinh,…
    Làm lính cận vệ Nhà Đinh
    Thấy quan đổi chác tiền tình vợ con
    Dê thui Tràng Yên rất ngon
    Tiên Hoàng khi mất tay còn nâng ly!


    9. Vân Nga biết trước bỏ đi
    Lê Hoàn sướng quá ôm ghì lấy ngay
    Vài tháng Thái hậu vung tay
    Long bào phấp phới, cối chày âm vang
    Lính lác được bữa tiệc sang
    Sau theo Thập đạo Lê Hoàn đánh nhau!
    Đinh Điền, Nguyễn Bặc thua đau
    Bình Chiêm- Phá Tống đục ngầu máu me
    Tử trận ở dưới lũy tre
    Miềng về thiên cổ vẫn nghe tiếng hò!

    10. Ngọa triều chân giữa rất to
    Chính là trĩ ngoại sưng thò thành đuôi
    Công Uẩn tuyển mộ thân tôi
    Đồng hương kinh Bắc một thời cá tôm!
    Giờ đây nhớ mãi một hôm
    Ngọa triều róc mía chồm chồm đầu sư
    Miệng rằng: “ tu gì mà hư
    Cơm độn thịt chó ngất ngư rượu chè”…

    Dời đô mình phải đi bè
    Gặp cơn sóng dữ sớm về cao Xanh

    11. Thái Tổ định đô Long Thành
    Chiếu thơ bay bổng dân lành hò reo
    Kinh kỳ ngày ấy rất nghèo
    Chùa chiền vài chiếc lèo tèo ngựa xe

    Công Uẩn trị quốc tài nghê
    Đền chùa xôi oản xum xuê bốn mùa
    Sư anh, sư cô, sư chùa
    Tắm tiên kỳ cọ tẩy xua bụi trần

    Miềng làm lính lệ có phần
    Sau lên biên ải đi tuần rồi thăng!

    12.Nhạc hiếu Thái Tổ tằng tằng
    Tam vương loạn xạ “mày thằng” tranh ngôi
    Miềng theo Phụng Hiểu không tồi
    Công trạng dẹp loạn được ngồi chiếu trên

    Bạn miềng theo Tam vương điên (3 em của Lý Thái tông giành ngôi)
    Được tha tội chết, đày miền núi xa!

    Hồi đó thọ nạn trộm gà
    Tra xét nhiều vụ hóa ra tại chùa
    Oản xôi chay tịnh nhạt chua
    Phật tử mất nết gom mua nhốt lồng

    13. Dưới cờ vua Lý Thái Tông
    Đánh quân Chiêm ở phía trong mấy lần
    Đồng đội mình nát dưới chân
    Voi Lào hung dữ đến gần Ái châu (Thanh Hóa nay)

    Đánh nhau với Nùng Trí Cao
    Phá  mưu Tống nhập ta vào Ung Châu!
    Bạn mình bị ném vỡ đầu
    Dân Tày chữa trị rất lâu không về


    14. Viễn chinh phương Bắc mải mê
    Hỏa công đánh phá thành trì hai châu

    Một lời nhắn nhủ mai sau :
    Bọn mắt một mí quân Tầu lỳ gan
    Chúng lao vào lửa cả đàn
    Tự thiêu, tự vẫn nhiều ngàn dân binh !

    Bao mồ viễn xứ lặng thinh
    Trở về Tổ quốc chúng mình chắp tay:
    “Cầu Trời phù hộ chúng mày
    Ngàn năm sau nữa đất dày phủ lên!”


    Như Nguyệt soi dãy Nham Biền
    Quách Quỳ xua lính trâu điên trả thù
    Sơn lam chướng khí mịt mù
    Quân Tống mắc bệnh gà rù H5
    Chúng mình trấn ải bờ Nam
    Tổ tôm, tá lả, quýt cam, rượu trà

    Thái úy chưa đến tuổi già
    Đêm đêm màn trướng đàn bà vào thăm

    15. Cha xuất ngũ về nuôi tằm
    Chiến chinh sứt sẹo được tầm mẫu hai
    Miềng đang lùa vịt, quăng chài
    Chiều mõ bớ bớ,… sáng mai lên đường
    Thương con mẹ ấn hũ tương
    Cha cho vài mẹo sa trường tránh tên...

    Quân Chiêm xâm lược cuồng điên
    Cướp bóc, phá phách, hiếp liền bà xinh!

    Dừng chân Nhật Lệ- Quảng Bình
    Các o trẻ đẹp ra đình đón quân
    Nhiều chú tụ bạ lần chần
    Rủ mình đảo ngũ vào dân sống nhờ
    Chợt nghe vang vọng câu thơ
    Sơn hà Nam quốc mở bờ cõi xa…

    Lìa trần trong tiếng hò la
    Trận tiền khói lửa quân ta chết nhiều
    Giờ đây trong cõi phiêu diêu
    Khói hương trần thế mình liều về chơi
    Thấy nhiều “ma học” khơi khơi
    Bới đất lừa cốt ở nơi dương trần!

    (còn nữa)